Kinh Dị Ác Quỷ Gọi Hồn - Vũ Khúc

Thảo luận trong 'Chờ Duyệt' bắt đầu bởi Vũ Khúc, 8 Tháng mười 2024.

  1. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    ÁC QUỶ GỌI HỒN

    Tác giả: Vũ Khúc​

    Thể loại: Kinh dị, ma quỷ

    Truyện dài tập

    Giới thiệu

    Một âm mưu kéo dài cả ngàn năm nhằm hồi sinh cho một con quỷ hùng mạnh. Cần rất nhiều linh hồn để thức tỉnh sức mạnh ác quỷ. Những con người dũng cảm sẽ phải tìm cách chống lại âm mưu khủng khiếp này.

    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng mười 2024
  2. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Phần I: MƯỜI CÁNH HOA RƠI

    Tập 1: NGƯỜI CHÚ RUỘT

    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mất sáu giờ đồng hồ để Nguyễn Mỹ Hạnh đi từ làng Thổ, xã Kim Sơn, một địa điểm nằm rất sâu bên trong khu vực đồi núi tỉnh Bắc Giang ra Hà Nội. Cô đã phải đổi ba chuyến xe, bắt đầu bằng cuốc xe máy đi nhờ ông Gạo từ nhà ra con đường lớn ở xã, sau đó lên chiếc xe buýt hai mươi tư chỗ ngồi đến quận Cầu Giấy và từ đó lại phải bắt thêm một chuyến xe ôm nữa mới tới được nhà chú ruột. Chặng đường xa xôi ấy với cô gái quê lần đầu tiên ra khỏi địa phận tỉnh Bắc Giang chẳng khác gì cuộc thám hiểm vùng đất lạ.

    Nhà của chú cô, ông Vũ Bá Ngạn, nằm trong một khu dân cư tách biệt hẳn với phố xá sầm uất bên ngoài. Lúc đứng trước cánh cửa sắt cao hai mét, cô bỗng cảm thấy hồi hộp khó tả. Từ vị trí này cô có thể quan sát được hầu như toàn bộ mặt tiền của căn biệt thự rộng lớn cao ba tầng, xung quanh được vây bởi một khu vườn tuyệt đẹp trồng đủ loại hoa và cây trái. Cô vẫn biết chú cô là người thành đạt nhưng không ngờ ông lại giàu có như vậy.

    Cách đây hai tuần, ông Vũ Bá Ngạn đã gọi điện cho mẹ cô, cũng là chị ruột của ông. Cuộc điện thoại ấy thật bất ngờ, vì đã mười năm nay hai người không còn liên lạc với nhau. Ông Ngạn đã rời làng từ khi còn rất trẻ, sau nhiều năm lang bạt, không rõ bằng cách nào mà ông trở nên giàu có nhưng đồng thời cũng rất khác lạ. Gương mặt của ông vẫn vậy nhưng ánh mắt đã thay đổi. Khi Mỹ Hạnh hỏi mẹ ánh mắt của chú có gì đặc biệt thì mẹ cô không thể nói rõ ra được.

    - Hồi nhỏ chú con trông không giống như vậy.

    Đó là một câu nói mơ hồ, y như cách ông Ngạn nói về cuộc sống của mình. Ông hiếm khi về thăm nhà. Sau khi mẹ chết, ông đã bỏ đi và lần này là vĩnh viễn. Ông không bao giờ trở về làng cũ hay gọi điện hỏi thăm người chị ruột nữa. Mãi đến cú điện thoại cách đây hai tuần.

    - Chú Ngạn, có chuyện gì mà chú gọi cho chị?

    - Con Hạnh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

    - Mười tám.

    - Đã mười tám tuổi rồi à? Sao nhanh vậy? Sinh nhật nó ngày nào?

    - 26/8.

    Bà Mỹ Hạnh có thể nghe rõ tiếng thở phào của người em trai ở đầu dây bên kia.

    - Chị làm em hết hồn. Vẫn còn một tuần nữa nó mới chính thức bước sang tuổi mười tám.

    - Chú là người thành phố văn minh, cách tính của chú khác. Chị chỉ biết kể từ năm nay là nó đã được mười tám tuổi rồi.

    - Chị Xuyến, nó sắp mười tám tuổi rồi, không thể để nó tiếp tục sống ở cái làng đấy nữa. Không có tương lai. Chị cho nó lên đây sống cùng với em. Em sẽ dạy nó cách kinh doanh và kiếm cho nó một tấm chồng tử tế.

    - Nó chưa bao giờ ra khỏi làng thì kinh doanh cái gì?

    - Chị đừng đánh giá thấp bọn trẻ con như vậy chứ.

    Ông Ngạn đã kiên nhẫn thuyết phục bà Xuyến trong suốt một giờ đồng hồ, cho đến khi bà chị ông xiêu lòng. Vốn là một người nông dân chất phác, bà không nhận ra rằng toàn bộ cuộc trò chuyện này đều rất khó hiểu, và sự nhiệt huyết của người em trai với con gái bà thật khác thường. Chỉ đến khi Mỹ Hạnh nghe mẹ kể lại, cô mới bắt đầu thắc mắc:

    - Sao chú Ngạn quan tâm đến sinh nhật của con như vậy?

    - Mẹ không biết. Có lẽ vì nó đánh dấu ngày con bước sang tuổi mười tám, chính thức trở thành người lớn. Phải là người lớn mới kinh doanh được.

    - Nhưng mà chú ấy có vẻ lo lắng khi nghe mẹ nói rằng con đã mười tám tuổi.

    - Ừ.

    - Vậy thì điều đó mâu thuẫn với giả thuyết của mẹ.

    - Giả thuyết với cả giả theo. Ở trường học người ta dạy mày về giả thuyết hả con?

    - Không, con chỉ không hiểu được tại sao chú ấy lại quan tâm đến ngày sinh của con như vậy.

    - Làm sao mẹ biết được? Nhưng chú ấy là chú của mày, chú quan tâm đến cháu cũng là việc bình thường thôi.

    - Chú Ngạn đã bao giờ gọi điện cho mẹ chưa?

    - Một vài lần, cách đây lâu lắm rồi.

    - Mỗi lần như thế chú ấy gọi trong bao lâu?

    - Năm phút. Chú của mày bận bịu lắm, không thích nghe tao dông dài.

    - Vậy mà lần này chú ấy nói những một tiếng đồng hồ.

    Bà Xuyến chép miệng. Bà dễ tính, chân chất nhưng con gái bà lại là người sắc sảo khôn ngoan. Hai mẹ con cứ va nhau chan chát.

    - Thì chú ấy quan tâm tới mày.

    - Sao tự nhiên chú ấy quan tâm đến con nhiều thế? Con còn nhớ lúc gặp chú ấy năm con tám tuổi, chú ấy còn không thèm mỉm cười với con lần nào cơ mà?

    - Rách việc. Mày có đi hay là không?

    Mỹ Hạnh cảm thấy chuyện này có nhiều điểm kỳ lạ, có lẽ không nên đi là hơn. Nhưng nỗi khao khát gần như cháy bỏng được rời khỏi làng và bước ra thế giới rộng lớn bên ngoài cuối cùng đã chiến thắng. Cô nói một cách kiên quyết:

    - Con đi. Bao giờ thì con đi được?

    - Ngày mai. Chú Ngạn bảo con phải đi ngay lập tức. Nếu chậm chễ thì đừng đến tìm chú ấy nữa.

    Và đó là lý do mà Mỹ Hạnh có mặt trước cửa nhà ông Ngạn ngày hôm nay. Cô là một cô gái dũng cảm và tràn đầy quyết tâm. Cô tự trấn an mình rằng ông Ngạn là chú ruột thì hẳn sẽ không làm gì hại cô, và ngay cả nếu có chuyện gì xảy ra thì cô cũng sẽ tìm được cách trở về nhà với mẹ.

    Mỹ Hạnh hít một hơi thở sâu trước khi bấm chuông cửa. Cô bấm một lần, mãi không thấy động tĩnh gì, liền bấm thêm lần nữa.

    Vừa hay cánh cửa bật mở, tiếng chuông dội ra ngoài inh ỏi.

    Hóa ra căn nhà được xây kín quá, âm thanh bên trong không lọt ra ngoài được.

    Ông Ngạn đi dép lê, bước chân thoăn thoắt chạy ra. Ông thấy Mỹ Hạnh, sắc mặt lập tức trở nên mừng rỡ:

    - Mỹ Hạnh à cháu?

    - Dạ vâng ạ. Chú là chú Ngạn ạ?

    - Chú Ngạn đây. Đi đường có vất vả không?

    - Không sao ạ. Cháu khỏe lắm.

    - Đúng là gái quê có khác, không ẻo lả như con chú.

    Quả thật Mỹ Hạnh rất khỏe. Cô cao mét sáu mươi, nặng năm mươi ba cân mà người chắc nịch, da đen bóng, vật tay thắng cả bọn con trai cùng tuổi. Đi quãng đường xa như vậy mà chẳng hề bị say xe hay chóng mặt chút nào.

    Ông Ngạn nhìn cô với vẻ đánh giá. Để song phương đỡ bối rối, Mỹ Hạnh hướng ánh mắt đi chỗ khác, không nhìn thẳng vào mắt chú. Nếu cô nhìn thì hẳn đã thấy tròng mắt của ông Ngạn có vẻ khác lạ.

    - Vào đi. Cô với em đang đợi cháu ở trong.

    - Đợi cháu ấy ạ?

    - Ừ, cả hai đều muốn gặp cháu.

    Mỹ Hạnh không hiểu tại sao gia đình ông Ngạn lại có vẻ háo hức với sự hiện diện của cô như thế. Cô theo chân ông Ngạn bước vào. Trời bên ngoài đang nóng mà trong nhà mát lạnh. Phòng nào cũng có điều hòa và tất cả đều đang chạy hết cỡ để xua tan hơi nóng. Mỹ Hạnh có cảm giác như cô vừa mới bước vào một thế giới mới, khác hẳn so với thế giới mà cô vẫn quen thuộc.

    Ngay sau cánh cửa là phòng khách, rất rộng và sang trọng, sau đó là phòng ăn được bài trí hiện đại và sáng bóng. Hai người đi tiếp đến căn phòng cuối cùng dường như là khu vui chơi của trẻ con.

    Trong phòng có một người phụ nữ ôm một đứa bé gái mặt già câng. Cả hai đều nhìn Mỹ Hạnh với ánh mắt y như ông Ngạn lúc nãy nhìn cô, cũng vẫn với cái vẻ thăm dò, đánh giá và cảnh giác ấy. Bầu không khí trong phòng đột nhiên trở nên ngột ngạt, tựa như oxy đã bị rút hết chỉ còn lại sự trống rỗng khiến Mỹ Hạnh khó thở.

    Cô cố nở nụ cười thân thiện:

    - Cháu chào cô ạ. Chị chào em.

    Người phụ nữ nói một cách khó nhọc:

    - Cháu Hạnh đến rồi à? Thật đáng mừng.

    - Dạ.

    Mỹ Hạnh tự hỏi câu ấy có nghĩa như thế nào. Chưa nói đến việc cô không hề cảm nhận được sự mừng rỡ nào từ người phụ nữ này, cô còn không hiểu tại sao cô đến đây lại là điều đáng mừng cho gia đình.

    Ông Ngạn giới thiệu:

    - Đây là cô Loan, vợ chú. Còn đây là em Vũ Bảo Trâm, ở nhà thường gọi là Chuột.

    - Chuột?

    - Ừ, gọi yêu thôi.

    - Cái tên ấy..

    Đứa bé bạnh mồm ra, rít lên hai tiếng chít chít.

    Mỹ Hạnh trừng mắt nhìn nó. Bây giờ cô đã hiểu tại sao bố mẹ gọi nó là Chuột. Gương mặt của nó lúc nãy thật kinh khủng, vừa xấu vừa tàn ác. Hai cái răng nanh nhọn hoắt chìa ra khỏi cái môi thâm trông như một con chuột con bé tí đang tìm cách dọa nạt kẻ thù.

    Toàn thân Mỹ Hạnh nổi da gà. Cô liếc nhìn ông Ngạn, thấy ông đang mở mồm cười với vẻ thích thú. Dường như ông thấy hành động lúc nãy của con bé vô cùng đáng yêu.

    Bà Loan vẫn cứ nhìn cô chằm chằm. Bà nói:

    - Cháu nó đi xa chắc đã mệt. Anh dẫn nó về phòng đi.

    Ông Ngạn gật đầu:

    - Phải rồi. Mỹ Hạnh theo chú.

    Hai người quay trở lại phòng khách. Ông Ngạn mở cánh cửa dẫn đến một căn phòng hình chữ nhật rất chật hẹp, diện tích chắc không quá ba mét vuông, bên trong trống trơn, không có bất kỳ vật dụng nào cả.

    Mỹ Hạnh sửng sốt hỏi:

    - Đây là phòng của cháu ạ?

    - Không, đây là không gian riêng của cháu. Cháu có thể làm bất kỳ điều gì cháu muốn ở không gian này. Phòng thực sự của cháu đây.

    Ông Ngạn cúi xuống, kéo tấm gỗ, để lộ ra một căn phòng bí mật bên dưới. Diện tích căn phòng cũng y như căn phòng bên trên, nhưng có giường và một chiếc tủ đựng quần áo.

    Mỹ Hạnh cúi đầu nhìn xuống, sự hoang mang ngày càng tăng.

    Cô có cảm giác như mình đang nhìn vào một ngôi mộ. Có những âm thanh gào thét trong đầu cô, khuyên cô đừng bước chân xuống căn phòng này.
     
  3. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ông Ngạn vỗ vai Mỹ Hạnh:

    - Nhà chú nhìn rộng thế mà chỉ có ba phòng ngủ. Một phòng dành cho vợ chồng chú, một phòng dành cho con gái chú, phòng còn lại đang chống thấm, phải một tuần nữa mới dùng được. Cháu ở tạm đây, đến ngày sinh nhật mười tám tuổi thì chú cho vào phòng riêng rất đẹp và sáng sủa, coi như quà mừng sinh nhật của cháu.

    Lời của ông Ngạn nghe rất thuyết phục, nhưng Mỹ Hạnh vẫn cảm thấy sợ hãi trước ý nghĩ rằng mình sẽ phải ngủ trong cái phòng như hầm mộ này suốt một tuần liền.

    - Chỗ này có thông gió không ạ?

    - Có chứ. Thông gió rất tốt là khác. Cháu sẽ cảm thấy như mình đang giữa công viên ấy, gió thổi vi vu rất trong lành mà lại không có tiếng động gì cả. Làm sao chú có thể cho cháu ở trong một căn phòng không có thông gió chứ hả? Nhỡ cháu chết mất thì làm sao?

    Mỹ Hạnh nghe câu ấy, chỉ biết cười gượng.

    Thật sự cô sợ rằng mình sẽ chết nửa đêm trong căn phòng này vì thiếu khí.

    Thấy Mỹ Hạnh mãi vẫn chần chừ không chịu bước xuống căn phòng, ông Ngạn bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột. Ông nói với cô bằng giọng ân cần:

    - Hạnh này, chú biết những năm qua cháu rất khổ sở. Bố cháu chết sớm, để lại hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Thế rồi bà ngoại qua đời, nỗi đau chồng chất. Điều kiện sống của cháu không tốt nên cháu không được đi học đại học. Cứ sống mãi như thế thì làm sao cháu vươn lên được? Chả lẽ quanh quẩn cả đời ở cái làng nghèo ấy, cuối cùng lại đi làm công nhân cho các nhà máy?

    Mỹ Hạnh nhìn chú, không nói gì.

    - Cháu ở đây với chú, một lòng nghe lời chú thì cái gì cũng có. Chú sẽ cho cháu tiếp quản công việc kinh doanh của chú, sau này làm bà chủ doanh nghiệp. Thế nào, cháu thấy có được không? Trước mắt thì chú có chút tiền để cháu tiêu vặt.

    Ông Ngạn rút ra một xấp tiền năm trăm nghìn đồng, đếm đủ hai mươi tờ đưa cho Mỹ Hạnh. Mỹ Hạnh chần chừ không nhận. Ông liền nhét luôn vào tay cô.

    - Cứ cầm lấy. Cùng nhà cả mà ngại gì?

    Mỹ Hạnh cầm tiền, trong lòng xốn xang. Cả đời cô chưa từng được cầm nhiều tiền trên tay thế bao giờ.

    Cô lại nhìn xuống căn phòng, môi mím chặt.

    Chỉ cần ở đây một tuần thôi mà, chứ đâu phải ở cả đời?

    Vào cái ngày đủ mười tám tuổi, mình sẽ được dọn vào phòng mới. Nếu mình từ chối bây giờ, chắc gì chú đã cho mình ở lại thêm nữa?

    Trong lòng Mỹ Hạnh đã có quyết định.

    Cô liền trèo cầu thang xuống bên dưới.

    Căn phòng rất chật, giữa cái giường và tủ quần áo là một khoảng không gian bé tí chỉ vừa đủ cho một người đặt chân.

    Tuy nhiên môi trường bên trong không bức bối như cô nghĩ mà thực sự có gió, nhưng gió từ đâu thổi đến thì cô không biết vì trên bốn bức tường trống trơn không hề có lỗ thông hơi nào. Căn phòng cũng đặc biệt yên tĩnh, tựa như nó đã bị tách rời hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài.

    Ông Ngạn từ trên cao nhìn xuống, mỉm cười với vẻ đắc ý:

    - Thế nào? Thoải mái chứ hả?

    Mỹ Hạnh lắc đầu:

    - Không ạ. Chú đừng bắt cháu ở đây lâu. Cháu sợ mình không chịu được. Cháu quen với không gian thoáng đãng ở quê rồi.

    - À, tất nhiên, tất nhiên. Cháu biết không, chỗ này là tầng hầm nên dù cháu la to thế nào đi nữa người ngoài cũng không nghe thấy được.

    Mỹ Hạnh ngước đầu lên nhìn ông Ngạn với vẻ sợ hãi:

    - Chú nói thế nghĩa là sao ạ?

    - Ý chú nói là cháu có thể bật nhạc thật lớn nếu muốn.

    - Bật nhạc to ở đây để nó dội vào điếc tai ạ? Cháu không có tâm trạng nào nghe nhạc đâu, chú ơi.

    - Tùy cháu, chú chỉ gợi ý thế thôi. Được rồi, cháu cứ ở đây đến sáu giờ thì lên ăn cơm với cả nhà.

    - Cháu có cần giúp gì không ạ?

    - Hôm nay thì chưa cần. Cháu vừa mới đến, tốt nhất nên nghỉ ngơi. Cánh cửa này rất nhẹ, cháu chỉ cần đẩy lên là nó sẽ mở ra, hiểu không?

    - Vâng ạ.

    - Tốt lắm. Thôi nghỉ ngơi đi. Hẹn gặp cháu lúc sáu giờ.

    Ông Ngạn nói và đóng cánh cửa gỗ lại. Bây giờ chỉ còn Mỹ Hạnh ở trong căn phòng bé bằng cái hộp diêm.

    Cô ngồi xuống giường, tâm trạng rối bời.

    Những tờ tiền rơi xuống giường như lời nhắc nhở lý do tại sao cô có mặt ở đây.

    Ánh mắt của cô hướng về phía tủ quần áo. Cô mở ra xem, thấy bên trong trống rỗng, liền lấy áo quần từ chiếc túi mang theo người, xếp gọn vào trong tủ. Tính cô ngăn nắp cẩn thận, làm gì cũng phải gọn gàng chu đáo. Đây là một đức tính tự nhiên chứ không cần ai dạy. Mẹ cô là một người nông dân xuề xòa, từ nhỏ đến lớn ngoài chuyện trồng cây chăn bò, chưa dạy được cô con gái điều gì về cuộc sống.

    Mỹ Hạnh thấy mệt, liền thay một bộ quần áo ở nhà, tắt điện lên giường nằm nghỉ. Căn phòng tối om. Mắt Mỹ Hạnh thường làm quen với bóng tối rất nhanh, cho dù là vào những đêm không trăng không sao, sau một thời gian ngắn sẽ nhìn thấy các đường nét mờ mờ, nhưng căn phòng này kín quá, không một ánh nắng, ánh trăng, ánh điện nào lọt vào được. Rất lâu sau vẫn cứ tối đặc như cũ.

    Từ lúc nào mà cô thiếp đi. Đó là một giấc ngủ nặng nề và mệt mỏi. Cô có cảm tưởng như mình đang rơi xuống một cái bể nước sâu thăm thẳm và cú rơi ấy cứ kéo dài mãi không ngừng. Áp lực từ hàng tấn nước đè nặng lên ngực cô, không thể nào vùng vẫy được.

    Ngay cả trong giấc ngủ Mỹ Hạnh vẫn cảm thấy sợ hãi. Cô không ý thức được gì về căn phòng nhưng lại ý thức được tình trạng của bản thân. Đó là một trạng thái nửa mê nửa tỉnh khiến cho người ta cảm thấy khủng khiếp. Cô tìm mọi cách để cử động mà không được. Chân tay cô tê liệt. Cô có cảm tưởng như mình sẽ mãi mãi ở lại trong cái bể nước tối đen này nếu không có ai kéo cô ra khỏi đây.

    Trước mắt cô hiện ra một hình bóng mờ nhạt. Một người con gái rất xinh đẹp mặc chiếc váy cao cổ màu đỏ pha lẫn các khoang màu trắng xuất hiện giữa không gian tối đen, gương mặt người con gái thất thần, ánh mắt giống như mắt người chết. Miệng cô ta lẩm bẩm một điều gì đó mà Mỹ Hạnh không thể nghe thấy được. Cô ráng sức lắng nghe, khoảng cách rất gần mà hai người như đang đứng trong môi trường chân không, âm thanh không lan truyền tới được tai Mỹ Hạnh.

    Sự chú ý của Mỹ Hạnh chuyển sang chiếc áo của cô gái. Cô chưa từng thấy chiếc áo nào lại phối màu kỳ cục như vậy, các vết trắng loang lổ trên nền váy đỏ tươi trông thật kỳ dị. Người con gái tiếp tục tới gần. Cô không bước đi mà cơ thể cứ tiến lên phía trước tựa như đang bay. Trong suốt quá trình ấy chiếc váy của cô dường như cũng dịch chuyển theo một cách thức nào đó rất bất hợp lý. Rõ ràng nó đang tuột xuống mà sau bao lâu vẫn thấy ở yên trên người.

    Khi khoảng cách giữa hai bên đã được rút ngắn tới mức hai gương mặt gần như chạm vào nhau thì Mỹ Hạnh chợt nhận ra rằng cô có thể cử động. Bàn tay của cô đưa lên trong vô thức, hướng về thứ khiến cô quan tâm nhất nãy giờ: Chiếc váy. Cảm nhận đầu tiên của cô thật lạ lùng làm sao. Chiếc váy này bị ướt. Cô cúi xuống nhìn những ngón tay của mình đã bị nhuộm đỏ. Đây là máu. Chiếc váy này không phải nguyên bản màu đỏ mà là màu trắng. Máu đã nhuộm nó thành ra máu đỏ, chỉ để lại các khoảng trắng loang lổ. Chính vì thế mà cô có ảo giác chiếc váy đang tuột xuống. Trên thực tế chiếc váy không dịch chuyển mà là các dòng máu đang chảy trên nền cái váy. Nhưng cần bao nhiêu máu mới tạo được ảo giác này và máu từ đâu mà ra?

    Mỹ Hạnh ngẩng đầu lên, nhận ra rằng cái phần cổ cao của chiếc váy trên thực tế là nơi máu đang tràn ra. Người con gái này đã bị rạch cổ. Cô hét lên một tiếng kinh khủng tới nỗi cô choàng dậy giữa đêm tối, mồ hôi trên người tuôn ra như tắm. Cô cuống cuồng bật đèn phòng, sợ hãi muốn hóa điên, bằng tất cả sức lực còn lại cô trèo lên chiếc thang, mở bung cánh cửa gỗ, chạy ra khỏi căn phòng trống phía trên để bước vào phòng khách.

    Gió lạnh từ những chiếc điều hòa ùa vào người khiến cô lập tức tỉnh táo trở lại. Cô nhận ra rằng mình thật thảm hại. Mái tóc của cô rối bù. Quần áo xộc xệch. Chân không đi dép. Cô không có ý định chỉnh lại trang phục mà bước thẳng tới phòng ăn nơi đang tỏa ra ánh đèn điện ấm áp. Lúc cô bước vào, thấy gia đình ông Ngạn đang bày biện đồ ăn ra bàn.

    Ông Ngạn liếc nhìn đồng hồ rồi nhìn cô, cười bảo:

    - Vừa đúng sáu giờ, không chậm một phút.

    Bà Loan nhìn Mỹ Hạnh với vẻ dò xét. Bà có vẻ không được hài lòng khi thấy cô thiếu chỉnh tề như vậy.

    - Cháu về phòng chải tóc cho gọn gàng rồi ra đây ăn cơm.

    Mỹ Hạnh lắp bắp:

    - Cháu vừa gặp ác mộng.

    Cô kể lại cho vợ chồng ông Ngạn nghe về giấc mơ vừa nãy của cô. Cả hai người đều nghe với sự tập trung cao độ, thậm chí ngay cả đứa bé con cũng ngồi yên như phỗng tựa như câu chuyện về người con gái mặc váy trắng chìm trong máu đỏ khiến cho nó sợ hãi.

    Sau khi kể xong, Mỹ Hạnh nói:

    - Có lẽ cái phòng ấy bí bách quá nên cháu gặp ác mộng. Chú Ngạn, cháu không muốn trở về căn phòng đó nữa.

    Vợ chồng ông Ngạn nhìn nhau bối rối. Cuối cùng ông Ngạn cười xòa:

    - Cái phòng đấy không thiếu khí chút nào. Chú nghĩ rằng vấn đề nằm ở chỗ nó tối quá khiến cho cháu dễ sinh ảo giác. Trong phòng có hai bóng điện, một bóng là đèn LED rất sáng, bóng thứ hai là bóng đèn vàng dùng cho những người không muốn ngủ trong bóng tối. Từ nay cháu bật bóng đèn vàng mà ngủ. Nếu lại gặp ác mộng thì bảo chú để chú tìm cách.

    Mỹ Hạnh còn chưa kịp nói gì, bà Loan đã kéo ghế ngồi cho cô:

    - Thôi, ngồi xuống ăn đi. Chắc cháu đói rồi. Ôm cái bụng đói dễ ngủ mơ lắm.

    Ông Ngạn choàng tay qua ôm vai cô, ấn cô xuống chiếc ghế.

    - Cô Loan nói đúng đấy, cứ phải ăn no mới được.

    Ghế ngồi của Mỹ Hạnh đối diện với đứa bé con. Nó nhìn cô với ánh mắt thù địch.

    Mỹ Hạnh cũng trừng mắt nhìn lại nó. Cô không thích đứa em họ này và cũng không hề có ý định làm thân với nó. Nó chỉ gợi lên cho cô những ác cảm mơ hồ. Có thể do nó xấu xí, có thể do nó căm ghét cô trước, nhưng quan trọng hơn cả là trông nó không giống một đứa trẻ con chút nào hết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười 2024
  4. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mỹ Hạnh chợt nhận ra rằng ngoài những tiếng chít chít, đứa em họ của cô chưa từng nói một từ nào kể từ khi hai người gặp nhau. Dường như nó bị câm hoặc chậm phát triển, nhưng ý nghĩ đó không làm cô cảm thấy đồng cảm với nó hơn chút nào. Nếu ví ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn thì chỉ cần thoáng nhìn đã biết tâm hồn của con bé này chất chứa đầy nỗi hằn học vô cớ với người khác.

    Bà Loan đút cho con bé ăn. Mỹ Hạnh không kìm được, liền hỏi:

    - Em nó bao nhiêu tuổi rồi ạ?

    - Mười tuổi, cháu ạ.

    - Mười tuổi mà không tự ăn được ạ?

    Bà Loan nhìn cô với vẻ phật ý:

    - Nó tự ăn được nhưng ăn chậm. Cô thương nó nên phải xúc cơm cho nó ăn. Khi nào cháu lớn, có con rồi cháu sẽ hiểu.

    - Sao em nó không nói gì thế ạ?

    - Nó vẫn nói đấy thôi.

    - Ý cháu là nói những từ bình thường ấy.

    - Nó nói được, nhưng không thích nói.

    Trong suốt cuộc hội thoại, con bé con vẫn nhìn Mỹ Hạnh chằm chằm. Mỹ Hạnh cúi gằm mặt xuống ăn cơm.

    Bà Loan thật khéo tay, các món đều được nấu rất vừa. Mỹ Hạnh vừa ăn vừa khen nức nở:

    - Bữa ăn hôm nay ngon quá ạ.

    Ông Ngạn cười nói:

    - Ăn cho no vào, ngủ cho ngon.

    - Cô Loan nấu ăn ngon thế này chắc mở nhà hàng được đấy ạ.

    - Ừ, cô có năng khiếu nấu nướng đấy. Nhưng mà sức khỏe yếu nên chú cho cô ở nhà, chăm sóc chồng con là được rồi.

    - Cháu có điều này muốn hỏi chú từ lâu ạ.

    - Muốn hỏi gì thì cứ hỏi đi.

    - Chú làm nghề gì mà giàu thế ạ?

    Tính cách Mỹ Hạnh mạnh mẽ chứ không hay ngại ngùng và e thẹn, đã tò mò điều gì là hỏi ngay.

    Ông Ngạn nói:

    - Nhiều người cũng hỏi chú câu đấy và câu trả lời của chú là ông trời đã thương chú. Chú không nói dối, đúng là ông trời đã thương chú, chỉ là chú không muốn nói rõ ông trời thương chú như thế nào. Ngày hôm nay chú sẽ kể cho cháu nghe.

    - Dạ.

    - Đây là chuyện bí mật nên chú hy vọng cháu sẽ không kể lại cho người khác biết.

    - Cháu hứa ạ.

    - Tốt lắm. Cháu sinh ra ở làng Thổ hẳn phải biết rõ ngôi làng ấy như thế nào. Ngôi làng của chúng ta rất nghèo và nằm trên núi nên cơ hội việc làm rất ít. Những người đàn ông trong làng chỉ có hai sự lựa chọn, một là cố học cho giỏi và hai là đi làm công nhân. Chú của cháu không được thông minh nên học mãi không vào đầu. Chú cũng không muốn đi làm công nhân nên quyết định chọn con đường thứ ba, đó là đi đào vàng. Cái nghề này bạc lắm, mười người đi năm người chết, năm người còn lại cũng dặt dẹo cả đời nên chẳng mấy ai dám liều mạng. Nhưng chú đã quyết chí rằng hoặc mình sẽ trở nên giàu có hoặc vĩnh viễn ở lại nơi rừng thiêng nước độc, không bao giờ về nữa.

    Câu chuyện của ông Ngạn có vẻ khác thường nhưng Mỹ Hạnh đồng cảm với ông. Chính bản thân cô đây cũng đang bất chấp tất cả để được trở nên giàu có và thoát khỏi cảnh nghèo nàn đã vây khốn gia đình cô từ thế hệ này qua thế hệ khác.

    Ông Ngạn mỉm cười:

    - Cháu tuy không cùng họ với chú nhưng chúng ta vẫn có chung một phần huyết thống, bố của chú là ông ngoại của cháu. Dòng máu đó là sợi dây kết nối giữa hai chúng ta. Chú có thể cảm nhận được lòng khao khát và sự quyết tâm trong mắt cháu. Cháu tất hiểu được tại sao năm xưa chú làm như vậy.

    - Cháu hiểu. Vậy là chú đã tìm được mỏ vàng?

    - Làm gì có mỏ vàng nào? Tất cả các mỏ vàng được dân đào rỉ tai nhau đều đã bị khai thác cạn kiệt chỉ còn trơ lại đất đá. Những cánh rừng đã nhường chỗ cho những làng và khu dân cư mới mọc lên. Chú lang thang năm này qua năm khác, chỉ thấy những người đi cùng mình rơi rụng dần mà không tìm được gì cả. Đúng vào lúc chú định bỏ cuộc thì chú đã tìm thấy nó, thứ đã làm thay đổi cuộc chú và giúp chú có được cơ nghiệp ngày nay.

    Mỹ Hạnh rướn người, gần như muốn đứng lên khỏi cái ghế.

    - Đó là thứ gì thế ạ?

    - Một thứ rất quý giá, một thứ mà tất cả mọi người đều thèm khát. Tuy chú không thể nói cho cháu biết chú đã tìm thấy gì, nhưng chú có thể nói chú đã tìm thấy nó như thế nào. Nó nằm trong một cái hang rất sâu và tối tăm. Nhờ cấu trúc địa chất tự nhiên mà cái hang đấy rất lạnh và đó là điều kiện tối cần thiết để duy trì các phẩm chất phi thường của nó. Có lẽ nó đã ở đấy trong hàng trăm, hàng ngàn năm. Lối vào chật hẹp và lạnh giá đã bảo vệ nó khỏi sự tham lam của con người. Chú là người đầu tiên tìm thấy nó. Vào thời điểm chú tìm thấy nó, nó đang ở trong trạng thái hoàn hảo nhưng chưa được thức tỉnh. Nó đang ngủ say.

    - Nó đang ngủ say? Nó là cái gì mà lại ngủ say được thế chú?

    Bà Loan nhìn chồng với ánh mắt giận dữ làm ông Ngạn chột dạ.

    - Chú nói một cách hình tượng thôi. Cháu đừng bận tâm vào tiểu tiết làm gì.

    Mỹ Hạnh vẫn không sao dứt được ý nghĩ về vật kỳ dị mà chú cô đã tìm được.

    - Chú đã bán nó đi rồi, hay vẫn còn giữ lại ạ?

    - Theo cháu thì sao?

    - Hẳn chú phải bán đi rồi thì mới xây được cái nhà to thế này.

    - Cháu nói đúng lắm.

    - Và bây giờ chú không phải làm gì ạ? Chú chỉ việc tiêu số tiền mà chú đã kiếm được từ việc bán cái vật ấy?

    - Nói thế cũng không đúng. Chú vẫn phải tiếp tục làm việc. Chẳng mấy chốc chú sẽ nói cho cháu biết chú đang làm việc gì, và khi ấy nhất định cháu sẽ cảm thấy bất ngờ.

    - Cháu cũng có cảm giác như vậy. Cháu không biết cháu có muốn biết không nữa. Cảm giác ấy thật kỳ lạ. Cứ như thể cháu sẽ hối tiếc nếu biết chú đang làm việc gì.

    - Vậy ư? Linh cảm của cháu thật khác thường.

    Bầu không khí trong căn phòng chùng xuống. Mỹ Hạnh nhận ra rằng cả ba người đều đang nhìn mình với ánh mắt thập phần quái dị. Ánh mắt ấy pha trộn giữa sự thèm khát với mê man.

    - Có lẽ cháu nên về quê. Cháu cứ nghĩ chú đang mở doanh nghiệp làm ăn hoặc buôn bán gì đó, nhưng hóa ra không phải. Việc của chú chắc hẳn rất đặc thù, cháu sợ mình không học được.

    Ông Ngạn cau mày:

    - Cháu đừng nhụt chí sớm thế. Cháu đã mất công lên đây mang theo bao nhiêu kỳ vọng mà lại chấp nhận trở về tay trắng như vậy sao? Mẹ cháu hẳn sẽ thất vọng lắm.

    Mỹ Hạnh lại một lần nữa lưỡng lự.

    Ông Ngạn luôn biết đánh trúng vào điểm yếu của cô là khao khát được vươn lên, được giàu có và quyết tâm đi đến tận cùng con đường để biết xem ở cuối con đường ấy có gì. Cô có linh cảm xấu về thứ mình sẽ nhìn thấy, nhưng cô không nỡ từ bỏ ước mơ của mình chỉ vì một linh cảm không chắc chắn.

    - Cháu xin lỗi. Cháu sẽ ở lại.

    - Vậy mới phải chứ.

    Bữa ăn sau đó diễn ra bình thường, mọi người nói về những chuyện tầm phào, vô thưởng vô phạt.

    Khi cả nhà đã ăn xong, Mỹ Hạnh định đi rửa bát nhưng ông Ngạn giữ cô lại.

    - Cháu không cần phải làm những việc này. Cứ để cô Loan làm.

    - Ơ, thế đâu được ạ? Cô đã nấu cơm rồi mà. Cháu phải giúp việc gì trong nhà chứ.

    - Lúc này thì chưa cần. Cháu cứ nghỉ ngơi và làm quen với cuộc sống trong nhà này đã. Bây giờ cháu về phòng đi. Chú có điều này nhắc cháu. Em Chuột là người cực kỳ thính ngủ, chỉ cần một tiếng động rất nhỏ cũng có thể khiến nó tỉnh dậy ngay tức thì và sau đấy không thể ngủ lại được nữa. Trước đây cô chú không biết, cứ nghĩ nó ở trong phòng, mình đi nhẹ nhàng bên ngoài làm sao mà biết được. Ai ngờ nó biết hết đấy. Sự thiếu ngủ đã làm cho nó trở nên chậm lớn và dễ cáu gắt. Chúng ta không muốn sai lầm này lặp lại lần nữa. Vậy nên buổi tối cháu đừng rời khỏi phòng nhé. Hơi bất tiện cho cháu, nhưng chú tin rằng một người tốt bụng như cháu nhất định sẽ hiểu tại sao mình phải làm thế.

    Mỹ Hạnh cảm thấy chuyện này có hơi quái lạ, nhưng vẫn đáp:

    - Dạ, cháu thấy thế cũng ổn ạ.

    - Nhưng nhiều khi cháu sẽ có hành động bột phát, chẳng hạn như lúc nãy vì gặp ác mộng mà trở nên mất bình tĩnh. Cháu có lẽ sẽ chạy khỏi phòng và la hét, như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến em Chuột. Vậy nên, để ngăn ngừa những tình huống đáng tiếc xảy ra, chú sẽ khóa cánh cửa gỗ lại, nhưng cháu yên tâm, đến sáu giờ sáng chú lại mở nó ra. Cháu không việc gì phải lo lắng.

    Đề nghị của ông Ngạn khiến Mỹ Hạnh rùng mình.

    - Nhỡ chú quên hoặc có việc phải đi đâu đó thì cháu chết mất.

    - Chú không quên được đâu. Cháu là cháu của chú, làm sao chú quên được chứ? Cháu yên tâm đi.

    Cho dù ông Ngạn ra sức thuyết phục, Mỹ Hạnh vẫn khăng khăng không chịu.

    Cô nói rằng mình thà ra ngoài thuê phòng trọ còn hơn bị nhốt trong một không gian chật hẹp, bí bách và không có lối thoát như vậy.

    Ông Ngạn cười bảo:

    - Ở đây làm gì có phòng trọ? Muốn thuê nhà trọ phải đi xa hai cây số đấy, cháu ạ. Chú rất hiểu nỗi lo lắng của cháu. Hay thế này đi, cháu nghe lời chú, chú cho mẹ cháu tiền để xây lại cái bếp. Cháu thấy thế nào?

    Khu bếp của nhà bà Xuyến bị dột, mỗi lần mưa là nước chảy tong tỏng xuống khu vực nấu cơm rất khổ sở. Bà muốn sửa lại khu bếp này từ lâu mà không có tiền.

    Trong cuộc điện thoại ngày hôm qua, bà Xuyến đã đề cập với em trai chuyện này, nhưng lúc đó ông Ngạn không hề có ý định giúp đỡ chị.

    - Chú thực sự cho nhà cháu tiền để sửa bếp ạ?

    - Chú có nói đùa bao giờ đâu?

    Ông Ngạn lập tức rút điện thoại, cũng không hỏi xem chị mình cần bao nhiêu, cứ thế chuyển vào tài khoản ngân hàng của chị năm mươi triệu, rồi đưa biên lai chuyển tiền điện tử cho Mỹ Hạnh xem.

    Mỹ Hạnh thở dài.

    Xem ra tối nay cô sẽ phải ở trong căn phòng kinh khủng kia rồi. Cô không thể bắt mẹ mình trả lại tiền chỉ vì cô sợ căn phòng đó.

    Vì lẽ này lẽ khác, cô đang dấn sâu hơn vào cuộc sống chứa đựng đầy những điều kỳ quặc trong nhà ông Ngạn và dần dần cô đang tự uốn mình để chiều theo những điều kỳ quặc ấy, điều mà cô không thể tưởng tượng được chỉ một ngày trước đây.
     
  5. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau khi đã vệ sinh cá nhân, Mỹ Hạnh trở lại tầng hầm, ngước đầu nhìn ông Ngạn sập cánh cửa gỗ xuống, nhốt mình bên trong.

    Cho dù đã chuẩn bị tinh thần, cảm giác ấy vẫn thật nặng nề.

    Cô ngồi thừ trên giường, lấy điện thoại ra định gọi cho mẹ. Lúc đó cô mới nhận ra rằng điện thoại không có sóng.

    Điều này cũng dễ hiểu. Căn phòng ở dưới tầng hầm, bên trong không lắp đặt bộ phát sóng wifi, từ căn phòng này không thể liên lạc với thế giới bên ngoài.

    Nhờ tinh thần lạc quan và sự dũng cảm hiếm có, Mỹ Hạnh xốc lại tinh thần rất nhanh. Cô tắt bóng đèn LED, bật bóng đèn vàng, lên giường nằm ngủ.

    Bóng đèn vàng tỏa ra ánh sáng yếu ớt, mờ nhạt, nếu quay mặt vào góc tường thì hoàn toàn không có cảm giác chói mắt.

    Sau một lúc trằn trọc, cuối cùng Mỹ Hạnh cũng tự ép được mình vào giấc ngủ.

    Đó là một giấc ngủ nặng nề và mệt mỏi y như giấc ngủ buổi trưa. Lần này cô không gặp ác mộng nữa, nhưng trong suốt thời gian ngủ, cô liên tục nghe thấy những tiếng gõ đều đặn không xác định được từ đâu đến, hoặc do vật gì gây ra.

    Mỹ Hạnh thức dậy ba lần vào buổi đêm, mỗi lần như thế cô lại lắng tai nghe, nhưng tất cả những gì cô nghe thấy chỉ là sự tĩnh lặng tuyệt đối. Trong lần thức dậy thứ ba cô đi vòng quanh căn phòng, áp tai vào tường để tìm kiếm nguồn gốc của tiếng động, nhưng cũng chẳng phát hiện được điều gì.

    Đến sáng, Mỹ Hạnh bật ngồi dậy, không phải vì cô đã ngủ đẫy giấc, mà vì một ý nghĩ chợt hiện trong đầu. Gầm giường. Cô quên chưa kiểm tra gầm giường.

    Cô trèo xuống giường, cúi xuống, sửng sốt khi nhận ra rằng chiếc giường này không có chân mà về bản chất là một cái hộp bằng gỗ kín như bưng. Hoặc giả nếu xem căn phòng này như một hầm mộ thì cái giường này chính là cái quan tài.

    Ý nghĩ ấy khiến cô rùng mình. Cô không hiểu tại sao mình lại có thể bỏ qua một chi tiết rõ ràng và hiển hiện đến thế. Có lẽ vì từ lúc đến đây quá có nhiều điều khác thường đã xảy ra, chúng ập đến cùng một lúc khiến não bộ của cô bị quá tải và nó đã phớt lờ những điều mà nó cho rằng không thực sự quan trọng.

    Mỹ Hạnh dùng ngón tay gõ vào thành gỗ. Âm thanh phát ra y như tiếng gõ mà cô đã nghe thấy lúc ngủ.

    Tiếng gõ ấy là một giấc mơ hay có thật? Nếu nó là giấc mơ sao trùng khớp đến thế? Nếu nó có thật và vang từ hộp gỗ ra thì tại sao bây giờ, lúc cô đang thức và tỉnh táo, lại không thể nghe được nữa?

    Thành giường tuy không dày, nhưng các mảnh gỗ đã được đóng lại thành một khối liền mạch nên nếu không đục thủng thì không thể biết được bên trong có gì. Mỹ Hạnh còn đang xem xét thì cánh cửa gỗ phía trên đã bật mở, ông Ngạn thò mặt xuống nói với vẻ khó chịu:

    - Cháu đang làm gì vậy?

    Mỹ Hạnh thật thà nói:

    - Đêm qua cháu nghe thấy tiếng gõ giống như phát từ cái giường này ra, nên muốn tìm hiểu xem là gì ạ.

    - Do cháu ngủ mơ thôi. Cái giường ấy đắt tiền lắm, cháu đừng nghịch ngợm mà làm hỏng, không có tiền đền đâu.

    - Vâng, cháu biết rồi.

    - Cháu muốn tiếp tục ở trong phòng hay lên trên nhà với cô chú?

    - Cháu muốn ra ngoài chú ạ.

    - Vậy thì lên đây.

    Lời mời ấy nghe mới gượng gạo làm sao.

    Mỹ Hạnh mặc kệ. Cô vẫn trèo lên cầu thang, theo ông Ngạn ra phòng khách. Ông nói với cô:

    - Cháu chơi ở đây. Đừng đi đâu lung tung cả nhé.

    - Cháu muốn ra ngoài đi dạo chú ạ.

    Ông Ngạn lắc đầu:

    - Chỗ này có gì thú vị đâu mà phải đi dạo?

    - Cháu không cần đến công viên mà chỉ muốn ra hít thở một chút thôi.

    - Vậy thì càng không cần. Ngoài kia bụi bặm, ô nhiễm lắm, càng hít nhiều càng có hại cho sức khỏe. Cháu cứ ở nguyên trong căn phòng này, muốn xem ti vi, đọc sách, lướt điện thoại hay làm gì cũng được, miễn đừng đi lại lung tung. Có việc gì thì gọi to lên cô chú sẽ đến ngay.

    Nói rồi, ông Ngạn bỏ đi mất.

    Trong phòng khách còn lại mỗi Mỹ Hạnh và chiếc điều hòa vẫn đang thổi gió ầm ầm. Nhiệt độ giảm sâu khiến cô cảm thấy lạnh buốt.

    Cô lấy làm lạ khi nhà ông Ngạn bật điều hòa cả ngày lẫn đêm, không nghỉ bao giờ. Ngay cả khi không có người sử dụng các máy điều hòa vẫn chạy điên cuồng, phả khí lạnh vào không khí một cách hết sức vô nghĩa.

    Phòng ngủ của cô dường như là nơi duy nhất trong toàn bộ ngôi nhà này không hề lắp máy điều hòa mà chỉ có hệ thống thông khí kín đáo nào đó.

    Mỹ Hạnh gọi điện thoại cho mẹ nói chuyện một lúc lâu, kể lại cho bà nghe những điều đang xảy ra ở đây. Bà Xuyến hỏi:

    - Vợ của chú Ngạn tên Loan à?

    Mỹ Hạnh nghe mẹ hỏi vậy, hết sức ngạc nhiên

    - Ơ, mẹ không biết ạ?

    - Biết sao được? Chú mày đã dẫn vợ con về ra mắt bao giờ đâu?

    - Chú ấy tổ chức đám cưới mà không mời bà ngoại và mẹ đến dự à?

    - Không. Tao còn không biết nó đã tổ chức đám cưới.

    - Con Chuột mười tuổi rồi đấy mẹ ạ.

    Bà Xuyến chép miệng:

    - Mười năm trước cũng là lần cuối cùng chú Ngạn về làng. Khi ấy bà ngoại bệnh nặng lắm rồi. Trước lúc chết bà ngoại của mày cứ giục chú mày lấy vợ mà nó cũng chẳng nói gì, làm bà ngoại mày chết trong lo lắng. Thật là..

    Mỹ Hạnh ngẩng đầu lên nhìn. Cô lại vừa mới nhận ra một điều kỳ quặc nữa.

    Căn nhà này không hề treo ảnh gia đình. Các bức tường treo rất nhiều tranh nhưng đều là tranh phong cảnh, trìu tượng hoặc vẽ những người xa lạ chẳng hề liên quan gì đến gia chủ.

    Cô thì thào:

    - Con có chút việc. Tí nữa con sẽ gọi lại cho mẹ.

    Mỹ Hạnh dập máy, mở cửa phòng khách bước ra ngoài.

    Căn nhà im phăng phắc. Mỹ Hạnh đoán rằng gia đình cô chú đang tập trung ở phòng ăn hoặc khu vui chơi của con Chuột.

    Ông Ngạn không hiểu làm nghề gì mà sáng trưa chiều tối đều ở nhà, đã thế còn chẳng hề ngồi máy tính hay gọi điện thoại như những người đàn ông bận bịu với công việc kinh doanh khác.

    Mỹ Hạnh ngó nghiêng không thấy ai, liền nhẹ nhàng bước lên cầu thang để lên tầng hai.

    Tầng hai giống như một thế giới bí ẩn mà cho đến nay ông Ngạn vẫn cấm cô đụng vào.

    Lẽ ra Mỹ Hạnh đã nghe lời chú bởi cô là một đứa con gái ngoan, nhưng chỉ trong một ngày cô đã phát hiện ra quá nhiều điều khác thường về con người này, cô cảm giác ông đang nói dối cô, khiến cô nung nấu ý định tìm bằng được sự thật.

    Cô đi chân trần để không gây tiếng động. Cô đi nhón trên các đầu ngón chân, lanh lẹn như một con mèo, tinh khôn và quả cảm. Đây không phải là lần đầu tiên cô đi do thám người khác, ở quê cô thường hay bày trò trốn tìm với bọn trẻ trong làng. Không đứa nào bắt được cô. Cô luôn là người chiến thắng.

    Tầng hai, đúng như lời của ông Ngạn, có ba phòng ngủ. Mỹ Hạnh có thể đoán được ai ngủ ở phòng nào căn cứ vào cách trang trí và độ rộng của mỗi phòng. Phòng của vợ chồng ông Ngạn rộng nhất. Phòng của con Chuột có ảnh một con chuột hung dữ dán ngoài cửa. Còn một phòng nữa nằm ở xa bên phải, tách biệt với hai phòng còn lại. Mỹ Hạnh bước đến phòng ấy trước tiên, tò mò không biết tình trạng chống thấm diễn ra thế nào rồi.

    Cô mở cửa phòng, ngạc nhiên khi nhận ra căn phòng này không hề được sửa chữa gì, mọi thứ đều ở trong tình trạng hoàn hảo và sẵn sàng sử dụng. Các bức tường khô ráo, vững chắc và sạch sẽ. Cô đi một vòng, sờ tay lên tường, kiểm tra cả nhà vệ sinh, càng tìm hiểu kỹ hơn càng thấy tức giận và khó hiểu. Tại sao ông Ngạn không cho cô ngủ ở căn phòng này? Ông ấy nói rằng căn phòng này đang được chống thấm nhưng cô không nhận ra điều đó. Chỉ có hai cách giải thích cho chuyện này mà thôi. Một là ông Ngạn không muốn cô ngủ trên tầng hai cạnh vợ chồng con cái ông, hai là ông muốn cô ngủ trong căn phòng tầng hầm. Hoặc là cả hai lý do trên.

    Mỹ Hạnh đi tiếp sang phòng của ông Ngạn. Căn phòng này cũng như các phòng khác, không được trang trí gì cả. Nó không giống phòng ngủ bình thường của một gia đình bình thường, nơi mà người ta thường treo ảnh các thành viên trong gia đình để làm tăng sự gắn kết. Nó giống như một phòng khách sạn cho những người xa nhà dừng trú qua đêm và sáng hôm sau chia tay mà không nhung nhớ gì cả.

    Mỹ Hạnh lục tìm ngăn bàn, ngăn tủ, hy vọng sẽ phát hiện ra điều gì đó giúp chỉ dẫn rõ hơn về cuộc sống của ông Ngạn. Mỗi phút trôi qua đều khiến cô cảm thấy bồn chồn hơn, nỗi sợ hãi sẽ bị phát hiện làm cô chảy mồ hôi đầm đìa trên người. Nhưng nỗi khao khát phá tan màn sương dày đặc đang bao trùm lên căn nhà này và tất cả những người sống trong đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cô. Cô vẫn kiên trì tìm kiếm, cho đến khi cô tìm thấy một biên bản hồ sơ được cất trên giá sách.

    Biên bản ấy làm cô tò mò. Cô liền mở nó ra xem. Nhất thời cô không hiểu biên bản ấy viết gì vì nhiều trang nội dung đã bị xé bỏ. Những dòng chữ còn lại ghi một thông tin vắn tắt.

    Kết quả điều tra:

    Tên người: Vũ Bảo Trâm.

    Tình trạng: Tử vong.

    Nguyên nhân: Tự sát.

    Mỹ Hạnh đọc đi đọc lại những câu chữ đơn giản ấy đến mười lần, càng đọc càng hoang mang.

    Vũ Bảo Trâm này là ai? Con Chuột tên thật là Vũ Bảo Trâm, vậy thì phải chăng vẫn còn một Vũ Bảo Trâm khác đã chết? Vì sao cô Trâm ấy lại tự sát?

    Những câu hỏi dồn dập vang lên trong đầu cô khiến cô sởn tóc gáy.

    Có lẽ.. có lẽ ông Ngạn có hai người con. Người con đầu đã chết, rồi sau đó vợ chồng ông mới sinh ra người con thứ hai, và để tưởng nhớ người con đầu ông đã đặt tên cho con bé này y như tên chị gái nó.

    Đó là cách giải thích duy nhất. Cô không tưởng được lại có cách giải thích nào khác.
     
  6. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mỹ Hạnh nghe thấy tiếng bước chân lên cầu thang, cô vội trả lại biên bản khám nghiệm tử thi lên giá và quay phắt lại.

    Ông Ngạn sồng sộc bước vào với vẻ giận dữ:

    - Mày làm gì ở đây?

    Giọng nói của ông đổi khác và ông không còn gọi Mỹ Hạnh một cách ngọt ngào như lúc trước nữa.

    Mỹ Hạnh nói ra điều đầu tiên mà cô nghĩ tới trong đầu.

    - Cháu háo hức muốn biết căn phòng của mình trông như thế nào nên lên đây xem ạ.

    - Đây là phòng của cô chú. Mày đã xem phòng nào khác chưa?

    - Dạ chưa ạ. – Cô buộc lòng phải nói dối, biết rằng điều đó sẽ tốt hơn nhiều so với việc nói thật.

    - Đừng giả vờ.

    - Cháu nói thật ạ.

    Ông Ngạn bước đến bên giá sách, liếc nhìn biên bản, thấy nó vẫn nằm ngay ngắn ở vị trí thường ngày, nhưng nỗi nghi ngờ không vì thế mà mất đi.

    - Từ nãy đến giờ mày vẫn quanh quẩn ở đây? Mày đã nhìn thấy gì rồi?

    - Cháu thấy phòng của cô chú rất đẹp và sáng sủa ạ. Cháu chỉ hơi ngạc nhiên vì không thấy cô chú treo ảnh gia đình.

    - Tao không thích những thứ màu mè, mày hiểu không? Chúng chỉ là phù phiếm thôi. Điều quan trọng là tinh thần, là việc mỗi thành viên yêu thương nhau.

    - Dạ, chú nói rất đúng.

    Mỹ Hạnh gật đầu lia lịa để làm ông Ngạn yên lòng.

    Ông Ngạn không dễ bị lừa như vậy. Người đàn ông này rít lên như tiếng một con vật nào đó đang tru giữa đêm tối:

    - Tao đã bảo mày ở yên trong phòng khách mà mày không nghe. Đúng là đứa trẻ con hư hỏng. Tao phạt mày từ giờ phải ở hẳn trong tầng hầm không được đi đâu nữa. Tao sẽ đưa thức ăn cho mày và mở cửa cho mày đi vệ sinh bốn lần mỗi ngày. Hình phạt này sẽ kéo dài trong năm ngày. Chừng nào mày hiểu được lỗi lầm của mình thì tao sẽ không phạt nữa, mày hiểu không?

    Mỹ Hạnh nhảy dựng lên phản đối:

    - Thế không được đâu ạ. Cháu chả làm gì sai cả. Chú không thể nhốt cháu như nhốt tù nhân thế được. Cháu sẽ rời khỏi đây.

    Đôi mắt của ông Ngạn sắt lại:

    - Thật à? Mày tưởng mày thích đến thì đến thích đi thì đi à?

    Trước cửa từ lúc nào đã thấy bà Loan đứng cạnh con bé con đang nhe nanh ra nhìn Mỹ Hạnh với vẻ dọa nạt.

    Mỹ Hạnh vùng chạy nhưng lập tức bị ông Ngạn giữ lại. Ông ta to cao, khỏe mạnh và nặng cân hơn cô rất nhiều. Ông ta ôm chặt lấy cô từ phía sau, cứ thế nhấc bổng cô lên, bế thốc cô xuống tầng một. Bà Loan và con Chuột bám theo sau. Ba người áp giải cô xuống căn phòng tầng hầm, ném cô xuống như ném một cái bao tải làm cô tưởng mình bị gãy xương.

    Mỹ Hạnh hét lên:

    - Các người sẽ phải trả giá.

    Cánh cửa gỗ sập xuống như câu trả lời đanh thép dành cho cô.

    Mỹ Hạnh ngồi sụp xuống giường. Cô lấy điện thoại ra xem, khi thấy nó vẫn không có sóng cô giận dữ ném nó xuống đệm.

    Tình cảnh này thật tồi tệ.

    Ông Ngạn nói sẽ nhốt cô ở đây trong năm ngày, mỗi ngày chỉ mở cánh cửa để đưa cơm và cho phép cô được ra ngoài đi vệ sinh bốn lần mỗi ngày. Cô hiểu tại sao lại có thời hạn này, vì năm ngày nữa là sinh nhật của cô.

    Mỹ Hạnh tuy không biết ngày sinh của mình có ý nghĩa như thế nào với ông Ngạn, nhưng cô hoàn toàn tin chắc rằng ông ta đang chờ đợi ngày đấy với sự háo hức còn lớn hơn cô gấp vạn.

    Người đàn ông này đang bí mật xây dựng một âm mưu nào đó xoay quanh thời điểm cô tròn mười tám tuổi. Cô cần phải khám phá được âm mưu ấy trước khi ông ta ra tay với cô. Cô không tin rằng tình huyết nhục sẽ bảo vệ cho mình trước ông chú nguy hiểm cùng những thành viên quái thai trong gia đình của ông ta.

    Cô mở túi đồ, lấy ra tất cả các vật làm bằng sắt nhọn đầu mà cô mang theo. Tổng cộng có bốn cái chìa khóa và một cái dũa móng. Cô chấp nhận hy sinh tất cả các vật này để chọc thủng thành giường.

    Cô cần phải biết bên trong cái giường mà cô đang nằm chứa đựng vật gì.

    Lời quảng cáo của ông Ngạn hóa ra lại đúng là sự thật, cái giường được đóng bằng gỗ tốt nên cực kỳ cứng chắc. Muốn dùng những chiếc chìa khóa bé tí đục thủng thành giường quả là chuyện thiên nan vạn nan, chẳng khác gì những người tù nhân dùng thìa sắt cạo tường nhà giam để vượt ngục. Việc này cần đến quỹ thời gian tính bằng nhiều ngày, thậm chí hàng tuần mới có thể hoàn thành được.

    Thật may ông Ngạn không thu giữ điện thoại của cô, nên cô vẫn có thể biết mình còn lại bao nhiêu thời gian.

    Ngày đầu tiên trôi qua, cô phá hỏng mất một cái chìa khóa mà chỉ đục được một cái lỗ nông choèn, rộng bốn phân, sâu năm phân. Năm phân là độ dày thông thường của một cái giường, nhưng cái giường này lại được đóng chồng lớp nên sau khi đục thủng lớp thứ nhất vẫn còn lớp thứ hai.

    Ông Ngạn giữ lời hứa mở cửa cho cô đi vệ sinh bốn lần. Cả bốn lần ấy ba thành viên trong nhà ông đều vây quanh Mỹ Hạnh, mắt không rời cô một giây nào. Ngay cả khi cô ngồi xuống bồn cầu bà Loan và con Chuột vẫn theo sát khiến cô cảm thấy cực kỳ khó chịu.

    Cách giám sát này còn tệ hơn cả cai ngục giám sát tù nhân.

    Lúc ông Ngạn đưa cô trở lại căn phòng tầng hầm, Mỹ Hạnh hỏi:

    - Chú Ngạn, chú có phải là chú của cháu không?

    Ông Ngạn trừng mắt lên nhìn cô:

    - Sao mày lại hỏi vậy?

    - Nếu chú là chú của cháu sao chú lại đối xử với cháu như vậy?

    - Tao đã tử tế với mày lắm rồi. Tao chỉ cần mày ngoan ngoãn trong vòng năm ngày mà khó vậy sao?

    - Chú Ngạn, chú muốn gì trong ngày sinh nhật của cháu?

    - Rồi mày sẽ biết, sớm thôi.

    Đêm hôm ấy Mỹ Hạnh tắt hết đèn đi ngủ, nhưng cô không mơ thấy gì cả. Ngay cả những tiếng gõ cũng không xuất hiện. Điều đó khiến cô hết sức tức giận.

    Căn phòng này thật quái dị, nó hoạt động không theo một quy tắc nào hết. Nó đã cảnh báo cô, nhưng lại không chịu xuất hiện khi cô cần nó nhất.

    Mỹ Hạnh tiếp tục kiên trì dùng khóa và dũa móng để đục thành giường. Nỗ lực của cô kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Mỗi ngày cô chỉ ngủ ba tiếng, thời gian còn lại đều dùng để nong rộng cái lỗ. Nỗ lực ấy dần được đền đáp. Miệng lỗ càng ngày càng rộng ra, vết thủng cũng sâu hơn. Lúc này đường kính miệng lỗ đã lên đến hai mươi lăm phân, chiều sâu đến bốn mươi phân.

    Chỉ có điều đã đục sâu như vậy mà vẫn chưa đến khoảng trống bên trong thùng giường. Mỹ Hạnh tự hỏi phải chăng cô đang làm một điều vô nghĩa? Phải chăng cái giường này là một khối gỗ đặc không chứa đựng vật gì bên trong cả? Cô đã làm hỏng cả bốn chiếc chìa khóa, chỉ còn lại mỗi cái dũa móng đã cùn mủn đi rất nhiều, sớm có thể không còn sử dụng được nữa.

    Quỹ thời gian không còn nhiều. Bốn ngày đã trôi qua, chỉ còn lại một ngày nữa là đến sinh nhật tuổi mười tám của Mỹ Hạnh.

    Mạt gỗ chất đống trong góc phòng thành một cái gò nhỏ. Thật may, vì một lý do nào đó mà ông Ngạn không bao giờ chịu bước chân xuống căn phòng, nhờ thế mà công việc của cô vẫn giữ được bí mật.

    Những ngón tay của Mỹ Hạnh sưng vù, chảy máu. Dằm gỗ cắm đầy trên tay cô, không thể lấy ra được. Cô đau tay tới mức không thể thay quần áo. Mỗi lần cầm bát cơm lên ăn cô đều đau muốn dại người. Phải là một ai đó khác thì đã than khó mà bỏ cuộc, nhưng Mỹ Hạnh là một cô gái kiên cường hiếm thấy. Thử thách càng khắc nghiệt ý chí của cô càng mạnh mẽ. Cô không nằm khóc, không hoang mang, tất cả mọi năng lượng trong người đều dồn vào mục tiêu mà cô đã xác định từ bốn ngày trước.

    Vào buổi tối cuối cùng trước ngày sinh nhật, chiếc dũa móng cuối cùng đã gãy vụn, không thể dùng tiếp được nữa. Trong tay Mỹ Hạnh lúc này không còn một vật dụng bằng sắt nào. Đôi mắt của cô in hằn lên mạch máu của niềm căm phẫn. Ánh mắt của cô hướng sang chiếc tủ gỗ chứa quần áo. Cô mở cánh cửa tủ, dùng chân đạp gãy cánh cửa. Cánh cửa tủ quần áo lập tức bung ra. Cô lại cầm cánh cửa gãy ấy lên, đập thật mạnh vào tường làm nó vỡ thành ba phần nhỏ hơn.

    Mỹ Hạnh cầm lấy phần nhỏ nhất. Đầu mảnh vỡ này vừa khéo lại nhọn, rất phù hợp cho việc đục lỗ thành giường. Cô lấy một chiếc áo bọc tay lại, vừa để cầm thanh gỗ chắc hơn và dễ hơn, vừa để giảm chấn thương lên tay. Sau khi đã chuẩn bị chắc chắn, cô mới cầm thanh gỗ nhọn đầu ấy đâm liên tiếp vào cái lỗ thủng trên thành giường. Sức cô vốn đã khỏe, lúc ấy lại có thêm công cụ mạnh hỗ trợ, vết thủng trên thành giường rộng ra với tốc độ nhanh trông thấy.

    Cả đêm ấy Mỹ Hạnh không ngủ. Cô biết mình đang chạy đua với thời gian. Khi tia nắng đầu tiên xua tan màn đêm cũng là lúc cô phải đối diện với một tương lai đầy rủi ro và bất trắc. Cô bị thôi thúc phải khám phá ra bí mật của căn nhà này trước khi ông Ngạn đến và nói cho cô biết ông mong chờ gì ở cô. Cô biết chắc rằng cái giường này không bình thường vì không ai lại chịu phí nhiều gỗ để đóng một cái giường gần đặc ruột như vậy cả.

    Cái giường này quả là cứng đầu. Thành giường dày không thể tả. Càng cố gắng càng có cảm giác như va đầu vào tường. Vết thủng đã sâu hoắm như một cái hố mà vẫn chưa thấy khoảng trống bên trong đâu.

    Đồng hồ điểm năm giờ sáng. Đây là khoảng thời gian giao thoa giữa đêm và ngày, giữa ánh sáng và bóng tối. Mỹ Hạnh được sinh ra vào lúc bảy giờ sáng nên vẫn còn hai tiếng nữa trước khi cô chính thức bước sang tuổi mười tám. Ý nghĩ ấy khiến cô càng trở nên điên cuồng. Cô cầm thanh gỗ giộng hết sức vào thành giường trong một cú đâm không thể cưỡng lại. Theo cú đâm ấy, vết thủng bất ngờ toác ra, thanh gỗ đâm sâu và mắc lại bên trong.

    Mỹ Hạnh dừng lại, thở dốc. Vậy là cô đã đục thủng được cái thành giường chết tiệt này rồi, bây giờ là lúc tìm hiểu xem bên trong nó có gì.
     
    Hoa Nguyệt Phụng thích bài này.
  7. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lỗ thủng trên thành giường rất rộng, gần như có thể chui cả đầu vào. Mỹ Hạnh kéo thanh gỗ ra, ném xuống đất. Cô dùng đèn pin điện thoại, chiếu vào bên trong. Trái tim của cô bật nảy lên khi nhìn thấy bên trong có một thi thể không đầu đã rữa hết thịt chỉ còn lại mỗi khung xương trắng hếu.

    Cô gần như tin chắc rằng thi thể nằm đây chính là người con gái đã hiện hồn về báo mộng cho cô. Cô thậm chí còn biết danh tính của cô ta nữa. Vũ Bảo Trâm, người con gái đầu lòng của Vũ Bá Ngạn, công an xác định nguyên nhân cái chết của cô là tự tử nhưng Mỹ Hạnh không tin. Nếu không phải Bá Ngạn đã chính tay giết con gái thì hẳn cũng phải tác động đến tâm lý cô theo một cách thức quỷ dị nào đó.

    - Mày..

    Tiếng của ông Ngạn vang lên thảng thốt. Mỹ Hạnh quay phắt lại, ánh mắt hằn lên sự tức giận không thèm che dấu.

    - Ông là người hay quỷ? Giấu xác con gái trong thùng giường, ông đang toan tính điều gì vậy? Đầu của cô ta đâu?

    Vũ Bá Ngạn nhìn cô bối rối. Mỹ Hạnh cầm thanh gỗ lên, trèo thoăn thoắt lên cầu thang, nhanh nhẹn như một viên dũng tướng đang chiếm thành diệt địch. Ngạn không kịp đóng cánh cửa lại, vội vàng bỏ trốn.

    Lúc Mỹ Hạnh chạy lên cầu thang thì đã không còn thấy bóng dáng của ông chú đâu nữa. Cô không có ý định tìm người này, vội chạy ra cửa thì phát hiện ra cửa ra vào đã bị khóa từ bên trong. Cánh cửa chắc chắn lắm, không phá được. Cô lại nhìn sang các cửa sổ. Tất cả các cánh cửa sổ đều được chặn bằng các thanh sắt uốn hình hoa lá, cũng không phá được.

    Mỹ Hạnh móc túi, lấy điện thoại ra xem. Điện thoại cô hết tiền, không gọi được cho mẹ hay cho bất kỳ ai để cầu cứu. Wifi đã bị tắt từ đời nào.

    Xem chừng không tóm được Bá Ngạn và các thành viên trong nhà của lão thì không thoát ra được khỏi đây.

    Cô cầm thanh gỗ trên tay, đi vòng quanh tầng một. Không tìm được ai cả. Lại lên tầng hai, truy xét cả ba phòng, cũng chẳng thấy ai hết.

    Vừa tìm, cô vừa kiểm tra cửa dẫn ra ban công. Lúc đó cô mới nhận ra rằng các cánh cửa ở đây thiết kế thật đặc biệt. Chúng trông giống như cửa nhưng thật ra chỉ là vật trang trí chứ không phải cửa, cánh cửa duy nhất có thể dẫn từ trong nhà ra ngoài trời là cánh cửa chính nằm ở dưới tầng một.

    Căn nhà này không phải là nhà mà là một pháo đài. Cô là tù nhân trong cái pháo đài ấy.

    Những tưởng đã thoát, hóa ra tình thế vẫn chưa được cải thiện chút nào.

    Mỹ Hạnh xách gậy lên tầng ba, tin tưởng rằng gia đình Bá Ngạn đang trốn trên này. Cánh cửa dưới tầng một được khóa từ bên trong, hơn nữa trong thời gian ngắn như vậy không thể có chuyện cả ba người cùng chạy thoát ra ngoài được.

    Cầu thang dẫn lên tầng ba dài một cách lạ thường. Ở cuối cầu thang hiện ra một cánh cửa đóng kín. Bên ngoài có dán hình một cái đầu lâu nằm trong một tảng băng.

    Mỹ Hạnh nhìn bức tranh vẽ cái đầu lâu hung ác, trong lòng thoáng dâng lên cảm xúc sợ hãi vô cớ. Bức tranh quỷ dị này gợi lên trong cô nỗi khao khát quỳ xuống bái lạy và tôn thờ nó.

    Cảm xúc ấy qua nhanh, cô mạnh mẽ đẩy cánh cửa, bước vào căn phòng bên trong.

    Bên trong không phải là một căn phòng mà là một mê cung với rất nhiều phòng. Các phòng liên thông với nhau, được phân tách bởi những cánh cửa sơn màu nâu cùng kích cỡ, cùng chiều cao khiến người ta không có cách nào xác định được phương hướng.

    Mỹ Hạnh đi một hồi thì phát hiện ra mình lại quay về vị trí cũ.

    Thay vì tiếp tục chạy loạn lên, cô dừng lại, tĩnh trí, cố gắng tìm hiểu các dấu vết giúp khám phá bí mật của mê cung.

    Cuối cùng cô nhận ra một điều mà lúc nãy do quá vội vã nên cô quên bẵng đi. Những chiếc máy điều hòa.

    Tất cả các phòng đều lắp máy điều hòa. Những chiếc máy chạy không ngừng nghỉ, phả ra hơi lạnh thấu xương. Đây đều là máy tốt, đời mới nên không gây ra những âm thanh ầm ĩ mà tương đối yên tĩnh và nhẹ nhàng, chỉ duy nhất một góc ở chếch bên tay phải phát ra chuỗi tiếng ù ù rất dễ nhận ra.

    Cô lấy tiếng ù ù đó làm mốc mà đi, nhờ thế không bị lạc lối.

    Âm thanh ù ù càng lúc càng lớn, nhiệt độ cũng giảm đi càng lúc càng sâu, người của Mỹ Hạnh cứ run lên bần bật. Nhưng cô vẫn quyết tâm tiến lên, thanh gỗ lăm lăm trong tay, sẵn sàng phản ứng với mọi mối đe dọa bất chợt.

    Cuối cùng cô dừng lại trước một căn phòng đóng kín cửa. Cánh cửa căn phòng này sơn màu xanh khác hẳn so với những cánh cửa còn lại sơn màu nâu.

    Cô không ngần ngại mà mở luôn cánh cửa ra.

    Căn phòng bên trong rộng hơn hết thảy các căn phòng khác. Các bức tường sơn màu đen, vì vậy mà ngay cả lúc bật điện vẫn tối tăm, còn nếu không bật điện thì chẳng nhìn thấy gì cả.

    Trên tường dán chi chít bùa chú viết bằng chữ Hán. Mỹ Hạnh dĩ nhiên không đọc được chữ nào trong đống này, nhưng cô cũng biết rằng những tờ bùa chú này chắc hẳn không mang nội dung cầu mong sức khỏe cho gia chủ, mà giống như vật trấn yểm hoặc bảo vệ cho thứ đang được cất giữ ở chính giữa căn phòng này.

    Vật ấy là một cái đầu lâu đã bị rữa hết thịt chỉ còn lại xương. Hình dáng cái đầu lâu này trông giống y như bức tranh treo ở cánh cửa dẫn vào tầng ba. Cái đầu lâu đặt trên một bông hoa kỳ lạ có mười cánh rất lớn, những cánh hoa màu tía héo quắt tỏa ra khí tức âm u, đáng sợ.

    Cả cái đầu lâu và bông hoa mười cánh đều được đặt trong một cái hộp làm bằng thủy tinh hình chữ nhật để trống phần trên, bên dưới đổ nước xâm xấp, xem ra cây hoa này là một loài thủy sinh. Mười chiếc máy lạnh treo ở bốn góc tường đồng thời phả khí lạnh vào vị trí của cái hộp thủy tinh. Sự tập trung của nhiều máy cùng một chỗ đã tạo ra âm thanh ù ù vang vọng cả căn phòng. Mỹ Hạnh lại gần, nhận ra rằng nổi lên trên mặt nước lạnh có những cục đá chưa tan hết, xem ra vừa được ai đó thả vào. Nhiệt độ nước rất thấp nên tốc độ tan của đá cũng rất chậm.

    Cái đầu lâu khá lớn, xem chừng người sở hữu cái hộp sọ này khi còn sống cũng thuộc loại cao to. Mỹ Hạnh lấy hết can đảm, chạm ngón tay vào hộp sọ, thấy nó cứng như đá và trơn nhẵn. Lúc ngón tay chạm vào hộp sọ, một luồng khí lạnh lan từ hộp sọ, truyền qua ngón tay vào người cô, khiến toàn thân cô như đóng băng.

    Mỹ Hạnh sợ hãi lùi lại.

    - Sao mày dám mạo phạm Đức Ngài?

    Tiếng nói của ông Ngạn bất thần vang lên từ phía sau khiến Mỹ Hạnh giật nảy mình. Cô quay phắt lại, thấy người chú ruột đang cầm trong tay một con dao dài, ánh mắt gườm gườm nhìn cô như nhìn kẻ thù.

    - Chú Ngạn, cái hộp sọ này là của ai?

    Ông Ngạn nghiến răng đáp:

    - Chuyện này dài lắm. Mày có nhớ lần tao kể với mày chuyện năm xưa đi đào vàng tìm được một cái hang rất sâu và lạnh không? Cái hang ấy nằm sâu cả trăm mét dưới lòng đất, nhờ điều kiện thiên nhiên đặc biệt mà hình thành nên một hồ nước nhỏ, nhiệt độ của nước rất lạnh. Ở giữa hồ mọc cây hoa mười cánh màu tím này, bên trên có hộp sọ của Đức Ngài. Tao lục tìm trong cái hang đấy, phát hiện ra một tấm bia bằng đá chép lại cuộc đời của Đức Ngài. Đức Ngài họ Hùng, tên húy là Hùng Thành, là con cả của vua Hùng Duệ Vương thời Văn Lang, thủa nhỏ ngài hiếu sát tàn bạo nên bị vua cha ghét bỏ, không lập ngài làm thái tử mà lập người con thứ hai làm vua. Ngài liền tức giận sang Trung Quốc học đạo, sau rất nhiều năm khổ luyện đã trở thành Pháp sư phép thuật cao cường. Nhưng thật không may, trong quá trình ấy ngài đã bị ma khí phản phệ, vừa về đến quê nhà, còn chưa kịp làm gì đã kiệt sức, mệnh chỉ trong sớm tối. Ngài tìm được nơi này, quyết định nằm lại đây. Ngài tự cắt đầu mình, đặt nó lên bông hoa màu tím mười cánh không tên mà ngài gọi là Tử Thập Liên Hoa. Bông hoa này giữ lại hồn vía cho ngài không tiêu tán. Ngài truyền lại cho đời sau rằng nếu có người nào theo ngài, dâng hiến cuộc đời mình cho ngài thì ngài sẽ ban cho cuộc sống giàu sang, vinh hoa phú quý.

    Mỹ Hạnh than:

    - Chuyện điên khùng như vậy mà chú cũng tin được à?

    Ông Ngạn trừng mắt lên, mắng:

    - Mày thì biết cái gì? Sau khi biết chuyện này, tao liền tự cắt tay mình, rỏ máu lên Tử Thập Liên Hoa, dùng máu của chính mình tiếp sức cho hồn vía của ngài. Kể từ đó tao được ngài báo mộng, đi rừng tìm được vàng, trầm hương, đá quý ở các vị trí không ai ngờ tới, nhờ vậy mà trở nên giàu có.

    - Vì thế mà mẹ tôi bảo mắt chú không giống với ngày trước. Hóa ra chú đã dâng linh hồn mình cho quỷ dữ.

    - Ai bảo mày ngài là quỷ dữ? Con ranh con láo toét, mở mồm ra là xúc phạm bậc tiền nhân, loại người như mày chết ngàn lần cũng không hết tội.

    - Chẳng phải chính ông vừa kể ông ta tàn nhẫn hiếu sát, bị vua cha ghét bỏ, bị ma khí phản phệ đó ư? Chẳng phải ác quỷ thì sao?

    - Những chuyện đó do ngài viết lại, đứa nhà quê nít ranh như mày chưa đủ tư cách bàn luận.

    Ông Ngạn tiến lại gần cái đầu lâu, vái liền mấy vái, ánh mắt tràn ngập vẻ tôn thờ:

    - Khi đã trở nên giàu có, ta tuân theo mệnh lệnh của Đức Ngài, xây dựng một căn nhà kiên cố như một pháo đài và mang ngài về đây thờ phụng. Tử Thập Liên Hoa cần nước và không khí lạnh. Ta bật điều hòa cả ngày lẫn đêm. Tiếp đó cần phải nghĩ cách để hồi sinh cho ngài. Tử Thập Liên Hoa lưu giữ linh hồn của ngài. Linh hồn của ngài bị chia thành mười phần, mỗi phần ẩn náu trên một cánh hoa. Cần phải hiến tế đủ mười linh hồn, lại phải tìm được cơ thể phù hợp thì ngài mới có thể hồi sinh được. Nhưng không phải linh hồn nào cũng đủ điều kiện. Do thời gian đã trôi qua quá lâu, hồn vía dần tản mát, nên cần có những linh hồn cường tráng của những con người dũng cảm mới có tác dụng. Ta đã hiến dâng cho ngài đứa con gái của ta, nhưng linh hồn của nó quá yếu ớt, không đạt chất lượng nên kế hoạch không thành.

    Mỹ Hạnh rùng mình.

    Con người này đem dâng tính mạng của con gái ruột cho ác quỷ, tàn nhẫn không sao kể xiết.
     
    Hoa Nguyệt Phụng thích bài này.
  8. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngạn nhìn Mỹ Hạnh với vẻ thèm khát:

    - Cháu gái của chú, cháu dũng cảm và mạnh mẽ hơn con gái của chú rất nhiều. Chú tin chắc rằng cháu sẽ thỏa mãn được điều kiện của Tử Thập Liên Hoa. Chú đã kiên nhẫn chờ cho đến khi cháu đủ mười tám tuổi. Chỉ còn hai mươi phút nữa thôi là thời điểm ấy sẽ đến, thời điểm linh hồn của cháu hoàn toàn trưởng thành và sẵn sàng cho công việc hiến tế. Chú đã giữ cháu ở dưới tầng hầm trong suốt một tuần để tinh thần của cháu không bị ám khí lạnh. Tử Thập Liên Hoa được sinh ra trong hàn đàm nên nó rất nhạy cảm với các linh hồn mang theo năng lượng ấm áp. Một linh hồn mang theo năng lượng ấm áp như cháu sẽ giúp cho việc hồi sinh linh hồn của Đức Ngài trở nên dễ dàng hơn. Cháu gái ta, hãy chấp nhận số phận của cháu đi.

    Mỹ Hạnh vành mắt lên, tay cầm thanh gỗ càng chắc hơn:

    - Ông Ngạn, từ nay ông với tôi không còn quan hệ chú cháu gì nữa hết. Chìa khóa nhà đâu?

    - Trong túi quần tao này, đến mà lấy.

    Còn chưa nói hết câu, Mỹ Hạnh đã lựa thế phang một cú như trời giáng vào lưng Ngạn làm lão hét váng cả lên.

    Lão nhịn đau, tay phải cầm dao vung lên, thế là lại ăn một cú đập toàn lực nữa vào cẳng tay. Con dao văng ra tít tận góc phòng.

    Mỹ Hạnh cầm thanh gậy gỗ trong tay cũng uy lực như tướng quân ra trận cầm trường kiếm, Ngạn không sao đối phó được. Lão nghiến răng nghiến lợi xông thẳng tới, định bụng cố chịu một hai đòn đánh để tước lấy cây gậy gỗ hòng xoay chuyển tình thế. Ai dè lại ăn cú đập thứ ba vào giữa trán. Mỹ Hạnh biết mình đang ở trong cảnh một sống hai chết, không nương tay chút nào. Ngạn ngã bổ chửng ra đất, đầu nổi cục u to tướng, nhất thời không nhìn thấy gì nữa.

    Mỹ Hạnh xông tới, chẹn bàn chân lên cổ Ngạn, tay lục túi quần lấy chùm chìa khóa. Cô đang định chạy khỏi căn phòng này, tìm đường xuống tầng một thì Loan đã hét lớn, tay cầm dao bầu chồm đến, ánh mắt đỏ quạch, hung tợn như ác quỷ. Mỹ Hạnh chém ngang một đường ở ngay bắp chân làm Loan ngã sóng xoài, mặt đập xuống sàn nhà gẫy hai cái răng cửa.

    Bẩm sinh Mỹ Hạnh đã khỏe và nhanh nhẹn hơn hẳn các cô gái khác, lúc này được trang bị vũ khí, vợ chồng Ngạn – Loan không phải đối thủ.

    Mỹ Hạnh lao ra khỏi phòng, nhưng cô lập tức nhận ra mình đã phạm một sai lầm chí mạng.

    Tầng ba là một mê cung không lối thoát. Cô tìm đường đến đây thông qua việc bám theo tiếng ù ù của những chiếc máy điều hòa, nhưng khi đi ngược lại thì không có vật chỉ đường. Không rõ vợ chồng Ngạn – Loan xác định phương hướng như thế nào? Sau một lúc chạy loạn xạ mà chẳng dẫn đến đâu, cô quay trở lại căn phòng trung tâm, định ép vợ chồng này dẫn cô xuống tầng một. Nhưng cả hai người đều đã biến mất.

    Còn đang bối rối, đã thấy một con chuột chạy đến cắn chân cô. Mỹ Hạnh dậm chân đuổi nó đi, nhưng con chuột này giống như hóa điên, cứ một mực nhao vào cắn. Thông thường chuột sợ người, còn phụ nữ lại sợ chuột. Ngày hôm nay cả hai trường hợp này đều không xảy ra. Mỹ Hạnh cầm cây gậy quật một phát giống như người ta đánh golf, con chuột văng vào tường chết không kịp ngáp.

    Xác con chuột đầu tiên còn đang dính vào tường chưa kịp rơi xuống, con chuột thứ hai đã xuất hiện. Con này cũng hành xử quái dị y như con chuột thứ nhất, không vì mình bé nhỏ mà sợ hãi, cứ lao vào cắn ngón chân của Mỹ Hạnh. Mỹ Hạnh nổi đóa, lại vụt tiếp cú nữa. Con chuột thứ hai chịu chung số phận với con chuột thứ nhất.

    Mỹ Hạnh nghe thấy những tiếng chít chít vang lên liên hồi, vội quay đầu lại nhìn, thấy xung quanh cái bể thủy tinh chứa đầu lâu của Hùng Thành và Tử Thập Liên Hoa lúc này có tới mười con chuột đang vây quanh, giống như chúng bị cây hoa này hấp dẫn vậy. Chúng bám quanh cái bể thủy tinh nhưng không dám trèo vào bên trong. Chúng vừa bâu xâu quanh cái bể vừa nhìn cô với ánh mắt thù địch, giống như chúng sợ cô sẽ cướp mất cây hoa của chúng.

    Từ các cánh cửa, chuột đổ về ngày càng nhiều. Những con chuột này không giống chuột cống thông thường mà dường như được ai đó nuôi nhốt nên sạch sẽ và kích thước cũng hết sức to lớn. Chúng vây quanh cây hoa một cách vừa nhốn nháo vừa trật tự, nghĩa là chúng trèo lên người nhau, nhung nhúc như một bầy mối, mà lại không cắn nhau và cũng không dám mạo phạm đến bên trong cái bể.

    Mỹ Hạnh nhớ lại những điều Ngạn nói, hiểu rằng cây hoa màu tím mười cánh kia là căn nguyên của mọi vấn đề. Bất kể lão nói thật hay bịa đặt thì việc đầu tiên cô cần làm là tiêu hủy cây hoa để làm đẹp cho đời. Cô cầm gậy bước đến, đàn chuột ùa lên tấn công cô. Cô quật gậy lia lịa, xác chuột chất thành đống trên sàn nhà, máu tươi bắn phọt tung tóe, bám cả lên chân, lên quần cô. Những con chuột ra sức cắn chân Mỹ Hạnh nhưng cô mặc kệ. Cô giống như viên chiến tướng lấy một địch trăm, anh dũng không kẻ nào cản lại được.

    Từ phía ngoài, con Chuột bước vào, cái miệng nhe ra, phô hàm răng trắng ởn. Mỹ Hạnh vốn đã ghét nó, lúc đấy tức giận quát:

    - Mày nuôi chuột phải không?

    Con Chuột rít lên:

    - Mày phải chết.

    Nó nói rất chậm và lơ lớ như người đang học nói. Không đứa trẻ mười tuổi nào, trừ trường hợp bị tật nguyền, lại phát âm kém đến thế.

    Mỹ Hạnh cười nhạt:

    - Ồ, cô em họ của tôi nói được tiếng người rồi à? Sao mày không chít chít nữa đi?

    Trước sự kinh hoàng của Mỹ Hạnh, toàn thân của đứa trẻ run bắn, những tia sáng màu trắng phát ra từ làn da của nó tựa như phần cơ thể bên trong đã trở thành một lò điện tỏa ra năng lượng cực cao. Lưng nó thấp xuống và dài ra hai bên theo chiều ngang, đầu nhỏ lại, tóc hóa thành lông, miệng dài và nhọn, răng cửa dài ra. Da nó từ trắng hóa đen, trở thành một con chuột lông đen có kích thước của một con chó.

    Mỹ Hạnh sợ rủn cả người. Cô cứ ngỡ mình nằm mơ. Cô không biết rằng chuột là loài vật thủ hộ cho Tử Thập Liên Hoa. Con Chuột này đã bảo vệ cho cây hoa chứa hồn vía của Hùng Thành trước các loài gặm nhấm khác không cho kẻ nào phá hoại, nhờ lòng trung thành và mẫn cán mà được Hùng Thành phong làm Thử Hộ pháp. Lại được uống mật hoa mười năm một lần nên trường thọ. Nó đã sống hơn hai nghìn hai trăm năm, có thể biến thành hình người. Biến hình là phép thuật cao cấp, phải có cơ duyên mới học được.

    Lúc Ngạn tìm được cái hang động bí ẩn ấy, Hùng Thành biết rằng người này tất có ích, bèn kết nạp Ngạn làm thủ hạ. Thử Hộ pháp đóng giả làm con gái của Ngạn, sống chung trong căn nhà của hai vợ chồng.

    Mỹ Hạnh thấy con Chuột to quá, chắc phải nặng vài chục cân, lại nhanh như sóc. Cô tự biết mình không phải đối thủ, vội quay đầu bỏ chạy. Lúc này chuột con vẫn đang ùa vào, cô chạy ngược lại hướng của đàn chuột, vậy mà thoát được mê cung, chạy ra cầu thang. Mỗi cú nhảy của cô vượt qua năm sáu bậc một lúc, trong nháy mắt đã tới được tầng một.

    Chìa khóa trong tay, chỉ cần chạm được cánh cửa là có cơ may thoát ra ngoài. Khi ấy cái nhà quỷ dữ này không thể tiếp tục ám cô được nữa.

    Cánh cửa đã ở ngay trước mắt. Khoảng cách tính bằng mét. Ráng thêm vài bước chân nữa là chạm được vào. Đúng lúc ấy Ngạn từ bên hông lao tới, húc Mỹ Hạnh ngã nhào xuống sàn. Cây gậy gỗ văng tít ra xa. Loan cũng chạy tới, cầm sợi dây thừng trên tay, giúp chồng trói nghiến cô lại. Vốn Ngạn là đàn ông, cao hơn, nặng hơn, nếu hai người chỉ có tay không thì Mỹ Hạnh không bật lại được.

    Vợ chồng Ngạn dùng dây thừng trói chân trói tay Mỹ Hạnh. Cô chửi bới chúng mà chúng cứ làm ngơ giả điếc. Ngạn lấy băng dính bịt kín mồm của cô khiến cho lời nói của cô trở thành tiếng ú ớ.

    Ngạn bế bống Mỹ Hạnh lên tầng ba. Lão ném cô xuống sàn nhà, ở ngay trước cái đầu lâu, đoạn dùng một con dao cực sắc cắt một miếng rất sâu trên cánh tay của cô để lấy máu cho vào một cái cốc thủy tinh. Lúc ấy vừa khéo đã bảy giờ sáng, thời điểm đánh dấu Mỹ Hạnh mười tám tuổi và cũng là độ chín tinh thần của cô. Ngạn đổ cái cốc thủy tinh chứa máu của Mỹ Hạnh lên một trong mười cánh của cây Tử Thập Liên Hoa. Cánh hoa đang héo quắt bỗng run lên một cách dữ dội, màu tía trên cánh hoa đậm hơn và phát ra ánh sáng kèm theo hương thơm ngào ngạt.

    Từ trên cánh hoa tỏa ra những làn khói trắng mờ nhạt. Làn khói ấy hướng về phía Mỹ Hạnh, xâm nhập vào người cô qua da thịt. Mỹ Hạnh muốn kêu lên mà không thể nào phát thành tiếng. Cô cảm thấy từ khi làn khói ấy xâm nhập vào bên trong cơ thể, sức sống trên người cô dần bị hút cạn, linh hồn cô tựa như bị khống chế và ăn mòn. Đôi mắt của cô mờ dần cho đến khi tắt hẳn.

    Cơ thể của Mỹ Hạnh héo quắt, bẹp dí, chỉ còn lại da bọc xương. Những làn khói trắng bay ra. Lần này chúng không còn mờ nhạt như trước mà đã trở nên đậm nét đến mức dường như có màu xám. Làn khói xám ấy trở về, quẩn quanh bên cây Tử Thập Liên Hoa, tạo thành hình một người đàn ông nhỏ xíu không có mặt mũi đứng trên cành hoa nhỏ máu của Mỹ Hạnh.

    Người đàn ông cúi xuống, nhìn cơ thể được tạo thành từ khói của mình, cất giọng khàn khàn đầy quái dị:

    - Hơn hai nghìn năm sống trong Tử Thập Liên Hoa, cuối cùng ta đã có thể bước ra ngoài để ngắm nhìn trời đất. Ha ha ha ha.

    Thử Hộ pháp vẫn trong hình dáng của con chuột quỳ mọp xuống sàn nhà, sợ hãi không dám ngẩng đầu lên nhìn chủ nhân, trong khi vợ chồng Ngạn – Loan hồ hởi nói:

    - Chúc mừng Hoàng tử đã hồi sinh.

    - Cái này chưa tính là hồi sinh được. Nó chỉ là một phần linh hồn yếu ớt của ta mà thôi. Ta chẳng thể làm gì được với nó. Nhưng mọi thứ đều có sự khởi đầu.

    - Vâng, Hoàng tử dạy chí phải.

    - Linh hồn con bé này là chất dinh dưỡng tuyệt hảo, hơn hẳn con gái nhà ngươi. Ta muốn các ngươi chôn cất con bé tử tế.

    Ngạn nói với vẻ khó khăn:

    - Điều này.. thưa Hoàng tử, liệu có thực sự cần thiết không? Theo thần, tốt nhất là nên đốt xác nó đi, chứ giữ lại nhỡ bị người ta phát hiện thấy thì phiền lắm.

    Hùng Thành gằn giọng:

    - Ngươi cãi lời ta sao?

    - Thần không dám, thần chỉ muốn nêu ý kiến.

    - Ai cho ngươi được quyền nêu ý kiến? Tên tiện dân hèn hạ này, vừa lập được chút công cán đã không coi chủ nhân ra gì.

    Không thấy Hùng Thành trong hình hài sương khói làm gì, mà cơ thể của Ngạn đã đổ sụp xuống đất. Lão ôm đầu, con ngươi trợn ngược như muốn lồi ra khỏi tròng, toàn thân lông tóc dựng đứng. Lão cảm thấy như có muôn ngàn mũi kim châm đâm vào đầu, tạo nên cơn đau tê tâm liệt phế. Từ khóe miệng máu bắt đầu rỉ ra. Chỉ thêm chút nữa thôi chắc vỡ não mà chết.

    Loan vội quỳ xuống cầu xin cho chồng:

    - Xin Hoàng tử tha tội. Chúng thần nhất định sẽ chôn cất con bé tử tế.

    - Vậy thì mau làm đi, còn chần chừ gì nữa?

    Ngạn được giải khỏi cuộc tra tấn, vội lồm cồm bò dậy, mặt cắt không còn giọt máu nào. Lão vừa vái lạy như tế sao, vừa bế xác của Mỹ Hạnh đi theo hướng lùi ra đằng sau cửa, rồi sau đó ba chân bốn cẳng mang xác cô đem chôn ở vườn nhà.
     
    Hoa Nguyệt Phụng thích bài này.
  9. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Tập 2: GIẤC MƠ KỲ LẠ

    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nguyễn Tuấn Trung bất thần thức dậy giữa đêm, trong ngực dậy lên một nỗi sợ hãi mơ hồ. Anh thấy vợ là Bùi Thu Hòa đang nằm đối diện, nhìn mình trừng trừng. Giữa bóng tối, đôi mắt của cô mở to hết cỡ, bao lâu không chớp.

    Trung cố nói với giọng bình tĩnh:

    - Em lại mơ thấy ác mộng à?

    Mãi một lúc lâu sau Thu Hòa mới gật đầu.

    - Lần này em mơ thấy gì vậy?

    Thu Hòa thì thào đáp:

    - Em mơ thấy hai chúng ta đến một ngôi làng rất hẻo lánh và vắng vẻ. Xung quanh không một bóng người. Đang đi thì em lạc mất anh. Em đã rất hoảng sợ. Em chạy loạn lên, tìm mãi vẫn không thấy anh đâu.

    Mặc dù rất mệt mỏi và vẫn còn ngái ngủ, Trung vẫn khuyến khích cô kể tiếp để thể hiện sự quan tâm của mình.

    - Sau đó thì sao?

    - Cuối cùng em nghe thấy tiếng của anh vọng ra từ một ngôi nhà. Em mừng quá, vội chạy đến, thấy trong nhà trống rỗng nhưng có một cái cầu thang dẫn xuống dưới tầng hầm, em liền trèo xuống. Em nhìn thấy anh ngồi với một người rất lạ trông giống như làm bằng thạch vì cơ thể của ông ta rất mềm và cứ rung rinh. Người làm bằng thạch ấy nói gì đó với anh mà em không nghe thấy được. Anh thì cứ gật đầu liên tục. Em hét lên, gọi anh trở về, nhưng hình như anh không nghe thấy. Những người bằng thạch khác kéo ùa đến tóm lấy em và đưa em đi. Đúng lúc đó em tỉnh dậy.

    - Thật là một giấc mơ khác thường. Bây giờ em hãy quên nó và ngủ đi.

    Thu Hòa rúc vào tay chồng, nhắm mắt lại, nằm ngủ. Cô luôn có cảm giác yên tâm khi nằm bên cạnh chồng. Sự trưởng thành, bình tĩnh và quan tâm của anh làm cho cô cảm thấy được chở che và an toàn.

    Hai vợ chồng họ đã kết hôn được hai năm nhưng vẫn chưa có con, mà nguyên nhân chủ yếu là vì Thu Hòa chưa sẵn sàng. Cô có một chứng bệnh, gọi là bệnh "hay gặp ác mộng". Bệnh này không có trong y khoa, bác sĩ Đông y lẫn Tây y đều bó tay không chữa được, nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của vợ chồng cô.

    Đêm nào Thu Hòa cũng nằm mơ và cô luôn nhớ từng chi tiết của giấc mơ đó ngay cả khi đã tỉnh lại. Những giấc mơ có bối cảnh và nhân vật phụ rất đa dạng. Còn cô, đương nhiên, luôn là nhân vật chính trong giấc mơ của chính mình. Những giấc mơ khiến cho cô không bao giờ ngủ ngon, đến sáng thì cô hoàn toàn kiệt sức và không thể đi làm được. Vì thế mà từ khi lấy chồng cô đã bỏ việc và ở nhà làm nội trợ toàn thời gian. Rất may Trung giàu có và thành đạt nên có thể lo được cho cả hai người.

    Trung là bác sĩ giải phẫu nổi tiếng ở một bệnh viện đầu ngành. Anh thông minh từ bé, càng lớn càng trở nên xuất sắc. Trung đỗ thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra đại học Y, sau khi tốt nghiệp đã tìm được công việc tại bệnh viện tuyến trung ương mà không cần viện đến bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào. Ở bệnh viện anh được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu quý. Năm nay mới ba mươi ba tuổi Trung đã hoàn thành được tất cả các mục tiêu lớn của đời người là mua nhà, mua xe ô tô và cưới một người vợ xinh đẹp.

    Điều tiếc nuối duy nhất của Trung, đó là tuy anh làm bác sĩ mà không chữa được căn bệnh bí ẩn cho vợ.

    Thấy vợ ngày càng gầy rộc đi, Trung vô cùng đau xót.

    Một hôm, Thu Hòa đưa cho chồng xem một đoạn quảng cáo trên mạng xã hội. Đoạn quảng cáo ấy thuộc về một phòng điều trị tâm lý cho những người thường xuyên gặp ác mộng. Cam kết chữa trong năm ngày là khỏi hẳn.

    Trung cảm thấy nghi ngờ trước lời tuyên bố đanh thép của phòng khám.

    - Nghe có vẻ không đáng tin lắm.

    Thu Hòa thủ thỉ:

    - Họ bảo không lấy tiền nếu sau năm ngày mà những cơn ác mộng vẫn trở lại.

    - Đó chỉ là quảng cáo thôi. Em đừng tin quảng cáo.

    - Mình đi thử, có mất gì đâu? Mấy hôm nay em mơ thấy ác mộng nhiều quá, chỉ ngủ được đến hai giờ sáng đã tỉnh lại, sau đó thức suốt đêm.

    Trung thương vợ, lại thấy cô nói có lý, liền xin nghỉ làm một ngày để đưa vợ đi khám.

    Phòng khám nằm ở một con phố nhỏ bé, khuất sau một cái nhà khác, Trung phải vòng đi vòng lại mới tìm ra được. Vừa nhìn thấy cơ sở vật chất tồi tàn, anh đã muốn đưa vợ về ngay, nhưng Thu Hòa tỏ ra rất phấn khích.

    - Anh mau tìm chỗ đỗ xe rồi mình lên thôi.

    Phòng khám này chỉ có một người duy nhất, vừa làm bác sĩ vừa kiêm luôn bảo vệ trông xe và pha trà rót nước. Trung thấy thế, trong bụng ngao ngán không biết thế nào mà kể.

    Người bác sĩ tên là Đạo, tuổi đã già, đầu hói hết cả. Ông ta chào đón hai vợ chồng với vẻ hồ hởi.

    - Mời ngồi. Có phải chị này tên là Bùi Thu Hòa không?

    Thu Hòa đáp:

    - Vâng ạ.

    - Chị bị chứng hay mơ thấy ác mộng?

    - Dạ đúng.

    - Vậy thì chị tìm đúng chỗ rồi. Tôi có thể khẳng định một điều rằng ở Việt Nam và có lẽ trên toàn thế giới tôi là bác sĩ chuyên khoa duy nhất về căn bệnh này.

    Trung hỏi:

    - Xin hỏi chú, chú tốt nghiệp trường đại học nào, khoa nào, và đã từng hành nghề ở đâu rồi?

    Ông Đạo đáp với vẻ khinh khỉnh:

    - Trường đại học chỉ là chỗ dành cho mấy thằng ngu mà thôi. Đẳng cấp của tôi vượt xa mấy thằng giáo sư, tiến sĩ vớ vẩn.

    Trung đang học tiến sĩ y khoa, nghe vậy nóng mặt lắm rồi. Nhưng thấy vợ vẫn ngồi im lắng nghe với vẻ đầy hy vọng liền không nỡ sỉ nhục thẳng mặt tên lang băm này mà chỉ nhỏ nhẹ bảo.

    - Chỗ này không đáng tin cậy. Mình về thôi em.

    - Anh, mình vừa đến sao lại về? Ở lại nghe nốt đã.

    - Chẳng lẽ em còn không thấy chú đây chả học hành gì, có lẽ chỉ tự suy luận rồi cho là mình đúng. Anh không thể để cho ông ta mê hoặc em được.

    - Anh còn chưa nghe phương pháp của chú ấy mà.

    Trung hai lần đứng lên, cả hai lần đều phải ngồi xuống vì Thu Hòa vẫn ngồi im không nhúc nhích. Ánh mắt cô nhìn anh với vẻ hờn dỗi.

    - Lúc nào cũng tự cho mình là nhất, không bao giờ quan tâm đến ý kiến của người khác. Anh giỏi nhưng chỉ giỏi trong lĩnh vực phẫu thuật thôi chứ có biết các lĩnh vực khác không? Anh có sửa được máy tính không? Có biết nấu cơm không? Có biết nắn xương chỉnh hình không?

    Trung bị vợ nói cho một tràng, chỉ biết cười trừ.

    Vợ anh dạo này có lẽ do mất ngủ quá nhiều mà sinh ra gắt gỏng. Trung không muốn cãi nhau rồi lại sinh ra hục hặc.

    - Không biết phương pháp của chú là thế nào?

    Ông Đạo dẫn hai vợ chồng vào phòng trong, ở đó có hai cái giường được đặt song song với nhau. Ngoài ra chẳng còn gì nữa hết.

    - Phương pháp của tôi tuy thập phần đơn giản mà trên thế giới này không ai làm được. Các bạn có biết tại sao không? Đó là vì không ai khác ngoài tôi ra có năng lực kỳ lạ là kết nối được tâm linh của hai người đang ngủ. Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng mơ thấy ác mộng triền miên là do bệnh nhân thường xuyên lo lắng vì một lý do nào đó, có thể là do cuộc sống quá căng thẳng áp lực, bị người khác chửi bới, bị mất phương hướng, nhưng lúc nãy tôi nghe chị Thu Hòa thuật lại thì có vẻ các nguyên nhân này đều không phải, chắc hẳn là còn một nguyên nhân khác mà tôi chưa nghĩ ra. Cách duy nhất để khám phá ra căn nguyên căn bệnh là phải có ai đó bước vào thế giới mộng du của chị Hòa, bởi vì chính chủ không thể thấy hết các góc khuất trong giấc mơ của mình.

    Trung bật cười:

    - Chú đang nói đùa đấy à? Đời thủa ai lại bước được vào giấc mơ của người khác?

    - Anh cứ cười đi. Để lát nữa xem tôi có nói đúng không. Bây giờ hai người nằm trên hai cái giường này, cố gắng chìm vào giấc ngủ. Khi hai người ngủ rồi tôi sẽ dẫn dắt tâm trí anh thâm nhập vào tâm trí của vợ anh.

    - Bằng cách nào?

    - Bằng cách đặt đồng thời tay lên trán của hai người và dùng tinh thần của tôi làm vật dẫn.

    - Trời đất ơi, Thu Hòa, em không tin vào người này chứ? Ông ta là một kẻ dối trá mạt hạng, chẳng trách không ai thèm đến đây khám.

    Trung còn đang thuyết phục vợ, thì Thu Hòa đã cởi giầy, trèo lên giường. Cô nằm xuống, hai tay xuôi theo thân người, nói:

    - Chú Đạo, phiền chú giúp cháu.

    Ông Đạo giương mắt ra nhìn Trung với vẻ giễu cợt. Trung không biết làm thế nào, đành chậm chạp cởi giầy, nằm lên chiếc giường song song với chiếc giường của vợ.

    - Bác sĩ Đạo, nếu có bất kỳ điều gì không hay xảy ra, thì hãy tin chắc rằng chú sẽ phải chịu toàn bộ hậu quả.

    - Xin hãy yên tâm. Tôi đã thực hiện nghi thức này nhiều lần, cho đến nay chưa từng để xảy ra bất kỳ hậu quả nào hết. Còn bây giờ, phiền anh hãy tự làm cho mình ngủ đi, bởi nếu anh không ngủ thì tôi sẽ không thể giúp gì được.

    Trung nằm trên giường, hai mắt nhắm nghiền, mãi vẫn không ngủ được. Ở bên cạnh, vợ anh đã nằm im được một lúc. Hơi thở của cô đều đặn, xem ra ngủ mất rồi.
     
    Hoa Nguyệt PhụngLieuDuong thích bài này.
  10. Vũ Khúc

    Bài viết:
    113
    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trung nằm mãi rồi cũng thiếp đi.

    Anh mở mắt ra, thấy mình đang ở trong một không gian rộng lớn mênh mông không thấy điểm dừng, bầu trời tối đen mà xung quanh là biển lửa sôi trào tựa như dưới mười tám tầng địa ngục. Nhiệt độ nóng bỏng, ngay cả đất đai cũng bị thiêu cháy.

    Vốn là người cực kỳ gan dạ dũng cảm mà lúc ấy Trung cũng sợ toát mồ hôi. Anh quay đầu sang, không thấy vợ mình đâu cả, vội thét gọi tên cô.

    Giọng ông Đạo vang lên:

    - Cứ bình tĩnh, anh đang ở trong giấc mơ của cô ấy thôi.

    Trung thấy tiếng mà không thấy người, vội quay tứ phía để tìm.

    - Chú đang ở đâu?

    - Tôi đang đứng từ bên ngoài để quan sát hai người. Yên tâm, nếu có chuyện gì xảy ra tôi sẽ lập tức ngắt mạch và thần trí anh sẽ trở về cơ thể của anh.

    - Điều này thật kỳ lạ. Mọi thứ đều thật kỳ lạ. Năng lực của chú và giấc mơ của cô ấy. Nhưng sao nó khủng khiếp thế này?

    - Làm sao tôi biết được? Hãy tìm vợ anh đi, tôi đã quan sát mà không thấy cô ấy đâu cả.

    Xung quanh chỗ Trung đứng chỗ nào cũng thấy lửa. Anh nghĩ thầm không biết trong giấc mơ mình có bị bỏng không, liền đưa tay chạm vào một tai lửa, lập tức cảm thấy cơn đau lan tràn trên bề mặt da, vội vàng lùi lại.

    Cảm xúc này chân thật quá đỗi, không thể phân biệt được với thực tại.

    Trung chọn con đường duy nhất chưa bén lửa, cứ thế vòng vèo tiến lên, đi mãi mà vẫn không thấy Thu Hòa đâu cả.

    Thời gian trong giấc mơ dường như không tính bằng giờ phút như lúc tỉnh thức. Nó trôi theo một nhịp điệu riêng, không tương ứng với dòng chảy thời gian trong thế giới thực.

    Trung hỏi:

    - Nếu cháu không tìm thấy Thu Hòa thì sao? Điều gì sẽ xảy ra?

    Tiếng nói của ông Đạo vang vọng đáp lại:

    - Chẳng sao hết. Anh và vợ anh sau đó sẽ thức tỉnh, nhưng như vậy thì vợ anh vẫn mắc chứng hay gặp ác mộng. Cách chữa khỏi duy nhất là tìm được vợ anh và đưa cô ấy ra khỏi cơn ác mộng này, giải trừ tâm bệnh cho cô ấy.

    Trung nhìn biển lửa trập trùng, hỏi:

    - Làm thế nào mà tìm được đây?

    Nói vậy nhưng anh vẫn tiếp tục tiến lên. Ngọn lửa bốc càng lúc càng cao, biến thành một bức tường lửa chẹn đường. Bức tường lửa dài đến hàng chục cây số, phóng hết tầm mắt cũng không nhìn thấy điểm cuối. Trung đứng yên một chỗ, không muốn quay lại nhưng cũng không thể tiến lên được. Ngọn lửa bén về phía anh, thiêu đốt quần áo trên người. Trung xé rách áo vứt xuống đất. Lửa lại bén lên tóc, làm cháy da thịt.

    Tiếng của ông Đạo vang lên:

    - Thôi, hôm nay ngừng ở đây.

    Trung choàng tỉnh, mồ hôi chảy đầm đìa khắp người. Anh ngoảnh đầu sang, thấy Thu Hòa cũng đang co giật, một lúc sau mới tỉnh lại, ánh mắt đầy vẻ mê man.

    Trung vội hỏi:

    - Em thế nào rồi?

    Thu Hòa thì thào:

    - Em lại nằm mơ thấy ác mộng.

    - Ác mộng ấy là một biển lửa à?

    - Vâng, đúng vậy. Em đã chờ anh đến, nhưng anh mãi không đến.

    Trung cười gượng:

    - Anh tìm em khắp nơi mà không thấy đâu cả.

    Nói rồi anh quay sang ông Đạo, hỏi:

    - Bây giờ phải làm thế nào đây ạ?

    Từ chỗ khinh thường ông Đạo là bác sĩ giả cầy, lang băm, Trung bây giờ thành thực tin và nghe lời ông Đạo.

    Ông Đạo nói:

    - Ngày mai hai người trở lại đây. Chúng ta kết nối tâm trí nhau lần nữa.

    Ngày hôm sau Trung lại xin nghỉ làm ở bệnh viện để đưa vợ đi khám. Ông trưởng khoa xem chừng khá phiền lòng, chỉ có điều ông biết chứng bệnh kỳ lạ của vợ Trung và căn bệnh đó ảnh hưởng đến gia đình cậu bác sĩ trẻ này ra sao nên cũng đành tặc lưỡi chấp nhận.

    Ngày thứ hai điều trị. Lần này Trung và Thu Hòa đã có kinh nghiệm rồi nên hai người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say.

    Trung thấy mình trở lại không gian mênh mông bị biển lửa vây khốn. Anh chậm rãi quan sát, thấy đích thực không còn con đường nào khác ngoài việc đi lại con đường ngày hôm qua. Anh tiến lên trên con đường ấy với sự kiên định đã trở thành phẩm chất con người anh, ngay cả trong giấc mơ cũng không hề dao động.

    Đi được một quãng, bức tường lửa hôm trước lại một lần nữa hiện ra, dài cả ngàn dặm, nhìn không thấy đầu cuối. Trung đứng trước bức tường lửa, tìm cách vượt qua nó, nhưng mấy lần xông pha đều bị hơi lửa nóng bỏng đẩy ngược trở lại, cho dù một mét cũng không thể tiến lên được.

    Anh cảm thấy cực kỳ sốt ruột, muốn tìm cách khác, nhưng biển lửa mênh mông vô tận. Trong lúc do dự, lửa đã lan tràn đến chỗ anh đứng. Lửa chẳng những chặn đường tiến mà còn chẹn cả đường lùi. Một lần nữa ngọn lửa đỏ nuốt chửng anh, khiến ông Đạo phải đưa anh ra khỏi giấc mơ.

    Trung ngồi dậy, mệt mỏi và tuyệt vọng. Anh nhìn vợ, thấy vẻ mặt thất thần của cô, trong lòng đầy nỗi hổ thẹn.

    Buổi đêm hôm đó Thu Hòa chỉ ngủ được đúng hai tiếng. Sáng ra cô đứng trước gương, nhổ mấy cọng tóc bạc.

    - Anh xin lỗi. – Trung nói, giọng nghẹn lại.

    Thu Hòa lắc đầu:

    - Anh nào có lỗi gì đâu.

    Nhưng cô nói câu ấy với vẻ chán chường chứ không khích lệ chút nào.

    - Anh biết em mơ thấy gì không?

    - Em nói đi.

    - Em mơ thấy mình bị lửa thiêu chết. Rất chậm rãi. Cảm giác lúc đó thật tồi tệ.

    Hai vợ chồng không nói thêm câu gì khi Trung lái xe chở vợ đến phòng khám. Những cuộc gọi từ bệnh viện vang lên dồn dập nhưng anh không quan tâm.

    Trong ngày thứ ba, vừa vào giấc mơ, anh đã chạy như điên theo con đường cũ, hy vọng sẽ vượt qua bức tường lửa trước khi nó kịp hình thành. Anh chưa bao giờ chạy nhanh và tốn sức như vậy kể từ thời sinh viên cách đây đã mười năm rồi. Chân của anh mạnh mẽ dẫm lên nền đất nóng bỏng, bất chấp các tổn thương mà nó gây ra, càng chạy càng nhanh. Cách làm này giúp anh vượt qua vị trí của hai ngày đầu tiên được mười mét, nhưng ngọn lửa cuối cùng đã bắt kịp anh và nhấn chìm anh trong những lưỡi lửa khủng khiếp bốc cao đến tận trời.

    Lúc bị ông Đạo kéo khỏi giấc mơ, Trung hét lớn:

    - Cháu đã nhìn thấy điểm cuối của con đường ấy. Chỉ cần chạy thêm được mười mét nữa thôi là vượt được bức tường lửa để tới điểm cuối của con đường. Bức tường lửa dài vô tận nhưng không rộng vô tận. Cháu có thể đánh bại được nó.

    Ông Đạo lắc đầu:

    - Anh tưởng vậy thôi. Chỉ cần bị lửa bắt kịp anh sẽ bị thiêu cháy.

    - Nhưng thiêu cháy thì sao? Nó chỉ là một giấc mơ, nó không thể gây tác hại gì đến cho cháu.

    - Anh nhầm rồi. Nếu anh bị thiêu cháy trong giấc mơ của vợ anh thì anh sẽ bị tổn thương tinh thần vĩnh viễn, nhẹ thì mắc chứng bệnh y như của cô ấy, nặng thì có thể bị tâm thần.

    Trung lắc đầu, không tin:

    - Thật vớ vẩn. Làm sao mơ lại hóa điên được?

    - Xin anh hãy tin tôi. Tôi đã kết nối cho hàng trăm người, đã trải qua nhiều chuyện, kiến thức và kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực này hơn anh rất nhiều, tôi biết đâu là giới hạn cho tinh thần của một người khi can dự vào giấc mơ của người khác. Những gì anh trải qua trong đầu của cô ấy nếu không bị ngăn chặn kịp thời sẽ để lại các tổn thương không thể khắc phục cho tinh thần của anh. Nhiều người cũng tự tin như anh và họ đều phải chịu hậu quả. Tôi sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra một lần nữa.

    Trung nhìn vợ, thấy cô dường như già đi mấy tuổi so với ngày hôm qua, trong lòng đau xót khôn tả.

    Buổi tối hôm đó Thu Hòa lại chỉ ngủ được đúng hai tiếng. Bản thân Trung tuy mệt mỏi đến thế mà cũng ngủ không yên giấc. Đến hai giờ sáng, tỉnh dậy, thấy vợ nhìn mình trân trối, anh liền tìm cách an ủi cô, nhưng dường như cô không chú tâm nghe lời anh nói.

    Trung ngồi hẳn dậy, đi ra sân vườn để hút thuốc đến tận sáng.

    Ngày thứ tư, Trung tắt điện thoại để không phải nghe những cuộc gọi thúc giục từ phía bệnh viện. Anh lái xe chở vợ đến phòng khám của bác sĩ Đạo.

    Ông Đạo thấy ánh mắt dữ dội của Trung, không khỏi lo lắng.

    - Có lẽ chúng ta không nên tiếp tục tiến hành nữa.

    - Bác sĩ, hãy làm đi thôi. Phải theo việc này đến cùng.

    Vừa bước vào giấc ngủ, Trung đã ra sức chạy về phía bức tường lửa. Lần này anh chạy nhanh hơn cả hôm qua, đến nơi trước khi nó kịp hình thành. Anh càng gồng mình lên chạy nhanh hơn, lúc vượt qua được vị trí của ngày đầu tiên mười lăm mét thì ngọn lửa bắt kịp anh.

    Những lưỡi lửa bỏng rát làm quần áo anh bốc cháy. Trung ráng sức kêu lên:

    - Chú Đạo, chú không được can thiệp vào việc này.

    - Anh phải thức dậy ngay lập tức.

    - Không, chú không được ngắt kết nối giữa cháu với cô ấy. Chú chỉ việc đứng nhìn.

    Trung tiếp tục cất bước, lửa thiêu đốt xong quần áo bên ngoài, bắt đầu bén lên da thịt. Những lưỡi lửa ngấu nghiến cơ thể anh, đốt mỡ cháy xèo xèo, nhỏ thành những giọt mỡ rơi xuống, chưa kịp chạm đất đã hóa hơi bay mất. Tóc của anh bị thiêu trụi, lưỡi lửa liếm lên mặt. Trung vẫn trợn mắt tiến lên. Khoảng cách chỉ còn lại vài mét nữa mà như vô tận.

    Ông Đạo gầm thét:

    - Anh điên rồi, dừng lại ngay. Kệ anh, tôi sẽ đưa anh ra khỏi tâm trí của vợ anh.

    Nói rồi, một tia sáng chợt xẹt ngang, Trung choàng tỉnh, thấy ông Đạo đang nhìn anh với vẻ kinh hãi.

    Gương mặt Trung xám ngoét, biểu lộ những tổn thương tinh thần mà người bình thường cũng có thể nhận ra được ngay.
     
    Hoa Nguyệt PhụngLieuDuong thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...