QUÃNG THỜI GIAN GẮN BÓ VỚI "KÝ ỨC VỀ CHA" (Cảm nghĩ khi quay bộ phim điện ảnh cùng tên) 1. Bấm để xem Đêm đầu tiên, mọi người ai về nhà nấy. Khoảng sân và nơi đặt ban thờ cha dù có phần lạnh lẽo cô quạnh song tôi lại có cảm giác khó khăn lắm mới được yên tĩnh như thế này. Trong sân chỉ còn chú Nghĩa đạo sĩ và em họ Tiểu Trang đang ngồi vừa uống trà vừa trò chuyện. Chú Nghĩa nói với Tiểu Trang: "Chú là bạn học của mẹ cháu, nhưng ông nội chú là anh của bà ngoại cháu, cũng không phải ruột thịt đâu, chỉ là cụ ông đẻ ra bà cháu nhận ông nội chú làm con nuôi, nên chú phải gọi bà ngoại cháu là cô, gọi Quốc Nguyên là chú. Nếu tính vậy, mẹ cháu là cô của chú. Vậy thì.. cháu phải gọi chú là.. anh!". Quan hệ họ hàng thân thích phức tạp, chỉ tính thứ bậc chứ không tính tuổi. Tôi có rất nhiều cậu, dì ít tuổi hơn mình, hoặc dù bằng tuổi nhưng vẫn phải gọi là cô chú. Quốc Tiểu Nhất, giáo viên lớp 8, tôi phải gọi là cô. Ngày đầu tiên khai giảng đã gọi tôi tới và nói: Mẹ cháu dặn rồi, phải cố gắng nghe chưa. Tổ trưởng tổ giảng dạy ở trường là cậu của tôi, nên mỗi kỳ thi cuối tháng tôi xếp thứ mấy toàn trường, bà nội đều biết rất rõ. Ví như mấy người hàng xóm dưới quê, lúc quay phim Ký ức về cha, ai nấy đều rất nhiệt tình trợ giúp. Trong số đó, người cho đoàn phim mượn chỗ ở là con trai trưởng nhà anh trai thứ ba của bà nội, nói gọn lại là anh họ của cha tôi, tắt hơn nữa là bác họ của tôi. Người của đội tang lễ cung cấp vật dụng cần thiết trong đám tang cha tôi theo kiểu nửa bán nửa cho đó là con trai của em họ ông ngoại tôi. Người đó gọi mẹ tôi là "chị", nên tôi phải gọi là "cậu". Cảnh người em họ đi xe khách về quê xuất hiện ở đoạn đầu phim. Cảnh này được quay trên ô tô điện của một người họ hàng khác. Tôi gọi người đó là "bác". Đó là con trai thứ hai của chị gái ông nội tôi, cũng là anh họ của cha tôi. Lần gần đây nhất mấy người họ hàng ấy có mặt có lẽ là trong đám tang cha tôi. Lần này, họ được tổng động viên tới cũng vì bộ phim kể về một người cha qua đời. Nhiều tầng quan hệ phức tạp như vậy vẫn có thể đoàn kết, quây quần bên nhau, đúng là do những lần gia tộc có hỉ hoặc có tang. Như mỗi khi nhà có tiệc tùng, mọi người có dịp cùng ôn lại thứ bậc, danh xưng trong dòng họ. Đúng như câu mẹ tôi thường nói: Mọi người đều quá thân rồi còn gì! Diễn viên quần chúng trong phim còn thân hơn. Nhóm phụ nữ gấp hoa sen chính là mẹ và dì ruột tôi. Diễn viên phụ trách đếm "1, 2, 3" trước đống "biệt thự vàng mã" là cậu em họ kém tôi hai mươi tư tuổi. Diễn viên đóng vai thầy cúng xem ngày không ai khác chính là ông ngoại tôi. Ông ngoại biết đủ thứ nghề. Ông là nông dân, là chủ tịch nông hội hay là trưởng ban cán sự thôn gì đó, tôi không nhỏ rõ. Tên ông được khắc trên tòa nhà của nông hội, trong nhà tôi cũng có rất nhiều hoành phi chúc mừng như vậy. Ông cũng là chủ chốt trong các cuộc bầu cử ở địa phương. Ông là chủ trì các hoạt động ở chùa làng Long Châu Cung, mỗi khi mở hội dâng hương, ông đều tham gia múa sư tử. Ông gần tám mươi tuổi rồi, tóc đã bạc trắng, nhưng giọng nói vẫn dõng dạc, sức khỏe dẻo dai. Ông thích hát karaoke, thường hát song ca với tôi bài Tuyết hồng, Chiếc khăn tay . Lúc uống rượu ăn cơm, muốn biết ông đã say chưa thì phải để ý xem ông có nói tiếng Anh hay không. Ngoài ra, ông ngoại cũng biết xem ngày, giúp trẻ đặt tên. Bởi vậy, mời ông đóng phim thực ra là để ông diễn lại vai diễn của chính mình. Ông ngoại tự đi xe máy tới, ăn mặc như thường ngày. Thấy ông là đã thấy như diễn viên rồi: Ông mặc chiếc gile đỏ, đeo kính lão, miệng ngậm điếu thuốc, mang theo lịch xem ngày. Ông viết sẵn mấy chữ "Tý sửu dần mão" lên giấy từ lúc ở nông hội. Nói chuyện với nam diễn viên Ngô Minh Phụng vào vai đạo sĩ Nghĩa - người từng đạt giải Kim Chung mà ông ngoại không hề tỏ ra xa lạ. Ngồi bên chiếc bàn xem ngày còn có hai cụ già nữa, đó là thúc công của tôi (em trai ông nội tôi). Đạo sĩ Nghĩa - người chỉ đạo mọi việc lớn nhỏ trong tang lễ, vừa thảo luận chọn ngày với thầy (ông ngoại), vừa mời thuốc các cụ ngồi bên. Mỗi khi máy quay đổi cảnh sang một người, đạo sĩ lại phải châm điếu thuốc mới. Sau đó, có hôm nhìn thấy Minh Phụng trên ti vi, ông ngoại và thúc công đều cười lớn rồi nói: "Cậu diễn viên này một buổi tối không biết phải châm bao nhiêu điếu thuốc cho mình!". Một diễn viên quần chúng khác là em trai của bà ngoại, tôi gọi bằng "ông" hay "cựu công". Công việc của ông là trồng và chăm sóc cây non ươm giống. Trong trí nhớ của tôi, mỗi khi cựu công xuất hiện, ông đều mặc chiếc quần bò và đi đôi tông làm từ da bò. Tôi chưa bao giờ dám hỏi phong cách ăn mặc của ông từ đâu mà ra. Ấn tượng về cựu công của tôi chỉ là một người có phong cách ăn mặc rất "dị và phô trương". Trong phim có cảnh xe cấp cứu chở người cha chạy như bay qua con đường nhỏ ven bờ ruộng dưới ánh chiều tà. Bên vệ đường, một lão nông đeo chiếc radio bên người đi thăm ruộng. Tiếng phát thanh quảng cáo thuốc hay dự báo thời tiết quen thuộc vang lên. Bỗng, tiếng còi xe cấp cứu xé tan không gian yên ắng vốn có của đồng ruộng. Lão nông ấy chính là cựu công. Tạo hình nhân vật y hệt ông ngoài đời. Lão nông mặc chiếc quần bò xanh, đầu đội mũ lưỡi chai, đi đôi ủng màu vàng. Quay xong, trợ lý quay phim chạy lại nói với tôi: "Cựu công nhà cô mốt quá! Cứ như Clint Eastwood ấy!". Tôi đưa mắt nhìn về phía cựu công. Ông khách khí rút tiền thù lao cho diễn viên quần chúng từ trong phong bao ra, đưa trả nhân viên đoàn phim và nói: "Nhận phong bao tượng trưng thôi là được rồi!". 2. Bấm để xem Phòng khách nhà Mai (nhân vật chính trong phim) vốn là gian phòng khách đầy đủ tiện nghi, từ sô pha, bộ pha trà, ti vi, đồ điện cho tới đồ gia dụng, một không gian đẹp như mơ. Sau đó, để phục vụ đoàn phim, căn phòng trở thành nơi tổ chức tang lễ với đủ thứ vật dụng như bàn thờ, đồ cúng, nến, di ảnh.. Lúc đoàn phim mới về nông thôn để tìm nơi dựng cảnh, vấn đề đầu tiên họ gặp phải đó là: Ai có thể cho mượn nhà để làm nơi tổ chức tang lễ? Tôi cùng nhân viên đoàn phim âm thầm tìm kiếm xem có căn nhà ba gian nào chưa có người ở hay không, liệu có thể mượn được không. Nhưng trước đó, một người vốn không biết kiêng kỵ là gì như tôi đã được mẹ dặn kỹ, không được mở miệng hỏi thẳng, tránh rước họa vào thân. Ở vùng nông thôn thờ trời lánh quỷ như thế này, muốn tìm được một gia đình đủ dũng cảm để cho đoàn phim bê quan tài, mang vòng hoa, cho đạo sĩ, diễn viên đầu đội khăn tang vào nhà mình mà chỉ cần giải thích: "Chỉ là đóng phim thôi!", quả thực không dễ dàng chút nào. Lúc ấy, cậu họ của tôi, thường được gọi là sếp Chiêm - người chuyên kinh doanh dịch vụ tang lễ - xuất hiện! Cậu họ tôi vốn không phải là ông chủ. Thời trẻ, cậu đi học nghề mộc, mà chủ yếu là học đóng quan tài. Vốn là người có đầu óc kinh doanh, mấy năm sau đó, cậu học những doanh nhân trong vùng, mở đội tang lễ. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt nên cậu muốn mở rộng sự nghiệp hơn nữa. Nhất là ở nông thôn, cái gì cũng thiếu trừ đất. Thế là, cậu họ tôi quy hoạch lại mảnh đất do tổ tiên để lại để phát triển việc làm ăn. Cậu còn xây cả viện dưỡng lão chuyên cung cấp dịch vụ cho người già. Cậu họ hào phóng cho đoàn làm phim mượn lại phòng tiếp khách của viện dưỡng lão. Sau khi tổ mỹ thuật bài trí tỉ mỉ, căn phòng đã trở thành phòng khách cũng là nơi tổ chức tang lễ của hộ gia đình trong phim. Tại nơi đó, người gấp hoa sen, người tụng kinh, người làm phép thuật, cô con gái hơi một tí là lao tới quan tài khóc cha. Chúng tôi hỏi: Các cụ già sống ở đây có kiêng kỵ gì không? Cậu họ vốn đã tiếp xúc quen với việc ma chay hóm hỉnh trả lời: "Cho các cụ luyện tập trước cũng tốt mà!". Chúng tôi bắt đầu bấm máy quay. Tại "phim trường" quay cảnh tổ chức tang lễ, nhiều hình ảnh đặc biệt được dựng lên. Bên trong, dàn diễn viên vận đồ tang bò ra bò vào. Bên ngoài, nhân viên đoàn phim bê quan tài ra lại bê vào. Ở xa hơn là các cụ ngồi xe lăn được điều dưỡng người nước ngoài đẩy đi. Người cắm ống truyền, người đờ đẫn, họ ngồi xe lăn xếp thành một hàng tới xem đóng phim. Xa hơn nữa, phó đạo diễn tinh tường phát hiện có một chàng trai trông rất "ngầu" thường chăm chú xem chúng tôi đóng phim, cảm giác như anh ấy rất muốn thử làm diễn viên vậy. Chàng trai đó là người làm ở viện dưỡng lão, chuyên phụ trách quét tước, sửa chữa sân vườn, đổ rác. Vóc dáng nhỏ con, gầy gò, trông anh ta rất giống những thuộc hạ máu lạnh thường đứng bên các đại ca xã hội đen trong phim. Khi được hỏi lúc trước làm gì, chàng trai trả lời: Lang thang khắp chốn. Cậu họ tôi nói, anh ta là "người gian khổ", nên mới thuê anh ta tới giúp, vừa có chỗ ở, lại có chút tiền tiêu. Ở nông thôn có rất nhiều người không biết từ đâu tới. Họ bôn ba, lưu lạc từ thành thị đến. Khi về vùng quê, họ đều được gọi với cái tên có vẻ đáng thương: "Người gian khổ". Họ không nơi nương tựa, không có nhà để về, chỉ dựa vào lao động chân tay để mưu sinh. Tốt rồi, có một cảnh quay chàng trai đó hoàn toàn có đất diễn. Kịch bản có đoạn: Người em họ là Tiểu Trang phải giúp anh trai Đại Chí chụp một bức ảnh tay cầm hoa, cần hai người trong thôn căng giúp tấm phông màu xanh làm nền, rồi dùng phần mềm đồ họa để xử lý ảnh. Tiểu Trang thấy mãi không làm xong, hết chịu nổi liền nói: "Người trong thôn phải dùng sức hất tấm phông xuống", rồi vừa lẩm bẩm nói tục vừa đi ra ngoài. Chúng tôi mời chàng trai đó thử vai. Anh ta giơ tay lên và nói đầy tự tin: "Cái này tôi làm được!". Ok! Bấm máy! Anh chàng cứ thế vào vai. Tiểu Trang cất lời khen ngợi: "Được đấy, anh ta diễn rất tuyệt, vừa nhịp nhàng, lại có khuôn mặt chất phác, hành động đều rất chuẩn xác". Quay một lần là xong. Cả đoạn "nói tục" là do Tiểu Trang tự thêm vào, chứ biên kịch như tôi, có đánh chết cũng chẳng viết nổi. Sau đó, khi đoàn làm phim trở lại viện dưỡng lão quay thêm vài cảnh nữa, chàng trai ấy không biết lại lưu lạc tới phương nào. Anh ta như một thiên sứ, tặng cho chúng tôi một cảnh quay tuyệt vời, không tỳ vết trước khi ra đi. 3. Bấm để xem Nhân vật đạo sĩ Nghĩa cầm tờ giấy niêm phong màu vàng, trên đó viết, mười lăm triệu tệ dành tặng Lâm Quốc Nguyên dưới âm tào địa phủ, các hồn ma khác không được chiếm dụng. Trợ lý của đạo sĩ mang một ngọn đuốc tới, đưa cho ba đứa trẻ và bảo chúng đứng thành vòng tròn. Đạo sĩ nói: "Làm vậy thì tiền vàng hóa cho cha cô mới không bay mất". Nhà lầu, xe hơi, ô sin, thú nhồi bông.. tất cả đều làm bằng giấy và cháy rụi trong đám lửa. Ánh lửa hồng rọi sáng khuôn mặt mỗi người. Tôi vốn dốt toán, trong cuốn sổ ghi chép chi phí quay phim có khoản tính toán khiến tôi phát sợ. Đó là chi phí ăn uống. Mỗi người trong đoàn phim ngày ba bữa nhân sáu mươi tệ, trừ bữa sáng với đậu tương kèm bánh trứng hoặc cà phê kèm xúc xích được người sản xuất dậy sớm mua, bữa trưa và bữa tối đều là cơm hộp hoặc đồ ăn nhanh. Nếu quay phim trong hai mươi ngày, tức là mỗi người chúng tôi phải ăn liên tục bốn mươi bữa cơm hộp giá sáu mươi tệ. May mắn thay, phim được quay chủ yếu tại quê nhà Chương Hóa. Tôi thảo luận với người sản xuất, mời đầu bếp địa phương tới, nấu mỗi bữa năm, sáu loại thức ăn với một món canh theo giá sáu mươi tệ mỗi người. Đến giờ ăn, cả đoàn phim ngồi thành đôi ba chiếc bàn tròn, ăn chung giống như cỗ quê vậy. Có mấy bữa cả đoàn ăn ở miếu thờ nhà ông ngoại tôi, giống như đi ăn cỗ giỗ hay ăn tiệc cúng tế. Nếu là đúng dịp bà ngoại có nồi thịt ba chỉ kho hạt khô, bà lại bưng ra mời cả đoàn. Quay ra quay vào, đã thấy bà bê ra một đĩa ổi to. Duy nhất có một tối, đoàn phim quay cảnh đốt tiền vàng ngoài mộ buổi đêm. Tới bữa, nhà ăn mang cơm hộp tới khu mộ. Lúc quay xong, cơm hộp cũng được đưa đến. Trong bóng tối, cậu con trai ông chủ quán cơm xách 10 hộp cơm đi qua các ngôi mộ, tiến về phía chúng tôi. Vừa nhìn thấy tôi, cậu ta đã cười toét miệng. Ồ, hóa ra là "phân gà", biệt danh cậu bạn học cùng tiểu học của tôi. Thực ra tên cậu ấy là "Cơ Thạch" *. Ông nội Cơ Thạch là trưởng thôn, bố mẹ cậu ấy làm nghề nấu cỗ. Hai chúng tôi học cùng lớp 3, lớp 4. Có thời gian chúng tôi còn là bạn cùng bàn. Lên lớp 5 thì bị tách lớp, từ đó gần hai mươi năm rồi, chúng tôi không gặp nhau. *Phát âm trong tiếng Hán nghe giống "phân gà". Cơ Thạch phát cơm hộp cho từng người. Cậu ấy như "bản phóng to" của hồi lớp ba, khuôn mặt tròn, đôi mắt tròn, không mấy thay đổi. Vừa mở miệng, cậu ấy đã nói: "Con trai tớ học lớp hai rồi!". Ngược lại với sự bất ngờ của tôi, Cơ Thạch dường như cảm thấy rất bình thường. Cậu ấy sớm đã biết tôi đang làm phim, chỉ có điều chưa lúc nào tới gặp tôi được. Tôi cầm hộp cơm, ngồi ăn bên mỏm đá cạnh ngôi mộ. Cơ Thạch cũng ngồi xuống và bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe. Khi cậu ấy nhập ngũ, bạn gái cậu ấy đã mang bầu rồi. Nên vừa xuất ngũ, họ liền kết hôn, giờ đã có với nhau hai mặt con. Tôi khen cậu ấy giỏi, Cơ Thạch đáp: "Đúng thế! Ai bảo sau này các cậu đều được học lớp chọn". Trường chúng tôi chia lớp theo lực học. Khi nhiều bạn học đi xe máy không có bằng, hút thuốc lá trộm, tán gái, tôi chỉ biết học, học và học. Cơ Thạch cập nhật thông tin cho tôi, nói cho tôi biết các bạn giờ làm gì, ra sao, ai cưới xin rồi, ai sinh con rồi.. Nghĩa trang lúc ấy toàn là bóng người. Nhân viên đoạt phim thu dọn máy quay, dụng cụ. Tiền vàng cũng đã hóa thành tro. Khung tre của biệt thự vàng mã chưa cháy hết nên mọi người hợp sức xé ra, ném vào lư hóa vàng được vây bởi lưới thép để hóa nốt. Cơ Thạch cũng giúp chúng tôi. Trong ánh lửa, tôi cảm thấy ấm áp, có cảm giác tôi không còn là học sinh của lớp chọn ngoan ngoãn ngày nào. 4. Bấm để xem Trong đêm tối tĩnh mịch nơi thôn quê, có một phiên chợ đêm sáng đèn, đó cũng là nơi sinh hoạt tinh thần của người dân. Mỗi tuần có một tối, các xe hàng lưu động bán đồ ăn truyền thống đều tập trung về đây. Một chiếc xe máy tiến dần về chợ đêm. Người lái xe dừng lại, bỏ mũ bảo hiểm xuống. Ngồi phía trước là Tiểu Trang, phía sau là Mai, cô gái đóng bộ, đi giày cao gót. Khi chọn diễn viên vào vai Mai, lúc đầu đoàn phim định chọn diễn viên với điều kiện "sinh ra và lớn lên ở vùng Trung Nam sau đó tới Đài Bắc học tập và làm việc". Chọn tới chọn lui, cuối cùng quan sát kỹ xung quanh mới phát hiện ra biên kịch kiêm diễn viên kịch nói Vương Lợi Văn rất phù hợp với vai diễn. Từ nhỏ, Lợi Văn đã giúp người nhà bán cá viên, tính tình hòa đồng dễ gần, nhìn có vẻ bình thường, song lại có nét đặc biệt rất riêng. Cảnh "Mai và người cha trên xe máy" vốn định quay ở con đường có hai hàng cây mộc miên, nhưng vì ven đường có cả hàng dài ô tô, nhìn thế nào cũng không giống ở vùng quê Chương Hóa. Sau đó, chuyển tới một đoạn đường khác, chúng tôi quay cảnh hiện tại trước, con gái đi xe máy chở di ảnh cha, sau đó lại quay cảnh trong quá khứ, cũng đoạn đường ấy, người cha đi xe máy đèo cô con gái còn đang mặc đồng phục của trường Đài Trung về nhà. Lợi Văn thay bộ đồng phục học sinh, tóc để ngang vai, trông rất có hồn. Đồng phục nữ sinh Đài Trung nổi tiếng vì mỏng và khoét cổ rộng. Hồi cấp ba, tôi và bạn cùng lớp cứ tan học là trốn vào phòng tập bơi, bật máy sấy rọi thẳng vào ngực cho đỡ lạnh. Lần này vất vả cho Lợi Văn, chỉ có cách lúc nào cũng mang áo khoác bên mình, quay xong một cảnh là lập tức mặc vào. Khi quay cảnh Mai chở di ảnh cha trên xe máy, chúng tôi ngồi trên chiếc xe đặt máy quay phim, theo ngay đằng sau. Quay phim của chúng tôi nói một từ chuyên ngành: "Free hand", tức là để máy tự động quay. Mỗi cái lắc đều đem lại cảm giác rất thật, lúc quay khuôn mặt của Mai, lúc lại quay di ảnh của cha, thêm vào đó là tốc độ, dù không có ánh sáng mặt trời song vẫn mang lại cảm giác tầng lớp rõ rệt. Không ngờ rằng, chiếc xe máy cũ khó nổ lại ghi điểm cho phim. Trời lạnh nên phải mất một lúc lâu mới nổ máy được. Song Lợi Văn không nản lòng. Mỗi lần xem cảnh quay ngang khuôn mặt hay sau lưng Lợi Văn lúc đi xe máy, tôi đều cảm thấy, vẻ dịu dàng nhưng kiên cường của một cô gái xuất thân nông thôn đều được khắc họa rõ rệt. Nếu chúng tôi tìm một chiếc xe máy nổ ngon lành, e rằng sẽ không thể có hiệu quả như vậy. Trong cảnh này, người cha buộc phải mặc áo cộc, đi xe phân khối lớn. Đối với anh Thái Bảo - diễn viên võ thuật vào vai cha mà nói, phóng xe chạy quanh nơi sơn cùng thủy tận cũng như khởi động trước khi luyện võ mà thôi. Đêm trước đó, cảnh liên hoan sinh nhật cha được quay ở nhà hàng Hắc Cẩu Huynh. Chúng tôi để anh Thái Bảo luyện đi xe phân khối lớn quanh đèo, có nhân viên hậu cần theo sát giúp đỡ anh. Nhân viên hậu cần tưởng anh Thái Bảo sẽ đi chậm vì chưa quen xe, cứ thế chạy chậm ngay sau anh. Nào ngờ, vừa nổ máy, anh Thái Bảo lập tức hóa thân thành chàng thiếu niên dũng mãnh, phóng xe vun vút với tốc độ ổn định. Chỉ thương nhân viên hậu cần chạy hộc tốc theo sau. Về tới nơi liền cúi xuống thở dốc, không nói nổi câu nào, chỉ đưa ngón tay cái lên tỏ vẻ thán phục. Quay xong mấy cảnh ngoài cánh đồng, mưa xối xả. Chúng tôi bắt đầu lo lắng, cảnh quay ở chợ đêm làm thế nào bây giờ? Chúng tôi liên hệ được với chủ sạp bán đồ chơi golf, họ đồng ý nếu trời mưa to quá, họ sẽ đưa chúng tôi tới chợ đêm Lạc Hoa. Lúc sẩm tối, những xe hàng lưu động đã chiếm hết chỗ, xem ra họ sắp mở hàng. Nhưng vì không biết xe bán đĩa karaoke có tới không, người sản xuất nhờ tôi tới nơi phát hành băng đĩa nhạc đồng quê ở địa phương để mượn mấy chiếc đĩa karaoke. Lỡ xe bán đĩa không tới, chúng tôi sẽ phải tự thiết kế sạp bán đĩa cho nhân vật người cha. Chúng tôi vẫn đang trên đường, nhận được điện thoại báo chợ đêm gần khu đèo hôm nay không mở cửa, bao nhiêu ý tưởng bỗng chốc tiêu tan hết. Chúng tôi đành mau chóng quay về để cùng đoàn phim tới chợ đêm Vĩnh Hòa. Kết quả là vừa tới nơi, mưa tạnh, đèn sáng rực, một nửa xe hàng đã bày bán. Lúc ấy, bỗng tôi có cảm giác như đang đồng cam cộng khổ, cùng sinh cùng tử với những người ở đây, cảm giác chúng tôi đều là những người nhìn thời tiết để mưu sinh. Trời nhá nhem tối, vẫn chưa thấy xe bán đĩa karaoke đâu cả. May mà đã lên kế hoạch dự phòng, tôi lái xe về nhà lấy 100 chiếc CD toàn các ca khúc vàng của các ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhất Phong, Giang Huệ, Quách Kim Phát.. Đạo diễn Vương gọi điện thoại tới nói, lỡ như số lượng không đủ, thì cứ mang thêm mấy cuốn sách cũ tới, thiết kế sạp hàng của người cha thành sạp bán sách báo cũ kèm CD. Việc này thì tôi làm được. Tôi tìm thấy mấy tập sách như "Món ăn gia đình, làm lần đầu biết liền", "Lại Hòa toàn tập", "Bách khoa ẩm thực thế kỷ Đài Loan", "Tự điển Nhật Trung", "Truyện Thủy Hử", "Tam quốc diễn nghĩa" với một loạt tạp chí cũ như "The first weekly", "Tuyển tập báo in" và một loạt lộ trình tàu hỏa của các nước. Sau khi tôi mang những thứ đồ này tới, sạp đĩa karaoke thần kỳ xuất hiện. Tiếp đó, ngoài việc mưa lúc rơi lúc tạnh ra, mọi thứ đều suôn sẻ. Đang lúc quay, trời đột ngột mưa to. Anh Thái Bảo nói với nhân viên đoàn phim: "Tôi thấy trên xe các anh có mấy thẻ hương, mang cho tôi ba nén đi. Tôi cầu trời tạnh!". Anh Thái Bảo nói đó là thói quen của anh, mỗi lần quay cảnh mới anh đều cầu trời tạnh mưa một lần. Anh nói: "Mọi người thấy chưa, lúc quay phim ban ngày ở ven đường đâu có mưa". Hóa ra anh đã "cầu xin Trời Phật" trước rồi, thật khiến người ta cảm động. Cảnh quay cuối cùng ở chợ đêm, sau khi cha qua đời, anh trai Đại Chí tiếp nhận sạp hàng đĩa karaoke của cha người em họ Tiểu Trang vẫn bán đồ chơi golf. Hai diễn viên Gia Tường và A Thái đều diễn xuất quá đạt, thêm đó là mưa gió, là cái lạnh, càng giúp họ thể hiện tốt cái cảm giác lạc lõng cô quạnh nhưng có phần ấm áp. Mười một giờ, chợ đêm đóng cửa, chúng tôi cũng kết thúc công việc. Mượn tên cuốn sách người bạn thân tại Hồng Kông của tôi - nhà thơ Liêu Vĩ Đường: "Chúng ta ra về từ đây, chỉ còn ánh sáng ở lại". Xe đi từ phía bắc lên nút giao trên cao tốc, qua Tam Nghĩa, xung quanh đều tĩnh lặng. Anh trai tôi đang lái xe bỗng cất tiếng. Anh trai: Lưu Tử Khiết, mau nói gì đi, anh sắp ngủ gật rồi. Tôi: Ồ, em cảm giác em sắp bị trúng gió. Anh trai: Vì khóc cha à? Tôi: Anh chẳng bảo tìm chuyện gì nói cho anh nghe mà. Không khí trong xe lại rơi vào im lặng. Anh trai: Vừa đi qua mấy trạm soát vé rồi? Tôi: Hai trạm Viên Lâm với Hậu Lý. Anh trai: Vậy thì sắp tới Tào Kiều rồi. Tôi: Qua Tào Kiều là tới trạm Dương Mai, Thái Sơn. Qua Thái Sơn còn trạm thu phí nào nữa không? Anh trai: Tịch Chỉ. Ở trạm Tịch Chỉ, đi về phía bắc phải mua vé, xuống phía nam thì không cần. Tôi: Vậy ở phía nam, Viên Lâm đi xuống là Đẩu Nam.. sau đó là Tân Doanh.. Tân Thị.. Anh trai: Cương Sơn! Trạm cuối cùng đó. Tôi: Yeah! Thế thì chúng ta cùng đọc lại bài lớp 11! Rừng cây, hồ nước..
NGƯỜI HỒI HƯƠNG Bấm để xem Nếu không phải vì ngửi thấy mùi thuốc lá bay tới, tôi sẽ không phát hiện ra cô ấy.. người hồi hương. Năm 2007, tàu cao tốc đi vào hoạt động, những người về quê chuyển sang đi tuyến đường mới. Đi tàu cao tốc từ Đài Bắc tới bến Ô Nhật của Đài Trung, rồi lại từ đó đổi sang đi tàu hỏa tới bến tàu cách nhà gần nhất. Họ phải đặt trước vé tàu vốn rất khó mua vào dịp nghỉ cuối tuần liền với ngày lễ, đặt tàu cao cấp hay bình dân, tuyến đường đi qua núi hay qua biển, lộ trình ba hay bốn tiếng. Nếu không đặt vé trước sẽ phải xếp hàng chờ đến lượt mua vé cùng đoàn người ở bến xe Thống Liên. Tôi có cảm giác họ xếp hàng dài tới tận Đài Nam vậy. Những người hồi hương ở đây, rất xin lỗi khi phải nói về nguồn gốc của họ. Họ tới từ vùng nông thôn phía nam của thành phố Chương Hóa. Dù đi dọc tuyến cao tốc Bắc Nam, theo phong cách phương Tây (Nhiều ngôi nhà còn lấy những cái tên lãng mạn như Bốn mùa Paris hay La Mã cao quý ). Những người về quê và tôi đã đều từng ở những căn phòng mà chúng tôi gọi là "nhà" như thế này khoảng hai ngày một đêm hoặc ba ngày hai đêm. Nếu là mùa hè, chúng tôi sẽ mặc áo phông và quần thể thao giống em gái tôi mặc hồi học cấp ba, đi dép lê của cha hoặc ông nội, xõa tóc, đeo kính gọng nhựa và không bao giờ dùng mỹ phẩm như kem nền hay phấn che khuyết điểm. Nếu tâm trạng tốt, tôi thường đi chợ với mẹ, hoặc xuống bếp làm mấy đồ ăn tây học được trên thành phố như cá chép chiên nước sốt chuối hay đặc sản của tỉnh khác như rau trộn thập cẩm. Có khi tôi cũng phóng xe máy đi mua rượu nếp cho mẹ (mà còn không phải đội mũ bảo hiểm). Kỳ nghỉ kết thúc, chúng tôi mang theo bánh ngọt hay sandwich, được người nhà xách hành lý cho, đi qua mấy con ngõ và đường ven ruộng, tới bến xe nhỏ Điền Trung (Đồng nghiệp tôi nói mấy món ăn đó rất đắt hàng, đều được mua trên mạng. Nhắc tới đặc sản, mấy người hồi hương luôn phản bác: Đài Bắc chán quá, từ nhỏ chúng tôi đã được uống những quả dừa to đùng rồi, lần sau về quê tôi mang lên cho các cậu). Mua tấm vé tàu hỏa đi tới bến tàu cao tốc Ô Nhật, đi qua Giáp Khẩu, Nguyệt Đài. Đúng lúc đó, tôi ngửi thấy mùi thuốc lá quen thuộc. Ồ, đó là loại thuốc lá dùng cho phụ nữ. Nhờ đó, tôi nhìn thấy cô ấy - cô gái hồi hương. Cô ấy ngồi ở góc cuối sân ga Nguyệt Đài, có vẻ rất thoải mái, hay là đang tập trung nghĩ việc gì đó, cô ấy hút thuốc lá (Nên giờ tôi dám đảm bảo, lúc tôi gặp cô ấy là sau khi tàu cao tốc lưu thông và trước khi sân ga Nguyệt Đài cấm hút thuốc). Cô ấy lấy điếu thuốc từ một chiếc túi nhỏ để trong túi xách to. Ồ, lợi hại thật, giấu kỹ quá! Mấy lần liền trước khi về quê, nếu tôi đi tụ tập ăn uống với bạn bè, lúc sắp tới sân ga, tôi đều vội đưa hết thuốc lá chưa hút cho họ. Họ nói thẳng là hơi ngại nhưng tôi khoát tay, vì tôi không được mang thuốc lá về nhà. Những người hút thuốc lá nhìn thấy người khác hút sẽ rất thèm. Đúng thế, nhưng tôi còn chưa kịp định thần, tôi chỉ lặng lẽ quan sát cô gái hồi hương ấy hút thuốc. Cô ấy dáng đẹp hơn tôi, không gầy không béo, người chuẩn. Có thể dùng các từ tiếng Anh như "slim, slender, exactly right" để miêu tả. Cô ấy để tóc ép thẳng, trông rất nhẹ nhàng, tự nhiên. Nói theo kiểu của giới thời trang là "smart casual" - một phong cách ăn mặc đơn giản, thời thượng. Điều khiến tôi ngưỡng mộ nhất ở cô ấy là đôi giày hiệu "TOD ' STOD' S" nổi tiếng của Italia. Đây là thương hiệu nổi tiếng với những thiết kế giày được hình dung là "êm như đi trên mặt nước". Việc xa xỉ nhất mà kẻ có máu nghệ sĩ như tôi từng làm đó là lấy tất cả số tiền viết lách để đi mua một đôi giày, nhưng đôi giày của cô ấy, tôi cũng không đủ tiền mua. Tàu đến, tôi ngồi đối diện cô ấy, tôi lặng lẽ ngắm nhìn đôi giày dưới chân cô ấy theo những đợt rung lắc của chiếc tàu. Đó là đôi giày trong mơ của tôi. Nhưng vừa chạy chưa được bao lâu, tàu bỗng dừng lại. Không phải vì đã tới sân ga nào đó, tôi không nghe thấy tiếng loa báo. Hành khách trên tàu bắt đầu xôn xao. Trưởng đoàn tàu cầm loa bước vào khoang tàu và nói: "Đầu tàu có người nằm chắn ngang đường ray, mọi người chờ một chút!". Mười năm về trước, tôi cũng từng gặp cảnh có người nằm chắn tàu, khiến tàu phải tạm dừng. Thậm chí tôi còn có thể nhớ rõ ràng ngày tháng, đó là ngày 2 tháng 7 năm 1998. Mấy ngày thi đại học của tôi. Vẫn trên tàu hỏa từ Điền Trung tới Đài Trung. Có người nằm chắn tàu, tôi và những học sinh đi thi đại học khác đều tá hỏa, chỉ sợ nhỡ giờ thi. Ngồi gần tôi là một bà mẹ đưa con đi thi. Bà xách túi đựng táo đã gọt và ngâm nước muối sẵn với hai chiếc ghế gấp. Tôi bắt đầu tưởng tượng ngày đầu tiên thi Tiếng Anh, tất cả học sinh ngồi chuyến tàu này đều phải được cộng điểm mới đúng. Không biết bao lâu sau đó, tàu mới chạy tiếp. Chúng tôi không bị muộn giờ thi, giấc mơ được sống ở thành phố của tôi cũng không bị dang dở. Sau sự việc lần đó, tôi thi đỗ đại học ở Đài Bắc, rời quê hương lên thành phố. Tới giờ cũng đã được mười năm rồi. Bỗng giọng nói tiếng phổ thông dịu dàng đánh thức tôi. Đó là giọng của cô gái hồi hương. Cô ấy cầm chiếc di động đời mới nhất, báo cáo vụ việc tàu bị chặn cho người ở đầu bên kia biết. Tôi đoán chắc là nói chuyện với bạn trai trên thành phố đó mà. Cô ấy lại gọi cho một số khác, nhưng lần này nói tiếng Đài. Tôi đoán có lẽ là báo cáo mẹ chăng, bởi nghe giọng điệu có phần nũng nịu, giống như đang bĩu môi đỏng đảnh khi nghe mẹ dặn dò thêm mấy câu. Tôi cũng từng như vậy. Nhưng nhiều năm nay tôi đã có thói quen không phải báo cáo hành trình cho người khác. Với mẹ mình hay bạn trai trên thành phố cũng vậy. Có điều, không phải lúc nào tôi cũng có thể đổi hai thứ tiếng và đổi ngữ điệu giống cô gái ấy. Tàu lại chạy. Một người đàn ông trung niên có vẻ rất nhiệt tình và giao tiếp rộng lớn tiếng kể: "Tôi vừa hỏi rồi, người đó nằm chặn ngang đường ray, bị tàu chèn, người lìa thành ba đoạn. Nghe nói là thần kinh có vấn đề, phải uống rất nhiều Amphetamine". Tôi biết đây là một loại thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương và được quản lý rất chặt. Cô gái kia khẽ chau mày, chớp mắt, mím môi. Cô ấy đeo tai nghe lên như thể muốn cách ly mình khỏi những câu chuyện ở nông thôn. Tôi cũng vậy. Tôi không biết cô ấy đang nghe nhạc gì, có thể là nhạc của Vương Phi, nhạc của Trần Ỷ Trinh, mà cũng có thể là nhạc của The Beatles. Chúng tôi không quen nhau, đều đeo tai phone, nghe loại nhạc của mình. Có điều, tôi đối thoại với cô ấy trong đầu. Cô gái hồi hương à, cô cũng giống tôi, mười năm trước đi thi đại học, quyết định dù thi được bao nhiêu điểm cũng phải điền nguyện vọng là các trường ở Đài Bắc trước. Mà đã tới Đài Bắc thì chắc chắn phải đến hiệu sách Quách Nam. À, nói cho cô biết một điều rất ngu xuẩn, năm thứ nhất đại học tôi vẫn cùng bạn học cấp ba ở nhóm làm báo tường đến mua bia ở trước hiệu sách. Chúng tôi không ngủ và cảm thấy như thế mới giống nghệ sĩ trẻ. Trong một năm chúng tôi đã đi hết các quán bar vũ trường dưới lòng đất, tửu lượng chủ yếu được rèn luyện từ hồi ấy. Chúng ta đã không còn là những cô gái mồ côi nữa. Nguyện vọng của cô gái mồ côi vốn là một ca khúc Nhật Bản. Những năm 50 của thế kỷ trước, ca khúc này được nhạc sĩ Diệp Tuấn Lâm viết lời tiếng Đài. Lấy hình ảnh một cô gái lần đầu vào đời làm nhân vật chính, lời bài hát miêu tả mơ ước của cô gái về cuộc sống nơi đô thị cũng như sự trông chờ vào cuộc sống của một nữ công nhân nơi công trường. Thời đó, những người rời xa quê hương không tới thành phố để hòa nhập với thời cuộc kinh tế phát triển mà vì chúng tôi cần thông tin và nguồn tài nguyên chỉ đô thị mới có. Nói một cách dễ hiểu hơn, những thứ chúng tôi cần lúc ấy là thuốc lá, rượu vang, bản dịch tiểu thuyết nước ngoài, CD nhạc Rock, thậm chí là bạn trai người ngoại quốc. Nhưng tôi tin rằng từ sâu thẳm tâm hồn, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ đến từ nông thôn. Nói to tát hơn, giống như tác gia người Thổ Nhĩ Kỳ tới Mỹ, tác gia người Ấn Độ tới Anh, đều trở thành những giáo sư hay tác gia nói tiếng Anh như gió, viết truyện bằng tiếng Anh, dạy học bằng tiếng Anh. Nhưng dù sao họ vẫn chỉ là những người đi khám phá đất khách quê người, vẫn mang tâm trạng của người xa xứ. Bởi vậy, những tác phẩm mà họ viết ra được gọi là "văn học ly tán". Ồ, xin lỗi nhé, cô gái hồi hương! Tôi bỗng trở nên nghiêm túc quá. Có lẽ cô không nghĩ nhiều như tôi. Cô chỉ sống một cuộc sống thư thái, yên bình chốn thôn quê. Tôi thực sự rất ngưỡng mộ cô. Tàu đã vào bến. Từ đó tới bến tàu cao tốc phải qua một đoạn đường không hề ngắn. Tôi luôn cảm thấy đi qua đoạn đường ấy giống như đang được xuyên không vào thế giới khác vậy. Bởi ngay đầu bến tàu cao tốc là các thương hiệu cà phê Starbucks, Mos hamburger, nhà hàng Royal Host, hiệu sách, tiệm bánh Yamazaki. Tôi trở lại với những thứ chỉ thành thị mới có. Những tấm biển hiệu, áp phích nổi bật xuất hiện, tôi không còn trông thấy cô gái kia nữa. Tôi cố đưa mắt tìm kiếm song cũng vô ích. Tôi tự nói với mình, thôi được rồi, đừng giống như một kẻ chuyên theo dõi người khác nữa, về tới Đài Bắc là phải nhanh nhẹn, dứt khoát hơn. Mua vé xong trước khi qua chốt kiểm tra, tôi bỗng nhớ ra điều gì đó và như muốn kiểm chứng điều gì đó. Tôi vừa kéo theo túi lớn túi nhỏ hành lý, vừa chạy nhanh tới cửa hàng tiện ích. Tôi mua một bao thuốc lá và một chiếc bật lửa, sau đó đi qua cánh cửa cảm ứng, tới hành lang bên ngoài bến tàu cao tốc để hút thuốc. Không có, cô ấy không ở đó. Cô gái hồi hương đã biến mất.
NHỮNG NĂM 1980 CỦA TÔI 1. Bấm để xem Năm hai mươi chín tuổi, tôi từng tham dự một hoạt động hướng dẫn trị liệu cho trẻ ít nói. Tôi cùng một nhóm người ngồi khoanh chân vòng tròn. Thầy hướng dẫn trị liệu nhẹ nhàng nói: "Hãy nhắm mắt lại, trở về với thời thơ ấu". Trong tiếng nhạc Ấn Độ đan xen với âm hưởng Tây Tạng, tôi cảm nhận được những người xung quanh cúi đầu, khóc nghẹn ngào hoặc rút khăn giấy để xì mũi. Thật đáng chúc mừng! Điều đó chứng tỏ họ đã thành công tìm lại những ký ức đau buồn chôn dấu trong tim thời niên thiếu. Những ký ức đó đang bị nước mắt gột sạch. Thầy hướng dẫn nói hãy mở rộng lòng mình, để có thể tìm thấy những ký ức đau buồn. Cuối cùng, tất cả mọi người cùng trao nhau những cái ôm đầy yêu thương. Còn tôi, tôi bỗng phát hiện ra một vấn đề quan trọng mình không bị ám ảnh thời thơ ấu. Tôi chỉ thấy mình của những năm 1980, ôm búp bê Nhật thịnh hành nhất thời đó, chốc chốc lại nhoẻn miệng cười, tay cầm cây mía vừa nhai vừa nhả bã. Tôi đi theo sau anh trai, đạp xe đạp hoặc bắt dế, đắp cát thành lâu đài và khoét đường hầm xung quanh. Một trong những nơi tôi thường lui tới lúc nhỏ là văn phòng chính quyền địa phương, bởi mẹ tôi làm việc ở đó đã hơn ba mươi năm. Mỗi khi tan học, tôi và anh trai đều đến đây chơi cho tới khi mẹ tan làm. Tôi còn nhận năm bà mẹ nuôi tại văn phòng nữa. Mỗi khi tôi chạy qua bàn làm việc của họ là có người gọi tôi lại gấp giấy hoặc cho tôi kẹo. Người đóng vai ma trong trò "nhắm mắt trốn tìm" phải nằm úp sấp ở tượng đồng quốc phụ trong vài giây. Mọi người thậm chí còn trốn cả dưới gầm bàn làm việc của trưởng thôn. Lại nói, trưởng thôn chính là anh em kết nghĩa của ông ngoại tôi. Tiếng nhạc dừng lại, tôi và mọi người từ từ mở mắt trở về hiện tại. Tôi phát hiện ra một việc kỳ lạ nữa rồi khóc sướt mướt. Thầy hướng dẫn hỏi: "Có vấn đề gì không?". Tôi giơ tay và thắc mắc: "Tại sao thời thơ ấu của tôi không bị tổn thương, tôi lại khóc". Đó lại là một chủ đề khác về sinh mệnh con người, thầy hướng dẫn mỉm cười đáp: "Chúng ta dành cho buổi học sau nhé". 2. Bấm để xem Tôi luôn nhớ rằng cái đêm tôi học được cách viết tên mình là thứ Hai, nhưng đó là ngày tháng năm nào thì không nhớ nổi. Lúc ấy tôi được năm, sáu tuổi, khi ấy cha tôi khoảng ba mươi hai, ba mươi ba tuổi. Tôi nhớ được hôm đó là thứ mấy bởi người bán đậu phụ thối luôn tới vào thứ Hai. Một đôi vợ chồng đi xe ba bánh, rao đậu phụ thối khắp các con ngõ nhỏ. Ông chủ cầm míc và nói lớn: "Đậu phụ thối đây!". Trong phòng khách ở ngôi nhà ba gian, cha xé mấy tờ giấy trong cuốn vở bài tập toán anh trai dùng không hết, trên đó có ô vuông, cha dạy tôi viết từng nét một. Ba chữ thôi nhưng có cả thảy bốn mươi mốt nét. Nhiều nét quá, khó viết ghê! Tôi học viết theo cha, một nét hất, rồi chấm, móc, vừa viết vừa căng tai nghe xem người bán đậu phụ thối đã tới chưa. Bởi cha nói: "Chỉ cần con học viết được tên mình, lát nữa cha sẽ mua đậu phụ thối cho con ăn". Tối đó, tại sao trong phòng khách chỉ có cha và tôi, còn mẹ, anh trai, em gái đi đâu cả rồi? Sau đó, tôi có được ăn đậu phụ thối không? Tôi đều không nhớ nổi nữa. Có điều chính xác là hôm ấy tôi đã biết cách viết tên mình. Đó cũng là một trong số ít những thành tích mà tôi dám đem ra khoe. 3. Bấm để xem Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đang ở trong độ tuổi từ 1 đến 10, từ khi tôi chào đời cho tới lúc lên lớp 4. Hằng ngày tôi đều cùng các bạn trong lớp xếp thành hàng đi về nhà, vừa đi chúng tôi vừa cất tiếng hát. Quãng thời gian mười năm đó của tôi hoàn toàn không có liên quan gì tới hai chữ "xuất sắc" cả. Mỗi ngày đi học tôi chỉ cần mang đầy đủ đồ dùng học tập thôi là mẹ đã "A di đà Phật" rồi. Từ năm lớp 1 tới lớp 4, chỉ hai chữ để hình dung về tôi: "Ngốc nghếch", tức là vừa nói được một nửa đã chuyển ngay sang chủ đề khác, còn có nghĩa là "đầu óc chậm tiến". Nếu phải thêm hai chữ nữa để chỉ tôi lúc ấy thì là "nghịch ngợm". Hồi lớp 1, tôi còn thi đấu với cậu bạn trai ngồi cạnh xem ai có thể gọt bút chì nhọn nhất. Hai đứa trẻ cứ thế cầm bút chì và không ngừng xoay gọt bút dưới ngăn bàn. Kết quả là lúc cô giáo đi tới, tôi lập tức nhét đồ nghề vào ngăn kéo, ngòi bút được gọt nhọn hoắt đâm thẳng vào lòng bàn tay nên bị gãy, ngòi bút chui vào trong da thịt. Ở trường sợ bị mắng nên tôi không dám nói. Về tới nhà, lòng bàn tay tôi sưng tướng lên, mẹ phải lấy kim để khêu đầu chì ra cho tôi. Tôi đưa một tay cho mẹ, tay kia cầm một cuốn sách tranh, đặt lên đùi để đọc. Dù đau lắm nhưng tôi không dám kêu, không dám khóc, cũng không dám rụt tay lại. Thật kỳ lạ, lúc ấy tôi bỗng nảy ra ý nghĩ, chỉ cần thật tập trung đọc sách thì sẽ không cảm thấy đau nữa. Nhưng tôi chỉ có một bàn tay "rảnh rỗi" nên đặt cuốn sách trên đùi, cứ mỗi lần giở sang trang là lại bị xô lệch. Tôi liền gọi em gái lúc ấy đang học mẫu giáo, tới lật sách giúp mình. Em gái có vẻ lấy làm thích thú với công việc chị giao. Chỉ cần tôi nói "xong", con bé sẽ lật sang trang khác, đôi lúc còn phát biểu ý kiến: "Thật sao? Chị nhanh vậy sao?". Dưới ánh đèn, ba mẹ con tôi trong khu nhà ba gian, đó là một trong số ít những gì tôi nhớ được khi đọc cuốn sách. Lên lớp 5, kỳ thi cuối tháng đầu tiên, không biết ông trời hiển linh tự lúc nào, tôi đạt điểm tuyệt đối, sáu trăm điểm, không sai một câu nào, và đứng đầu bảng. Bạn bè trong lớp và thầy cô lấy làm ngạc nhiên, đồng thời đưa tôi vào top học sinh giỏi của lớp. Từ đó về sau, tôi như bước vào dây chuyền sản xuất đồ hộp vậy, tức là được vào lớp chọn trước, sau đó thi nguyện vọng một vào trường trung học nữ sinh và đại học quốc lập. Câu chuyện về một học sinh ngoan khiến người ta phát ghét bắt đầu. 4. Bấm để xem Con làm việc trong môi trường được gọi là "giới văn hóa", từng được nghe những tiền bối từ các tỉnh khác tới nói, họ có chung một ký ức tuổi thơ, đó là cảm giác được nằm ngủ trên từng xấp tiền mặt. Bởi cha mẹ họ làm việc ở xưởng in tiền trung ương. Nếu nói tuổi thơ của tôi có gì liên quan tới "xưởng", chắc chắn đó là "xưởng xe Vũ Điền". Khi tôi chào đời chưa được bao lâu, cha đã tới đó làm việc. Dù chỉ là một nhân viên bình thường, nhưng lúc ấy đãi ngộ rất tốt. Cứ dịp Tết, công ty lại phát cho nhân viên phiếu quà tặng từ các cửa hàng bách hóa chuyên kinh doanh đồ Nhật, đồ châu Âu. Đó cũng là giai đoạn mẹ và ba anh em tôi được "Tây hóa". Lần đầu tiên chúng tôi được ăn bít tết, ăn humburger, được mua giày Tây và đồ chơi xếp hình Lego đều từ những phiếu quà tặng ấy. Còn chưa kể bát đĩa trong nhà đều dán nhãn Peugeot - một trong mười thương hiệu xe hơi của thế giới, đó là công ty tập đoàn xe hơi lớn nhất của Pháp, chủ yếu sản xuất xe hơi và gia công, vận chuyển các linh kiện máy móc, ngoài ra tập đoàn còn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, dịch vụ. Những năm 80, công ty Vũ Điền khởi nghiệp từ dịch vụ lắp ráp xe Peugeot của Pháp. Năm 1983, sau khi ký thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với công ty công nghiệp Daihatsu Nhật Bản (thành lập năm 1907, tiền thân là công ty chế tạo máy Osaka), Vũ Điền bắt đầu sản xuất các dòng xe của Nhật. Song đến những năm 90, do không cạnh tranh được với các công ty trong nước, năm 1995, Vũ Điền phá sản. Những ký ức thật mơ hồ, hình như cha còn cùng tất cả công nhân ngồi biểu tình trước cổng công ty. Tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ tên của Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Vũ Điền: Diệp Lâm Nguyệt Chiêu. Có lần cha mang về một tờ giấy khen thưởng của công ty, có thể là giấy khen thành tích sản xuất tốt trong năm hay giấy khen thành tích tham gia hội thao dành cho nhân viên. Cha nhìn tên của Chủ tịch hội đồng quản trị trên đó rồi lắc đầu lẩm bẩm: "Diệp Lâm Nguyệt Chiêu, bảo sao lương lậu càng ngày càng chán" *. * "Nguyệt chiêu" đồng âm với "ngày càng chán". 5. Bấm để xem Những năm 80, thường xuyên thấy có người đột nhiên nửa đêm chạy khắp nơi rồi hét lớn: "Trúng rồi, trúng rồi", đó là trò cờ bạc mà mỗi khi thắng đều khiến người ta sung sướng, khiến bà con cô bác ai nấy đều mê mẩn. Tới đâu cũng nghe được tin có người phát tài chỉ trong một đêm. Người bán thịt lợn ở chợ trúng mấy chục triệu tệ nên bỏ nghề bán thịt, bắt đầu xây nhà bốn, năm tầng trên ruộng của mình. Có người thắng bạc tậu được cả chiếc Mercedes, có người thua bạc tới mất cả vợ. Tôi thường nghe các thầy cô và phụ huynh trong lớp thì thầm to nhỏ rằng: Lớp có vài học sinh mới chuyển tới được một thời gian lại chuyển đi vì phải trốn nợ. Lúc bấy giờ, ai nấy đều chú ý để tìm được những con số may mắn. Dù là trong mơ hay trên đường phố, thậm chí là từ những kiểu suy luận phi khoa học, người ta đều có thể nghĩ tới con số. Nếu ngủ mơ thấy bươm bướm, họ sẽ nghĩ tới số 33, đi xe máy chèn phải rắn, họ cũng cố nhớ xem hình hài con rắn đó giống số 0, số 6 hay số 8. Nếu bị chó đuổi hoặc chó cắn thì khỏi phải bàn, chắc chắn là số 9. Thấy trẻ nhỏ tiểu lên trên đám thóc đang phơi, người ta cũng cố quan sát xem bãi nước tiểu tạo thành hình số gì. Con cháu đi thi được bao nhiêu điểm, xếp thứ mấy.. đều là mật mã quan trọng để cô dì chú bác có thể đổi đời. Khi mọi người đều đam mê cờ bạc, một người chẳng lấy làm hứng thú gì với trò chơi may rủi ấy là tôi lại trở thành thần đồng đoán số trong mắt mọi người. Lúc đầu, tôi được người lớn đưa tới chùa để xem tướng. Trong lúc chờ đợi tới lượt mình, người lớn cũng tham gia chơi trò đoán số. Người nhà chùa vẽ những thứ loằng ngoằng khó hiểu lên một lá bùa và phân tích con số ở trong đó, hoặc họ nói có thể nhìn thấy số từ đám tro hương hoặc gạo trắng. Kỳ lạ là dù chẳng am hiểu gì và có phần ngờ nghệch, tôi luôn đoán trúng những con số của họ và ăn tiền. Số tiền gửi tiết kiệm vài trăm tệ một học sinh tiểu học như tôi từng đem gửi tiết kiệm chính là tiền đoán trúng số mà ra. Có một thời gian dài, các chủ các bác liên tục tới nhà hỏi tôi, dạo này có thấy được con số nào không. Nhưng bỗng có một ngày, lệnh cấm chơi cờ bạc khiến trào lưu này đi xuống, thần linh cũng không còn ưu ái tôi nữa.
THĂM LẠI VƯƠNG CÔNG Bấm để xem Thực tế là con đã ngày càng xa rời thời thơ ấu của mình. Trưởng thành rồi con mới biết Vương Công hóa ra không phải là cung điện của vua. Hồi con còn nhỏ, cha và mẹ nuôi ba anh em con bằng đồng lương đi làm. Gia đình mình còn không được coi là gia đình trung lưu. Trong ký ức của con, cha chưa từng lái chiếc xe nào tử tế, nhưng hễ nhắc tới thời thơ ấu, trong đầu con lại hiện ra cảnh được cha đưa đi chơi. Thời ấy còn chưa có ngày nghỉ cuối tuần. Làm việc tại xưởng ô tô, cả tuần chỉ có ngày Chủ nhật cha không cần mặc bộ đồng phục màu nâu. Trước khi đi chơi, cha không bao giờ nói cho con biết. Nhưng con nhớ là, mỗi khi thấy cha bắt đầu nổ máy, nhấc tấm đệm xe lên phủi bụi và thêm nước vào cốp xe, con biết ngay mình sắp được đi chơi. Trước khi xuất phát, cha không bao giờ nghiên cứu lộ trình. Nhà ta ở khu vực đồng bằng trung tâm thành phố Chương Hóa nên thường đi theo hai tuyến đường: Một là đi đường núi phía đông, từ Điền Vỹ tới Điền Trung, Nam Đầu, Danh Gian, Trúc Sơn, Lộc Cốc. Hai là đi đường biển phía tây, từ Điền Vỹ qua cầu tới Khê Hồ, sau đó tới Nhị Lâm, Phương Viện và bờ biển Vương Công. Chúng ta không có địa điểm đến, cha cũng chưa từng nói sẽ đi theo lộ trình nào. Thông thường, nếu đi lên đường núi mà trông thấy đoạn đường nào có khe suối, cha sẽ dừng xe, cho chúng con đi nghịch nước hoặc câu tôm. Thấy có vườn cam đang cho quả sai trĩu, cả nhà liền mang theo túi ni lông, vặt đầy túi, chất lên xe, mang về chia cho người thân và bạn bè. Đi đường biển cũng hoàn toàn ngẫu hứng. Bắt cua, hái dưa hấu, đi lễ ở miếu long vương, ăn hà (một loại hải sản chiên dầu phổ biến ở các làng chài, bến cảng ở vùng duyên hải Phúc Kiến, Đài Loan), ăn mỳ xào hà, trên đường về cả nhà chắc chắn sẽ đi ăn kem ở xưởng bánh kẹo Khê Hồ. Hồi con học lớp 3, lớp 4, trào lưu du lịch miền trung trở nên rất thịnh hành. Một vài khu du lịch lớn và các điểm nghỉ dưỡng ở nông thôn đồng loạt đi vào hoạt động. Biển quảng cáo của làng văn hóa chín dân tộc, Cửu Cửu Phong, Đẩu Lục Thiên Nguyên Trang, khu giải trí Kiếm Hồ Sơn được dựng sừng sững trên đường. Trên đó có dòng chữ: "Mua một vé, chơi tới cùng". Thứ Hai, chúng con tới lớp, các bạn đua nhau khoe ngày hôm qua được mẹ đưa đi đâu, được chơi những trò chơi mạo hiểm nào. Nhưng tất cả những nơi các bạn nói, con đều chưa bao giờ tới. Trên đường đi dã ngoại, cha lái xe qua một khu vui chơi giải trí, con ngầm quan sát tay cầm vô lăng của cha, xem cha có chuẩn bị bật đèn xi nhan lên không, nhưng tiếc là chưa bao giờ. Ngược lại, nhìn cảnh tắc đường ở khu vui chơi, cha còn thở dài ngao ngán. Có lần vì em gái con vòi vĩnh, cha đành lái xe vào đó. Cha đỗ xe ở bãi. Người bán vé chạy tới, đếm vé hai người lớn, ba trẻ em cộng tiền gửi xe, xem tổng cộng hết bao nhiêu tiền. Con không nhớ rõ cụ thể là bao nhiêu, chỉ biết rằng, đó là cái giá trên trời đối với đứa trẻ một tuần chỉ có năm mươi tệ tiền tiêu vặt như con. Vừa đánh xe ra khỏi khu vui chơi, cha vừa nói với em gái: "Thế là nhà mình cũng đến đây rồi nhé!". Nhiều năm sau, con tham gia đội cứu nạn động đất ngày 21 tháng 9. Khi xe cứu hộ đi qua con đường cũ, nhìn thấy khu vui chơi năm đó đổ nát do trận động đất, chiếc biển quảng cáo lớn đã tan nát, con bỗng cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Không ai biết rằng nơi ấy là hy vọng và mơ ước của biết bao em nhỏ. Vì không biết điểm đến nên mỗi khi về nhà viết nhật ký về chuyến dã ngoại, con lại hỏi cha hôm nay mình vừa đi đâu. Cha nói: "Cứ viết là 'dân gian' đi". Con liền viết: Hôm nay, cha đưa chúng tôi đi chơi dân gian, tôi có cảm giác cả nhà tôi đã thành những cô hồn lang thang hay những thần tiên trên trời. Hoặc cha nói, con cứ viết là "Cung" ấy. Con liền viết ngay: Hôm nay cha đưa tôi đi chơi "Hoàng Cung". Nghĩ lại kỷ niệm ở bờ biển Vương Công, trên bãi cát trắng xóa lấp lánh dưới ánh chiều tà, và khuôn mặt thời trẻ của cha mẹ, đối với con mà nói, đúng là một "Hoàng cung" đẹp nhất*. *Địa danh Vương Công đồng âm với từ "Hoàng Cung". Sau đó, chúng con trưởng thành theo thời gian, giống như thước phim quay chậm. Con rời khỏi nhà, học cấp ba, rồi đại học, nghiên cứu sinh, yêu đương, làm việc. Cha không còn khỏe mạnh như trước nữa nên phải về hưu non. Tiêm Insulin, chạy thận, nhập viện, ra viện, sức khỏe giảm sút. Nằm trên giường bệnh, cha bảo con đi thi lấy bằng lái ô tô. Câu nói này lại trở thành di nguyện duy nhất của cha mà con nhớ được. Ba năm sau khi cha qua đời, con lái xe đã rất thạo rồi. Lần này, con chở bạn bè về thăm quê hương Chương Hóa. Con chọn đi đường biển, theo đúng lộ trình thời thơ ấu, trở lại Vương Công. Mấy năm gần đây, Vương Công trở thành địa danh du lịch hút khách. Từ đánh cá, chụp ảnh hoàng hôn cho tới ngắm những cây cầu, tất cả lộ trình dã ngoại tuổi thơ dường như đã được Phòng Văn hóa Lịch sử và Sở Du lịch quy hoạch từ trước. Thêm vào đó là những tấm biển quảng cáo chỉ đường, tất cả dường như trở nên không thật. Con tìm được một bãi biển có thể bắt cua. Gió biển thổi rất mạnh, nhiều khách du lịch cũng tới đó. Con phố lớn ở Vương Công trong ký ức của con giờ trở nên đông đúc hơn, nhiều các cửa hàng tiện ích và trung tâm bán đồ lưu niệm hơn. Con bỗng có cảm giác mấy người phụ nữ đội khăn, đội nón lá bắt hà ở ven đường cũng chỉ là để quảng cáo. Đặc sản thì không thể không thưởng thức được. Ngoài dịch vụ cung cấp hải sản, Vương Công bắt đầu mở rộng dịch vụ ngắm cảnh kèm phục vụ các món đặc sản địa phương như lạc wasabi, trà dưỡng sinh, khoai lang. Có bạn đòi đi ăn kem, hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư là con mới tỏ ra am hiểu và nói: "Muốn ăn kem ngon thì chắc chắn phải tới xưởng sản xuất đồ ngọt Khê Hồ rồi!". Xưởng đồ ngọt Khê Hồ là nơi hội tụ những ký ức ngọt ngào nhất của nhiều trẻ nhỏ Chương Hóa. Phòng phúc lợi của xưởng có tủ lạnh chứa nhiều loại kem, sandwich, mười năm rồi vẫn vậy. Các bạn lớn lên ở thành phố dù lần đầu tới xưởng đều nhớ lại thời thơ ấu trong sáng, tươi đẹp. Nhận hộp xốp đựng kem, ai nấy vui vẻ chọn hương vị mình thích. Một người bạn của con trông thấy các loại thực phẩm dinh dưỡng đặt trên giá liền hỏi mọi người còn nhớ hồi nhỏ hay được ăn viên C không. Vừa nhắc tới, mọi người đã nhớ lại những viên C bọc đường đủ màu sắc, chỉ muốn ăn một lúc cả vốc. Có điều, trên giá không có viên C. Tôi hỏi nhân viên phục vụ, họ trả lời do sau này kiểm tra thấy trong viên C có thành phần của Enzyme thường dùng cho heo nên bị dừng sản xuất. Nghe xong, chúng con dở khóc dở cười. Buồn cười là vì hóa ra từ nhỏ tới lớn chúng tôi được cho ăn giống heo, ký ức thời thơ ấu không thể nào quên ra là vậy. Con cười nói rôm rả với bạn bè, nhưng cảm giác hụt hẫng bỗng trào dâng trong lòng. Cha biết không? Lúc ấy, con bỗng cảm thấy dù mình có thể không ngừng lái xe đi thăm thú những nơi từng tới thuở nhỏ, song con đã cách quãng đường ấy ngày một xa.
ĐIỂU LỘ TRẠI Bấm để xem "Điểu lộ trại" là câu cửa miệng của ông nội tôi. Mỗi khi nói xong ba từ này, ông liền tự động "biến mất". Mỗi khi cả họ có cỗ bàn tiệc tùng, mọi người lại cười nói rôm rả tới mức quên cả thời gian. Lúc ấy, ông nội sẽ nói: "Điểu lộ trại!". Sau đó, ông đứng dậy, đi ra ngoài để tìm sự yên tĩnh. Hồi ấy không hiểu tiếng Nhật cả, chỉ nghe có một từ "điểu" (thường dùng trong câu chửi thề của người Trung Quốc) nên đều nghĩ đó là câu chửi thề. Cả nhà lại thì thầm "Ông nội giận rồi!". "Điểu lộ trại" không có nghĩa gì trong tiếng Hán, đọc theo âm Nhật là u-ru-sai, nghĩa là ồn ào, phiền phức, không phải câu trách móc hay mắng mỏ. Giống như câu mà các thiếu nữ bây giờ thường nói khi giận hờn, nũng nịu. Nhưng với một người già tám mươi tuổi vẫn khỏe mạnh, đứng thẳng lưng được như ông nội tôi, chẳng ai tin nổi ông đang giận dỗi hay làm nũng cả. ** Đúng là một dòng họ lớn, những việc "u-ru-sai" như thế này nhiều vô kể. Ban tổ chức hội làng muốn quyên tiền hương, dầu đèn, bà nội tôi bảo đóng góp nhiều một chút để cả nhà mình được trời Phật phù hộ, trong khi ông nội chỉ nói: "Điểu lộ trại". Mồng ba Tết hằng năm, cả nhà lại làm cỗ đãi họ hàng thân thích. Ba chị gái và một em gái của ông nội đều tới, và cả nhà sẽ phải nhiệt tình tiếp đón. Lúc ấy, ông lại nói: "Điểu lộ trại". Họ hàng xa tổ chức cưới hỏi, ông phải đi ăn cỗ; thấy người ta đặt cột điện cao áp bên bờ ruộng mà chẳng để làm gì, các cháu gái mang chó mèo về nhà nuôi.. ông đều nói: "Điểu lộ trại", "điểu lộ trại", "điểu lộ trại". Những việc làm phiền tới nhiều người, hay việc phải tiêu tiền, việc ảnh hưởng tới thói quen sinh hoạt của ông đều là những việc "điểu lộ trại". Ông như một ẩn sĩ thích sống thanh tịnh và yêu cầu cao, nhưng cũng là một cụ già ngoan cố, hồ đồ. Hai con người ấy trong ông tạo nên gen bảo thủ của cả dòng họ. Không biết tính cách ấy được truyền lại từ đời cụ nào. Có điều, không nghi ngờ gì, bản thân tôi cũng được di truyền lại. Có lẽ việc viết lách là cách tôi đối diện với thế giới ồn ào bên ngoài và tìm cách thoát khỏi câu "chửi thề" ấy của ông.
SÁU CÂU CHUYỆN GẮN LIỀN VỚI ĐƯỜNG SẮT CỦA ÔNG NỘI 1. Đường sắt từ Điền Trung tới Đài Đông Bấm để xem Thấy trên người ông buộc chiếc khăn len màu đỏ, trông có phần "dị", ông đứng thẳng lưng, khép chân trước quan tài anh trai mình. Tôi thầm nghĩ đối mặt với bất cứ việc gì, ông vẫn luôn bình tĩnh như vậy. Đạo sĩ miệng vừa lẩm bẩm đọc gì đó, vừa bắt tay ông. Hai người ai nấy tay cầm đinh đi quanh quan tài, gõ chỗ này một chút, gõ chỗ kia một chút. Đây chính là nghi thức đóng đinh quan tài. Ông nội bảy mươi bảy tuổi đang đóng đinh quan tài anh trai ông tám mươi sáu tuổi. Tôi rất sợ ông sẽ gục ngã. Tôi rất muốn chạy tới nói: Ông nội cháu già rồi, không thể thay một người khác tới làm nhiệm vụ này sao? Nhưng ông rất kiên cường, rất bình tĩnh. Ông luôn bình tĩnh xử lý tất cả những việc lớn nhỏ mà ông cho là nên làm. Mỗi ngày về tới nhà, ông lấy chiếc đồng hồ đeo tay từ trong túi quần ra, vặn nút chỉnh giờ rồi cất đồng hồ vào ngăn kéo. Trước khi ra ngoài, ông đeo kính lão xong liền chỉnh giờ theo chiếc đồng hồ lớn ở phòng khách. Ông chỉnh chuẩn tới từng phút từng giây, sau đó mới cho đồng hồ đeo tay vào túi quần. Đó là chiếc đồng hồ ông được tặng nhân dịp kỷ niệm ngày hội của nông dân, giờ dây đeo đã xước và có nhiều vết nứt, vậy mà ông vẫn không thay đồng hồ mới. Ông nói: "Cái gì tiết kiệm được thì nên tiết kiệm". Một từ "tiết kiệm" mà ông gần như nói cả đời. Thậm chí ông còn hạn chế đi xa nhà. Cả đời ông chỉ tới Đài Đông duy nhất một lần. Năm đó, đường sắt Nam Tuần bắt đầu được lưu thông. Ông muốn tới thăm chị gái thứ hai sống ở Đài Đông đang bị ốm. Để tránh phiền phức, ông không thông báo với bất cứ ai, ông đi một mình cho tiết kiệm thời gian và không qua đêm để đỡ mệt. Sáng sớm ông đi xe máy ra bến Điền Trung để đáp chuyến tàu tám giờ, dự tính một giờ chiều tới nơi. Thăm chị gái xong, bốn giờ chiều ông lại đi tàu về quê. Hơn chín giờ tối ông về tới nhà. Mọi người trong nhà sốt ruột vì cả ngày không thấy ông đâu, nên thấy ông về, ai nấy đều chạy tới hỏi ông đi đâu. Ông chỉ đáp: "Đài Đông". Cả nhà không ai tin, liền gọi điện tới Đài Đông hỏi. Chỉ thấy cháu họ ông nghe máy rồi kêu ca, cố giữ ông ở lại mà ông nhất quyết không đồng ý. Cả nhà xì xào bàn tán, vừa bực mình vừa thấy buồn cười về hành tung bất định của ông. Trong khi đó, ông vẫn ung dung ngồi ngoài thềm cửa cởi giày, xếp ngay ngắn, lộn tất về mặt phải. 2. Đường sắt Đài Bắc tới Tả Doanh Bấm để xem Tôi vẫn nhớ câu chuyện ông nội và chiếc xe máy khiến ai nấy không nhịn được cười. Một hôm, sáng sớm ông đi xe máy như mọi ngày ra chợ. Ông để mũ bảo hiểm ở giỏ xe, sau khi dạo một vòng chợ, ông ra tới nơi, mũ bảo hiểm đã biến mất. Ngày hôm sau, ông để xe máy cũng giờ đó, vẫn chỗ đó. Ông mang theo mũ bảo hiểm mới mua vào chợ, đi một vòng rồi ra ngoài. Xe máy của ông biến mất. Tôi không biết sau đó ông và mũ bảo hiểm của ông làm thế nào để về được đến nhà, chỉ biết không lâu sau đó, ông lại tậu thêm chiếc xe máy mới giống hệt chiếc bị mất. Kiểu xe số đời cũ đó có lẽ là một phần tất yếu trong cuộc sống của ông. Hồi còn nhỏ, ba anh em tôi đều từng được ngồi trên chiếc xe máy của ông. Từng được ông đưa đi chơi những đâu, tôi không còn nhớ rõ, cũng có thể chỉ là đi xe máy lượn lờ hóng gió. Chỉ nhớ rằng nếu phải dừng xe nghỉ giữa đường thì đó chắc chắn là xe bán thịt viên dưới gốc cổ thụ lớn. Chiếc xe hàng viết mấy chữ "thịt viên Bắc Đầu", giữa "thịt viên" và "Bắc Đầu" hình như còn có một chữ gì đó tôi không nhớ nổi (Thịt viên Đài Loan là món ăn vặt thường được làm từ các loại thịt động vật, hải sản băm nhỏ trộn gia vị, bên ngoài bọc khoai lang chiên nóng hổi, mỗi viên to bằng nắm tay). Có thể là chữ "hỏa", chữ "sinh", cũng có thể là chữ "đoan" với ý xe hàng đó bán đồ gia truyền. Tôi học theo ông, dùng chiếc đĩa làm bằng gỗ để chọn thịt viên nóng hổi bày trên đĩa. Ông chọn viên hà chiên, bên trong có thịt hà trộn lá hẹ băm nhỏ, rán giòn, chấm xì dầu. Có khi, ông còn đưa tôi tới nhà của người chuyên thảo hợp đồng. Lúc ấy, tôi mới biết, công việc dường như rất thong dong, nhàn nhã ông vẫn làm chính là "môi giới". Hóa ra mỗi khi ngồi trên chiếc xe máy với tốc độ 20km/h, ông đều quan sát khắp cả cánh đồng để lên kế hoạch môi giới đất đai, nhận tiền hoa hồng. Cho tới giờ tôi vẫn không hiểu một người ít nói và có phần khô khan như ông lại có thể làm công việc đó. Nhưng thực tế là ông làm rất tốt. Rời khỏi nhà của người thảo hợp đồng, tôi cũng được ông cho chút tiền tiêu vặt. Ba anh em chúng tôi đã trưởng thành, ông vẫn thường một mình đi xe máy quan sát cơ hội làm ăn. Có lần về tới nhà, tôi hỏi ông giờ thường đi những đâu. Ông nghiêm túc nói: "Đi xem tàu cao tốc lắp đặt tới đâu rồi". Đây có vẻ như bài tập mà thầy giáo người Nhật giao cho ông vào những năm 1970. Rất nhanh sau đó, đường cao tốc chạy qua khu đất bằng rộng mênh mông ở làng bên đã khai thông. Tôi mời ông đi thử từ Đài Bắc tới Tả Doanh. Nhưng ông nói rằng ông thích đi tàu Shinkansen (tàu cao tốc Nhật Bản) hơn. Ông nói một cách rất nghiêm túc. 3. Tàu cao tốc từ Tokyo tới Kyoto Bấm để xem Có lần tôi đi tàu Shinkansen nhưng không nói cho ông biết. Bởi khi ấy mới là hơn một tháng ngày con trai trưởng của ông (cha tôi) qua đời. Trước đó rất lâu, tôi đã đặt mua vé máy bay giá rẻ và cũng sắp hết hạn sử dụng rồi. Tôi không cho rằng cứ phải lãng phí vé máy bay mới chứng tỏ nỗi đau mất cha. Bởi vậy, tôi lại lặng lẽ lên đường một mình. Có điều khiến tôi bứt rứt nhất vẫn là, mỗi khi về nhà, tôi không dám ríu rít kể cho ông nghe Nhật Bản trong tưởng tượng của ông thực tế như thế nào. Con cháu trong nhà đều biết cách duy nhất để tỏ lòng hiếu thảo với ông là tới siêu thị của Nhật ở Đài Loan hoặc cửa hàng hoa quả nhập khẩu mua táo Nhật biếu ông. Nhưng lần nào ông cũng chỉ ăn thử một miếng rồi nói: "Đây không phải là táo Nhật". Nhưng mọi người vẫn không thay đổi thói quen mua đồ Nhật cho ông ăn. Thi thoảng cũng nhận được một câu khen của ông: "Cái này có vẻ giống của Nhật đó!". Ông vui vẻ nói như một chuyên gia ẩm thực đang nhận xét các đầu bếp và cho điểm vậy. Người có lòng nhất trong họ nhà mình phải kể đến bác dâu họ. Ngoài táo, bác thường xuyên mua nhiều đồ Nhật biểu ông như bánh rán Doremon, bánh gạo, bánh thịt dê, kẹo sữa bò loại lớn. Mỗi khi mọi người nhắc tới việc sẽ đưa ông đi Nhật chơi, ông đều nói tối qua nằm mơ, ông đã tới Nhật rồi. Thế là, ai nấy đều bảo tôi học được chút tiếng Nhật rồi thì gắng tìm lấy một cậu bạn trai người Nhật mà cưới, có vậy tới lúc tổ chức lễ cưới, cả nhà mới có cớ mà đưa ông sang. Việc đầu tiên tôi làm khi tới Tokyo là đến siêu thị mua thử táo Nhật xem có ngon tới mức khiến người ta ngây ngất như ông tả không. Thực ra cũng không đến nỗi nào. Tôi ra cửa hàng đồng giá mua một chiếc dao nạo hoa quả. Khi đi qua Tokyo, Kyoto, Himejishi, Naraken, hễ gặp siêu thị là tôi lại mua hai quả táo, vừa để giải khát, vừa để bổ sung vitamin sau khi ăn món cơm thập cẩm toàn thịt cá mà chẳng có chút rau nào. Trên tàu Shinkansen, tôi cũng không mua suất cơm hộp mà cơm thì ít, thịt thì nhiều, tôi chỉ ăn táo. Vừa gọt vỏ táo, tôi bất giác đưa mắt nhìn xung quanh khoang tàu, thấy những người làm văn phòng tay cầm tờ "Tin tức hằng ngày". Có lẽ lúc ấy, tôi đang cố gắng tìm kiếm một người có thể giả vờ kết hôn với mình. 4. Xe điện từ Kyoto đến Naraken Bấm để xem Tôi mới được năm tuổi, ông đã hỏi: "Cháu có biết năm 1868 là đời Minh Trị, năm 1911 là đời Đại Chính, năm Chiêu Hòa là 1926 không?". Ông lấy cành cây long não viết mấy con số đó xuống nền đất sét. Tôi cầm mấy hòn đá ném quả long não rơi đầy dưới đất. Vỏ tách ra, nước từ trong long não bắn lên mặt mũi cháu, ông liền nhặt lá cây giúp cháu lau sạch. Từ đó tôi nhớ mãi mùi hương long não. Câu chuyện vừa kể trên thực ra có một nửa là hư cấu. Tôi vốn định viết tiểu thuyết có tính lịch sử bằng những câu chuyện và bài học ông nội kể cho cô cháu gái nghe. Tiếc là tôi không viết nổi. Trên thực tế, từ nhỏ tới giờ, những lần đối thoại có liên quan tới các con số với ông là như thế này: Kỳ này ông mua số nào? Ông có trúng xổ số không? Trúng điện thoại Samsung chưa ông ơi? Ông có được giải đặc biệt không? Ông là người chơi xổ số theo kiểu chơi vui, thắng thua không quan trọng và biết điểm dừng nhất mà tôi từng gặp. Sau mỗi kỳ quay thưởng, ông đều viết những con số trúng giải vào tập vở chúng tôi dùng không hết. Mỗi ngày ông lại đem so sánh, đoán xem số nào có xác suất trúng cao nhất. Có khi ông trúng vài chục hay vài trăm tệ, cũng có lúc ông thắng cả nghìn tệ. Tôi thường đoán số giúp ông, và lạ thay cháu đoán rất chuẩn. Sau đó, một loại vé số mới được phát hành. Cả nhà mình đều thi nhau mua về thử vận may, duy chỉ có hai ông cháu tôi là không tham dự và trung thành với cách chơi truyền thống. Dù vậy, câu chuyện bên cây long não hoàn toàn là ký ức có thật của tôi về ông. Hồi nhỏ, ông bảo tôi rằng người Nhật gọi những tấm thiệp là "diệp thư", tức là chữ được viết trên lá cây. Ông cháu tôi nhặt rất nhiều lá mộc lan để dưới rãnh nước, chờ cho lá cây bị lũ giòi ăn sạch, chỉ còn phần gân lá, sau đó có thể dùng làm thẻ đánh dấu sách. Hai ông cháu từng đi qua không biết bao nhiêu con đường nằm giữa hai bờ ruộng. Có lẽ vì thế mà sau khi tới Kyoto, tôi cố gắng đưa mắt tìm kiếm một đoạn đường ruộng giữa chốn cố đô toàn kiến trúc chùa chiền cổ kính. Trên xe điện từ Kyoto tới Naraken, tôi đi qua rất nhiều bến tàu xung quanh là núi. Theo những gì tôi biết từ chương trình truyền hình ẩm thực Đông Tây của Nhật, một nơi như thế này chắc chắn sẽ có cánh đồng rộng mênh mông, bên kia con đường ngoằn ngoèo thể nào cũng có một hộ nông dân tự trồng các loại rau sạch như cà chua, củ cải. Tôi chụp ảnh xung quanh và bỗng cảm thấy mình thật buồn cười. 5. Tàu hỏa Kinh Hồ từ Thượng Hải đến Bắc Kinh Bấm để xem Năm ông ngoài bảy mươi tuổi, do yêu cầu thời đại, bối cảnh xã hội thay đổi, hai con của ông, một trai một gái đều tới đại lục để mưu sinh. Con gái ông - cô của tôi ở Thượng Hải, còn con trai ông - chú của tôi ở Hạ Môn. Bởi vậy, mấy năm trở lại đây, tới bữa tất niên là nhà tôi lại có rượu vang Trường Thành và rượu nho Bách Nạp để uống. Năm nào mọi người cũng hẹn nhau: Sang năm tới sẽ đón tết ở Thượng Hải hoặc Hạ Môn. Nhưng tới năm nay, lời hẹn chưa một lần được thực hiện, nguyên nhân là ông không đồng ý. Sau này, tôi cũng từng nhiều lần đi công tác hoặc du lịch tới miền tây Trung Quốc. Phần lớn đều vào mùa hè và nơi đến nhiều nhất là Thượng Hải. Mùa hè ở Thượng Hải thật khủng khiếp, mới đầu tôi còn hăng hái đi xe buýt với cô tới khắp nơi trong thành phố. Cho đến khi tới khu chợ chuyên bán hàng nhái các thương hiệu lớn, tôi phải đứng dưới nắng mà diễn một màn kịch thường gặp với người chủ bán hàng. Bình thường, rõ là đồ chỉ đáng giá ba mươi tệ nhưng người ta vẫn ra giá ba trăm tệ sau đó thấy khách lắc đầu, họ lại rút xuống còn một trăm tệ. Tới khi khách định quay đi không mua nữa, họ mới gọi lại và nói với giọng tiếc rẻ: "Được rồi, được rồi, bán rẻ cho cô!". Tôi diễn không được ổn cho lắm, nên chưa đóng được một nửa kịch, tôi đã rút tờ một trăm tệ ra trả cho xong. Dù tôi biết người mua hàng chuyên nghiệp thực sự là tới phút cuối cùng rút tờ mười tệ, hai mươi tệ ra trả vẫn còn tỏ vẻ tiếc rẻ: "Có ngần này thôi, bán hay không?". Trò chơi này ở Thượng Hải rất phổ biến, chơi lâu rồi cũng chán. Thế là, Thượng Hải trở thành "trạm trung chuyển" khi tôi tới những nơi khác. Ngay cả nhà của cô, số lần tôi tới cũng chỉ bằng số lần tôi về quê nhà Chương Hóa mà thôi. Mỗi khi tới nhà chơi, cô thường đùa tôi rằng: "Trong số các tiền bối của mình, cháu yêu ai nhất?". Thường thì tôi sẽ không cho cô đáp án, cô chỉ cười trừ. Cũng có lúc tôi thêm vào một câu: "Ai cho cháu tiền cháu sẽ yêu người đó". Tôi là người không biết giữ tiền, cũng như không bao giờ ở đâu đó lâu được. Quãng thời gian ở Thượng Hải, tôi đi xe buýt tới bến tàu, đi tàu giường mềm tới thẳng Bắc Kinh. Tàu khởi hành vào buổi tối nên lúc tỉnh ngủ, tôi đã có mặt tại thủ đô rồi. Mấy buổi sáng liền, tôi đều đi qua khu quảng trường náo nhiệt, sầm uất. Lúc ấy tôi biết rằng, mình đã ở một nơi xa ông nội lắm rồi. 6. Bến Thanh Đồng trên tuyến đường Bình Khê Bấm để xem Mỗi lần trước khi muốn "dụ" ông đi xa nhà, mọi người đều đặt cược xem rốt cuộc ông nội có chịu đi không. Lần nào cũng vậy, không hề có ngoại lệ, những ai cược ông không đi đều thắng. Cuối cùng, chẳng ai buồn đặt cược nữa. Nhưng lần này, ông lại đồng ý tới Đài Bắc để dự tiệc cưới con trai của cháu họ ông. Cũng phải nói là do bốn đứa con nhà cháu họ ông liên tục thay nhau gọi điện khẩn khoản mới thuyết phục được ông. Tôi tìm chiếc CD ca nhạc chọn lọc mua ở chợ đêm và đặt trong xe. Tôi thầm nghĩ biết đâu ông lại ưu ái muốn lên xe của tôi. Song kết quả không như tôi mong đợi. Tôi nghĩ ông nội sẽ tới nhà mới của mình ở Thạch Đính nên lên kế hoạch đi thăm thú các nơi sao cho ông bà vừa được thưởng thức món ngon, vừa được tham quan, vừa không bị mệt. Tôi nghĩ có lẽ ông sẽ không thích khu phố nơi người ta đi lại như mắc cửi nên những nơi ấy bị loại ngay. Nơi tôi nghĩ tới đầu tiên chính là bến Thanh Đồng nối giữa Thạch Đính và Bình Khê. Bởi nơi đó còn giữ lại khu nhà ở của người Nhật, có rất nhiều đĩa phim đồng quê mà ông bà đều thích, đó cũng là cảnh quay trong nhiều bộ phim. Những ngôi nhà đó được sửa lại và đặt tên là "Kyoto" hay "Hokkaido". Tôi thậm chí còn dự định sẽ chụp cho ông bà mấy kiểu ảnh ở đó rồi đem ra để gạt mọi người rằng: Tôi đã từng đưa ông nội sang Nhật rồi. Kết quả, ông đến nhà tôi ở nhưng không có cơ hội đi ra ngoài bởi vừa nghe nói ông tới, tất cả họ hàng thân thích đều bất ngờ tới mức như có ai đó thốt lên rằng "sắp trúng số rồi", nhiều người tới nhà thăm ông, trong đó có chị gái cả đã chín mươi tuổi của ông. Nhà tôi nhanh chóng trở nên chật cứng vì người đông như tết. Mọi người thấy ông đều rất mừng. Cả nhà cùng chuyện trò rôm rả, ông vẫn ngồi, rồi lại đứng dậy, mở rèm cửa và một mình ngồi hút thuốc lá ở ban công. Cuối cùng, có người lên tiếng rủ cả nhà đi ăn đậu phụ ở phố cổ. Tôi thầm đánh cược với chính mình rằng ông nội sẽ không đi. Yeah! Tôi đã đoán đúng. Ông giục chú hai đưa ông về nhà chú ấy để nghỉ trưa, thế là tôi tiễn họ xuống tầng và nói tạm biệt. Tôi bỗng sợ đây là lần cuối cùng ông tới Đài Bắc. Lúc lên lầu, tôi bỗng nước mắt giàn giụa.
TRẠCH NỮ - CÔ GÁI Ở LÌ TRONG NHÀ CẢ NGÀY VÀ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA CÔ NÀNG TRẠCH NỮ (1) Chiếc xe taxi màu cam Bấm để xem Long đong đi phỏng vấn cả một ngày trời, khi xong việc cũng đã hơn chín giờ tối, chưa kịp tắm giặt gì, cảm giác đói rét đang bao trùm lấy con. Từ tòa soạn đi ra, con vội vẫy taxi, định bụng chạy thẳng đến chợ đêm làm một suất cơm cay đến phát khóc lên. Vừa bước lên xe, tay tài xế đã cười cười nhìn con, hắn nói với con bằng giọng cười sặc sụa của hắn: "Này, cô ngồi phải quả cam rồi!". (Ở Đài Loan mọi người gọi xe taxi cam là xe dù). Nhưng lần này đến lượt con phải bật cười, con sờ tay xuống mông quần, quả đúng là con đã ngồi bẹp một quả cam thật! Tay tài xế lại bảo con: "Đã ngồi bẹp rồi thì phải ăn hết đi nhớ!". Nghe vậy con cũng bật cười, cả vì câu chuyện nhỏ dễ thương này lẫn vì tiếng cười của anh chàng tài xế. Hai người chúng con cứ thế mà cười ầm ĩ trong xe cha ạ, cứ thế cười mà đi hết đoạn đường từ phía tây sang được phía đông đường Hòa Bình, từ phố Đại Lý đến phố Long Tuyền. Khi xuống xe, con không quên mang theo quả cam đã méo mó vì bị con ngồi lên, mà tự nhiên con cũng thấy mọi mệt mỏi trong ngày đã tiêu tan hết tự lúc nào. Con ở Vĩnh Hòa Bấm để xem Anh chàng nhân viên công ty chuyển nhà Đại Long nói với con: "Này cô em, ngần này đồ không chuyển hết trong một chuyến xe được em hiểu không?". Tất nhiên con không phải là em gái của gã nhân viên công ty chuyển nhà này, mà từ "cô em" anh ta dùng, chắc chắn kiểu kiểu như muốn nói với con rằng: "Này em, anh xin em, anh chịu em rồi đấy!". Thông thường những câu nói có mở đầu bằng "này em", "này cô em" thì bao giờ kết thúc cũng là câu hỏi tu từ "Em có hiểu không?", "Có được không".. Gần chục năm trước, anh trai cũng từng nói với con như thế: "Này em, cái đống sách này thực sự rất nặng em có biết không?". Đó là ngày mùng 4 tháng 7, cách một ngày sau ngày con thi hết cấp 3, con chuyển về nhà sau ba năm ở ký túc xá của trường, sau đó chờ kết quả thi, chờ bảng điểm, chờ cả xem số phận con sẽ được đi đến thành phố mới nào. Lần đầu tiên trong đời con được biết cảm giác thế nào là gói ghém tất cả những gì thuộc về mình, không để lại một vết tích gì ngoài căn phòng trống trơn lạnh lẽo, giao trả chìa khóa, nhận lại tiền đặt cọc phòng từ năm đầu tiên nhập học, chỉ sau một động tác kéo cửa lại, con và căn phòng đã từng gắn bó ba năm này sẽ không còn bất kỳ mối liên quan nào nữa. Trong ba năm cấp ba, ngoài một ít quần áo và vật dụng, đồ sử dụng hằng ngày, hành lý của con chỉ toàn là sách. Nhìn dáng anh trai thoăn thoắt phân loại rồi xếp đồ trong phòng lên chiếc xe chín chỗ anh mượn được, con không khỏi có cảm giác quyến luyến nơi này. Từ nhỏ con đã dị ứng với bụi bặm, nên con đứng tránh về một bên xì mũi, dụi mắt, hoặc lấy tay khua bớt đi lớp bụi đang bay do anh trai xếp đồ. Nhiều năm sau này con mới hiểu, cái cảm giác của con lúc đó, không phải là buồn đau, càng không phải quyến luyến, mà chỉ là con đang từ biệt nơi đó. Khi cảm giác từ biệt quá mạnh mẽ, nó lại phản tác dụng, khiến con người ta bỗng thấy mình yếu mềm, nhưng thứ cảm giác yếu mềm đó lại tan biến rất nhanh khi ta chuyển đến một nơi mới. Khi về đến nhà, sau khi chuyển hết những vật dụng thường nhật của con, chiếc xe chở nguyên cả núi sách của con ấy quay đầu tiến thẳng về hướng xưởng tái chế giấy. Núi sách ấy, chủ yếu là những sách giáo trình thời cấp 3 của con xếp thành, nó như một vị thuốc bổ cho lứa học sinh 9x chúng con thời đó. Bác nhân viên ở xưởng tái chế nhìn thấy chỗ sách ấy cũng biết thừa nếu dùng cân nhỏ thì cân không xuể nên "chỉ đạo" anh trai con lái xe lên thẳng cân bàn, cân lần đầu xong giỡ hết sách trên xe xuống, cần tiếp lần nữa, chênh lệch số cân giữa hai lần sẽ chính là số cân sách. Họ đã dùng cách cân như cân voi như thế để con biết được rằng, con đã đọc tổng cộng hai mươi lăm cân sách* trong suốt ba năm. Mỗi cân giấy vụn có giá một tệ, thế là con đã kiếm được một trăm tệ cha à. Sau đó anh trai dẫn con ra ngoài chợ đêm ăn một suất bít tết. Cuộc đời ở trọ ba năm cấp ba, được kết thúc bằng một bữa bít tết ngoài chợ đêm cha ạ. *Ở đây tính theo cân Trung Quốc. Một cân Trung Quốc bằng 0.5 cân Việt Nam. Sau này con nghe mấy người bạn học ở khu trung tâm thành phố kể, tụi nó mang những cuốn sách tham khảo đến tiệm sách cũ bán đi, nên để dành được một ít tiền ăn chơi cho kỳ nghỉ hè. Còn suất bít tết của con thì con đã ăn rồi, thế còn nói làm gì nữa cha nhỉ? Câu chuyện về đám sách vở của con năm ấy, khiến con hiểu một điều: Những gì đã đánh mất rồi, thì khó lòng mà lấy lại được. Sau đó, con đã đến sống ở nơi đắt đỏ nhất trong cuộc đời con - khu Đại An ở Đài Bắc. Ký túc xá của trường Đại học sư phạm Đài Loan con học là phòng sáu người, ở trên là giường đơn, bên dưới là tủ quần áo và bàn học, cả phòng có sáu chiếc bàn học thì có tới sáu chiếc máy tính to đùng. Vào mùa đông thì coi như sáu chiếc máy tính này làm lò sưởi luôn, sang hè thì sáu chiếc giường nhỏ chỉ có thể để thêm một cái quạt nhỏ là hết chỗ, có lúc trở mình không cẩn thận còn đạp bay quạt xuống đất, sau đó bị tỉnh giấc vì nóng quá, chúng con lại lụi cụi trèo xuống nhặt lên cha ạ. Các thanh chắn giường thì được tận dụng làm sào phơi quần áo đa năng luôn, chúng con nằm trên giường nghe nhạc, nếu có ai tìm chúng con, chúng con sẽ thò đầu ra mà nhìn chứ không phải trèo xuống và đi ra tận cửa phòng nữa, tất nhiên một điều hiển nhiên là trong phòng luôn có mùi quần áo chưa khô. Và điều quan trọng nhất khi ở đây là giờ giới nghiêm, mười hai giờ đêm, một khi cửa đã đóng, học sinh ở đây chỉ có cách chọn lựa giữa việc bấm chuông dựng bác bảo vệ dữ dằn dậy, ký tên vào biên bản, chờ đợi một tờ thông báo kiểu kiểm điểm học sinh được gửi về cho bố mẹ, hoặc là phải lang thang vất vưởng cho hết đêm. Hai anh A và W khóa trên con thuê phòng trọ ở đối diện trường, trong khu phòng áp mái trong ngõ Văn hóa, dĩ nhiên nơi đây cũng trở thành nơi quy tụ của những "con ma đêm" lang thang không về ký túc. Thông thường khi các anh nhận được tiền gia sư, chúng con sẽ tụ tập ở hàng mì nghi ngút khói, gọi ra vài đĩa thịt má lợn, đậu phụ chiên, phở nóng với lòng tràng cùng rất nhiều bia, rồi tán gẫu đùa nghịch đến tận sáng sớm hôm sau. Có lần trót to tiếng quá, hàng xóm xung quanh báo công an, công an đến dưới chân lầu bấm chuông cửa luôn cha ạ, nhưng tầng áp mái đó làm gì có chuông cửa, anh công an đành chọn chuông của tầng cao nhất tòa nhà mà bấm liên hồi, kết quả đổi lại tiếng hét lớn vì bị tỉnh giấc khi đang ngủ ngon của chủ nhà đó: "Này! Nhầm rồi nhé! Không phải nhà này, là bọn học sinh trên tầng kia kìa!". Bọn con ở trên nghe thế phải nhịn cười tưởng chết đấy cha ạ. Những tháng ngày đi học, quậy phá như thế ở Vĩnh Hòa của con vui như thế đó cha. Rồi cuối cùng con cũng có phòng trọ ở bên ngoài, đó là kỳ nghỉ hè khi con chuẩn bị bước sang năm thứ tư, con cùng một người bạn thuê được căn phòng ở tầng bốn một khu chung cư nằm trên đường Đắc Hòa. Đến thời gian này, con đã không yếu mềm ủy mị như ngày xưa nữa, những tháng ngày làm gia sư ở những khu Bản Kiều, Thổ Thành, Tam Trùng.. đã tôi luyện cho con khả năng lái xe tốt hơn, nên khi chuyển nhà, con đã tự chở từng chuyến xe luôn. Kỳ nghỉ hè năm ấy, thành phố Đài Bắc bắt đầu thực hiện chính sách thu gom rác thải theo túi nhỏ, nghe nói rất nhiều người dân Đài Bắc khi đó đã đợi đến nửa đêm để mang rác ra vứt ở bờ kè bên kia, dần dà thành ra có thêm công tác kiểm tra, xem túi người dân mang có rác bên trong không. Thế mà con lại chuyển nhà bằng những chiếc túi nilon đựng rác màu đen cỡ đại, có lần con đã bị cảnh sát tuýt còi dừng lại ngay giữa cầu Phúc Vĩnh, họ mở túi đen của con ra kiểm tra, bên trong nào là chăn đơn mùa đông, móc quần áo, đĩa máy tính, chuột máy tính, hoa hoét lòe loẹt cả lên, nhìn trông cũng có vẻ giống rác thật. Con ổn định chỗ ở rồi, dưới nhà một bên là chợ, một bên là trường tiểu học đông học sinh nhất Đài Loan, sáng sớm nơi đây ít nhất sẽ có tiếng ồn từ hai nơi này, nếu không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn ào, thì nghĩ một cách lãng mạn, nơi đây cũng mang nhiều nét đặc trưng của Vĩnh Hòa ra trò cha ạ. Thời gian này, khái niệm về "nhà" của con ngày càng mơ hồ. Như khi con nghe điện thoại nếu đầu bên kia hỏi con đang ở đâu, nếu trả lời đang ở ký túc, có thể bên kia lại hỏi không phải con đã chuyển ra ngoài rồi sao? Nếu con trả lời đang ở nhà, bên kia chắc chắn sẽ hỏi con về Chương Hóa rồi à? Sau này, con cứ trả lời, con đang ở Vĩnh Hòa. Hai anh khóa trên A và W, sau này một người thì đi Mỹ, một người thì đi Anh, chúng con đã tổ chức một buổi tiễn nho nhỏ ở ngay công viên dưới nhà với những bài hát, rượu, và cả ánh sáng. Khi cả lũ đã ngà ngà say, chúng con châm pháo nhang chơi trò ba điều ước, con đã nói, con muốn được tự do mãi mãi thì ngay lập tức, con bị mọi người mắng: "Cậu tham lam quá đi mất". Lúc đó con nghĩ, nhanh lắm, rồi sẽ có một ngày, tất cả những đồ vật trong căn phòng thuê của con bấy giờ như tủ sách, bàn học, giường, quần áo, sách vở đều sẽ được nén thành một chiếc va ly, con sẽ giống như A, như W, sẽ được bay nhảy ra bên ngoài, ra khỏi thành phố nhỏ bé này. Kết quả là, con chỉ loanh quanh trong cái thị trấn nhỏ bé này, hành lý thì từ mười cái va ly trở thành hai mươi, ba mươi cái, con chuyển từ khu cầu Phúc Hòa, đến cầu Phúc Vĩnh, rồi lại đến khu cầu Trung Chính. Khu nhà ở thành phố Vĩnh Hòa cạnh cầu Phúc Vĩnh là con ở lâu nhất, con từng ở cả khu nhà chung cư cũ ở ngõ Vĩnh Chinh và đường Phúc Hòa. Lúc đó một người bạn làm biên kịch cũng chuyển đến Vĩnh Hòa, ở ngay gần con, gần đến nỗi mà con tưởng như mỗi lần một trận bão vừa tan, khi tiếng loa phát thanh của khu phát lên tràng thông báo "Văn phòng khu Vĩnh Phúc xin thông báo những xe nào đang đỗ trên cầu tránh bão đã có thể di chuyển được", thì anh bạn con cũng có thể nghe thấy y như con. Anh ta ở tầng trên cùng áp mái của tòa nhà trong ngõ phố Trung Hưng, lúc mới chuyển đến hoàn cảnh rất khó khăn, nhà chẳng có gì ngoài bức vách, may thế nào anh ta đi sơn cả một mảng tường thành màu xanh nước biển, thêm chút văn thơ vào nhìn trông cũng có tí gọi là sức sống thanh niên trai tráng. Sau này khi không còn nghèo kiết xác, có điều kiện hơn một chút, chúng con thường hay rủ nhau đi ăn lẩu ở đường Trúc Lâm. Về sau một người bạn khác ở hội nghiên cứu sinh xã hội học của con cũng chuyển đến khu phía đông đường Hoàn Hà. Anh chàng đã ở mấy năm trời ở khu đường Nam Kinh nên không mấy quen với cảnh vật, ánh sáng ở bên khu bờ trái này, ngày nào cũng vác máy ảnh đi test độ sáng trên bờ đê. Anh ta tâm đắc rằng, mọi thứ ở Vĩnh Hòa này đều mang đậm dấu ấn nơi đây. Những đứa thuê phòng ở Vĩnh Hòa như bọn con, người Vĩnh Hòa bọn con quen duy nhất chính là những người chủ cho thuê nhà, quá trình giao thiệp với họ đã giúp chúng con tôi luyện bản lĩnh lăn lộn với xã hội, thậm chí cả khả năng nhìn thấu cái tâm thiện ác của người ngoài xã hội sau này. Theo kinh nghiệm của chúng con, những người chủ nhà ở đây đại khái có mấy kiểu sau: Kiểu thứ nhất đa phần là những người công chức nhà nước mẫn cán, rất tuân thủ luật pháp, hoặc là những người ở Đài Trung Đài Nam lên phía Bắc vào những năm kinh tế khởi sắc, sau khi vất vả cày cuốc cả nửa đời thì cũng có thêm được căn hộ thứ hai có thang máy, có nhân viên bảo vệ, họ liền để nhà cũ cho thuê. Đây là những người chủ nhà rất đơn giản, dễ đoán. Kiểu chủ nhà thứ hai lại là những tay trọc phú hợm hĩnh, lúc ký hợp đồng thì miệng cười niềm nở, nhưng sau đó cần thì không thấy, điện nước hỏng hóc tiệt không thấy bóng, đến hạn hợp đồng lại tìm mọi cách trừ khoản nọ khoản kia, cấm không thấy trả lại đồng nào bao giờ, hoặc thậm chí tự dưng họ lại muốn bán nhà, và yêu cầu chúng con dọn khỏi nơi đó trước hạn hợp đồng. Cứ sáu tháng đến một năm chuyển nhà một lần ở Vĩnh Hòa, con đã quen với việc nhìn các mẩu giấy dán đỏ thông báo cho thuê nhà rồi cha ạ, kể cả khi không có nhu cầu tìm phòng ở, con vẫn theo phản xạ nhìn vào những mẩu giấy dán đó ở bảng tin dọc các đường Trúc Lâm, Vĩnh Trinh hay bảng tin chếch đối diện tòa thương mại Thái Bình Dương ở đường Bảo Sinh, có đi qua con cũng không bỏ lỡ những mẫu thông báo này, để phòng khi cần dùng đến. Trong năm, sáu năm ở Vĩnh Hòa, con rất ít khi chăm chỉ đi làm thêm mà đa phần con dành thời gian để đi thăm thú mọi nơi, các con ngõ nhỏ vùng này nhiều như mê cung không sao đi hết nổi, trong lúc đi lang thang phố phường con cũng vẫn ngẩng đầu tìm kiếm những mảnh giấy thông báo cho thuê nhà, y như đã thành thói quen cố hữu. Thông thường, qua các mẩu giấy quảng cáo, đôi khi nhìn thấy trên lan can nhà nào bày biện nhiều thanh gỗ trang trí, con hay thầm xuýt xoa: Chao ôi, họ đúng là một nhà nghệ thuật. Hoặc nếu thấy nhà nào có cả cánh cửa kính đẩy ra đẩy vào được, lớp cửa chính bên trong thoắt ẩn thoắt hiện, con lại trầm trồ, chà chà, thật là sang quá. Hoặc như khi thấy một dãy nhà cũ kỹ san sát nhau, tự dưng con lại thấy thật là thú vị ghê. Những mẩu giấy quảng cáo chằng chịt, không thứ tự trước sau ở Vĩnh Hòa đã luyện cho con phản xạ trầm trôi à ô như thế đấy cha ạ. Những người ở Vĩnh Hòa lâu có cảm giác phương hướng rất tốt, một khi đã phân biệt được những tuyến đường ở đây như đường Trung Hòa, đường Vĩnh Hòa, đường Trung Sơn và đường Trung Chính thì cho dù có thế nào cũng không bao giờ sợ lạc đường nữa. Trạm dừng chân cuối cùng của con ở Vĩnh Hòa là tòa nhà mười bảy tầng trong khu dân cư ở đường tây Hoàn Hà. Chuyển tới chuyển lui, cuối cùng con lại đi ở ngay dãy đầu tiên gần bờ sông, nhưng hướng nhà lại không phải là nhìn ra hướng bên ngoài sông thoáng đãng mà lại là quay vào bên trong, nhìn được toàn cảnh Vĩnh Hòa. Tức là, cha ạ, sẽ là những tòa chung cư bốn, năm tầng san sát, những mái nhà đỏ, xanh liên tiếp, sáng sớm còn có cả mùi thơm của món bánh nướng, sữa đậu nành truyền thống, nửa đêm có mùi hải sản xào của hàng hải sản rong ven đường, có hôm mấy anh chàng bán hàng này còn bị đánh đập đến nỗi phải gọi xe cứu thương. Thật là những mùi đặc trưng của Vĩnh Hòa. Sau đó, con lại phải chuyển nhà, nhưng lần này khác một chỗ, con rời đi khỏi Vĩnh Hòa cha ạ. Những lần chuyển nhà trước, vì điều kiện kinh tế có hạn, khoảng cách cũng gần nên "công cụ chuyển nhà" hữu dụng của con chính là em gái, em khóa dưới và cả bạn trai của em ấy nữa. Nếu là con, nếu là bạn trai quen đã lâu, có khi chỉ cần vì một việc nhỏ như có nên vứt miếng đậu phụ nát trong tủ lạnh đi hay không mà cãi nhau, nhưng nếu là người bạn trai mới quen không lâu, thì con phát hiện ra rằng, cha mẹ ơi, nguyên nhân chia tay có thể đến từ hai phía, bất cứ lúc nào, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tiến độ chuyển nhà. Bởi vậy, nếu có thể "tận dụng" được bạn trai của người khác thì tranh thủ "tận dụng", đợi khi chuyển nhà xong mời luôn mấy người đó đi ăn một bữa, cũng coi như là mừng về nhà mới. Nhưng không hiểu có phải do số con xui xẻo hay không, những cậu bạn trai từng giúp con chuyển nhà thì sau đó đều đã chia tay với đám bạn của con cả. Những cậu bạn trai mới trước khi đến làm "phụ chuyển nhà" giúp con chắc cũng không được biết đến thành tích "một năm ít nhất một hai lần chuyển nhà" của con nên lần này hai "phu chuyển nhà chuyên nghiệp" Đại Long và Tiểu Long cũng xuất hiện rất nhanh ở nhà con. Hai cậu này đều tuổi Thìn, một cậu ba mươi tuổi, một cậu mười tám tuổi. Sau màn tự giới thiệu về mình, cậu Đại Long nhìn một vòng quanh nhà rồi nói với con: "Này chị, hai cái xe cũng không chở được hết đồ của chị, ok?". Cuối cùng, hai cậu Long tốt bụng đã chở cho con hai chuyến đồ mà không tính tiền công cha ạ. Hai chuyến xe cũng chất được nửa cả cái xe tải rồi. Lúc tiễn hai cậu ấy về, tự nhiên con lại ngâm nga lời bài hát lúc tiễn hai anh A và W ra nước ngoài, khi chúng con đứng dưới chân cầu vào cái ngày mùa hè năm đó: "Nếu như cuộc sống bên ngoài không vui vẻ, thì hãy mau quay về nhé..".
TRẠCH NỮ - CÔ GÁI Ở LÌ TRONG NHÀ CẢ NGÀY VÀ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA CÔ NÀNG TRẠCH NỮ (2) 1. Gan thỏ đế Bấm để xem "Cậu có số làm trạch nữ." Người nói với con câu này cũng là một cậu chàng cả ngày chẳng thò chân ra khỏi cửa, một "trạch nam" chính hiệu. Cậu ta quăng cho con câu này trên ô chat trên MSN. Lần chat đầu tiên của chúng con, là khi cậu ta gõ đúng một câu: "Hôm nay chỉ nói một câu: Một bát mì nóng", con trả lời cậu ta: "Hôm nay tôi tự nấu mì nên sẽ không nói câu nào". Đúng vậy. Trạch nữ tự nấu mì ăn và dùng luôn cái muỗng nấu mì ăn luôn mì trong nồi, đằng nào chẳng là ăn một mình nên không cần thiết phải rửa thêm một cái bát làm chi cả. Trạch nữ thích xem quảng cáo của RT - Mart và Carrefour, có thể bỏ ra cả tiếng đồng hồ, ngồi hai tuyến xe bus chỉ để đi IKEA mua một cái thớt rồi lại ngồi hai tuyến xe đó thêm một tiếng nữa để về nhà. Trạch nữ đi xem phim một mình, trước khi vào rạp còn thầm cầu đừng có ai ngồi vào hai ghế bên cạnh mình. Bạn tốt nhất của các cô nàng trạch nữ có lẽ là đồ nội thất trong nhà. Đây là những tín đồ trung thành của những quyển sách và weibo làm đẹp của Niu Er - bậc thầy làm đẹp mới của Đài Loan, nhưng cha tưởng mấy cô nàng trạch nữ này sẽ không bao giờ ra khỏi cửa nhà sao? Cha à, thời gian mấy cô nàng này lê la ở các siêu thị Watsons, Cosmed, Wellcome có khi còn nhiều hơn cả các bà nội trợ, họ còn rõ loại đồ uống nào được giảm 40% từ lon thứ hai cơ cha ạ. Trạch nữ, còn là những cô nàng họa hoằn lắm mới tham gia Lady's night ở bar, mà nếu có cũng sẽ tình nguyện làm người ngồi trông đồ cho nhóm chị em, rồi tự mình lặng lẽ uống cạn từng ly cocktail. Trạch nữ thích cả mèo, có thể nuôi một lúc hai con, bởi mèo có thể tự chơi. Thói quen có phần khác người của các cô nàng trạch nữ cũng có năm ba bảy kiểu, chỉ có duy nhất một điểm chung là họ không sợ cô đơn mà trái lại họ thích sống một mình. Con phát hiện thói quen khác người của con là khi con ở trong ký túc xá sáu người thời đại học. Có lần con ngủ quên, năm cô bạn cùng phòng đã lên lớp hết rồi, con vẫn còn dật dò lọ mọ trong phòng, trên người vẫn mặc nguyên chiếc quần ngủ hình con gấu - chiếc quần ngủ ống siêu rộng, mềm mại, vẫn còn vương hơi ấm cái ổ của con, con không muốn cởi bỏ nó ra một chút nào cha ạ. Hôm đó, con quyết định trốn tiết, bởi không muốn bỏ lỡ cơ hội một mình độc chiếm căn phòng, một mình mặc nguyên đồ ngủ không cần phải thay đồ, chải chuốt.. đi lại trong phòng của mình. Con không nhớ ngày hôm đó con đã trốn ở phòng làm những gì, nhưng chắc chắn không phải là đi sửa chữa đồ điện hay chơi máy móc này kia. Thói quen ở lì trong phòng chẳng qua cũng chỉ là một thú vui, một thói quen khó bỏ, khiến mình thấy bình tâm khi mình cứ giữ thói quen đó mà thôi. Trạch nữ không phải là người không thích nghi được với xã hội, không phải là người lạnh lùng khó gần, họ cũng không có một trở ngại về giao tiếp nào, mọi người có thể nói họ hơi chảnh, hơi dị, hơi khó làm quen. Một người bạn của con, khi nghe con kể có lúc con nổi tính trạch nữ lên thì ngay cả người hàng xóm con cũng không muốn đi cùng thang máy, thì anh ta bảo chẳng qua là con nhát gan thôi. Và con, thì hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của anh bạn đó. 2. Kẹp càng cua Bấm để xem Kẹp càng cua, y như tên gọi của nó, là một thứ đồ trang sức tóc nữ có hai hàng răng cưa trông như cái càng cua, ở Đài Loan gọi là kẹp cá mập, vì các răng cưa trên loại kẹp này trông giống hàm răng sắc nhọn của cá mập, cách sử dụng đơn giản là mở hai hàng răng cưa của kẹp, kẹp vào phần tóc đã dùng tay túm gọn trước đó để cố định phần tóc này, sau đó ngay lập tức người dùng sẽ cảm thấy có luồng gió mát thổi qua gáy vì tóc đã được búi gọn. Có bài viết trên mạng từng viết rằng, có ông chồng cảm thấy chán ngán với cái kẹp càng cua luôn ngự trị trên đầu của cô vợ, đọc bài này xong con luôn có quan điểm rằng, người phụ nữ cần có một cái kẹp càng cua chắc chắn và bền, nó không chỉ giúp họ có được mái tóc gọn gàng, mà đôi khi nó còn có tác dụng khiến họ có sự an yên nơi tâm hồn. Thử nghĩ mà xem nhé, mỗi sáng sớm thức dậy, thậm chí trên mặt vẫn còn vương những giọt nước mắt do chưa tỉnh ngủ, thì khi túm mớ tóc đang bù rù trên đầu lại, kẹp gọn chúng vào, cảm giác như mọi rắc rối sẽ tiêu tan; nhiều khi tăng ca về muộn, quăng giày ra một góc, mở một lon bia, kẹp cái kẹp lên mớ tóc sau đầu, bỗng thấy vui vẻ, khoan khoái lạ thường. Hóa ra, thứ có thể chi phối cuộc sống của người phụ nữ lại không phải là một gã đàn ông sướt mướt hay giàu có mà lại là cái kẹp tóc luôn kẹp chặt cái miệng của nó vào mớ tóc trên đầu họ nhưng luôn theo họ không rời. Thế tại sao lại phải là cái kẹp càng cua mà không phải là các loại đồ trang sức tóc khác như xược, dây buộc tóc hay băng đô? Thoạt tiên, kẹp càng cua màu sắc dễ nhận và đủ to để người ta dễ tìm thấy, cho dù đang lơ mơ ngái ngủ hay khi tâm trạng đang rối bời không tỉnh táo; tiếp đến, loại kẹp này có thể mở ra đóng vào tùy độ nên tóc mỏng hay dày cũng đều có thể dùng được, hơn nữa đa phần kẹp càng cua đều làm từ nhựa nên không sợ bị ướt, nó là một vật dụng không thể thiếu khi đi tắm. Ấy thế nhưng món đồ tiện lợi mà giá thành cũng rất rẻ này lại không phải là thứ không thể chia sẻ được với người khác. Bởi kẹp càng cua, mũ tắm, cũng giống như quần ngủ hình con gấu, đều thuộc vào loại hàng đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, không cần phải bàn với ai xem mua nó ở chỗ nào, cũng giống như ta không cần phải bàn xem mua giấy vệ sinh ở đâu. Phòng tắm nhà mình bao năm nay đều có sự hiện diện của một chiếc kẹp càng cua kiểu này, bạn tốt nhất của nó là chiếc mũ tắm in hoa, những đồ này con đều mua từ sạp hàng đồng giá mười đồng ở chợ. Nơi này với đám đàn bà con gái là một nơi thật kỳ diệu, bởi ở đây có tất thảy những đồ dùng cần thiết cho mái tóc của họ. Từ lược massage, kẹp tóc dài đính nhiều bông hoa đến cả một túi kẹp tăm đen hay hàng mớ kẹp càng cua đủ màu đủ cỡ đều đồng giá mười đồng. Trên sạp hàng đó, có một tấm biển màu nâu viết rõ: "Thực sự là đồng giá mười đồng, xin đừng hỏi lại". Bà chủ sạp hàng đeo túi quanh hông, kẹp đầy kẹp càng cua đủ loại màu xanh đỏ tím vàng trên khắp quần áo đầu tóc, đám các bà các cô tay xách cá xách rau, tay chọn đồ râm ran cả một sạp hàng bé. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng này, con nhặt một cái kẹp càng cua lên hỏi: "Có màu đen không ạ?". Bà chủ vui vẻ đáp: "Này cháu gái, cuộc đời vốn đã toàn trắng với đen rồi, đừng có cái gì cũng muốn màu đen nữa!". Câu cảnh tỉnh của bà chủ hàng khiến con quyết định thử bước chân vào thế giới nhiều sắc màu. Nếu không dùng loại kẹp này thì có sao không? Con có một cô bạn hễ cứ ra khỏi cửa là phải uốn lông mi cong, đi giày cao gót nhọn hoắt, cô nàng này cuối cùng dẫn về được một anh chàng cũng chau chuốt không kém, lúc nào cũng mặc quần âu là ly thẳng tắp, tóc vuốt keo gọn gàng. Việc đầu tiên sau khi bước vào cửa nhà của cô nàng luôn là chui tọt vào phòng tắm, quăng cái kẹp tóc ra ngoài, nhưng đợi đến khi cô nàng hân hoan mở vòi nước tắm mới thấy thiêu thiếu, đành tiện tay với lấy sợi dây chun đang lồng trên miệng cốc súc miệng buộc tạm tóc. Con cũng đến phục cô bạn này vì lớn dùng rồi vẫn còn cái thói quen này. Tắm xong nàng ta lại tiện tay móc sợi dây chun lên trên móc treo trong phòng tắm. Đợi đến lúc anh chàng kia bước vào phòng tắm, trân trân nhìn sợi dây chun màu vàng vàng cùng sợi tóc nâu vương trên đó còn đang nhỏ vài giọt nước xuống sàn, thì đã muộn mất rồi. Đến đây thì con lại thấy cái kẹp càng cua vẫn còn tốt chán, hóa ra trên đời này vẫn còn có món đồ tệ hại thê thảm hơn nó, đó là sợi dây chun vàng vàng quê quê kia. Mà con cũng thấy các anh chàng cần biết yêu thương chăm sóc người yêu của mình, dĩ nhiên là cả cái kẹp tóc của cô ấy nữa, để tránh xảy ra tình huống như cô bạn kia của con.
NHỮNG KHOẢNH KHẮC KHI ĐI DU LỊCH Nhân viên massage chân Bấm để xem Có lần con đi massage chân, gặp một nhân viên nói cực nhiều. Thông thường, con hay cảm thấy đau nhất ở phần sau gáy, phần vai. Khi massage đến mức độ nào đó, con đau đến nỗi kêu lên và co chân lại. Nhân viên massage nói, đó là liên quan đến mắt. Quả đúng thật. Con đã từng phẫu thuật trị cận thị mà. Nhân viên massage lại tiếp tục thao thao bất tuyệt, những tổn thương như tai nạn giao thông này, rồi phẫu thuật này, hay bị thương do ngã gây ra, đều là những tổn thương lâu dài, không thể nào khỏi ngay. Thế mà con còn ngây ngô hỏi lại: "Thế thất tình thì sao?". Anh chàng nhân viên vừa tiếp tục massage vừa nói: "Ổn được. Tôi vừa bấm rồi, tim mạch cô vẫn còn tốt lắm". Thời gian ở trên đảo Bấm để xem Gió lùa vào phòng từng cơn từng cơn khiến con tỉnh giấc Căn biệt thự Lan Tự nhìn từ bên ngoài có thiết kế như một tấm mành lớn, hai mặt thẳng đứng được sơn hai màu xanh và vàng chanh. Cái ô cửa sổ nhỏ dài này khiến con như tách biệt hẳn với trời xanh biển xanh ngoài kia. Khẽ nheo mắt nhìn ra bãi biển không xa ngoài cửa sổ, từng con sóng trắng cuộn từng đợt, con hít thở sâu theo từng nhịp sóng vỗ, từng nhịp thở nhịp nhàng theo từng cơn sóng vỗ khiến con có cảm giác như mình đang ngủ trên biển. Con nhớ về hành trình trên biển vài tiếng đồng hồ trước. Trời trong gió nhẹ là điều kiện tốt để lên tàu ra khơi. Không có tiếng còi tàu hú, không có cánh buồm trắng, con tàu vẫn từ từ rời cảng. Y như những lần đi tàu biển trước đó, vừa đặt hành lý xuống con liền chạy ngay ra ngoài, ngồi lên ghế trên boong tàu, chăm chú ngắm hòn đảo, cảm giác như hòn đảo cũng đang bồng bềnh trôi, tàu càng xa dần, cho đến khi không còn nhìn thấy đường ranh giữa đảo lớn và biển nữa. Đây là lần thứ hai con đến hòn đảo nhỏ này. Lần đầu tiên là đi cùng mấy người bạn học vào kỳ nghỉ hè sau khi thi đại học. Lần đó trời tối, gió to, cả nhóm còn phải chăm sóc một cô bạn bị say sóng, chúng con tìm mọi cách để hướng sự chú ý của cô bạn này sang chỗ khác để tránh bị nôn, mấy người cứ thế hướng ra biển hát như gào như thét, từ "này em, hãy nghe tiếng khóc của biển cả", "sao biển lại đa tình đến thế", hát đến "thuyền ơi thuyền sao trắng xóa, sao mắt em lại đỏ", từ "sau rằm tháng Tám thuyền phải rời bến Lưu Cầu", hát đến mức cả hội cứ thế nắm vào lan can boong tàu mà cười, lúc đó thật là vui. Bỗng nhiên con nghe thấy tiếng nhạc vọng ra từ trong khoang lái, con nghĩ chắc chắn là nhạc của Trần Bách Đàm Trần Lỗi, nhưng hóa ra lại là bài hát Rừng Nauy trữ tình của Wu Bai: "Nước hồ ở đó luôn trong xanh, không gian nơi đó luôn tĩnh lặng, ánh trăng sáng trắng rọi xuống dường như đang ẩn giấu miền ký ức mà mọi người không muốn nhắc lại". Nếu nói lần này con đi du lịch một mình là bởi muốn trốn tránh khỏi thực tại con vừa bị thất tình, thì thà đơn giản nghĩ rằng do con muốn tìm một hòn đảo, đây như thế một kiểu trạng thái muốn khép mình lại, rồi dần dần từng chút một lại mở dần ra. Bước ra khỏi biệt thự, chú chó vàng nhỏ đang thong dong đi lại trên bậc thềm, xuống khỏi thềm là con đường vòng quanh đảo, bụi đất mù mịt, cách vài cây lại có một chỗ đang đào đường lấp sửa đường. Cầm chìa khóa chiếc xe thuê được, lẩm bẩm tên các địa danh Hồng Đầu, Gia Du, Lãng Đảo, Đông Thanh, Dã Ngân, con phân vẫn không biết cuộc hành trình vòng quanh đảo nên bắt đầu từ hướng nào đây? Con biết mình không còn có thể như thuở mười tám vô tư cuồng nhiệt ôm lấy trời xanh, nắng vàng, biển xanh nữa. Con chỉ định đeo theo máy ảnh và lặng lẽ ngắm nhìn mọi cảnh vật nơi đây. Ở hòn đảo nhỏ thú vị như đảo Lan Tự, khách du lịch nữ độc hành cũng không còn là hiện tượng hiếm gặp, ngay từ lần đầu tiên đến đây, con đã kết bạn được với rất nhiều cô nàng cá tính. Người thì làm phim tài liệu, một mình vác máy quay máy chụp chạy đi chạy lại như con thoi, người thì đang là nghiên cứu sinh ngành nhân chủng học, mặc cả cây dằn di nhưng vẫn ngồi xổm ở ruộng khoai nghe các cụ già kể chuyện thần thoại từ thuở xa xưa, hoặc một cô nàng văn sĩ trẻ mặc đồ bohemian, di theo tiếng nói của các tác phẩm Tam Mao, đến đây tìm sự lãng mạn cho riêng mình. Cơn bão vừa đi qua, những loài cây ven bờ biển sinh trưởng tốt hơn, ở sâu bên trong, những quả dứa Đài Loan đỏ rực, những phiến lá vàng rực, thô ráp, những quả bàng vàng rơi đầy mặt đất, tạo nên phong cảnh đặc trưng của vùng nhiệt đới, nhưng bởi cái nắng nóng thiêu đốt dài ngày, lại trở nên khô cằn hơn. Con lái xe trên con đường qua núi Hoàng Bảo, tuy chưa lên cao lắm so với mực nước biển nhưng cũng đủ để cảm nhận độ ẩm của không khí, những cây dương xỉ vẫn còn lấp lánh giọt sương trên lá được coi như tín hiệu mát mẻ nhất trên đảo vào những ngày tháng Tám oi bức này. Từ từ đi qua đỉnh núi, những mái nhà đen của những ngôi nhà bên dưới lòng đất của bộ tộc Dã Ngân dần hiện ra trước mặt. Những nhà dân trong làng đều có một con dốc thoải nho nhỏ, con rất thích từ từ leo lên con dốc đó, chốc chốc lại quay đầu lại nhìn mặt biển xanh thẳm đằng sau. Một người đàn bà trẻ ngồi trên bậc thềm, hiền từ cho đứa con vừa sinh bú. Con nhấn nút máy ảnh, mắt con như chợt chạm được vào đôi mắt to, tròn sáng của đứa bé. Lúc này con mới cảm thấy đôi mắt của kẻ lữ hành như con thật vô thần biết chừng nào. Muốn thử cảm giác thong dong lười nhác khi rong chơi, con cúi xuống xách đôi dép mình đang đi lên tay, ung dung bước chân trần, bỗng bị một giọng nam không mấy thiện chí gọi giật lại: "Này! Cô chụp ảnh rồi thì phải trả tiền chứ! Hai trăm đồng một tấm! Trả đây!". Con rối rít xin lỗi rồi nhanh chóng rút lui, sơ suất một cái là thê thảm thế đấy. Con đi từ hành lang bên này sang hành lang bên kia. Có một bà lão miệng ngậm cước câu cá, tay cầm kim thoăn thoắt đính những hạt tròn bé xinh nhiều màu sắc thành một chiếc vòng tay, những chiếc vòng hạt thế này rất được du khách yêu thích nên nhà nào ở đây cũng lấy việc xâu vòng tay làm nghề phụ trợ. Con lấy từ trong túi quần kaki ra hai điếu thuốc Tân Lạc Viên nhàu nát rồi châm một điếu cho bà cụ, có lẽ khoảnh khắc thong dong này có thể sẽ mang đến điều gì đó cho chuyển độc hành này của con. Nhìn thấy chiếc vòng tay vừa được hoàn thành từ những hạt vòng đỏ, đen, trắng có họa tiết hình con thuyền, con ngạc nhiên hết mức liền trả giá cao. Bà cụ đeo vòng vào cho con, cười để lộ ra những chiếc răng vàng lẫn trắng nói: "Cô phải cầu nguyện đi", con chỉ cười cười lắc đầu. Bây giờ, lòng bàn tay con lại có thêm một chiếc thuyền nhỏ nữa. Khi con còn nhỏ đã từng có mốt làm vòng tay may mắn, trong giờ học con thường cùng đám bạn gái lén lút chui xuống gầm bàn kết vòng may mắn, khi đeo vòng vào phải ước một điều, đến khi vòng đứt là điều ước sẽ được thực hiện. Sau đó mỗi lần đi đường tay đều cọ xát vào bức tường đá thô ráp, cọ tay vào tay vịn cầu thang, thi thoảng lại dùng hàm răng chắc khỏe của tuổi trẻ cắn qua cắn lại, khi đi tắm cũng dùng xà phòng kỳ cọ kỹ càng nhưng tuyệt nhiên không thấy vòng bị đứt bao giờ, mà là nhìn thấy các bạn gái khác lại nghĩ ra hình nào khác, lại còn có những sợi dây bảy màu nên đành lòng bỏ đi điều ước cũ để tiếp tục đi kết một điều ước mới. Con cứ ngỡ sau buổi trưa sẽ có một trận mưa rào như những hòn đảo nhiệt đới ở nước khác mà con vẫn tưởng tượng, nhưng đáng tiếc lại không mưa. Hoàng hôn dần buông, cảm giác bớt oi bức hơn, từng cơn gió nhẹ bắt đầu thổi tới. Con đến sân bay, ngồi trên đoạn tường được sơn màu đỏ và trắng, giống như những đứa trẻ dân tộc Đạt Ngộ ở đây, hí hửng ngồi nhìn chiếc máy bay của chuyến bay cuối cùng rời Lan Tự về đảo lớn. Con nhìn về phía ráng đỏ xa xa, mặt trời đỏ rực đang dần chìm xuống biển, cầm một chiếc lá muồng biển hình trái tim, con cảm giác như chiếc thuyền nhỏ trong tay đang chuẩn bị đưa con ra khơi. Con ước, có một người đang đi từ bên kia đảo, sẽ hội ngộ với con ở đây. Tại hiệu sách Bấm để xem Vài năm trước, khi đi phượt ở Vân Nam, con quen một anh bạn người Nhật tên K ở Đại Lý. Anh chàng K này bằng tuổi con, đeo cây đàn guitar Hawaii đi lang thang du lịch khắp nơi, từ Trung Quốc, Việt Nam đến nhiều nơi khác. Khi con và bạn đồng hành đang ăn đến no nê buffet siêu rẻ chỉ mười đồng ở Nhà nghỉ Thanh Niên - nhà nghỉ thuộc hệ thống nhà nghỉ dành cho thanh thiếu niên trên khắp các tỉnh thành của Trung Quốc thì cậu ta gặm một gói bánh quy xốp với một chai nước, cậu ta đi đến nói chuyện cùng bọn con, con và K quen nhau như thế. Lúc cả hội chia tay nhau để rời Đại Lý, mọi người cùng nói về ước mơ của mình, K nói, cậu ta muốn mở một hiệu sách secondhand, con còn vào hùa hò theo: "Tôi cũng muốn thế! Tôi cũng muốn thế!". Khi ai nấy đều trở về quốc gia của riêng mình, khi con vẫn lê la ở nhà sách hằng ngày, hẹn bạn bè ở bậc thềm ngoài nhà sách, hỏi han nhân viên và chủ nhà sách, thậm chí đến làm biên tập ở bộ phận tạp chí, thì K đã đi tìm được mặt bằng, tự mình tay đinh tay búa đóng kệ giá sách, tự vẽ biển cho hiệu sách, đi khắp các khu bán sách của Osaka, Kobe để thu mua sách cũ về bày lên kệ, hoàn thành mong ước mở hiệu sách của riêng mình. Căn phòng cổ này có tên Tree House Bookstore - hiệu sách nhà sàn, được mở ở quê của K, Himeji-jo. Anh chàng viết thư cho con kể, thầy giải quẻ chùa Trung Hòa trên núi Thương Sơn ở Đại Lý chẳng phải đã từng nói cậu ta sẽ nhận được sự giúp đỡ của tiền bối hay sao? Quả đúng như vậy, cha cậu ta làm nghề mộc nên đã cho cậu ta rất nhiều gỗ, tiết kiệm cho cậu ta được kha khá tiền làm nội thất hiệu sách. Cái quẻ này thì con nhớ rất rõ bởi lúc đó chính con là người dịch cho cậu ta nghe, còn thầy chùa giải thích thế nào về quẻ của chính con thì con lại quên sạch bách. Sau này, con đi du lịch Tokyo, Kyoto, vì con đã mua vé JR Pass - một loại vé tàu ưu đãi của Nhật Bản dành cho du khách nước ngoài, có thể đi bất kể tuyến tàu hỏa đi bất kể đâu ở Nhật Bản trong thời gian nhất định, nên con dành ra hai ngày để đến Himeji-jo, thành phố chỉ cách Kyoto một tiếng ngồi tàu. Con viết thư hỏi K ở gần đó có nhà nghỉ nào rẻ rẻ như kiểu nhà nghỉ Thanh niên hay không thì cậu ta hồi âm, nếu con không ngại thì có thể đến ở phòng áp mái của hiệu sách, cậu ta thường mời bạn bè nước ngoài, hoặc những người đến hiệu sách mà uống say ngủ lại. Ngủ lại ở hiệu sách, chuyện này không phải chỉ có ở hiệu sách Shakespeare tại Paris sao? Con phấn khích quá, vội hồi âm: "Ok, hẹn nhé". Đến tận nơi rồi con thấy, "dịch vụ" của "nhà trọ hiệu sách" này thực sự rất ổn. K không chỉ chuẩn bị cho con vô vàn cuốn tạp chí đặc biệt của hiệu sách, đặt thêm một chiếc giường sofa cho con ở phòng xép áp mái, tuyệt vời hơn nữa, trong hiệu sách không có phòng tắm, K còn cho con hai tấm vé tắm ở bể tắm công cộng. Trong những cuốn tạp chí đặc biệt của hiệu sách có nói Tree House là kiểu hiệu sách "lãng du", bởi sách về du lịch là nhiều nhất ở đây. Trong hiệu sách còn thiết kế một quầy bar nhỏ, ngoài những thứ đơn giản như café, bia, trên tờ thực đơn viết tay còn có một mục ghi "Món hoàng gia hôm nay", chỉ cần 500 yên Nhật. K giải thích cho con, mục "Món hoàng gia hôm nay" có nghĩa là: "Hôm nay tôi ăn gì thì bạn cũng ăn món đó". Khoảng chập choạng tối, vài vị khách quen sẽ gọi điện đến đặt tối nay ăn gì, K ước lượng số người rồi sẽ làm bữa tối đơn giản, mọi người sẽ vừa ăn vừa nói chuyện về sách. Khách ở đây có thủ thư, giáo viên trung học, người nước ngoài đến Nhật Bản dạy tiếng Anh, còn có một số người theo như lời K thì kiểu "không biết họ làm gì, chỉ cần đến giờ là sẽ thấy đến, có thể họ là những kẻ bợm rượu". Tối muộn hiệu sách đóng cửa, K về nhà, con chuyển sang đi dép lê, đeo chiếc ba lô nhỏ lên vai, đi qua góc phố yên tĩnh của Himeji-jo đến phòng tắm công cộng. Bể của nữ cũng không khác là mấy so với bể tắm nước nóng nữ ở Đài Loan, mọi người cũng không nói chuyện với nhau mấy, nhưng con thấy, nếu ở gần nhà mình mà có một phòng tắm công cộng thế này thì cũng hay biết mấy. Con sảng khoái bồng bềnh ngâm mình trong bồn tắm, quay về đến phòng xép xung quanh toàn sách là sách ngủ ngon lành. Thú vị hơn nữa, căn xép này được dẫn lên từ một cầu thang gỗ khác ở bên hông hiệu sách (cầu thang gỗ cũng bày đầy sách), ra vào không cần đi qua hiệu sách, nhưng nhà vệ sinh lại nằm ở bên trong hiệu, nên nếu nửa đêm mà con muốn đi vệ sinh thì sẽ phải trèo xuống mở cửa cầu thang đi ra bên ngoài, rồi lại mở cửa hiệu sách. Nhưng cửa hiệu lại là một tấm cửa cuốn phải mất công cuốn lên, bởi vậy K dặn con nếu ngại phiền hà thì có thể sang hiệu Hai tư giờ Lawson bên kia đường đi vệ sinh nhờ. Con thì rõ ràng là người ngại phiền hà rồi, bởi vậy con chọn cách nhịn đi vệ sinh. Sáng hôm sau có lẽ là lần đầu tiên từ thuở cha sinh mẹ đẻ con mong chờ một hiệu sách mở cửa đến vậy. Hôm sau đó là cuối tuần, nói ra thì tưởng không may nhưng lại cũng là số hên, thông thường cuối tuần K hay đi chợ sách Kobe, Osaka để gom sách, trước đó khi viết thư cho K con cũng nói con muốn đi cùng, nhưng đợt này lại đúng vào đợt hội chợ handmade, DIY một năm mới có một lần ở Himeji-jo, K muốn đi tham gia hội chợ để bán sách cũ và café, con nghĩ hội chợ này chắc cũng sẽ rất thú vị đây. Đến nơi, con thấy rất nhiều cô gái Nhật Bản trang điểm tông màu khói, mặc váy ngắn đi bốt cao đến đầu gối, họ rất tự nhiên cầm búa sắt và thanh gỗ, đóng gõ liên hồi, kệ trưng bày sản phẩm của họ thành hình rất nhanh sau đó, trong chốc lát, những mảnh vải ghép quilting, khăn quàng cổ, những tấm thiệp, quyển sổ tay handmade của họ lần lượt được bày lên kệ. Con giúp K trông quầy, rồi hăng hái đi siêu thị mua bột quế hộ K, vậy là con cũng biết tự lê la ở Himeji-jo (Không hiểu sao khi đi qua phố vào siêu thị mua đồ, con có cảm giác mình giống những đứa trẻ con của các gia đình trong chương trình thực tế Nhật Bản đua nhau giúp bố mẹ đi mua đồ, xem ai hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên). K nói con có thể dùng xe đạp của cậu ta nhưng con lại chọn đi bộ, Himeji-jo là nơi rất tuyệt để đi bộ, những con đường chính cứ thế thông nhau, từ bến xe đến thẳng Himeji-jo, hai hàng cây ngân hạnh cao hai bên đường, làn đường dành cho người đi bộ rộng rãi, chốc chốc lại có ghế dừng chân ngồi nghỉ. Con đi tham quan bảo tàng văn học của thành phố, là công trình kiến trúc đầu tiên của Tadao Ando, bên trong có căn phòng đặc biệt của nhà văn Shiba Ryōtarō. Buổi tối, lại có một nhóm người khác đến hiệu sách tán gẫu, họ giới thiệu cho con sách của Shinya Fujiwara, ông là nhà lữ hành nổi tiếng Nhật Bản, cũng từng viết sách về Đài Loan, đó là cuốn Tiêu dao du ký, con tìm ngay cuốn này, lật trang đầu tiên quả đúng là ảnh của phòng trà Đàm Thủy. Dường như Shinya Fujiwara có ý muốn nắm bắt mặt tối của thành phố, cùng trong một cuốn sách, ông chụp cả khu Cửu Long của Hồng Kông, nhưng là tấm bài vị ở khu nhà cũ nát chật hẹp, thực sự rất thú vị. Dù con đã học chút tiếng Nhật nhưng cũng coi như bằng không, chỉ có thể dựa vào phần chữ Hán để đoán mò nghĩa, nhưng bất chấp điều đó, sau đó con vẫn mua rất nhiều tác phẩm của ông khi đến Tokyo, Kyoto. Sáng ngày thứ ba, con bắt Shinkansen - hệ thống tàu cao tốc nối toàn nước Nhật quay về Kyoto. K tiễn con ra ga tàu, bọn con lại nói về ước mơ của mình. Con kể ở New Zealand và Australia có một kiểu visa gọi là Working Holiday cho phép người nước ngoài từ mười tám đến ba mươi tuổi đến đây làm một năm, con hy vọng trước ba mươi tuổi con có thể đến đó làm. K bảo, "Ừm, năm tốt nghiệp đại học tôi đã đến đó rồi, ở New Zealand ngày nào tôi cũng đi hái quả kiwi", nghe cách nói cảm giác cậu ta không thấy ở đó có gì hay họ cả. Á, tại sao những ước mơ con cho là xa vời không thể đạt tới, bắt buộc phải cân nhắc đắn đo, chuẩn bị kỹ càng, hạ quyết tâm cao độ và mang một ý nghĩa to lớn thì K lại bình thản, nghiễm nhiên đạt được, chỉ như là chuyện bình thường trong cuộc sống vậy? Hay có lẽ do con đã quá coi ước mơ hay coi mình là một cái gì quá to tát, cuối cùng cứ đi theo hô hào, hùa theo, trải nghiệm, thăm thú, kể lể ước mơ của người khác. Rồi thì, dần dà tự con lại cảm thấy, trước thời khắc thần thánh khi con thực hiện được ước mơ đến, thì cứ như thế này cũng không có gì là không tốt cả. Sau này, con thường xuyên thư từ qua lại với K, cậu ta nói tình hình kinh doanh của hiệu sách ngày càng tốt. Còn ước mơ lớn nhất lúc đó của cậu ta, là mau mau sắp xếp được thời gian để lại được đi lang thang khắp nơi.
TÁI BÚT Bấm để xem Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như vậy. Trong phần tái bút của mình, tôi muốn nhắc đến hai người bạn nhỏ. Khi đảm nhiệm công tác kiểm duyệt ấn phẩm, tôi thường hay nhận được các ấn phẩm tặng từ các công ty sách thiếu nhi, để sách được phát huy tối đa tác dụng, tôi hay tặng lại những cuốn sách thiếu nhi này cho bạn bè có con nhỏ. Trước khi chọn sách tặng bạn nhỏ này tôi thường hay dò hỏi về sở thích đọc của nó, câu trả lời nhận được thông thường có thể nói ngắn gọn như sau: Sách phải đẹp. Lượt sách đầu tiên gửi đi, không thấy hồi đáp gì. Tôi đoán chắc là do sách không đẹp lắm, y như rằng bạn nhỏ nhờ phụ huynh chuyển lời tới tôi, bổ sung thêm cho tôi tiêu chí chọn sách chính xác với nhu cầu của nó hơn. Sách phải gây cười. Tôi phải cảm ơn người bạn nhỏ học lớp 4 này. Cả cuộc đời viết tản văn, tiểu thuyết, kịch bản của tôi, bất kể tôi viết gì thì hai tiêu chí về sách này cũng giúp tôi nhìn lại chính mình, giúp tôi vượt qua được chính mình. Người bạn nhỏ thứ hai là nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Shusaku Endo thời nhỏ. Từ năm ba tuổi tới năm mười tuổi cậu bé Shusaku Endo ở Đại Liên, Trung Quốc. Sau này ông nói ông từng nghĩ đây chính là nơi cuộc sống của mình được bắt đầu, thế nhưng chính trong bảy năm này, bố mẹ ông thường bất hòa, tối nào cũng tranh cãi gay gắt, cuối cùng họ ly hôn. Mỗi khi không muốn trở về căn phòng u ám đó, ông thường lang thang trên con dốc gần đó, dùng gạch phấn nguệch ngoạc lên bờ tường những câu chữ của mình, rồi nói chuyện với con chó đen nhỏ. Shusaku Endo có tình cảm rất tốt với anh trai, anh trai ông là một học sinh ưu tú, còn ông lại là một học sinh cá biệt. Khi anh trai ra đề toán đố ông: "Hãy thử chứng minh tổng ba góc trong của hình tam giác là 180 độ", ông liền viết thế này trong ô đáp án: "Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như vậy". Khi tôi đọc được đoạn này trong một bài văn bình luận, tôi đã không nhịn nổi mà cười thành tiếng. Dường như tôi đang hưởng ứng lời Shusaku Endo từng nói: "Thuở nhỏ, để giấu đi sự bi thương buồn đau, người ta sẽ hay nghịch ngợm ngỗ ngược hoặc đùa vui". Sau này, bắt đầu viết văn, tôi cũng hình thành thói quen ấy. Trong thời gian làm truyền thông cho bộ phim, tôi rất hay được hỏi, tại sao viết về cái chết của cha bằng lối viết hài hước như thế? Tôi trả lời y như một cỗ máy tự động hỏi đáp: "Để cho khán giả có góc nhìn mới về cái chết". Hừm, hóa ra là vẫn đang phải che giấu ư! Tôi tin rằng, tất cả những gì là đau thương, mất mát, tan vỡ đau đớn đến không thể chấp nhận được, chỉ cần ta nói được một cách hài hước, thì cũng có thể viết được chúng ra, có thể đọc được chúng. Có lẽ, có những điều, có thể thông qua việc viết ra, có thể chuyển hóa được, thậm chí "hóa lành" được những nỗi buồn, những tổn thương. Có thể Shusaku Endo muốn nói, không thể nào như thế được đâu. Bởi lẽ, sau năm bốn mươi sáu tuổi có lần ông quay lại Đại Liên, quay trở về căn phòng u ám nơi xưa từng ở, ông vẫn cảm thấy bất an, sợ hãi như thuở nhỏ, ông như vẫn nghe thấy tiếng quát tháo của cha và tiếng khóc của mẹ, ông cũng vẫn như nhìn thấy hình ảnh anh trai đang cặm cụi học bài, thấy cả hình ảnh của chính mình đang ngồi bịt chặt tai tránh tiếng cãi cọ của cha mẹ.. A, tôi thực sự mong Shusaku Endo có thể đến đây giúp tôi giải đáp những thắc mắc của khán giả. Sau đó, mỗi khi được hỏi, tôi chỉ nói: "Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như vậy". Bác sĩ trị liệu tâm lý và những nhà tâm linh đều nói, trong mỗi con người chúng ta đều có một đứa trẻ. Tôi thì lại thường cảm thấy, trong tôi có hai đứa trẻ. Một đứa thì luôn tràn đầy năng lượng, vui vẻ sảng khoái nói với tôi: "Sách phải đẹp, phải gây cười". Đứa còn lại thì lại hay đi lang thang một mình, tiêu dao ngày tháng, lại luôn thì thào với tôi những ý tưởng nổi loạn: "Này, làm gì đó vui đi, quên hết buồn phiền đi!". Tôi tồn tại cùng "hai đứa trẻ" đó, trò chuyện với chúng, và đây chính là nghiệp viết của tôi. Cảm ơn mọi người. - HẾT -