Nhiều người trong chúng ta vẫn luôn lấy câu thơ của Tố Hữu làm lẽ sống: "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" và quả thật, cuộc sống này luôn hoạt động dựa trên nguyên tắc cho và nhận mà cả ngàn đời nay đều không thể thay đổi. Đây là 1 lối sống cao đẹp, thể hiện tinh thần cống hiến và trách nhiệm của con người. Cho đi là khi ta san sẻ, trao tặng những điều tốt đẹp đến với xã hội mà không tính toán chi li thiệt hơn. Người biết cho đi là người có trái tim yêu thương, sẻ chia, biết đồng cảm với người khác và giúp đỡ khi có thể. Họ luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, hòa đồng với mọi người xung quanh và nhiệt tình trong các công việc chung của tập thể. Đôi khi, họ có thể hy sinh cả một phần cơ thể của mình để cứu giúp hoặc hiến tặng cho người khác. Chắc hẳn, chưa ai có thể quên câu chuyện cảm động của hai mẹ con bà Thảo - hai tình nguyện viên đi hàng trăm cây số đến các bệnh viện để hiến một quả thận của mình cho hai bệnh nhân đang chạy thận. Khi được hỏi lý do làm vậy, họ cười xòa "chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại 1 thứ hạnh phúc tinh thần nào đó." Hay cô bé Hải An trong những ngày tháng cuối đời chống chọi với căn bệnh u cầu não xâm lấn vẫn mong muốn được hiến giác mạc của mình, mang lại ánh sáng cho hai người kém may mắn khác. Qua đó, ta càng thêm trân trọng và cảm phục tấm lòng cao cả của những ng biết cho đi như họ. Đường đời không bao giờ bằng phẳng, những lúc ta đối mặt với khó khăn thử thách, một cái nắm tay thật chặt, một ánh mắt động viên, một sự giúp đỡ dù là nhỏ thôi cũng rất ấm áp và tràn đầy ý nghĩa. Như ai đó đã từng nói, cho đi hoa hồng, tay ta sẽ lưu lại dư hương. Khi rộng lòng sẻ chia, ta sẽ luôn nhận được 1 món quà tinh thần đặc biệt. Nó giúp tâm hồn ta thiện lương hơn, thanh thản phóng khoáng hơn, giúp ta nhận được sự yêu thương, quý mến và tôn trọng của mọi người. Không chỉ vậy, mỗi người sống trên đời đều là thành viên, tế bào của 1 gia đình, 1 xã hội, 1 quốc gia. Nếu ai cũng không có tinh thần đóng góp, bo bo giữ mình thì cộng đồng sẽ ngày một tàn lụi. Bên cạnh đó, "của cho không bằng cách cho", cho đi cũng phải bắt nguồn từ sự tự nguyện, vô tư, không vụ lợi, tính toán thì mới có ý nghĩa. Nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ những người mượn việc từ thiện để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu. Hay thậm chí có những bố mẹ lợi dụng lòng tốt của những người khách du lịch để bắt con mình đi ăn xin, coi con là lao động chính trong nhà và bỏ đói, ngược đãi nếu không xin đủ tiền. Rồi chúng ta không khó để bắt gặp những bạn trẻ sống ích kỷ, thờ ơ, chỉ biết đến mình, ngồi yên nhận về sự phục vụ của gia đình, xã hội mà không có thái độ trân trọng và báo đáp. Điều đó đáng bị chỉ trích và những người vô tâm như vậy cần khắc phục và mở rộng lòng hơn. Mỗi chúng ta hãy tích cực cho đi những gì mình có, sống tử tế và giúp đỡ người khác nhanh nhất khi có thể. Tuy nhiên, trước khi cho đi, ta cần phải tạo lập cho bản thân một giá tri nào đó, nếu không bản thân chúng ta chưa có gì, làm sao đủ dũng khí để cho đi? Có rất nhiều người làm việc bất chấp sức khỏe để kiếm tiền nuôi gia đình, hay lo lắng cho người khác mà bỏ bê bản thân. Họ cần biết rằng trân quý chính mình vẫn là điều kiện tiên quyết, và đôi khi ta cũng có quyền được hưởng thụ những giá trị mà mình đã từng kiên trì kiến tạo. Nhờ có biết bao thế hệ sống để cho đi, tồn tại để chiến đấu, hy sinh tính mạng dể bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc mà ta đã có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Thấm nhuần tinh thần cao đẹp đó, em luôn biết ơn cuộc đời và thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa, hoàn thành tốt nghĩa vụ học tập để có khả năng cống hiến cho Tổ quốc và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện của trường lớp, địa phương, lan tỏa lối sống "cho đi" đẹp đẽ này.