Gọi là "cơm treo bún treo" vì chủ quán sẽ treo các suất ăn miễn phí ở trước quán để mời khách, thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, hay những người lao động chân tay vất vả. Người bỏ tiền ra treo cơm, bún miễn phí thường là các thực khách, họ đến ăn và thanh toán luôn một hay nhiều suất ăn khác để quán gửi tặng cho người cần; hay đôi khi chính các chủ quán cũng sẽ bỏ tiền ra để treo cơm, bún cho người nghèo. 16 giờ, đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn, TP. HCM) tấp nập người qua lại, các hàng quán rục rịch sửa soạn bàn ghế để bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Anh Lê Thành Công (23 tuổi) - chủ quán "cơm treo" cùng các nhân viên tất bật và tỉ mỉ bắt tay vào việc, người xới cơm, người nướng thịt.. để sẵn sàng cho ra lò những dĩa cơm tấm vừa bắt mắt vừa ngon lành. Lát sau, một người đàn ông vào quán gọi cơm. Khi ăn xong, người này nói với chủ quán cho "treo" lại một dĩa cơm cho người đến sau, anh thanh toán rồi vội vã ra về. Anh Công liền làm ngay một suất cơm sườn nóng hổi, đem ra phía trước quán bỏ vào thùng giữ nhiệt, bên trên có tấm biển ghi dòng chữ: "Cơm treo" gửi tới cô chú khó khăn, mở lên nếu có hãy lấy một phần. Anh Công chia sẻ một lần tình cờ anh đọc báo thấy mô hình "cà phê treo" ở Ý rất nhân văn, cộng thêm sở thích làm thiện nguyện nên anh làm theo. "Tôi nghỉ học từ năm lớp 9, về sau phải làm nhiều nghề để mưu sinh nên tôi thấu hiểu nỗi vất vả của những cô chú còn đang khó khăn trong cuộc sống. Tôi mới bàn với bạn bè cùng nhau mở quán cơm và thực hiện mô hình" cơm treo "này, đến nay quán tôi làm" cơm treo "cũng tròn 6 tháng" - anh Công nói. Mỗi ngày, quán của anh Công treo khoảng 10-15 suất cơm. Mỗi phần "cơm treo" với giá 20.000 đồng gồm đầy đủ thức ăn, canh, được đựng trong hộp cẩn thận và mang ra đặt vào bên trong thùng giữ nhiệt trước quán. "Tôi nghĩ giống như ngày hôm nay mình dư giả một chút, khách hàng cũng vậy, khi đi ăn mình chia sẻ lại cho những người đến sau một hay nhiều phần cơm. Tôi và bạn cùng bỏ ra một chút, tôi làm cầu nối chuyển những phần ăn ngon của bạn đến với nhiều người khó khăn, cùng nhau chia sẻ với cộng đồng" - anh Công giải thích.