Người Gruzia có câu: "Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc." Nhìn lại nền văn hóa của nước ta từ xưa cho đến nay, có thể thấy hiếu học là truyền thống đáng tự hào. Hiếu học là tư tưởng đề cao việc học như trách nhiệm hàng đầu, không ngừng tích lũy, vượt qua khó khăn để có được kiến thức, và biết tìm tòi, áp dụng nhiều phương pháp học tập hiệu quả. Những người hiếu học luôn có niềm đam mê và ham muốn yêu thích học tập, có chí hướng cầu tiến. Người hiếu học sẽ có nội lực. Nội lực chính là thực lực để con người tự trọng và tự tin cạnh tranh một cách lành mạnh, không cần phải chiêu trò, dối trá, khuất tất. Nhờ thế mà con người thực sự hạnh phúc, tỏa sáng tài năng, xã hội phát triển theo hướng công bằng, dân chủ, văn minh. Nhờ hiếu học, con người biết mình cần gì, tham vọng ra sao, ước mơ hoài bão thế nào. Nhà hóa học người Anh Dorothy Billington đã nhận định rằng "Những gì chúng ta biết vào ngày hôm nay sẽ lỗi thời vào ngày hôm sau. Nếu chúng ta ngừng học thì chúng ta sẽ ngừng phát triển." Đó chính là lý do tại sao chúng ta phải nỗ lực từng ngày, từng giờ để bồi dưỡng, vun đắp tri thức cho những ước mơ vẫn còn dang dở. Hạnh phúc chỉ đến với những người biết phấn đấu và hết mình vì cuộc sống và rèn luyện ý chí trong học tập. Từ xa xưa, học tập và tiếp thu kiến thức đã được khuyến khích ở trong các điều khoản của "lệ làng, phép nước". Các vị vua thời bấy giờ đã ra những chính sách tuyển chọn và thi cử như Thi Hương, Thi Hội và Thi Đình rất khắt khe với mục đích tìm ra người học rộng, tài cao để đưa vào các vị trí quan trọng trong triều đình. Người thi đỗ các kỳ thi tiến sĩ còn được khắc tên lên bia đá, để đời sau tưởng niệm, và được tổ chức đón rước về làng vinh quy bái tổ. Việt Nam thời xưa đã có rất nhiều tấm gương hiếu học tiêu biểu: Mạc Đĩnh Chi – một người học trò nghèo, đã vượt qua gia cảnh khó khăn, ra sức học tập, đỗ đạt trở thành trạng nguyên, vang danh bốn bể. Hay Danh nhân thế giới Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà chính trị, công thần trong triều đình nhà Hậu Lê mà còn là một nhà văn đóng góp rất nhiều cho kho tàng văn học. Nếu yêu nước là truyền thống ra đời và phát triển mạnh mẽ chủ yếu trong khi Tổ quốc lâm nguy, thì hiếu học gắn với sự phát triển của đất nước trong những năm tháng hòa bình. Dĩ nhiên, các vị tướng tài trên chiến trận cũng là những người chịu học, không ít người còn văn võ song toàn. Truyền thống hiếu học được xây dựng và phát triển mạnh mẽ từ thời xưa, khi hệ thống giáo dục chưa phân thành từng cấp độ rõ ràng, tiêu chuẩn. Vậy thì, thế hệ hiện đại của chúng ta ngày nay – khi đã có nền giáo dục hiện đại, tiên tiến đã bảo tồn và phát huy truyền thống ấy như thế nào? Nhiều người Việt đã chứng minh điều đó bằng việc đạt được các giải thưởng lớn về học thuật, văn hóa, cùng với các phát minh, sáng chế và công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Có rất nhiều tấm gương tiêu biểu cho truyền thống này, như đội tuyển toán Quốc tế của Việt Nam đạt rất nhiều huy chương vàng trong các kỳ thi toán Olympic quốc tế (IMO) ; hay cô giáo Hà Ánh Phượng áp dụng những kiến thức mình tự học để tạo ra phương pháp dạy tiếng Anh mới mẻ cho các em vùng cao và được vinh danh trong danh sách 10 giáo viên toàn cầu. Hay thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ năm lên 4 tuổi nhưng vẫn nỗ lực luyện viết bằng hai chân và vượt lên số phận, trở thành người thầy ưu tú truyền cảm hứng cho bao thế hệ học sinh. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ những người trẻ sa đà vào phim ảnh, game truyện, không coi trọng việc đọc sách và tích lũy tri thức. Nhiều người vì chuyện yêu đương mà bỏ bê học hành, hay vì hoàn cảnh sống mà thiếu nghị lực đi tiếp con đường học vấn. Hay có những mọt sách trên thông thiên văn dưới tường địa lý, nhưng ra ngoài cuộc sống lại không biết áp dụng, thực hành, rồi có người lại ỷ vào chút hiểu biết của mình mà tự cao tự đại, không tiếp thu ý kiến, học hỏi kinh nghiệm từ người khác. Cũng có nhiều nhà trường, gia đình ham mê thành tích, ép con em học chuyên sâu mà không tạo điều kiện phát triển kĩ năng sống cho trẻ. Đó là những thực trạng cần khắc phục và loại bỏ. Trong "thế giới phẳng" hiện nay, muốn đồng hành cùng nhân loại, dân tộc Việt Nam không thể không phát huy truyền thống hiếu học. Xã hội cần đầu tư hơn vào những tiết học thực tế bổ ích, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo được học tập đầy đủ, khuyến khích những tấm gương ham học. Nhà trường cần phê phán và nghiêm khắc góp ý, bảo ban những em học sinh lười biếng, thụ động trong việc học. Trong mỗi gia đình, cha mẹ cần nói cho con giá trị của việc học và rèn cho con thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, dạy trẻ cách gạn đục khơi trong khi tiếp xúc với mạng xã hội và thúc đẩy trẻ tự học. Mỗi người cũng cần là tấm gương của chính mình, gạt bỏ những ham muốn tầm thường để tập trung vào phát triển bản thân. Nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward đã có một câu nói truyền cảm hứng: "Hãy học khi người khác ngủ; lao động khi người khác lười nhác; chuẩn bị khi người khác chơi bời; và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước." Là một học sinh, ý thức được tầm quan trọng của tinh thần hiếu học, em thấy mình cần chăm chỉ, tập trung hơn khi học, tìm ra khuyết điểm của mình và lắng nghe ý kiến của người khác nhiều hơn, học hỏi từ sai lầm của những người xung quanh, vì ngủ dậy muộn thì phí mất cả ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả đời.