Áo trắng là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình yêu của Huy Cận nói riêng và của phong trào thơ Mới nói chung. Tác phẩm in trong tập Lửa thiêng vào năm 1940. Thi phẩm nói lên tâm trạng ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp tinh khôi, trong sáng của người yêu. Cũng là niềm hạnh phúc, vui sướng ngất ngây của cậu học trò khi được sống trong tình yêu thơ mộng. Bài thơ là lời ca ngợi tình yêu đẹp đẽ và hạnh phúc của đôi lứa thần tiên. Bài thơ giúp ta chấp cánh bay bổng tìm về mộng ước tuổi trẻ thần tiên, để có được những giây phút thăng hoa ngọt ngào trong kiếp sống nhân gian. Chàng trai trong bài thơ quả là đang ngập tràn hạnh phúc ngất ngây, và niềm hạnh phúc ấy khiến cho hình ảnh người yêu hiện lên trong bài thơ thật lung linh, thơ mộng, cảnh trí cũng nhân đó mà trở nên lung linh, thơ mộng. Quả thật, tình yêu ấy, người con gái ấy như là ánh hào quang rực rỡ, làm choáng ngợp đôi mắt và tâm hồn của cậu học trò. Khoảnh khắc gặp gỡ với người yêu đã làm thăng hoa cuộc đời, biến cuộc đời thành một cõi thần tiên. Và trong cõi thần tiên ấy, thì người con gái chính là thiên thần, người đã "ban" hạnh phúc cho chàng trai. Qua bài thơ, qua những hình ảnh tươi sáng, rực rỡ và đầy thơ mộng, tình yêu tuổi học trò hiện lên thật lung linh, thật say đắm nhưng vẫn thật hồn nhiên, trong sáng. Áo Trắng Tặng Nhất Linh Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong Hôm xưa em đến, mắt như lòng Nở bừng ánh sáng. Em đi đến Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng. Em đẹp bàn tay ngón ngón thon Em duyên đôi má nắng hoe tròn Em lùa gió biếc vào trong tóc Thổi lại phòng anh cả núi non. Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời Hồn em anh thở ở trong hơi Nắng thơ dệt sáng trên tà áo Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài. Đôi lứa thần tiên suốt một ngày Em ban hạnh phúc chứa đầy tay Dịu dàng áo trắng trong như suối Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Nguồn: 1. Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940 2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004 3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007