Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở châu Âu – cụ thể ở Pháp, khoa học có tham vọng bằng lý trí sẽ nắm bắt được tất cả sự thật của vũ trụ. Nhưng lý trí cuối cùng đành bất lực trước nhiều hiện tượng kỳ diệu của tâm linh, sự lung linh huyền bí của vạn vật. Tư tưởng duy lý mất sự tự tin, thì con người bắt đầu có xu hướng trở về với đời sống hồn nhiên của mình. Nảy nở trong hoàn cảnh đó, trường phái thơ tượng trưng mang hình hài như thế nào? Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về thơ tượng trưng và yếu tố tượng trưng trong thơ nhé. Nhiệm vụ của tổ 3 chúng tớ là phân tích một bài thơ có yếu tố tượng trưng nhưng trước khi chọn ra một bài thơ ấn tượng để chúng ta cùng phân tích, thì ta hãy tìm hiểu một chút về yếu tố tượng trưng trong thơ là gì nhé. I. Yếu tố tượng trưng trong thơ 1. Khái niệm - Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình là những chi tiết, hình ảnh cụ thể, gợi lên những ý niệm trừu tượng và giàu tính triết lý, đánh thức suy ngẫm của người đọc về bản chất sâu xa của con người và thế giới, có thể kết hợp cùng việc sử dụng những phép tu từ để truyền tải nội dung một cách ẩn ý, không trực tiếp. - Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình còn gắn với sự đề cao nhạc tính của thơ (sức gợi cảm của nhịp thơ, vần, thanh điệu) và sự tương giao giữa các giác quan (sự hòa hợp của các ấn tượng thính giác, thị giác, xúc giác). => Yếu tố tượng trưng là một trong những công cụ nghệ thuật quan trọng trong văn học, giúp tác giả truyền tải những ý nghĩa sâu xa, những cảm xúc phức tạp vượt ra ngoài nghĩa đen của từ ngữ. Thay vì miêu tả trực tiếp, tác giả sử dụng hình ảnh, sự vật, hiện tượng có thật để biểu đạt những khái niệm trừu tượng, những ý tưởng khó diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường. Thơ tượng trưng dùng biểu tượng như là một cấu tạo hình tượng đặc biệt để chống lại lối miêu tả và biểu lộ tình cảm trực tiếp của chủ nghĩa lãng mạn. Nói cách khác, chủ nghĩa tượng trưng tôn trọng điều bí ẩn của thơ. Họ tránh dùng miêu tả mà dùng những từ gợi lên ý nghĩa. Tức là dùng biểu tượng như là một phương tiện biểu hiện. Ví dụ: Hình ảnh tháp Bayon trong bài thơ Tháp Bayon bốn mặt (Chế Lan Viên) tượng trưng cho thế giới tâm hồn đa diện, phức tạp của con người: Anh là tháp Bayon bốn mặt Giấu đi ba, còn lại đấy là anh Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình. 2. Tác dụng của yếu tố tượng trưng - Tăng tính nghệ thuật: Làm cho tác phẩm trở nên giàu hình ảnh, sinh động và phá cách hơn, phô bày tài hoa và sự sáng tạo của tác giả. - Làm sâu sắc ý nghĩa: Giúp tác giả truyền tải những ý tưởng phức tạp một cách tinh tế và hiệu quả. - Tạo ra sự tương tác với người đọc: Khuyến khích người đọc tham gia vào quá trình sáng tạo, tìm kiếm ý nghĩa riêng cho tác phẩm. - Phản ánh thế giới quan của tác giả: Qua việc sử dụng yếu tố tượng trưng, tác giả thể hiện cái nhìn của mình về cuộc sống, con người và xã hội. 3. Đặc điểm của yếu tố tượng trưng trong thơ - Tính đa nghĩa: Một hình tượng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh và cách hiểu của người đọc. - Tính gợi mở: Tượng trưng khơi gợi trí tưởng tượng, kích thích người đọc suy ngẫm và tìm kiếm ý nghĩa sâu xa. - Tính khái quát: Hình tượng tượng trưng thường đại diện cho những khái niệm trừu tượng như tình yêu, nỗi buồn, cuộc sống, thời gian.. - Tính cá nhân: Mỗi tác giả có cách sử dụng yếu tố tượng trưng riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân. 4. Nhận diện yếu tố tượng trưng trong thơ Để nhận diện yếu tố tượng trưng trong thơ ta có thể căn cứ vào những biểu hiện sau: - Tính biểu tượng của các hình ảnh, chi tiết, sự việc, biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ.. được sử dụng trong bài thơ. - Sự sáng tạo về ngôn từ - Chú ý vào nhịp điệu, tính nhạc trong bài thơ. - Tâm tư, tình cảm tác giả muốn gửi gắm. 5. Phân biệt Tượng trưng với một số Thủ pháp khác (ước lệ và siêu thực) a. Siêu thực Đưa ra hai ý thơ, hỏi cả hai có phải tượng trưng không Yếu tố tượng trưng: Thể hiện ý nghĩa sâu xa, tượng trưng cho một khía cạnh trừu tượng hoặc ý tưởng, dùng để biểu đạt những khái niệm trừu tượng mang ý nghĩa sâu sắc, ví dụ như tình cảm.. + Ví dụ: Thơ tượng trưng cũng có một nguyên tắc, đó là phải có sự tương ứng các giác quan trong thơ Mùi hương, màu sắc và âm thanh phải tương hợp lẫn nhau. Xuân Diệu là nhà thơ đã thể hiện cảm quan hết sức tinh nhạy, bằng sự tương hợp các giác quan, ông có thể "nghe" được những âm thanh bí ẩn huyền diệu của đất trời, cảm nhận được các "gam" của sắc màu không gian, và "chiết suất" hương thơm tạo vật muôn loài qua thơ: "Này lắng nghe em khúc nhạc thơm, Say người như rượu tối tân hôn; Như hương thấm tận qua xương tuỷ, Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn. Hãy tự buông cho khúc nhạc hường, Dẫn vào thế giới của Du Dương: Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy, Hiển hiện hoa và phảng phất hương". (Xuân Diệu - Huyền diệu). Sự tương ứng các giác quan tạo nên hiệu ứng lan tỏa, đan xen nhiều tầng cảm xúc và thực sự đem lại cho thơ những cảm nhận mới lạ. Một khúc nhạc, đối với Xuân Diệu, không phải chỉ để thưởng thức một cách thuần túy bằng những cung bậc "du dương" của thanh nhạc (tương ứng với thính giác) mà cùng một lúc, nhiều giác quan ứng cảm, hợp phối để có thêm khúc nhạc hường (màu của nhạc), rồi lan tỏa thành khúc nhạc thơm (hương của nhạc) và rồi, hãy uống thơ tan trong khúc nhạc (vị của nhạc). Chỉ một khổ gồm bốn câu thơ, Xuân Diệu đã tổng hòa bốn giác quan tương ứng, nghe - nhìn - ngửi - uống, nhà thơ như đã nhập thần, hóa thân, hòa tan vào khúc nhạc đất trời Huyền diệu. Sự tương ứng các giác quan cũng thể hiện rất rõ nét trong một số bài thơ của Huy Cận. Thế giới thơ ông là một thế giới ngát mùi hương với âm thanh, sắc màu xen lẫn, cùng các giác quan giao hòa, cảm ứng, phức hợp hơn là cụ thể; mỗi câu thơ luôn mở ra nhiều tầng cảm xúc, khơi gợi, dẫn dắt bước chân người thơ dập dìu đi giữa đường thơm: "Đường trong làng: Hoa dại với mùi rơm.. Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm; Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng. Đất thêu nắng, bóng tre, rồi bóng phượng Lần lượt buông màn vướng nhẹ chân lâu: Lên bề cao hay đi xuống bề sâu? Không biết nữa. – Có chút gì làm ngợp Trong không khí.. hương với màu hòa hợp..". (Huy Cận - Đi giữa đường thơm). Hình ảnh "đường thơm" đó lại tượng trưng cho một thứ khác, đó là mùi hương của quê hương, kỷ niệm, và tình yêu. Trong 4 ví dụ này thì hai ví dụ còn lại là yếu tố siêu thực. Yếu tố siêu thực: Thường xuất hiện trong các hình ảnh bất thường, không thể xảy ra trong thế giới thực để thể hiện một không gian tưởng tượng đầy mơ hồ và kỳ diệu, như sự thăng hoa của cảm xúc Trong bài thơ "Chơi giữa mùa trăng" của Hàn Mặc Tử, hình ảnh "mùa trăng" với sông, trăng, sao tạo ra không gian siêu thực, tượng trưng cho tình yêu và sự mơ mộng. "Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hòa lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói.. Ở thượng tầng không khí, sông Ngân Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường." "Thình lình vùng mộng của chúng tôi bớt vẻ sáng lạn. Chị tôi liền chỉ tay về phía bến đò thôn Chùa Mo và bảo tôi rằng:" Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát ra được, biết làm thế nào, hở Trí ". Tôi cười:" Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này, rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn ". Hai chị em liền giấu thuyền trong một bụi hoa lau bông vàng phơi phới, rồi cùng lạc vào một đường lối rất lạ, chân dẫm lên cát mà cứ ngỡ là bước trên phiến lụa. Nước suối chảy ở hang đá trắng, tinh khiết như mạch nước ngọc tuyền, chồm lên những vừng lá, hễ trông đến là kinh hãi vì ngó giống con bạch hoa xà như tạc.." "Bây giờ chúng tôi đương ở giữa mùa trăng, mở mắt ra cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiêu diêu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói.. Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác. Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu.." Chủ nghĩa siêu thực thẳng tay gạt bỏ mọi quy tắc trong ngữ pháp và thi pháp, mọi nguyên tắc logic trong tư duy, giành lấy sự tự do tuyệt đối cho cảm xúc tuôn trào. Sáng tác của họ do đó thường được cấu thành bằng những dòng tiềm thức rời rạc, gián cách, không thể khắc họa được bức tranh thực tại toàn vẹn. Nó hướng về thế giới vô thức của con người mà họ cho là một lĩnh vực vô hạn đối với sự khám phá sáng tạo nghệ thuật. Nó đề cao các ngẫu hứng, chú trọng ghi những cái xuất hiện lướt qua trong đầu, không qua sự kiểm soát của lý trí. Nó vứt bỏ sự phân tích logic, xóa bỏ các gông cùm của lý trí, đạo đức, tôn giáo và chỉ tin cậy ở trực giác, giấc mơ, ảo giác, ở những linh cảm bản năng và sự tiên tri. Ví dụ bằng một bài thơ khác của Hàn Mặc Tử thuộc trường Thơ Loạn mang đậm yếu tố siêu thực: "Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút; Mỗi lời thơ đều dính não cân ta Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt Như mê man chết điếng cả làn da". (Rướm máu - Hàn Mặc Tử) Trường thơ loạn đã bẩy cái đẹp qua một địa hạt khác cái đẹp để tiệm cận với cái kinh dị, cái ghê rợn, cái xấu và đem những cái ấy làm thi liệu cho thơ, đẩy thơ đến bờ chủ nghĩa siêu thực: Hồn, máu, sọ người, xương khô, tủy, đám ma.. tràn đầy trong thơ Hàn Mặc Tử. Điêu tàn dựng lên một thế giới đầy xương máu, não người, chết chóc, lời thơ miêu tả một yêu tinh nhớ nơi trần thế. Hàn Mặc Tử sáng tác thơ khi ông mắc bệnh phong được hai năm. Thời bấy giờ, bệnh phong là một trong tứ bệnh nan y, là án tử treo lơ lửng mà ai mắc phải đều trải qua những tháng ngày đày đọa đáng sợ tới lúc chết. Ông đã biến nỗi đau của đời mình thành khao khát được sống, được yêu, được sáng tạo đến vô cùng. Thơ Hàn Mặc Tử là máu thịt, là niềm đau thân xác để thôi thúc hồn thơ và là cảm nhận thực tại. b. Ước lệ: Nếu tượng trưng là biện pháp diễn đạt cái trừu tượng bằng một hình ảnh cụ thể thường lấy từ cây cỏ, chim muông vân vân thì ước lệ là biện pháp diễn đạt bằng hình ảnh có tính chất quy ước thường được dùng trong văn chương cổ. Ví dụ: dùng hình ảnh "tuyết rơi" để tả mùa đông, "lá vàng rụng" để chỉ mùa thu, "giọt châu" để chỉ giọt nước mắt, "làn thu thuỷ" để chỉ ánh mắt của người con gái, đó là thủ pháp ước lệ. dùng hình ảnh cây tùng bốn mùa có tán lá xanh tươi, quanh năm đứng vững chãi trên dốc núi cheo leo bất chấp bão bùng sương tuyết để tượng trưng cho nhân cách cứng cỏi, có bản lĩnh vững vàng, có khí phách hiên ngang không nghiêng ngả trước uy quyền danh lợi, cây trúc đại diện cho người quân tử, tuyết đại diện cho tâm hồn trong sáng.. Cây tùng, cây trúc, tuyết là những thứ cụ thể, mắt thấy tai nhìn, còn bản lĩnh, nhân cách, tâm hồn là những thứ trừu tượng. Dùng cái trước để nói về cái sau, đó là thủ pháp tượng trưng Ước lệ và tượng trưng giống nhau ở chỗ cả hai đều là hình ảnh ẩn dụ và khác nhau ở chỗ tượng trưng là một hình ảnh hoàn chỉnh, ước lệ phần nhiều chỉ là một chi tiết của hình tượng. Hình ảnh tượng trưng là sáng tạo nghệ thuật của mĩ học phong kiến, nó có giá trị thẩm mĩ nhất định. Phương pháp nghệ thuật cổ không miêu tả hiện thực theo dạng tả chân thực, theo thẩm mĩ văn học cổ dùng hình ảnh ước lệ tượng trưng đem lại cho lời văn lời thơ trang nhã, bóng bẩy, súc tích. Ví dụ: Trong "Chinh phụ ngâm", tác giả miêu tả cảnh đêm người chinh phụ nhớ chồng, khi là cảnh đêm có sương, có mưa (Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun) khi là cảnh đêm có tuyết rơi (Tuyết tiêu gió thốc ngoài hiên) khi là đêm có trăng, hoa (Trăng dãi nguyệt, nguyệt in một tấm. Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông).. Chính những cảnh đêm chi tiết, cụ thể là tượng trưng cho nỗi lòng nhớ chồng đau đáu, thiết tha, thấm thía của người chinh phụ. Nhưng qua đây ta cũng thấy có sự khác biệt giữa yếu tố tượng trưng trong thơ hiện đại và thơ cổ điển Thơ cổ điển: Yếu tố tượng trưng mang tính công thức (có quy ước sẵn) Thơ hiện đại: Yếu tố tượng trưng mang màu sắc cá tính, phong cách của tác giả Những ví dụ trên là minh chứng cho sự khác biệt giữa tượng trưng và siêu thực trong thơ, nơi mỗi yếu tố đều có vai trò đặc biệt trong việc truyền đạt cảm xúc, tư duy và ý nghĩa của nhà thơ đến độc giả một cách sâu sắc và tinh tế. II. Phân tích một bài thơ có yếu tố tượng trưng: Tỳ bà Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm Trăng đan qua cành muôn tay êm Mây nhung pha màu thu trên trời Sương lam phơi màu thu muôn nơi Vàng sao nằm im trên hoa gầy Tương tư người xưa thôi qua đây Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề Hoa vừa đưa hương gây đê mê Cây đàn yêu đương làm bằng thơ Cây đàn yêu đương run trong mơ Hồn về trên môi kêu: Em ơi Thuyền hồn không đi lên chơi vơi Tôi qua tìm nàng vay du dương Tôi mang lên lầu lên cung Thương Tôi không bao giờ thôi yêu nàng Tình tang tôi nghe như tình lang Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu Sao tôi không màng kêu: Em yêu Trăng nay không nàng như trăng thiu Đêm nay không nàng như đêm hiu Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân Buồn sang cây tùng thăm đông quân Ô hay buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông. Phân Tích Thơ Có Yếu Tố Tượng Trưng: Tỳ Bà (Bích Khê) III. Phương pháp phân tích một bài thơ có yếu tố tượng trưng MB TB - Đôi nét về tác giả - Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm - Ý nghĩa nhan đề, chủ đề, nội dung chính của bài thơ/mạch cảm xúc - Chỉ ra yếu tố tượng trưng (bao gồm tính họa (sự kết hợp các giác quan để tả cảnh) và tính nhạc (cách kết hợp, biến tấu, sáng tạo ngôn từ để tạo vần nhịp, giai điệu cho lời thơ)) nằm trong hình ảnh/chi tiết/câu thơ nào -> phân tích tác dụng Ví dụ phân tích một chi tiết sử dụng các giác quan để tả cảnh dựa vào văn cảnh, xác định hình ảnh tượng trưng được sử dụng để biểu đạt ý nghĩa trừu tượng gì liên hệ với toàn bộ tác phẩm: Xem xét vai trò của hình ảnh tượng trưng trong việc thể hiện chủ đề, ý tưởng chính của tác phẩm hình ảnh bộc lộ nét tâm trạng, cảm xúc gì của tác giả liên hệ đối chiếu với cách tả cùng cảnh đó, làm thơ cùng chủ đề đó mà có hoặc không sử dụng yếu tố tượng trưng ở tác phẩm khác - Những nét đặc sắc/độc đáo khác về nội dung và nghệ thuật - Tâm trạng, cảm xúc của tác giả - Yếu tố nào ấn tượng nhất, tại sao? - Trích dẫn nhận định của một số nhà phê bình văn học về tác phẩm (nếu có) 3. KB