Phố cổ Nhạc: Giai điệu Thi Ca Thơ: Thanh Trắc Nguyễn Văn Video: Giai điệu Thi Ca Phố Cổ Ta về như chiếc lá Rụng rơi xuống cội nguồn Lang thang chiều phố cổ Gió mỏng mềm như sương. Nhà em xưa ngõ vắng Một thuở qua ngại ngùng Giờ nhặt mùi hoa cũ Cầm nắng vàng run run... Hỏi hoa hoa đã úa Hỏi nắng nắng sang sông Hỏi người người chẳng nhớ Biết em còn hay không? Phố cổ hóa phố chợ Đèn nhấp nháy ngược xuôi Nhà mái bằng thay ngói Tường sơn nước thay vôi. Cổng đình giờ quét đỏ Phừng phực lửa hoàng hôn Ta về nghèn nghẹn nhớ Phỏng rát cháy tâm hồn. Mảnh sân rêu cổ tích Mọc lênh khênh dãy lầu Nửa đau đau chìm lắng Nửa buồn buồn dâng cao. Ta về như mây trắng Gục khóc cuối chân trời Tìm em chiều phố cổ Sương khói mờ chơi vơi. 1998 (Tập thơ Cỏ hoa thì thầm – NXB Thanh niên 2002) Thanh Trắc Nguyễn Văn
Con Thuyền Giấy Nhạc: Giai điệu Thi Ca Thơ: Thanh Trắc Nguyễn Văn Video: Giai điệu Thi Ca Con Thuyền Giấy Con thuyền xưa bằng giấy Anh thả vào ước mơ Thuyền trôi giữa dòng mưa Bập bềnh trên sóng nước. Em ngồi bên cửa lớp Con thuyền ghé làm quen Em đẩy. Thuyền lật nghiêng Lắc lư rồi trôi tiếp! Em cười đôi mắt biếc Màu áo trắng như mơ Con thuyền cũng ngẩn ngơ Lặng trôi và trôi mãi... Con thuyền nay bằng giấy Anh thả về tuổi thơ Thuyền trôi giữa dòng mưa Cũng bồng bềnh sóng nước. Nhưng người em thuở trước Năm tháng ấy về đâu? Con thuyền cũ nghiêng chao Giữa đôi dòng thương nhớ. Trời mưa bong bóng vỡ Phượng rụng ướt mùa thi Có một chiếc thuyền đi Bên thềm xưa trôi mãi... 1994 (Tập thơ Hạ Nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn
Rất cảm ơn nhà thơ nữ hải ngoại Võ Thị Như Mai đã dịch bài thơ Ký ức mùa thu của Thanh Trắc Nguyễn Văn ra tiếng Anh và đăng trên trang thơ hải ngoại THE RHYTHM OF VIETNAM. Memories Of Autumn One afternoon, father picked up a fallen yellow leaf Your gray hair bent low, shrouded in quiet sorrow You remembered those war days, mother's lifetime of hardship Carrying the burden of love Waiting for her husband to be back at war Many spring-times have silently passed Father remains alone, lost in memories of mother In the day of honeymoon, youthful heart of hope Yet you had to part, separated miles away Can any tears quench this deep sorrow Any scent of incense soothing this ache of longing I grew up through the nights when father lay awake Hearing the distant sea, yearning to bring you home And day by day, under the blazing sun by the dike Father still walks, dragging his feet to class That school with its shade of trees With mother's old dreams, sweet and passionate One foot you left behind in the deep forest One aching heart you sent into the past Old memories are supposed to sink into time All of a sudden they returned and sparkling in autumn! Võ Thị Như Mai chuyển ngữ Ký Ức Mùa Thu Có một chiều cha nhặt chiếc lá vàng rơi Mái đầu xám bạc chợt cúi buồn u ẩn Nhớ thuở chiến tranh mẹ một đời lận đận Gồng gánh thương chồng đánh giặc miền xa. Mấy mươi mùa xuân rồi lặng lẽ trôi qua Cha cô độc trong nỗi buồn nhớ mẹ Thời trăng mật, trái tim hồng tươi trẻ Lại phải chia xa cách trở hai đầu... Có nước mắt nào dập tắt được nỗi đau Có hương khói nào làm nguôi ngoai nỗi nhớ Con khôn lớn trong từng đêm cha trăn trở Nghe biển khơi xa khắc khoải gọi về. Rồi ngày lại ngày nắng rực chân đê Cha vẫn bước lê trên con đường đến lớp Ngôi trường ấy có tàng cây bóng rợp Có mơ ước mẹ xưa tha thiết, ngọt ngào... Một bàn chân mình cha đã gởi lại rừng sâu Một trái tim đau cha cũng gởi vào dĩ vãng Ký ức cũ tưởng đã lặn vào năm tháng Lại chợt hiện về lấp lánh mùa thu! 1996 (Tập thơ Hoa sứ trắng - NXB Đà Nẵng 1997) Thanh Trắc Nguyễn Văn
Xin giới thiệu nhạc phẩm Chiều trên sông Hàn của nhạc sĩ Thanh Ngọc. Nhạc phẩm này được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Thanh Trắc Nguyễn Văn. Chiều Trên Sông Hàn Em xa rời bến sông Hàn Nắng chao chát đổ, gió ràn rạt bay Lắt lay một mảnh trăng gầy Câu yêu gởi lại với ngày rụng rơi. Bời bời đêm rủ lơi lơi Thuyền nghiêng nghiêng nổi, mây rời rời trôi Sợi buồn, tóc rụng ngang môi Giọt buồn, sao rụng ngang trời mưa sa. Bến xưa, bướm cũ, vườn cà... Cung đàn đứt nhịp theo tà áo bay Em đi sương lạnh hương đầy Ta về yêu mãi những ngày yêu em. Đà Nẵng 1994 (Tuyển tập thơ Lục bát tình - NXB Đồng Nai 1997) Thanh Trắc Nguyễn Văn
Xin giới thiệu nhạc phẩm Nắng lụa của nhạc sĩ Thanh Ngọc. Nhạc phẩm này được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Thanh Trắc Nguyễn Văn. Nắng Lụa Nắng lụa là em áo lụa bay Áo bay trắng nắng, trắng vai gầy Em đi sợi nắng cài trên tóc Nửa chìm trong áo, nửa trong mây. Ta đã thầm theo để nhớ thương Lá rơi gởi nhớ xuống con đường Tình ta gởi nhớ theo hương nắng Nắng đốt phượng hồng gởi khói sương. Ta chép bài thơ lên cánh mây Câu thơ ngờ nghệch rớt trên cây Em xa sao chẳng ngày quay lại Để thấy thơ buồn hóa bướm bay. Em có về không, có đợi không? Hàng me phấp phỏng đứng như mong Con đường xưa ấy mờ hun hút Gió bụi thời gian cứ chất chồng. Xin hãy dừng chân hỡi tháng năm Lá rơi trên lá bước âm thầm Nắng xưa vụn vỡ giờ vương vãi Mảnh buồn, mảnh nhớ, mảnh xa xăm. 2001 (Tuyển tập thơ Khúc xạ mùa thương - NXB Thanh niên 2006) Thanh Trắc Nguyễn Văn
Rất vui khi được nhà thơ nữ Võ Thị Như Mai gửi tặng thi ảnh Bầu trời và ánh trăng. Xin cảm ơn nhà thơ nữ Võ Thị Như Mai rất nhiều, chúc nhà thơ nữ luôn hạnh phúc và thật nhiều may mắn. Bầu Trời Và Ánh Trăng Bầu trời dịu nắng Bầu trời của cha Ánh trăng hiền hòa Ánh trăng của mẹ. Những ngày đi học Mưa lạnh ngập đường Cõng con đến lớp Cha cười yêu thương. Nhặt từng hạt thóc Nâng từng phấn hoa Cha là cánh gió Dìu con bay xa. Đêm nằm mẹ kể Chuyện cổ tích xưa An Tiêm trồng dưa Sơn Tinh trị thủy. Lời ru, điệu lý Ngấm vào chiêm bao Hương đêm ngọt ngào Từng câu mẹ hát. Bầu trời dịu nắng Bầu trời của cha Ánh trăng hiền hòa Ánh trăng của mẹ. 2016 (Tập thơ Nghêu ngao ca - NXB Hội nhà văn 2018) Thanh Trắc Nguyễn Văn
Rất cảm ơn nghệ sĩ ngâm thơ Phan Lan Hương đã tặng video. PHỐ CỔ Thơ: Thanh Trắc Nguyễn Văn Nghệ sĩ ngâm thơ: Phan Lan Hương Phố Cổ Ta về như chiếc lá Rụng rơi xuống cội nguồn Lang thang chiều phố cổ Gió mỏng mềm như sương. Nhà em xưa ngõ vắng Một thuở qua ngại ngùng Giờ nhặt mùi hoa cũ Cầm nắng vàng run run... Hỏi hoa hoa đã úa Hỏi nắng nắng sang sông Hỏi người người chẳng nhớ Biết em còn hay không? Phố cổ hóa phố chợ Đèn nhấp nháy ngược xuôi Nhà mái bằng thay ngói Tường sơn nước thay vôi. Cổng đình giờ quét đỏ Phừng phực lửa hoàng hôn Ta về nghèn nghẹn nhớ Phỏng rát cháy tâm hồn. Mảnh sân rêu cổ tích Mọc lênh khênh dãy lầu Nửa đau đau chìm lắng Nửa buồn buồn dâng cao. Ta về như mây trắng Gục khóc cuối chân trời Tìm em chiều phố cổ Sương khói mờ chơi vơi. 1998 (Tập thơ Cỏ hoa thì thầm – NXB Thanh niên 2002) Thanh Trắc Nguyễn Văn
GHEN, LẠI GHEN... (Vài dòng cảm nhận nhân đọc bài thơ GHEN của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn) Ghen – Lửa Hờn Và Tro Lạnh Của Một Cuộc Tình Có những bài thơ không cần dài, không cần cầu kỳ, không cố gắng phô diễn kỹ thuật ngôn từ – nhưng lại chạm đến phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn người đọc. "GHEN" của Thanh Trắc Nguyễn Văn là một bài thơ như thế. I. Cảm xúc đầu tiên: Một cơn mưa ngang qua ký ức "Giận em đập nát câu thề Nắng hồng rơi vỡ dầm dề mưa tuôn Bão dông giăng kín mây buồn Gió tan tác nhớ, sóng cuồn cuộn đau..." Câu thơ đầu tiên như một nhát rạch cảm xúc, gọn nhưng đau. Tình yêu, lời thề, nắng hồng – tất cả bị xé vụn bởi một cơn "giận em". Nhưng cái giận ở đây không hề nhỏ nhen. Nó là hệ quả của một tình yêu sâu đậm, yêu đến mức khi mất đi, mọi thứ xung quanh cũng hóa thành bão dông. Ngôn ngữ thơ đầy hình ảnh, nhưng không gượng ép. Từng câu là một trạng thái tâm lý, từng dòng là một cơn sóng lòng. Người đọc không đứng ngoài – mà bị kéo vào tâm bão, nơi giông gió không phải ở trời mà chính là trong lòng người II. Ký ức tan trong thời gian: Một người đi, một người đứng lại "Bây giờ người ấy trầu cau Dửng dưng qua bến sông sâu, xuống đò Lơ ngơ tôi đứng trên bờ Lời thương hóa đá... Hết chờ, hết mong!" Đây là phân đoạn đắt giá. Không cần kể quá nhiều, chỉ vài hình ảnh – "trầu cau", "bến sông sâu", "lời thương hóa đá" – đủ để độc giả cảm nhận được cái lạnh của chia xa và sự vô nghĩa của việc chờ đợi trong cô đơn. Trong thi ca Việt Nam, hình ảnh bến sông – con đò – người đứng lại vốn đã là biểu tượng cho chia ly. Nhưng trong thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn, hình ảnh ấy không còn thi vị hay thơ mộng, mà trở thành bi kịch của người yêu còn đứng, khi người kia đã qua sông. Cái "lơ ngơ" không chỉ là trạng thái bối rối mà còn là sự trống rỗng, hụt hẫng đến vô thức. Người đọc, nếu từng yêu – từng bị bỏ lại – sẽ không thể không thấy chính mình trong câu thơ ấy. III. Ghen – không chỉ là cảm xúc, mà là vết khắc trên linh hồn: "Vung tay bỏng lửa ghen hờn Dở dang giờ nhặt cô đơn bốn mùa..." Ở hai câu cuối, bài thơ như lặng đi, không còn giận, không còn bão – chỉ còn tro tàn và nỗi cô đơn lạnh ngắt. Cơn ghen một thời rực lửa giờ trở thành nỗi lặng câm, người tình giờ không còn ở đó để trách, để nhớ, để giận. Chỉ còn một người lượm nhặt những mảnh vụn ký ức suốt bốn mùa trôi. Ghen – trong góc nhìn của bài thơ – không còn mang ý nghĩa tiêu cực. Đó là dấu hiệu của tình yêu thật, tình yêu dám tổn thương, dám mất mát, và dám... chịu đựng chính mình. IV. Lời kết: Mỹ học của đau thương – và sự tiếp nhận đầy ám ảnh Ở góc nhìn của người đọc hôm nay – người sống giữa thế giới đầy thay đổi, đứt gãy và hững hờ – bài thơ "GHEN" không chỉ gợi nỗi buồn, mà còn gợi một sự đồng cảm sâu xa. Đó là thứ cảm xúc không đến từ chữ nghĩa, mà đến từ sự thật rằng: đã từng có lúc chúng ta cũng đứng trên bờ – và ai đó đã xuống đò mà không ngoái lại. Và nếu thi ca là một cách để con người được cảm, được hiểu, được thanh tẩy chính mình, thì bài thơ này – nhỏ bé, lặng lẽ – chính là một bài kinh buồn cho những trái tim đã từng yêu quá nhiều. (Viết tại Quy Nhơn, một chiều buồn) Trần Như Luận Lời tác giả bài thơ: Xin vô cùng cảm ơn nhà văn Trần Như Luận đã dùng những cảm nhận đầy tính nhân văn để bình bài thơ Ghen. Xin chúc nhà văn Trần Như Luận luôn vui vẻ, trẻ trung và có thêm nhiều sáng tác mới. Ghen Giận em đập nát câu thề Nắng hồng rơi vỡ dầm dề mưa tuôn Bão dông giăng kín mây buồn Gió tan tác nhớ, sóng cuồn cuộn đau... Bây giờ người ấy trầu cau Dửng dưng qua bến sông sâu, xuống đò Lơ ngơ tôi đứng trên bờ Lời thương hóa đá... Hết chờ, hết mong! Lội đò tiễn sáo sang sông Câu thơ xưa thả bềnh bồng hoàng hôn Vung tay bỏng lửa ghen hờn Dở dang giờ nhặt cô đơn bốn mùa... 1997 (Tuyển tập thơ Thơ Nhà giáo TP.HCM - NXB Trẻ 1997) Thanh Trắc Nguyễn Văn