Đề bài: Đọc văn bản sau và viết đoạn văn nêu suy nghĩ của anh/ chị về câu nói của vị tiền bối "Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu!" Benjamin Franklin được xưng là "cha đẻ của nước Mỹ". Có một lần, ông từng đến thăm một vị lão tiền bối "đức cao vọng trọng". Lúc ấy ông tuổi trẻ lại khí thế mạnh mẽ nên đã ngẩng cao đầu mà sải bước đi rất nhanh. Không ngờ vừa bước đến cửa thì đầu của ông bị đập mạnh vào cái khung bên trên. Đau điếng cả người, ông không ngừng dùng tay mà xoa xoa bóp bóp, lại vừa nhìn cái khung cửa thấp hơn thân thể mình. Vị tiền bối ra chào đón Franklin, chứng kiến cảnh này liền nói: "Rất đau phải không? Nhưng mà đây có lẽ là thu hoạch lớn nhất của chuyến thăm ta ngày hôm nay của cậu đấy! Một người muốn sống bình an vô sự trên đời thì lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng:" Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu! "Đây cũng là một chuyện mà ta muốn dạy cậu". _ Bài làm _ "Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu!" "Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu!" - lời mà vị tiền bối nói với chàng trai trẻ Benjamin Franklin - người sau này trở thành Tổng thống Hoa Kỳ - đã cho bạn đọc một bài học sâu sắc về cách ứng xử khéo léo trong cuộc sống. "Cúi đầu" là hành động hạ thấp người xuống khi chào hỏi, làm lễ, tạ lỗi hay đơn giản để đi qua một cái cổng thấp hơn mình. Nhưng cái "cúi đầu" mà vị tiền bối nói đến không chỉ có nghĩa đen đó, mà còn ý chỉ thái độ khiêm nhường, tôn trọng và sự nhận thức rõ về giá trị, vị thế của mình. Người biết cúi đầu đúng lúc là người luôn sống bình đạm, giản dị, không tự mãn về những gì mình có, không khoe khoang những thành quả mình làm, luôn cẩn thận gìn giữ những giá trị mình nhận được, cố gắng trau dồi, học hỏi mỗi ngày. "Cúi đầu" thể hiện sự tự chủ của bản thân trước những khó khăn, áp lực của các yếu tố bên ngoài tác động vào. Người trí tuệ thường có câu "Biển vĩ đại bởi biển thấp hơn mọi con sông", cũng vì vĩ đại, tấm lòng rộng lớn, bao dung nên biển mới có thể thâu nhập được trăm nguồn, con người cũng vậy, khi hạ thấp cái tôi cá nhân, người đó sẽ tiếp nhận được những tinh hoa từ người khác để hoàn thiện mình. Trong nhiều trường hợp, cúi đầu có thể là cách ứng xử toàn vẹn và hợp tình hợp lý nhất. Can đảm "cúi đầu" trước sai lầm mình gây ra, thừa nhận tội lỗi chính là thể hiện của sự thông minh và quyết đoán, có co có duỗi, có lui có tiến, có nhu có cương. Giữa thực tại và mơ ước thường có một khoảng cách và sự chênh lệch rất lớn, một số người khi bước vào trường học, vào cuộc sống hay nơi làm việc mới thường mang theo những nguyện vọng, mơ ước tốt đẹp, nhưng họ lại khó thích ứng được với những nội quy, quy định nghiêm khắc của nơi đó và dễ dàng đánh mất đi lý tưởng, khó có thể hòa nhập được với môi trường này. Lúc này, nếu chỉ một mực ngẩng cao đầu trông ngóng, mạnh mẽ thể hiện cái tôi cá nhân mà không hạ bỏ được "tư thế" của bản thân thì rất khó tìm cho mình một chỗ đứng phù hợp, chuẩn xác. Trái lại, khi ấy, có thể cúi đầu xuống, tĩnh tâm lại, nhiệt tình làm việc thì sẽ rất nhanh tìm được vinh quang và "chỗ dụng võ" cho mình. Không chỉ vậy, cúi đầu còn chỉ những người biết cách cư xử mềm dẻo, tinh tế, lấy mục đích chung mà bỏ qua thiệt hại trước mắt của bản thân, không ngại thể diện mà giữ hòa khí. Nhờ có tính khiêm nhường, họ nói ít làm nhiều, suy nghĩ bình tĩnh cẩn trọng, không xốc nổi, hiếu thắng, từ đó chiếm được nhiều cảm tình, sự tin tưởng, tín nhiệm, ủng hộ từ những đối tác, đồng nghiệp và những người xung quanh. Gặp những người giỏi hơn mình, họ tôn trọng, cầu tiến, lắng nghe, không đề cao mình và hạ thấp người khác, không bon chen, so sánh thiệt hơn, nên bản thân luôn vô vi, an lạc và hạnh phúc. Họ sẽ không trốn chạy trước thử thách và sẵn sàng nhận lỗi, chịu trách nhiệm khi làm sai. Chính thái độ thẳng thắn đó giúp họ tiến bộ nhanh, tăng vốn kinh nghiệm và hoàn thành mọi việc một cách chu toàn. Đặt vào những người mới gặt hái được những thành công, câu nói của vị tiền bối cũng thực đúng, nó nhắc nhở con người phải biết kiềm lại niềm vui, sự tự hào chớm nở để tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên đường đua của mình, không tự đắc, huênh hoang mà càng phải làm chủ hoàn cảnh và biết lượng sức. Cúi đầu cũng thể hiện mình là một người sống gần gũi, hòa đồng, nhã nhặn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã được rất nhiều người mến mộ khi một bức ảnh chụp cảnh hai tay ông chạm đầu gối, cúi thấp đầu chào một người nông dân khi đi thăm đồng ruộng được đăng tải. Ở chức vị cao như ông, sự quan tâm, bình đẳng và tôn trọng những người dân của mình chính là một phẩm chất thiện chí đáng học hỏi. Cúi đầu đúng lúc cũng có thể tránh được rất nhiều tai họa. Cuối tháng 8 năm 1945, khi 20 vạn quân Tưởng tràn sang Việt Nam, chống phá Cách mạng, Chính phủ đã không đánh trả gay gắt, mà tỏ thái độ hòa hoãn, nhân nhượng, tỉnh táo, kiên trì tìm cách thoái thác những đòi hỏi vô lý của chúng, nhờ vậy, quân ta đã giảm thiểu tối đa xung đột không cần thiết để tập trung chống Pháp, đồng thời đuổi sạch quân Tưởng mà không tốn một binh lính nào. Tuy nhiên, cúi đầu không có nghĩa là nhẫn nhục, nhu nhược, hèn nhát hay bao che, khuất phục trước những điều phi lý, dối gian, bạo tàn. Bỏ qua cái tôi tự cao trong người, "cúi đầu" không phải việc khó, nhưng có nhiều người lại cho rằng khi mình ở thế thượng phong sẽ có thế cưỡng chế người khác, khẳng định năng lực bản thân rất giỏi, nhưng làm vậy sẽ khiến người xung quanh thấy mất thiện cảm và âm thầm coi thường. Có nhiều người cả đời ngẩng đầu phấn đấu, cuối cùng nhìn lại mới nhận ra, mình đã bỏ lỡ bao điều quý giá, mà thứ mình giành được rốt cuộc cũng chỉ là phù du, mây khói, là những vật ngoài thân, hay có người cứ gặp chuyện khó chịu, không vừa lòng liền bộc lộ sắc mặt, hành động nóng nảy, từ đó dễ phạm phải sai lầm. Để có thể ngẩng cao đầu tận hưởng những giá trị bền vững mà mình tạo ra, hãy luôn học cách sống bao dung, tự trọng, giàu lòng biết ơn, cư xử bình tĩnh, uyển chuyển, suy nghĩ thấu đáo, không vì bất đồng quan điểm mà hành động nóng vội, bộc phát, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội; khi còn đói nghèo hay kém cỏi thì phải biết vươn lên, vượt khó vượt khổ, khi no đủ giàu có, hay giỏi giang thành đạt, lại càng phải khiêm tốn cúi đầu, không tự cao, kiêu ngạo. Là một người trẻ, em thấy mình cần tích cực tiếp thu, lắng nghe ý kiến của những người xung quanh để điều chỉnh bản thân, chịu khó, kiên trì dằn lòng, không bày tỏ thái độ bực tức, ấm ức.