Niềm Vui Của Má Tác giả: Dana Lê Thể loại: Tản văn Cuộc thi Nét bút tuổi xanh – Tuần thứ 11 + 12 Chủ đề: Tết Đoan Ngọ Ngày hè chói chang, nắng nóng như thiêu như đốt, mùng năm tháng năm năm Giáp Thìn, một nỗi buồn không tên len lỏi vào tim tôi. 11 giờ 50 phút, điện thoại bên cạnh bỗng đổ chuông, tôi đang say giấc cũng phải giật mình tỉnh dậy. Mắt nhắm mắt mở, tôi thấy số điện thoại của má hiển thị trên màn hình, thở hắt ra một hơi, tôi lười biếng bắt máy. "Nhắc mấy nhỏ 12 giờ ra nhìn mặt trời chớp mắt ba cái nha con. Sợ mày quên nên má gọi cho chắc." Tôi đơ người trong thoáng chốc, hóa ra má gọi đến chỉ để nói với tôi chuyện này. Tập tục dân gian không biết có linh nghiệm hay không, nhưng sống trên đời hơn ba mươi năm, cứ đến mười hai giờ trưa ngày mùng năm tháng năm, má lại dựng đầu tôi cùng mấy anh chị dậy cốt chỉ để chạy ra phơi nắng liếc mắt đưa tình với mặt trời. "Ôi năm nay sáng sớm mặt trời vừa lên ông nội tụi nhỏ đã bắt tụi nó nháy mắt hết rồi, trên đây khác dưới mình má ơi." Tôi tình thiệt nói thiệt, nói thật nhanh như muốn tắt máy rồi ngủ tiếp. Đáp lại tôi là một tiếng cười gượng cùng câu nói "Ụa vậy hả?" nghe có chút mất mát từ má. "Vậy thôi để má gọi cho mấy đứa xem có đứa nào quên hay không? Mày làm gì làm đi, cúp máy nhé." Nói rồi, cũng không đợi tôi trả lời, má thẳng tay cúp ngang điện thoại. Nhìn màn hình đen thui, lòng tôi bất chợt dâng lên mấy phần hụt hẫng. Có phải tôi đã quá phũ phàng rồi không? Chút niềm an ủi nhỏ nhoi đối với má tôi cũng không cách nào thể hiện được. Phải chăng cuộc sống thực tế đã làm con người ta thay đổi, quá vô tâm để rồi tình người thêm cách xa. ... Mùng năm tháng năm, ngày tết giữa năm của người dân Việt. Thấm thoắt nửa năm đã trôi qua, nhớ ngày nào mới vừa ăn Tết Nguyên Đán, xoay qua xoay lại đã đến ngày mùng năm. Không ngoa khi nói thời gian đã lấy đi của con người rất nhiều thứ, nhưng trong những thứ mất đi, có mấy ai cảm thấy hối tiếc và hoài niệm. Hoặc chí ít bạn biết bạn đã mất đi những gì. Mùng năm tháng năm, ngày tết không trọn vẹn. Tôi thường hay ví von như thế khi đến ngày này. Bởi lẽ, ai đi làm vẫn phải đi làm, ai bận rộn vẫn phải bận rộn, họa may trong bữa cơm gia đình nấu thêm vài ba món xem như mở tiệc ăn mừng. Nhưng ăn mừng điều gì? Tôi bật cười không biết câu trả lời. Không rõ những gia đình khác như thế nào nhưng nhà mẹ đẻ của tôi và cả nhà chồng tôi sau này, vào ngày mùng năm mọi thứ đều diễn ra vô cùng đơn giản. Ừ thì, nó cũng không khác ngày thường là mấy. Nhưng lạ ở chỗ tự dưng đến ngày này vật giá lại leo thang và khan hiếm, bông hoa trái cây cũng được giá tăng cao, ra đường người qua kẻ lại đông như mở hội. "Hôm nay tết mà chị. Bình thường chợ vắng được hôm chợ đông như thế đấy. Vui chị hén." Con bé bán trái cây tôi thường mua nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Hôm nay nó bán đắt, mới hơn tám giờ sáng sạp hàng đã hết sạch. Tôi ngơ ngác nhìn nó, định mở miệng nói móc vài câu nhưng may thay tôi ngậm miệng lại kịp. Ừ, nó nói cũng đúng. Hôm nay cũng là tết mà nhỉ. Nhớ những năm còn sống với ba má, hôm trước mùng bốn má sẽ theo thường lệ hỏi cả nhà muốn ăn gì, mỗi người một ý nhưng má chiều lòng hết. Đến trưa mùng năm lúc mấy anh em tôi đi học về, ai cũng háo hức khi tận mắt nhìn thấy món mình thích bày sẵn trên bàn. Mùi thức ăn thơm nồng như tình thương chan chứa của má. Hai thứ đó hòa quyện vào nhau khiến món ăn má nấu luôn là món ngon nhất trên đời chúng tôi được nếm trải. Lớn lên một chút chỉ còn mình út tôi ở nhà, mấy anh chị bận đi làm xa không cùng kề bên má. Vậy mà cứ đến mùng bốn má lại theo thói quen gọi điện hỏi từng đứa muốn ăn món gì. Lúc đó tôi trẻ người non dạ còn chê má bày vẽ, nấu cho nhiều rồi có ai ăn nổi đâu. Đáp lại tôi là tiếng nói hiền từ của má: "Kệ, năm có một ngày mà. Nấu dư ở nhà mình ăn từ từ cũng hết, nhưng không nấu lỡ tụi nó về không có cái mà ăn." Tôi làm sao hiểu hết ý tứ trong câu nói giản đơn mộc mạc ấy. Cũng làm sao hiểu được mong muốn của một người mẹ có con đi làm xa. Rồi cuối cùng cũng đến ngày tôi rời xa má, lấy chồng thì ở hẳn bên nhà chồng. Cái cảm giác tối mùng bốn được má gọi điện hỏi muốn ăn gì khiến tôi nhớ đến những ngày xưa còn thơ bé. "Má nấu ít thôi, đủ để ba má ăn thôi. Không biết mấy anh chị có về không nhưng mai rơi vào ngày thứ chắc không ai về, con cũng không về được đâu." Tôi nói thật vì lúc đó tôi còn phải đi làm, ngay cả bên nhà chồng tôi còn không phụ phàng gì được huống hồ vượt cả trăm cây số về nhà mẹ đẻ. Má nghe tôi nói thế cũng ậm ừ cho qua, má nói chỉ hỏi chơi thôi chứ má cũng không nấu nướng gì nhiều, tổ mất công lại mất tiền tốn kém. Tin má, tôi cũng nghĩ mọi chuyện đơn giản như thế. ... Ngày trước bánh ú lá tre hay nhiều nơi còn gọi là bánh tro chỉ xuất hiện mỗi dịp mùng năm tháng năm, ấy vậy mà nay ngày nào cũng có. Tôi đặc biệt thích ăn bánh ú lá tre, thích dã man có khi một lúc ăn được cả chục cái. Nhưng có lẽ ăn nhiều nên đâm ra ngán, tới mùng năm lại không thèm ăn bao nhiêu. "Mày ăn bánh ú lá tre không út, để má mua rồi gửi xe lên cho mày?" Tối mùng bốn năm ngoái má gọi điện hỏi tôi như thế đấy. Sở dĩ bánh ú lá tre má thường mua bên ngoài vì má nói má không biết gói loại bánh đó. Chỗ nhà chồng tôi người ta không ăn hay bán bánh ú lá tre mỗi dịp mùng năm, họa may có bán cũng ở chợ xóm trên có điều bánh không ngon thêm cái lại đắt. Vì nhiều lần than phiền cùng má nên có lẽ má nhớ, sẵn tiện gọi điện nên hỏi tôi luôn thể. "Không, con hết thèm rồi, khỏi gửi lên mất công. Khi nào về dưới mua ăn bù cũng được. À đúng rồi, tự dưng nay lại thèm bánh ú gạo nếp nhân mỡ má gói. Nào về má gói con ăn nha." Cái sở thích ăn bánh nhân mỡ của tôi từ xưa đến nay vẫn không thay đổi. Mỗi lần nấu bánh, má lúc nào cũng đặc biệt gói riêng cho tôi vài phần. Bánh ú, bánh tét tôi đều thích. Mà bánh má gói riêng cho tôi lúc nào cũng to hơn người ta, tính không phần mỡ đã to gấp đôi cái bánh bình thường. Nghe tôi nói má bật cười hiền dịu, mắng yêu tôi một câu má vui vẻ cúp máy. Tết Đoan Ngọ năm đó không có ba nhưng mấy anh chị cũng thu xếp về chơi cùng má, chỉ riêng một mình út tôi là không về. Nghe kể lại hôm đó má nấu rất nhiều món ăn ngon, có cả món khổ qua nhồi thịt tôi từng yêu thích nhất. Riêng bánh ú gạo nếp nhân mỡ cũng không thấy xuất hiện trên bàn ăn, má tiếc nuối vì không mua được gạo nếp ưng ý. Trên đây tôi cũng đang ngồi nhấm nháp trái khổ qua đắng ngắt. Lạ một điều khổ qua tôi mua lại không ngọt bằng khổ qua má tự tay làm. ... Thời gian lấy đi sức khỏe và ban tặng những điều không cần thiết. Bệnh tật, buồn phiền cứ như tơ nhện ngày một quấn quanh. Má tôi cũng thế, dường như trên đời không ai thoát khỏi bốn chữ "sinh, lão, bệnh, tử", càng ngẫm nghĩ lại càng thấy quặn lòng. Mùng bốn năm nay má không gọi điện hỏi tôi muốn ăn gì. Mấy hôm trước tôi về thăm má thấy má bệnh đau mà tôi xót. Thương má tôi ở lại nhà chơi với má ít hôm. Má hỏi tôi mùng năm có về nữa không, lúc đó tôi lắc đầu bảo không, có lẽ vì thế nên má buồn không gọi hỏi tôi thêm lần nữa. Kết quả trưa mùng năm tôi mới nhận được cuộc gọi vội vàng từ má, má nhắc tôi dẫn mấy đứa nhỏ ra nháy mắt dưới mặt trời lúc mười hai giờ trưa. Nghĩ lại thì câu trả lời của tôi lúc đó có lẽ đã khiến má buồn không ít. Trong lòng tự dằn vặt với chính mình, liền sau đấy tôi nhận được vài tin nhắn khoe khoang bàn ăn thịnh soạn ở nhà ngoại của nhỏ cháu con chị hai. Chăm chú nhìn vào từng bức ảnh ấy thế mà hai mắt tôi thoáng chốc lại nhòe đi. Một bên góc phải của bàn ăn, đĩa khổ qua nhồi thịt vẫn nguyên vẹn nằm yên nơi đó. Món ăn má tự tay làm cho tôi mặc dù tuổi đã già sức đã yếu. Món ăn năm nào cũng chễm chệ nằm đó nhưng không ai muốn đụng vào, đơn giản một điều ở nhà ngoại trừ tôi ra không ai chịu được vị đắng của khổ qua. Thêm một đoạn video được gửi qua chỉ sau vài giây. Mặc dù cách một chiếc điện thoại nhưng tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng ho thỉnh thoảng vang lên khi má đang cặm cụi tự tay gói từng chiếc bánh ú gạo nếp nhân mỡ cho tôi. Là hạnh phúc nhưng sao tôi lại nghe đau thắt trong lòng, nước mắt tôi cứ thế tuôn ra mặc cho tôi đã cố gắng kìm lại. Có lẽ niềm vui của má là nấu thật nhiều món ăn ngon dành cho những người má đặt trọn yêu thương. Nhưng làm sao vui nổi khi nấu rồi lại không có người thưởng thức? Đưa tay che ngang đôi mắt đỏ hoe sưng húp, tôi bật dậy với suy nghĩ bốc đồng vừa mới thoáng qua. Vào trong thay vội bộ quần áo tinh tươm, một mình tôi phóng xe lao nhanh trên đường lớn. Mặc cho nắng vàng đã tắt, mặc cho mây đen đang kéo đến từng cơn, tâm trí tôi chỉ tồn tại một suy nghĩ duy nhất. Tôi muốn được ở bên má cho đến hết ngày này. Mấy ai đếm được sao trời Mấy ai nói được bao lời nhớ thương Một đời dãi nắng dầm sương Một đời cơ cực đêm trường thức canh Lo con tấm áo mỏng manh Lo con bụng rỗng đói xanh cả người Chỉ mong con trẻ vui cười Niềm vui má nhận tựa mười lời thương. HẾT
Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã đạt giải trong tuần thi thứ 11-12. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau: Giám khảo 1: Tôi cảm thấy rất xúc động khi xem xong truyện ngắn này. Có lẽ bất kì ai, mỗi khi nhớ về hình ảnh mẹ mình sớm hôm dầu dãi năng mưa đều không khỏi chạnh lòng xót xa. Làm mẹ là một thiên chức, con có mẹ lại là một niềm hạnh phúc vô biên. Thật sự khi thấy hình ảnh người mẹ già mỏi mòn chờ con mỗi khi lễ tết, lòng tôi thấy thương vô cùng. Tôi đơn giản chỉ muốn bày tỏ cảm nhận cũng như vài chia sẻ, đóng góp cùng bạn nha. Bạn viết rất tình cảm và tinh tế. Cái tình cảm ở đây là bạn luôn biết cách thể hiện cảm xúc nhân vật Tôi mỗi khi có tình huống xảy ra. Ví dụ như: Nói rồi, cũng không đợi tôi trả lời, má thẳng tay cúp ngang điện thoại. Nhìn màn hình đen thui, lòng tôi bất chợt dâng lên mấy phần hụt hẫng. Có phải tôi đã quá phũ phàng rồi không? Chút niềm an ủi nhỏ nhoi đối với má tôi cũng không cách nào thể hiện được. [..] Thời gian lấy đi sức khỏe và ban tặng những điều không cần thiết. Bệnh tật, buồn phiền cứ như tơ nhện ngày một quấn quanh. Má tôi cũng thế, dường như trên đời không ai thoát khỏi bốn chữ" "sinh, lão, bệnh, tử" ", càng ngẫm nghĩ lại càng thấy quặn lòng. [..] => Vừa bắt đầu vào câu chuyện, bạn đưa ra tình huống má gọi điện lên. Phải công nhận vô cùng hợp lý. Đơn giản là bạn đang nói về ngày Tết Đoan Ngọ và chi tiết gọi điện thoại nó dễ tạo ra sự tò mò, hứng thú nơi người đọc. Cũng là nghệ thuật dẫn dắt bạn nhỉ! ^^ Phần tinh tế tôi muốn nói ở đây là bạn chọn món khổ qua làm điểm nhấn. Mặc dù bạn vốn đã đề cập món bánh ú gạo nếp nhân mỡ để chỉ tình yêu thương má dành cho nhân vật Tôi, nào là cái bánh" "cũng to hơn người ta, tính không phần mỡ đã to gấp đôi cái bánh bình thường." " Món khổ qua thì thế nào? Không nói thì ai cũng biết khổ qua nó đắng, đâu phải ai cũng ăn được. Trong nhà, mỗi nhân vật Tôi là biết ăn. Hiềm nỗi, nhân vật Tôi không về nên món đó để hoài không ai động đến. Chi tiết ấy nó tuy đơn giản nhưng khiến người ta cay mắt đấy bạn. Đưa một món ăn để thấy lòng mẹ thương con biết nhường nào. Không biết rồi nó có về không nhưng bản năng làm mẹ là tự tay làm những món con thích. Giả sử nhân vật Tôi không về thì sao? Món khổ qua đó sẽ đi về đâu? Như bạn thấy đấy, người đọc sẽ rất tò mò và mong mỏi xem tiếp câu chuyện chỉ để thỏa mãn mong muốn chính bản thân họ. Và rồi, mong muốn đó thật sự khiến độc giả hài lòng: " "Đưa tay che ngang đôi mắt đỏ hoe sưng húp, tôi bật dậy với suy nghĩ bốc đồng vừa mới thoáng qua. Vào trong thay vội bộ quần áo tinh tươm, một mình tôi phóng xe lao nhanh trên đường lớn." " => Bạn thấy không, đây chính là sự tinh tế của bạn thông qua món ăn mà tôi đề cập. Trong suy nghĩ của tôi, bạn luôn đặt nhiều tình cảm chân thành vào trong bài viết, thậm chí hóa thân vào cả nhân vật. Chính vì lẽ đó, câu chuyện bạn viết nên lúc nào cũng sống động và tinh tế hơn cả. Người có trái tim nhân ái luôn có cái nhìn rộng mở. Tôi chúc bạn luôn gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống nhé^^ Trân trọng. Giám khảo 2: Đọc đến cuối bài khóe mắt hơi cay cay, Bài viết này không mang đến cho tôi nhiều cảm xúc như các bài thi đợt trước của bạn. Cách vận dụng câu từ của bạn khá tự nhiên nhưng với thể loại tản văn bạn rất khó gây đột phá. Nếu bài viết này được xây dựng theo hướng truyện ngắn, tôi nghĩ sẽ để lại dư vị sâu sắc hơn. Giám khảo 3: Truyện của bạn rất nhẹ nhàng, cung cấp lượng thông tin vừa đủ về ngày Tết Đoan Ngọ nhưng cũng vẫn giữ được mạch truyện liên kết qua những hình ảnh rất đời thường. Bạn đã xây dựng được nội tâm nhân vật Tôi qua từng tình tiết truyện, và giúp ngưởi đọc dễ đồng cảm được với nhân vật Tôi.
Đầu tiên mình xin cảm ơn về những cảm nhận, chia sẻ của BGK dành cho bài viết lần này của mình. Nhân đây, mình cũng xin được phép giãi bày một chút nỗi niềm trong tuần thi chủ đề Tết Đoan Ngọ. Nói thật thời gian dự thi đầu tiên chỉ có 1 tuần, và trong 7 ngày đó mình thực sự không biết viết gì với chủ đề này, đơn giản mình đã định bỏ cuộc. Rồi sau đó BTC gia hạn thời gian thêm 7 ngày, và vào đúng ngày mùng 5, chính cuộc gọi giữa trưa của má đã đưa mình đến những cảm xúc đó. " Niềm vui của má"là tác phẩm mình cảm thấy rất nhẹ nhàng khi viết. Không phải suy nghĩ nhiều, không phải dùng những từ ngữ hoa mỹ, tất cả đều là tình cảm chân thật nhất từ trái tim mình. Lúc viết nên tác phẩm này, mình chỉ nghĩ bản thân đang kể cho mọi người câu chuyện đời thương của mình, mình cũng không nghĩ nó sẽ chạm đến trái tim người đọc như vây. Đọc những chia sẻ của BGK mình vô cùng xúc động và hạnh phúc. Có lẽ giống như bạn nói, khi viết bằng những cảm xúc chân thành người đọc hiển nhiên cũng sẽ cảm nhận bằng một trái tim chân thành. Cảm ơn BGK và BTC rất nhiều. Chúc cuộc thi ngày càng phát triển và nhiều người biết đến. Chân thành!