Truyện Ngắn Điều Kì Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Bà Từ - Love Cà Phê Sữa

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 30 Tháng mười hai 2021.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Truyện ngắn: "Điều kì diệu của tiệm tạp hóa bà Từ"

    Love cà phê sữa

    [​IMG]

    "Ring ring, chào mừng quý khách đã đến với tiệm tạp hóa bà Từ. Nếu muốn mua đồ hãy dừng chân lại ở tầng một, còn nếu muốn mua sách hãy tiếp bước đến tầng hai và đừng ngại ngùng bước đến tầng ba - một không gian lí tưởng để bạn đọc sách."

    Âm thanh quen thuộc phát ra từ chiếc loa nhỏ nằm cạnh chú mèo thần tài đã hơn mười sáu năm tuổi, nghe sao mà bồi hồi về một thời áo trắng đầy kỉ niệm. Sau khi đẩy nhẹ cửa kính bước vào, tôi cứ đứng ngơ ngác một hồi vì nơi đây vẫn vẹn nguyên như xưa, hoàn toàn khác với tưởng tượng ban đầu của tôi. Vẫn là hương thơm phảng phất của hoa nhài, vẫn là không gian cổ kính ấy, mọi thứ thật gần gũi và ấm áp. Như nhận ra gương mặt quen thuộc, cô chủ quán nhỏ lập tức đi ra khỏi quầy thanh toán, đôi chân thoăn thoắt bước đến chỗ tôi:

    "Chị Hà, em – Thảo đây, chị còn nhớ em không?"

    Vừa dứt lời, Thảo nhào đến ôm tôi, tôi chỉ biết bỏ túi quà xuống đất rồi một tay ôm vai một tay xoa đầu cô em gái nhỏ.

    "Mới có sáu năm thôi mà đã lớn thế này rồi, chị không nhận ra luôn đấy!"

    "Sao chị về mà không báo em một tiếng, em cứ tưởng cuối năm nữa chị mới về cơ."

    "Về thế này mới bất ngờ."

    "Chị ngồi nghỉ đi, em đi pha trà rồi ra ngay."

    Nhìn theo bóng lưng của Thảo, lòng tôi bỗng dâng lên một cảm giác bồi hồi mà bâng khuâng đến lạ. Thảo là một trong những đứa em mà tôi quý nhất. Tôi chơi với nó từ hồi tiệm tạp hóa này mới mở. Từ khi mới gặp, hai chị em đã dính với nhau như hình với bóng. Chúng tôi đều thích đọc sách nên khá hợp gạ nhau. Tôi thường đến tiệm tạphóa của bà Từ - bà ngoại của Thảo chơi. Đến đây vừa được đọc sách vừa được nghe bà Từ kể chuyện. Ngày nào cũng như ngày ấy, cứ tan học là đạp xe thật nhanh đến tiệm tạp hóa bà Từ. Hồi ấy, tiệm chỉ có một tầng, đi sâu vào trong nhà có một phòng đặc biệt để cho bọn học sinh chúng tôi mua sách, đọc sách. Căn phòng ấy bé lắm, độ chừng khoảng hai chiếu, sách chỉ dừng lại ở khoảng sáu mươi cuốn đủ loại, toàn là sách cũ. Nhưng đứa nào đứa nấy đều thích như cá gặp nước.

    Thỉnh thoảng bà Từ có chuyện vui lại tặng sách cho chúng tôi, khoảng thời gian chúng tôi ở lại đây còn nhiều hơn cả ở nhà. Hồi đó, nhà tôi nghèo, bố tôi là bộ đội, mẹ tôi làm ruộng, tiền kiếm được cũng chỉ đủ để lo cho tôi ăn học. Bố tôi cũng thích đọc sách ngâm thơ lắm. Trong phòng bố cũng có hẳn một chiếc tủ gỗ màu nâu chật ních những cuốn truyện, thơ hay. Tôi thích đọc sách cũng là chịu ảnh hưởng từ bố. Thế rồi, hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn, bố quyết định bán sách cho bà Từ. Số sách trong tủ ngày càng thưa thớt dần và chỉ còn lại vỏn vẹn bốn cuốn. Bốn cuốn ấy bố tôi quý hơn cả vàng, nhất quyết không bán. Có lần, tôi xin bố được đọc một cuốn trong số ấy, thế là bố đưa tôi cuốn "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng. Chưa kịp đọc xong, bố tôi lại chủ động đòi lại ngay vì sợ tôi bị mẹ mua chuộc muốn bán sách của bố. Sau này, tôi mới biết được danh tính của những cuốn còn lại. Đó là "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân, là "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết "Người người lớp lớp" của Trần Dần.

    Hai năm trôi qua, hoàn cảnh gia đình khá khẩm hơn, bố mua lại toàn bộ số sách đã bán cho bà Từ. Hồi đó, tôi cứ thắc mắc mãi, không hiểu sao suốt hai năm trời bà Từ lại không bán được cuốn sách nào của bố. Sau này, nghe đám bạn kể lại, tôi mới hay. Bà biết bố tôi quý chỗ sách đó lắm nên thay bố trông coi, cất giữ cấn thận. Khách hỏi mua, bà từ chối, bảo rằng mấy cuốn sách ấy chỉ có thể đọc chứ không thể mua về. Có lẽ vì thế mà bố tôi quý và biết ơn bà lắm. Sách mua về có cuốn rách, có cuốn sờn mòn, mất góc nhưng chẳng thể làm lay chuyển được sự trân quý sách vở và niềm đam mê đọc sách của bố tôi.

    Tiếng gọi của Thảo cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi, tôi bàng hoàng như tỉnh dậy sau một giấc mộng đẹp. Vừa ngấp ngụm trà, tôi vừa nhìn ngắm lại tiệm tạp hóa, lòng thầm cảm ơn trời đất vì nơi đây vẫn vẹn nguyên như xưa. Sáu năm tôi đi du học Nhật, trở về quê hương, nơi đâu cũng mới lạ, cũng hiện đại khiến tôi thấy xa lạ quá. Ngay cả ngôi nhà của tôi, bố mẹ tôi cũng sửa sang một cách triệt để. Chỉ có duy nhất nơi đây, mọi thứ dường như vẫn còn vương vấn dấu tích của một thời áo trắng đầy kỉ niệm. Theo thời gian, tiệm cũng được sửa sang và xây dựng thêm ít nhiều nhưng sự thay đổi ấy cũng chẳng làm vơi đi nét giản dị và thanh tao vốn có của tiệm tạp hóa bà Từ.

    Tôi và Thảo trò chuyện một lúc lâu rồi tôi chủ động lên tham quan tầng hai và tầng ba của tiệm. Hai tầng này mới được xây thêm cách đây chừng một năm. Các bậc thang được trang trí trông y hệt một cuốn sách. Tầng hai có một khoảng không gian khá rộng với nhiều kệ sách khác nhau, đếm qua tầm trên mười hai cái. Riêng tôi lại bị thu hút bởi chiếc kệ màu nâu đã cũ nằm gọn trong góc phòng.

    Tôi nhận ra ngay, chiếc kệ ấy chính là bảo bối thần kì của lứa học sinh chúng tôi năm xưa. Thật không ngờ là chiếc kệ ấy vẫn còn, trên đó lại toàn là những đầu sách cũ chỉ có vào khoảng bảy, tám năm trước, khác hẳn với những chiếc kệ còn lại. Tôi đưa tay lướt qua từng cuốn sách, chọn đại một cuốn rồi đưa nhẹ lên mặt. Một mùi hương quen thuộc phảng phất. Lật nhẹ từng trang giấy, tôi cảm giác như được trở về với năm tháng tươi đẹp của tuổi học trò.

    Hồi ấy, cứ mỗi khi tan học hay có dịp nghỉ lễ là lại chạy đến tiệm tạp hóa bà Từ, mỗi đứa một cuốn sách rồi ngồi đọc ngấu nghiến suốt một tiếng đồng hồ, đôi lúc lại có đứa chọc ghẹo nhau. Thỉnh thoảng, bà Từ lại mang chút bánh và vài chai nước uống vào. Vừa ăn, bà vừa kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện, nhiều cuốn sách hay. Chúng tôi hào hứng lắm, cứ mỗi khi nghe bà kể chuyện đứa nào đứa nấy đều im phăng phắc, chỉ sợ rằng tiếng ồn của mình sẽ ngắt quãng câu chuyện của bà.

    "Ở đây có ai biết đến câu chuyện về cuốn sách và giỏ đựng than chưa nhỉ?"

    "Chúng cháu không biết ạ, bà kể cho chúng cháu nghe đi bà."

    "Câu chuyện kể rằng ở một vùng núi xa xôi, có một cậu bé sống cùng với người ông của mình. Mỗi buổi sáng, ông đều dậy rất sớm để đọc sách. Những cuốn sách ông đọc, có cuốn rất cũ các cháu ạ, có cuốn ông đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Người cháu thấy vậy liền bắt chước ông của mình. Tuy nhiên, cậu ta vẫn không thể hiểu được ý nghĩa của việc đọc sách.

    Thấy vậy, người ông liền bảo cậu bé ra sông lấy nước bằng một chiếc giỏ ngày thường đựng than. Chiếc giỏ thủng lỗ chỗ nên sau ba lần dốc sức chạy, cậu không lấy được chút nước nào. Nhưng, khi người cháu quay về than phiền với ông nội thì mới nhận ra chiếc giỏ lại sạch sẽ một cách khó ngờ. Nào, các cháu nghĩ sao về câu chuyện này?"

    "Cháu thấy người ông trong chuyện rất giống bà, ngày nào cháu cũng thấy bà đọc sách. Có lần, cháu thấy bà đọc cuốn" Mắt biếc "của bác Ánh, thế là cháu cũng đọc thử cuốn ấy và rồi cháu thấy rất thích cuốn sách đó."

    "Còn cháu thì thấy rất ngưỡng mộ người ông trong câu chuyện vì cháu không đủ kiên trì để đọc đi đọc lại một cuốn sách nhiều lần. Có lần, cháu còn bỏ dở giữa chừng vì đọc thấy chẳng hiểu gì cả, giống cậu bé trong câu chuyện đó ạ."

    * * *

    "Các cháu thấy đấy, đọc sách rất quan trọng. Sách thanh lọc tâm hồn ta và hướng ta đến những điều tốt đẹp. Nhưng, vì một số lí do nào đó mà ta không nhận thức được điều ấy và rồi từ bỏ việc đọc sách. Thế giới của sách là thế giới của những điều kì diệu, bây giờ có lẽ các cháu sẽ chưa thấy được ý nghĩa của việc đọc sách. Bà tin rằng, sau này, các cháu sẽ hiểu. Đừng bao giờ ngừng đọc sách nhé, các cháu sẽ tìm được cuốn sách phù hợp với mình sớm thôi."

    Giọng nói bà ấm áp như dòng suối mát len lỏi vào tâm hồn chúng tôi. Thời gian trôi đi làm con người ta quên lãng nhiều thứ. Nhưng, suốt bao nhiêu năm qua, tôi vẫn chưa bao giờ quên lời dạy của bà. Và, mấy đứa học sinh ở đây cũng thế. Thằng Thành, con bé Hương sau này sở hữu nhà sách của riêng mình, cái Chi cũng trở thành nhà văn nổi tiếng. Chúng tôi có được ngày hôm nay cũng là nhờ sự truyền lửa và tấm lòng nhân hậu của bà.

    Tôi cứ đứng như trời trồng ở chỗ kệ sách ấy, cho đến khi bị nhắc nhở:

    "Cháu gái ơi, cho ông đi nhờ nào!"

    Tôi nhận ra ngay tiếng gọi quen thuộc.

    "Ông Phú! Cháu chào ông, cháu là Hà con bố Minh đây ông, cái con bé ngày xưa vẫn hay ăn nhờ ở đậu nhà ông đây."

    Mặt ông lộ rõ vẻ kinh ngạc, có lẽ ông vẫn chưa nhận ra tôi. Ông Phú là chồng của bà Từ, người đã mở ra tiệm tạp hóa này. Tôi có chút thất vọng song cũng hiểu cho ông. Ông cũng lớn tuổi rồi, quên đi nhiều thứ cũng là chuyện dễ hiểu. Cái tuổi tám mươi ấy mà, ít người còn minh mẫn lắm. Nào ngờ, ông vẫn nhận ra tôi, nghe ông đáp lại mà tôi cứ đứng há hốc mồm vì bất ngờ.

    "Cái Hà đấy sao? Sao bây giờ mới về. Ăn uống, nghỉ ngơi gì chưa hay một mạch chạy ra đây, ngồi xuống, để ông bảo cái Thảo pha trà và mang bánh lên."

    Tôi vội giữ ông lại:

    "Cháu vừa uống trà, ăn bánh rồi ạ, cháu về từ sáng, chiều ra thăm ông và em, ông ngồi xuống đi ạ."

    Ông trách nhẹ:

    "Sao không nghỉ ngơi mà ra ngay làm gì, tối nay ở lại đây ăm cơm để ông bảo cái Thảo nấu."

    Tôi vội từ chối:

    "Thôi để dịp khác ạ, tối cháu có hẹn với bạn, mai cháu lại sang thăm ông, mai cháu chắc chắn ở lại."

    "Thế học hành đến đâu rồi, sáu năm rồi mà chẳng thay đổi gì, vẫn bé tí như ngày xưa, lần này là về hẳn chứ?"

    "Cháu hoàn thành chương trình học rồi ạ, lần này cháu về hẳn luôn. Cửa tiệm vẫn thế ông nhỉ, chỉ có mỗi khác là tầng hai và tầng ba được xây thêm."

    "Ông dành tiền tiết kiệm xây thêm đấy. Hôm trước có một lứa học sinh về, chắc cháu cũng biết mấy đứa ấy, có cái Chi, cái Hương với thằng Thành. Nhiều lắm! Ông chẳng nhớ tên hết. Đứa nào đứa nấy cũng thích thú, đi hết tầng hai đến tầng ba, cứ đi đi đi lại suốt."

    Ông lại nói thêm:

    "Nếu bà Từ còn sống, bà nhìn thấy cảnh này chắc bà hạnh phúc lắm, vì đây là tâm nguyện cuối cùng của bà ấy mà."

    Ông nhẹ nhàng lau đi giọt nước mắt trên đôi má nhăn nheo điểm xuyết đôi vết đồi mồi. Chẳng biết làm thế nào để an ủi ông, tôi chỉ biết nhẹ nhàng đến bên, ôm trầm lấy ông như cách mà bà Từ đã âu yếm mỗi khi tôi buồn. Bất giác tôi cũng rơi lệ.

    "Cháu xin lỗi ông, cháu có lỗi với bà. Ngày bà ra đi, cháu lại không có mặt, chắc bà buồn lắm. Cháu thật sự xin lỗi!"

    "Cháu đừng nói thế, bà ấy nghe thấy bà ấy buồn đấy. Bà ấy không muốn nhìn thấy người khác tự dằn vặt mình chỉ vì không kịp nói lời tạm biệt với bà ấy. Thế sự vô lường, cuộc đời khó đoán, ngày bà ấy đi, ông cũng có tin vào mắt mình đâu. Sau đó mấy ngày, ông bắt đầu thấy trống trải, thấy cô đơn đến lạ. Đến lúc đó, ông mới biết được là bà ấy thực sự đi rồi."

    Tôi hiểu phần nào cảm giác ấy, cái cảm giác cô đơn có thể giết chết con người ta bất cứ lúc nào. Nhưng, tôi chỉ gặm nhấm thứ cảm giác ấy trong sáu năm đi du học xa gia đình, xa bạn bè, một quãng thời gian không ngắn cũng chẳng dài, huống hồ ông Phú sẽ phải mang vác nó suốt cả một đời người.

    Không đợi tôi đáp lại, ông lại kể tiếp:

    "Nhưng, mỗi khi thấy các cháu hạnh phúc cầm cuốn sách trên tay ra quầy thanh toán hay ngồi trong phòng hàng tiếng đồng hồ đọc sách, ông lại thấy nụ cười của bà, ông cũng thấy vui lây. Có lẽ, nhìn thấy các cháu lớn lên, ngày càng thích đọc sách là niềm vui lớn nhất của bà ấy. Trước mấy ngày bà mất, ngày nào bà cũng dặn ông phải sửa sang lại tiệm, xây riêng một tầng để cho đám học sinh vào đọc sách, mua sách. Bà còn đặc biệt căn dặn cái Thảo phải thường xuyên tặng sách cho mấy đứa nhỏ nhà hoàn cảnh.

    Hồi bé, bà ấy cũng như các cháu, thích đọc sách nhưng nhà nghèo, tiền đi học còn không đủ. Học hết lớp năm rồi nghỉ học, lúc nào cũng phải mượn sách khắp nơi tự đọc, tự học. Khi mở cửa tiệm tạp hóa này, bà ấy quyết định để riêng một phòng trống để cất giữ số sách mà bà ấy trân quý như vàng. Thế rồi, con bé Thảo không biết thế nào mà lại mò được vào, thỉnh thoảng khi bà không có mặt ở tiệm còn rủ bạn đến đọc. Bà ấy biết chuyện, không những không giận mà còn quyết định bán sách cũ, tặng sách cho những đứa trẻ nghèo. Bà ấy hiểu cảm giác của các cháu nên muốn lưu lại chút gì đó trước khi ra đi.. thế là bà ấy đưa hết số tiền bản thân tiết kiệm được cho cái Thảo để nó mua sách, mở rộng tiệm tạp hóa này."

    Giọng ông run run như không ngăn nổi cơn xúc động. Tôi biết, để hoàn thành ước nguyện của bà vốn không phải là điều dễ dàng gì với ông. Nhà ông cũng chỉ ở mức khá, cái Thảo lại đang đi học, tuổi ông cũng đã cao. Hai ông cháu sống dựa vào số tiền mà bố mẹ Thảo gửi về hàng tháng. Bố mẹ nó ly hôn khi nó vừa mới lên năm. Vừa nãy trò chuyện với Thảo, tôi cũng biết được rằng, ông Phú từng có ý định đóng cửa tiệm và bán hết sách trong tiệm với giá rẻ chỉ vì quá đau khổ sau khi bà ra đi lại thêm hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cuối cùng, sau khi nghe lời khuyên của cháu gái nhỏ, ông vẫn quyết định hoàn thành tâm nguyện của bà. Hai năm sau khi bà mất, tiệm mới xây dựng thêm hai tầng. Tầng một vẫn giữ nguyên không thay đổi như để lưu lại chút kỉ niệm về người bà hiền từ nơi cửa tiệm quen thuộc. Kệ sách cũ cũng được ông chăm chút, đặt gọn trong góc phòng của tầng hai. Mọi thứ về bà vẫn được ông lưu giữ cẩn thận.

    Tôi cùng ông trò chuyện một hồi lâu đến khi trời chập tối, ông níu tôi lại đưa tôi lên tầng ba tham quan. Trên đây đông như trẩy hội, đa số đều là học sinh. Dù đông đúc như thế song căn phòng vẫn giữ được sự yên tĩnh đáng ngờ. Mỗi chiếc bàn đều được đặt một lọ hoa nhỏ trang trí, ấy là hoa nhài – loài hoa mà bà Từ thích nhất.

    Trên đường về nhà, tôi cứ mải bận tâm không thôi về tiệm tạp hóa bà Từ, về người bà nhân hậu gắn liền với thời áo trắng tươi đẹp của biết bao lứa học sinh. Bà là người truyền cho tôi niềm đam mê đọc sách, là người nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết của đám học sinh chúng tôi. Tôi chợt nhớ lại gương mặt hiền từ cùng giọng nói ấm áp của bà và cả vòng tay trìu mến luôn dang rộng mỗi khi chúng tôi có tâm sự.

    Nhìn lên bầu trời đêm, nơi những vì sao đang rực sáng, tôi chợt thấy nụ cười hạnh phúc của bà. Và rồi, trong đầu tôi chợt nảy ra ý tưởng táo bạo. Tôi quyết định đem hết chồng sách ở nhà đã đọc xong đến tiệm tạp hóa bà Từ, có lẽ sẽ có nhiều người cần nó hơn tôi. Không biết cảm hứng thơ văn bay bổng đến từ lúc nào, tôi đã viết nên một câu chuyện có thực về tiệm tạp hóa bà Từ - nơi cất giữ kỉ niệm đáng nhớ của tuổi học trò và lan tỏa nó trên mạng xã hội. Và, từ ấy, cửa tiệm được biết đến nhiều hơn, nhiều bạn trẻ gửi sách về tiệm như một món quà nhỏ tri ân tấm lòng nhân hậu của gia đình bà Từ cũng là để lan tỏa niềm đam mê đọc sách.
     
  2. Lagan

    Bài viết:
    635
    Chào bạn! Rất vui vì có thể đọc được tác phẩm này của bạn! Mình có đôi lời nhận xét cho tác phẩm của bạn ạ!

    Chỉ là ý kiến cá nhân nên có gì mạo phạm mong bạn thông cảm nhé!

    Về bố cục/ hình thức:

    Mình thích cách bạn chia bố cục, cách ngắt giữa các đoạn thực sự rất hợp lí và nó đã góp phần rất lớn cho thành công của tác phẩm.

    Về nội dung:

    Mình thích đề tài bạn đã chọn! Thực sự văn hóa đọc đã xuất hiện từ rất lâu trong các tác phẩm văn học nhưng tác phẩm của bạn đã lay động đến trái tim mình, theo một cách rất riêng.

    Về nghệ thuật:

    - Mình thích tiêu đề của truyện. Tiệm tạp hóa ấy chính là điều diệu kỳ và cả tác phẩm này cũng là một điều diệu kỳ không kém.

    - Mình thích cách bạn xây dựng cốt truyện. Tuy không có bất cứ đoạn cao trào nào nhưng nó vẫn đủ sức dẫn dắt mình tò mò thêm về những diễn biến tiếp theo; nó đi sâu vào trong trí óc mình, khơi gợi hứng thú của mình bằng một con đường nhẹ nhàng mà quyến rũ nhất. Sự đan xen giữa quá khứ và hiện thực theo từng dòng suy tư của nhân vật khiến cho truyện không hề bị nhàm chán, ngược lại, thực sự rất cuốn hút.

    - Mình thích cách bạn xây dựng hình tượng nhân vật. Tuy có ít thôi nhưng đậm chất "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa" (Chất lượng còn hơn số lượng). Mỗi nhân vật đều được bạn chọn lọc và mài dũa tỉ mỉ. Nhất là nhân vật Hà, từng suy nghĩ, tâm tư của người con gái ấy đều được thể hiện trọn vẹn và mình hoàn toàn chìm đắm trong những dòng cảm xúc ấy, tựa như chính mình trải qua vậy. Ngoài ra còn có hình ảnh bà Từ, tuy không trực tiếp hiện lên nhưng từ những dòng suy nghĩ về quá khứ và hiện tại, người phụ nữ nhân hậu ấy vẫn hiện ra đầy tình người.

    - Bên trong tác phẩm của bạn, mình còn thấy được những giá trị và bài học to lớn về văn hóa đọc. Bài học này đã được bạn lồng ghép thật sự tinh tế và điều đó khiến nó không khô khan hay quá khó "chấp nhận". Thích nhất đoạn này của bạn:

    Bên trong đó còn có bài học về sự ham học hỏi, không ngừng vươn lên, không ngừng quan tâm và cho đi yêu thương. Minh chứng tốt nhất cho điều đó chính là cuộc đời của bà Từ và mình thực sự ngưỡng mộ những con người như thế!

    Góp ý:

    Mình thấy chỉ còn chút lỗi chính tả mà thôi:

    Mình không biết có phải là tiếng địa phương không nhưng theo mình thì là "hợp cạ" chứ không phải "hợp gạ".

    Tạphóa => tạp hóa

    Theo mình hiểu thì từ "bàng hoàng" là tính từ dùng để miêu tả trạng thái hoảng sợ, kinh ngạc đến ngẩn người trước tin dữ, tin xấu. Nó mang nghĩa nặng nề và hơi tiêu cực nên không hẳn là quá phù hợp với nội dung câu này. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng một số từ như: Giật mình, lặng người, bâng khuâng..

    Là mấy tiếng đồng hồ chứ nhỉ? Sao lại chỉ có một tiếng?

    Mình thấy từ "khó ngờ" mang nghĩa hơi tiêu cực một chút, tại sao không phải là "bất ngờ" thôi nhỉ?

    Đây thực sự là một tác phẩm rất hay! Ngoài một số lỗi chính tả, lỗi đánh máy, mình không còn bất cứ điều gì muốn thay đổi hay góp ý nữa!

    Mong chờ những tác phẩm tiếp theo của bạn và chúc bạn thành công với những tác phẩm của mình!

    Thân!
     
  3. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn rất rất nhiều, đọc được lời nhận xét của bạn, mình thấy ấm lòng lắm luôn í, mình sẽ xem xét và sửa lại nhé. Iu iu
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...