Tên truyện: Thương nhớ Hoàng Lan Thể loại: Truyện ngắn Người review/ cảm nhận: Tô Thủy Hoa hoàng lan biểu trưng cho sức sống mạnh mẽ, kiên cường. Mùi hoàng lan thơm ngát giắt lên mái tóc người thiếu nữ lại vấn vít trong những câu chuyện tình vừa trong sáng, vừa thiết tha, vừa hoài niệm vừa tĩnh tại. Nếu "Dưới bóng hoàng lan" của Thạch Lam kể về câu chuyện tình của "chàng" với cô gái quê đằm thắm, trong những kỉ niệm chưa bao giờ cũ, nơi quê hương và tình yêu là bến bờ vỗ về, tưới dịu tâm hồn con người và hứa hẹn hạnh phúc đời thường thì "Thương nhớ hoàng lan" của Trần Thùy Mai lại chan chứa những suy tư về đạo và đời, đạo và tình, ăm ắp những xúc cảm, những trăn trở rất chân thành, sâu sắc của nhân vật trong tư cách là "con người" thực thụ. Nhà văn Trần Thùy Mai là người con của xứ Huế đằm thắm, dịu dàng, xứ Huế chứng kiến bao câu chuyện lịch sử, chứng kiến sự phát triển và lan tỏa của Phật giáo trong cộng đồng người Việt. Nhà văn là người cùng thời với Lý Lan (dịch giả của Harry Poter), thuộc thế hệ những cây bút trưởng thành ở hậu chiến. Với Trần Thùy Mai, viết văn giúp "vượt qua giới hạn chật hẹp của chính mình, thương người hơn và cũng thương mình hơn..". Các tác phẩm của nữ nhà văn diễn tả thấm thía những nỗi đau bẽ bàng của người phụ nữ trong tình yêu, bày tỏ nỗi khát khao hạnh phúc cháy lòng cất lên từ những rào cản định kiến, những hoàn cảnh trớ trêu. Câu chuyện kể về bi kịch nối dài của "cha tôi" ở chính cuộc đời nhân vật "tôi", đó là việc lựa chọn đường tu hành nhưng lại vướng vào tình yêu tục lụy. Cha nhân vật "tôi" từng là một người tu đạo hạnh nhưng khi sắp được phong Đại Đức thì bị thu hút bởi một cô nữ sinh đầy cá tính, đam mê rồi rơi vào "lưới tình". "Tôi" được sinh ra nhưng người cha vẫn không từ bỏ đạo mà đem đạo về đời, mặc kệ lời ra tiếng vào của người đời, vẫn để đầu trọc, vẫn chuyên chú đọc kinh. Người mẹ bỏ đi, cây hoàng lan về mối tình với mẹ trong vườn của cha bị chặt bỏ, nhân vật "tôi" cũng nguyện xuất gia, đến tu hành ở Bích Vân am. Nhưng rồi "tôi" lại gặp Lan- con gái của ông chủ tịch hội buôn hoa, đến chùa xem chú tiểu tưới hoa. Hai đứa trẻ dần thân thiết, gắn bó với nhau. Chú tiểu đặt cho Lan cái tên là Tinh Khôi tượng trưng cho vẻ xinh đẹp, trong trắng. Nhưng Lan chờ mãi ở quán Tím trên đường đi học, chờ mãi những lá thư hồi âm, chờ mãi tình cảm của chú tiểu mới biết là mình bất lực. Chú tiểu cũng bị dày vò trong trăn trở về đạo và tình, về thế giới rộng lớn và một sinh linh nhỏ bé để thương yêu. Cuối cùng, Lan chọn cách lấy chồng thật xa để giữ trọn con đường đạo cho người mình thương, gửi lại hạt giống hoa hoàng lan mà cô biết là chú tiểu yêu quý nhất. Chú tiểu khóc nghẹn ngào khi biết thư Lan rồi cùng sư phụ trồng xuống mầm hoàng lan. Từ đó, hoa nở vàng ươm, thơm ngát. Chú tiểu thôi nhớ thương. Truyện có rất nhiều những chi tiết đẹp, đong đầy xúc cảm, suy tư. Hình tượng nhân vật và phát ngôn của nhân vật đều gợi cho ta rất nhiều suy nghĩ về Đạo, về đời, nhận thức về chính trái tim mình. Hành trình chú tiểu từ chỗ gặp gỡ Lan, thương mến rồi giúp đỡ, bảo vệ Lan, day dứt về tình cảm của mình đến việc thấu hiểu, buông thư quá khứ cũng là hành trình chăn trâu- chăn tâm của mỗi con người được mô phỏng trong "Thập mục ngưu đồ". Tư tưởng cốt lõi của truyện là suy tư về đời và đạo, về hành trình tìm đến chân- thiện- mĩ của con người: Con người không thể tìm đến đạo lớn bằng việc rũ bỏ sạch trơn những rung cảm trong trái tim mình, "gỗ đá có thành Phật bao giờ"; đó phải là hành trình dần dà thấu hiểu, bao dung cho tình cảm của mình, từng bước lìa bỏ cái tục lụy để đi đến tình cảm cao đẹp, rộng mở, không vướng mắc. Hình tượng cây hoàng lan vừa là biểu trưng của tình yêu thiết tha vi phạm cả cấm kị, vừa là biểu tượng của cái không, cái chân như, cái tỉnh giác. Ban đầu, cây hoàng lan trong ngôi chùa- ngôi nhà riêng của cha "tôi" bị người cô chặt bỏ vì cho rằng mùi hương của nó mang cái tà ác, hủy hoại cuộc đời con người. Nhưng đến cuối câu chuyện, cây hoàng lan lại được tái sinh qua hạt giống cô bé Lan để lại, được bao dung trồng xuống, tưới bằng nước giếng trong mát ở chùa theo lời vị sư: "Cỏ cây vô tội, sao mình không thể bao dung?". Chú tiểu Ninh sống theo con mắt hà khắc của mọi người, coi việc tu hành là phải vô tâm. Nhưng sao lạnh lòng, vô tâm khó quá, đọc bức thư Lan để lại mà chú òa khóc, chú vẫn sợ bị sư phụ phát hiện nên quay đi, né tránh. Vị sư lại vỗ về, "hãy cứ khóc đi con..". Chính sự bao dung, vỗ về đó mới là liều thuốc chữa lành tốt nhất, sự hướng đạo tốt nhất cho con người. Trong mỗi con người bao giờ cũng ẩn chứa "rồng phượng và rắn rết". Con người là sinh vật chênh vênh giữa hai bờ thánh thần và con người đời thường với đầy rẫy những hỷ nộ ái ố, những yêu, những nhớ, những thương thường tình. Dù chọn hành trình tìm đến sự toàn thiện, toàn mỹ, con người không tránh khỏi việc vấp phải những vướng mắc của tình cảm, những sai lầm, những chua xót. Dù đau đớn, dù bi ai, đó mới là con đường con người đã chọn lựa và phải bước đi. Truyện ngắn đã thể hiện sự khám phá nhân văn và sâu sắc về con người. Đã qua rồi cái thời văn học miêu tả con người với thân phận chức năng: Ông Bụt thì mãi hiền dịu, dì ghẻ thì mãi mang tâm địa rắn rết. Văn học hiện đại khám phá con người trong bản thể toàn vẹn, vừa khát khao hướng thiện, vừa tha thiết yêu thương, vừa phạm lầm vừa khao khát được phạm lầm để rồi sửa chữa lỗi lầm. Nhà văn cũng không miêu tả nhân vật Lan theo cách nhìn thường tình của người đời, một ma nữ, một kẻ không hiểu chuyện quấy phá đời tu của người xuất gia. Nhà văn đã dùng ngòi bút bao dung, thương yêu của mình miêu tả cô bé với tấm lòng hy sinh cao cả. Cô luôn đợi chờ một ngày chú tiểu chấp nhận mình. Nhưng rồi cô quyết đi theo chồng Tây dù vẫn còn yêu một người tha thiết để giữ trọn con đường tu cho người đó. Vẻ đẹp nữ tính hiện lên ở tình yêu ấy, ở sự thấu hiểu và hy sinh ấy. Nhà văn đã bênh vực cho thiên tính nữ. Dù hai người không chung một con đường nhưng đã tôn trọng và chấp nhận, bao dung cho sự lựa chọn của nhau, nên không thể phủ định rằng, họ có một tình yêu thật đẹp. Tình yêu ở đây đã vượt lên giới hạn của nó, trở thành tình người. Có những chi tiết rất hay, rất đẹp trong truyện làm người đọc phải suy ngẫm về cái cá thể và cái bao quát mênh mông, một sinh linh và vũ trụ rộng lớn, ranh giới giữa đạo và đời. Người cha bỏ đạo theo tình của nhân vật "tôi" từng dõng dạc nói với sư phụ để bảo vệ cho tình yêu của mình: "Thầy dạy con tu hành để cứu chúng sinh. Nay con có thể cứu một sinh linh, sao lại khước từ?". Vậy thì giữa "chúng sinh" với "một sinh linh" mà mình yêu mến, đâu là cái trọng? Sau này, nhân vật tôi lại đặt ra câu hỏi: "Nếu để vào Niết Bàn mà phải đạp lên một chiếc lá thì Đức Phật có làm hay không?". Nhưng dường như, giá trị của mỗi điều, bên nào nặng bên nào nhẹ là ở tại lòng mình định đoạt. Lan từng hỏi chú tiểu: "Anh xem tu hành là chuyện sinh tử của anh. Vậy nếu em lại xem anh là chuyện sinh tử của em thì sao? Anh và em, ai trọn đường, ai bỏ cuộc?". Câu hỏi làm ta xúc động và trăn trở, đều là khát vọng chân chính, vậy ai là đáng được toại nguyện? Sự đời, người được kẻ mất là chuyện dường như tất yếu. Nhưng logic của tình yêu thương là người được, kẻ hy sinh. Câu hỏi về quyền được chọn, được yêu thương, được toại nguyện của con người dường như không có lời giải đáp, chỉ có vẻ đẹp của vầng trăng là soi sáng vằng vặc để mỗi người tự soi vấn trong mình. Tác phẩm "Thương nhớ Hoàng Lan" của nhà văn Trần Thùy Mai thực sự là một tác phẩm hay và còn lung linh bao điều chưa nói hết. Mỗi người chúng ta, trong hành trình tiếp nhận văn học, chuyển hóa mê ngộ của đời mình sẽ nhìn thấy ở tác phẩm những vẻ đẹp khác nhau. Nói văn học bất tử nhờ trụ vào tình yêu thương, nhờ khắc khoải hướng về cái chân- thiện- mĩ cũng không phải là vô căn cứ.