27. Trưởng thành cùng con cái Bấm để xem Sau khi tốt nghiệp Học viện Sỹ quan Cảnh sát, tôi được điều chuyển về công tác tại Viện cải huấn thiếu niên Đào Nguyên, đảm nhận nhiệm vụ huấn đạo viên theo lớp. Sự rèn giũa trong quãng thời gian này đã mang tới rất nhiều nguồn cảm hứng cho sự nghiệp chuyên môn của tôi. Khi đó một lớp ước chừng có khoảng 50 em học sinh, do ba giáo viên thay phiên nhau trực lớp, trên lớp lúc nào cũng duy trì hai giáo viên, 24/24 ở bên cạnh học sinh. Nhìn qua thì có vẻ giáo viên sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn đối với học sinh, nhưng trên thực tế, những gì mà giáo viên có thể làm được lại vô cùng hạn chế. Bởi bản chất của mỗi học sinh chịu ảnh hưởng từ gia đình, trường học và xã hội, giáo viên dù cố gắng tiếp cận với chúng đến thế nào đi nữa cũng chỉ có thể tác động tới bên ngoài mà thôi, còn với tất cả những gì thuộc về thế giới nội tâm thì đều hoàn toàn bất lực. Một học sinh trước khi bị đưa đến Viện Giáo dưỡng, thông thường đều từng có hồ sơ liên quan đến một số lần phạm tội và có "kinh nghiệm" ra vào Sở Cảnh sát hay Sở Bảo hộ thiếu niên đôi ba lần. Trong cơ cấu cải huấn đều tồn tại một loạt quy tắc ngầm, ma cũ bắt nạt ma mới, lớn bắt nạt bé, mạnh bắt nạt yếu... Nếu như không đi sâu quan sát và tìm hiểu, chỉ nhìn từ bên ngoài vào sẽ không thể phát hiện ra điều gì khác biệt. Trong quá trình học tập bốn năm ở Học viện Sỹ quan Cảnh sát, tôi đã định ra một phương hướng cho bản thân, đó chính là nguyện dốc sức cả đời phục vụ những thanh thiếu niên lầm đường lạc lối. Vì vậy, khi mới bước vào Viện Giáo dưỡng, tôi chỉ có một bầu nhiệt huyết và lý tưởng cao cả mà không biết làm thế nào để bắt tay vào giúp đỡ, thậm chí có đôi lần khiến cho những đứa trẻ yếu thế kia phải chịu nhiều tổn thương hơn. Còn nhớ lần đầu tiên ngẫu nhiên phát hiện ra một học sinh gầy gò nhỏ thó, trên người có rất nhiều nốt sưng tấy màu đỏ, tôi nhầm tưởng rằng em đó bị bọ chét cắn hoặc nhiễm bệnh da liễu, nhìn kỹ hơn mới biết đó là những vết thương do bị vật nhọn đâm vào. Dù cho tôi có gặng hỏi thế nào chăng nữa, nó cũng chỉ ngậm nước mắt, chứ tuyệt nhiên không dám khai ra đứa bạn đã làm mình bị thương. Tôi cho rằng đây chính là do bản thân đã không hoàn thành trách nhiệm, cha mẹ đem con em mình giao cho giáo viên quản lý, giáo viên lại bất lực chẳng thể bảo vệ chúng. Tôi không thể chấp nhận nổi sự bất lực của mình liền tiến hành cách ly kiểm tra xét hỏi từng đứa, khi đó mới phát hiện ra không chỉ có một học sinh bị thương, trên cơ thể của những đứa trẻ thấp bé nhẹ cân hoặc mới chuyển đến đều có hai ba vết chích như vậy. Những học sinh này lo sợ bị trả thù, nên đều không dám nói ai đã gây ra. Trên lớp có một vài nhân vật thuộc diện "đại ca", tôi hẹn gặp chúng nói chuyện, chúng liên tục phủ nhận. Mãi cho đến một ngày khi tôi đang dạy môn Ngữ văn, bỗng có một học sinh phát điên lên, cầm bút đâm mạnh vào người một học sinh khác. Sự việc xảy ra quá đột ngột, sau khi ngăn được học sinh kia, một mình tôi ngồi trò chuyện với nó suốt một hai tiếng đồng hồ, lúc này mới biết trên lớp phân ra làm hai phe, mỗi phe có một thủ lĩnh riêng. Học sinh nào mới vào đều phải tự chọn phe, những đứa thấp bé thường bị đánh đập, hoặc làm bao cát chịu tội thay. Để tự bảo vệ chính mình, những học sinh yếu ớt đều phải làm mọi cách để hầu hạ, nịnh bợ đại ca của phe đó. Sau khi biết được chuyện này, trong lòng tôi vừa phẫn nộ vừa đau đớn, nhớ lại thuở thơ ấu thường bị bắt nạt của mình, trong tim như bừng lên ngọn lửa chính nghĩa, chỉ muốn bắt những học sinh cầm đầu kia đánh cho một trận nhớ đời. Tôi đi thỉnh giáo những đồng nghiệp gạo cội, họ dường như đều đã quen với những chiêu trò của đám học sinh này, còn bảo với tôi rằng "Đó là vì chúng nó xem Cảng kịch19 nhiều quá". Đối với câu trả lời này, tôi thực sự không thể chấp nhận nổi! Tôi không thể dung thứ cho kiểu ỷ mạnh hiếp yếu này được. Vậy nên một buổi chiều nọ, khi đến thời gian vận động, tôi bắt toàn bộ học sinh phải cởi trần, và gọi những học sinh trên người có vết đâm đứng tiến lên trước hàng đầu, để cho tất cả mọi người nhìn rõ những vết đâm bằng bút bi hoặc đũa. Những học sinh này cũng được cha mẹ nuôi nấng, ngày hôm nay dù chúng gầy gò bé nhỏ, nhưng chúng cũng sẽ trưởng thành và cao lớn hơn. Tôi không hy vọng rằng sẽ lại phải nhìn thấy những vết thương này, nếu không tôi sẽ dùng bạo lực để trị bạo lực, trị lại gấp một trăm lần, đánh người một lần, tôi sẽ phạt đánh 100 lần! Khi bắt đầu, tôi tích cực kiểm tra, dường như tình trạng đánh đập cũng ít đi! Nhưng một ngày nọ tôi thấy trên mặt của cậu học sinh thấp bé kia lằn một vết năm ngón tay, khi tìm ra thủ phạm, trước mặt cả lớp tôi đã đánh 100 roi vào mông học sinh đó. Cậu học sinh to con này, mãi đến khi tôi rời khỏi Viện Giáo dưỡng vẫn không thể tha thứ cho hình phạt nặng đến vậy của tôi. Nó nói rằng do tâm trạng không tốt, nhất thời không kiểm soát được nên mới ra tay đánh người. Khi đó tôi cho rằng tất cả những vụ bạo lực đều xuất phát từ việc không kiểm soát được cảm xúc, vậy nên không thể viện cớ đó mà đánh người. Nó trả lời tôi – thầy cũng đang đánh người đấy thôi! "Lấy bạo lực để trị bạo lực" luôn là một mô thức quản giáo truyền thống, nhưng quản giáo một cách bạo lực lại là một sự dạy dỗ và thị phạm không ổn nhất. Bởi vì, bạo lực hữu hình là tổn thương da thịt, nhưng tổn thương của bạo lực tinh thần còn nhiều hơn gấp bội. Bạo lực về mặt tinh thần, như sự tổn thương vì bị ghẻ lạnh, cô độc, đối địch, coi thường hoàn toàn không ít hơn bạo lực cơ thể. Sau khi trải qua rất nhiều chuyện tôi mới hiểu được nỗi đau đớn và bất an trong tâm can những học sinh bị vứt bỏ bên lề của hai phe phái lớn trong lớp kia! Ở trong Viện Giáo dưỡng, tôi còn phát hiện thấy động tác của những học sinh thấp bé kia rất chậm. Vốn dĩ tưởng rằng do còn nhỏ nên phản ứng của chúng không kịp, sau này mới biết rằng mỗi một đứa trong số chúng đều phải giặt quần áo lót và rửa bát đũa của bốn hay năm đứa khác. Mọi người có mì gói hay đồ ăn vặt để ăn, còn chúng chỉ có thể uống canh hoặc ăn những miếng còn sót lại, ngay cả quần áo lót mới của chúng được bố mẹ mua cho, cũng bị chặn cướp giữa đường. Không chỉ là quần áo phơi ngoài sân biến mất, mà ngay cả tắm giặt cũng không có xà phòng, đánh răng không có kem đánh răng, ăn cơm chỉ có thể ăn cùng canh, không được gắp thịt, gắp rau... biết bao sự bất công xảy ra ngay trước mắt, cứ như vậy dần trở thành nỗi đau nhức nhối không cất nên lời trong tim tôi. Những mánh khóe hay thói xấu tồn tại trong các trại giam và trung tâm giáo dục trẻ vị thành niên, chúng đều đã thuần thục. Ví dụ ngay trong chính môn Lý luận tội phạm học, thanh thiếu niên không có cách nào giành được sự công nhận bằng những con đường thông thường từ xã hội, vì vậy chúng sẽ chuyển hướng tìm đến sự công nhận theo văn hóa cấp bậc của xã hội. Căn cứ theo quá trình trưởng thành của những đứa trẻ này và chính bản thân tôi, vì không thể thích nghi với cuộc sống trường học – thành tích yếu, tương tác xã giao kém – nên chúng đều trở thành một đám trẻ thất bại của giáo dục nhà trường, bên cạnh đó, chúng lại không thể nhận được sự ủng hộ và công nhận từ phía gia đình. Tôi may mắn khi tìm ra được lối ra, còn chúng thì sao? Với hiện thực xã hội này làm thế nào để những học sinh tiểu học, trung học lạc lối kia tìm ra một con đường để có thể nỗ lực và giành được thành tựu đây? Khi tôi còn nhỏ, học hành không giỏi thì còn có thể đi học nghề, ví dụ như điêu khắc, thợ hồ, thợ trang trí, hoặc cắt tóc các kiểu, sau 34 năm học việc ra ngoài tự bươn chải thì chắc chắn sẽ có địa vị xã hội. Thế nhưng trẻ em ngày nay đều coi những công việc tay chân là vô tích sự, là khổ sở nên không cam tâm, nhưng học hành thì cũng không xong, chỉ có thể lưu lạc trong những tụ điểm ăn chơi. Đứa nào to con hung hãn thì dùng nắm đấm để giành miếng ăn, bắt nạt kẻ yếu; những đứa thấp cổ bé họng, chỉ có thể chờ đợi để bị chèn ép bắt nạt! Công bằng ở đâu? Tương lai của chúng sẽ ở đâu? Tôi nhiều lần khuyên nhủ động viên những đứa trẻ này phải chịu khó học hành, quay trở lại trường, có một vài học sinh sau khi rời khỏi Viện Giáo dưỡng, chỉ đến trường được một thời gian lại tiếp tục bỏ học! Tôi không thể hiểu và đoán định được, những đứa trẻ mười mấy tuổi này, vừa không có một kỹ năng sở trường nào, vừa không thể chịu khổ lăn lộn, mười năm sau khi có gia đình, con cái, thì chúng làm thế nào để chăm sóc được con cái của mình? Và những đứa bé không được chăm sóc một cách chu toàn này, rất có thể sẽ lại bước theo vết xe đổ của cha mẹ chúng! Phạm tội không xuất phát từ di truyền, mà là số phận của những người không thể làm lại cuộc đời bằng quá trình giáo dục. Những gia đình có hoàn cảnh kinh tế tốt thì thường có nhiều thời gian và điều kiện chăm lo cho con cái, những đứa trẻ lầm lỗi lại thường xuất thân từ trong những gia đình kinh tế khó khăn. Thế nhưng công cuộc cải cách giáo dục trước mắt dường như chỉ nới rộng thêm khoảng cách giữa kẻ nắm ưu thế về kinh tế và những người yếu thế. Tôi luôn suy nghĩ về một vấn đề duy nhất: làm sao tôi có thể đem những may mắn trong cuộc đời mình để chia sẻ cho những đứa trẻ lạc lối này đây? Lúc đầu tôi tìm ra được một điểm mấu chốt, những đứa trẻ này chịu ảnh hưởng của gia đình, đều không giỏi trong việc xử lý mối quan hệ tương tác nhân thế. Đặc biệt là khi gặp phải trắc trở hoặc phải biểu đạt ý kiến bất đồng, chúng đều có thói quen sử dụng ngôn ngữ thô bạo để ứng phó, từ đó sẽ ảnh hưởng đến cơ hội được tiếp nhận và thấu hiểu. Thành tích của chúng thường không tốt, nhưng nếu như biết cách tôn kính bề trên, đối đãi tốt với các bạn, chúng vẫn có rất nhiều cơ hội. Vì vậy bước đầu tiên của tôi là hy vọng có thể cải thiện những thói quen xấu của chúng, như hễ mở miệng ra là văng tục chửi thề, không hợp ý là cho đối phương ăn bạt tai. Tôi đã thử dùng hình phạt nhưng vô hiệu, giờ chuyển sang dùng phương pháp khích lệ: chỉ cần một tuần không chửi bậy sẽ được thưởng; khi nói chuyện với thầy giáo, phải dùng đúng mật mã – "xin", "cảm ơn", "xin lỗi"; với những anh chị hoặc trưởng bối thì phải dùng "anh/chị"; khi có cơ hội được phục vụ giúp đỡ ai đó thì phải nói "Đây là vinh hạnh của tôi!" Vài tuần trôi qua, trong bầu không khí nghịch ngợm náo nhiệt, đám trẻ đã bắt đầu nhắc nhở nhau phải ăn nói "lịch sự". Nhưng rất khó để chúng thôi chửi bậy. Khi cảm xúc không được khống chế, chúng sẽ lập tức tuôn ra những câu chửi tục tĩu. Thầy giáo chúng tôi có thể làm gì đây? Những câu chửi bậy đó vốn không có ác ý, chỉ là nhằm cường điệu cảm xúc không thoải mái của chúng mà thôi. Nhưng khi những câu chửi bậy đó thoát ra khỏi miệng, kết hợp cùng cử chỉ và vẻ mặt sẽ mang tới cảm giác không tốt cho người đối diện. Việc khiến những đứa trẻ này xây dựng nên một mô thức tương tác lành mạnh, dường như có chút khó khăn! Sự nỗ lực của tôi chỉ có thể tạm thời cải thiện thói quen ngôn ngữ của những đứa trẻ này, còn sự ảnh hưởng lâu dài đối với chúng dường như không nhiều. Có một quãng thời gian tôi thường tự trách bản thân, ông trời cho tôi cơ hội phục vụ những đứa bé lầm đường lạc lối này, nhưng tôi lại không thể phát huy chức trách của mình. Sau này khi xem trên tivi và các phương tiện truyền thông đại chúng, nhìn thấy một số nhân vật của công chúng mở miệng ra là đầy những lời lẽ tục tĩu, ném đồ đạc, xô xát đánh người, tôi mới hiểu ra được một trong những nguyên nhân thực sự của việc không thể thay đổi được những đứa trẻ này. Kỳ thực đối với những vấn đề về giá trị xã hội, những gì giáo dục có thể làm được là vô cùng hữu hạn, khi đó tôi mới thấy giảm bớt được cảm giác bức bối trong tim mình. Khoảng thời gian này, tôi chứng kiến một số đứa trẻ ngoan cố không chịu học hành, chúng thông minh tinh quái thoát khỏi tầm mắt của giáo viên, bắt nạt kẻ yếu, liên tục phạm quy. Khi chúng sắp được rời khỏi Viện Giáo dưỡng, tôi vẫn đặc biệt dặn dò: một người có thể bắt nạt toàn thế giới, nhưng duy nhất không thể bắt nạt được chính mình, hy vọng chúng có thể vì bản thân mà cố gắng sống tốt. Chẳng ngờ nửa năm sau, tôi đọc được trên báo thông tin một trong số chúng đã trộm súng trong doanh trại quân đội chạy trốn rồi cưỡng hiếp giết người, trong tim tôi bỗng dấy lên một nỗi đau khôn tả. "Tại sao nó lại tuột khỏi tầm tay mình?", "Tại sao mình không thể giúp đỡ cho nó?" Là một người thầy, nếu không thể khiến chúng bỏ ác hướng thiện thì tôi còn có ích gì đây? Đôi lần chìm trong cơn mơ lúc nửa đêm, tôi thấy nó trở về, vẻ mặt tinh quái nhận lỗi với tôi, trong lòng chua xót khôn nguôi. "Một người thầy có thể làm được gì?", "Tại sao mình không thể cứu được nó?" Trải qua biết bao hành trình và thử thách của cuộc sống, tôi đã dần hiểu được những gì mà cha mẹ, thầy giáo có thể làm được, đó chỉ là: "Tận dụng tất cả sự nỗ lực có thể có của bản thân, để đi cùng với chúng một đoạn đường mà thôi!" Nhìn thấy chính mình: Mỗi lần dạy dỗ những thanh thiếu niên trong trường, tôi đều lặng nhìn chăm chú đám trẻ lầm đường lạc lối này. Mười năm, hai mươi năm sau chúng sẽ ra sao đây? Là điều gì sẽ quyết định tương lai của chúng? Là vận mệnh? Hay sự đầu tư và nỗ lực của chính bản thân chúng? Tôi tin tưởng sự cố gắng của mình sẽ thay đổi được tất cả, nhưng tại sao có người cố gắng cho tương lai của chính mình, có người lại không? "Ước mơ khiến con người trở nên vĩ đại!" Tập hồ sơ cá nhân trên tay tôi có hơn một nửa số học sinh không hề có bất cứ sự kỳ vọng nào đối với bản thân mình, hoặc chỉ là một ước mơ hết sức trừu tượng: hy vọng mình sẽ có tiền nhiều đến nỗi tiêu không hết, muốn làm gì thì làm, tự do tự tại, v.v... Có rất ít người biết được mục tiêu cuộc sống và phương hướng cuộc đời của mình – "Mình muốn điều gì! Mình sẽ đạt được điều ấy!" Có một số người không thể tin rằng bản thân có năng lực để thực hiện tất cả những gì mình muốn! Chỉ cần bạn hiểu được một cách cụ thể và rõ ràng tương lai mà bản thân mong đợi là như thế nào, nội tâm bạn tự nhiên sẽ có một động lực cực lớn, kích thích và khiến bạn không hoàn thành không được. Người có ước mơ, tự khắc sẽ có động lực để phấn đấu! Biết rõ sự mong đợi và mơ ước của bản thân! Bạn sẽ có được một động lực cụ thể và rõ ràng, để bằng mọi cách thực hiện được ước mơ đó! Tin tưởng chính mình – "Mình muốn! Mình sẽ làm được!" Bạn muốn điều gì? Tại sao bạn lại muốn nó? Tư duy của bạn sẽ lay tỉnh người khổng lồ trong tim bạn, thực hiện tất cả những gì bạn muốn! Nỗ lực bằng cả tinh thần và thể xác! Nỗ lực hơn nữa! Bất cứ sự việc gì xảy ra đều là quá trình mà bạn buộc phải trải qua để đạt được mục tiêu. Dồn sức chú ý của bạn vào mục tiêu và mơ ước, hãy cày cấy chăm chỉ, để những hạt mồ hôi tuôn rơi, rồi một ngày thời khắc hân hoan thu hoạch sẽ đến. Đồng ruộng có thể gặp thiên tai, sự nỗ lực trong tim cũng tuyệt đối không ngoại lệ! Chúc phúc cho bạn! Hãy cố gắng!
28. Cảm ơn cha mẹ Bấm để xem Vì đã thi đỗ cuộc khảo thí cao cấp vào khoa Quan sát và Bảo vệ Con người, nên tôi có cơ hội phục vụ công tác cải huấn thanh thiếu niên một cách chuyên tâm và lâu dài. Với những thanh thiếu niên từng vướng vào vòng pháp luật, rất nhiều người giữ ánh nhìn "trẻ hư hỏng", "thanh thiếu niên ngỗ nghịch" đối với chúng. Trên thực tế, những đứa trẻ này không chỉ không hư hỏng, mà cũng chưa chắc đã ngỗ nghịch, chỉ là quá trình trưởng thành của chúng có nhiều trải nghiệm không tốt hơn những đứa trẻ khác một chút mà thôi. Chúng không khác gì so với những đứa trẻ chưa từng phạm tội, luôn trông đợi sự thấu hiểu và yêu thương của cha mẹ. Nếu phải phân tích nguyên nhân phạm pháp của chúng, tôi muốn nói một cách đơn giản nhất – đó chỉ là do thiếu hụt cảm giác được yêu thương mà thôi. Qua quá trình quan sát lâu dài những đứa trẻ này và tự mình đánh giá, tôi phát hiện ra một điều, những bậc cha mẹ thời xưa dù không làm được nhiều điều như các bậc cha mẹ thời hiện đại, nhưng tình yêu thương mà con cái họ có thể cảm nhận được lại nhiều hơn con cái của các bậc cha mẹ hiện đại. Những đứa trẻ phải tiếp nhận cải tạo tâm lý, chưa chắc đều đến từ những gia đình không hoàn chỉnh. Cũng có những gia đình đầy đủ toàn vẹn, cha mẹ đều quan tâm săn sóc, nhưng con cái lại ngỗ ngược và không hiểu chuyện một cách dị thường, nguyên nhân nằm ở đâu? Trong quá trình trưởng thành cùng con cái, cha mẹ đã cung cấp được những kinh nghiệm gì cho chúng? Là "yêu", hay là sự "tổn thương"? Là "thất bại", hay là "thành công"? Cha mẹ làm nhiều chưa chắc đã làm tốt, tổ chức gia đình không hoàn thiện, con cái chưa chắc đã thiếu hụt tình yêu và kinh nghiệm để thành công. Tôi có thể thoát ra khỏi những hạn chế của sinh mệnh, điều đó đến từ việc cha mẹ tôi có thể kịp thời nói đúng những lời cần nói, làm đúng những việc cần làm với tôi trong những thời khắc then chốt nhất. Còn nhớ học kỳ hai năm lớp ba khai giảng chưa được bao lâu, trên đường tan học trở về nhà, tôi cùng lũ bạn luồn qua hàng rào trong rừng trúc, chui vào một vườn quýt. Quýt trong vườn đã bị thu hoạch hết, chỉ còn sót lại vài quả trên cây. Cậu bạn nói với cả bọn rằng, đây là vườn quả của họ hàng cậu ấy, quýt trên cây không cần nữa, mọi người có thể hái thoải mái. Ở miền quê thường như vậy, vì thế mọi người đều hí hửng tự chọn lấy cây quýt mà mình cho rằng ngon nhất, rồi hò hét ầm ĩ trèo lên thi nhau hái. Hái được chừng mười mấy phút, cặp sách đứa nào cũng đầy ắp quýt, quần áo cũng lột hết ra để làm bị, mỗi đứa đều được một bọc to. Thế nhưng đúng lúc cả lũ chuẩn bị rời đi, bỗng bị mấy người lớn từ dưới núi lao lên chặn ngang lối ra, không cho đi, sau đó tịch thu hết quýt mà chúng tôi hái được đổ vào sọt, lớn tiếng quát mắng chúng tôi là ăn trộm. Chúng tôi giải thích là bạn học bảo đây là những cây quýt mà họ hàng cậu ấy không cần nữa, mãi một lúc lâu sau mới biết rằng cậu bạn nói khoác, vườn cây của họ hàng cậu ấy cách đây một đoạn đường rất xa. Chúng tôi bị túm lấy cổ áo, lôi đi tìm bố mẹ của từng đứa một. Cha mẹ dưới quê, sợ nhất là bị người khác mắng vốn, đặc biệt là khi con cái trộm cắp. Thông thường cách làm phổ biến nhất đó là trước mặt mọi người, cầm gậy tre đánh con một trận thật đau cho người khác nhìn. Nhưng cách xử lý của mẹ tôi lại hoàn toàn khác, mẹ tuyệt đối không bao giờ đánh tôi trước mặt mọi người, mà sẽ xin tạ lỗi với họ, sau đó chủ động bày tỏ thiện ý bồi thường, đợi đến chủ vườn đi rồi, mới gọi tôi đến hỏi cho kỹ càng. Lần thứ nhất, lần thứ hai mẹ đều tha thứ cho tôi, nhưng đến lần thứ ba nếu vẫn xảy ra tình trạng tương tự, mẹ sẽ hỏi tôi rằng, rốt cuộc là muốn làm thế nào mới có thể tránh phạm phải những chuyện như vậy nữa? Không những thế, mẹ sẽ hỏi tôi cho đến khi nào có được đáp án vừa lòng mới dừng lại. Mặc dù chuyện đã xảy ra hơn 30 năm, nhưng trong ký ức, phương thức giáo dục đó vẫn ảnh hưởng đến tôi, thậm chí còn trực tiếp thay đổi phương thức cải huấn của tôi – "Vĩnh viễn phải nhìn về phía trước! Làm thế nào để khiến bọn trẻ thu nhận được lợi ích từ những sự việc sai lầm, làm thế nào để những sự việc này có thể giúp ích cho chúng suốt đời!" Dù cho bọn trẻ đã làm những việc động trời đến mấy thì việc đó cũng khó có thể thay đổi được nữa, tại sao vẫn muốn để bản thân và lũ trẻ chịu tổn thương nhiều hơn nữa? Làm thế nào để qua những sự việc này, lũ trẻ có thể thu được lợi ích gấp đôi từ những gì đã mất đi? Làm thế nào để bọn trẻ vì sự việc đã xảy ra như vậy mà nhận được sự giáo huấn cả đời của mình, biết được trong tương lai nên làm thế nào mới là đúng? Cách mẹ xử lý mỗi khi tôi phạm phải lỗi chẳng những không để lại cho tôi những trải nghiệm không vui, mà còn mang đến cho tôi cơ hội học tập tốt nhất. Khi trở thành người làm cha, tôi thường nhắc nhở chính mình: con cái phạm phải lỗi gì không quan trọng, quan trọng là mình phải xử lý làm sao để cho con những kinh nghiệm có thể dùng được cả đời; con cái có thể sẽ phạm lỗi, không những vậy có thể phạm lỗi nhiều lần, mỗi lần phạm lỗi, đều nên lấy đó là một cơ hội để học tập. Nhưng chúng ta cũng đừng mong đợi cảm xúc của cha mẹ lúc nào cũng ổn định, thái độ lúc nào cũng nhất trí, suy nghĩ không bao giờ thay đổi. Trong quá trình trưởng thành của tôi, cha mẹ cũng đã phạm phải vô số những sai sót. Ví dụ như về phương diện tương tác với người khác, cha mẹ tôi thiếu thói quen chủ động tìm hiểu suy nghĩ và cảm nhận của người khác, dẫn đến trong chặng đường trưởng thành của tôi, khó tránh khỏi nhiều phen hiểu lầm, trách sai hay oan ức. Cha mẹ mang theo sự chủ quan và thiên vị (những kinh nghiệm quá khứ) khi đối diện với những đứa trẻ khác nhau. Ông trời đã cho tôi sinh ra trong một gia đình trọng nam khinh nữ, lúc ra đời thì điều kiện không đủ, ngày sau thì sinh bệnh cần được chăm sóc, cha mẹ đã cho tôi sự khoan dung tối đa và chờ đợi tôi trưởng thành, và tôi cũng thường được âm thầm hưởng thụ những món quà bất ngờ mà các anh chị em của tôi không có được. Thi thoảng tôi cũng hay đặt mình vào suy nghĩ của anh chị, tôi là một đứa bé luôn được nuông chiều coi trọng, còn trong quá trình trưởng thành của các anh chị, chắc chắn đôi lúc sẽ có cảm giác thiếu hụt. Nhưng tố chất đặc biệt của một người được dần dần tích lũy và hình thành trong khi cha mẹ không hề hay biết. Nếu chúng ta có thể đi sâu tìm hiểu những ảnh hưởng của cha mẹ đối với mình trong cuộc đời, hiểu được rằng rất nhiều những điều ta có và nhận được chưa chắc đã là xứng đáng, và từ đó thầm thấy biết ơn, vậy thì rất nhiều những cảm giác tiếc nuối hay không trọn vẹn cũng chưa chắc đã là mất mát. Trong hành trình cuộc sống tôi luôn cảm thấy mình thật "may mắn", cha mẹ, anh chị em cho tôi tất cả những sự quan tâm chăm sóc vô bờ của họ. Nếu như khi tốt nghiệp tiểu học, tôi liền đi làm thợ học việc; nếu như tuổi trung học tôi thiếu mất quãng thời gian giày vò và lạc lối; nếu như khi học hướng nghiệp tôi không có cơ hội để thành công; nếu như lần thứ năm thi đại học tôi lại thất bại; nếu như khoảng thời gian đại học tôi không có duyên gặp được nhiều vị ân sư đến vậy, thì giờ đây tôi đang ở đâu? Cuộc đời là một chuỗi may mắn tựa như những mắt xích nối tiếp nhau, với thân phận là một công chức như hiện tại, tôi thật may mắn biết nhường nào! Công việc cũng là học tập, quãng thời gian rảnh rỗi ngoài công việc có cơ hội để xuất bản sách, diễn giảng, chủ trì khóa học, thậm chí được mời đi diễn giảng ở nước ngoài, tất thảy những điều đó làm phong phú thêm cuộc sống của tôi, và cũng mở rộng tầm mắt của tôi. Kỳ thực tôi thường nghĩ, trong cuộc đời dù cho lựa chọn của chúng ta là gì, đó đều là sự may mắn. Kể cả nếu tôi chỉ có bằng tiểu học, tôi cũng sẽ tự mở ra con đường trong công việc và cuộc sống của riêng mình. Nhưng do có thể tự cảm thấy may mắn và trân trọng tất cả, luôn cảm ơn và biết đủ, bất kỳ nhân duyên nào trong cuộc sống tôi đều cảm thấy vậy là đã đủ, những gì còn lại đều là lãi thêm, và càng cần phải cảm ơn hơn nữa vì tất cả! Suy nghĩ này của tôi vốn được thừa hưởng từ cha, cũng là tài sản hữu dụng nhất mà cả cuộc đời gian truân của mình, cha đã trao lại cho tôi! Trước đây, cha tôi sớm đắc chí, sau thất bại bị ép phải ly hương, tâm nguyện lớn nhất cả cuộc đời ông là được vinh quy bái tổ, đường đường chính chính trở về với tư cách của một người thành đạt. Từ thợ mỏ, tổ trưởng, phấn đấu lên làm kỹ sư trưởng, từ một cán bộ cơ sở nỗ lực trở thành tổng giám đốc một công ty, nuôi nấng dưỡng dục sáu người con trưởng thành, ai cũng có gia đình mỹ mãn của riêng mình, vậy có thể nói rằng cha đã thực sự thành công! Nhưng cho tới tận trước lúc nhắm mắt, trong lòng cha vẫn ôm một nỗi niềm chưa được hoàn thành. Cha chưa bao giờ cảm thấy mình từng trải qua thành công, vì vậy, mấy lần trở về cố hương Bình Khê tảo mộ, cha đều có ý tránh gặp mặt những người quen cũ. Sinh thời cha từng hướng tới vinh quang đến vậy, nỗ lực cả đời để mong chờ một ngày nào đó, khi bằng hữu cũ hoặc người thân gặp và nhìn thấy thành tựu của mình, họ sẽ lộ ra vẻ mặt kinh ngạc xen lẫn ngưỡng mộ nhưng dường như cha vẫn cảm thấy chưa được thỏa nguyện, cùng lắm cũng chỉ nhận được một lời đánh giá "cũng tốt đấy" mà thôi. Chặng đường trưởng thành có cha dìu bước, nhìn thấy nỗi cô đơn, lạc lõng, u sầu không thoát ra được trong tim ông, vẻ ngoài đạo mạo khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng, nhưng lại ôm một nỗi tiếc nuối vì tráng chí bất thành, tâm nguyện bất đạt. Tôi từng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha, và cũng từng nỗ lực để thực hiện nguyện vọng vì cha, trở thành một người được xã hội công nhận, được mọi người cho rằng đã thành công, hy vọng cha có thể cảm thấy thỏa nguyện một chút khi nhìn thấy thành tựu của con cái mình. Cho tới sau khi cha lìa xa cõi đời, tôi mới tỉnh ngộ ra rằng, rốt cuộc mình đang nỗ lực vì điều gì? Và những gì mình muốn đạt được thông qua sự nỗ lực đó, chẳng qua chỉ là muốn báo đáp cho cha, trở thành một đứa trẻ thành công trong mắt cha mà thôi! Đây là điều không cần thiết, cũng giống như việc cha chẳng cần phải nỗ lực công thành danh toại chỉ để vinh quy bái tổ. Ai thực sự để tâm đến việc cha làm như vậy? Tôi vứt bỏ những mục tiêu trước đây của mình, xác định rõ sự mong đợi của bản thân là "Cố gắng tận hưởng tất cả những gì thuộc về hiện tại!" Tôi biết ơn những nhân duyên và may mắn của chính mình, tôi cảm ơn từng điều đã gặp phải trong cuộc sống! Nhìn thấy chính mình: Cha mẹ của mỗi người đều không phải thập toàn thập mỹ. Khi trở thành một bậc phụ huynh, chúng ta mới có thể hiểu một cách sâu sắc rằng, làm cha mẹ là cả một quá trình học tập, và đặt xuống tất cả những mong đợi quá cao đối với cha mẹ trong quá khứ. Mỗi bậc cha mẹ đều nguyện nỗ lực để làm một người biết cho đi tình yêu thương của mình, nhưng dường như phần lớn các bậc làm cha làm mẹ lại đều làm quá nhiều những việc tương tự như "tình yêu thương". Vậy mà con cái lại không thấu hiểu được dụng tâm và sự nỗ lực của cha mẹ, nên chúng không nhận được món quà mang tên "tình yêu thương" này! Khi chúng ta có thể hiểu được rằng "yêu" và "được yêu" không phải là một chuyện dễ dàng, không mong chờ quá nhiều thứ đối với người thân hoặc một nửa của mình, tình yêu thương sẽ âm thầm bước đến một cách thần kỳ. Nếu đánh giá những việc làm của con cái chúng ta trong một ngày, phân biệt ra những việc làm nào là "mang" tình yêu thương, những việc nào là "không mang" tình yêu thương, chúng ta sẽ phát hiện ra, tình yêu thương thường xuyên không xuất hiện. Tôi không hiểu, cũng không biết làm thế nào để yêu thương cha, mẹ, vợ, con của mình, tôi luôn tập luyện để trở thành. một người biết yêu thương. Biết rằng bản thân là một người không biết "yêu thương", chúng ta sẽ có những phát hiện kỳ lạ, chúng ta sẽ thấy rằng những nhân duyên và gặp gỡ trong cuộc đời đều không phải là điều hiển nhiên phải nhận được. Sự khiêm nhường, mỉm cười của người qua đường, sự chào đón của người phục vụ cửa hàng, những cuộc gặp gỡ tưởng như rất đỗi bình thường, đều có thể sưởi ấm trái tim ta. Sự quan tâm và những nỗ lực mà cha mẹ từng làm sẽ khiến chúng ta cảm động sâu sắc, mỗi người đều có được vô vàn "tình yêu thương", chỉ là chúng ta chưa có một trái tim để cảm nhận tình yêu thương mà thôi. Cảm ơn tất cả! Cảm ơn cha mẹ! Người có trái tim yêu thương, sẽ có được hơi ấm của toàn thế giới! Người có trái tim yêu thương, mỗi thời khắc đều sẽ là lời chúc, niềm vui và cảm ơn! Người có trái tim yêu thương, những sự theo đuổi, cướp đoạt trong cuộc đời sẽ ngừng lại để bắt đầu hưởng thụ tất cả! Người có trái tim yêu thương, sinh mệnh cũng chính là lời chúc!
29. Chặng đường trưởng thành trong nghề nghiệp Bấm để xem Trong chuyên ngành cải huấn các hành vi sai lệch của thanh thiếu niên, tôi phát hiện ra tầm quan trọng của "thân chức giáo dục"20. Nhằm tạo điều kiện giúp các thanh thiếu niên trong hồ sơ cá biệt có thể tương tác lành mạnh với cha mẹ, bồi đắp sự khích lệ của những gia đình đó, có một khoảng thời gian rất dài tôi đã chuyên tâm vào các chủ đề như học cách diễn vai trò và chức trách của một người làm cha mẹ, giao tiếp với con cái, và làm thế nào để trở thành một bậc phụ huynh trong thế kỷ mới. Dường như tôi đã học tất cả những giáo trình liên quan, và đọc các thư tịch liên quan (những sách nổi tiếng và một số tác phẩm lý luận chuyên ngành). Tôi đã chỉnh lý theo hệ thống, trong quá trình học tập mặc dù đã hiểu được rất nhiều những lý luận và kiến giải, nhưng trong thực tiễn nghiệp vụ, tôi phát hiện ra thân chức giáo dục của những bậc cha mẹ trong ví dụ quả thực có được tăng cường. Dường như họ tâm thì có thừa, nhưng lực lại hữu hạn. Với những thanh thiếu niên trong hồ sơ cá biệt của những gia đình có cơ chế khích lệ không trọn vẹn này, cuộc hôn nhân của cha mẹ chúng dường như đều lâm vào tình trạng bất hòa trong thời gian dài, quan hệ vợ chồng mâu thuẫn sâu sắc, cảm xúc thường xuyên lo lắng bất an, chỉ cần có gì đó không vừa ý một chút là sẵn sàng nổi điên bất cứ lúc nào. Nếu như không cải thiện quan hệ vợ chồng, chỉ ngồi mong đợi quan hệ với con cái có thể cải thiện được là một điều hết sức khó khăn. Vậy nên tôi lại bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu các chủ đề như mối quan hệ giữa hai giới, sự khác biệt của nam và nữ, quan hệ vợ chồng, trị liệu theo phương pháp gia tộc, v.v... Bằng những sự nỗ lực này của bản thân, tôi phát hiện ra rằng để thay đổi được một con người khó khăn đến nhường nào! Đổi mới tư tưởng đã là một việc khó khăn, huống hồ là thay đổi hành vi! Một cá nhân luôn bị khống chế bởi kinh nghiệm, tập quán, tố chất riêng và luôn tuân theo một mô thức hành vi và tư tưởng mặc định của họ. Tri thức mặc dù có giá trị, nhưng giữa biết và làm luôn tồn tại một khoảng cách rất xa, những gì chúng ta biết thì thường lại không làm được. Tôi tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu điều kiện mấu chốt để thay đổi hành vi là gì? Tôi phát hiện ra ngay cả những người trưởng thành, tuy nội tâm và thân xác đã phát triển đến mức độ ổn định nhưng cũng khó để thoát ra khỏi những mô thức hành vi bất lương, huống hồ là những đứa trẻ đang ở độ tuổi định hình nhân cách! Có một khoảng thời gian, tôi chú tâm tìm hiểu hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và tư tưởng như thế nào. Bởi tôi thường nghĩ, nếu bản chất con người là lý tính, là lôgic, vậy tại sao hành vi của chúng ta lại thường lệch lạc và hỗn loạn? Trong nhận thức của những người bình thường, cảm xúc là có thể quản lý, có thể dự kiến, có thể học tập và cải thiện được, nhưng trải qua thực tế, tôi mới phát hiện ra cảm xúc là nhạy cảm, đa biến, và khó dự báo đến thế nào. Bất kể là tình trạng sinh lý, kinh nghiệm nội tâm, nhận biết, hay chịu sự điều khiển của bản năng tự vệ trong tiềm thức, chúng đều khiến cho sự hiểu biết về cảm xúc ngày càng hạn hẹp. Cảm xúc điều khiển hành vi của một con người, vậy cảm xúc được quyết định bởi điều gì? Khi gặp phải nút thắt, tôi được tiếp xúc với lĩnh vực Lập trình ngôn ngữ tư duy (NPL), hiểu được rằng ngôn ngữ, văn tự mà nhân loại sử dụng có thể ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc của nhân loại. Ngôn ngữ, văn tự là sự chú ý, mà quá trình vận hành của bộ não chỉ có thể tác nghiệp đơn nhất, chỉ có thể đồng thời có một sự chú ý, một loại cảm xúc và một loại suy nghĩ. Hiểu được sự vi diệu của não bộ con người, tôi tiến vào lĩnh vực khai phá tiềm năng, dự định đi tìm hiểu sự khác biệt của nhân loại. Cùng một quá trình học tập, tại sao lại dẫn đến những kết quả khác nhau! Não bộ mỗi người đều có những tố chất đặc biệt khác nhau, từ đó hình thành nên trí tuệ đa nguyên. Làm thế nào để khiến cho những người có tố chất đặc biệt khác nhau đều có thể thực hiện được ước mơ mà họ theo đuổi? Với suy nghĩ như vậy, tôi tham gia khóa học đang rất thịnh hành khi đó là "Thành công học". Tôi muốn biết được một cá nhân làm thế nào để thực hiện giấc mơ. Nếu như có được một bộ phép tắc về thành công, tôi sẽ có thể giải thoát cho những thanh thiếu niên trong hồ sơ cá biệt đang ở bên lề hay dưới đáy của xã hội, giúp cho chúng có cơ hội hòa vào dòng chảy cạnh tranh giá trị của xã hội. Tôi đầu tư tham gia khóa "Thành công học", một khóa học mà khi đó bị cho rằng phải nộp một mức học phí trên trời, trong 100 200 học viên khi đó, tôi là công chức duy nhất. Mục đích đến lớp của tôi khác với mọi người, không phải để học lên cao, cũng không phải vì tiền, tôi chỉ muốn tìm ra con đường thành công cho đám trẻ này mà thôi. Khóa học này tuy đắt đỏ, nhưng đã mang lại cho tôi rất nhiều điều gợi mở. "Thành công" rốt cuộc là gì đây? Tỷ phú thế giới Bill Gates đã được coi là thành công chưa? Vương Vĩnh Khánh, Trương Trung Mưu21 đã được coi là thành công chưa? Nếu như họ thành công rồi, vậy tại sao họ vẫn nỗ lực như vậy? Của cải có là thước đo cho thành công không? Nếu không thì thứ gì mới có thể? Sự nỗ lực của và thành tựu của ngài Schweitzer22, mẹ Teresa23 hay ni sư Chứng Nghiêm24, có thể coi là thành công không? Tôi không hiểu một người tại sao phải tồn tại? Tại sao phải nỗ lực? Mỗi người khi sinh ra phải chăng đều phải mang theo sứ mệnh và nhiệm vụ nào đó? Nếu đúng là như vậy, nhiệm vụ và sứ mệnh của cuộc đời tôi là gì? Còn nếu không, khoảng thời gian từ lúc sinh ra đến khi chết đi rốt cuộc là có ý nghĩa gì? Ngoài sự nỗ lực để sinh tồn, con người còn có thể theo đuổi điều gì? Vô vàn những câu hỏi, vì những môn học này mà tôi lại càng thấy mê hoặc! Nhưng nếu như với chính mình tôi cũng không thể làm sáng tỏ những điều này, làm sao có thể dẫn dắt, uốn nắn đám trẻ này đây? Tôi rơi vào một trạng thái bất an cực độ! Tôi phát hiện ra sự ngu ngốc và bất lực của chính mình, ngay chính bản thân tôi cũng không thể nhận thức, không thể hiểu được, làm sao tôi có thể giúp đỡ những người khác? Trong khoảng thời gian này, tôi bỗng có một cảm giác xa cách lạ lẫm với chính mình và gia đình. Tôi và vợ đã ở với nhau được hơn 10 năm, cả hai đều hiểu rõ và thương yêu nhau, nhưng đối với tôi, cô ấy cũng xa lạ như chính tôi đối với bản thân mình. Con cái, cha mẹ, người thân của tôi, tôi chưa từng thực sự hiểu được họ, bởi ngay chính mình tôi cũng không hiểu được, làm sao có thể hiểu người khác đây? Đối với bản thân tôi, sự hiểu biết đối với người thân là hữu hạn đến vậy, nhưng khi đó tôi lại thành lập hẳn một quỹ tài trợ để phục vụ xã hội. Ngay đến chính mình tôi cũng không nhận ra, làm thể nào mà tôi có thể hiểu được cả một xã hội được tập hợp bởi vô số người kia? Dù nỗ lực nhưng nếu không biết được nhu cầu thực sự của người khác, cũng không biết được nhu cầu của mình là gì, vậy nỗ lực liệu có ích gì? Chỉ làm phí hoài năng lượng và cuộc đời của bản thân mà thôi! Mặc dù, quỹ tài trợ khi đó đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu phát triển sáng tạo có tiềm năng và đã đạt được rất nhiều kết quả, thậm chí còn có nhiều phát minh được cấp bằng sáng chế. Tôi biết được hành trình nội tâm của phát minh sáng tạo, cũng biết được làm thế nào để tiến hành huấn luyện giáo dục, nhưng nếu tôi không biết được nhu cầu thực sự của nhân loại, tương lai của nhân loại, vậy thì sáng chế và phát minh cũng chỉ làm tổn hao nhanh chóng tài nguyên của Trái đất này mà thôi. Vì vậy, tôi quyết định ngừng quá trình nghiên cứu hành trình nội tâm trong lĩnh vực sáng tạo phát minh, mà chỉ chú tâm vào chủ đề tự mình khám phá. Ai có thể nói và dạy cho tôi tìm hiểu về ý nghĩa và phương hướng của cuộc sống đây? Ai có thể cho tôi biết tôi là ai? Rốt cuộc tôi phải đi đâu? Khi tôi đang khủng hoảng vì sự ngu dốt của bản thân, thì có một thầy giáo xuất hiện, tôi dốc toàn bộ những gì mình có để mong nhận được sự trợ giúp của ông. Tôi muốn tháo gỡ những sự ngu dốt này. Tôi muốn tìm ra lối thoát của sinh mệnh từ trong rừng rậm của cuộc đời. Tôi đã lãng phí 40 năm cuộc đời để khám phá, tôi không thể chấp nhận cuộc sống trong tương lai khi vẫn chưa biết được mình là ai? Mình thực sự mong muốn điều gì? Theo kế hoạch ban đầu, tôi định theo học người thầy này ba năm. Dưới sự chỉ bảo tận tâm của ông, khi sắp kết thúc năm thứ nhất, dường như tôi đã hiểu được bản thân không cần nhiều điều trong cuộc đời này, nhưng vẫn chưa thể biết được điều mình thực sự cần là gì! Thế nhưng vì đây là một người thầy có khuynh hướng kinh doanh, mục tiêu mà ông ấy hướng dẫn rõ ràng không phải là những gì tôi cần, tôi phải đầu tư nhiều tiền của như vậy để tiếp tục việc học tập như thế này sao? Nội tâm tôi giằng xé điên cuồng! Nếu như thực sự có thể khiến cho tôi nhận được những gì mình muốn, thì đầu tư bao nhiêu tiền bạc, thời gian đương nhiên đều xứng đáng. Nhưng nếu như sự dẫn dắt kiểu như vậy chỉ có thể đưa tôi đến một cánh rừng của sự đượcmất khác, vậy tiếp tục để làm gì? Khi tôi rơi vào thế lưỡng nan, một cơ hội ngẫu nhiên xuất hiện khi tôi vô tình nhìn thấy trên kệ sách tác phẩm trứ danh Đạo chi môn của Osho, một cuốn sách mà tôi đã mua từ nhiều năm trước, tựa tiếng Anh của nó là I am the gate. Mắt tôi sáng lên vì nó, khi đó tôi đã giác ngộ ra rằng tất cả những nỗ lực trước đây của mình dường như đã đi sai phương hướng, tôi luôn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm giá trị và khả năng có thể cống hiến. Ý nghĩa và phương hướng của cuộc sống, không phải là thế giới bên ngoài, mà là thế giới nội tâm. Cho đến lúc này, tôi mới tỉnh giấc, hai mươi năm trước tôi đã tìm được đúng phương hướng nhưng rồi lại lạc lối một lần nữa, khi đó tôi đã quyết tâm theo học hệ triết học, ngoại trừ "tình yêu" và "trí tuệ" của triết học đã hấp dẫn tôi một cách sâu sắc, một nguồn cảm hứng quan trọng khác đó là trong truyện ký của Socrates, có một đoạn tựa như một câu châm ngôn: "Nếu như hiểu được chính mình, bạn sẽ biết được toàn thế giới!" "Nếu như có được chính mình, bạn sẽ có được nguồn tri thức thực sự!" Tôi quyết định từ bỏ người thầy kia và không tiếp tục học tập nữa. Bởi vì tất cả đáp án không nằm ở bên ngoài mà nằm trong chính nội tâm tôi. Có lẽ vị thầy kia cũng biết hoặc hiểu được tất cả, nhưng phương thức dùng tri thức để đổi lấy tiền bạc của ông ấy khiến cho tôi không thể tiếp nhận được một cách trọn vẹn. Hơn nữa, tôi cũng không cho rằng ông ấy thực sự hiểu và biết được, những gì ông ấy biết chỉ là một phần của sự chân thực và tồn tại. Tôi quyết định lần theo sự chỉ dẫn của Osho, tiếp tục bước trên con đường tự mình khám phá. Tôi cảm thấy may mắn vì lựa chọn của mình. Bằng sự dẫn dắt của Osho, lần đầu tiên được nếm trải mùi vị thực sự của cuộc đời. Từ đây tôi bắt đầu hiểu được rằng, bất cứ sự cố gắng nào cũng sẽ khiến cho tôi rời xa khỏi những cốt lõi nội tại! Lặng ngắm, tạm dừng vốn không phải câu chữ, mà là những trải nghiệm hiếm có trong cuộc sống! Cánh rừng rậm của cuộc đời bắt nguồn từ một khối óc liên tục bị rối loạn. Tôi chưa từng bước chân đi vào cánh rừng, tất nhiên cũng không phải tìm ra lối để thoát khỏi cánh rừng đó. Cuộc sống là ngẫu nhiên và không rõ ràng, sự rối loạn đến việc bản thân ta nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp. Đã là ngẫu nhiên, chúng ta không thể tìm thấy mục tiêu và phương hướng của cuộc sống, lại càng không thể tìm ra tấm bản đồ cuộc sống. Nội tâm của chúng ta chính là vũ trụ, đại dương. Làm thế nào để tìm thấy vũ trụ và đại dương đây? Bất cứ sự nỗ lực nào cũng đều sẽ khiến cho chúng ta rời xa khỏi sự nhận biết đối với thế giới nội tâm. Điều duy nhất rõ ràng của cuộc sống, đó là nó không thể rõ ràng. Nội tâm ta có một dòng suối hoan hỷ luôn chảy tràn một cách tự nhiên, thì ra tôi sớm đã chạm đến được, nhưng rồi lại tìm đường ra đi. Khi lần đầu tiên nếm trải mùi vị của sự thanh thản và tự tại trong hành trình của cuộc sống, tôi không cần phải "dù không biết nhưng vẫn vờ là biết, không hiểu nhưng vẫn vờ là hiểu" nữa. Hạnh phúc không nằm ở quá khứ, tương lai, mà là ở hiện tại. "Ngay ở giây phút này" mới chính là hiện thực của cuộc sống! Tôi đặt xuống mọi mong đợi và nỗ lực, một lần nữa đối diện với những thanh thiếu niên trong hồ sơ cá biệt của tôi. Mỗi một người, mỗi một thời khắc gặp gỡ đều thật tươi mới và tràn đầy sự ngạc nhiên. Sự kháng cự, xung đột khi tương tác ít đi, tôi chỉ có thể dìu dắt những đứa trẻ này đi một đoạn đường mà thôi, giống như đứng bên bờ sông lặng nhìn chúng trôi đi, bất cứ hành vi, dục niệm nào cũng đều sẽ làm rối loạn hành trình tự mình khám phá của chúng. Cuộc sống thì ra có thể nhẹ nhàng như vậy, chuyên ngành thì ra chỉ là một tổ hợp của sự chủ quan và thành kiến. Tôi lĩnh ngộ được sức mạnh thần kỳ của tâm thế bình thản nhìn nhận mọi việc, và cũng hiểu được lời Socrates từng nói, khi bạn hiểu được chính mình, bạn sẽ hiểu được tất cả! Nhìn thấy chính mình: Sự cố gắng trong hành trình cuộc sống, mặc dù những gì nhận lại thường không được như ước nguyện ban đầu, nhưng chính vì cố gắng mà cuộc sống của chúng ta mới có được những thu hoạch bất ngờ. Từ trong sự nỗ lực, chúng ta sẽ hiểu được rằng, những thứ mà chúng ta thực sự muốn không nhiều, sau khi theo đuổi và đạt được, chúng ta mới biết rằng nó lại không phải là thứ mà bản thân thực sự cần và muốn. Chính vì sự cố gắng mà chúng ta sẽ vứt bỏ đi những rác rưởi và gánh nặng thừa thãi nơi con tim. Từng có ước mơ, từng có nỗ lực, đến cuối cùng mới phát hiện ra rằng, tất cả những gì mình mong đợi, đều vẫn nằm ở điểm xuất phát. Điều mà tôi thực sự cần sớm đã có được, nhưng vì ước mơ và nỗ lực mà đã đi một chặng đường dài, biết một cách rõ ràng thứ gì tôi không muốn, tôi cũng mới có thể rũ bỏ lớp bụi mờ để tìm ra kho tàng nội tại của chính mình! Nếu có bất cứ mơ ước gì, bạn hãy nỗ lực nhé! Tất cả những nỗ lực đều sẽ làm phong phú hơn trải nghiệm của cuộc sống. Bởi khi liên tục thử, liên tục nỗ lực, chúng ta sẽ dần mở ra cánh cửa để khám phá bản thân. Điều mà rất nhiều người mong đợi chỉ là kết quả, mà không biết rằng kết quả chỉ là một phần của quá trình. Thách thức, đột phá, khắc phục, chinh phục, thành công, chỉ cần muốn, bạn hãy thực hiện nó! Chỉ có liên tục lặp lại – Tôi muốn! Tôi phải! Cũng giống như khi chúng ta bóc hành tây, từng lớp từng lớp được bóc ra, đến cuối cùng mới nhìn thấy cốt lõi của sinh mệnh: chân tướng của sự "trống rỗng"! Chúng ta cũng mới có thể hiểu được tất cả chỉ là một trò chơi, một trò chơi không có thắng thua, thành bại. Tất cả mọi thứ nhìn có vẻ là tồn tại, nhưng lại là ảo ảnh, muốn nếm vị ngọt thực sự kia, buộc phải liên tục trải qua quá trình nỗ lực, nỗ lực hơn nữa và liên tục vấp ngã. Đừng từ bỏ ân điển của thượng đế, đừng oán trách mình nỗ lực bất thành, tất cả mọi chuyện đều sẽ có ích cho sự khám phá nội tâm của chúng ta. Một lần nữa hãy cảm ơn tất cả đã ban cho chúng ta muôn trùng sự kiện, tặng cho chúng ta những trải nghiệm liên tục, và trải nghiệm nhiều hơn nữa! Nhìn thấy con người thực sự của chính mình! Cuộc sống sẽ giống như tinh thể kim cương, phản chiếu tất cả những sắc màu cuộc sống một cách trong suốt và rạng ngời! Sự phát hiện này, có lẽ sẽ không thể đổi lấy vật chất, nhưng sự sung túc của nội tâm đã đủ để khiến chúng ta sống không uổng kiếp này rồi! Chúc cho bạn! Cũng có thể nhờ sự nỗ lực mà trải nghiệm được mọi thứ!
Lời kết cho cuốn sách Bấm để xem Coi trọng bản thân, phát hiện thiên tài trong chính mình Dùng khoảng thời gian hai tháng để một lần nữa nhìn lại tất cả những gì đã trải qua trong cuộc đời, bản thân như được sống lại một lần nữa. Thứ trải nghiệm nhìn thấy trước được kết quả này thật đặc biệt, cuộc đời như vậy sẽ mất đi sự ngạc nhiên và chờ đợi, không những thế còn bình đạm vô vị, vậy mà có biết bao người lại nỗ lực muốn thấy trước tương lai, muốn bản thân trải qua một cuộc sống đã được hoạch định sẵn. Bao nhiêu người từng mong đợi tìm ra được đáp án rõ ràng trong cuộc đời vốn không rõ ràng này giống như tôi. Nếu như, cuộc đời sẽ trải qua giống như cách mà tôi đã nhìn lại, mỗi sự việc đều xảy ra theo kế hoạch đã biết, vậy còn gì là thú vị? Hưởng thụ sự chưa biết trước và không rõ ràng của cuộc sống sẽ là một điều đẹp đẽ! Hãy trân trọng nó! Cuốn sách Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác được viết ngoài dự liệu của tôi. Vốn dĩ kế hoạch của tôi là có thể trong khoảng ba đến năm năm nữa, bằng một nhân duyên nào đó, tôi sẽ hoàn thành một bộ sách nhằm giúp cho những độc giả hiện đại có thể tự chữa lành cho bản thân khỏi những căng thẳng, bận rộn và áp lực của cuộc sống, nhưng nhận lời mời của tổng giám đốc kiêm tổng biên tập nhà xuất bản Văn Hóa Bảo Bình – cô Chu Á Quân, trước khi hệ thống tự chữa lành này được hoàn thành, tôi muốn giúp cho độc giả "khởi động làm ấm" một chút trong việc khám phá bản thân. Vì vậy, tôi đã viết ra câu chuyện thuật lại hành trình trưởng thành của một kẻ ngốc là tôi. Dụng ý chính là muốn khích lệ mỗi cá nhân hãy coi trọng chính mình, dụng tâm để sống và để làm việc, qua đó có thể phát hiện ra thiên tài trong chính mình! Tôi hy vọng đây sẽ là một viên gạch giúp bạn tự hiểu được bản thân, nhìn thấy kho báu của cuộc sống. Đây là một sự khởi đầu, dù cho bạn bao nhiêu tuổi, đang làm nghề gì, bằng cấp và chức vị có ra sao, chỉ cần bạn bắt đầu có trái tim hướng ngoại, có thể học cách nhìn vào bên trong con người mình, bạn nhất định sẽ thấy vô cùng ngạc nhiên. Hành trình như vậy không những không ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bạn, mà còn giúp ích cho việc đối nhân xử thế, lãnh đạo, quy hoạch sách lược, sáng tạo nghiên cứu và nghiệp vụ tiếp thị của bạn. Bởi bắt đầu hiểu được chính mình, bạn sẽ bắt đầu thực sự hiểu được người khác, và bất kỳ công việc nào chẳng qua cũng đều nhằm cung cấp sự phục vụ tốt hơn, đáp ứng những nhu cầu lớn hơn của nhân loại. Nếu như biết được nhu cầu và sự mong đợi thực sự của nhân loại, vậy có thứ tiền nào mà bạn không thể kiếm được? Có thứ hạnh phúc nào mà bạn không thể với tới? "Tự mình chữa lành" là nền tảng của một loạt phương thức "tự mình hoàn thiện", mục đích là để vỗ về những hỗn loạn bất an, chữa lành tâm hồn vốn đã chịu đủ những đớn đau và giày vò của bạn. Kẻ địch lớn nhất trên thế giới không phải là ai khác, mà là chính bản thân chúng ta. Sự bộc lộ của tiềm năng đến từ việc bạn hiểu được cách biến bản thân thành người bạn tốt nhất của chính mình! Bạn sẽ trở thành người dẫn dắt tâm hồn của chính mình, trông coi và bảo vệ vườn hoa trong tâm hồn của bản thân, để những đóa hoa mỹ diệu có thể đâm chồi nảy lộc từ trong mảnh đất khô cằn đã lâu của con tim! Nếu như bạn đồng ý, bạn sẽ lần lượt được tận hưởng sự bất ngờ và thanh thản trong cuộc sống! 1. Chấp nhận chính mình Do chế độ giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội), phần lớn mọi người đều cảm thấy mình không đủ tốt, không đủ hoàn mỹ, nên cứ cố gắng để giành lấy những ánh mắt thừa nhận và sự tán thưởng từ người khác. Phần lớn mọi người đều có khát vọng dùng của cải, quyền chức để che giấu sự không hoàn mỹ và không đủ tốt bên trong bản thân, cuộc đời cứ như vậy mà lạc lối trong những ràng buộc vật chất và bằng cấp chức vị bên ngoài, họ cho rằng những thứ này chính là phương hướng và mục tiêu trong cuộc sống. Trên thế giới này, chỉ có một số ít người thực hiện được tất cả mục tiêu và mong muốn của mình! Nhưng họ vẫn đang kiếm tìm những thách thức nhiều hơn, lớn hơn, còn phần lớn mọi người đều vì không thể chiếm hữu đủ nhiều, đủ lớn mà nhầm tưởng rằng bản thân vẫn chưa đủ nỗ lực, thậm chí là ôm lòng tự trách và oán than. Trên thực tế, những sự chiếm hữu này chẳng hề liên quan đến việc bạn có tốt hay không. Chỉ cần bạn có thể bắt đầu nhìn ra sự đặc biệt của bản thân và thấy được sự hoàn hảo ngay chính trong sự không hoàn hảo, bắt đầu hiểu được cách chấp nhận chính mình, bạn sẽ tìm lại được niềm tin và giá trị của chính mình ngay từ những cảm xúc thất bại trong cuộc sống, công việc, gia đình, hôn nhân, con cái hay đối nhân xử thế. 2. Trân trọng chính mình Bên trong mỗi một người đều tồn tại một trái tim chân thật của "mỹ" và "thiện". Bởi từ nhỏ chúng ta đã quen với việc tự gò ép bản thân, không tin chính mình, mà tin vào những cách nhìn và đánh giá của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, anh em. Vì kỳ vọng của họ mà hao phí đến tận cùng năng lượng cuộc sống của chúng ta, để sự mệt mỏi, căng thẳng, sợ hãi, cô độc chiếm hữu lấy tâm hồn chúng ta. Khi ánh mắt hướng ra bên ngoài của chúng ta học được cách nhìn vào phía trong, bạn sẽ dấy lên sự "giác ngộ" đối với cuộc sống. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, những nỗ lực trong ngần ấy thời gian của bạn đã không hướng đến mục tiêu mà bạn thực sự mong muốn. Bạn cần trân trọng bản thân, đừng để bản thân lại lạc lối trong rừng rậm, chịu đựng những nỗi giày vò vô tận. Lối ra của cuộc đời, không nằm ở thế giới bên ngoài, mà nằm ở việc lúc nào bạn có thể bắt đầu thực sự nhìn thấy chính mình, chấp nhận những điều đặc biệt của bản thân. Hiểu được điều gì bản thân không muốn, đặt xuống tất cả những thứ rác rưởi và gánh nặng (thương chính mình). Hiểu được cách tận dụng năng lượng của cuộc sống cho mục tiêu thực sự mà mình cần (xót chính mình). Bạn sẽ vĩnh viễn tránh xa được nỗi sợ hãi, căng thẳng và hoảng loạn! 3. Yêu thương và bảo vệ chính mình Các giai cấp, tôn giáo, ngành nghề trên toàn thế giới đều đang nói về "yêu", nhưng chữ "yêu" này lại chỉ là văn tự, rất ít người thực sự trải qua và cảm động vì nó. Chúng ta đều nhầm tưởng rằng bản thân làm không đủ tốt, vậy nên mới không có cảm giác yêu thương. Thế nên chúng ta càng nỗ lực cho gia đình, sự nghiệp, công ích, từ thiện, bề ngoài cuộc đời chúng ta thật phong phú, nhưng chỉ có bản thân chúng ta mới biết rằng sâu trong trái tim vẫn nhức nhối một cảm giác bất an và cô quạnh. "Yêu" chưa từng vì sự cố gắng của chúng ta mà len lỏi vào trái tim của chúng ta, phần lớn những nỗ lực và kiến thức dạy về tình yêu, đều có thể khiến chúng ta xa rời khỏi tình yêu, thậm chí có thể tống khứ tình yêu ra khỏi cửa, ngay khi nó chuẩn bị bước vào tim mình. "Yêu", chúng ta luôn hưởng thụ nó, trải qua nó, nhưng những mong đợi của chúng ta luôn lấp đầy không gian dành cho tình yêu. Vì vậy, phần lớn mọi người đều chỉ có thể ước ao được gột rửa bởi tình yêu, nhưng lại không thể hưởng thụ sự cảm động của tình yêu. Nếu như chúng ta có cơ hội để trải nghiệm nó, biết về nó, cuộc đời chắc chắn sẽ khác. Bạn sẽ hiểu được một cách rõ ràng, điều gì trong cuộc đời mới là quan trọng. Bạn sẽ không dễ dàng để những thứ không phải là tình yêu chiếm hữu bạn, làm phiền bạn. Bạn sẽ thực sự hiểu được thế nào là "yêu thương" và "bảo vệ" chính mình. 4. Phát hiện ra chính mình Người hiện đại thích nhất câu nói: "Tri thức là sức mạnh", "Tri thức chính là của cải". Thế nhưng tri thức là gì? Và tri thức thực sự có giá trị là thế nào? Nếu như chúng ta không biết, mà theo đuổi một cách mù quáng những tri thức mà giá trị của nó có thể mất đi trong nháy mắt, chúng ta sẽ hao phí cuộc đời, giống như một chú lừa mãi đuổi theo củ cà rốt được buộc trên cây gậy của chủ nhân. Bạn muốn tiếp tục theo đuổi những sản phẩm và bằng chứng nhận luôn được thay đổi cập nhật từng ngày từng giờ, hay muốn tìm thấy những tri thức trong cuộc sống có giá trị vĩnh hằng tựa như những tinh thể kim cương? Chỉ cần bạn từng có được chính mình, trong những thứ hỗn tạp hoa mắt, bạn sẽ nhìn ra những tri thức nào là thực sự có giá trị! Hơn hai ngàn năm trước, Socrates đã biết được bí mật này, và cũng vào khoảng thời gian này tại Trung Quốc, Lão Tử đã đem bí mật đó viết nên Đạo đức kinh, nhưng tiếc thay, chúng ta vẫn không ngừng lạc lối. "Phát hiện chính mình" thêm một lần nữa, bạn sẽ phát hiện ra tri thức thực sự, phát hiện ra sức cạnh tranh và ưu thế cạnh tranh đích thực của thế kỷ mới! 5. Hiểu được chính mình Trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trở thành một "cao thủ thuyết phục", chuyên gia đàm phán, nhưng lại không có sách nào dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình. Khi bạn bắt đầu hiểu được tất cả những thứ bên trong của bản thân, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác một cách rất tự nhiên. Nếu như không hiểu được chính mình, bạn sẽ khiến nội tâm bị nhiễu loạn, làm nguy hại đến môi trường giao tiếp với mọi người của mình. Sự tương tác giả dối với người khác, sẽ là mầm họa lớn nhất khiến cho bạn tự trách mình và trách người, nó cũng là mầm mống tạo ra những giông bão cả phía bên trong và bên ngoài của bạn. Sự đối nhân xử thế rất quan trọng! Nhưng bạn bắt buộc phải hiểu được chính mình, giao tiếp với chính mình, thì lúc đó bạn mới hiểu và tương tác lành mạnh với người khác. Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì. Điều này sẽ giúp ích cho hành trình xuất phát lại từ đầu của sự nghiệp cũng như sự điều chỉnh lại trong gia đình, tất cả đều bắt đầu từ việc bạn buộc phải hiểu được chính mình! 6. Biết được chính mình Từng ngày, cuộc sống của mỗi chúng ta đều mà không quay trở lại được. Chúng ta còng lưng gánh vác những gách nặng khổng lồ, gánh nặng này chứa đầy những mẩu rác tri thức và kinh nghiệm khác nhau, nhưng chúng ta lại vẫn gánh vác lấy nó mà không hay biết. Mỗi một ngày, mỗi một thời khắc, những mẩu rác trong gánh nặng đó ngày càng tăng thêm, chúng ta càng tiến về phía trước thì càng thấy gánh nặng chất chồng, càng cảm thấy cuộc sống vô vị, cuộc đời tẻ nhạt. Chính trái tim sẽ giúp bạn hiểu rõ bạn là ai? Rốt cuộc phải đi về đâu? Điều bạn thực sự cần trong cuộc sống này là gì? Bạn không buộc phải đeo mặt nạ để sống, bạn có thể thực sự tận hưởng sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng, tự tại của cuộc sống mà mình muốn, tất cả đều nằm ở việc bạn buộc phải biết được chính mình. Đây là một cuốn sách tự mình khám phá, tự mình chữa lành, khác biệt so với những tác phẩm mang tính dẫn dắt, chỉ đạo khác mà bạn từng tiếp xúc. Cuốn sách này giúp cho bạn đọc được chính bản thân mình, trở thành chủ nhân, người dẫn dắt của cuộc đời mình. Tôi dự kiến cứ nửa năm sẽ hoàn thành một cuốn sách như thế này chỉ hướng đến một mục tiêu giản đơn: đó là khiến cho mỗi độc giả đều có thể nhận ra rằng, "bản thân" chính là mục tiêu của tất cả sự cố gắng, hãy trút bỏ mọi mục tiêu không thuộc về mình. Trong môi trường cạnh tranh cao độ ngày nay, bạn không cần chỉ chăm chăm theo đuổi tốc độ, mà đầu tiên hãy xác định rõ ràng rốt cuộc bản thân cần gì? Điều bản thân thực sự mong đợi là gì? Bởi nếu "biết", chúng ta sẽ làm "đúng" việc, dùng "đúng" lực, hưởng thụ một cách an nhiên mỗi trải nghiệm trong cuộc đời! Thành công đến từ sự nhìn nhận rõ ràng của chúng ta, chứ không đến từ nỗ lực để ép bản thân phải đạt được. Thành công trong cuộc sống cũng không đến từ sự chiếm hữu của cải, chức quyền hay những cống hiến hữu hình, mà đến từ những sự hưởng thụ từ bên trong: sự thanh thản, vui vẻ, trải nghiệm khi yêu và được yêu. Từ tận đáy lòng mình, tôi chúc cho bạn cũng có được tất cả những trải nghiệm như tôi từng nhận được!
Chú giải Bấm để xem 1. Hiệu ứng Pygmalion là hiện tượng khi một người được đặt kỳ vọng càng cao (từ người khác hoặc chính họ) thì họ càng làm mọi việc tốt hơn. Tên của hiệu ứng này xuất phát từ một câu chuyện trong Thần thoại Hy Lạp về Pygmalion, một người tạc tượng đã yêu chính bức tượng do mình tạo ra. 2. Heather Leigh Whitestone McCallum: người khiếm thính đầu tiên trở thành Hoa hậu Mỹ. 3. Chỉ đường quý nhân trong số mệnh, bói toán. 4. Mã (马), Điểu (鸟), Tả (写): trong tiếng Trung, ba chữ này viết gần giống nhau. 5. Thượng (尚), Thường (常), Chưởng (掌). 6. Tù (囚), Vì (因), Nhốt (困), Về (回). 7. Affective education. 8. Cấu trúc nhà gian truyền thống của Trung Quốc dành cho đại gia đình hoặc dòng tộc sinh sống, gồm bốn dãy nhà nối vuông góc với nhau thành hình vuông, ở giữa là khoảng sân sinh hoạt. 9. Cách chấm điểm của hệ giáo dục tiểu học Đài Loan: Điểm "Đinh" tương đương với điểm D, mức yếu; "Mậu" tương đương điểm E, mức kém; "Bỉnh" tương đương điểm C, mức trung bình. 10. Cách phân lớp theo học lực, Mậu là lớp có học lực kém, Ức là lớp có học lực khá. 11. Bỉnh: điểm C; Ức: điểm B; Giáp: điểm A. 12. Lớp cho học sinh có học lực rất kém. 13. Loại hình lớp mà các học sinh vừa học vừa tham gia lao động ở địa phương. 14. Học sinh tốt nghiệp trung học xong trực tiếp thi vào các trường cao đẳng, tiếp nhận quá trình bồi dưỡng tố chất văn hóa, lý luận chuyên ngành và kỹ năng chuyên nghiệp theo chế độ năm năm gọi là học Ngũ chuyên. 15. Hệ trung cấp. 16. Tức hình thức căn cứ theo học lực của học sinh để phân lớp Giáp, Ức, Bỉnh.. tương đương với Giỏi, Khá, Trung bình... 17. Người phụ trách đào tạo, huấn luyện kỹ năng của binh lính trong đơn vị. 18. Liên tục hành quân đến các đơn vị khác nhau để thực hành điều trị dã chiến nhằm nâng cao kinh nghiệm thực tiễn cho quân y. 19. Phim kiếm hiệp Đài Loan. 20. Thân chức giáo dục: đây là một khái niệm được đề xướng bởi các quốc gia phương Tây từ những năm 30 của thế kỷ XX, loại hình giáo dục này được nước Đức gọi với cái tên "song thân" giáo dục (Elternbildug, nước Mỹ thì gọi là "parental education"), khi xâm nhập vào Đài Loan thì các học giả dịch thành "thân chức giáo dục", hàm nghĩa của nó chỉ việc tiến hành chuyên môn hóa giáo dục cho các bậc cha mẹ trong việc làm thế nào để trở thành những bậc phụ huynh tốt và đạt tiêu chuẩn. Các học giả nước Nga gọi đó là lĩnh vực "giáo dục phụ huynh" hay "giáo dục của phụ huynh". 21. Vương Vĩnh Khánh: Người giàu nhất Đài Loan; Trương Trung Mưu: Doanh nhân nổi tiếng Đài Loan, chủ tịch công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC. 22. Albert Schweitzer (14/1/1875 4/9/1965): một tiến sĩ, thầy thuốc, nhà triết học, thần học người Đức, sau mang quốc tịch Pháp. Ông đoạt Giải Goethe năm 1928 và giải Nobel Hoà bình năm 1952 vì đã có công lớn trong giúp đỡ người châu Phi, bất chấp gian khổ, bệnh tật. 23. Mẹ Teresa (26/8/1910 5/9/1997): nữ tu Công giáo Rôma người Albania, và là nhà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ở Calcutta, Ấn Độ năm 1950. Trong hơn bốn mươi năm, bà đã chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ và đến các quốc gia khác. 24. Ni sư Chứng Nghiêm: một nữ tu vĩ đại người Đài Loan, còn được mệnh danh là "mẹ Teresa của châu Á" hay hóa thân cứu khổ cứu nạn của Quan Thế Âm Bồ Tát. Năm 1966, bà thành lập Hội Công ích Từ Tế với phương châm "hướng dẫn người giàu, cứu giúp người nghèo". Cám ơn các bạn đã theo dõi hết cuốn sách.