Một phút thật lòng nào các bạn. Dù ít dù nhiều thì mình tin chắc rằng ai cũng từng ít nhất vài lần trong đời đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng tại sao chúng ta lại làm như thế nhỉ? Tại sao con người lại hay đổ lỗi cho hoàn cảnh? Có bao giờ bản thân bạn thắc mắc về điều này hay chưa? Rõ ràng chúng ta sai đơn giản vì chúng ta làm sai, thực hiện sai, hoàn cảnh ở đây chỉ như là chất xúc tác để cho sai lầm của bạn đến mau chóng hơn. Vậy thì lí do gì mà chúng ta phải đổ lỗi do hoàn cảnh nhỉ? Hãy giúp mình trả lời câu hỏi này bằng cách nói lên suy nghĩ của bạn ở dưới bài viết này nhé
Đó là khí ta thiếu dũng khí để nhìn nhận thẳng thắn vấn đề. Dù rằng biết rõ mười mươi là không nên như thế, nhưng ta vẫn lựa chọn đổ lỗi cho hoàn cảnh. Ta chưa đủ vững vàng để gánh vác trách nhiệm trên vai. Người có kinh nghiệm sống, có ý chí sẽ sớm thoát ra và vượt lên không để sự thất bại níu chân, hoàn cảnh nào đi nữa cũng sẽ gắng khắc phục. Người mải đắm chìm trong lối suy cá nhân, chưa tìm được hướng đi thích hợp dễ bị hoàn cảnh chi phối. Đổ lỗi hay không đổ lỗi đi chăng nữa thì hoàn cảnh cũng không thay đổi nếu bản thân ta không thay đổi. Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hãy suy xét lại bản thân mình, nhìn nhận rõ vấn đề, điểm mạnh, điểm yếu. Nhất là đừng đổ lỗi cho người khác, tự chịu trách nhiệm rồi ta sẽ trưởng thành thêm.
Chúng ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh đơn giản chỉ vì ta muốn giảm bớt trách nhiệm bản thân phải chịu, cảm giác sẽ nhẹn nhõm và thoải mái hơn khi nghĩ rằng không phải lỗi hoàn toàn do mình mà còn vì tác động khác từ bên ngoài nữa nên mình mới phạm lỗi như vậy. Mình nghĩ đây là một căn bệnh có ở hầu hết mọi người. Khi ta quá đề cao bản thân, quá coi trọng mình thậm chí là bảo thủ thì không còn gì hoàn hảo hơn là đổ hết mọi sai lầm lên hoàn cảnh. Đúng là cuộc sống không bao giờ dễ dàng với con người, nhưng đã được ban cho sinh mệnh thì phải chấp nhận những khó khăn. Ai bảo chúng ta không được phép phạm sai lầm? Ai có thể yêu cầu ta thực hiện hoàn hảo tất cả mọi thứ? Trong khi cuộc sống vốn dĩ là quá trình làm sai và sửa sai? Chúng ta không thể lần một, lần hai mà gạt bỏ hoàn toàn được suy nghĩ đổ lỗi cho hoàn cảnh, hãy để sự trưởng thành làm thuốc dẫn và từng bước có cái nhìn đúng đắn, lý trí hơn. Thay đổi cách nhìn nhận đối với chính mình thì hoàn cảnh cugnx sẽ ủng hộ bạn.
Lý do chúng ta hay đổ lỗi cho hoàn cảnh thường vì để trốn tránh trách nhiệm, lười nhác, sĩ diện cao hay sợ không dám nhận sai. Nó thể hiện ở hành động hay thái độ chống chế, viện cớ cho những sai lầm ta mắc phải. Tuy có thể một số sự việc xảy ra do hoàn cảnh nhưng ai cũng có hoàn cảnh riêng, không nên đứng mãi một chỗ than thở về hoàn cảnh của mình. Ta phải nhìn thử xem mình đã thật sự cố gắng chưa, những lỗi mình hay mắc phải là gì. Ta phải từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm mới để không mắc lại lần nữa. Chúng ta phải dũng cảm đối mặt với những lỗi lầm do mình gây ra và sẵn sàng đối mặt với nó. Cuộc đời chúng ta rất dài mà lại cũng rất ngắn, bạn có đủ thời gian để sửa chữa và thay đổi bản thân. Nhưng nếu bạn không nhận thức về bản thân kịp thời thì sẽ có những lỗi lầm đã ăn sâu bén rễ, khó mà sửa chữa.
Theo mình chúng ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh là do - Chúng ta không công nhận, không chuẩn bị sẵn tinh thần cho những sai lầm hoặc khó khăn từ cuộc sống - Chúng ta có xu hướng tìm lý do để bao biện, trả lời cho những sai lầm, biến cố ấy - Chúng ta luôn tin tưởng bản thân mình làm đúng, cố gắng thì mọi việc được như ý vì vậy khi có biến cố chúng ta thường không chấp nhận được sự thật
Trong cuộc sống, con người thường xuyên phải đối mặt với những điều không như mong muốn, thậm chí thất bại, gục ngã. Nhiều người biết rút ra kinh nghiệm rồi làm lại từ đầu, nhưng nhiều người lại chọn cách đổ lỗi, cho hoàn cảnh, cho người khác. Đổ lỗi là bản thân mắc sai lầm, gặp "sự cố", nhưng không chịu nhận trách nhiệm về mình mà cho rằng do hoàn cảnh khách quan hoặc do người khác tác động. Khoa học gọi hiện tượng này là "tâm lí nạn nhân". Những người mắc "căn bệnh" này không hiếm gặp trong cuộc sống thường nhật. Từ đứa trẻ mới bi bô tập nói, khi ngã đã biết "đánh chừa" cái bàn cái ghế ngáng chân em. Lớn lên đi học quên mang sách vở cũng vòng vo đổ lỗi cho bố mẹ gọi dậy muộn không kịp chuẩn bị. Đến lãnh đạo cấp cao trình độ quản lí yếu kém dẫn đến hao hụt công khố cũng đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới. Có được mấy người dám đứng trước công chúng mà nhận lỗi về mình? Vì sao lại có những người thích đóng vai nạn nhân như vậy? Có nhiều lí do khiến họ hay đổ lỗi cho người khác. Có người đổ lỗi do thói quen, không cần biết đúng sai, ai vạch lỗi của mình là vòng vo chối lỗi làm đầu. Có người đổ lỗi do mất kiểm soát cảm xúc. Lại có người coi đổ lỗi là một cách để tự vệ để không ai nhìn thấy khiếm khuyết của bản thân, để khỏi cảm giác tội lỗi và lo lắng, khỏi sự phán xét của người khác hoặc pháp luật. Có người đổ lỗi do sợ mất uy tín, mất hình ảnh. Họ quan tâm đến sĩ diện của họ hơn tất thảy.. Như vậy, có nhiều nguyên nhân khiến cho con người thay vì nhận lỗi lại đổ thừa cho hoàn cảnh. Đây là thói quen xấu, cần sửa.
Mình nghĩ cái này là cảm xúc bình thường thôi vì bản chất con người là thích đổ lỗi, không đổ lỗi được cho người khác thì đành phải đổ lỗi cho hoàn cảnh thôi. Mà thật ra một phần cũng là do hoàn cảnh khiến cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn thật. VD: Dạo gần đây đang là mùa nhập học mình thấy có rất nhiều người báo là đỗ trường này trường kia nhưng cùng với đó mình cũng đọc được những bài viết của những bạn đỗ vào các trường đại học nổi tiếng nhưng lại không có tiền đi học. Câu nói của Nam Cao "Đau đớn thay những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị cơm áo gạo tiền ghì sát đất", nhiều khi hoàn cảnh nó tác động rất lớn đến cuộc sống con người ấy nên không thể không đổ lỗi được. Nhưng dĩ nhiên song song với hoàn cảnh thì cũng là bản thân con người. Nhiều khi do lỗi của bản thân nhưng lại đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng thực ra nhiều việc cũng không chỉ do bản thân mà hoàn cảnh cũng tác động làm cho cuộc sống con người đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Mình nghĩ có lúc khi nỗi đau quá lớn, bản thân gánh vác điều gì đó quá sức chịu đựng, mình sẽ có xu hướng đẩy việc đó đi. Nó sẽ nhanh và dễ chấp nhận hơn nhiều so với việc kéo về phía mình và vác nó trên lưng. Hơn nữa, hoàn cảnh không phải là một đối tượng cụ thể. Trường hợp của mình chỉ là một biến số trong vô vàn những kết quả khác của nó thôi. Nên từ việc chuyển chủ động thành bị động cho đến không thể làm gì khác. Đau thương càng lớn thì chối bỏ càng nhiều.
Chắc tại do cuộc sống quá khó khăn, nếu đổ lỗi cho hoàn cảnh thì sẽ cảm thấy người mình dễ chịu hơn chăng, lúc đó sẽ nghĩ: "Ồ, không phải do mình chưa đủ cố gắng, mà tại số mình nó vậy rồi."
Bản thân mình trước khi trách bản thân gì đó cũng thường đổ lỗi cho hoàn cảnh lắm. Bây giờ lớn rồi đọc sách nhiều thì đỡ hơn chuyện này rồi chứ trước kia có chuyện gì cũng tại hoàn cảnh chứ không phải tại mình. Bạn có từng đổ lại cho hoàn cảnh chưa. Khi đó bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn không. Con người chúng ta những lúc thất bại thường yếu lòng mệt mỏi khi đó đổ lỗi cho hoàn cảnh thì ta sẽ nhẹ lòng hơn. Đương nhiên khi đó ta sẽ không nhận thức được bản thân vấn đề. Chỉ khi nào ta bình tĩnh lại không được nhìn vào hoàn cảnh nữa mà nhìn vào chính mình. Chúng ta mới nhận ra được mình cần làm gì. Theo mình đổ lỗi cho hoàn cảnh cũng chẳng xấu xa gì chỉ cần khi bạn bình tĩnh lại bạn có thể nhìn lại bản thân mình là được rồi. Ai rồi chẳng có giây phút yếu lòng cho mình nghĩ một xíu có sao đâu.