Bước đầu hiểu về Thuyết Công lợi

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Thủy Tô, 14 Tháng bảy 2025 lúc 8:34 PM.

  1. Thủy Tô

    Bài viết:
    52
    Vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỉ 19, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp đã đưa vương quốc Anh, một nước quân chủ lập hiến, lên vị thế dẫn đầu trong số các nước tư bản phương Tây. Kinh tế tư bản phát triển mạnh dẫn đến sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa tầng lớp quý tộc, tư sản và giai cấp công nhân, người lao động. Thể chế chính trị của Anh quốc lúc bấy giờ còn hà khắc và bảo thủ: Án tử hình được thực thi với cả tội phạm không nghiêm trọng, chế độ cha truyền con nối trong giới quý tộc Anh khiến cho quyền quyết định pháp luật của cả đất nước chỉ thuộc về một bộ phận nhỏ công dân nằm trong Viện Quý tộc Anh. Trong bối cảnh khủng hoảng luật pháp và bất bình đẳng đó, những đề xuất của triết gia Jeremy Bentham (1748-1832) về một loại "hạnh phúc lớn nhất cho số đông", hạnh phúc ngang bằng nhau ở mọi cá thể đã trở thành một hệ tư tưởng cấp tiến đối trọng với tư tưởng bảo thủ trong xã hội lúc bấy giờ. Nhiều người đã ủng hộ ý tưởng của Bentham, tạo nên một trào lưu ảnh hưởng sâu rộng đến các tư tưởng chính trị, kinh tế, triết học đạo đức, luật pháp và xã hội học ở Anh.

    Jeremy Bentham gọi tên lý thuyết của mình là Thuyết Công lợi (Utilitarianism) hay Nguyên tắc Hạnh phúc tối đa (Greatest Happiness Principles). Tiền đề của học thuyết này bắt nguồn từ định nghĩa con người là sinh vật luôn tìm kiếm niềm vui và né tránh tối đa những đau khổ. Theo Bentham, hạnh phúc là sự vắng mặt của buồn đau hay sự thắng thế của niềm vui trước nỗi buồn. Hành động giúp con người đạt được hạnh phúc lớn nhất là một hành động có đạo đức. Ví dụ, mất mát tài sản là một điều đau khổ, chúng ta đóng cửa kĩ càng để phòng chống trộm cắp là đang bảo vệ hạnh phúc của mình, đó là một hành động có đạo đức. Nếu Kant cho rằng ta không nên nói dối trong bất cứ hoàn cảnh nào vì nói dối không phải là một hành động có đạo đức thì Bentham cho rằng tuỳ vào hệ quả mà nói dối là nên hay không nên- lời nói dối mang lại niềm vui cho người khác vẫn là một hành động có đạo đức. Bên cạnh đó, cách thức tạo ra niềm vui không quan trọng mà hàm lượng niềm vui tạo ra bởi các hoạt động mới là yếu tố quyết định, nếu một người ngâm thơ giải khuây và một người đi chơi với bạn bè đều thụ hưởng niềm vui như nhau thì cả hai hành động mang tính đạo đức như nhau. Nhưng ý kiến này của Bentham về sau nhận được sự phản bác của Robert Nozick (1938- 2002) : Nếu chỉ lấy hàm lượng niềm vui làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của hành động thì ta phải trả lời ra sao với những ảo ảnh hạnh phúc khiến người ta xa rời cuộc sống thực- kính thực tế ảo có thể cho ta nhiều trải nghiệm hạnh phúc nhưng ta không thể mang theo chiếc máy ấy cả đời, những khoái lạc nhất thời không mang lại cho con người hạnh phúc lâu dài.

    Vậy điều gì khiến lý thuyết của Bentham được coi như một tư tưởng cấp tiến chống lại sự bất bình đẳng? Thứ nhất, ta hãy tìm hiểu thêm về Phép tính hạnh phúc (Felicific Calculus) được ông đề xuất. Bentham cho rằng hạnh phúc có thể được lượng hóa, giống như một cách chấm điểm hạnh phúc trên phổ điểm cụ thể và được đo đếm bằng một phép tính và kết quả là chỉ số mức độ hạnh phúc mà mỗi hành động mang lại. Phép tính đơn giản là lấy chỉ số niềm vui của mỗi hành động (dựa trên các tiêu chí mức độ sâu sắc, thời gian mà niềm vui kéo dài, cường độ của niềm vui và khả năng làm nảy sinh những niềm vui khác.) trừ cho bất kì đơn vị đau buồn nào mà hoạt động đó có thể gây ra. Nếu hạnh phúc của một cộng đồng là tổng hòa giá trị hạnh phúc của mỗi cá nhân thuộc về cộng đồng đó thì hạnh phúc của cá nhân càng lớn, hạnh phúc của cộng đồng càng lớn và ích lợi xã hội càng lớn. Qua việc tính toán hạnh phúc, ta nhận ra hạnh phúc của mỗi người là ngang bằng nhau, hạnh phúc của nhà quý tộc không hơn hạnh phúc của một người công nhân. Jeremy Bentham phát biểu rằng: "Mỗi người đều được tính là một đơn vị, không ai được phép coi mình hơn một." Bên cạnh đó, mục đích của một hành động tập thể là mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng hay "tìm kiếm lợi ích lớn nhất cho số đông". Thứ hai, Bentham không chỉ đề cập đến con người là những chủ thể cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc mà còn thừa nhận về quyền hạnh phúc của động vật. Dù không có tư duy và ngôn ngữ, chẳng điều gì có thể phủ nhận rằng các loài động vật khác trong tự nhiên cũng biết cảm nhận niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ. Tư tưởng đó chính là nền tảng cho những phong trào đấu tranh vì quyền lợi của động vật trong thế kỉ 20-21.

    Trên đây là vài dòng giới thiệu hết sức sơ lược về thuyết công lợi buổi ban đầu- được đề xuất bởi Jeremy Bentham. Học thuyết này được phát triển, phản biện và bổ sung về sau này bởi người bạn của Bentham là James Mill và John Stuart Mill, con trai của James Mill và là vị môn đồ xuất sắc của ông. Bằng việc tìm hiểu sơ lược về Thuyết Công lợi, ta nhận ra rằng niềm vui là một trong số ít những điều hiếm hoi trong cuộc sống mang giá trị và vẻ đẹp tự thân, tức là bản thân nó chứ không cần thêm điều gì khác mang có thể mang lại hạnh phúc cho con người. Ta nhận ra rằng niềm vui của mỗi con người là như nhau, không phụ thuộc vào quyền lực, tài sản, địa vị. Hạnh phúc của xã hội là một công trình chung mà mỗi cá nhân xây đắp nên. Quyền lợi và hạnh phúc của các loài không đối chọi với lợi ích của con người mà cũng cần được tôn trọng, bảo vệ.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...