NLVH: Dù anh viết xuôi viết ngược như thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ, về lòng căm thù

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi chiri256, 24 Tháng năm 2020.

  1. chiri256

    Bài viết:
    3
    Đề bài:

    Câu 1:


    Vì sao nói "Không có sách là không có tri thức"?

    Trả lời câu hỏi trên bằng đoạn văn khoảng 200 chữ.

    Câu 2:

    Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết:

    "Dù anh viết xuôi viết ngược như thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán chường thì rốt cuộc vẫn để truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát ngát vào cuộc sống".

    Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

    Hướng dẫn:

    Câu 1:


    Không có sách thì không có tri thức. Quả đúng là như vậy, sách là bạn, là nguồn tri thức vô tận của nhân loại, sách là kết tinh của những giá trị nhân văn từ bao đời nay. Có thể nói sách là nơi bắt nguồn của những kiến thức, sách cung cấp cho con người những điều cần phải học hỏi. Sách còn lưu trữ những kinh nghiệm quý báu để lại cho thế hệ mai sau. Sách giúp con người hiểu thêm về những điều đã biết, mở mang trau dồi những điều con người chưa hay. Sách không chỉ cho ta kiến thức, mở ra cho ta những chân trời mới, đến những vùng đất mới, hiểu thêm về các dân tộc anh em mà sách còn dạy cho ta cả những kĩ năng trong cuộc sống. Không có sách cũng như việc mất đi một kho tàng tri thức vô tận, mất đi những người bạn đồng hành trên con đường mở khóa và chinh phục tương lai. Bác Hồ đã từng nói "không có sách thì không có tri thức, không có chủ nghĩa Mác Lê- nin và chủ nghĩa xã hội." Như vậy có thể nói, sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người. Không có sách là không có tri thức.

    Câu 2:

    a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn ý kiến.

    b) Thân bài

    * Giải thích ý kiến:

    - "viết xuôi viết ngược" : cách viết, hình thức thể hiện.

    - "viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán chường" : nội dung biểu hiện – thiên về những cảm xúc nghịch chiều, những mặt tiêu cực của cuộc sống.

    → Ý kiến trên đề cập đến yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tác và chức năng giáo dục của văn học: Người nghệ sĩ lựa chọn viết theo hình thức nghệ thuật nào, viết về bất cứ nội dung gì, kể cả những"mảng tối" của hiện thực, của cảm xúc.. đều phải đem đến cho người đọc niềm lạc quan, tin yêu vào cuộc sống, vào con người; hướng người đọc vươn tới những giá trị chân, thiện, mĩ.

    * Bàn luận ý kiến.

    Ý kiến của Nguyễn Minh Châu là đúng đắn và xác đáng vì:

    - Xuất phát từ đặc trưng văn học: "Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống", vì vậy mọi mảng hiện thực – "sáng" hay "tối" đều là đối tượng phản ánh của văn học. Điều quan trọng không phải là anh "viết về cái gì" mà là anh viết để "hướng tới điều gì".

    - Xuất phát từ chức năng bao trùm của văn học là "nhân đạo hóa con người", giúp con người sống tốt hơn, nghị lực và kiên cường hơn. Giá trị cuối cùng của văn học là "nâng đỡ" con người, đặc biệt là "những người cùng đường tuyệt lộ" chứ không phải là dập tắt hi vọng của con người, để con người không biết bấu víu vào đâu. Vì vậy "nhà văn lớn phải là những người nhân đạo từ trong cốt tủy".

    - Xuất phát từ khát vọng của người viết: Người nghệ sĩ luôn mang trong mình một con mắt tinh tế, một trái tim nhạy cảm. Họ luôn muốn phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống bằng những tình cảm chân thật, tha thiết vào từng trang sáng tác. Từ đó, họ muốn hướng người đọc tới những tình cảm, giá trị tốt đẹp.

    - Xuất phát từ yêu cầu của người đọc: Bạn đọc bằng kiến thức, trải nghiệm, vốn sống.. sẽ làm sống dậy hình tượng; khắc phục những chỗ bỏ lửng, khoảng trống, khoảng trắng.. từ đó thấu hiểu, tìm được ý nghĩa tác phẩm và tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm.

    - Xuất phát từ thực tiễn: Trong sáng tác văn học từ xưa đến nay, những tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm tư tưởng sâu sắc được tạo nên từ trái tim giàu cảm xúc của người cầm bút. Những sáng tác vượt qua được sự đào thải khắc nghiệt của thời gian là những sáng tác hướng con người tới các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

    * Làm sáng tỏ qua một số tác phẩm thơ (6, 0 điểm)

    Thí sinh chọn lọc dẫn chứng (từ hai tác phẩm trở lên, trong hoặc ngoài chương trình) để chứng minh cho ý kiến của Nguyễn Minh Châu. Từ việc phát hiện ra đặc trưng của văn học trong các dẫn chứng đã lựa chọn, thí sinh làm rõ trên hai phương diện cơ bản:

    - Viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán chường..

    - Truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát ngát vào cuộc sống.

    (Chọn lọc dẫn chứng có sức thuyết phục để chứng minh)

    * Đánh giá, mở rộng.

    - Bài học cho người tiếp nhận: Phải sống sâu sắc với đời, với người, phải có trách nhiệm với việc cầm bút của mình. Thông qua tác phẩm, tác giả phải gửi được những thông điệp mang giá trị nhân văn sâu sắc, như vậy tác phẩm mới có sức sống trường tồn trong lòng người đọc.

    - Bài học cho người sáng tạo: Phải đồng cảm, tri âm với tác giả thông qua tác phẩm. Có như vậy tâm hồn người đọc mới được bồi đắp, trở nên giàu có và tràn đầy niềm tin yêu với cuộc sống.

    c) Kết bài: Đánh giá, khái quát lại, nâng cao vấn đề.
     
    Mạnh Thăngthuhang123 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 10 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...