Ngôn Tình Đà Lạt, Yêu - La Cong

Discussion in 'Truyện Ngắn' started by 0941762109, Dec 6, 2021.

  1. 0941762109

    Messages:
    3
    Tác phẩm: Đà Lạt, Yêu

    Tác giả: La Cong

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    Văn án: Tuổi 22, một cái tuổi của những ước mơ, hoài bão và cả những trách nhiệm. Nếu may mắn, chăm chỉ bạn có thể thăng tiến trên con đường học đại học. Nhưng tôi lại không may mắn như thế. Tôi vừa trải qua cuộc chia tay với mối tình tôi tự cho là vĩnh cửu, vừa phải đối đầu với các môn chuyên ngành, đồ án khó nhằn. Đôi lúc những áp lực đó như muốn bóp nghẹt tôi. Và tôi đã có một quyết định lớn. Tôi đã gap year một năm, bỏ nơi Sài Gòn tấp nập, ồn ào, về với núi rừng Đà Lạt tĩnh lặng, để một lần nữa được sống, được tìm lại bản thân, để một lần nữa.. yêu và được yêu​
     
    Last edited: Dec 6, 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. 0941762109

    Messages:
    3
    Chương 1: "Trời hôm nay ấm nhỉ?"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vậy là đã 4 tháng kể từ khi tôi rời xa nơi thành thị tấp nập, ồn ào đến với núi rừng Đà Lạt này. Kể sơ về nơi tôi làm tình nguyện viên nhé: Đây là một nông trại hữu cơ cách xa trung tâm thành phố Đà Lạt tầm 10 cây số, ở đây tôi gặp Hải cẩu (cẩu là biệt danh của nó), chị em sinh đôi Ý Lan, Ý Nhi, má Yến - Người chủ "trại" mà chúng tôi gọi cái tên thân thuộc là "má"; nơi mà tôi tìm thấy sự đồng điệu về tâm hồn với những con người này. Ở đây chúng tôi được bao ăn bao ở, đổi lại mỗi ngày chúng tôi phải làm việc, từ trồng rau đến nấu ăn, trừ ngày chủ nhật được nghỉ.

    17 độ, nhiệt độ được cho là ấm của một Đà Lạt mộng mơ vào 8 giờ sáng. Hôm nay là chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất trong tuần, tôi được "thả chuồng" để vào trung tâm thành phố ngồi quán cà phê lề đường của chị Linh - con dâu má Yến. Thường thì mỗi chủ nhật tôi đều ngồi ở đây cùng với ly bạc xỉu nóng, vài điếu thuốc và một quyển sách. 8 giờ sáng nghe có vẻ còn sớm nhưng ở đây lâu bạn sẽ thấy nó trễ đến thế nào.

    [​IMG]

    "Trời hôm nay ấm nhỉ?" Chị Linh nói với tôi.

    "Dạ chắc tại trời nay ít mây đó chị." Tôi đáp

    Lâu lâu hai chị em tôi hay giao lưu vài câu như thế rồi lại ai vào việc nấy, chị làm chạy đôn chạy đáo phục vụ, còn tôi đôi lúc cũng giúp chị, nhưng đôi lúc tôi cũng lười và ngồi lì một chỗ gặm nhấm quyển sách. Đang "chill" với điếu thuốc, thì tôi thấy có một nhóm bốn người vào quán, chắc họ là một gia đình, và đương nhiên là lương tâm của tôi không để cho tôi ngồi yên, tôi dập thuốc và đứng kế xe nước. Chị Linh lại hỏi khách uống gì, còn tôi thì chờ sẵn. Đang nhìn chị Linh, tôi nhìn qua bốn vị khách, thì cô con gái trong gia đình có nhìn tôi và cười một nụ cười tỏa nắng thay lời chào (tôi nghĩ vậy) và cái gật đầu ngượng ngùng của tôi đáp lại. "Bốn ly cà phê sữa nóng Nam ơi" cái giọng đậm chất Đà Lạt của chị Linh làm tôi bừng tỉnh. Sau đó khi làm xong thì tôi mang ra cho khách, rồi về lại chỗ ngồi của tôi và tôi châm thuốc. Hút được vài hơi thì tôi nghe tiếng ho sặc sụa, nhìn qua thì chủ nhân của tiếng ho đó lại là cô gái ấy, và tôi cảm thấy thật bất lịch sự nên đã dập đi điếu thuốc.. Tiếc gì đâu.

    Tầm 10 giờ thì tôi chào tạm biệt chị Linh và lên xe về lại trại, tôi có ghé qua hàng thịt heo của anh Tâm "mèo" để mua giùm má Yến ít thịt để chuẩn bị đồ ăn đón những vị khách mới vào hôm nay. Tiếng dao chặt thịt "bụp bụp" tôi nghe mà "ớn sương sống" nhưng cũng đã quen rồi, vì mỗi lần mua thịt tôi đều ra sạp của anh Tâm để mua, để được giảm giá ấy mà. Anh Tâm là bạn của anh Giang - con trai má Yến nên riết rồi cũng thân với tôi.

    "Hôm nay có khách mới à, mua nhiều th." Giọng khàn khàn của anh Tâm hỏi tôi

    "Biết hay vậy trời."

    "Chứ mày mua nhiều thế này ai ăn cho hết."

    Sau đó tôi chào anh Tâm và lên xe về lại trại. Trên đường về tôi chợt nhớ lại khuôn mặt của cô gái ấy, một khuôn mặt trắng trẻo cùng với sống mũi cao, vậy mà tôi lại bất lịch sự ngồi hút thuốc làm nàng ho chứ. "Sao vậy ta?" - tôi tự hỏi, cũng lâu lắm rồi tôi không có cảm giác này. Tôi khẽ lắc đầu xua đi ý nghĩ. "Trời hôm nay ấm nhỉ?" Câu nói của chị Linh vụt qua đầu tôi..

    Về đến trại thì tôi đưa thịt cho má, rồi về phòng thay đồ để ra vườn đào vài con giun đất để chiều đi câu cá với thằng Hải cẩu, chứ giờ thì nó còn đang ngủ khò khò. Đào được mới vài con thì má kêu tôi "Nam ơi". Tôi cầm cái hũ đựng vài "chiến lợi phẩm" đi cất ở chỗ đất khu vườn rau, và không quên cầm theo một nhánh cây dài.. để xua đuổi mấy bà ngỗng hung dữ, nó hay rượt tôi lắm.

    Vào đến khu sinh hoạt chung thì tôi lại nhìn thấy gia đình bốn người ấy.. và cũng cô gái ấy, cô gái tôi gặp lúc nãy ở quán chị Linh, vẫn nụ cười ấy, nhưng lần này không phải là nụ cười thay lời chào nữa, cô ấy nói "Chào" với tôi. Tôi bất giác bị đơ người rồi sau đó chào ngượng ngùng lại.

    "Con vào tắm rửa đi rồi ra dẫn khách đi tham quan một vòng quanh trại nha, má sẽ nấu ăn cho buổi trưa, hay con muốn nấu ăn?" má Yến đánh thức tôi khỏi cơn đờ đẫn

    "Thôi thôi thôi" - Tôi xua tay. "Để con đi tắm." Tôi vội vã đáp lại. Nàng cười..

    Những dòng nước lạnh chảy qua người tôi, rửa đi những "rít chịt" khó chịu. Lạnh thật, nhưng đỡ hơn cái lần đầu mà tôi tắm ở đây, như một động cơ đang làm việc nóng hổi mà bất ngờ xối gàu nước mát lên, tôi run như cầy sấy. Ở đây nằm sâu trong rừng nên những máy nước nóng hay nước máy không thể nào đến được, trừ khi dùng máy nước nóng điện, nhưng má lại bảo nó nguy hiểm nên chúng tôi đành dùng nước mát lạnh từ con suối gần trại để sinh hoạt.

    Tôi lấy khăn lau mình rồi soi gương chảy đầu, nhìn vào khuôn mặt của chính bản thân - tôi đã yêu thương "nó" trong suốt bốn tháng qua, để bù đắp cho những ngày tháng quên đi "nó". Lúc còn ở Sài Gòn, sau những giờ học tập, làm thêm, tối về nằm cắm mặt vào màn hình điện thoại, thật sự tìm thấy được mình khó như đi tìm xương khủng long vậy. Khi đến đây, "nơi đây", những người bạn và má Yến đã dạy tôi cách làm một "nhà khảo cổ" bản thân.

    Khoác lên áo sweater xanh dương và quần jean đen mà tôi mặc lúc sáng vào (đôi lúc tôi cũng lười giặt giũ). Em vẫn ngồi nói chuyện với má Yến ở khu sinh hoạt chung.

    Để tôi giải thích rõ hơn về trại. Trại gồm 4 khu chính; khu sinh hoạt chung: Nhà vệ sinh, nhà bếp, các cái bàn ghế.. ; đến khu nơi ở của những khách du lịch: Gồm 4 nhà của khách (2 người một nhà) có phòng vệ sinh, và 4 nhà của chúng tôi - tình nguyện viên không có phòng vệ sinh, mỗi người một nhà, riêng chị em Ý Lan, Ý Nhi ở một nhà vì chẳng có cách nào tách họ ra được và vẫn còn dư một nhà trống; khu đất trống, khu này nằm ở cạnh suối, chúng tôi có thể đánh cầu lông, cắm trại ở đây, giữa khu nhà ở và khu đất trống có một dãy nhà vệ sinh gồm 8 phòng, 4 phòng để tắm, và 4 phòng để đi vệ sinh; cuối cùng là khu vườn rau, chúng tôi trồng rất nhiều thứ, miễn là ăn được ở đây. Tất cả 4 khu hợp thành một vòng tròn lần lượt theo cách tôi kể, khu sinh hoạt chung nằm ở cao nhất và khu đất trống ở thấp nhất.

    "Chào chị, em là Nam, chị tên gì?" tôi bắt chuyện làm quen như một người máy được lập trình.

    "Xưng hô mình bằng em thôi, mình tên Trân, mới 20 tuổi à." em vội trả lời tôi bằng một giọng miền nam chính hiệu kèm theo một chút ngại vì tôi kêu bằng chị. Lần đầu tiên tôi nghe giọng em nhiều đến thể.

    "Con dắt bạn đi tham quan một vòng trại mình đi, gia đình bạn mệt quá về phòng hết rồi, để chiều má tiếp." má Yến giục tôi đi vì cũng gần đến giờ ăn trưa, sau đó má lại nhà bếp và tiếp tục công việc.

    "Dạ ok, vậy em đi theo anh nhé", thường thì khách đến đây đa số nữa đều mặt đầm hay váy dài để tránh buốt chân, và tôi sẽ nhắc kẻo đi đường đất sẽ dính bẩn, nhưng lần này Trân mặc một chiếc quần jean ống rộng của nữ, và một đội converse đen cổ cao và một cái áo xẻ vai tay dài màu trắng. Tôi dẫn em đi đến từng khu, vẫn không quên luyên thuyên những lời mà tôi vẫn thường nói với những vị khách khác "à chắc bạn biết rồi đây là khu nhà ở của các bạn - khách du lịch, còn nhà của tình nguyện viên chúng tôi thì ở kia..", "chắc má Yến cũng nói với bạn về trại rồi, ở đây không có wifi cũng không có internet, và cũng không có sóng điện thoại, nếu bạn có chuyện gấp hay muốn gọi di động cho ai thì lên ngọn đồi phía sau khu sinh hoạt chung ấy, nơi đó có sóng, nhưng cũng chả mạnh lắm".

    "Anh không phải người ở đây hả?" em ngắt mạch những lời nói nhàm chán của tôi

    "Không, anh chỉ là tình nguyện viên thôi." Tôi ngập ngừng khoảng một giây như thoát ra sự luyên thuyên rồi trả lời.

    "Thế sao anh lại kêu má Yến?", vừa đi cầu qua suối em vừa hỏi tôi. Câu hỏi này thì tôi nghe nhiều lần rồi, đôi lúc những vị khách du lịch cũng hỏi chúng tôi như thế. "Là má nuôi thôi à" tôi trả lời. Cây cầu này là do chúng tôi tự xây bằng những tấm ván gỗ và các cây cọc được đóng thủ công xuống đáy suối. Ở đoạn này suối vẫn còn cạn, chỉ tới đầu gối.

    "Bên trái kia là cây cầu cũ, nhưng đó là cầu làm từ một thân cây to tròn vắt ngang suối, vì sợ vào những mùa mưa cầu trơn trượt nguy hiểm, nên bọn anh đã tự xây lên cây cầu này." Tôi kể với vẻ mặt tự hào. Em để tay xuống suối như đo độ trong của nước rồi trả lời "Giỏi dạ" - lời khen của em làm tôi thêm tự hào.

    Khi đi đến khu đất trống thì Trân dừng lại nhìn ngắm xung quanh như đang thưởng thức cái không khí không bao giờ có ở thành thị. Em nhìn suối, nhìn phong cảnh.. Tôi nhìn em. Tôi không dám đánh thức em khỏi cái không khí này, chỉ nhìn em thế thôi, khoảng một phút sau, em quay lại nhìn tôi và tặng cho tôi một nụ cười, tôi đón nhận và cười lại, rất lâu rồi tôi mới cười nụ cười này.

    [​IMG]

    "Tất cả số tiền em chi là để mua cái không khí này đấy, còn lại đều miễn phí."

    "Quá dữ quá dữ" - em trả lời một cách dễ thương.

    Sau đó tôi tìm hai thanh cây dài chừng một mét, đưa cho em một thanh "Cầm đi, mới đi được qua đoạn này", em nhướng mày vẻ thắc mắc và cầm lấy, tôi và em đi xuyên qua vườn rau: Xà lách xanh mướt, rau cải trời, rau càng cua, cà chua.. dâu chưa ra quả. Gần hoàn thành một vòng tròn rồi trở về khu sinh hoạt chung, như là một thử thách cuối cùng, giữa vườn rau và khu sinh hoạt chung có một bầy ngỗng, tôi sợ bọn chúng như giặc, có lần tôi bị chúng cạp đến rách quần, từ đó về sau tôi đều cầm cây khi đi qua đoạn này, như một dũng sĩ hộ tống công chúa về cung điện. Tôi đi trước "Xì xì" và quơ quơ cái cây trong khi bọn ngỗng vẫn đang "ngoạc ngoạc" và dang đôi cánh đuổi bọn tôi, em đi sau tôi nhưng nhìn em như chả có gì sợ, mà em còn cười thành tiếng. Tôi bỗng cảm thấy mình quê quê. Em cười tôi hay cười bầy ngỗng?

    Sau khi chúng tôi hoàn thành vòng tròn này, thì Trân về lại nhà để nghỉ ngơi, còn tôi thì châm điếu thuốc ngồi ở khu sinh hoạt chung cùng với Hải và chị em Ý Lan, Ý Nhi, chắc họ vừa mới thức. Tôi bất giác nhìn về phía nhà của Trân, cánh cửa đang mở, là do gió hay do em?

    Hải đang nhòm nhèm đĩa xôi mè mà má Yến làm cho bữa sáng, nhưng nó nướng đến gần trưa mới ăn. Nhưng đối với nó không sao cả, nó tận 70 kí lô và sức ăn của nó cũng tỷ lệ thuận với cân nặng.

    "Khách mới hả? Xinh thế" Hải múc một muỗng xôi lên cho vào miệng rồi nhóp nhép hỏi tôi

    "Ừm khách mới, tên Trân, nhỏ hơn mình một tuổi"

    Hải im lặng và tiếp tục với đĩa xôi mè của mình.

    "Sáng đi chơi không rủ há." Ý Lan đang dọn thức ăn ra bàn giữa trêu tôi.

    Tôi biết chắc dù tôi có rủ thì nó cũng không đi, nó chỉ trêu thôi.

    "Chủ nhật tuần sau đi nè, đi không?"

    Lan im lặng cười trong khi vẫn đang tiếp tục cùng với Ý Nhi và má Yến dọn thức ăn. Lần nữa lương tâm của tôi không cho phép tôi ngồi lì một chỗ như vậy. Tôi đi vào là dọn chén bát, thường thì chỉ năm chén và năm đôi đũa, nhưng lần này thì đến chín chén, chín đôi đũa và một cái muỗng cho em của Trân. Bữa trưa hôm nay có canh rau cải trời, thịt xào trứng, và không thể thiếu đặc sản nơi đây xà lách trộn và các món tráng miệng như chuối và rau

    Đến tầm 11 giờ thì gia đình Trân đến khu sinh hoạt để dùng bữa trưa. Trân lúc này mặc áo phông trắng và khoác ngoài là chiếc áo bomber đen cùng với chiếc quần short. Chắc Trân cũng đã thích nghi dần với nơi này. Má Yến vội chạy ra mời gia đình Trân vào bàn.

    "Cả nhà mình ăn ngon miệng nha" - Vẫn là sự nền nã mến khách của má, khiến cho ai đến đây cũng để lại lời khen.

    Trong buổi ăn chúng tôi nói cười rất nhiều, gia đình Trân giới thiệu về từng người, rồi đến nhóm tình nguyện viên chúng tôi mỗi người giới thiệu về bản thân. Tôi biết được em của Trân tên là Bảo, hay ở nhà gọi là Ken mới 9 tuổi, cái tuổi còn hồn nhiên trong sáng. Còn ba mẹ Trân làm kinh doanh ở Sài Gòn. Đang là hè nên gia đình đi "trốn" khỏi thành thị xô bồ, đến với nơi núi rừng se lạnh này.

    Sau khi ăn xong như bình thường thì mọi người chúng tôi đều chia công việc ra để làm, nào là dọn dẹp, rửa chén bát, cho Lúa và Gạo ăn (2 chú chó mà chúng tôi nuôi, Lúa là mẹ của Gạo). Ba của Trân thì ngồi nói chuyện với má Yến, mẹ và em Trân sau khi ăn xong thì muốn đi dạo quanh trại. Chúng tôi kéo nhau ra bàn cạnh đó ngồi chơi tán gẫu.

    "Cho mình ngồi với nha." Trân ngại ngùng đứng cạnh chúng tôi.

    Ý Lan kéo Trân ngồi xuống giữa nó với Ý Nhi trên chiếc ghế dài, "Ngồi chơi ngồi chơi", tôi và Hải thì ngồi đối diện. Qua bữa cơm thì Trân đã biết hết về tên và tuổi chúng tôi. "Mọi người đều là sinh viên hết hả"

    "Đúng rồi, tất cả đều còn là sinh viên, nhưng mỗi người vì mỗi lí do riêng mà quyết định gap year để đến đây." Tôi trả lời

    "Đã quá vậy, mình cũng muốn nữa, nhưng chắc gia đình không cho đâu."

    "Nếu Trân thật sự muốn thì cứ xin thử thôi, một năm để đổi lấy rất nhiều thứ mà trường học không bao giờ dạy chúng ta." Tôi cố ý nói nhỏ hơn vì tránh để ba của Trân nghe.

    "Trước khi đến đây tui cũng nghĩ như Trân vậy, càng lớn càng nhiều trách nhiệm mang theo, một năm đối với mình không là bao nhiêu, nhưng đối với ba mẹ mình thì không ngắn, gia đình mình cũng không giàu nữa. Nhưng ba mẹ mình đẻ ra được mình, nên hiểu những tâm tư của mình hơn ai hết. Và mình ngồi ở đây." Hải nói trong khi tay đang nhặt một hạt đậu phộng rang muối cho vào miệng. "Mặn quá" nó la lên

    Chúng tôi trừ Trân ra đều nhìn về phía Ý Lan. "Lại là mày" Hải nói, mặt còn nhăn nhăn. Vẻ mặt của Trân như không hiểu chuyện gì, tôi thấy vậy.

    "À Lan có biệt danh là Lan muối vì nó nấu ăn cực kì mặn, nhất là cái đậu phộng này nè, nói hoài mà không nghe, đúng là 'ăn muốn lên máu'". Chúng tôi ngồi cười thả ga vì câu đó, câu nói đó bắt nguồn từ má Yến khi mà lần đầu ăn đậu phộng rang muối của chính chủ Lan muối làm. Trân cũng cười khúc khích khi hiểu ra được cái giai thoại đó.

    "Lỡ tay thôi mà" Vẫn là cái câu chữa cháy của Lan muối mỗi khi chúng tôi nhắc đến việc này, nhưng chả lần nào nó sửa cả.

    "Anh Nam biết nấu ăn không?" Trân quay sang hỏi tôi.

    Tôi còn chơi kịp trả lời thì Hải nói, "Nó mà làm tapas thì hết sẩy".

    "Đúng rồi đó." Ý Nhi thêm vào, "Lâu quá không ăn tapas của Nam làm".

    "Tapas là một món khai vị hay ăn chơi của người Tây Ban Nha, nhưng về đây được má Yến chế biến lại cho phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam, Nam là người thừa kế duy nhất món tapas đó của má." Ý Lan giải thích khi thấy Trân chưa hiểu tapas là món gì.

    "Giỏi dạ, chiều anh làm em ăn thử đi."

    "Ừm cũng được, tối buồn miệng làm ăn chơi." Làm sao tôi từ chối được, thậm chí Trân còn là khách cơ mà.

    "Ở đây không có internet, không có sóng điện thoại, cũng không có wifi, vậy mọi người giải trí bằng gì vậy?" Trân hỏi chúng tôi câu mà dường như khách nào đến đây của hỏi.

    "Vui lắm chứ, bạn ở đây lâu mới hiểu, chúng tôi có một không gian tuyệt vời để đọc sách, chiều chiều có thể ra bờ suối câu cá, lâu lâu chúng tôi cũng đi trekking dọc theo con suối ra đến đập Ankroet cắm trại một đêm." Ý Lan nói cho đỡ quê

    "Còn nhiều lắm, đan len nè, chơi cờ, hát hò nữa." Tôi nói thêm
     
    Last edited: Dec 6, 2021
  4. 0941762109

    Messages:
    3
    Chương 2: Con đường ngắn nhất đến trái tim

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chúng tôi ngồi chơi tầm đến một giờ chiều. Cơn buồn ngủ chắc là ập tới với Trân, em bảo muốn về phòng nghỉ ngơi. Nên bọn tôi cũng rã ra, ai về nhà nấy.

    Ở đây có rất nhiều sách, nào là Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Hamlet Trương.. tất cả đều để ở kệ sách trong khu sinh hoạt chung, ai muốn đọc gì thì lấy về đọc. Có đôi lần tôi cũng thử đọc những sách của tác giả Việt nhưng có lẽ không hợp với tôi, không đủ thỏa mãn tâm hồn tôi.. tôi nghĩ vậy, tôi thích Haruki Murakami, các tác phẩm như 'Rừng Nauy', 'Phía nam biên giới phía tây mặt trời'.. quả thật đã đi sâu vào tâm hồn tôi, đôi lúc tôi bị ám ảnh bởi những bức tranh u tối mà Haruki Murakami vẽ lên trong đầu tôi.

    Tôi cởi chiếc áo sweater ra leo lên giường, lấy ra cuốn sách 'Kafka bên bờ biển' còn đang đọc dở ra nhâm nhi cùng với thuốc lá. Được một lát, cơn buồn ngủ cũng đánh gục tôi. Tôi lăn ra ngủ khi cuốn sách vẫn còn đang cầm trên tay. Tôi giật mình thức dậy bởi tiếng kêu cửa của Hải cẩu: "Câu cá Nam ơi". Nhìn lên đồng hồ, bây giờ đang là gần năm giờ chiều.

    [​IMG]

    Tôi bẵng quên đi chuyện này, tôi và Hải đã hẹn như từ hồi hôm qua. Tôi mở cửa, Hải đã chuẩn bị tất cả, hai cần câu, một cái xô đựng chiến lợi phẩm, và hũ đựng giun tôi đào lúc sáng mà tôi đã quên là để nó ở đâu. Có những người hiểu bạn còn hơn chính bản thân bạn.

    Chúng tôi câu cá ở bờ suối cạnh khu đất trống. Ở đâu nước sâu hơn ở ngay cầu, nước ở đây lên đến thắt lưng của tôi. Hải móc mồi rồi thả câu, tôi tỉnh áo sau khi rửa mặt bằng nước suối mát lạnh. Chúng tôi ngồi bệt dưới đất trên chiếc "ghế" ghép từ hai chiếc dép.

    "Kiếm vài con mai chiên giòn ăn." Hải nói rồi thả câu xuống dòng suối khi vừa móc giun vào lưỡi câu, nó vừa bị tụt mất miếng mồi. Nước suối hôm nay trong hơn những ngày mưa đây không phải tín hiệu tốt để câu cá, những ngày mưa đất đá từ thượng nguồn trôi theo dòng nước làm suối đục.

    "Nghe thèm ghê mày", Tôi trả lời khi châm xong thuốc lá.

    "Trân nhìn có vẻ thích bắt chuyện với mày đó Nam"

    "Thôi đi ông, người ta chỉ hòa đồng thôi, nói quá"

    "Thật mà, tao thấy vậy"

    Tôi siết một hơi thuốc không trả lời.

    Im lặng.

    Một lúc sau tôi câu trúng một con cá bống đá, đây là loài cá mà hay câu trúng nhất ở đây, nếu may mắn hơn chúng tôi có thể trúng cá tràu, còn cá tầm nữa, nhưng trước giờ chúng tôi chưa bao giờ câu trúng một con cá tầm nào, khó như trúng số. Chúng tôi mà câu trúng cá tầm chắc má Yến cho nghỉ 2 ngày để ăn mừng.

    "Câu trúng mấy con rồi." Giọng của Ý Nhi vọng ra từ vườn rau khi đang hái ít rau và chanh dây.

    "Mới một con à." Hải trả lời

    "Thế mà cũng đi câu"

    "Tao câu mày luôn cũng được".

    Giọng hai đứa nó như đang hò quan họ ở Huế giữa buổi chiều núi rừng. Tôi ít nhiều hiểu được câu này của Hải. Nhiều lần tâm sự với tôi, Hải thích Ý Nhi. Tôi cũng đôi lần để ý hành động của Ý Nhi, tôi biết chắc là nó cũng có gì đó với thằng Hải. Nhưng không hiểu sao tụi nó chẳng ai dám nói với ai câu nào. Thật sự, có những con người, họ mang trong mình một vỏ bọc trái tim họ, cái vỏ bọc ấy cho họ sự an toàn, nhưng lại là khoảng cách giữa hai trái tim gặp nhau. Họ sợ rằng nếu nói ra, đối phương mà lỡ từ chối thì sau này đến cả nhìn nhau cũng thấy ngượng.

    Tôi và Hải im lặng đến khi tôi câu trúng con cá bống đá thứ hai.

    "Nay tao thất thu rồi." Hải nói

    "Há gà"

    [​IMG]

    * * *

    "Hai anh đang câu cá hả." Trân đang cẩn thận đi qua cầu. Chắc do những câu hò của Hải với Nhi đánh thức em. Em chắc vừa mới tắm xong, mặt em tươi tắn, tóc còn ướt. Lần này em vẫn mặc set đồ giống lúc trưa, chỉ thay đổi quần short thành quần dài ống rộng.

    "Ừa đúng rồi, Trân câu không cho câu thử nè." Tôi trả lời

    Trân ngó qua cái xô đựng "chiến lợi phẩm" của chúng tôi, "Giỏi dạ, cá gì vậy?"

    "Cá bống đá đó, hôm nay vậy là thất thu rồi." Tôi trả lời. Hải đứng lên nhường lại chiếc "ghế" dép cho Trân. Tôi đưa cần câu cho Trân, vẻ mặt em vui vẻ thích thú lắm. Chắc do ở Sài Gòn tấp nập làm gì kiếm được một chỗ như thế này.

    "Tối nhớ làm tapas cho em ăn thử nha"

    "Ừa anh biết rồi." Tôi trả lời, Hải nhìn tôi cười cười và nhướng nhướng cặp chân mày.

    "Mọi người ở đây vui thật đấy, trưa giờ không bấm điện thoại, em chỉ toàn ngủ"

    "Có gì đâu, ở dần sẽ quen mà." Tôi trả lời, mặc dù tôi vẫn ngủ li bì đến khi Hải đánh thức.

    Chúng tôi ngồi ngẩn ngơ như thế đến khi hoàng hôn, mặt trời nấp phía sau những hàng cây, chỉ còn lại vài tia nắng với những đám mấy hồng rực, nom như hòn than cháy sắp tàn. Con suối bổng trở thành chiếc gương soi bất đắc dĩ cho bầu trời. "Đẹp thật" - Trân thốt lên khi đang ngắm nhìn phong cảnh hữu tình. Chúng tôi ngồi ngắm nhìn hoàng hôn mà quên bẵng đi là đang câu cá, như Khương Tử Nha vậy.

    Câu chẳng trúng con cá nào, Trân trả lại cần câu cho tôi. Em ngâm tay xuống suối như đo độ trong của suối và sắc đỏ của bầu trời. Hôm nay đúng là một ngày thất thu với Hải, mặc dù móc mồi mới mấy lần nhưng cũng chả trúng con nào.

    "Mọi người vào tắm rửa rồi lên ăn cơm." Giọng "hò" của Ý Nhi lại vang lên

    "Ô kê." Hải "giành" trả lời.

    Bọn tôi đi vào kho cất cần câu, đổ xô cá hai con vào lu nước ở khu vệ sinh chung. Xong rồi tôi và Hải về nhà lấy đồ, khăn tắm ra khu vệ sinh chung để tắm. Tắm giữa nơi đất trống ở trong rừng thế này quả là một cảm giác khó tả. Tôi và Hải mỗi lần tình cờ tắm chung thời điểm thế này, là bon tôi sẽ mở một mini liveshow. Nào là Lê Cát Trọng Lý, nào là Mỹ Tâm, đến cả Binz, Đen vâu.. Hai chúng tôi ca hát như thế trong suốt khi tắm, giọng hát vang qua vang lại cái ván gỗ ngăn cách hai phòng tắm. Mỗi khi có cơn gió lạnh thổi qua lạnh run người, mà nhờ đó chúng tôi run giọng được như ca sĩ thực thụ.

    [​IMG]

    Tôi chọn một cái quần short tới đầu gối và một chiếc áo phông trơn trắng, sau khi về phòng cất đồ, tôi khoác thêm một cái áo jacket đen rồi đi đi lên khu sinh hoạt chung để dùng bữa chiều.

    Bữa chiều hôm nay vẫn là canh rau cải trời, đĩa xà lách trộn, có thêm đĩa thịt chiên và món cánh gà rán mà má Yến và Ý Lan, Ý Nhi làm trong lúc tôi ngủ và câu cá.

    Tôi tình cờ ngồi kế Trân khi chỗ bên cạnh em còn trống.

    "Mọi người dùng ngon miệng nha" - má Yến mở đầu cho bữa ăn chiều. "Nay câu được mấy con vậy mấy chú?" - má hỏi tôi với Hải.

    "Có một con cá bống bằng hai ngón tay à má ơi." Hải trả lời.

    "Ngồi nguyên buổi có một con à hả, chắc tại mấy bữa nay không mưa nên nước trong quá"

    "Dạ" Hải nói khi đang gắp cái cánh gà.

    "Ăn đi mấy con." Má Yến lần lượt gắp thức ăn cho Ken và Trân.

    Tôi định với lấy cái muôi để chan canh vì tô canh nằm xa tầm với của tôi.

    "Để em." Trân đứng dậy chan giùm tôi và sẵn lấy một cái cánh gà cho tôi. Tôi đờ người ra, đây là lần đầu tiên có khách làm công việc mà đáng lẽ tôi nên làm cho khách.

    "Cám ơn nha, ngại ghê, khách mà phục vụ nhân viên"

    Mẹ của Trân hỏi má Yến về cách trồng cà chua bi, còn bọn tình nguyện viên chúng tôi thì đang thăm hỏi Sài Gòn qua lời kể của Trân, cũng lâu lắm rồi chúng tôi chưa trở lại nơi đấy.

    Sau bữa cơm, vẫn công việc cũ mà mọi người thường làm. Lúa và Gạo vẫy đuôi liên tục khi má Yến đem thức ăn cho chúng. Chúng tôi lại ngồi ở chỗ cũ lúc trưa, lần này thì Trân và bé Ken tự động ngồi cạnh Ý Nhi trên chiếc ghế dài. Tôi kết nối bluetooth với loa rồi bật các bài nhạc có trong list nhạc của tôi theo cách ngẫu nhiên, bài đầu tiên là "My Love" của nhóm Westlife. Ở đây chúng tôi chẳng có internet, nên mỗi lần muốn nghe bài gì chúng tôi phải vào trung tâm để tải về điện thoại. Thường thì người đi là tôi, bởi mỗi chủ nhật tôi đều vào ngồi ở quán chị Linh.

    [​IMG]

    Tôi đi ra ngoài vườn rau bật đèn và sẵn châm điếu thuốc hút. Trong khi Ý Lan, Hải, Ken, Trân đang chơi cờ cá ngựa, còn Ý Nhi thì ngồi cạnh đan mũ tai bèo bằng len. Tiếng xúc sắc len ken trong chén, tiếng cười đùa trên nền nhạc nhẹ ở một nơi như thế này chắc hẳn lạ lùng với Trân lắm, nhìn em hớn hở thấy rõ. Giá trị của nơi đây chính là thế, khác xa nơi thành thị xô bồ, nơi mà văng vẳng bên tai là những tiếng động cơ xe, tiếng tivi đang phát thời sự..

    Hút xong điếu thuốc tôi đi vào rót một ly nước chanh dây mà Ý Nhi đã hái lúc chiều rồi cho lên miệng thưởng thức để lại xua bớt đi mùi khói thuốc tránh gây khó chịu bất lịch sự cho mọi người khi tôi ngồi gần nói chuyện.

    "Hát hò chơi đi mọi người ơi" - Ý Nhi lên tiếng, chắc nó đan mỏi tay rồi.

    "Ừa hát đi." Hải nói thêm, xong rồi không cần mọi người đáp lại mà đứng dậy vào lấy thùng cajon ra, đó là nhạc cụ chính của nó, còn guitar chính là Ý Nhi.. họ hợp nhau thật. Tôi cũng biết chơi guitar, nhưng tôi chơi dở hơn Ý Nhi nhiều. Nhi hát cũng rất hay, nghe đồn nó có mấy cái giấy khen thưởng của những cuộc thi hát.

    "Trân hát trước đi." Ý Lan đề nghị.

    "Thôi ngại lắm, Trân hát dở lắm"

    "Có gì đâu, thằng Hải cũng hát dở muốn chết".

    Hải liếc sang nhìn Lan muối.

    "Trân hát bài gì tui đàn cho." Ý Nhi giục

    "Hmm vậy thôi đàn cho Trân bài 'Yêu' của Min đi"

    "Ố kê"

    Trân cất tiếng hát, cũng không gọi Trân hát dở được, chỉ một vài nốt em hát hơi lệch tông, nhưng tiếng guitar và cajon của "couple nhút nhát" che lấp đi những nốt ấy, chung quy lại là một bài nhạc hay. Hát xong chúng tôi đều vỗ tay khích lệ và cười rinh rích.

    "Như luật cũ, giờ Trân có quyền chọn người tiếp theo." Ý Lan như M. C của chương trình hòa nhạc tối nay. Trân nhìn qua tôi rồi cười, tôi cũng cười và khẽ lắc đầu.

    "Anh Nam đi." Trân từ chối hành động từ chối của tôi.

    "Cho nó bài 'Trời ơi' của Lê Cát Trọng Lý đi Nhi, lâu quá không nghe nó hát bài đó." Đôi lúc Ý Lan cũng xưng hô như thế với tôi, vì chúng tôi đã quá thân với nhau rồi nên tôi cũng không ngại.

    Tôi định mở miệng từ chối bài đó, nhưng Ý Lan ngắt lời "MC giới thiệu bài nào hát bài đó". Tôi ngậm ngùi nhưng rồi cũng chìm đắm vào tiếng guitar và cajon của "couple nhút nhát"..

    "Trong đêm tối tăm bịt bùng..".

    [​IMG]

    Hát xong tôi đề nghị cho bé Ken hát, em nó chẳng biết ngại là gì, gọi thẳng bài 'Vợ người ta' của Phan Mạnh Quỳnh. Chúng tôi vừa lắng nghe, vừa cười, vừa vỗ tay theo nhịp, Ken còn nhỏ nên có những khúc ú ớ không nhớ lời. Tâm hồn của những đứa bé thật đẹp, nếu biết dạy dỗ, nuôi dưỡng đúng cách, sẽ có ngày cái cây tâm hồn trong cơ thể sẽ đâm chồi, ra hoa. Bạn có thể nghèo về tiền bạc, nhưng nếu có một tấm lòng rộng lượng, một tâm hồn đẹp, thì bạn đã giàu hơn rất nhiều người rồi.

    Hát hò đã đời chúng tôi quay sang bàn công việc cho ngày mai, tôi với Hải bàn với nhau mai sẽ xuống suối đặt lợp bắt cá mà đã mua vào tuần trước, gieo mấy hạt giống hoa hồng rồi bón phân dơi, sau cùng là đóng nhà cho Lúa với Gạo bằng mấy cái ván gỗ dư lúc đóng bàn.

    "Mai ăn gì tụi tui nấu cho ăn nè, còn thịt heo với mấy cái đùi ếch trong tủ lạnh." Ý Lan nói

    "Thịt kho khô đi" - Tôi đề nghị, đây là món ăn tôi rất thích, tôi có thể ăn cơm trắng với thịt kho khô mấy ngày liền.

    "Còn đùi ếch chiên bột đi nha." Yến Nhi nói

    "Ố kê luôn." Hải đáp khi đang cất cái cajon

    "Trân có muốn ăn gì không?" Ý Lan quay sang hỏi Trân

    "Trân muốn ăn tapas." Trân nhìn sang tôi.

    Tôi lại quên đi chuyện này. "Trân ăn không giờ anh làm luôn, anh quên mất".

    "Dạ." Trân đáp gần như ngay lập tức.

    Tôi đứng dậy đi vào bếp, Trân cũng đi theo tôi. Đầu tiên tôi vặn làm nóng lò vi sóng 5 phút, kế tiếp tôi lấy một ít phô mai từ tủ lạnh ra, rắc một ít lên 9 lát bánh mì đã cắt mỏng mà tối hôm qua chúng tôi ăn ốp la, rưới một ít dầu ô liu lên, rồi lát một miếng rau xà lách mỏng lên trên, sau đó tôi bóc vỏ 9 con tôm nhỏ đặt lên trên, thật may mắn vừa đúng còn 9 con trong tủ lạnh, cắt cà chua bi cho 9 phần, mỗi phần nửa quả, đặt tất cả lên mâm rồi cho vào lò vi sóng vặn đồng hồ hẹn 10 phút. Thực ra món tapas không hề khó làm, cái quan trọng là bạn phải thật kĩ lưỡng từ lúc làm nóng lò và hẹn giờ nấu, nếu không đế bánh mì sẽ khét, và cả lượng dầu ô liu và phô mai bạn cho vào.

    Trân đứng im lặng nhìn tôi làm một cách rất châm chú, đôi lúc đầu em gật gật như đang học hỏi.

    "Sao? Dễ làm mà đúng không?" Tôi hỏi

    "Em thấy nó hơi giống pizza"

    "Đúng rồi, nhưng mà khác ở chỗ là đế bằng bánh mì, dầu ô liu, và một tí cho thêm ít sốt mayonnaise nữa".

    Đầu Trân lại gật gật.

    "Mai em đi làm phụ anh nha"

    "Khùng khùng, má Yến không cho đâu, em đâu phải đóng tiền đến đây để làm"

    "Chứ ở trong phòng suốt em chán lắm, đọc sách lâu cũng chán mà, coi như em trải nghiệm đi, nha?"

    "Không biết à, hỏi má Yến đi".

    [​IMG]

    Trân đi lại chỗ má Yến nói gì đấy, má vẫn đang ngồi tán gẫu với mẹ của Trân, ba Trân với Ken thì đã về nhà trước, trong lúc đó thì lò vi sóng đã nấu xong. Tôi cẩn thận đeo găng tay là lấy mâm ra, rồi ghim cây tâm dài lên xuyên qua cà chua và tôm đến tận đáy bánh để cố định rồi lấy từng cái tapas đặt lên đĩa. Cuối cùng là cho mỗi phần một ít sốt mayonnaise.

    "Má cho rồi." Trân tung tăng nhảy chân sáo vào

    "Có mẹ em ở đó mà em cũng xin nữa hả"

    "Có gì đâu, mẹ em cũng đòi làm kìa, mà má Yến không cho"

    Tôi nghiêng đầu sang nhìn má Yến

    "Cho bạn làm ít thôi nha." Má cười đáp lại tôi.

    "Rồi đồ đâu mà em mặc"

    "Má cho em mượn đồ"

    Tôi đưa cho 2 đĩa, mỗi đĩa 2 cái tapas, "Em mang cho mẹ với má Yến nha, còn đĩa này cho ba với Ken"

    "Dạ"

    "Dám đi không, không để anh đem cho ba cho"

    "Anh đi với em đi"

    "Ừa cũng được"

    Tôi mang đĩa 5 cái tapas còn lại ra bàn cho mấy 'chí cốt' của tôi, "Mỗi người một phần nha ba đồng chí, còn của tui với Trân nữa, để tui đem cho ba Trân rồi vào".

    "Ghê ghê." Hải chọc ghẹo tôi.

    Tôi quay lại cầm phần của ba Trân với Ken. Tôi đi kề bên Trân, đôi lúc tay tôi với tay Trân tình cờ tìm thấy nhau, làm tôi giật tay rụng rè.

    "Anh ở đây có sợ không"

    "Lúc đầu sợ lắm em, mà giờ đỡ rồi, nhiều lúc làm mệt, đặt cái lưng xuống rồi ngủ thôi nên cũng không sao"

    "Anh gan thật"

    "Có lúc sợ chứ, những lúc trời mưa nè, ngủ đâu được đâu, lạnh run người, gió thổi cửa sổ kêu cạch cạch, anh chỉ nấp sau mền rồi ngủ thôi. Có khi Hải qua gõ cửa ngủ chung hai thằng vui lắm, thân thì to mà nó nhát gan lắm".

    Trân cười khúc khích.

    [​IMG]

    Tôi bỗng thấy sao con đường hôm nay ngắn lạ thường, chỉ đi vài bước là tới khu nhà nghỉ, chúng tôi có đi nhanh quá không, mới nói vài câu thôi mà? Đúng như Einstein nói "Thời gian là tương đối"

    Trân gõ cửa rồi mang vào cho ba với Ken. Sau đó chúng tôi lên lại khu sinh hoạt chung. Hải với Lan đang chơi cờ vua trong khi Ý Nhi vẫn đang mày mò với chiếc nón len của mình. May mắn là cái đĩa vẫn còn phần của tôi với Trân, tapas vẫn còn âm ấm. Trân rút tăm ra rồi cầm cắn một cái, phô mai kéo ra từng sợi, em nhai rột rột bánh mì giòn rụm, cười tít mắt "ngon ghê, không hổ danh là người thừa kế tapas của má".

    "Nói gì nghe ngại quá"

    "Danh bất hư truyền đúng không Trân." Lan muối quay sang nói khi vừa "chiếu" Hải.

    "Thua mày." Hải nói. Câu nói đó cũng khép lại ngày đầu tiên ở "trại" của Trân, chúng tôi đi cùng nhau về lại phòng, xuyên qua con đường mòn mà ở hai bên mép đường chúng tôi đã đặt nhiều đèn led. "Tách", má Yến cũng tắt đèn khu sinh hoạt để lên gác ngủ.

    Tôi nhìn Trân bước vào phòng ngủ với mẹ, em quay lại giơ tay chào với tôi. Về đến phòng, tôi không đọc sách, tôi nằm đó nhớ lại từng nụ cười của em, nhớ lại giọng em, cái trề môi, cả lúc em chan canh cho tôi nữa, và nhớ lại.. cánh cửa đó
     
Trả lời qua Facebook
Loading...