Yêu Thương Và Tự Do - Tôn Thụy Tuyết

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Đặng Châu, 27 Tháng sáu 2018.

  1. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 1: CÁC EM BÉ MANG THEO ĐIỀU GÌ ĐẾN THẾ GIỚI NÀY

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có bao nhiêu người tin rằng trẻ sơ sinh đã có tinh thần? Tin rằng ngay từ khi sinh ra bản thân các em đã ẩn chứa một sức mạnh tinh thần to lớn và sẽ trưởng thành theo quy luật trưởng thành nội tại của bản thân các em? Trong một giai đoạn ở một độ tuổi nhất định, trẻ em chỉ thích chơi nước, chơi cát, nếu như bị người lớn ngăn cản, chúng sẽ phản đối đến cùng. Điều này rốt cuộc có ý nghĩa như thế nào?

    Chúng ta vốn không tin và cũng không biết rằng, ngay từ giây phút hình thành trong bụng mẹ, bản thân thai nhi đã tồn tại một sức mạnh tinh thần, sức mạnh ấy sẽ chỉ dẫn bé nên phát triển như thế nào, nên sờ mó khám phá thế giới bên ngoài ra sao… Montessori(1) gọi đó là “Phôi thai tinh thần”. Dường như điều này đang yêu cầu chúng ta tin rằng ẩn trong thể xác trẻ sơ sinh đã có tinh thần, tinh thần ấy phát triển theo sơ đồ đã được vạch sẵn. Trẻ em dường như rất yếu ớt, nhưng bản thân chúng ẩn chứa một sức mạnh và tiềm năng tinh thần vô cùng to lớn, đủ sức để phát triển mà không cần người lớn phải thêm vào bất cứ nội dung mới nào, mà chỉ cần cung cấp cho chúng môi trường và điều kiện phát triển.

    Có kinh nghiệm mười năm sống cùng con trẻ, chúng tôi ngày càng kiên định niềm tin này. Tiếp nhận quan niệm này cũng có nghĩa là trong bản thân chúng ta đang xảy ra một cuộc cách mạng tư tưởng, bởi vì chúng ta luôn tin rằng trẻ em dựa vào người lớn để hình thành và phát triển tính cách; tiếp nhận quan niệm này cũng có nghĩa là chúng ta không có chỗ để phát huy tính tự cao tự đại được sinh ra từ chính sự tự ti và cảm giác bị kìm nén của mình. Thời kỳ vị thành niên của con người khá dài, dài hơn thời kỳ tiền trưởng thành của tất cả các loài vật khác. Nói ngắn thì có thể là từ 0 đến 6 tuổi, nói dài khoảng đến 12 tuổi. 12 tuổi vẫn chưa thể rời khỏi mẹ, pháp luật quy định tuổi trưởng thành thực sự của một đứa trẻ là 18 tuổi. Còn trong thời kỳ này, các em vẫn đang ở trạng thái yếu ớt cần đến sự giúp đỡ của người lớn để trưởng thành. Giúp các em trưởng thành không có nghĩa là người lớn có quyền nhào nặn tinh thần của các em. Nếu như thế, trình độ của cả nhân loại sẽ bị hạ thấp. Vấn đề ở đây là, chúng ta đã tự gán cho mình vai trò “Thượng đế”, “Thượng đế” của con trẻ.

    Thời kỳ này trẻ cũng không cần sự “nhồi nhét” của người lớn, mà cần sự chuẩn bị về điều kiện để tự tiếp thu. Tuân theo quy luật phát triển này, trẻ sẽ được phát triển hoàn thiện.

    Ở nhà trẻ của Montessori, các bé nhỏ nhất là 1,5 tuổi, chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên các bé từ 1,5 tuổi đến 6 tuổi, đưa ra những đồ dùng học tập có trình độ trí lực vượt quá độ tuổi của các bé, nếu các cô không ép buộc, không gây áp lực, các bé sẽ chỉ làm theo những gì mà bản thân mách bảo. Ví dụ như bé thích chơi nước và chơi cát, nếu đưa bé ra khỏi đó, thì cho dù là những đồ chơi và trò chơi có hấp dẫn đến mấy cũng không thu hút bé, bé chỉ muốn chơi cát với khuôn mặt vô cùng ngây ngô, giảng giải thế nào vẫn vậy và với nét mặt ấy thì người lớn còn biết nói gì được nữa. Trẻ em biết mình muốn gì, nếu người lớn ngăn cản, chúng sẽ kháng cự đến cùng.

    Con tôi cũng đã trải qua một quá trình như thế. Khi cháu hơn hai tuổi, bố cháu mua hai bắp ngô, nói với cháu: “Con một bắp, mẹ con một bắp”. Cháu đi đến rồi nói: “Bố bảo cho con ăn cả hai bắp ngô này”. Tôi hỏi lại, chồng tôi nói: “Không phải, em một bắp, con một bắp”. Tôi lại nói: “Bố con nói con một bắp, mẹ một bắp, chứ đâu phải con ăn hết”. Ý của tôi là con đã nói dối, nhưng con tôi nghe xong khuôn mặt vẫn không hề thay đổi, cu cậu vẫn đứng yên ở đó suy nghĩ một phút, rồi lại cứ thế mà bỏ đi. “Sao lại thế nhỉ?”. Thật không hiểu nổi. Nhưng rồi có một ngày, cu cậu bỗng có cảm giác với những việc mình đã làm sai, khuôn mặt vô cùng bối rối và xấu hổ, không cho người khác nhắc đến. Điều này không phải do người lớn dạy dỗ, mà là quy luật phát triển nội tại của trẻ đã đến bước này. Nếu người lớn không để con trẻ phát triển theo đúng quy luật tự nhiên, mà ra sức áp đặt, ép buộc chúng sẽ khiến sơ đồ phát triển của con mình bị rối loạn, đánh mất luôn cả cơ hội thiết lập cảm giác đạo đức đích thực.

    Quy luật phát triển thời kỳ đầu của trẻ sơ sinh cũng tương tự như một số loài động vật khác. Ví dụ như loài bướm, bướm mẹ thường hay đẻ trứng trên chồi cây, khi bướm non vừa sinh ra phải được ăn loại lá non nhất. Vậy bướm non làm thế nào để ăn được lá non? Bướm non nhạy cảm nhất với ánh sáng, vì thế khi vừa sinh ra nó đã bò về phía sáng nhất, phía đó cũng chính là những lá non nhất. Nhưng đến khi bướm non dần trưởng thành, có thể ăn được lá già hơn thì cũng là lúc nó không còn nhạy cảm với ánh sáng. Quá trình này tuân theo quy luật phát triển nội tại của bản thân loài bướm, không chịu khống chế bởi bất cứ lực tác động bên ngoài nào.

    Chúng ta chưa từng lo lắng rằng một đứa trẻ không thể trưởng thành, nhưng chúng ta lại không tin rằng có những hạt giống tinh thần từng tồn tại trong nội tâm trẻ, không tin rằng bản thân trẻ cũng có một quá trình trưởng thành tự nhiên, theo đúng trật tự, và trẻ chỉ cần chúng ta chuẩn bị cho chúng một môi trường phát triển thích hợp. Trong tinh thần của con trẻ, chúng ta vẫn đang đóng vai trò - “Đấng tạo hóa”.

    Chúng ta hãy xem xem con trẻ làm thế nào để thiết lập quan hệ hài hòa với môi trường để tự phát triển. Ví dụ như ngôn ngữ, trẻ em của bất cứ quốc gia và dân tộc nào đều có thể nghe thấy và học được ngôn ngữ của loài người trong thế giới đầy ắp âm thanh này. Trong ba năm đầu đời, trẻ có thể nắm được những ngôn ngữ cơ bản của dân tộc mình, học được các chi tiết trong ngôn ngữ đó. Quá trình phát triển này tuyệt đối không ai kể cả người có chuyên môn cao có thể dạy cho trẻ. Không khó để chúng ta nhận ra rằng, trẻ em trước 6 tuổi thích nhìn người lớn làm hơn là nghe người lớn nói. Năng lực ngôn ngữ của trẻ em được hình thành từ quá trình tương tác với môi trường xung quanh. Thế nên các nhà tâm lý học mới nói, những thứ mà trẻ học được trong ba năm đầu đời, người lớn cần đến sáu mươi năm nỗ lực mới có thể hoàn thành. Tại sao chúng ta không suy nghĩ xem điều này là vì sao? Loài người đã phát hiện ra được bí mật này - TRẺ EM TỰ PHÁT TRIỂN.

    Tôi có thể đưa ra một ví dụ ngược lại. Một vị giáo sư tâm lý học của Đại học Havard sinh được một người con trai, ông đã chuẩn bị mọi thứ để bồi dưỡng con mình thành thiên tài. Khi đứa trẻ 3, 4 tuổi đã có thể nói được đến ba, bốn thứ tiếng; 6 tuổi thi vào trung học; 10 tuổi vào học ở Đại học Havard; 16 tuổi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Havard. Từng giây, từng phút nhà tâm lý học đó liên tục bắt con trai mình “tiếp nhận và tiếp nhận” thêm các tri thức mới. 18 tuổi, cậu trở thành nhân viên bán hàng tại một cửa hàng ở London nước Anh. Nhưng cậu không làm gì hết, cậu từ chối mọi “hoạt động mang tính tri thức” và cảm thấy vui khi làm một nhân viên bán hàng. “Một bồ kiến thức” không hề có tác dụng gì với cậu, trên thực tế, “tri thức” khiến cậu vô cùng đau khổ. Tôi thấy rằng, nếu con người chỉ có khối óc mà không có cơ quan cảm giác, rồi biến khối óc trở thành công cụ phục vụ thế giới này, thì nỗi đau khổ của chúng ta sẽ giảm bớt đi rất nhiều. Nhưng chúng ta vẫn có cảm giác, tâm lý, tinh thần và tâm hồn, chúng ta phải tìm thấy chính mình thì mới không đau khổ. Sự phát triển của con người, tinh thần của con người phải được phát triển từ cảm giác, để cảm giác luôn là người bạn đường của chúng ta.

    Trên thực tế, quá trình trưởng thành của con người là một quá trình trưởng thành tâm lý chứ không phải quá trình trưởng thành trí lực. Sự trưởng thành về trí lực phải dựa trên sự trưởng thành về tâm lý.

    Nếu chúng ta hiểu được quy luật khoa học trong sự trưởng thành của con trẻ, để con trẻ phát triển tự nhiên theo quy luật nội tại của phôi thai tinh thần, chắc chắn con trẻ sẽ trở thành nhân tài. Khi chúng ta phá vỡ quy luật phát triển tự nhiên của con trẻ, thì cả quá trình phát triển sau đó sẽ lệch lạc, bao gồm cả trí lực. Vì thế bà Montessori đã nói rằng: “Chúng ta phải trở thành người đày tớ chứ không phải chủ nhân của tinh thần con trẻ”.

    Nhưng hiện giờ, khi chúng ta phân định rạch ròi cái tôi và tri thức của trẻ, thì cũng có nghĩa là quy luật phát triển tự nhiên của trẻ đang bị hủy hoại, chúng ta sẽ không thể tìm thấy bí mật nội tại của các con. Suy nghĩ nóng vội muốn nhồi nhét tri thức cho trẻ đã tự trói chân chúng ta khiến chúng ta có cái nhìn phiến diện, còn đống rác rưởi của những thứ mang tên kiến thức đã phá hoại sự phát triển của một con người với sức sống và sức hút nhân cách sẵn có của mình. Chỉ khi thừa nhận trẻ có phôi thai tinh thần và tin tưởng trẻ, bí mật trưởng thành của nhân loại mới dần dần hé mở.

    [Còn nữa]
     
    Thu thảo thích bài này.
  2. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 2: BƯỚC ĐẦU NHẬN BIẾT THẾ GIỚI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    “Cảm giác là ngọn nguồn của trí lực”. Một đứa trẻ, một tay cầm khăn mặt, một tay cầm lược, cháu gặm khăn mặt lại gặm chiếc lược. Chúng ta hiểu là trẻ đang dùng miệng cảm nhận mềm và cứng. Đáng tiếc là bố mẹ trẻ không hiểu, không kịp thời nói với cháu hai từ “mềm” và “cứng”; may mắn là họ không giằng khăn mặt và lược khỏi tay cháu bé.

    Quan niệm giáo dục thông thường cho rằng, ấn tượng (một số người gọi là thông tin) từ bên ngoài tác động tới trẻ, trẻ tiếp nhận ấn tượng hoặc thông tin đó, lặp đi lặp lại nhiều lần là có thể phát triển trí lực. Cũng giống như việc học sinh tiểu học về nhà chép lại một chữ năm mươi lần cũng là một cách phát triển trí lực. Liệu có phải là như vậy? Montessori không đồng ý với quan điểm này. Bà nói: “Những nhà tâm lý học cứng nhắc đó vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến lý luận và thực tiễn giáo dục. Ảnh hưởng đó là gì? Họ cho rằng, những ấn tượng mà chúng ta nhận được từ thế giới bên ngoài dường như là gõ cánh cửa của cơ quan cảm giác của chúng ta rồi ùa vào”.

    Tôi đã gặp rất nhiều phụ huynh, trong số đó có một phụ huynh khá điển hình là hiệu trưởng của một trường mầm non. Cô có hai người con, trong đó có một cháu sau khi sinh ra không lâu, cô ấy đã dán chữ “cửa” lên trên cửa, dán chữ “cái bình” lên trên bình… rồi bế đứa trẻ đến đó đọc cho nó nghe, liên tục như vậy. Khi đứa trẻ hơn 4 tuổi, cháu đã có thể đọc sách, biết làm phép cộng trừ. Cô ấy tự cho rằng con trai mình vô cùng thông minh vì con cô ấy biết rất nhiều thứ, đặc biệt là về mặt đọc chữ. Trong quá trình được đào tạo theo phương pháp giáo dục Montessori, cô ấy không đồng ý với một số quan điểm của phương pháp này. Cô ấy cho rằng khi liên tục dùng những sự vật bên ngoài kích thích đứa trẻ, để những sự vật ấy lưu lại ấn tượng trên bộ não chúng, đó chính là trạng thái trí lực.

    Montessori cho rằng, cảm giác của trẻ đến từ bên trong. Cũng có nghĩa rằng trẻ con không phải là một cái bình rỗng, chúng không cần người lớn nhồi nhét cho đầy cái bình đó. (Chúng ta cứ tưởng rằng những thứ nhét đầy bình chính là trí lực của trẻ).

    Vị phụ huynh này nói: “Phương pháp của tôi cũng có thể giúp con trẻ đạt được một trạng thái trí lực nhất định”. Tôi nói: “Có thể, nhưng có sự khác nhau về bản chất”. Vì con trẻ rất lạ lùng, khi người lớn liên tục kích thích chúng về phương diện nào đó, chúng có thể nhanh chóng nắm bắt được những tri thức của phương diện ấy, như vậy thì trạng thái nắm bắt như thế nào? Tuần thứ hai cô ấy đưa con mình đến, tôi ở bên cạnh quan sát. Tôi nói: “Trí lực của cháu phát triển chậm mất rồi”. Cô ấy hỏi: “Chậm thế nào?”. Tôi nói: “Trạng thái trí lực của cháu hiện giờ chỉ tương đương với trẻ 2 tuổi”. Quan niệm về trí lực của tôi không giống với cô ấy, cô ấy quan niệm trí lực là những điều nắm bắt được từ thế giới bên ngoài. Tôi nói: “Trạng thái này không bình thường. Tôi sẽ đưa cô đi xem những cháu 5 tuổi ở trường này”. Tâm lý, trí lực của con cô ấy rất yếu, chỉ như một đứa trẻ sơ sinh. Trông cháu không tự tin, không kiên cường, không quyết đoán, hình như bất cứ sự việc gì nếu thế giới bên ngoài không phản ứng, cháu sẽ không thể xác định, không thể hiểu rõ, không thể đào sâu suy nghĩ. Cháu không thể tổng hợp những thứ đã học để ứng dụng trong những hoàn cảnh thực tế, hễ cất lời là tri thức, nhưng những tri thức đó lại không liên quan gì đến cuộc sống.

    Trường hợp này đã đưa ra cho tôi một gợi ý, đó là: Chúng ta vẫn luôn lấy việc nắm bắt một kỹ năng nào đó làm tiêu chuẩn phát triển trí lực.

    Trên thực tế kỹ năng không quan trọng. Trước 6 tuổi, các bé không cần phải học bất cứ kỹ năng nào, cái các bé cần học chính là cách để nắm vững các kỹ năng.

    Trong hai cuốn sách của mình, bà Montessori đều nói: “Tất cả trí lực của trẻ em đều phát triển từ cảm giác đến khái niệm”. Bà đã dùng một câu của Édouard Séguin(1): “Dẫn dắt trẻ em từ cảm giác đến khái niệm”. Montessori nói: “Cảm giác là ngọn nguồn của trí lực”.

    Chúng ta hãy cùng xem thế nào là cảm giác. Ví dụ chúng ta ngồi nghe diễn giảng, ấn tượng sâu đậm nhất chính là phần nội dung mà các bạn có thể hiểu được. Suốt cả buổi diễn giảng, bạn chỉ có thể lĩnh hội được một phần nội dung. Phần nội dung ấy chắc chắn là phần mà bạn có cảm nhận sâu sắc nhất, liên quan mật thiết tới trạng thái tâm lý và các sự việc mà bạn đã từng trải qua.

    Liên quan đến cảm giác của trẻ em, tôi xin dẫn ra một ví dụ. Lúc con tôi hơn 1 tuổi, cháu vẫn chưa biết nói. Lúc đó tôi rất sốt ruột, nghĩ bụng hay là con mình chậm phát triển? Sốt ruột đến nỗi tôi còn đưa con đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra lưỡi. Nhà tôi có một cái thước dạy học, tôi lấy cái thước, chỉ vào đèn, nói với con: “Đây là đèn, đèn, đèn!”. Chỉ xong, tôi lại chỉ sang sách nói: “Đây là sách, sách, sách!”. Ngày ngày tôi bế con, chỉ cho con cái này cái kia, chỉ tất cả những đồ đạc trong nhà, ngày nào cũng thế. Nhưng con tôi vẫn ngây ra, không có bất cứ biểu cảm nào. Tôi nghĩ: “Sao thế nhỉ? Sao phương pháp này không hề có chút tác dụng nào?”. Thính giác của con tôi rất tốt, có những lúc vẫn nói được: “A, a, a!”. Điều này chứng tỏ cổ họng con tôi hoàn toàn bình thường, thế là tôi lấy một cái khăn sạch, kéo lưỡi cháu ra, xem dưới lưỡi có bị dính liền hay không? Không có, chứng tỏ lưỡi cháu cũng bình thường.

    Nhưng con tôi vẫn không nói gì. Vào hôm cháu được 2 tuổi 1 tháng, cháu chạy ra ngoài chơi, bên ngoài có một chiếc xe tải đang đỗ, cháu muốn trèo lên thùng xe, tôi đưa cháu lên. Lúc đó đúng vào mùa hè, trời chiều Ninh Hạ xanh thăm thẳm lay động lòng người. Tầng không cao vời vợi, mênh mông không thấy đường chân trời. Con tôi vịn vào thành xe, ngẩng lên nhìn bầu trời. Cháu cứ đứng nhìn thế rất lâu, tôi không hiểu trên bầu trời đang có gì thu hút cháu. Tôi nói: “Trời!”. Con tôi liền nói: “Tời(2)”. Từ đầu tiên cháu biết nói lại là “trời”. Cái miệng bé bỏng của cháu nói liền một mạch: “Tời, tời, tời”. Lúc đó tôi thực sự bất ngờ. Một lúc sau cháu vẫn không ngừng chỉ lên trời nói: “Trời, trời, trời!”. Từ lúc đó trở đi, hễ gặp ai là cháu lại kéo tay người đó nói: “Trời, trời!”. Liên tục trong ba ngày. Sau đó tôi chỉ xuống đất, giậm chân nói: “Đất, đất!”. Con tôi nói: “Đất!”. Đây là từ thứ hai. Lúc đó tôi nghĩ, nên nói thêm cho cháu một thứ giữa trời và đất. Tôi nói: “Cây, cây!”. Cháu không nói, kiên quyết không nói “Cây”. Tôi nói: “Người, người”. Hình như cháu có cảm giác với người, nên nói: “Người, người”. Cháu đã nắm được ba khái niệm đầu tiên: trời, đất, người. Trước đó, trên thực tế tôi đã liên tục chỉ cho cháu “đèn” và “sách”. Lúc nhỏ, con trai tôi thích nhất một việc đó là đến cạnh giá sách, rồi lôi từng quyển sách vứt xuống đất. Khi nào dưới đất đầy sách thì chơi thêm một lúc rồi tè một bãi, tè xong thì đi chỗ khác chơi. Ngày nào cũng như vậy, đến nỗi đống sách nhà tôi lộn xộn hết lên, đành phải đóng thêm cái cửa tủ mà khóa lại. Trong quá trình này, cháu đã tiếp cận sách, sờ mó sách, nhưng khi tôi chỉ cho cháu và nói “sách”, cháu lại không nói. Điều này càng chứng tỏ rằng cháu không quan sát sách, không cảm nhận được sách. Nhưng khi cháu quan sát trời, cháu cảm thấy xúc động, có cảm giác với trời, đúng vào lúc đó thì tôi dạy cho cháu từ này.

    Từ ngữ nắm bắt cảm giác, củng cố cảm giác, diễn giải cảm giác, tô đậm cảm giác, khiến những cảm giác mơ hồ, sắp tan biến trở thành những đối tượng rõ ràng cụ thể. Montessori nói, đó chính là trí lực. Trí lực chính là từ cảm giác phát triển thành khái niệm.

    Trí lực là một quá trình, mọi cảm giác gia tăng trong quá trình này đều gắn liền với kinh nghiệm và thể nghiệm, từ khi sinh ra trẻ em đã có được năng lực này. Năng lực này ở mỗi người đều không giống nhau, quá trình này ở mỗi người cũng không giống nhau.

    Giờ chúng ta đã hiểu được bản chất của cách “dạy” theo quan niệm thông thường: Hướng cho trẻ tập trung chú ý về một thứ, và “dạy” trẻ thứ đó. Nhưng sức chú ý không phải là cảm giác, càng không phải là cảm giác sâu sắc. Bạn biết cảm giác của trẻ phải cần đến bao nhiêu thời gian không? Hơn nữa, bạn bảo trẻ chú ý vào một đóa hoa, nhưng có thể trẻ lại tập trung sự chú ý vào một vết lốm đốm trên hoa. Tôi dám nói cách “dạy” này e rằng sẽ làm rối con trẻ, bạn không biết dùng từ ngữ để khái niệm hóa cái gì; đối với con trẻ từ ngữ của bạn đều không biết biểu đạt cho cái gì. Khi những đứa trẻ đó đến tuổi đi học, đầu óc không mạch lạc, năng lực tư duy yếu. Lớn lên đầu óc cũng lơ mơ, hơn nữa quan hệ giữa người với người - như giáo sư nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh - Kim Khắc Mộc đã nói: “Không có ai hiểu ai”.

    Những điều tôi vừa nói đều là những lời từ chính miệng tôi, toàn bộ đều là khái niệm, không có câu nào không phải là khái niệm. Tất cả ngôn ngữ của tôi đều là do các khái niệm cấu thành. Nhưng, nếu tôi nói y nguyên như vậy với trẻ, chúng không thể hiểu. Con trẻ dựa vào những gì để hiểu được? Con trẻ dựa vào cảm giác. Cảm giác bao gồm những gì? Thị giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác. Trẻ em nhận biết sự vật, hiện tượng bằng chính những cảm giác đó, rồi hình thành khái niệm, sau đó lại tiến hành liên kết giữa khái niệm và khái niệm. Thực ra không khó để phát hiện ra rằng, dường như trước 6 tuổi con trẻ chỉ làm mỗi một việc này.

    Tất cả trẻ em vừa sinh ra đều dùng miệng để nhận thức thế giới, sau đó dùng tay sờ. Đó là “miệng thông tay sáng”. Hiện tượng này chứng tỏ trẻ không bị động tiếp nhận thông tin người khác truyền đạt cho chúng mà hoàn toàn chủ động và tích cực. Bản thân trẻ em có phôi thai tinh thần. Phôi thai tinh thần có một năng lực đặc biệt giúp trẻ nhận thức thế giới, năng lực đặc biệt ấy gọi là “thời kỳ nhạy cảm”. Trạng thái sống của trẻ là do những thời kỳ nhạy cảm nối tiếp nhau tạo thành.

    Ví dụ cụ thể là thời kỳ nhạy cảm của trẻ sơ sinh nằm ở vòm miệng, vòm miệng của chúng là nhạy cảm nhất. Dường như tất cả tinh lực của trẻ đều tập trung vào việc ăn. Trên thực tế, trẻ em dưới 1 tuổi hoàn toàn dùng miệng để cảm nhận thế giới. Dù là vật gì trẻ cũng cảm nhận bằng miệng.

    Rất nhiều người cho rằng hành động đưa các thứ vào miệng của trẻ chẳng mang một ý nghĩa gì, hoặc là biểu hiện của việc không biết đói no. Trẻ vừa sinh ra, nếu vô tình đưa tay vào miệng, lần thứ hai trẻ cũng sẽ làm như vậy, lần thứ ba, lần thứ tư… Bạn sẽ phát hiện ra rằng động tác đưa tay vào miệng của trẻ vừa nhanh vừa chuẩn xác. Bạn cũng đã thấy tư thế nằm ngủ của rất nhiều trẻ đều giống nhau - hai bàn tay nắm rất chặt. Lúc đó trẻ vẫn chưa có kinh nghiệm. Kinh nghiệm chưa mách bảo trẻ tay có thể cho vào miệng, trẻ chưa biết khống chế đôi tay của mình. Nhưng một khi trẻ đã cho tay vào miệng, sau lần thể nghiệm đầu tiên, trẻ sẽ liên tiếp cho tay vào miệng các lần tiếp theo. Những động tác liên tục đó sẽ sinh ra một cảm giác, cảm giác này lặp đi lặp lại sẽ sinh ra kinh nghiệm, kinh nghiệm này sinh ra trí lực. Jean Piaget(3)gọi đó là “manh nha của trí lực”.

    Trên thực tế, trước 1 tuổi, với trẻ, bất cứ việc gì trên thế giới này có thể cầm được và cho được vào miệng, trẻ sẽ cho vào miệng. Ví dụ một người bạn của tôi, con của cô ấy cầm một chiếc khăn mặt cho vào miệng, trong khi tay kia lại cầm một chiếc lược, một vật rất cứng. Cháu liên tục dùng miệng gặm khăn, rồi lại gặm lược. Cứ thế lặp đi lặp lại, lần lượt. Cô bạn tôi cảm thấy rất ngạc nhiên nên hỏi tôi. Trên thực tế chúng ta biết trẻ đã có cảm giác với “mềm” và “cứng”, trẻ dùng miệng để cảm nhận. Nhưng đáng tiếc là cha mẹ cháu lại không biết, không kịp thời đưa ra hai từ “mềm” và “cứng” phối hợp với những cảm giác vừa được thiết lập, may là họ chưa giằng khăn và lược khỏi tay cháu bé.

    Tôi cảm thấy điều đáng tiếc trong cả quá trình phát triển của trẻ em chính là ở đây. Một mặt, chúng ta đã phá hoại cảm giác của trẻ đúng vào lúc chúng đang cảm nhận; mặt khác, khi con trẻ đã cảm nhận được, chúng ta không kịp thời đưa ra những từ ngữ phối hợp với cảm giác của chúng. Tầm quan trọng của việc phối hợp chính là ở chỗ này.

    Trước đó không lâu tôi đã đọc cuốn “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm(4)” của tác giả Kimura Kyuichi (1883 - 1997) nhà giáo dục, tâm lý học người Nhật. Cuốn sách viết lại câu chuyện xảy ra vào thế kỷ trước ở một vùng quê nước Đức, ông bố Karl Witte(5) đã dùng tư tưởng giáo dục của mình như thế nào để dạy con trai. Tác giả trình bày rõ một quan niệm: “Thiên tài là hứng thú bất tận và niềm say mê vô bờ bến”. Hứng thú đó không phải do người lớn bồi đắp nên, mà là do trời sinh ra đã có. Chúng ta có thể nhìn ra điều này ở tất cả những nhà trẻ, những trường mẫu giáo. Theo nhận thức của tôi, phương pháp này có những điểm tương đồng to lớn với phương pháp Montessori. Ông lấy một ví dụ, khi đứa trẻ nắm lấy ngón tay bạn đưa vào miệng, rồi mút ngón tay bạn, bạn nhớ phải dùng giọng nói hiền hòa rõ ràng mà lặp đi lặp lại “ngón tay”. Phương pháp giáo dục này cũng giống với phương pháp giáo dục chúng ta đã nói ở trên, khi đứa trẻ đưa một vật vào miệng để cảm nhận mềm và cứng, người lớn phải kịp thời đưa ra những khái niệm cho trẻ. Sự hứng thú với ngón tay chính là đặc trưng của thiên tài, hiểu và nuôi dưỡng đặc trưng này đến lúc trẻ trưởng thành, trẻ sẽ có thể trở thành thiên tài.

    Đáng tiếc là phần lớn chúng ta không biết điều này, cho nên không thể đối xử với trẻ như vậy. Ngược lại, điều chúng ta thường làm là:

    Khi trẻ không có cảm giác, chúng ta không ngừng ép buộc trẻ, dạy cho trẻ thứ này thứ kia, có người còn nói quá nhiều. Khi trẻ đang có cảm giác nào đó, chúng ta không những không nhận ra cơ hội, mà lại quấy rầy trẻ, phá hoại cảm giác của trẻ. Như thế, sự quan sát và cảm giác nội tại của trẻ sẽ dần dần mất sạch trong quá trình ép buộc đó.
    [Còn nữa]
     
  3. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 3: SỨC SÁNG TẠO TỪ ĐÂU ĐẾN?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Giới tâm lý học có một nhận định chung: Cá tính đồng nghĩa với sức sáng tạo. Quá trình bồi dưỡng con người phải là quá trình bồi dưỡng cá tính. Nhưng chúng ta đã luôn hiểu sai khái niệm cá tính, cho rằng những người nghịch ngợm, quậy phá, suy nghĩ lung tung mới là có cá tính. Thực ra, người có cá tính luôn có cảm nhận độc đáo về thế giới, có trạng thái tư duy độc đáo. Bí mật nằm ở chỗ, trên thực tế mỗi sinh mệnh được sinh ra đã là một cá thể độc đáo, chỉ là trong quá trình trưởng thành, trong quá trình chịu giáo dục, những thứ trời sinh đó đã dần dần mất sạch.

    Có một ngày tôi nói với con mình: “Sự cao quý của cuộc sống nằm ở chỗ sinh mệnh của con không giống với sinh mệnh của bất cứ ai khác, cảm nhận của con với vạn vật trong thế giới cũng không giống bất cứ ai”. Nếu tất cả mọi người chúng ta đều giống nhau, như tôi từng nói, chúng ta bỏ tinh trùng và trứng vào một cái hộp, rồi lại chế tạo ra một cái máy ấp, đặt cái hộp đó vào, giữ nhiệt độ ổn định, và rồi “bíp bíp bíp” mở cửa, “chiu chiu chiu”, lấy từng đứa trẻ ra, mỗi người chúng ta bế một bé về nhà nuôi thì sinh mệnh này có còn ý nghĩa nữa không? Chẳng còn ý nghĩa gì hết. Hoàn toàn ngược lại, cái gọi là trạng thái tốt của một người nằm ở chỗ cảm nhận của người đó đối với thế giới hoàn toàn độc đáo, không giống bất cứ ai. Cũng giống như tôi vừa nói, bước thành công đầu tiên của phương pháp giáo dục Montessori chính là khi bà đưa ra một đồ dùng học tập, chỉ có một, hai cháu trong lớp cảm thấy có hứng thú, chứ không phải tất cả các cháu trong lớp đều chạy ào tới. Được như vậy, bước giáo dục đầu tiên của bạn đã thành công!

    Phương pháp giáo dục hiện nay của chúng ta lại bồi dưỡng trẻ hướng tới một sở thích chung. Vẽ tranh cả lớp cùng vẽ, học toán cả lớp cùng tính… Con người có rất nhiều thứ phải theo một chuẩn mực chung, ví dụ kiến thức, đạo đức, điều này là có lý do. Nhưng những thứ giống nhau đó không được dạy cùng một thời gian, còn nếu bắt buộc phải dạy cùng một thời gian, thì cũng phải ở tiểu học và những bậc sau. Lúc này, phôi thai tinh thần của trẻ đã có những thay đổi, trẻ đã có thể hướng cảm giác đến những điểm chú ý mà người lớn dẫn dắt, năng lực đó sẽ ngày càng mạnh mẽ. Nhưng những khác biệt của học sinh ở cấp tiểu học vẫn rất lớn, cần phải hiểu rõ từng trẻ, để có những đối xử khác biệt với từng học sinh trong cùng một phương pháp dạy.

    Hễ không cẩn trọng là phương pháp giáo dục của chúng ta sẽ mài mòn cá tính của trẻ. Trên thực tế, giới tâm lý học có chung một nhận định, nhận định đó là: Cá tính đồng nghĩa với sự sáng tạo. Vì vậy quá trình bồi dưỡng con người phải là quá trình bồi dưỡng cá tính. Nhưng chúng ta lại hiểu sai cá tính, cho rằng những người quậy phá, nghịch ngợm, suy nghĩ lung tung mới là có cá tính. Thực tế không phải như vậy, những người có tư duy độc đáo, có trạng thái sinh tồn khác với đa số mới là người có cá tính.

    Nhưng tại sao chúng ta lại đang tạo ra bao nhiêu người giống nhau như thế? Chúng ta không có tư tưởng riêng mà chạy theo đám đông, theo trào lưu, như thế mới có được cảm giác an tâm. Đó là vì chúng ta không độc lập về tinh thần. Hãy nhìn ra xung quanh, chúng ta có được mấy người độc lập? Thời kỳ nhạy cảm trong quá trình trưởng thành của mỗi con người đều không có được sự quan tâm và định hướng cần có, thậm chí chúng ta còn không hề tôn trọng quy luật “tự phát triển”, năng lực tư duy độc đáo sâu thẳm của chúng ta đã biến mất. Montessori nói, chúng ta đã tạo ra một số lượng lớn những người bình thường. Còn những người có tư duy đặc biệt thì được coi như những người có sức sáng tạo. Giả dụ như từ hôm nay chúng ta có thể tôn trọng trẻ, để cho trẻ trưởng thành theo đúng sơ đồ phát triển tự nhiên của con người, có thể mỗi trẻ đều giàu sức sáng tạo. Nếu như vậy thì thế giới này sẽ thay đổi rất nhiều.

    Tất cả chúng ta đều biết Albert Einstein và đều công nhận trí lực phi thường của ông. Bộ não của ông hiện vẫn đang được các nhà khoa học giữ lại để nghiên cứu. Người ta vẫn đang nghiên cứu xem kết cấu bộ não của ông có gì khác so với người bình thường. Nhưng cho tới bây giờ, người ta vẫn chưa phát hiện được điều gì khác nhau về bản chất giữa bộ não của ông và những người khác.

    Sự khác biệt thực sự nằm ở đâu? Nó nằm ở thời thơ ấu. Ông không giống với những đứa trẻ khác, thầy cô giáo đều nói ông mắc chứng tự kỷ, không có gì nổi bật. Nhưng suy nghĩ của những người đó là sai lầm vì họ không hiểu giáo dục. Người làm giáo dục mà không hiểu giáo dục, quản lý giáo dục càng không hiểu và không muốn hiểu giáo dục, đó là căn bệnh chung của xã hội loài người.

    Chúng ta càng ngày càng cảm nhận được sự vĩ đại của Albert Einstein, những cống hiến của ông mang ý nghĩa vượt thời đại. Sự vĩ đại của ông gần như là không thể tưởng tượng, gần như là không thể vượt qua. Người ta nói ông xứng được ba lần nhận giải Nobel, nhưng con người ở thời đại đó vẫn chưa thể hiểu hết được những sáng tạo của ông, phải mất bao nhiêu năm sau nữa loài người mới có thể hiểu hết những sáng tạo này. Trên thực tế, sự khác biệt của ông nằm ở cảm giác khác biệt của riêng ông, cống hiến của ông chính là đề xuất những khái niệm mới một cách đầy sáng tạo, bắt nguồn từ cơ sở cảm giác. Lần thứ nhất, ông cho rằng năng lượng ánh sáng trong hiệu ứng quang điện là từng phần; lần thứ hai, ông cho rằng có thể đo được tốc độ ánh sáng; lần thứ ba, ông cho rằng chất lượng dẫn đến đến trọng lượng và chất lượng ảnh hưởng đến gia tốc là như nhau. Từ đó đưa ra thuyết lượng tử, thuyết tương đối hẹp và thuyết tương đối rộng.

    Đây chính là năng lực cảm giác đặc biệt đối với sự vật và năng lực tạo ra khái niệm, đây chính là sức sáng tạo. Năng lực này đến từ bên trong, do bản thân trẻ em tự hình thành và phát triển trong thời kỳ niên thiếu.

    Thế nên mục đích của giáo dục là để phát triển tiềm lực nội tại của con người. Montessori nói: “Có thể chúng ta sẽ đặt câu hỏi, hứng thú độc đáo có thể khiến trẻ em lựa chọn một ấn tượng nào đó trong vô số ấn tượng chúng đã gặp là gì? Rất rõ ràng, không được tồn tại những kích thích từ bên ngoài”. Bà còn bổ sung thêm: “Nếu bạn cực kỳ vừa ý với một bộ quần áo mới, bạn sẽ bắt đầu chú ý đến những người mặc kiểu quần áo này”. Có tình trạng này không? Nếu bạn mới mua một bộ quần áo, bạn cảm thấy bộ quần áo này cực kỳ vừa ý, khi đi trên phố bạn có thể dễ dàng nhận ra kiểu quần áo này, cho dù trong một nghìn người bạn cũng có thể phát hiện ra.


    [Còn nữa]
     
  4. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 4: TRẺ EM CẦN PHẢI TỰ CẢM NHẬN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Xe lửa đi trên đường ray, đó là quy luật của người lớn. Khi trẻ em lấy đồ chơi xe lửa để chơi trò khác, bố sẽ nói: “Không đúng, xe lửa phải đi trên đường ray”. Bạn có hiểu được con trẻ đang nghĩ gì không? Đó có thể là những suy nghĩ không liên quan gì đến xe lửa, cũng có thể trẻ đang ôn tập hoặc phát triển những điều của ngày hôm qua.

    Con trẻ bắt đầu như một tờ giấy trắng và tự mình phát triển, đó là “lý tính của trẻ em” (chữ dùng của Montessori). “Lý tính” đó chỉ trật tự, trình tự nội tại tự phát dưới sự chỉ dẫn của phôi thai tinh thần. Thời kỳ nhạy cảm chính là xoay chuyển quanh nó. Cả quá trình phát triển của trẻ được căn cứ trên sự vận hành của bản thân.

    Rất nhiều cha mẹ nói: “Tôi phải dạy con mình…”, như thể cả quá trình phát triển trí lực của con trẻ đều dựa vào người lớn. Nếu không có vai trò của người lớn, con trẻ sẽ trở thành đần độn, đa số người lớn đều có suy nghĩ này. Montessori nói, người lớn chúng ta thích làm nhất một việc, đó là đóng vai trò thượng đế của con trẻ, đặc biệt là những khi con trẻ làm sai một việc gì, người lớn ngay lập tức muốn nhắc nhở trẻ, ngay lập tức muốn sửa sai cho trẻ, nói với trẻ nên làm thế nào. Trên thực tế, trẻ em tự phát triển dựa trên lý tính nội tại của mình, quá trình lý tính này là tự nhiên và đầy tính sáng tạo. Montessori nói: “Lý tính cung cấp năng lượng và động lực đầu tiên. Các loại ấn tượng được chỉnh lý sắp xếp để phục vụ cho lý tính. Con trẻ sẽ tiếp thu những ấn tượng đầu tiên để trợ giúp lý tính”. Quá trình lý tính này là một kiểu vận động tự phát. Mặc dù kiểu phát triển tinh thần này của trẻ cần đến sự giúp đỡ của người lớn chúng ta, ví dụ như một em bé sơ sinh, nếu không có sự giúp đỡ của người lớn, bé sẽ không thể sống nổi, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta sẽ trở thành “đấng cứu thế” của bé. Cho dù là chúng ta giúp bé, nhưng sự phát triển tinh thần của bé dựa vào bản thân bé, chúng ta chỉ giúp bé hình thành khái niệm, liên kết khái niệm, phân biệt khái niệm, phát triển tư duy.

    Tôi xin đưa ra một ví dụ. Bởi vì khái niệm đầu tiên mà con tôi nhận thức được là “trời” nên những vì sao trên trời cũng là một trong những sự vật mà cháu nhận thức sớm nhất tiếp theo sau. “Trời”, “sao” thuộc trong cùng một phạm vi. Lúc đó tôi đã tiến hành nghiên cứu mấy năm phương pháp giáo dục Montessori, giờ nghĩ lại mới thấy rất nhiều suy nghĩ của tôi lúc đó vẫn theo quan niệm truyền thống. Thế nên, khi tôi cố nhồi nhét cho cháu những cái gọi là tri thức, cũng vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống. Có một ngày, trên ti vi xuất hiện cảnh biển thật đẹp, tôi nói với con trai: “Tân Tân, con nhìn xem, đây là con sao biển!”. Trạng thái của con trai tôi lúc đó thật giống với máy tính bị “đơ”, cháu nói: “Sao… a…”, trợn mắt há miệng chỉ lên trời, ngạc nhiên vô cùng. Cháu chưa tưởng tượng ra con vật dưới biển đó lại liên quan gì đến ngôi sao trên trời. Điều này là thế nào? Lý tính của bản thân cháu đã biết phân biệt và suy luận, nên cháu đặc biệt nhạy cảm với những từ đồng âm nhưng chỉ những sự vật khác nhau. Lúc đó tôi đã hiểu ra rằng, tâm trí cháu vẫn chưa đạt được đến năng lực phân biệt hai từ đồng âm khác nghĩa “sao”. Còn phương pháp nhồi nhét của tôi đã khiến cháu cảm thấy sợ hãi.

    Montessori từng đưa ra một ví dụ. Một em bé 4 tuần tuổi và tình trạng của em là, khi em mới sinh, mẹ em bế em, sau đó bác trông trẻ bế em, nhưng từ đầu đến cuối chỉ có một người ở bên cạnh em. Đồng thời, chú em và bố em cũng chỉ xuất hiện riêng lẻ bên cạnh em. Kinh nghiệm ấy nói với em rằng, trong nhà chỉ có một người phụ nữ và một người đàn ông. Đột nhiên có một hôm, chú và bố của em cùng xuất hiện. Em bé nhìn, bên này là chú, bên kia là bố, hai người đàn ông nhìn tương tự nhau khiến em lẫn lộn và sợ hãi. Montessori đã dạy chúng ta làm thế nào giải quyết vấn đề này. Khi con trẻ gặp phải vấn đề này, hãy để chú đứng bên trái, bố đứng bên phải. Em bé sẽ liên tục nhìn hết bên này nhìn sang bên kia, cuối cùng em sẽ phát hiện ra một bí mật: Trên thực tế là hai người khác nhau. Con trẻ tiếp thu mọi thứ theo một trình tự đã được định hình, chúng không muốn phá vỡ trình tự nội tại của bản thân. Trình tự nội tại này cũng chính là “lý tính trẻ em” mà Montessori từng nói. Khi tình huống thực tế và trình tự nhận thức của trẻ không ăn khớp nhau, trẻ sẽ rất lo lắng.

    “Thực thể hóa” cũng là một khái niệm của phương pháp giáo dục Montessori. Thế nào là “thực thể hóa”? Chúng ta đều biết, phôi thai tinh thần của bản thân trẻ chỉ dẫn trẻ phát triển. Phôi thai tinh thần phải biến thành một phần máu thịt không thể tách rời của trẻ, điều này cần đến một quá trình, quá trình này chính là “thực thể hóa”. Montessori đưa ra một ví dụ thời đó: “Kinh Thánh” đã trở thành một phần máu thịt, một phần cuộc sống của những con chiên ngoan đạo, đó chính là “thực thể hóa”. Một ví dụ khác là việc ghi chép khi nghe giảng, những nét chữ vô thức cũng là “thực thể hóa”. Có những lúc chúng ta mải tập trung suy nghĩ một vấn đề rồi bỗng phát hiện ra mình đã đi một quãng đường rất dài, đi nhanh hay đi chậm, quãng đường ấy mình đã gặp ai, chào hỏi họ ra sao, chúng ta đều không nhớ. Lúc đó, những lời chúng ta nói, cách chúng ta đi đường, cũng chính là những thứ đã được “thực thể hóa” tồn tại trong con người chúng ta.

    Con trẻ phải làm thế nào mới có thể “thực thể hóa”? Chỉ có một cách, đó là không ngừng hoạt động, thông qua những hoạt động để “thực thể hóa” phôi thai tinh thần. Ví dụ trước mắt trẻ có một chiếc bình, sự xúc động trong bản thân trẻ mách bảo trẻ: “Đi lấy cái bình đó!”. Thế là trẻ chập chững bước tới lấy cái bình, sờ mó cái bình. Chính quá trình lặp đi lặp lại những hoạt động đó đã khiến phôi thai tinh thần của bản thân trẻ “thực thể hóa” hành động vừa rồi. “Thực thể hóa” là một quá trình như thế, một quá trình thực hiện những xúc động tinh thần của bản thân trẻ. Montessori nói, con trẻ tiến hành một quá trình tự tổ chức của riêng mình, biến những thứ đó thành trí nhớ.

    Tôi xin đưa ra một ví dụ khác. Một đứa trẻ cầm một chiếc gối, trên gối có hình hoa, đứa trẻ ngửi bông hoa, thơm bông hoa đó. Bác trông trẻ cho rằng cháu bé đang để ý cái gối, nên lại mang thứ khác đến cho cháu thơm. Thế là bác mang đến một loạt những thứ khác đến. Bác trông trẻ không hiểu được tâm lý trẻ em, trẻ em muốn thơm cái gì là do sự xúc động lý tính của bản thân các em chi phối chứ không do ngoại cảnh tác động. Thế nên, khi người lớn mang đến bao nhiêu thứ bảo em “ngửi cái này”, “thơm cái kia”, suy nghĩ của các em đã bị xáo trộn.

    Tôi nghĩ đâu chỉ mình bác trông trẻ vừa kể trên như vậy, mà ngay cả tôi cũng thế. Mỗi khi con trai tôi làm một việc gì đấy, thấy con cố gắng nhiều lần mà không được, tôi thường sẽ lấy cho con thứ gì đấy. “Thử cái này đi, con trai!”. May mà con trai tôi nói: “Mẹ đừng nói nữa! Mẹ yên lặng một chút được không?”. Mỗi buổi sáng, tôi muốn nói với con trai bao nhiêu là việc, thì chồng tôi lại nói: “Em yên lặng chút đi! Cứ để con tự suy nghĩ!”. Rồi con tôi nghe được câu nói ấy, hễ tôi lên tiếng vào buổi sáng, nó lại nói: “Yên lặng! Mẹ yên lặng!”. Lâu dần tôi cũng trở thành người yên lặng. Một buổi sớm, tôi mặc áo cho con, lúc bảo con đứng dậy, tôi phát hiện vẻ tập trung, chăm chú trên mặt con. Tôi nghĩ, cu cậu đang nhìn gì vậy? Tôi nhìn theo ánh mắt của con, nhìn thấy ánh nắng ban mai đang rọi qua cửa sổ kính vào chiếc áo ngủ màu hồng, sắc hồng ánh lên dưới ánh nắng mặt trời, đẹp rạng rỡ. Thấy con tập trung, tôi không dám lên tiếng, tôi nghĩ, mình không thể phá vỡ quá trình tự nhiên nội tại của con. Một lúc sau, con không nhìn nữa. Tôi hỏi: “Có phải con nhìn thấy ánh nắng mặt trời chiếu trên chiếc áo ngủ của mẹ rất đẹp không?”. Con trai tôi gật đầu. Nhưng ai mà biết được, trong lúc đó đã xảy ra chuyện gì? Cảm giác đầy chất thơ của con được sinh ra thế nào và lưu giữ ra sao? Nếu trong quá trình đó tôi cứ nói mãi những điều giáo lý, thì liệu quá trình đó có còn tồn tại được hay không? Hiển nhiên là người lớn chúng ta đã quá thích nói nhiều!

    Montessori từng đưa ra một ví dụ. Một đứa trẻ chơi đồ chơi xe lửa, cháu không cho xe lửa đi trên đường ray. Xe lửa đi trên đường ray, đây là quy tắc của người lớn, nên khi cháu bé dùng đồ chơi này để chơi những trò khác, bố cháu sẽ nói: “Con trai, làm thế sai rồi, xe lửa phải đi trên đường ray, phải thế”. Con không muốn thế, nhưng bố bắt con phải làm theo ý mình, liên tục can thiệp vào trò chơi của con.

    Điều này cực kỳ trùng hợp với bố của cháu Tế Tế ở nhà trẻ chúng tôi. Bố của Tế Tế rất yêu con, nhưng trạng thái của cháu không tốt. Có những lúc cậu bé cầm chiếc khăn mặt muốn vắt lên giá phơi, không vắt được thì cứ đứng ở đó, cháu có thể cứ cầm khăn mặt mà đứng đó nửa tiếng đồng hồ. Sau này con tôi đến nhà cháu chơi, con tôi cứ chơi cái gì, cháu lại giằng lấy nói: “Không được làm thế, phải thế này!”. Con tôi lại để đồ chơi đó xuống, chơi thứ khác. Vừa cầm lên chơi, Tế Tế lại giằng lấy: “Không phải! Phải chơi thế này này”. Đến bốn giờ chiều, tôi phát hiện ra con trai mình đã bị đè nén tới mức không thể chịu đựng, mượn một cái cớ khóc òa lên. Họ nói con tôi tranh đồ chơi với Tế Tế, tôi nói: “Không phải, Tế Tế đã áp đặt Tân Tân quá nhiều, Tân Tân chơi đồ chơi theo cách của mình, Tế Tế lại giằng lấy, ‘Phải chơi thế này này’”. Cách làm của Tế Tế thuần túy là cách làm của bố cháu. Tế Tế rất thông minh, sự thông minh của cháu được thể hiện ra ở đâu? Cháu nhanh nhẹn, rất rất nhanh nhẹn. Nhanh nhẹn đến mức nào? Như con bồ câu, như con nai nhỏ, rất nhiều người thích. Nhưng tôi cho rằng, năng lực tự tổ chức của cháu đã mất sạch, cháu không có tính sáng tạo. Vì trẻ em phải được tự mình tìm tòi, cố gắng, thành công, trong quá trình tự phát triển của mình, để các kinh nghiệm thấm dần vào máu thịt, để các khái niệm đó được “thực thể hóa”. Kinh nghiệm này bắt đầu từ những tìm tòi của chính bản thân các em, thông qua những quá trình tự mở mang khai phá mà hình thành.

    Thời kỳ trẻ thơ là thời kỳ khai sáng kinh nghiệm cảm giác, thời kỳ cảm giác kinh nghiệm sáng tạo, thời kỳ nhạy cảm của tri thức cảm giác. Lúc này, nếu rút ra được những kết quả từ chính kinh nghiệm bản thân, nó sẽ trở thành một phần cuộc sống của bạn, là của bản thân bạn. Còn những thứ người khác dạy bạn, đó là kinh nghiệm cảm giác của người khác, kinh nghiệm cảm giác là không thể thay thế! Người ta không thể dạy nhau về ý tưởng sáng tạo!

    Montessori nói: “Việc trẻ em cần phải lưu giữ những ấn tượng rõ ràng mà chúng có được là tuyệt đối cần thiết, bởi vì chỉ khi những ấn tượng đó rõ ràng và được phân biệt rõ, trẻ mới có thể hình thành trí lực của bản thân mình”.

    Trường Đại học Havard có một thực nghiệm mang tính kinh điển. Thực nghiệm đó chỉ ra rằng, những nhận thức của trẻ với sự vật hiện tượng luôn là như thế này, khi bạn đưa cho trẻ một kiến thức hoàn toàn mới, trẻ không tiếp nhận; nếu bạn đưa cho trẻ một thứ trẻ đã từng nhận biết, chỉ có một chút nội dung mới, trẻ cũng không tiếp nhận. Nhưng, nếu trong đó có một phần lớn nội dung trẻ đã từng nhận biết, đã từng nắm vững, chỉ có một phần nhỏ nội dung trẻ chưa nắm vững hết, lúc này, trẻ tiếp nhận nhanh nhất. Bởi vì trẻ thích liên hệ một sự vật này với một sự vật khác.

    Chúng ta đều đã xem bộ phim hoạt hình Disney kinh điển “Cây đàn thần kỳ”. Cây đàn piano đó có thể tự đánh đàn, nên cậu bé trong phim đã thỏa thuận với cây đàn. Thế là những lúc cây đàn tự đánh, mọi người lại tưởng là cậu bé đang chơi đàn nên liên tục mời cậu đến tham gia những buổi dạ hội, liên tục khen ngợi cậu. Cậu bé sinh ra kiêu ngạo. Thông qua câu chuyện này trẻ em hiểu rõ khái niệm của từ kiêu ngạo. Khi bạn có được chút thành tích, bạn sẽ kiêu ngạo. Khái niệm này là nghĩa xấu. Nhưng có những lúc, vì con trẻ làm rất tốt, mẹ cháu sẽ nói: “Mẹ cảm thấy kiêu hãnh vì con!”. Thế là, trẻ em lại hiểu được hàm nghĩa thứ hai của từ “kiêu”, nhưng trước hết trẻ sẽ nêu ra câu hỏi: “Mẹ ơi, cậu bé trong ‘Cây đàn thần kỳ’ kiêu ngạo, lúc nãy mẹ lại nói từ kiêu hãnh, tại sao lại có hẳn hai từ ‘kiêu’ thế?”. Cháu bé đã bắt đầu phân biệt được những từ đồng âm. Cũng một từ “kiêu”, nhưng ghép với hai từ khác nhau, miêu tả cảm giác trong những hoàn cảnh và sự việc khác nhau. Cảm giác này tương đối phức tạp, độ khó của nó phù hợp với năng lực tiếp nhận và hứng thú của trẻ(1).

    Trí lực cũng thể hiện ở năng lực phân biệt sự vật hiện tượng. Khi phân biệt những sự việc hiện tượng này, con trẻ sẽ nắm được những sự việc chung, nắm bắt được bản chất của khái niệm, như thế, Montessori nói: “Trẻ mới có thể hình thành trí lực của mình”.

    [Còn nữa]
     
  5. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 5: TÂM LÝ VÀ TRÍ LỰC KHÔNG GIỐNG NHAU

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một đứa trẻ 4 tuổi, bố mẹ ly hôn, người lớn thường hay trêu: “Gọi bố đi, bố mua đồ chơi cho!”. Lúc đầu, cháu bé sẽ trốn sau lưng mẹ, cảm thấy xấu hổ và phẫn nộ. Sau dần thì quen, cho dù người lớn có dụ dỗ thế nào, cháu cũng không chịu nói gì. Chúng ta không thể biết những điều này sẽ lưu lại dấu ấn gì trong trẻ, nhưng khái niệm liên quan đến “bố” này, chắc chắn cháu sẽ có những lý giải không giống với mọi người.

    Hiện tượng tùy tiện đánh mắng trẻ rất phổ biến, đến nỗi, việc người lớn nặng lời với trẻ nhiều khi đã trở thành một thói quen. Sự phát triển tâm lý và trí lực của những đứa trẻ bị mắng, bị đánh sẽ có những khác biệt rõ ràng so với những đứa trẻ bình thường. Điểm đầu tiên chính là khái niệm không rõ ràng, đầu óc mơ hồ, gặp khó khăn trong nhận biết thực tại khách quan, quá nhạy cảm với những sự vật bên ngoài, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và trí lực nội tại của trẻ. Những đứa trẻ bị đánh mắng nặng nề, trí nhớ kém, khó khăn khi nhận biết thực tại khách quan, điểm xuất phát nhìn nhận thế giới của các em dựa trên nhu cầu và thù hận. Những đứa trẻ bị đánh mắng chưa đến mức nặng nề nhưng ít nhiều bị kích động cũng thường xuyên mơ hồ. Ở những gia đình và lớp học kiểu “chuyên chế”, trẻ em cũng ít nhiều xảy ra hiện tượng trên. Trên thực tế, đó là các em đã gặp phải những vấn đề về tư duy.

    Đánh mắng trẻ sẽ tạo cho trẻ áp lực và sự sợ hãi. Áp lực này sẽ kích động cảm giác của trẻ với sự vật hiện tượng, kích thích trẻ nhận thức một phần sự vật hiện tượng mà coi nhẹ tổng thể. Khi nhóm trẻ này hình thành một khái niệm nào đó, đôi mắt trẻ không nhìn nhận sự vật hiện tượng khách quan mà là sự vật hiện tượng sau khi bị kích thích, thế giới không còn là thế giới vốn có, mà là một thế giới dưới cái nhìn chủ quan của trẻ. Áp lực khiến trẻ bị sai lệch trong quá trình nắm bắt sự vật, không thể hiểu sâu bản chất vần đề. Khó khăn sẽ giáng xuống đầu trẻ.

    Những đứa trẻ sống trong yêu thương và khoan dung, trong quá trình tự tổ chức của mình bởi vì năng lực phân biệt của trẻ không bị tổn thương nên có thể nắm vững sự vật một cách rõ ràng, chuẩn xác và có thể xác định rõ ràng.

    Một người bạn của tôi, thời thơ ấu của chồng cô ấy không được như những người khác, sau khi lập gia đình tính tình khá thất thường, đối xử với con lúc tốt lúc không. Năm con 4 tuổi, cô ấy ly hôn. Mấy người lớn gặp đứa trẻ, hay trêu nó: “Gọi bố đi, bố mua đồ chơi cho!”. Lúc đầu đứa bé sẽ nấp sau lưng mẹ, cảm thấy xấu hổ và phẫn nộ. Lâu dần thành quen, cho dù người lớn có dụ dỗ thế nào, đứa trẻ cũng không mở lời. Chúng ta không thể biết những điều này đem đến cho trẻ cảm giác như thế nào, phải đến khi đứa trẻ trưởng thành, trở thành bố đứa trẻ khác, chúng ta mới có thể nhận ra những ảnh hưởng đã tác động lên tâm hồn trẻ. Và chắc chắn rằng, đối với khái niệm “bố”, cháu chắc chắn sẽ có những lý giải không giống mọi người.

    Điều này lại hoàn toàn ngược lại trong quá trình hình thành khái niệm “bố” của con tôi.

    Một lần, anh bạn đến nhà tôi chơi, vừa gặp con tôi đã nói: “Gọi bố đi, bố mua đồ chơi cho!”. Con tôi gọi luôn: “Bố!”. Lúc đó con tôi chưa đầy 3 tuổi. Lần sau gặp lại người bạn này, con tôi lại gọi “Bố!”. Bạn tôi nói: “Con chị thông minh thật đấy! Vừa gặp đã biết gọi bố rồi, muốn mua đồ chơi đúng không?”. Tôi nói: “Không phải, cậu đã làm lẫn lộn khái niệm bố của con trai tôi rồi”. Đấy là một lần. Một lần khác, một người bạn khác đến trường, anh ấy là thành viên của ban quản lý nhà trường, buổi tối họp xong ở lại trường luôn. Sáng sớm hôm sau, con tôi đến trường, vừa nhìn thấy anh ấy đã chạy lại. Anh ấy ôm con tôi vào lòng, thơm nó, rồi lấy râu chà vào người nó. Con tôi nói một cách trịnh trọng khác thường: “Bố!”. Bạn tôi kinh ngạc nói: “Không được gọi linh tinh, chú chứ không phải bố”. Con tôi ngạc nhiên hỏi: “Thế tại sao chú cũng để râu?”. Sau này chồng tôi nói rằng, anh ấy cũng hay chà râu vào người con. Có thể việc này đã gợi cho cháu một đoạn ký ức, ai mua cho con đồ chơi, lấy râu chà vào người con thì người đó là bố. Quá trình này là một quá trình phân biệt. Khi trẻ con bắt đầu biết phân biệt, chúng sẽ phân biệt được một số chi tiết, nắm bắt một số điểm chính và loại bỏ một số chi tiết khác. Việc này nghe qua thì có vẻ thật ngờ nghệch, nhưng chứng tỏ quá trình không ngừng suy nghĩ của con trẻ.

    Đương nhiên những gì tôi vừa nói trên đây là những ví dụ hết sức rõ ràng. Trong quá trình vận hành bộ não sau này, trẻ sẽ phải đối mặt với những vấn đề ngày càng phức tạp, năng lực phân biệt sẽ ngày càng mạnh mẽ. Lúc này, năng lực phân biệt của một người cao hay thấp sẽ được thể hiện rõ ràng. Một hôm, vì lý do gì đó mà con trai tôi hết sức bực bội, cháu khóc ầm lên rồi chạy lại đá bố. Lúc đó cháu mới 2,5 tuổi. Bố cháu nói với cháu: “Con có phải con lừa đâu mà đá bố?”. Con tôi bỗng nhiên không khóc nữa, ngẩn ngơ đứng đó nửa phút, sau đó thật thà hỏi: “Bố ơi, con cá đâu có chân hả bố!”. Bố bảo: “Con lừa, chứ không phải con cá(1)”. Cu cậu cứ đứng đó suy nghĩ mãi. Tôi không hiểu, một đứa trẻ đang bực bội như vậy, vì một suy nghĩ nào đó mà có thể quên hết bực bội để tư duy. Tôi thường nói với mọi người, bộ óc cu cậu này là “286” chứ không phải “586”, hoạt động rất chậm. Nhưng rồi, tôi phát hiện ra rất nhiều cháu trong nhà trẻ đều là “286”. Tư duy của các cháu yên tĩnh mà chậm rãi, giống như một con sông tinh thần chậm chạp chảy bên dưới biển cả cuộc sống, mà chúng tôi hay dùng từ “ngơ ngác” để ví von các cháu. Cả trạng thái tư duy và trạng thái nhận thức của các cháu đều đang suy nghĩ. Khi bạn nói điều gì với trẻ, trẻ cũng đều suy nghĩ. Tư duy với trẻ em là một việc vui, là một hoạt động hoàn toàn mới mẻ. Khi suy nghĩ, biểu hiện của trẻ thật rõ ràng và trẻ cần một quãng thời gian tương đối dài. Nhưng nhóm trẻ hay bị đánh mắng thường không hay suy nghĩ. Các cháu phản ứng rất nhanh, dường như thông tin chưa kịp qua bộ óc.

    Nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ phát hiện ra trong cuộc sống có rất nhiều trẻ, người lớn vừa nói trẻ đã phản ứng lại ngay? Tại sao vậy? Ngoài trách mắng, còn vì người lớn không ngừng áp đặt trẻ trong cuộc sống nên hình thành phản xạ có điều kiện “huýt sáo, chó sẽ chạy lại”. Rất nhiều trẻ đều như vậy. Trên thực tế, trẻ tiếp nhận bất cứ thông tin nào đều thông qua bộ não. Tuy rằng sự vận hành bộ não của trẻ tương đối chậm chạp, nhưng chỉ cần để trẻ suy nghĩ, cho trẻ cơ hội, quá trình ấy sẽ dần dần nhanh hơn.

    Quá trình nhận thức tiến hành thông qua bộ não mới có thể thu được đối tượng, đó gọi là trí lực. Có những đứa trẻ thuở nhỏ được khen là rất thông minh, bộ não phản ứng nhanh, nhưng khi lớn lên, kết quả học tập và sức sáng tạo không tốt. Nguyên nhân là vì những tri thức hồi bé của cháu là do người lớn dạy, hoặc là do người lớn kích thích bộ não cháu mà thành.

    Đùa cợt trẻ cũng là một thói quen của rất nhiều người lớn với trẻ con. Có một lần, tôi đưa con đến cơ quan, mang theo một túi đồ ăn. Đồng nghiệp của tôi nói: “Tân Tân, cho dì cái túi này được không?”. Con tôi bảo: “Không được”, rồi giấu túi ra sau lưng. Đồng nghiệp đó lại nói: “Cháu không cho dì à? Không cho dì lấy nhé!”. Sau đó cố ý làm động tác muốn cướp đi.

    Con tôi khóc òa lên. Đồng nghiệp đó nói: “Còn nói là phương pháp Montessori gì chứ? Chị nhìn cu cậu xem, trẻ con ở trường chúng ta có đùa thế nào cũng đâu có khóc”. Tôi nói: “Không phải, con tôi chưa bị trêu đùa bao giờ, nên tưởng là cô sẽ lấy thật. Hơn nữa, con tôi không biết hành vi dã man này của cô bắt đầu từ đâu? Không cho thì dì lấy! Tư duy của cháu đã gặp sự cố. Sao có thể như vậy? Vốn dĩ một cộng một bằng hai, cô lại bắt nó bằng ba, điều này không phù hợp với kinh nghiệm trưởng thành của cháu”. Cô ấy nói: “Cái gì chứ! Đứa trẻ nào ở chỗ chúng ta cũng đều như thế mà”. Tôi nói: “Những đứa trẻ ở chỗ chúng ta đã quen với việc đùa cợt, con tôi chưa bị ai đùa. Cháu đã quen với việc lớn lên như vậy, cháu không muốn cô đùa”. Nhưng tôi biết rằng rất nhiều người lớn hay đùa cợt trẻ em như vậy, liên tục đùa cợt, kết quả là làm loạn tâm trí trẻ. Trẻ em không có cơ hội tự tổ chức của riêng mình, không có cơ hội tập hợp những thứ chúng nhìn thấy về bộ nhớ cố định của mình.

    Kết quả rõ ràng của việc trêu đùa con trẻ chính là sự cợt nhả. Đa phần người ta không biết nguyên nhân việc “cợt nhả” của thanh thiếu niên hiện nay. Điều này đa phần bắt nguồn từ sự “trêu đùa” thời thơ ấu, bởi vì “trêu đùa” là một hành vi không đúng mực, cũng lan rộng trong xã hội như hiện tượng đánh mắng con trẻ, nhưng với một phạm vi rộng hơn.

    Tính ngẫu nhiên trong quá trình trưởng thành của con trẻ tương đối lớn. Ví dụ như thứ bậc trong gia đình không giống nhau, trạng thái tâm lý của trẻ cũng không giống nhau. Tôi từng được xem một bộ phim cũ về tiểu sử của người sáng lập đại hội thể dục thể thao Olympic, ấn tượng vô cùng sâu đậm. Bởi vì lúc đó cậu tôi vừa có cháu thứ hai, tôi thường sang nhà cậu chơi. Mọi người vừa bế em bé mới sinh vừa nói với cháu lớn: “Song Bách, mẹ cháu sinh em bé, không cần cháu nữa rồi!”. Ban đầu, Song Bách khóc hu hu, sau quen dần cũng chẳng thấy có vấn đề gì.

    Người lớn chúng ta không hiểu điều này có ý nghĩa thế nào đối với trẻ con. Đó là trêu đùa, một sự trêu đùa quá độc ác và nhẫn tâm, sự trêu đùa này quá tàn nhẫn, nhưng người lớn không cảm nhận được. Tôi vừa xem xong bộ phim, cảm thấy rất xúc động. Em trai nhân vật chính trong phim vừa ra đời, cả gia đình đều đang bận rộn chăm sóc em bé mới sinh. Lúc đó, nhân vật chính của chúng ta khoảng 7, 8 tuổi, cậu bé đi từ trên gác xuống, đứng ở cầu thang, nhìn bố, mẹ và cả người bảo mẫu đang bận rộn chăm sóc em bé. Mẹ em quay lại, nhìn thấy con trai lớn đang đứng trên cầu thang nhìn họ, vội chạy tới kéo em ngồi xuống bậc cầu thang, nói với em: “Mẹ muốn nói với con rằng, mẹ rất yêu con. Nhưng mà em bé của con quá nhỏ, nếu mẹ không cho em bú sữa, không chăm sóc em, em sẽ không sống được. Thế nên, mẹ cần phải tập trung sức lực để chăm sóc em, còn con, con đã có thể tự chăm sóc bản thân mình. Nhưng điều này không có nghĩa là mẹ không yêu con. Mẹ vô cùng yêu con”. Thế là cậu bé đã có thể cảm thấy thoải mái với vấn đề này.

    Trên thực tế, cậu bé đã đặt ra câu hỏi chưa? Chưa từng. Chỉ là mẹ cậu nhìn thấy được tình cảnh này, cảm giác được vấn đề này và kịp thời giải tỏa khúc mắc của con. Có được một người mẹ như thế, mới có được những thành tựu sau này của người con.

    Cuộc sống chính là như vậy. Nếu bạn cảm nhận được suy nghĩ của con, nói với con, những khúc mắc sẽ không còn tồn tại. Nhưng nếu không nói, có thể cả cuộc đời tiếp theo cậu bé sẽ cảm thấy bố mẹ không còn yêu mình nữa. Đám bạn học của tôi cũng thường than thở bố mẹ họ “con yêu con ghét”. Cảm giác không công bằng này luôn xảy ra giữa các anh chị em. Tôi nhớ hồi lên cấp hai, tôi vẫn luôn cho rằng mẹ yêu anh trai hơn nên thường cãi nhau với mẹ. Anh trai không ăn rau hẹ, mỗi bữa cơm, mẹ thường lấy trước cho anh một phần không có rau hẹ, đặt riêng một chỗ. Mỗi lần tôi cãi lại mẹ, mẹ đều nói: “Mẹ yêu anh trai con hơn, vì anh con đâu có thế này!”. Tôi càng cho rằng, mẹ yêu anh hơn.

    Freud(2) đã từng ghi chép lại một ca phân tích tâm lý trong một cuốn sách của mình: Trong quá trình tư vấn tâm lý cho một cô giáo trên dưới 30 tuổi, ông đã nhắc cô nhớ lại tuổi ấu thơ của mình. Cô nói trong một lần đến studio chụp ảnh cùng bố mẹ và em trai, ở đó có một quả táo giả, mẹ cô đã đưa quả táo đó cho em trai chứ không đưa cho cô. Cô cứ nhớ mãi việc đó. Ông vừa nghe đã hiểu ngay. Mặc dù chỉ là một quả táo giả, nhưng vì mẹ chỉ đưa cho em trai mà không đưa cho cô, nên cô cảm thấy không thoải mái. Cô cảm thấy đối xử như thế là không công bằng. Cảm giác và những sự việc kéo theo liên tục xảy ra, dẫn đến những nỗi khổ và trở ngại tâm lý trở thành tiềm thức. Nhưng mà, có mấy người may mắn gặp được Freud?

    Những sự việc tương tự trong cuộc sống của chúng ta nhiều không đếm xuể, gây ra những ảnh hưởng to lớn trong quá trình trưởng thành, đến nỗi biến con người ta trưởng thành thành những con người hoàn toàn khác hẳn.

    [Còn nữa]
     
  6. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 6: TẠI SAO TRẺ EM THÍCH LẶP ĐI LẶP LẠI MỘT VIỆC?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chúng ta biết là trẻ em thích lặp đi lặp lại một việc. Nghe đi nghe lại một câu chuyện, dăm bữa nửa tháng cũng không chán. Con trẻ tiếp thu được từ câu chuyện đầu tiên là sự logic, sau đó là cảnh tượng và cuối cùng là khái niệm chuẩn xác. Phải tuyệt đối kỹ càng khi lựa chọn sách cho con, để con tiếp thu được những điều tốt nhất.

    Sự phát triển đầu tiên của cảm giác, tư duy, trí lực, tư tưởng ở trẻ em cần khá nhiều thời gian, lặp đi lặp lại nhiều lần. Montessori nói: “Lặp đi lặp lại việc luyện tập sẽ hoàn thiện quá trình cảm giác tâm lý của trẻ em”, “Lặp đi lặp lại việc luyện tập là bài tập thể dục trí lực của trẻ em”. Bà còn nói: “Giáo viên hướng dẫn cần dẫn dắt con trẻ đi từ cảm giác đến khái niệm, từ cụ thể đến trừu tượng, đến việc liên hệ giữa các khái niệm”. Những người đã có con, hoặc những người từng tiếp xúc với trẻ em đều biết rằng, trẻ em thích lặp đi lặp lại một việc. Một ví dụ điển hình nhất chính là khi đọc truyện cho các con, người lớn thường chỉ đọc một lần rồi thôi, việc đọc đi đọc lại khiến người lớn cảm thấy nhàm chán. Nhưng trẻ em không như vậy, trẻ em ngày hôm nay nghe câu chuyện, ngày mai cũng nghe, ngày kia cũng nghe, dăm bữa nửa tháng vẫn muốn nghe câu chuyện ấy, không muốn thay đổi. Trẻ em tiếp thu được từ câu chuyện đầu tiên là sự logic, sau đó là cảnh tượng và cuối cùng là khái niệm chuẩn xác. Thế nên, phải tuyệt đối kỹ càng khi lựa chọn sách cho con, tốt nhất là nên đọc trước một lần, bởi vì có rất nhiều sách sai về logic. Nếu bạn không đủ tự tin, thì nên chọn những tác giả nổi tiếng, dịch giả nổi tiếng, họa sĩ minh họa nổi tiếng của những nhà xuất bản tốt, như thế cũng có thể yên tâm hơn nhiều.

    Rèn luyện cảm giác của con trẻ cũng thường là như vậy. Nếu hôm nay con sờ vào cái bình, con sẽ liên tục mân mê cái bình đó, rồi bạn nói với con: “Đây là cái bình”. Đó chính là đưa khái niệm kết hợp với cảm giác ở bộ não của con trẻ. Khi bạn cầm cái bình đưa cho con, để con sờ vào cái bình, con sẽ cảm nhận được một khái niệm cụ thể.

    Nhưng, nếu chúng ta in hình cái bình trên giấy, rồi mang cho trẻ con xem, thì đó là một thứ nửa cụ thể nửa trừu tượng, thậm chí là hoàn toàn trừu tượng. Nếu lúc đó bạn nói với con từ “cái bình”, thì đó là một khái niệm trừu tượng. Nhận thức của trẻ em đối với thế giới phải bắt nguồn từ cảm giác, sau khi con trẻ liên tục sờ mó, cảm nhận, các em sẽ tiến hành tổ chức, phân loại, quy nạp những thứ mình vừa cảm nhận, từ đó sinh ra khái niệm. Phải nắm bắt được quá trình và cơ hội đó. Giáo dục trẻ em phải bắt đầu từ hiện thực, bắt đầu từ cụ thể, bắt đầu từ sự thực, bắt đầu từ cuộc sống, hết sức tránh tưởng tượng, đây chính là nguyên tắc quan trọng của phương pháp Montessori. Nguyên tắc đó khiến cho hiện thực tràn đầy ý nghĩa, hoàn thiện quá trình hình thành khái niệm, từ đó mà khái niệm được liên hệ chặt chẽ với hiện thực, nguyên tắc đó khiến trẻ em phát triển năng lực điều khiển hiện thực, chứ không phải là “du ngoạn trong thế giới tưởng tượng”.

    Một khi nắm vững được khái niệm nào đó, con trẻ sẽ sử dụng rộng rãi khái niệm này và liên hệ tất cả các khái niệm với nhau. Ví dụ hôm nay trẻ được trải nghiệm “cái bình”, lại được trải nghiệm “tròn”. Có được hai khái niệm này, trẻ sẽ tự liên hệ với nhau, sự liên hệ ấy không cần ai chỉ dẫn. Bố mẹ của các con đều biết rằng, lúc đầu các con chỉ biết nói “bố mẹ”, rồi một hôm các con bỗng nói được cả câu dài. Đó là vì các con đã nắm chắc được rất nhiều khái niệm, rồi liên kết các khái niệm ấy với nhau, tự tổ chức lại mà không cần dựa vào người lớn.

    Một trong những nhiệm vụ của giáo viên là dẫn dắt các con đi từ cảm giác đến biểu đạt khái niệm. Có những lúc khi tôi nói “Để trẻ tự do”, rất nhiều người nói rằng: “Theo như chị nói, thì trẻ em nông thôn phải phát triển rất tốt, vì không có ai quản lý, từ sáng đến tối chơi ở sân vườn ruộng đồng!”. Vấn đề ở đây nằm ở việc học cách biểu đạt từ ngữ và quá trình hình thành các khái niệm chính xác. Tôi xin đưa ra một ví dụ, trường chúng tôi có nhận một cháu, cháu sống ở nông thôn đến năm 4 tuổi. Cháu thấy con bò thì nói “ò ò”, thấy con gà thì bảo “cúc cù cu”. Rất nhiều khái niệm khác đều mơ hồ như vậy. Cháu biết con bò, nhưng không biết con vật ấy gọi là bò, cháu gọi bò là con “ò ò”. Lúc đó tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, tôi nói với các cô: “Cháu bé ở nông thôn, đáng lẽ phải biết những khái niệm này”. Thực tế không phải vậy, bởi vì cháu ở nông thôn được tiếp xúc với những con vật này, cũng có cảm giác, nhưng không có ai đưa cho cháu những khái niệm từ ngữ biểu đạt chính xác, tinh thần của cháu chưa từng được nâng cao và phát triển. Vì thế tâm lý, trí lực của cháu chưa được phát triển tốt.

    Trong quá trình dạy học còn cần phải làm một việc, cũng chính là điều Montessori từng nói: “Phải dùng một phương pháp để cách ly sức chú ý nội bộ của trẻ, gắn chặt sức chú ý đó vào một phần tri giác”. Ví dụ như cô giáo cầm một bông hoa, hoặc một bộ quần áo, nói với các em “Đây là màu hồng”, như vậy là cô giáo đó chưa làm được việc “dùng một phương pháp để cách ly sự chú ý nội bộ của trẻ, gắn chặt vào một sự vật nào đó”. Bởi vì trong một lúc cô đã đưa ra với các em quá nhiều thứ: quần áo, màu sắc, người mặc quần áo…

    Nếu bạn dùng bảng màu để giải thích màu sắc với các con thì khác hẳn, đó là một vật thật đã được cách ly. Khi con trẻ nhìn vào bảng màu, thị giác của con có thể loại trừ những “sóng nhiễu, kích thích, dụ dỗ” bên ngoài màu sắc, để chỉ cảm nhận riêng một màu đó và hình thành khái niệm. Bạn hỏi: “Đây là màu gì? Màu tím”. Nếu bạn dùng bảng màu để nói với các con từ màu tím, có thể các con sẽ lại nói với bạn rằng: “Áo của cô cũng màu tím, bông hoa bìm bìm trên hàng rào cũng màu tím, giáo cụ kia của chúng con màu tím…”. Quá trình này rõ ràng là một quá trình từ cụ thể đến trừu tượng, từ đặc thù đến phổ biến. Con trẻ vốn đã nhìn thấy và cảm nhận được màu tím ở cuộc sống ở xung quanh các em, nhưng chưa được khái niệm hóa, nay khái niệm này đã được xây dựng, các con có thể sử dụng từ màu tím này với những đồ vật khác. Còn nếu bạn lấy hoa làm giáo cụ để dạy các con màu hồng, các con sẽ cho rằng hoa là màu hồng, màu hồng là hoa.

    Montessori đưa ra một số yêu cầu đối với các cô giáo, yêu cầu đầu tiên bà đưa ra là: Khi dạy học, các cô phải dùng những từ đơn giản, chỉ khơi gợi sự liên tưởng giữa tên gọi của những sự vật hoặc khái niệm trừu tượng mà nó đại diện. Tôi xin đưa ra một ví dụ, ví dụ nói tam giác, phương pháp giáo dục Montessori yêu cầu chỉ dạy sự liên hệ khái niệm giữa tên gọi và vật thể mà tên gọi đó đại diện. Cũng có nghĩa là khi tôi đưa ra hình tam giác, tôi sẽ nói luôn với trẻ “đây là hình tam giác”, mà không nói gì thêm.

    Điều quan trọng đồng thời là muốn trẻ nắm vững khái niệm một cách chuẩn xác, nhanh chóng và triệt để, bạn cần phải chuẩn bị hai, ba đồ vật trừu tượng hóa để trẻ đối chiếu. Ví dụ bảng màu, bạn nên chỉ ra màu sắc cần khái niệm giữa hai, ba bảng màu khác nhau. Hay như hình tam giác, bạn nên cho so sánh những hình khác nhau, như hình tròn, hình vuông rồi chỉ ra hình tam giác. Nếu không, trẻ sẽ tạm thời ghi nhớ từ ngữ vào trí nhớ, để đợi cơ hội trừu tượng hóa. Quá trình đó có thể rất dài.

    Trẻ có thể xây dựng hoạt động ý thức thông qua tên gọi. Ví dụ nhận thức của con trẻ đối với khối cầu có thể bắt đầu từ quả bóng da, cũng có thể đến từ khối cầu (một loại giáo cụ), cũng có thể đến từ ông trăng tròn. Khi người lớn nói đến khối cầu hoặc tròn, con trẻ tìm trong trí nhớ của mình để liên hệ tên và vật thể. Đó là cách nói theo ý nghĩa phổ quát. Trong dạy học cụ thể, chúng ta sử dụng đồ dùng dạy học, dùng tam đoạn thức(1) dạy trẻ một khái niệm chuẩn xác mà cụ thể nào đó, khi trẻ không thể chỉ cho chúng ta vật thể này, chúng ta có thể phát hiện ra con trẻ vẫn chưa hình thành năng lực liên hệ tên gọi và vật thể. Chúng ta hãy học cách chờ đợi trạng thái tâm trí này của trẻ.

    Montesseri nói: “Nếu con trẻ không gặp sai sót gì, giáo viên có thể khơi gợi những hoạt động liên quan đến khái niệm vật thể”. Từ “sai sót” ở đây là chỉ việc các con có nắm được chuẩn xác, rõ ràng khái niệm mới hay không. Cách đây không lâu, tôi có nói với con trai mình: “Cả cuộc đời con, con sẽ theo đuổi điều gì?”. Con tôi nói: “Chơi!”. Tôi nói: “Mẹ đang nói tới những lý tưởng cao cả”. Con tôi hỏi: “Mẹ nói cái gì?”. Tôi nói: “Chân, thiện, mỹ chẳng hạn!”. Con tôi nói: “Chân là cái gì ạ?”. Tôi nghĩ: “Mình không thể nói chân là chân lý được, con không hiểu”. Thế là tôi nói: “Chân có nghĩa là chân thực!”. Con tôi cười nói: “Sao mẹ không nói chân có nghĩa là chân lý nữa!”. “Chân thực”, “chân lý” chính là sự phát triển những khái niệm gần nhau. Cũng có nghĩa rằng, khi trẻ hoàn toàn nắm vững một khái niệm, bạn mới có thể thêm vào cho trẻ một nội dung khác.

    Khi chúng ta nói với con trẻ về chuỗi thức ăn(2), chúng ta nói đến động vật ăn cỏ, động vật ăn thịt, xác động vật chết đi, sau khi thối rữa có thể làm cho đất đai màu mỡ, khiến cho cây cối càng thêm tốt tươi. Thế thì, những trẻ nắm vững khái niệm có thể nói ngay: “Đây là một quá trình tuần hoàn…”. Trẻ em lớn có thể nói được từ tuần hoàn. Ngay cả một em bé hơn cũng có thể dùng tay ra hiệu, muốn biểu đạt một điều gì đó, vẽ một vòng tròn rồi lại quay về điểm ban đầu. Lúc này, chúng ta chỉ nói “tuần hoàn”, để từ vựng này kết hợp với khái niệm trong đầu trẻ là đủ.

    Montessori nói: “Vấn đề phổ cập hóa những khái niệm mà trẻ đã học được, cũng có nghĩa là đưa những khái niệm này ứng dụng vào môi trường trẻ đang ở, tôi không chủ trương dạy những bài kiểu này trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí là trong mấy tháng”. Nếu trẻ mang những khái niệm đã nắm được phổ cập hóa trong quá trình khám phá tự phát ở môi trường, thì đây là một quá trình chuyển đổi cơ chế nội tại, cũng là mục đích của việc nắm vững khái niệm ở trẻ. Quá trình này cần thời gian, có trẻ sẽ làm được ngay, có những trẻ lại cần một khoảng thời gian dài. Đây là vấn đề trì hoãn của nhận thức, không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng có. Khi bạn nói với con trẻ về những nội dung này, có thể hàng năm sau con vẫn chưa dùng đến khái niệm này. Nhưng cũng có thể vào một ngày nào đó, khi con trẻ gặp phải những hoàn cảnh tương tự, có thể con sẽ bật ra và hiểu được toàn bộ ý nghĩa của từ đó. Có những trẻ dùng ngay, có những trẻ phải rất lâu rất lâu sau mới dùng đến; có những lúc bạn tưởng là con chưa nắm vững, kỳ thực là con đã tiếp thu, chỉ là chưa sử dụng mà thôi.

    Khi con trai tôi 4 tuổi, tôi và con cùng sử dụng bảng màu. Về cơ bản con tôi đã nhận biết được các màu, nhưng cháu không nói, như là không hề có khái niệm gì. Không lâu sau, con tôi bỗng nói rằng: “Mẹ ơi, mẹ xem này, đây là màu hồng nhạt. Màu này đậm hơn một chút, là màu hồng đậm”. Từ sáng đến tối cứ liên tục mấy câu đó, tôi cũng không để ý. Con nói mãi tôi mới nhận ra, con mình đã nắm vững được logic của bảng màu (nhóm thứ nhất của bảng màu là ba màu cơ bản, nhóm thứ hai là ba màu sắc chính và các màu pha trộn cấp một, nhóm thứ ba là ba màu sắc chính, ba màu trung gian cấp hai và ba màu trung gian cấp ba, từ đậm đến nhạt, có bảy mảng màu đậm nhạt khác nhau), và có thể thoải mái vận dụng vào cuộc sống. Cũng có nghĩa là, cháu đã phổ cập hóa khái niệm.

    Liên quan đến giáo cụ Montessori, chúng tôi còn có một câu chuyện nhỏ khác. Phần lớn các bảng màu của chúng tôi đều bằng gỗ, ở giữa là bảng màu, hai bên là màu trắng. Tôi biết có một số bảng màu làm từ nhựa, cảm giác của nhựa và gỗ rất khác nhau, nhựa rất nhẹ, sờ vào là biết ngay. Nếu trên đường chúng ta nhìn thấy một miếng gỗ rất đẹp, to khoảng bằng một viên ngói vuông, chắc chắn bạn sẽ nhặt lấy. Còn nếu là một miếng nhựa, có thể bạn sẽ bỏ qua. Điều này là vì sao thì chúng ta không thể lý giải rõ ràng. Chúng ta là người lớn, chúng ta đã không thể nói rõ ràng những cảm giác sơ khai của mình. Nhưng tôi cho rằng, tự nhiên thật kỳ diệu, bản chất của sự sống rất có thể tương thông với những thứ tự nhiên. Con trẻ thích chơi những đồ vật làm từ gỗ và đúng như vậy, như chính chúng ta đã cảm nhận, bảng màu làm từ nhựa sẽ khiến trẻ cảm thấy như một trò chơi, chắc chắn là có khả năng này. Có những bảng tính làm từ gỗ rất to, phải khá vất vả mới ôm nổi. Có những lúc trẻ bê không nổi, phải tì vào bụng mà tha đi. Nếu làm nhỏ đi, hoặc làm bằng nhựa, cảm giác đó cũng hoàn toàn biến mất.

    Thầy giáo Lưu chuyên làm giáo cụ cầm một miếng gỗ, dày bằng một cuốn sách, to khoảng bàn tay người lớn. Con trai tôi nhìn thấy liền xin luôn. Kết quả là, tuần đó miếng gỗ này được ưa thích vô cùng. Đám trẻ trường chúng tôi bình thường không tranh giành đồ của bạn, nhưng miếng gỗ này là ngoại lệ. Chỉ cần Tân Tân không cẩn thận để ở đâu đó, quay lại thì miếng gỗ đã bị một bạn khác mang đi mất rồi. Nếu bạn này lơ là, miếng gỗ đó lại sẽ bị một bạn khác nữa mang đi. Buổi tối, Tân Tân ngồi ở bục cửa, khóc ầm ĩ, nói: “Gỗ của con bị Kỳ Kỳ mang về nhà rồi”. Tôi nói: “Gỗ nào? Để mẹ tìm cho con miếng gỗ khác”. “Không, miếng gỗ đấy cơ, miếng gỗ đấy cơ!”. Sau đó tôi hỏi thầy giáo Lưu, thầy nói: “Là một miếng gỗ ở trong xưởng, em cảm thấy miếng gỗ sờ vào rất thích, nên cho Tân Tân”. Tôi nói với con: “Con đừng lo lắng, ngày mai mẹ sẽ tìm miếng gỗ cho con”.

    Ngày hôm sau, miếng gỗ đó lại xuất hiện ở trường, cháu này truyền tay cháu kia. Tôi hỏi: “Miếng gỗ này có bí mật gì thế nhỉ?”. Cả nhà thầy giáo Lưu đều làm nghề mộc, thầy nói: “Loại gỗ này hay lắm, cầm lên tay cảm giác rất tuyệt”. Đúng thế, cầm miếng gỗ trên tay vẫn còn lưu giữ được cảm giác của sự sống, tất cả giáo viên chúng tôi đều có thể cảm nhận được điều này, như thầy giáo Lưu nói “rất thích sờ”. Điều này khiến tôi nhớ lại một cuốn tiểu thuyết của Nhật Bản, một đứa trẻ có cái hồ lô, lúc nào nó cũng mang theo, lên lớp cũng mân mê, đi ngủ cũng mân mê, làm gì cũng không rời, sau cùng người khác đã đập vỡ cái hồ lô của nó. Điều này rõ ràng đã phá hoại năng lực cảm giác đối với cái hồ lô của đứa trẻ này.

    Thời gian này miếng gỗ đó cũng trở thành “miếng vàng mười” của lũ trẻ con, chúng truyền tay nhau rất lâu, con tôi cũng đã bao lần phải rơi nước mắt vì nó. Một tháng sau, miếng gỗ đó biến mất một cách thần bí.

    [Còn nữa]
     
  7. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 7: QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TÂM LÝ NỘI TẠI Ở TRẺ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sự phát triển tâm lý tự phát ở trẻ là liên tục không ngừng, “liên quan trực tiếp đến tiềm lực tâm lý của bản thân trẻ mà không liên quan trực tiếp đến công việc của giáo viên”. Ép trẻ vẽ tranh, liên tục dạy trẻ vẽ tranh, có thể dẫn đến việc cả đời đứa trẻ ấy không thể vẽ tranh một cách thực sự. Không chỉ làm mai một hứng thú tự nhiên, mà cách dạy này không khác gì trói thêm gông xiềng vào tâm trí trẻ.

    Montessori nói: “Trẻ em phổ cập hóa những khái niệm đã học”. Đây là một quá trình trí lực, là một loại sáng tạo ở tầm sâu nội tâm của mỗi người. Ví dụ hôm nay tôi học “màu tím”, đây là một khái niệm cụ thể. Nhưng đặt “màu tím” vào trong cuộc sống, quá trình ấy có thể phải cần đến mấy tháng, thậm chí cả năm mới có thể hoàn thành.

    Tôi phát hiện con trai tôi thường xuyên như vậy, ví dụ nói “hiểu”, câu đầu tiên của quyển sách “Hoàng tử bé”(1) nói thế này: “Tôi muốn làm một họa sĩ, nhưng người lớn không hiểu tôi, tôi đành phải làm một phi hành gia, tôi lái máy bay”. Khi đọc cho con, tôi không đặc biệt nhấn mạnh điều gì. Sau đó có một hôm con trai tôi bỗng nói với tôi: “Mẹ không hiểu con!”. Lúc đó cháu mới 3 tuổi.

    Còn có một lần tôi đọc sách cho con nghe, nói về việc khủng long đã bị diệt vong thế nào. “Mùa hè nóng nực, cây cối khô héo, mặt đất cằn khô…”, sau đó một năm, một hôm con trai tôi hỏi tôi: “Mẹ ơi, tại sao mùa đông không có màu xanh?”. Tôi nói: “Con thấy đấy mùa đông quá lạnh, cỏ xác xơ, cây trụi lá”. Con trai tôi nói: “Mẹ nên nói thế này - cỏ cây khô héo”. Sự việc một năm trước, đến lúc này con tôi vẫn còn ghi nhớ, tôi nghĩ đó chính là quá trình khái niệm phát triển đến phổ cập hóa. Khô héo là do nắng nóng, nhưng mà giá lạnh cũng có thể khiến cây cối khô héo. Tâm trí con đã phát triển đến bước có thể thoải mái liên tưởng và sử dụng khái niệm rồi.

    Năng lực biểu đạt bằng lời là biểu hiện của trình độ phát triển tâm lý và trí lực. Chẳng hạn như bé Đan Đan ở trường chúng tôi. Chúng tôi đưa cháu đi chọn quần áo, chọn được một bộ kẻ ngang, một bộ chấm đỏ Cocacola, lại chọn một bộ kẻ ô. Người lớn ai cũng bảo bộ kẻ ô đẹp nhất. Lúc chúng tôi thử quần áo cho Đan Đan, cháu không hề tỏ ý phản đối, không hề nói “cháu không mặc”. Cháu rất vui vẻ cởi bộ quần áo đang mặc. Mẹ cháu bảo: “Chúng ta thử bộ kẻ ô này trước nhé”. Lúc này, cháu bỗng khóc ầm lên, kiên quyết không mặc quần áo, cho dù người lớn có giảng giải thế nào, cháu vừa khóc vừa giậm chân không chịu mặc. Sau đó cô giáo Viên nói: “Cứ để thế đi, cứ để con bé ra ngoài chơi một lát, giờ là mùa hè cũng không sợ lạnh”. Thế là đặt con bé lên xích đu, cứ ở trần thế mà chơi một lúc. Tôi ôm đống quần áo ra thương lượng với con bé: “Đan Đan, con là con gái, ở trần thế này xấu lắm, chúng ta mặc quần áo vào nhé?”. Cháu cười nói: “Vâng ạ”. Tôi hỏi: “Mặc bộ nào?”. Cháu nói: “Bộ chấm đỏ”. Thế là tôi mặc cho con bé bộ quần áo chấm đỏ. Người lớn bỗng hiểu ra nguyên nhân, mẹ cháu nói: “Đan Đan, con muốn mặc bộ quần áo chấm đỏ này thì phải nói với mẹ, ai lại khóc ầm ĩ mà không chịu nói gì như thế?”.

    Lúc đó Đan Đan mới 2 tuổi 10 tháng. Cháu bị áp lực? Hay là tâm trí cháu chưa phát triển đến bước này, không biết rằng có thể dùng lời nói để giải quyết vấn đề? Sự việc này đã nhắc nhở tôi, bởi vì con trai tôi cũng thường xuyên như vậy, gặp phải chuyện gì cũng khóc mà không nói gì. Chồng tôi nói: “Con phải nói ra, nói ra chúng ta mới có thể giải quyết, tại sao lại không nói ra mà cứ khóc thế?”. Sau này tôi phát hiện ra tâm trí của con trẻ vẫn chưa đạt đến bước có thể dùng “lời nói” để giải quyết vấn đề, chúng không thể nói ra nên phải dùng cách khóc để giải quyết. Khóc là để biểu đạt tình cảm, cũng là một kiểu biểu hiện của tâm trí không thỏa mãn của con trẻ.

    Trên thực tế, khi làm việc gì, chúng ta thường ép các con. Người lớn đè nén con trẻ một cách vô thức. Chúng ta hùng hồn tuyên bố “Bộ kẻ ô này đẹp, bộ kẻ ô này đẹp…”, điều này đã gây cho Đan Đan một áp lực rất lớn, khiến cháu không thể nói ra, cháu cảm thấy cháu không thể thay đổi được điều này.

    Vấn đề này cũng giống như quá trình phát triển từ cụ thể đến khái niệm, có liên quan đến sự phát triển tâm trí. Khi đạt đến một dạng tâm trí nào đó trẻ mới có thể nói ra, khi chưa đạt đến dạng tâm trí đó, trẻ không biết nên làm thế nào. Lúc này, nếu người lớn chúng ta gây áp lực cho các con, có thể các con sẽ gặp phải một loạt các vấn đề về tâm lý, trong khi chúng ta không hề biết gốc rễ của vấn đề đã được nuôi trồng như thế nào.

    Sự phát triển tâm trí cần thời gian, sự phát triển tâm lý tự phát của trẻ em giống như Montesseri từng nói, “liên tục không ngừng”. Cũng có nghĩa là trẻ đang “liên tục không ngừng” tiếp thu tất cả mọi thứ xung quanh, “có liên quan trực tiếp đến tiềm lực tâm lý của bản thân trẻ mà không liên quan trực tiếp đến việc dạy của giáo viên”.

    Ví dụ như việc vẽ tranh. Năng lực này rất quan trọng. Vẽ tranh cần phải nắm bắt được đối tượng, vẽ tranh cũng là khúc mở đầu của chữ viết. Sau chữ viết, vẽ tranh là cách để thể hiện tư tưởng và cảnh ngộ. Con tôi đến năm 5 tuổi mới bước vào thời kỳ nhạy cảm của việc vẽ tranh, còn trước đó thì đều là: “Mẹ, vẽ cho con cái quạt điện!”, “Mẹ, vẽ cho con cái này…”. Lúc đó tôi nghĩ, con nhà người ta đều biết vẽ hết rồi, sao con mình lại không biết vẽ. Bỗng đến một hôm, con tôi bắt đầu ngồi vẽ cả một ngày, một lúc đã có thể vẽ được mười mấy bức tranh. Hơn nữa, cháu còn nhìn chiếc ô tô là có thể vẽ được chiếc ô tô, năng lực đó đến thật bất ngờ. Tôi có một cảm giác: “Trẻ con quả thật rất tuyệt vời”. Trước đó, tối nào tôi cũng vẽ cho con, vẽ hàng năm trời, con vẫn không biết cầm bút vẽ là gì. Ở đây, có một kiểu phát triển tâm lý gọi là “liên tục không ngừng”. Chỉ tới một hôm, kết quả bỗng hiển hiện ra, con đã biết vẽ. Bạn nói xem, sự phát triển tâm trí này, cảm giác này có liên quan gì đến công việc mang tính kế hoạch của giáo viên? Không hề liên quan. Nếu chúng ta cố ép các con vẽ tranh khi các con chưa phát triển đến thời kỳ nhạy cảm này, có thể tạo ra một hậu quả vô cùng đáng sợ, hậu quả này sẽ giết chết khả năng hội họa bẩm sinh của trẻ. Trường chúng tôi cũng hay có các bé từ trường khác chuyển đến. Tôi cảm thấy cả đời này các bé không thể vẽ tranh được nữa. Những bức tranh của các bé mãi mãi chỉ là mặt trời, cỏ, cây, nhà và hai em bé đang nhảy dây. Đến nỗi, cô giáo của các bé phải nói: “Chán chết đi được, đến nửa năm rồi vẫn vẽ mãi những thứ này”. Có con vẽ màn đêm, xong xuôi mới phát hiện ra mình còn vẽ cả mặt trời, đành phải vò bỏ đi, vẽ lại bức khác. Tại sao vậy? Việc vẽ tranh của các bé đã bị trình tự hóa, công thức hóa, phần tâm trí của sức sáng tạo đã bị bó buộc bởi tư duy và công thức dạy của các giáo viên.

    Thái độ đối xử của chúng ta với các con phải hết sức cẩn thận và khoa học. Nếu bạn không cẩn thận và khoa học, có thể bạn sẽ phá hỏng cả cuộc đời của con. Tại sao lại nói những giáo viên mầm non chính là kiến trúc sư tâm hồn của nhân loại. Một người bạn của tôi nói rằng: “Tôi phát hiện ra một bí mật, nghề nuôi dạy trẻ đứng hàng thứ ba trong những nghề kiếm tiền nhất trên thế giới”. Chúng ta biết ở những nước phát triển, nghề bác sĩ nha khoa và nghề luật sư kiếm tiền rất khá. Trên thực tế, ở những nước này, địa vị của nghề giáo viên mầm non khá cao. Có người học xong tiến sĩ thì đi trông trẻ. Người ta chọn những người ưu tú nhất để đào tạo lớp mầm non, bởi vì giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi quyết định cả cuộc đời con người. Montessori còn coi trọng giáo viên mầm non hơn cả nhà khoa học và nhà tiên tri. Nếu như chúng ta coi trọng giáo dục mầm non hơn, có thể hy vọng của chúng ta sắp thành hiện thực.

    Con người rất lạ kỳ. Ví dụ một người xấu, để người này đi dạy đại học, có thể các sinh viên sẽ học theo, cũng có thể không học theo, nhưng phần nhiều là sinh viên không học theo. Nhưng nếu để người này đến dạy các bé mầm non, các bé sẽ học theo rất nhanh. Bởi vì giáo viên chính là môi trường của các bé. Còn nhớ, một lần tôi đến một trường mầm non, các bé chạy ùa ra, nhưng giáo viên nhìn thấy, ngăn lại: “Về chỗ!”. Các bé lại quay về chỗ. Tôi nghĩ, một người thô lỗ đến nhường ấy mà làm giáo viên mầm non thì thật là đáng sợ. Tâm trí của các bé mang tính tiếp thu! Giáo viên mầm non phải là những người ưu tú nhất. Giáo viên mầm non không phải là giáo viên theo nghĩa thông thường, mà còn phải là một nhà tâm lý học chân-thiện-mỹ. Dạy con vẽ tranh thì phải là một họa sĩ chân-thiện-mỹ; dạy con đánh đàn cũng phải là một nhà âm nhạc chân-thiện-mỹ. Nhưng hiện thực lại hoàn toàn ngược lại, như Hegel từng nói “thế giới đứng bằng đầu”, chúng ta không hề thay đổi cục diện “thế giới đứng bằng đầu”.

    Có một lần một người bạn đến nhà tôi, mang theo cô con gái nhỏ. Chúng tôi dẫn con đi công viên chơi. Vào công viên một lúc, cô bé nói: “Ba người xếp thành hàng!”. Chúng tôi đứng thành hàng. Cô bé nói: “Không được nói chuyện, ai nói chuyện tôi cho ra ngoài, nhốt ở nhà vệ sinh”. “Bước đều!”. “Không được quay đầu lại! Quay đầu lại sẽ…”. Cô bé hớn hở sắp xếp chúng tôi, liên tục nạt nộ. Nhỏ như vậy, sao lại thích thế này? Mẹ cô bé nói, tại cô giáo cháu cũng thế, nên cháu bắt chước y hệt.

    Trẻ con ở trường chúng tôi biết nói: “Mời mẹ xin lỗi con”. “Mẹ phải nói là ‘mời’”. “Mẹ làm con giận rồi”. “Mẹ, mẹ không nên làm như vậy”. Đó là vì giáo viên ở trường cũng nhẹ nhàng nói với các bé như vậy, lâu dần các bé đã tiếp thu và làm theo. Trẻ con nhìn bề ngoài có vẻ ngờ nghệch, nhưng thực ra chúng đang chú ý từng lời nói hành động của bạn, cách suy nghĩ của bạn, cách bạn đánh đàn, bước chân của bạn, thần thái của bạn, tất cả những chi tiết của bạn! Mỗi cử động của khóe môi, mỗi cử động của ngón tay. Quan trọng hơn là, trạng thái ý thức và trình tự của giáo viên cũng được các em tiếp thu một cách vô thức. Thứ giáo viên cần chuẩn bị không phải là dụng cụ dạy học, không phải là môi trường lớp học, mà là tinh thần của chính các cô, đó mới là sự chuẩn bị đúng đắn nhất.

    Montesseri nói, “Mục đích giáo dục của tuổi ấu thơ là giúp cho trí lực, tinh thần và thể trạng của trẻ được phát triển tự nhiên, chứ không phải là bồi dưỡng trẻ thành những học giả tầm thường”. “Sau khi cung cấp môi trường thích hợp cho việc thúc đẩy cảm giác của trẻ, chúng ta phải chờ đợi để cho năng lực quan sát phát triển tự nhiên và đạt tới trình độ tự giác, đó chính là nghệ thuật của những người làm giáo dục”.

    Tôi xin đưa ra một ví dụ để làm rõ ý trên. Chúng tôi đưa các bé ra ngoài vẽ phác họa. Các bé đều mang theo giá vẽ, bảng màu và bút. Chúng tôi bảo các bé vẽ cây ở trước mặt. Tôi phát hiện ra một bé vẽ thế này: Dùng bút màu đỏ vẽ thân cây, dùng bút màu vàng vẽ lá cây. Khi nhìn thấy giáo viên nên làm thế nào? Một giáo viên Montessori ưu tú sẽ không hỏi gì và mặc kệ bé. Montessori nói, lúc này con trẻ vẫn chưa trở thành người quan sát cuộc sống. Bạn không cần phải sửa hộ trẻ. Có thể có những giáo viên sẽ nói với trẻ: “Con nhìn xem cây màu gì? Con nhìn xem có phải con đã vẽ sai rồi không?”. Nếu con trẻ vẫn không hiểu, giáo viên lại nói: “Con nhìn lại xem đi”. Có những giáo viên có thể còn tích cực hơn, còn cầm hẳn một cái lá làm mẫu cho trẻ: “Con nhìn xem, cái lá này so với…”.

    Một thời gian sau, chúng ta phát hiện ra em bé này đã không còn vẽ thân cây màu đỏ, mà vẽ thân cây màu nâu, nhưng vẫn vẽ lá cây màu vàng. Lại khoảng nửa năm sau, bé đã vẽ chính xác màu của thân cây và lá cây. Quá trình này không cần đến giáo viên chỉ dẫn. Nếu trẻ chưa thể nắm vững, đó là vì sự phát triển tâm trí của trẻ và thời kỳ nhạy cảm chưa đến, trẻ vẫn chưa trở thành người quan sát cuộc sống.

    Trong phương pháp giáo dục Montessori, trong quá trình thao tác đồ dùng dạy học, khi giáo viên cảm thấy trẻ không hứng thú, ví dụ nói: “Cô ơi, con muốn uống nước”. Hoặc là có một biểu hiện không thiện chí nào khác, một người giáo viên Montessori sẽ mỉm cười xoa đầu trẻ, cho trẻ ra ngoài. Trẻ làm thế có phải là phạm lỗi? Không phải, cho dù là con trẻ có đồng ý làm theo hay không, tất cả là hoạt động mang tính tự phát của trẻ. Giáo viên không được ám thị, dẫn dắt trẻ. Montessori nói, dạy học phải nghiêm khắc tuân theo nguyên tắc giảm thiểu sự can dự của người dạy học(2).

    Tôi biết, bố mẹ và giáo viên đặc biệt thích can dự vào hoạt động của trẻ. Tôi đã từng rất tích cực làm vậy. Khi con tôi 4 tuổi rưỡi, vẫn chưa biết đếm từ 0 đến 10, cứ mỗi buổi chiều, cứ đến trường là tôi lại dụ dỗ con. Tôi nói: “Tân Tân, mẹ nghe nói các cô khen con lắm”. Con trai tôi hỏi: “Khen cái gì cơ ạ?”. “Mẹ nghe nói hôm nay con đến lớp đã biết thao tác với các đồ dùng dạy toán(3) rồi”. Con tôi nghĩ một lúc rồi nói: “Không phải, hôm nay con lắp xe và xây nhà mà”. Hiển nhiên là kiểu ám thị này đã không đạt được kết quả. Chiêu này không hiệu nghiệm thì tôi đổi chiêu khác. Mấy hôm sau tôi lại nói: “Tân Tân, nghe cô giáo nói là con không thông minh bằng các bạn khác, con chẳng biết thao tác với các đồ dùng dạy toán gì cả. Mẹ không tin đâu, mẹ cảm thấy con là đứa trẻ thông minh nhất thế giới này, chúng ta ra thao tác đồ dùng dạy toán đi”. Phương pháp này thỉnh thoảng cũng phát huy tác dụng, con tôi cũng có tham gia một lần, rồi mấy tháng sau không động đến nữa. Đến lúc tôi lại dụ dỗ nó, nó đã nói: “Mẹ, sao mẹ cứ ép con thao tác những đồ dùng dạy toán thế?”. Tôi nói: “Mẹ không biết”. Sau đó, giáo viên của con tôi nói: “Sở dĩ con chị không thích chơi với những đồ dùng dạy toán là vì chị đã tạo cho cháu một loạt những trở ngại tâm lý. Chị cứ nói mãi câu: ‘Con đi thao tác những đồ dùng dạy toán đi…’”. Hậu quả là con tôi chán ngắt mấy con số. May mà con tôi đã khá độc lập về ý chí và tư tưởng, gần như không bị ảnh hưởng của người khác. Bốn năm học mầm non, cháu dành toàn bộ thời gian ở “vườn bách thảo” phía sau trường. Cháu đã chơi trọn vẹn đến 6 tuổi rưỡi.

    Nói đến các hoạt động dạy học, nhân tiện tôi xin nói thêm về vấn đề “trả về vị trí”. Giáo dục Montessori yêu cầu trẻ đưa đồ đạc trở về vị trí, thông qua hành vi này hình thành cảm giác trật tự của trẻ, làm cơ sở chuẩn bị cho việc học toán sau này. Nhưng Tân Tân trở về nhà thì không thực sự thực hiện hoạt động “trở về vị trí” này, không yêu thích công việc này. Rất nhiều những bậc làm cha làm mẹ cũng gặp phải vấn đề tương tự. Con trẻ ra khỏi nhà, đi đến đâu cũng trả đồ vật về vị trí cũ, duy nhất ở nhà là không hoàn toàn tuân theo quy tắc này. Mỗi lần đến nhà tôi, cô giáo Lưu lại nghiêm khắc nói: “Tân Tân, trả đồ đạc về vị trí cũ! Nếu con không trả đồ đạc về vị trí cũ, cô sẽ vứt cái xe ở ngoài vườn kia của con đi đấy!”. Con tôi thấy tình thế có vẻ thật, bắt đầu đưa các đồ vật trả về vị trí cũ, nhưng không thực sự tự nguyện. Tôi xót con, cũng cảm thấy không thoải mái, nói: “Đang ở nhà, cháu nó cũng có thể không cần quá cứng nhắc”. Cô giáo Lưu nói: “Chị không Montessori gì cả”. Tôi nói chính cô ấy mới không hiểu Montessori. Chẳng lẽ lại cưỡng ép con xây dựng cảm giác trật tự? Tôi cảm thấy cô ấy thật quá nghiêm khắc với con trai mình. Làm như thế sẽ lại nảy sinh ra những vấn đề mới khác.

    Tôi vẫn suy nghĩ về vấn đề này trong một thời gian dài, cái kiểu “thu dọn rất có trật tự” này rốt cuộc có liên quan thế nào đến việc học toán? Trong tâm lý học có một cách nói, rằng những đứa trẻ sống trong môi trường của những gia đình lộn xộn, không có trật tự, thường có kết quả học toán không tốt. Nhưng cũng có tình huống là, có một số gia đình thuộc thành phần trí thức, gia đình khá lộn xộn, nhưng cháu học toán vẫn rất tốt. Tôi hỏi cô giáo Lưu: “Có những nhà lúc nào cũng ngăn nắp sạch sẽ, nhưng tư duy của con trẻ lại mơ hồ; có những nhà đồ đạc lộn xộn, nhưng đầu óc con trẻ lại rõ ràng rành mạch. Nguyên nhân là do đâu?”. Sau đó tôi cũng tìm được câu trả lời, con trẻ có trật tự của riêng mình. Vạn vật còn có kết cấu, huống hồ là đầu óc con trẻ!

    Chúng ta nên chuẩn bị một môi trường ngăn nắp, những hành vi đúng mực, ngôn ngữ chuẩn mực, suy nghĩ đúng đắn để nuôi dưỡng trật tự nội tại của con trẻ. Một chân lý gần với phép tắc có thể sẽ được trẻ bật ra vào bất cứ lúc nào. Nhưng cốt lõi không nằm ở chỗ con trẻ nói được điều gì khiến người lớn ngạc nhiên mà nằm ở sự trợ giúp trẻ, để trẻ được sống trong một môi trường có trật tự, từ đó xây dựng một hệ thống có trình tự từ trong bản thân, bộ não của trẻ. Đó chính là một môi trường có trật tự một cách tương đối. Nếu sống trong một môi trường trật tự tuyệt đối, nhưng môi trường ngôn ngữ và môi trường hành vi của trẻ lại không chuẩn mực, cũng đều khiến con trẻ bị rối loạn.

    Một môi trường có trật tự được xây dựng khiên cưỡng từ sự ép buộc và quyền uy cũng là biểu hiện của sự bạo lực và mất trật tự của chính người lớn. Chúng ta phải dùng tình yêu thương, từng bước giúp trẻ hình thành một môi trường có trật tự. Cùng với sự lớn lên của trẻ, chúng ta sẽ cùng trẻ chăm sóc cho môi trường ấy, sau đó giúp trẻ, để trẻ tự chăm sóc môi trường sống của mình. Đó chính là một phần trong phương pháp dạy trẻ.

    Nếu chúng ta có thể cho trẻ một môi trường thoải mái hơn, để trẻ có thể tự tổ chức phần của mình, con trẻ sẽ học được cách quy nạp, con trẻ sẽ nghiêm khắc phân biệt và sắp xếp theo từng loại tất cả những thứ mà bộ não đã tiếp nhận. Điều này cần có thời gian để con trẻ biến nó thành trí lực. Sau khi nắm rõ vấn đề, trí lực sẽ thể hiện chủ yếu thành quy nạp và diễn dịch. Trong cuộc sống, “diễn dịch” cũng gọi là logic. Tôi phát hiện logic của Tân Tân rất mạnh. Một hôm tôi hỏi cháu: “Tân Tân, con người cần nhất điều gì để phát triển?”. Cháu nói: “Yêu!”. Tôi lại hỏi: “Hình thức biểu hiện cụ thể nhất của yêu trong cuộc sống là gì?”. Cháu nói: “Hiểu!”. Trên thực tế cháu trả lời không hay, nhưng cháu đã biết suy luận và suy luận một cách logic. Vì thế tôi nói với cô giáo Lưu: “Cô đừng cố ép con tôi đưa đồ vật trở về vị trí! Cô khiến tôi rất khó xử. Khi cô nói đưa đồ vật trở về vị trí, các cơ trên mặt con tôi bỗng căng lên, con tôi còn quan sát cả sắc mặt của cô. Tôi không muốn con trai tôi phải quan sát sắc mặt của ai để sống. Tôi không muốn con tôi phải sợ bất cứ ai”.

    Sau đó tôi quan sát tỉ mỉ, trong rất nhiều việc, Tân Tân rất logic, sắp xếp rất rõ ràng. Khi con tôi 5 tuổi, mỗi lần tôi hỏi con: “Tân Tân, 1 cộng 1 bằng mấy? Con nói cho mẹ nghe xem nào”. Cháu nói: “11!”. Sau đó tôi nghĩ: Đúng, 1 và 1 đặt cạnh nhau đúng là 11 còn gì! Tôi lại hỏi: “Thế 1 cộng với 0 thì bằng mấy?”. Cháu nói: “10!”. Cứ như là đầu óc nhanh nhạy lắm. Sau đó tôi nghĩ: Cu cậu này thật là không thể dạy nổi, thôi bỏ đi vậy, không dạy nữa. Nhưng, một thời gian sau, tôi lại phát hiện tình huống mới. Nhà tôi có một cái đồng hồ, trên mặt đồng hồ có 1, 2, 3… 12. Con tôi thường nằm trên sofa nhìn chiếc đồng hồ. Có một hôm cháu nói với tôi: “Mẹ ơi, con đã phát hiện ra một bí mật!”. Tôi hỏi: “Phát hiện ra bí mật gì?”. Con nói: “Mẹ nhìn xem, sau 11, 12 chắc chắn là 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, đúng không?”. Tôi nói: “Đúng!”. Thực tế là, trên chiếc đồng hồ đó, sau 10 chỉ có 11, 12, nhưng con tôi tự suy luận ra 13, 14…, mà đằng sau mỗi số “1” tất phải là từ 1 đến 9, điều này là tự cháu suy luận ra. Đây là một kiểu phép cộng, là cách tính giờ theo 24 tiếng. Đây chính là cách nhớ của “góc bất kỳ” trong tam giác. Lúc đó tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi vì tôi luôn cảm thấy con trai mình thật là ngu muội, rất khó khai thông. Nay con có thể suy luận đến cả vấn đề này, lại một lần nữa chứng minh cho thời kỳ nhạy cảm mà Montessori đã nói.

    Tôi nghĩ đến cô bé Văn Tân ở trường chúng tôi. 5 tuổi bé vào trường, lúc đó bé vẫn không biết gì về toán. Khi bé 6 tuổi, bỗng một hôm bé ngạc nhiên kêu lên: “9 cộng 4 là 13; 8 cộng 5 cũng là 13; 7 cộng 6 cũng là 13… đều là 13, các cậu nhìn này!”. Lúc đó, bé đang thao tác với đồ dùng dạy học là tháp số. Bé lại nói tiếp “9 cộng 3 bằng 12” “8 cộng 4 bằng 12”… Trong môi trường Montessori, có đứa trẻ 4 tuổi đã đến thời kỳ nhạy cảm toán học, có đứa trẻ đến 5 tuổi rưỡi mới đến thời kỳ nhạy cảm này, nhưng điều đó không có nghĩa là đứa trẻ 4 tuổi thông minh hơn đứa trẻ 5 tuổi rưỡi. Bởi vì khi đứa trẻ này 4 tuổi, cháu ở vào một thời kỳ nhạy cảm khác.

    Điều này cũng có nghĩa rằng, mỗi giai đoạn cuộc sống có một thời kỳ nhạy cảm khác nhau. Trẻ không phát triển về mặt này thì sẽ phát triển về mặt khác.

    Trong mắt một số bậc làm cha làm mẹ, thành tích ngữ văn, toán học là tiêu chuẩn đánh giá một đứa trẻ có thông minh hay không. Nhưng đứng trên góc độ sinh tồn ở thế giới này, một con người cần nhiều điều hơn thế. Một con người có lý tính, có thế giới tình cảm, điều này bao gồm cả phẩm chất, nhân cách, đạo đức và thẩm mỹ…, những điều này còn quan trọng hơn nhiều so với việc tính toán và nhận biết mặt chữ! Rất nhiều người xem xong “Titanic” đều rất xúc động, đặc biệt là cô gái đứng ở đầu tàu, giang rộng hai cánh tay, nói: “Em cảm thấy như đang bay”. Đây là một cảm giác, đồng thời cũng là thẩm mỹ. Nhưng cũng có người sẽ nói: “Điều đó thật chẳng có ý nghĩa gì”. Có người khi xem những tác phẩm thư pháp sẽ nói: “Cũng chỉ là khắc mấy cái chữ lên đá mà thôi”. Điều này chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ rằng người đó không có cảm giác. Nghệ thuật cũng là một kiểu trí lực. Nó giúp chúng ta có những cảm nhận phong phú về một thế giới khác, đó chính là cuộc sống, là ánh sáng của sinh mệnh. Cho dù là âm nhạc hay là mỹ thuật… thì bản chất của nghệ thuật là để làm đẹp hơn cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta cảm nhận cuộc sống và bản chất của nó. Tôi nghĩ, cho dù bạn không hiểu về mỹ thuật, không hiểu về âm nhạc, nhưng nếu bạn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nó, thì âm nhạc và mỹ thuật đã ở bên cạnh bạn.

    Trí lực nghệ thuật của một người phải được xây dựng từ những năm đầu đời. Nhà trẻ của chúng tôi có một bé 3 tuổi, tiết học âm nhạc cháu đã nghe mười lần bản “Thư gửi Elise”, nghe hết mười lần, đã hết tiết học, cháu khóc không chịu rời khỏi lớp mà vẫn muốn nghe tiếp. Cô giáo đành phải kiếm cho cháu một cái đài nhỏ, để cháu đeo tai nghe nghe. Nghe mãi nghe mãi, nghe đến lúc ăn cơm, nghe đến lúc cái đài bị hỏng. Cháu mới 3 tuổi, sao có thể nghe lâu như vậy? Bạn nói cháu không hiểu được bản nhạc này? Tôi thì cảm thấy rằng, cảm nhận của cháu không hề kém gì so với những nhà âm nhạc kiệt xuất. Chẳng lẽ những điều này lại không quan trọng mà chỉ có phép cộng trừ và nhận mặt chữ mới là quan trọng thôi sao?

    Con người phải được phát triển toàn diện. Sự khác biệt giữa người với người nằm ở cảm giác về thế giới. Cảm giác của bạn càng tinh tế, càng phong phú, trạng thái cuộc sống của bạn càng tốt. Cảm giác của bạn càng thô ráp, càng đơn giản, trạng thái cuộc sống của bạn sẽ càng kém.

    [Còn nữa]
     
  8. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 8: HUẤN LUYỆN CẢM GIÁC CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ LỰC TRẺ EM

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có những đứa trẻ còn chưa biết đi, khi bước lên cầu thang người lớn bắt đầu đếm “1, 2, 3”. Một đứa trẻ chưa biết đi liệu có hiểu nổi khái niệm trừu tượng này không? Nhưng, nếu đúng vào thời kỳ nhạy cảm toán học của các bé, người lớn để cho bé được tiếp xúc với những đồ dùng dạy học liên quan, trải qua nhiều lần lặp đi lặp lại, bé bỗng nhiên phát hiện ra những đồ dùng dạy học này là một dãy thứ tự. Quá trình nhận thức sự vật cũng giống như quá trình ăn cơm, sau khi tiêu hóa sẽ trở thành một phần trong cuộc sống, có thể thoải mái vận dụng vào cuộc sống hiện thực. Đó chính là trí lực.

    Trên đây chúng ta đã nói đến vấn đề giáo dục Montessori, bây giờ chúng ta sẽ bàn tiếp, vì rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến vấn đề này. Trên thực tế, rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm đến vấn đề phát triển trí lực hơn cả quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Con người say mê trí lực như một thứ tôn giáo. Montessori định nghĩa trí lực như thế nào? Thế nào mới là phát triển trí lực ở trẻ em? Nhắc đến hai từ “trí lực”, rất nhiều bậc phụ huynh có một cơ sở lý luận nhất định (trình độ lý luận tương đối) đều nghĩ đến “tư duy”, nghĩ đến “tri thức”, học tập tri thức, nắm vững và sáng tạo tri thức. Có những bậc cha mẹ còn nghĩ sâu sắc hơn, nghĩ đến quan hệ giữa tri thức cảm giác và tri thức lý tính có cấu tạo ra sao để phòng bị và sửa chữa những sai sót và nhầm lẫn của hai yếu tố này…

    Chúng ta đã từng nói, trẻ em luôn ở trong tình trạng “suy nghĩ”. Các em nhìn có vẻ không “nhanh trí”, nhưng chúng vẫn đang “khởi động bộ máy tư duy của mình”. Tư duy của trẻ em cần thời gian, bởi vì những đứa trẻ bình thường thường trầm lặng và yên lành, có lúc còn hơi “ngơ ngẩn”, đó là vì chúng đang ở trong trạng thái “trầm tư”. Ở trong môi trường của tình yêu thương và tự do, hoạt động tư duy của trẻ và các năng lực khác được phát triển.

    Quá trình tư duy là quá trình tổ chức đối với đối tượng tư duy, tổ chức này và kết quả của nó cấu thành nên “tri thức”. Vậy thì đối tượng tư duy từ đâu tới? Từ những ghi nhớ về hiện thực. Đối tượng trong trí nhớ từ đâu tới? Với trẻ nó đến từ tri thức cảm giác.

    Chúng ta rất quen thuộc mệnh đề “Tất cả tri thức bắt nguồn từ kinh nghiệm cảm giác”, nhưng vận dụng nó vào hiện thực cuộc sống lại là một việc hoàn toàn khác. Có thể khiến kinh nghiệm cảm giác “bay bổng” thành khái niệm, trở thành cơ sở của lý tính, điều này rất khó. Lại có thể khiến cho kinh nghiệm cảm giác và lý tính phát huy hết vai trò của mình mà không khiến chúng ta ngộ nhận, điều đó càng khó. Montessori cùng với những người ở những nơi khác nhau đang đưa tư tưởng của bà vào cuộc sống hiện thực rộng rãi, đầu tiên là ứng dụng nó vào công trình giáo dục, chứ không phải chỉ biến nó trở thành một bảo bối trong kho tư tưởng, hoặc chỉ biến nó trở thành kỹ xảo sáng tạo của những nhà tư tưởng.

    Montessori nói: “Dẫn dắt con trẻ từ cảm giác đến khái niệm, từ cụ thể đến trừu tượng, đến việc liên hệ giữa các khái niệm”. Bà gọi quá trình này là giáo dục trí lực. Quá trình này - quá trình luyện tập cảm giác, hoàn toàn là một kiểu giáo dục của riêng mình. Nó buộc phải không ngừng tiến hành trong các hoạt động của tính tự phát.

    Đây chính là sự huấn luyện các cơ quan cảm giác trong phương pháp giáo dục Montessori, phương pháp giáo dục tri thức cảm giác một cách có kế hoạch. Hôm nay tôi xin nói đến vấn đề rèn luyện cảm giác của trẻ em.

    Trong phương pháp giáo dục Montessori, thời kỳ trước 6 tuổi, chúng ta tập trung rèn luyện cảm giác của bé. Tại sao rèn luyện cảm giác lại đóng một vai trò to lớn đến như vậy? Tuy rằng trẻ em có năng lực phát triển tinh thần tiềm tàng, có nhu cầu cuộc sống tự phát, nhưng chúng vẫn hoàn toàn không hiểu gì về thế giới này. Tiềm năng tâm trí to lớn này cần phải dựa vào những sự vật bên ngoài để phát triển, cũng chính là cần tìm kiếm những sự vật từ thế giới bên ngoài để ghép đôi. Cách tốt nhất để khai phá tiềm năng của nhân loại là không ngừng tiến hành rèn luyện cảm giác ở thời kỳ ấu thơ, khi số lần lặp đi lặp lại đạt đến một số lượng nào đó, trẻ sẽ sinh ra khái niệm. Khi trẻ được ghép đôi chính xác, trẻ sẽ tự động tiến hành lặp đi lặp lại việc luyện tập của mình. Trước 6 tuổi, trẻ em thông qua kiểu lặp đi lặp lại này để xây dựng toàn bộ khái niệm sinh tồn.

    Trước mắt, chúng ta đã làm quen với điểm này, rèn luyện cảm giác thời kỳ đầu ở trẻ em là con đường duy nhất để phát triển trí lực của trẻ em. Vì thế, trước 6 tuổi tuyệt đối không được dạy học theo kiểu truyền miệng. Huấn luyện cảm giác, cơ bản nhất là thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác. Các nhà trẻ Montessori chuẩn bị một số lượng lớn các đồ dùng dạy học về phương diện này.

    Thế nào gọi là từ cảm giác rèn luyện phát triển thành khái niệm? Chúng ta biết có những trẻ có nhận thức rất nhạy cảm với màu sắc. Màu sắc là một phương diện của thị giác, ngoài ra còn hai phương diện khác nữa, một là độ sáng, trẻ em mấy tháng tuổi đã có thể nhận biết về độ sáng; hai là cảm giác lập thể. Khi dạy về màu sắc cho các em, Montessori có một đồ dùng dạy học gọi là bảng màu. Hộp đầu tiên của bảng màu là ba màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh da trời), mỗi màu có hai phần, tất cả là sáu phần. Hộp thứ hai là mười một màu: ba màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh da trời), ba màu trung gian cấp hai (xanh lá cây, cam, tím), và ba màu trung gian cấp ba (hồng, nâu, xám) và hai màu đen trắng. Mỗi màu có hai phần, tất cả là hai mươi hai phần. Hộp thứ ba là ba màu cơ bản, ba màu trung gian cấp hai và ba màu trung gian cấp ba được chia theo sắc thái màu, từ đậm đến nhạt, mỗi màu có bảy phần, tất cả là sáu mươi ba phần(1). Thông qua việc so sánh, sắp xếp theo thứ tự để con trẻ tự nhận biết. Tại sao phương pháp giáo dục Montessori lại dùng bảng màu để trẻ nhận biết màu sắc? Điều này liên quan đến vấn đề “chỉ ra và gọi tên” trong nhận thức. Dùng bảng màu để so sánh và giải thích, trẻ em nhận biết “bảng màu”, sau đó bạn nói đến màu đỏ hoặc màu xanh, trẻ em sẽ có thể “trừu tượng hóa màu sắc”. Vậy thì, trẻ sẽ có thể nhận thức được những thứ có liên quan đến màu sắc trong cuộc sống, quá trình này sẽ rất nhanh và chuẩn xác, trẻ sẽ phát hiện ra hoa màu đỏ, cái chụp đèn cũng là màu đỏ, mặt trời cũng là màu đỏ, rồi tiếp tục phát triển theo quy luật này. Sau khi trẻ đã nhận biết màu đỏ, trẻ sẽ nhận biết thêm các màu khác, quá trình nhận thức ấy có thể là cả tháng, cũng có thể tới nửa năm.

    Có thể chọn ra cảm giác để xây dựng khái niệm và thể hiện được cảm giác là hai việc khác nhau. Chúng tôi từng đưa ra ví dụ: Một em bé vẽ tranh, em vẽ lá cây màu đỏ, thân cây màu xanh, cô giáo muốn sửa sai cho em, Montessori ngăn cô lại. Lúc này, cảnh tượng trong mắt con trẻ vẫn là đối tượng chưa được lý tính chỉnh sửa, nhìn theo góc độ của người lớn là, “trẻ vẫn chưa trở thành người quan sát cảnh vật xung quanh”. Trẻ đã nhận biết màu sắc, nhưng chưa trở thành người quan sát màu sắc của cảnh vật xung quanh, chưa tập trung sự chú ý vào màu sắc. Một thời gian sau, cô giáo thấy trẻ đã bắt đầu thay đổi, trẻ vẽ thân cây thành màu nâu, vẽ lá cây thành màu xanh, hoa thành màu đỏ. Montesseri nói: “Lúc này, đứa trẻ ấy đã trở thành người quan sát cuộc sống”.

    Trẻ em sinh ra đã là một nhà nghệ thuật, đây là điều mà những người lớn bình thường chúng ta không thể hiểu được. Tâm trí của nhà nghệ thuật không giống với tâm trí của những người lớn bình thường, điều này thể hiện ở việc biểu đạt bằng màu sắc. Van Gogh đã bày tỏ tâm sự của mình bằng màu sắc, Paul Cézanne(2) say mê diễn tả kết cấu sự vật qua màu sắc, Monet(3) thử dùng những màu sắc kỳ lạ để vẽ tranh, ông cho rằng, chỉ có đôi mắt đơn thuần của trẻ em mới là chân thực và không phiến diện. Liên quan đến việc rèn luyện cảm giác lập thể, Montessori có một đồ dùng dạy học cảm quan gọi là nhóm hình học ba chiều. Nhóm hình học ba chiều này gần như là bao gồm toàn bộ những hình dáng lập thể có trong thế giới hiện thực. Đối với dạng hình chóp nón, chúng tôi để cho các bé tiếp xúc, sau đó nói với bé đây là hình chóp nón. Lúc này, có thể các bé sẽ nói với chúng ta đây là cái kem ốc quế, vì cây kem ốc quế cũng có hình dáng này. Phát triển được đến bước này, Montessori gọi đó là “trí lực manh nha”. Nhận thức một sự vật cũng giống như ăn cơm, sau khi tiêu hóa sẽ trở thành một phần của cơ thể chúng ta, có thể thoải mái vận dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là trí lực.

    Trên thực tế, trong phương pháp giáo dục của Montessori, thao tác với các dụng cụ dạy học yêu cầu cô giáo thực hiện bước đầu tiên, sau đó để trẻ tự mình thực hiện các bước tiếp theo. Trong quá trình tích lũy dần dần đó, mỗi ngày trẻ đều phát hiện ra những điều mới mẻ, vì thế việc rèn luyện cảm giác rất quan trọng trong phương pháp Montessori.

    Ví dụ như những con số, có những đứa trẻ còn chưa biết chữ, khi bước lên cầu thang, người lớn hay đếm “1, 2, 3…”. Điều này không phù hợp với phương pháp Montessori. Montessori cho rằng phần lớn trẻ trước 4 tuổi đều chưa phát triển đến thời kỳ nhạy cảm toán học, vì toán học là một khái niệm trừu tượng, nó không đơn thuần chỉ những bậc cầu thang hay những que diêm, mà thể hiện ở mọi phương diện, mọi mắt xích trong cuộc sống, đó là một khái niệm vừa tương đối trừu tượng lại tương đối phổ biến. Vậy làm thế nào để trẻ em nhận thức được điều này? Các tài liệu cho thấy, tất cả trẻ em được đào tạo theo phương pháp Montessori trên toàn thế giới đều có thành tích học toán “tuyệt đối ưu tú”. Chú ý! Họ dùng từ “tuyệt đối” hoàn toàn tự tin. Họ cho rằng rèn luyện toán học phải được bắt đầu từ rèn luyện cảm giác và các vật liệu cảm quan. Trong phương pháp rèn luyện Montessori có rất nhiều đồ dùng dạy học cảm quan có liên quan đến toán học: ổ cắm hình trụ tròn, tháp hồng, cầu thang nâu, đó là quá trình có thứ tự, cũng là một quá trình logic. Ví dụ mỗi loại đồ dùng dạy học đều do mười “nguyên tố” tạo thành, xếp hàng theo thứ tự lớn bé, khiến trẻ cảm thấy sự đồng nhất từ những điều “khác biệt”. Trẻ em sẽ lặp đi lặp lại hoạt động với những đồ dùng này. Montessori nói, lặp đi lặp lại là bài tập thể dục của trí lực. Chỉ sau quá trình lặp đi lặp lại, trẻ em mới có thể phát hiện quy luật bên trong. Chỉ tự bản thân trẻ mới có thể phát hiện ra quy luật này chứ không do giáo viên nào chỉ dẫn. Sau nhiều lần thao tác, các em đã phát hiện ra: “Đồ dùng học tập này có một thứ tự”. Thứ tự ấy là những thứ lần lượt trong một tổng thể thống nhất. Phát triển đến bước thứ hai, để con trẻ nhắm mắt lại, cô giáo lấy đi một thứ trong tổng thể ấy, sau đó lại cho trẻ trả về vị trí cũ. Lúc này con trẻ bắt đầu phán đoán bằng thị giác chính xác của mình: Ở giữa đã bị thiếu. Sự rèn luyện này phân biệt rõ ràng sự khác nhau về không gian, phải mất vài tháng hoặc vài năm, khi con trẻ đã nhận biết khái niệm toán, trẻ sẽ hiểu rõ, toán học không chỉ dùng đến ở bất cứ đâu trong cuộc sống, mà bản thân nó đã là sự tồn tại của trực giác.

    Có rất nhiều người dạy con “1, 2, 3… để đếm bậc cầu thang”, “1” là cái gậy, “2” là con vịt…, tất cả những điều này đều khiến cho đầu óc con trẻ bị lẫn lộn. Số “2” và con vịt ngoài hình dáng có chút ít giống nhau, còn lại không có bất cứ sự liên quan nào khác. “1” không phải là cây gậy, “2” không phải là con vịt. Khi dạy về số, ngay từ khi bắt đầu, phương pháp Montessori kết hợp giới thiệu với trẻ ba khái niệm chữ số, cách đọc và số lượng. Sau khi trẻ thao tác với những đồ dùng dạy học cảm quan, trẻ đã có được một cơ sở tương đối cho việc học số. Cảm giác số đối với trẻ thật đơn giản và hoàn toàn tự nhiên. Từ cơ sở của việc rèn luyện cảm quan, tương lai khi trẻ tiếp xúc với số sẽ là “vừa tiếp xúc đã phát hiện ra”, vô cùng nhanh.

    Ở đây chúng tôi chỉ lấy riêng ví dụ với việc học toán. Nhưng ngoài toán học ra, chúng ta biết rằng, một bác sĩ tài ba, một đầu bếp lừng danh, một nhạc sĩ, hoặc những con người ưu tú trong bất cứ lĩnh vực gì, thì cảm giác đều vô cùng quan trọng. Ví dụ một nhà âm nhạc ưu tú, nếu thính giác của họ không tốt, tôi tin rằng họ không thể trở thành một nhạc sĩ tài danh. Khi chúng tôi tiến hành bồi dưỡng phương pháp giáo dục Montessori, có một tiết học về nghe hộp âm thanh. Một lần, một lớp có khoảng ba mươi giáo viên, chỉ có một cô giáo nghe ra hộp này nhiều hơn hộp kia một cái đinh. Giáo viên hướng dẫn hỏi: “Cô làm về âm nhạc, đúng không?”. Cô ấy trả lời: “Vâng”. Chỉ có những người làm về âm nhạc mới có thính giác nhạy cảm đến vậy. Một ví dụ khác là chúng ta nghe hợp xướng, dàn hợp xướng ấy có thể có bốn bè âm thanh. Nhưng, những người bình thường chỉ có thể nghe thấy hai bè âm thanh, hai bè còn lại gần như là không có khái niệm gì. Chúng ta không thể cảm nhận được cái đẹp của những âm thanh này. Bởi vì chúng ta phải rèn luyện cảm giác này trước lúc 6 tuổi, sau 5,6 tuổi, khả năng ấy sẽ hoàn toàn biến mất (dựa theo cách nói của Montessori).

    Cảm giác là khởi nguồn của tâm trí và lý tính, nhưng cảm giác cũng là kết quả của tâm trí và lý tính. Mục đích của sự phát triển tâm trí là để cảm giác càng rõ ràng càng phong phú. Rất ít người nghiên cứu về vấn đề này. Chúng ta biết rằng, trong những quyết sách quan trọng nhất, lý tính có thể lừa gạt chúng ta, và cảm giác càng được tín nhiệm. Tôi có quen với chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty bất động sản, ông nói với tôi rằng, tất cả những quyết sách lớn mà thành công của ông đều dựa vào cảm giác.

    Thế mới nói rằng quá trình rèn luyện cảm giác trước 6 tuổi phải tới nơi tới chốn. Trên thực tế chúng ta đẩy lùi về phía trước, khoảng trước 4 tuổi, bởi vì sau 4 tuổi, các thời kỳ nhạy cảm khác của con trẻ sẽ phát triển theo một phương hướng, nếu đến lúc này mới rèn luyện cảm giác, thì đã là quá muộn. Trước 4 tuổi, chúng ta phải chuẩn bị cho trẻ một loạt các vật liệu như ống khứu giác để ngửi mùi, ống vị giác để nếm vị để giúp trẻ phân biệt những thứ có mùi vị khác nhau. Con trẻ sẽ được thử riêng biệt từng thứ, sau đó phân loại những mùi vị giống nhau. Khi dùng ống thính giác, thính giác của nhiều trẻ rất nhạy cảm. Cho trẻ quay mặt đi, sau đó giáo viên đánh một nốt nhạc, trẻ không cần nhìn, chỉ nghe cũng biết được giáo viên đã đánh âm nào. Cô giáo dạy nhạc mới đến, vô cùng ngạc nhiên, cô nói: “Trẻ Montessori thật là xuất sắc. Trẻ 5 tuổi, không cần nhìn, không cần sờ, chỉ cần nghe mà phán đoán ra tất cả các âm tiết”.

    Đó chỉ là một phần của quá trình dạy học. Trong quá trình rèn luyện cảm giác, tất cả các loại hình rèn luyện phải được làm đến nơi đến chốn. Ví dụ như khi trẻ sờ giấy nhám, có đủ các loại độ nhám khác nhau. Con trẻ biết loại nào trơn tru, loại nào mịn, loại nào ráp. Sau khi trẻ được tiếp xúc với giấy nhám, có thể đến hàng tháng, trẻ vẫn không gặp được khái niệm này trong cuộc sống. Nhưng, bỗng một hôm, trẻ sờ vào một bức tường đang xây dở và biết rằng: “Đây là thô ráp”.

    Tôi xin đưa ra một ví dụ khác. Có một hôm, một đứa trẻ ngồi trong lớp sờ vào loại giấy nhám mịn nhất, cô giáo hỏi: “Con thấy có mịn không?”. Cháu nói: “Không ạ!”. Cháu đặt tay lên bàn tay kia của mình, cô giáo lại hỏi: “Con có thấy mịn không?”. Cháu lại nói: “Không ạ!”. Cháu đi tìm những thứ mịn hơn. Ánh mắt của cháu dừng ở mông một em bé hơn 2 tuổi đang mặc quần lót. Cháu đi tới, dùng đôi bàn tay của mình rất cẩn thận sờ vào mông em bé kia, sau đó rất kiên định và thoải mái nói: “Đây mới là mịn ạ”. Em bé đó đã khái niệm được cảm giác “mịn”. Sau quá trình này, trí lực của em cũng đã được phát triển.

    Tôi xin đưa thêm ví dụ khác về vị giác và khứu giác. Nhà ăn của trường thường đóng cửa xào nấu thức ăn. Khứu giác của các em rất nhạy cảm nên “đánh hơi” ra ngay: “Đang xào thịt bò với đậu phụ”. Chỉ cần sữa hơi quá lửa, đám trẻ đã hít hà như bầy cún con, nói: “Sữa khê rồi”. Còn có một lần, một phần thức ăn của các em hơi bị khê nên đám trẻ không chịu ăn. Bữa trưa của các em gồm có ba phần thức ăn và một phần canh, cả đám trẻ chỉ ăn hai phần thức ăn kia. Ban đầu tôi không biết, hỏi: “Tại sao?”. Tôi bảo các cô nếm thử, nhưng các cô cũng không phát hiện ra điều gì, còn đám trẻ thì nói thức ăn bị khê. Tôi phát hiện ra, phương pháp giáo dục này giúp cho cảm giác của trẻ đối với thế giới này thật nhạy cảm, thật rõ ràng, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này của các em. Khi đám trẻ của chúng tôi qua tuổi thứ 6, nền móng này đã khá ổn định rồi.

    Những ví dụ này chỉ là những ví dụ đơn giản thoáng qua. Những cảm giác cấp cao hơn của các bé, ví dụ cảm giác đối với trạng thái tâm lý, cảm giác đối với tâm hồn, cảm giác đối với tinh thần, cảm giác đối với nghệ thuật đều được phát triển trong quá trình rèn luyện cảm giác sau này. Đây là chủ đề cao hơn của giáo dục trẻ em.

    Trên phương diện rèn luyện cảm giác cơ bản, vì con trẻ được sống trong môi trường tự do, hiệu quả học tập của các bé vượt xa hơn nhiều so với các bé bị gò ép. Bởi vì các bé được phát triển theo thời kỳ nhạy cảm của mình, trong khi cách giáo dục thông thường thường đưa những cái gọi là kiến thức, ví dụ như toán học vào những thời điểm chưa phải là thời kỳ nhạy cảm của các bé, như thế không những không có hiệu quả, mà hiệu quả nhiều khi còn hoàn toàn ngược lại. Nhà trẻ của chúng tôi có một cháu hơn 2 tuổi, rõ ràng là thời kỳ nhạy cảm vẫn chưa đến với cháu. Một hôm, có cô giáo đến kiểm tra, nhìn thấy cháu bé này khá cao, tưởng là cháu đã đến tuổi, nên muốn dẫn dắt cháu thao tác với hộp que tính. Cô mang hộp que tính đến và nói: “Cô và con cùng thao tác nhé?”. Đứa trẻ nói: “Vâng ạ”. Cô giáo hỏi: “Đây là mấy?”. Cháu bé nói: “1”. Cô giáo nghe vậy, nói: “Đúng rồi”. Rồi cô nói tiếp: “Con hãy bỏ 1 vào hộp một que đi”. Cháu bé làm đúng. Cô giáo lại cầm số 2, nói: “Đây là cái gì?”. Đứa trẻ nói: “Con vịt”. Cô giáo giật mình, vội bỏ hộp giáo cụ, nói: “Chúng ta chơi cái khác đi”. Sau đó cô hỏi thăm, mới biết cháu bé mới hơn 2 tuổi, chưa đến 3 tuổi.

    Tôi biết là có rất nhiều bức tranh dạy trẻ con học phát âm. Bức tranh dạy chữ “a” có hình một vị bác sĩ kiểm tra khoang miệng cho một cháu bé, chữ “o” là bức tranh con gà trống đang ngóng cổ dài. Trong quá trình tiến hành thực nghiệm với các bé, chúng tôi phát hiện ra rằng, các bé nắm rõ bức tranh hơn là chữ. Bạn hỏi: “Đây là cái gì?”. Các cháu nói: “Con gà trống”. Chỉ vào chữ “u”, đi kèm là bức tranh một người lái chiếc xe lu, con trẻ nói “lái”, nghĩ một lúc rồi nói “xe”, sau cùng mới nói “lu”.

    Trường chúng tôi đã che hết những bức tranh phía trên lại, để các bé chỉ nhận biết những chữ cái bên dưới.

    Montessori đã nói một câu: “Khi con trẻ thao tác một loại đồ dùng dạy học nào đó, hoặc là trong quá trình rèn luyện cảm giác đến khái niệm, phải được cách ly vật kích thích”.

    “Cách ly” nghĩa là gì? Ví dụ như khi chúng ta đọc cho con nghe chữ “a”, tốt nhất là bạn để trước mặt con chữ “a”, không được để thêm bất cứ thứ gì mà bạn cho là có liên quan đến chữ “a”, như thế, là chúng ta đã cách ly được chữ “a”. Lúc này, trước mặt con chỉ có một chữ “a”, con trẻ có thể phân biệt, con biết được “a” là một chữ cái chứ không phải cái tờ giấy có chữ “a”. Còn khi bạn để chữ “o” đặt cạnh con gà trống, đầu óc trẻ sẽ bị hỗn loạn.

    Một điểm quan trọng khác của việc rèn luyện cảm giác là, khi dạy học phải đặt những nội dung có tính đối lập nhau ở bên cạnh nhau để cảm nhận. Ví dụ như đỏ, xanh, dài, ngắn, to, nhỏ… bởi vì thế giới vật chất tồn tại theo phương thức này. Những khái niệm được sinh ra trong sự so sánh, đối chiếu sẽ càng chuẩn xác, rõ ràng và toàn diện.

    Cái gọi là rèn luyện cảm giác dẫn đến khái niệm, nội hàm của khái niệm này chính là: Phải tự mình rèn luyện cảm giác cho mình, bởi vì cảm giác phải do tự mình thể nghiệm, tự mình trải qua, để sau cùng rút ra kết quả - khái niệm, vì thế còn gọi là quá trình tự giáo dục của chính mình.

    Tôi có một người bạn, cô ấy từng nói thế này: “Bạn giảng giải cho một đứa trẻ 3 tuổi nghe thế nào là tình yêu, thì cho dù bạn giảng có hay đến mức chết đi sống lại, kinh thiên động địa đến mức nào, liệu có thể khiến con hiểu được thế nào là tình yêu không? Không thể. Chỉ đến khi con thực sự yêu, con mới hiểu được tình yêu là thế nào. Tôi còn nhớ hồi học đại học có đọc “Romeo và Juliet”, khi Juliet mở cửa sổ, Romeo nói: “Cửa sổ sáng bừng lên vì đó là phía đông, Juliet chính là mặt trời!”. Khi đọc đến đó, tôi cảm thấy sao có thể tán dương một người đến mức đó? Rõ ràng là tán dương đến mức vô lý! Sau này, khi tôi thực sự yêu, mới thấy Romeo phải yêu Juliet đến mức nào mới có thể nói được những lời như thế! Tôi phải cảm nhận được, mới có thể đi đến biểu đạt khái niệm. Ở đây là áng thơ triết lý loại suy(4). Cảm giác đó là của tôi, không ai có thể nhồi nhét, cũng giống như việc học đi xe đạp, học bơi, không ai có thể làm hộ bạn”.

    Rèn luyện cảm giác bắt buộc phải là quá trình tự giáo dục. Tối hôm qua, cô giáo Đơn ở trường chúng tôi có nói một câu thế này: “Trải qua thời gian hai năm, cuối cùng em cũng tin rằng trẻ em tự giáo dục mình”. Tại sao phải trải qua một thời gian học tập và làm việc lâu như vậy mới có thể thừa nhận con trẻ tự giáo dục mình? Bởi vì quan niệm truyền thống và phương pháp truyền thống quá ngoan cố, nhưng dù là lâu đời và ngoan cố đến đâu, thì đó cũng là một con đường sai. Sinh mệnh của con trẻ tuyệt đối không hề đơn giản, sự vận hành nội tại trong cuộc sống của các em là vô cùng trí tuệ và thần bí, không ai có thể dạy được các em. Tất nhiên, phần đông chúng ta không có thời gian để nghiên cứu sâu hơn về trẻ em, chúng ta đã nghĩ nhiều hơn là làm, đã quá lơ là đối với những thành viên quan trọng nhất.

    Điều này cũng liên quan đến việc “thích làm thượng đế” của chúng ta. Người lớn chúng ta thích nói nhất những câu: “Con có ngày hôm nay, con thi được vào đại học là công lao của mẹ con, là do bố mẹ con tích đức mà có!”. Người lớn sẽ không công nhận đó là do tố chất tự thân của con trẻ. Có những lúc, tư duy của người lớn là cực kỳ nguyên thủy. Trên thực tế, rất nhiều người lớn chúng ta có những suy nghĩ như thế này. Hoặc là, khi con trẻ có thành tựu, cha mẹ các em sẽ nói: “Cảm ơn cô đã tốn bao nhiêu công sức, con nhà chúng tôi mới có những thành tựu xuất sắc như ngày hôm nay”. Giáo viên nghe những lời ấy mà mát ruột mát gan: Đây, đứa trẻ có bao nhiêu thành tựu như thế là do công sức của tôi cố gắng bao nhiêu lâu nay mà có được. Thực tế không phải vậy. Giáo viên giúp đỡ trẻ, nhưng quá trình tâm lý đích thực của trẻ là do trẻ tự hoàn thành, và sự giúp đỡ quan trọng nhất của người lớn chính là không làm phiền trẻ, biết yêu thương trẻ vào những thời khắc quan trọng nhất, khơi gợi cho trẻ, để trẻ tìm được cảm giác nội tại của mình, giúp trẻ để trẻ tự hình thành những khái niệm rõ ràng và chuẩn xác.

    [Còn nữa]
     
  9. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 9: YÊU THƯƠNG LÀ ĐẤT MẸ, YÊU THƯƠNG LÀ ÁNH MẶT TRỜI, YÊU THƯƠNG LÀ TẤT CẢ CỦA TRẺ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Rất nhiều em bé ở những nhà có người trông trẻ, khi bố mẹ ở nhà chỉ theo bố mẹ, bố mẹ đi vắng chỉ theo người trông. Điều này khiến những người làm bố làm mẹ có một ngộ nhận: Người trông trẻ rất quý con mình, vì thấy con không chịu theo ai khác. Nguyên nhân chính xác ở đây là: Khi bố mẹ ở nhà, người trông trẻ đối xử với con rất tốt, cho con muốn gì làm nấy; khi bố mẹ không có nhà, người trông trẻ thường la mắng và nạt nộ đứa trẻ. Đứa trẻ bị xoay chuyển trong hai môi trường yêu và không yêu nên không có cảm giác an toàn. Một đứa trẻ được yêu thương, tính độc lập rất cao, tư duy rộng mở, tự tin, trí nhớ tốt, không cảm thấy bất an khi ở môi trường lạ. Đó là vì trẻ được ở trong môi trường yêu thương ổn định.

    Trường học Montessori có một khẩu hiệu: “Yêu và tự do, đẹp và lý tưởng”. Chúng tôi rút ra được khẩu hiệu này sau hơn mười năm thực thi phương pháp giáo dục Montessori. Tại sao yêu thương lại đứng ở vị trí đầu tiên?

    Cơ sở của cuộc sống, nhận thức và hành vi của các con đối với tương lai gần như đều quy về giáo dục thời kỳ đầu. Trong đó, tình yêu thương trong thời kỳ giáo dục này chính là cơ sở quan trọng nhất để phát triển tất cả các phương diện của con, từ nhân cách, tâm trí, đạo đức… Bởi vì tôi cho rằng, yêu thương chính là nền móng cho sự trưởng thành của tất cả các phương diện ở các con. Đây cũng là nhận định chung của rất nhiều nhà tâm lý học, như cây cần có đất, yêu thương chính là đất mẹ nuôi dưỡng các con trưởng thành.

    Rất nhiều bậc cha mẹ có thể có suy nghĩ thế này: Cha mẹ nào mà chẳng yêu con. Nhưng đối với một người mà bản thân họ không có tình yêu và không có năng lực yêu thì sẽ thế nào? Tôi cho rằng đây là vấn đề trong quá trình trưởng thành của người lớn. Các nhà tâm lý học cho rằng, nếu tâm lý của cha mẹ đã trưởng thành, họ có thể tự nhiên thể hiện “tình yêu” đối với con. Ngược lại, nếu độ tuổi tâm lý của những người làm cha làm mẹ chưa trưởng thành, rất có thể những điều họ làm đều xuất phát từ bản thân họ, họ càng yêu bản thân mình. Khi xử lý những sự việc có liên quan đến các con, rất có thể họ càng nghĩ cho mình phần nhiều chứ không xuất phát từ góc độ của các con. Giận dỗi với trẻ, đối đầu với trẻ, cố giành phần thắng với trẻ. Những người này không thể trở thành một người trưởng thành để đối xử với trẻ một cách khoan dung, bao dung và hiểu rõ con trẻ.

    Tình yêu con của một kiểu cha mẹ khác lại dựa trên tâm tư của họ, vui thì yêu con hết mực, không vui thì ra sức nạt nộ quát mắng con. Như vậy, con trẻ phải dành cuộc sống quý giá của mình vào việc quan sát sắc mặt, ban đầu là sợ hãi và mơ hồ, sau đó là suy đoán và đối phó. Thực thi phương pháp giáo dục Montossori mười năm, vấn đề không ở chỗ thực thi phương pháp giáo dục này như thế nào, mà chúng tôi phải tiêu tốn phần lớn công sức vào việc điều tiết cảm giác bất an và lo lắng về tinh thần và tình cảm do những bất an vì thiếu vắng tình yêu thương khiến các em có cảm giác không an toàn.

    Nhà tâm lý học Erich Fromn(1) từng nói một câu như thế này:

    “Tình yêu” cũng giống như những môn nghệ thuật khác, cần phải học mới nắm bắt được. Cũng giống như học ngành y, bạn không thể vừa sinh ra đã có thể là một bác sĩ, mà phải học để trở thành một bác sĩ. Ông cho rằng: Mỗi người làm cha làm mẹ cũng phải học và cố gắng mới hiểu được tình yêu dành cho con.

    Thế nào mới là “tình yêu” mà bố mẹ thực sự dành cho con? Chúng ta biết là rất nhiều loài động vật cũng yêu con mình. Ví dụ như gà mẹ yêu gà con, hổ mẹ yêu hổ con. Chúng ta xem phim cũng thường thấy cảnh hổ mẹ chơi đùa với hổ con, đó cũng là một kiểu yêu con. Rất nhiều người làm cha làm mẹ, sau khi sinh con ra, yêu con vô cùng. Nhưng, sau khi con có được năng lực suy nghĩ độc lập, không phải ai cũng giữ được tình yêu dành cho con mình. Nhà tâm lý học người Áo, Alfred Adler(2) (1870 - 1937) nói: “Bản chất thực sự của tình mẹ yêu con nằm ở việc quan tâm đến sự trưởng thành của con, điều này cũng có nghĩa là quan tâm đến khoảng cách của mẹ và con”. Kết quả quan sát các bé tại trường chúng tôi cho thấy: Con trẻ trong những gia đình thực sự biết cách yêu con phát triển xuất sắc ở hầu hết các phương diện. Ví dụ như con cái không quấn bố mẹ, tính độc lập cao, tư duy rộng mở, tự tin, trí nhớ tốt, năng lực giải quyết vấn đề tốt, con trẻ vui vẻ hoạt bát.

    Rất nhiều những người làm cha làm mẹ có một ngộ nhận thế này: Mẹ càng yêu con, con càng quấn mẹ. Tôi thì lại có cách nghĩ khác: Bố mẹ càng yêu con, con càng không quấn bố mẹ. Bởi vì rất nhiều kinh nghiệm mách bảo trẻ rằng, bố mẹ rất yêu chúng. Kinh nghiệm này cũng đồng thời nói với con rằng, bố mẹ chỉ tạm thời đi vắng. Những hành vi yêu thương bền bỉ của bố mẹ khiến con trẻ tự nhận ra rằng, cho dù bố mẹ có ở đâu, tình yêu ấy cũng là bất biến và không thay đổi. Vì thế khi ở trong những môi trường lạ, con trẻ dễ có được cảm giác an toàn, nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh và dễ dàng rút ra những kinh nghiệm cho bản thân mình. Không ai có thể dạy trẻ những điều này. Nguyên nhân là vì con trẻ đã xây dựng được cho mình một cảm giác an toàn, có được cơ sở này, trẻ cũng dễ dàng có được cảm giác an toàn khi ở cạnh những người khác. Con trẻ trong những gia đình chưa thực sự biết cách yêu con, thì hay xảy ra tình trạng: Mẹ vừa đi khỏi, trẻ đã khóc òa lên, thậm chí trẻ có thể mang “sự thiếu thốn tình cảm này” ra để gây sức ép ở bất cứ đâu, cũng chính là một cách tìm kiếm sự yêu thương ở khắp mọi nơi, lấy lòng người khác, hoặc là hoàn toàn khép kín bản thân mình, cự tuyệt mọi tình yêu.

    Điển hình nhất là những đứa trẻ ở với người trông trẻ, biểu hiện của các bé là, khi bố mẹ trở về trẻ chỉ theo bố mẹ, bố mẹ đi vắng chỉ theo người trông trẻ mà không theo ai, và đặc biệt là rất quấn người trông. Điều này khiến những bậc phụ huynh đó nảy sinh ngộ nhận: “Người trông trẻ rất quý con mình”. Đứa trẻ này rời khỏi người trông trẻ thì gặp ai cũng sợ hãi. Nguyên nhân chính là: Khi bố mẹ ở nhà, người trông trẻ đối xử với trẻ rất tốt, cho trẻ muốn gì làm nấy; khi bố mẹ không có nhà, người trông trẻ thường la mắng và nạt nộ đứa trẻ. Bạn không thể tưởng tượng nổi một đứa trẻ được yêu thương thì sao lại sợ hãi cái thế giới mà ở đó có bố mẹ và bác trông mình? Rõ ràng là đứa trẻ này bị xoay chuyển giữa yêu và không yêu, bởi vì kinh nghiệm của con cho con biết rằng những người quen thuộc với con là an toàn, còn lại là nguy cơ ở khắp mọi nơi.

    Có một đứa trẻ, nói thế này khi chơi với những bạn khác: “Mẹ mua sôcôla cho tớ, nhưng không cho các cậu đâu”. Điều này rõ ràng là vì trẻ chưa xây dựng được cho mình cảm giác an toàn, mà chuyển giao cảm giác này sang phía bố mẹ. Những đứa trẻ này ít vui vẻ, tư duy bị bó buộc. Những đứa trẻ nhận được tình yêu đúng đắn của bố mẹ mình sẽ tự xây dựng được cho mình cảm giác an toàn, bởi vì trẻ có được đầy đủ tình yêu, trẻ có được cảm giác an toàn, trẻ có thể tập trung sự chú ý vào quá trình tự phát triển của riêng mình.

    Vậy làm thế nào mới có thể khiến con trẻ nhận được tình yêu trong quá trình trưởng thành của mình? Hãy cho con cơ hội trưởng thành, để con cảm nhận được tình yêu của bạn, luôn tạo điều kiện và giúp đỡ cho sự phát triển của con và mọi chi tiết trong cuộc sống của con. Điều này phải được xây dựng trên cơ sở của việc bạn hiểu sự phát triển trong cuộc sống của con trẻ. Đó chính là tình yêu. Rất nhiều cha mẹ không biết gì về quá trình trưởng thành của con mình, nên họ bắt đầu từ những kinh nghiệm trưởng thành của bản thân mình và từ chính lợi ích của bản thân mình. Ví dụ như chúng ta không hề biết việc khóc ở trẻ em có gì tuyệt vời, trong khi thậm chí chúng tôi đã nhận ra rằng, khóc có lợi cả cho quá trình tiêu hóa. Trên thực tế, phần lớn những hành động tự phát của trẻ con đã bị người lớn ngăn cản, lâu dần, chúng ta phát hiện ra rất nhiều trẻ em đã bị cha mẹ tước bỏ quyền lợi trưởng thành, cơ hội phát triển tâm trí ngày càng ít ỏi. Người Trung Quốc có một câu nói: “Con một là những ông vua con”. Tôi đặc biệt không tán đồng ý kiến trên. Tôi cho rằng Trung Quốc không có ông vua con. Ít nhất là có một điểm, vua thì phải được cực kỳ tôn trọng, trong khi con cái của chúng ta chưa hề được tôn trọng, người lớn đã lấy đi rất nhiều quyền lợi của con trẻ. Có những đứa trẻ trong trường mầm non của chúng tôi, khi các bé vào lớp mới thấy được những hiện tượng vô cùng kỳ quặc: Không biết ăn cơm, không biết đi vệ sinh, không biết làm bất cứ việc gì, việc gì cũng phải dựa vào người lớn. Trong khi tuổi các bé là lứa tuổi thích nhất là được tự mình làm mọi việc. Đánh mất đi cơ hội phát triển hoạt động của đôi tay là làm ảnh hưởng đến mọi phương diện trong quá trình trưởng thành về tâm trí của trẻ. Những bậc làm cha làm mẹ đó sẽ nói rằng: “Đó là vì chúng tôi quá yêu con, nên làm mọi việc cho con”. Chúng ta đã quá yêu bản thân mình, hay là quá yêu con chúng ta? Sở dĩ người lớn làm hết mọi việc cho trẻ con như thế là vì sợ chúng gây phiền phức cho chính mình.

    Quá trình từ 0 đến 6 tuổi của trẻ là cả một quá trình hoạt động không ngừng, đặc biệt là giai đoạn trước 4 tuổi. Tất cả các hoạt động như sờ mó, nắm bắt, vặt… đều là do yêu cầu của sự phát triển trong cuộc sống của các bé, là nhu cầu phát triển trên mọi phương diện của bé, chứ không phải khi nào bé bắt đầu học toán, bắt đầu học chữ mới là bắt đầu phát triển tâm trí. Những hoạt động nhìn bề ngoài có vẻ chẳng mang chút ý nghĩa nào đó, lại là toàn bộ nội dung phát triển tổng hợp về cả thể xác lẫn tinh thần của trẻ. Nếu con trẻ không được phát triển đầy đủ, cũng có nghĩa là chúng ta không cho trẻ sự thông minh, hoạt bát và niềm vui. Chẳng có em bé một tuổi rưỡi nào lại không muốn tự ăn cơm, nhưng bé có thể tự làm được không? Người lớn sẽ cảm thấy thật bừa bộn, bẩn thỉu, phiền phức, và cho dù đứa trẻ có đấu tranh, bé cũng không thể giành nổi quyền lợi này. Trẻ con bị tước đi cơ hội tự phát triển, thay vào đó là ý chí, chủ trương và hành vi của người khác. Như vậy, sức chú ý của trẻ bị phân tán, đi chệch khỏi chính bản thân các em, đi chệch khỏi quỹ đạo phát triển trong cuộc sống của chính em. Các em bắt đầu chú ý đến cách nhìn, thần thái, vẻ mặt… của người khác, đánh mất cá tính, đánh mất sức sáng tạo.

    Vậy cha mẹ nên yêu con thế nào? Gần nhà tôi có một bé gái 3 tuổi rất sợ gội đầu, có lúc cháu làm sai việc gì, chỉ cần bảo gội đầu cho cháu, là cháu đã sợ quá mà bỏ chạy, vừa chạy vừa nói: “Lần sau con không làm thế nữa đâu ạ”. Một buổi sáng sớm, tôi đi ngang qua cổng nhà cháu, cháu đang chơi trò gội đầu với một cháu trai 4 tuổi, trong chậu có ít nước, có thể là nước vừa rửa mặt xong nên hơi bẩn. Cháu nói: “Gội đầu nào, gội đầu…”. Vừa nói vừa lấy tay cho nước lên đầu. Cháu trai cũng vui vẻ giúp cháu đổ thêm nước lên đầu, tiếng cười vang khắp cả con ngõ nhỏ. Tôi nghĩ, đây chính là một cơ hội tốt để cô bé học cách gội đầu và gạt bỏ sự sợ hãi vốn có của mình. Nhưng mẹ cô bé vừa nhìn thấy tình cảnh trên, xông đến lớn tiếng mắng cậu bé: “Sao cháu hư thế!”. Cậu bé bỏ chạy mất, cô bé thấy thế thì òa khóc. Cô bé còn chưa bước ra khỏi niềm vui của việc gội đầu thì đã bị lời trách mắng của mẹ ném xuống vực thẳm của sự sợ hãi. Cháu run rẩy nhìn mẹ, không biết nên làm thế nào. Sau đó mẹ cháu giảng giải với cháu bao nhiêu là đạo lý, nói: “Mẹ yêu con như thế, con muốn gì mẹ cũng đáp ứng, con có muốn ngôi sao trên trời mẹ cũng hái xuống cho con, nhưng con không được làm thế”. Ngôi sao trên trời xa vời quá, cháu chỉ muốn mỗi việc chơi gội đầu mà thôi. Tôi nghĩ, cháu bé nghe mà không hiểu những lời của mẹ, cháu chỉ biết mỗi một việc, đó là sự giận dữ của người mẹ. Thật khó để xác định rằng một người tức giận lại đang thể hiện tình yêu của mình.

    Tình cảm luôn luôn là điểm mấu chốt để đo lường tình yêu. Đến khi con trẻ bắt đầu độc lập, rất nhiều bậc phụ huynh đã để tình cảm của họ gây sức ép với con trẻ. Ví dụ như cha mẹ hy vọng con mình sau này đỗ đại học, nghiên cứu sinh... Ý nghĩ đó là hoàn toàn đúng đắn, nhưng ý nghĩ đó phải được xây dựng từ bậc trung học, tiểu học trên cơ sở của giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non là quan trọng nhất. Hãy cho con được bắt đầu từ những việc gội đầu, rửa bát, sờ mó khắp nơi. Có được một mở đầu tốt trong giai đoạn nhận biết thế giới, con trẻ sẽ tự phát triển được đến những trạng thái nhận thức cao hơn.

    Tâm lý học có một ví dụ: Một người mẹ có người em trai nát rượu, người mẹ này vô cùng sợ đứa con trai của mình sau này cũng giống như cậu nó. Vì thế, người mẹ này thường nói với con mình rằng: “Con không được giống cậu, con không được theo cậu học uống rượu”. Người mẹ này nhắc nhở con mình mọi lúc mọi nơi khiến chính cậu con trai cũng cảm thấy ức chế. Rồi một hôm cậu con trai cũng uống rượu, cậu nghĩ: “Mình uống rượu thế này chắc mẹ mình sẽ hết nói mình”. Trong thực tế cuộc sống, sự lo lắng quá đà của bố mẹ đến cuộc sống của con (mà thực tế là những lo lắng của chính bản thân người lớn), không những sẽ trở nên vô ích với con trẻ, mà còn có hại đối với sự trưởng thành của trẻ. Con trẻ cần được chăm sóc và thấu hiểu, cũng chính là việc quan tâm đến sự trưởng thành của trẻ. Đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề yêu con như thế nào.

    Một người Mỹ là Harrow và các đồng nghiệp của mình đã có một thực nghiệm kinh điển: Nuôi khỉ con trong một cái lồng có hai con “khỉ mẹ”. Một “mẹ” được làm bằng kim loại, khỉ con có thể uống được sữa từ núm vú cao su gồ lên trên ngực khỉ mẹ. Một “mẹ” khác được bọc từ những cuộn vải nhung mềm mượt, nhưng không có gì cho khỉ con ăn. Khỉ con ôm lấy khỉ mẹ làm bằng vải, rồi mới sang ăn sữa trên người khỉ mẹ làm bằng kim loại. Khi những người trong phòng thực nghiệm thả thêm vào trong lồng một con khỉ con đã biết di chuyển đồ đạc, con khỉ này cũng không do dự mà ôm lấy con khỉ mẹ làm từ vải. Thực nghiệm này đã chỉ rõ ràng, khỉ con không quan tâm đến việc ăn, mà quan tâm đến cảm giác an toàn về tinh thần. Tinh thần vui vẻ chiếm vị trí số một, chứ không phải nhu cầu ăn. Trong quá trình trưởng thành sau này, khi thả khỉ con về đàn, nó không chịu hòa nhập với những con khỉ khác, lúc nào cũng thui thủi một mình. Con khỉ đó sau này đã chết. Nhưng khỉ con trong những thực nghiệm sau này, cho dù là lớn lên, có con của mình, nhưng nó cũng thường xuyên bạc đãi con mình.

    Quan sát xung quanh chúng ta, rất nhiều hành vi của loài người cũng không hơn loài khỉ là bao nhiêu. Tỉ lệ trẻ em bị chết trong các cô nhi viện là rất cao, trong đó một phần nguyên nhân chính là vì các bé được hưởng quá ít sự yêu thương. Cô nhi viện ở những nước phát triển, nhu cầu vật chất của trẻ được đáp ứng đầy đủ, nhưng một số cháu 2 tuổi mới biết ngồi, 4 tuổi mới biết đi, nguyên nhân chủ yếu là vì các bé không được sống trong môi trường yêu thương của gia đình.

    Một người làm cha mẹ ưu tú, năng lực yêu con của họ đầu tiên được thể hiện ở việc hiểu con. Tôi có một người bạn, là biên tập của một tòa báo, phụ trách nội dung chuyên mục cuộc sống gia đình. Anh ấy nói rằng, rất nhiều những cặp vợ chồng gặp trục trặc trong vấn đề tình cảm hoặc là gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ, họ có cách xử lý rất kỳ cục, họ hỏi cha mẹ, hỏi bạn bè mà không chịu đọc sách. (Điều này là vì thói quen xem sách từ nhỏ không phải là do tự nguyện mà là do ép buộc, nên sau khi trưởng thành đã đánh mất thói quen này. Tại sao chúng ta lại phải đọc những loại sách mà chúng ta không muốn xem?) Trước khi một đứa trẻ ra đời, những người làm cha mẹ thông minh sẽ tìm đọc những tài liệu tham khảo để tìm hiểu quá trình phát triển của con, từ đó chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con. Quan niệm đời cha ông của chúng ta đã quá cũ kỹ, chúng ta không thể biết đời con chúng ta sẽ sống trong một xã hội như thế nào, con chúng ta phải làm thế nào để thích ứng và chiến thắng tất cả mọi thứ trong cuộc sống, chứ không phải là để con lớn lên rồi bối rối và lúng túng với thực tế. Nếu chúng ta không thể thay đổi quá trình trưởng thành của chính bản thân mình, thì chúng ta hãy học để biết được cách yêu con. Rất nhiều chuyên gia đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu trẻ em, đồng thời tìm ra phương pháp làm thế nào để quá trình trưởng thành của các em ngày càng hoàn thiện. Họ viết sách để nói với chúng ta về đặc điểm và quy luật trưởng thành của trẻ em, thế nào là những trẻ em có tâm trí trưởng thành khỏe mạnh. Những loại sách như thế này rất nhiều, nếu chịu đọc, sẽ rất có ích cho những người làm cha mẹ. Bạn sẽ cùng trưởng thành với con, đó thật là một việc cực kỳ tuyệt vời. Thế nên, tập trung thời gian và tâm sức cho các con là một việc làm rất vui, kết quả cực kỳ bổ ích.

    Trường Montessori chúng tôi có một con chó nhỏ, để trẻ em được chơi với các con vật nhỏ. Có ba trạng thái đối đãi của các bé với con vật nhỏ này được ghi lại: Một là rất thích chú chó nhỏ này, vừa đến đã ôm lấy hoặc là đùa giỡn với chó; thứ hai là vừa nhìn thấy con chó từ xa đã khóc; thứ ba là bạc đãi chó. Chúng ta sẽ cùng phân tích ba tình huống này. Theo tôi mặt đối lập của yêu chó chính là sợ chó, vì thế hai tình huống đầu là hoàn toàn bình thường. Vậy tại sao có những trẻ lại bạc đãi chó? Bản thân các bé cũng không biết là mình đang bạc đãi chó. Tôi có nhờ các cô giáo làm thống kê, để xem những cháu nào hay bạc đãi chó. Sau quá trình điều tra đã phát hiện ra, tất cả những trẻ này đều là những trẻ không ở trạng thái bình thường. Bình thường các bé rất nhát gan, hay quan sát sắc mặt của giáo viên, làm việc thiếu tự tin, nhưng khi các bé đánh con chó thì vô cùng mạnh dạn, tự tin và bằng nhiều cách. Đó đều là những đứa trẻ có vấn đề về tâm lý, nói sâu hơn một chút là những đứa trẻ có vấn đề về phương diện “tình yêu thương”. Khi chúng tôi nhìn thấy những trẻ yêu chó, ôm chó, nói chuyện với chó, chơi với chó như bạn của mình, đó là một cảnh tượng cảm động khi con người giao hòa với thiên nhiên. Nhưng khi bạn nhìn thấy cảnh tượng đứa trẻ bạc đãi con chó nhỏ, bạn sẽ cảm thấy đau thương và nuối tiếc biết chừng nào.

    Yêu con quan trọng như thế đó! Khi một người lớn yêu một người lớn khác, người lớn kia sẽ hiểu rằng mình đang được yêu. Nhưng khi cha mẹ yêu con, con trẻ sẽ học được cách yêu tất cả. Yêu thương chính là loại lương thực hảo hạng nhất cho quá trình trưởng thành của trẻ. Có được khả năng yêu là có được phẩm chất tốt đẹp nhất. Tình yêu là thời cơ quan trọng nhất nâng cao sinh mệnh.

    Các nhà tâm lý học nói: “Khối óc là bộ máy của tình yêu”. Chúng ta biết rằng dù các cô có yêu các bé đến mức nào cũng không thể thay thế được tình yêu của cha mẹ, bởi vì “tình yêu” không thể thay thế bằng bất cứ kinh nghiệm nào khác, chỉ riêng bố mẹ các em mới có thể làm tốt được. Giáo viên trong trường chúng tôi, từ tư thế, thái độ, giọng nói, ngữ điệu đến cả cách dùng từ đều theo quy chuẩn, ví dụ khi trẻ ăn xong cơm thì rời khỏi nhà ăn, cô cũng không được nói: “Mời con ra ngoài”, mà phải nói là “Mời con về lớp”. Ngôn ngữ của các cô cũng phải được trình tự hóa, có như vậy con trẻ mới được đối xử thật bình đẳng. Nhưng dù chúng tôi có làm thế nào, cũng chỉ bố mẹ của trẻ mới đem đến được cho trẻ cảm giác an toàn. Rất nhiều bé, khi muốn cô giáo ôm mình đều nói: “Cô ơi con bị đau bụng”. Cô cười nói: “Có phải con muốn cô ôm con không?”. Có những trẻ phá phách, ném gối xuống đất, ném sách xuống đất. Cô giáo không biết làm thế nào, một cô khác thì nói: “Cô thơm con một cái”. Cô giáo ôm chặt bé lại, thơm bé một cái, thế là bé cười váng lên rồi nằm ra giường. Lúc sau cháu bé lại ném đồ đạc xuống đất, lại muốn cô giáo thơm mình. Trong trường của chúng tôi cũng có mấy cháu như vậy, sự chú ý mỗi ngày của các cháu đều tập trung vào việc tìm kiếm tình yêu và phá phách giận dữ. Những đứa trẻ như vậy, thường là do ở nhà các cháu thiếu vắng tình yêu. Rõ ràng là những đứa trẻ ấy chưa được thỏa mãn về tình yêu. Chúng ta đã biết, một khi đứa trẻ được thỏa mãn về tình yêu, trong trạng thái thoải mái và tự do, trẻ sẽ thể hiện bản tính của mình. Tố chất tâm lý, tố chất nhân cách, tố chất đạo đức và tố chất trí lực của trẻ sẽ thỏa sức phát triển. Thực ra, người lớn cũng giống như vậy. Nếu môi trường xã hội của một người đầy ắp tình yêu thương, cảm giác an toàn, công bằng, khoan dung thì người đó cũng trở nên tốt đẹp, phát triển rất nhanh, có sức sáng tạo, yêu cuộc sống. Nếu con trẻ không nhận được đầy đủ tình yêu, cháu sẽ thể hiện ra là một đứa trẻ không tự tin, không hòa đồng với các bạn nhỏ khác, cháu phải nghĩ cách để giành được tình cảm yêu thương của người khác, hoặc là nghĩ mọi cách để phá phách, moi móc tâm tư của bố mẹ để tìm kiếm chút ít tình yêu. Tôi đã gặp một bé gái 3 tuổi, cô bé đang chơi thì bị đứt tay, chảy một ít máu. Tôi nói với cô bé: “Cháu đi tìm mẹ băng tay cho, nếu không sẽ nhiễm trùng đấy”. Cô bé cười nói: “Không sao đâu”. Hôm đó là một buổi chiều mùa đông, cô bé đang chơi đất ở ngoài, tôi khuyên cô bé phải về nhà băng tay lại, rồi hãy ra chơi tiếp. Cô bé do dự một lát, nói: “Vâng!”, rồi vui vẻ quay trở về nhà, nhưng vừa vào cửa đã khóc òa lên, nói quá về vết thương của mình. Mẹ an ủi cô bé. Khi cô bé vẫn ngân ngấn nước mắt chạy ra cửa, thấy tôi vẫn đang đứng đó, cô bé giơ ngón tay cười nói: “Anh hùng!”.

    Một đứa trẻ đang ở tuổi lớn lên mà lại dùng thủ đoạn để có được tình yêu như thế thì thật là đáng buồn.

    Trạng thái của rất nhiều đứa trẻ là: Trẻ biết nên khóc lúc nào để được mẹ yêu. Chúng ta cũng biết là khi một người yêu đứa trẻ, đứa trẻ mới yêu người đó. Đứa trẻ nhìn vào hành vi của người lớn, chứ không nghe những lời thuyết giáo, đó cũng là đặc điểm “tâm trí mang tính tiếp thu” của Montessori. Trung Quốc có một câu tục ngữ: “Thà cho con trẻ một tấm lòng, còn hơn cho con một khuôn mặt tốt”. Tôi lại muốn nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng: Cho dù bạn không cho con một tấm lòng thì cũng phải cho con một khuôn mặt tốt để con trưởng thành. Điều này khiến tôi nghĩ đến một câu thơ của Pushkin: “Ôi lừa dối tôi nào khó. Tôi vẫn đang muốn tự dối mình”(3). Bởi vì một “khuôn mặt tốt” của bố mẹ có thể mang đến cho các con một nền tảng an toàn, mà kết quả của nó là cùng với sự lớn lên về lứa tuổi, các con dễ dàng thu nạp các giá trị quan tương đồng với bố mẹ và cả một số hành vi khác. Vì thế, một “khuôn mặt tốt” phải được duy trì ổn định. Ví dụ như một giáo viên ở trường chúng tôi bị đau chân, một cháu nhỏ đang thao tác đồ dùng dạy học nhìn thấy vội ôm lấy hộp đồ dùng chạy ra ngoài. Có một cô giáo nhìn thấy cháu, hỏi: “Sao con lại mang hộp đồ dùng ra ngoài thế này? Để cô dẫn con về lớp”, rồi dẫn cháu về lớp. Cháu bé về lớp nhìn thấy cô giáo bị đau chân thì nước mắt lại hai hàng. Cô giáo nói: “Tại sao con lại mang hộp đồ dùng ra ngoài?”. Cháu bé nói: “Chân cô bị đau, con đi tìm bác sĩ”. Cô giáo vô cùng cảm động, quỳ xuống nói: “Cô xin lỗi, tại cô không biết”. Cô giáo cứ tưởng mọi việc đến đây là kết thúc, đứa trẻ cũng vào lớp. Nhưng đến giờ ăn trưa, cháu bé đang ăn cơm thì lại chạy ra ngoài, vì nhìn thấy bóng bác sĩ thoáng qua ngoài cửa sổ. Cháu bé chạy ra ngoài nói: “Bác sĩ ơi, cô giáo cháu bị đau chân”. Bác sĩ bảo: “Được rồi, để bác qua xem”. Nghe xong, cậu bé thở phào nhẹ nhõm, chạy trở về chỗ ăn cơm. Cô giáo nói: “Con trẻ hoàn toàn bình tĩnh, nhưng tôi không còn giữ được bình tĩnh, tôi biết rằng tình yêu tôi vẫn dành cho các con đã được hồi đáp”. Con trẻ học được cách yêu thương, giúp con trẻ có được phẩm chất này chính là sự hồi đáp tốt nhất đối với các cô và xã hội.

    Bậc cha mẹ học được cách yêu con như thế nào? Các bạn nên tìm đọc những loại sách kinh điển, tìm hiểu quy luật trưởng thành của trẻ và quá trình hình thành tinh thần của con, hiểu rõ thực tế trưởng thành của nhân loại là quá trình trưởng thành về tinh thần. Có như vậy mới có thể hiểu được con mình, hiểu được tại sao con lại nắm đồ vật, rồi cầm gì cũng cho vào miệng; tại sao trẻ con thích nghịch nước, ăn bốc cơm. Montessori có một câu: “Có hai kiểu trừng phạt đối với con người, đó là cướp đoạt của con người hai thứ, một là sức mạnh nội tâm và hai là sự tôn nghiêm của nhân cách”. Chúng ta tạm thời đặt “sức mạnh nội tâm” sang một bên, bởi vì vấn đề đó quá phức tạp. Tôi chỉ xin đề cập đến sự tôn nghiêm của nhân cách, tôi nghĩ khi việc trách mắng con trẻ, hoặc là con trẻ phải thăm dò sắc mặt người lớn đã trở thành chuyện cơm bữa hàng ngày. Những người làm cha mẹ cho rằng, con trẻ không có cái gọi là tôn nghiêm, và quả thật là trẻ đã bị lấy mất sự tôn nghiêm của mình. Lâu dần, cha mẹ mắng con, đánh con cũng là chuyện bình thường. Có người đã vì những nguyên nhân của tuổi ấu thơ mà phải dùng sức lực cả cuộc đời để bảo vệ sự tự tôn của mình và giãy giụa trong mâu thuẫn, một mặt ra sức duy trì sự tự tôn, mặt khác không muốn làm tổn thương đến người khác. Vì thế, tôi muốn nói với một số người làm cha mẹ rằng, nếu con bạn không có tính tự tôn, tốt nhất bạn nên hỏi bản thân mình đã làm gì để ảnh hưởng đến con?

    Cuộc sống vẫn luôn tàn khốc như vậy, có cho thì mới có nhận. Bạn sẽ nói: “Cha mẹ nào mà chẳng yêu con? Tôi cho nó ăn, mặc, tôi nuôi nó, trong lòng tôi lúc nào chẳng nghĩ đến nó”. Nhưng ngày nào bạn cũng mắng mỏ, oán trách, dạy dỗ con, bảy mươi phần trăm ngôn ngữ của bạn là những câu phủ định. Bạn trách mắng con trước mặt người khác, thậm chí còn đánh con ở chốn đông người. Nhà có khách, bạn nói luôn với khách về khuyết điểm của con, bạn đã luôn đứng ở góc độ của một người lớn mà hiểu lầm con… Tất cả những điều đó đều không phải là tình yêu.

    Yêu là gì? “Yêu là nhẫn nại, yêu là nhân hậu, yêu là không đố kỵ, không khoe khoang, không sợ hãi, không làm những việc vô lý, không mưu cầu lợi ích cho riêng bản thân mình, không nóng giận… chỉ thích tìm chân lý. Bao dung, tin tưởng, hy vọng, nhẫn nại, yêu là chờ đợi không bao giờ ngơi nghỉ”.

    Tôi thường nghĩ, nếu một người trưởng thành có thể đối đãi và hiểu con bằng tình yêu của mình, con trẻ nhất định sẽ vui vẻ, tự tin, dũng cảm và tràn đầy tình yêu. Điều quan trọng hơn cả là con trẻ có thể dựa trên tình yêu của mình để sáng tạo một thế giới và cuộc sống mới. Chúng ta từng mơ ước một cuộc sống hoàn mỹ, người với người bình đẳng, người với người hiểu nhau, không còn gián và rác, người lớn và trẻ em vui đùa trên thảm cỏ ngoài cửa nhà, các cụ già đọc sách dưới bóng mát của những tán cây, những triết gia đang đàm đạo trên ghế sofa bên cửa sổ, bên những bụi hoa thiếu nữ đang cầm tập thơ ngồi trên ghế gỗ, đám trẻ con nô đùa trên quảng trường, trong quán trà gần đấy những thi nhân đang ngồi nói chuyện… Tất cả những điều đó không hề xa vời. Nếu bạn yêu con, hãy cho con được vui vẻ. Bạn cho con một môi trường tốt đẹp, con trẻ sẽ đem đến cho bạn một tương lai xán lạn. Chúng ta gửi gắm hy vọng này vào các con là hoàn toàn đúng đắn, bởi vì “Trẻ em là cha của người lớn, trẻ em là cha của nhân loại, trẻ em là cha của văn minh”.

    [Còn tiếp]
     
  10. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    398
    Chương 10: TỪ YÊU THƯƠNG ĐẾN ĐỘC LẬP

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người lớn không độc lập và cũng không đủ sức để gánh vác gánh nặng của cuộc sống, nếu không đã không có quá nhiều người từ bỏ lý tưởng của mình ở tuổi ba mươi như vậy! Con trẻ không độc lập sẽ dễ dàng trở thành nô dịch của ngoại cảnh. Cả ngày trẻ dành để quan sát sắc mặt người khác, cẩn thận dè dặt, gò mình trong thời gian dài, con trẻ dần dần đánh mất bản sắc trở thành một chú dê con lạc đường.

    Làm mẹ rất vất vả. Bạn buộc phải dành hết tình yêu cho con, không được yêu bản thân mình, vì nhờ có tình yêu, con trẻ mới có thể lớn lên, mới có thể độc lập, sống một cuộc đời tràn đầy hạnh phúc. Yêu thương chính là tiền đề của độc lập, độc lập là kết quả của tình yêu đối với con trẻ.

    Tại sao phần đông những bà mẹ chúng ta chưa làm được điểm này? Bởi vì chúng ta cũng chưa trưởng thành, chúng ta cũng có một nhu cầu yêu và cũng đang trên con đường đi đến độc lập. Ví dụ chúng ta luôn mong những đức ông chồng trở về nhà và chăm sóc chúng ta, đặc biệt là những lúc làm xong công việc đã vô cùng mệt mỏi, trở về nhà với một núi việc nhà, con trẻ thì đang “làm loạn”, cục tức dâng lên, không biết xả đi đâu, thế là hét lên với con: “Sao con lại thế này…”. Chúng ta tức giận vô cùng. Tại sao con cái không thể lượng thứ cho chúng ta? Tại sao các ông chồng lại không an ủi vỗ về chúng ta?

    Bởi vì bản thân chúng ta cũng không độc lập. Cũng có thể phần đời trước khi có con của chúng ta cũng không phát triển bình thường. Không độc lập khiến chúng ta không có tâm sức để gánh vác gánh nặng cuộc đời, nói gì đến chuyện lạc quan đối đãi với cuộc đời này, đó là lý do tại sao phần lớn chúng ta lại từ bỏ hy vọng và lý tưởng của mình ở tuổi ba mươi. Sự phát triển về tinh thần của chúng ta và cuộc sống của chúng ta, sự phát triển tâm lý của chúng ta vốn dĩ phải là một, không được tách rời. Khổng Tử nói: “Tam thập nhi lập”. Chữ “lập” ở đây là chỉ tinh thần, chữ “lập” ở đây là chỉ sự độc lập về tâm lý và sự nghiệp. Một người ba mươi tuổi, nếu đã được phát triển đầy đủ thì có thể “độc lập” và không cần dựa dẫm vào bất cứ ai. Đây là một quá trình phát triển bình thường nhất, hoàn thiện nhất. Độc lập là sự phân biệt mang tính thực chất nhất giữa người lớn và con trẻ.

    Tình yêu khiến con người độc lập, độc lập thúc đẩy sự phát triển của tinh thần, tình yêu là cơ sở của sự phát triển trí lực. Có tình yêu, mới có sự độc lập.

    Yêu là thế nào? Đầu tiên, yêu là một trạng thái tâm lý. Tôi vẫn còn nguyên sự xúc động với sự việc bé gái “gội đầu”.

    Bố cháu là một quân nhân, một giáo viên, một người rất tốt. Bố cháu thường ngồi ở vườn nhìn con chơi, nhưng tâm trạng để tận đâu đâu, luôn luôn là như thế. Người bố này không chăm sóc được sự trưởng thành trong nội tâm của con, con của anh ấy cũng không nhận được tình yêu, chỉ thỉnh thoảng mới được bố yêu một xíu: “Lại đây, bố yêu con một tí nào”. Rồi anh ôm lấy con xoay một vòng. Tôi thì cảm thấy hình như anh ấy chẳng phải là bố, mà chỉ là anh trai của con bé.

    Chúng ta cứ nghĩ, khi chúng ta có con, chúng ta sẽ yêu con, chúng ta hy vọng đời con sẽ hơn đời bố mẹ, nhưng chúng ta không làm được. Bởi vì tuổi ấu thơ của chúng ta cũng không được phát triển tốt, những thứ không tốt đó đã ăn sâu vào tiềm thức và chúng ta lại đối xử với con cái y hệt như vậy.

    Điểm đầu tiên của việc yêu con là không được lơ là con. Yêu không phải là thỉnh thoảng quan tâm, thỉnh thoảng tâm huyết trào dâng, càng không phải thỉnh thoảng tức giận, dùng đòn roi để giải tỏa. Cho dù bạn có nói rằng bạn làm thế là vì yêu con, vì sợ con thua kém bạn bè. Tôi đã nói với rất nhiều người rằng: “Tất cả những người đánh con, mắng con, chỉ cần hỏi bố mẹ của họ, chắc chắn bố mẹ họ đã từng đánh mắng họ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đến lượt họ lại dùng cách đánh mắng với chính con cái mình, nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác”.

    Chúng ta nhìn sang những khuôn mặt ở xung quanh là biết ta. Những con người được sống trong tình yêu thì không những làm việc theo quy luật mà còn bình tĩnh, độ lượng với người khác, muốn giúp đỡ mọi người. Người lớn trẻ con đều như vậy. Còn những kẻ “trẻ con lớn tuổi” chuyên gây phiền phức, thì không phải là người lớn bình thường và cũng chưa từng là những đứa trẻ bình thường.

    Mẹ của bạn học của tôi cũng đang mắc chứng “trẻ con”. Lơ là một chút mà không để ý đến bác, bác sẽ giận, giận xong thì dỗi khiến bạn phải liên tục dỗ dành, an ủi, có khi phải đến mấy ngày mới bình thường. Tình trạng của bác ấy là tình trạng của một đứa trẻ, bác giày vò chính mình chẳng qua cũng chỉ là muốn dùng cách này để có được tình yêu và sự chú ý của bạn mà thôi.

    Có rất nhiều mẹ của các cháu trong trường tôi từng nói với tôi rằng: “Chị ơi, chồng em hay đánh con lắm, có những lúc em nói, còn cáu cả em”. Tôi nói: “Vì em không lấy chồng mà là lấy một đứa trẻ, thế nên em phải chăm sóc tốt cho cả hai đứa trẻ. Nếu không làm được như vậy, thì gia đình em sẽ không được êm ấm… Nếu em còn yêu chồng em, nếu em còn chưa muốn ly hôn, thì cách duy nhất là em phải đối xử với chồng em như đối xử với con em, để chồng em dần dần trở về đúng vị trí của mình”. Những người mẹ này thường thở dài một tiếng: “Em mệt mỏi quá rồi! Khi nào thì mới đến lúc ấy chứ?”.

    Hiện nay người ta hay nói đến bồi dưỡng thần đồng. Theo tôi, chúng ta rất khó tìm thấy những em bé bình thường. Những người làm cha mẹ đang gửi gắm những lý tưởng chưa thành hiện thực của bản thân lên con cái mình, ép con cái trưởng thành tạo ra những lớp trẻ già trước tuổi.

    Khi một con người thực sự trưởng thành, người đó sẽ thuận theo người mình yêu. Thế nào là thuận theo? Sự thăng hoa của ý chí trong tình cảm, trong cuộc sống chính là thuận theo. Chồng của Tuyết Nhi bạn tôi là một người có tâm lý phát triển tốt, anh ấy thuận theo Tuyết Nhi. Tuyết Nhi hay nổi nóng, hay nũng nịu: “Anh mua vải cho em… Anh luộc gà cho em… Anh làm cái này cho em, làm cái kia cho em…”. Chồng cô ấy đều vui vẻ làm hết. Tuổi thơ của Tuyết Nhi không hạnh phúc, sau khi kết hôn vẫn tiếp tục mười năm “tuổi thơ vàng”, cô ấy muốn làm gì chồng cô ấy cũng đồng ý, dù Tuyết Nhi nói rằng: “Em muốn đào ba tấc đất”, chồng cô ấy cũng nói: “Em cứ đào đi, anh lấy cuốc cho”. Mười năm ấy là mười năm Tuyết Nhi trở lại là chính mình. Sau đó, tại sao Tuyết Nhi lại tràn đầy nhiệt tình và nhiệt huyết đối với cách giáo dục này? Bởi vì được sống trong tình yêu thương và sự tự do, Tuyết Nhi đã trở thành một người bình thường. Khi Tuyết Nhi phát triển như một người bình thường, khi những vấn đề về tâm lý của Tuyết Nhi đã được giải quyết, cô ấy mới phát hiện ra kiếp người có nhiều đau khổ, bởi vì chẳng phải ai cũng được tốt số như cô ấy, tìm được một người thực sự yêu thương mình. Trong cuộc sống hiện thực, ai có thể chịu đựng nổi một người trưởng thành sống cuộc sống của một đứa trẻ trong mười năm trời… Tình yêu như một cánh cửa rộng lớn mở thẳng đến thiên đường, khiến cho cuộc sống của cô ấy được thay đổi, khiến cô ấy lại được là chính mình, được độc lập tự tin đối diện với cuộc sống. Cô ấy thường nói với tôi rằng: “Hôn nhân là gì? Tự do, vui vẻ, hạnh phúc và cuộc sống dường như lại bắt đầu”.

    Đương nhiên là tôi nói đã đơn giản hơn nhiều, hôn nhân hạnh phúc vô cùng phong phú, nhưng dù phong phú đến đâu cũng quy về một mối, đó là dành tặng tình yêu đến người mình yêu.

    Yêu, đầu tiên là một cảm giác, một kiểu tình cảm tinh tế, hướng về trái tim và thuộc về trái tim. Ở đó có cảm giác an toàn, cảm giác tự do, cảm giác thoải mái, cảm giác hạnh phúc, một cảm giác hoàn chỉnh, như được giải cứu. Yêu, cũng là cho đi hạnh phúc, bởi vì bạn đã được cảm nhận tình yêu, cảm nhận được cảm giác được yêu. Cho đi cũng là nội hàm của độc lập.

    Kinh nghiệm của Tuyết Nhi cho tôi một niềm tin, rằng bất cứ con người nào cũng có thể thay đổi, chỉ cần bạn tìm được một người yêu mình. Một con người được vui vẻ thì sẽ thế nào? Một đứa trẻ vui vẻ sẽ không phá phách, một người trưởng thành vui vẻ sẽ không phá hoại. Nếu tất cả chúng ta cùng vui vẻ thì sẽ không có ai phá hoại môi trường, phá hoại của cải, phát động chiến tranh. Sẽ chỉ còn những hành động mang tính xây dựng trên thế giới này.

    Sự phát triển của nhân loại chỉ dựa trên một nguyên tắc, đó là tình yêu. Chân lý lớn nhất, cao quý nhất trên thế giới này chính là tình yêu. Tội ác lớn nhất trên thế giới này chính là không có tình yêu và không được phát triển bình thường.

    Đường Hà, mẹ của một cậu bé, sau khi nghe nói chuyện về phương pháp giáo dục Montessori đã thay đổi 180o trong cách dạy con. Hôm đó, cậu bé dè dặt nói: “Mẹ ơi, con muốn...”. Đường Hà nói: “Con muốn đi chơi hả, mẹ biết rồi, hôm nay con muốn đi chơi đến lúc nào thì đi”. Đứa trẻ nói: “Thế buổi tối con về muộn một lúc được không ạ?”. “Được chứ, con không về cũng không sao?”. Lúc đó đứa bé 12 tuổi, cậu bé nói: “Có thể như thế ạ?”. Cậu bé rất vui mừng. Buổi tối cậu bé ngồi dưới nhà, đến tận mười hai giờ mới lên. Thấy vậy, Đường Hà đã nói rằng: “Tôi đã biết lần đầu tiên con trai tôi cảm thấy vui mừng là như thế nào?”. Tất nhiên là cô ấy cũng có chút nói quá lên, một đứa trẻ thì phải trở về nhà. Sau đó, cậu bé cũng thay đổi rất nhiều. Cứ nghĩ đến trước đó, Đường Hà lại khóc: “Tôi đã bạc đãi con tôi mười hai năm...”. Tôi an ủi cô ấy rằng: “Cô giỏi lắm, cô đã thay đổi hoàn toàn, vẫn còn kịp mà. Con trai cô sẽ dần dần trở về quỹ đạo phát triển bình thường tự nhiên của cháu”.

    Quỹ đạo phát triển này cần có một điều kiện: Đứa trẻ ấy phải có tự do của bản thân, đó là sự tự do về tâm hồn. Ví dụ nguyện vọng lúc đó của cháu là nghịch nước, đó là nhu cầu phát triển ở thời điểm đó của cháu, nhưng trong suy nghĩ của cháu là bác trông trẻ không cho nghịch nước. Montessori đã kể một câu chuyện: Một đứa trẻ đến nhà bà ngoại chơi, cô bé muốn mở vòi nước ở sân cỏ, muốn nghịch nước, nhưng lại sợ, lại do dự. Bà ngoại nói: “Cháu cứ mở vòi nước đi”. Nhưng đứa trẻ nói: “Không, cháu không mở vòi nước đâu, bởi vì bác trông trẻ bảo không được nghịch nước”. Bà ngoại nói: “Bác trông trẻ không có ở đây, bà cho cháu chơi”. Cô bé nói: “Không, thế không được”. Cũng có nghĩa là ở sự việc này, cô bé đã trở thành nô lệ của bác trông trẻ, nhân cách của cô đã đang bị người khác dần dần thay thế.

    Sau này cô bé sẽ thế nào? Nếu cô bé cứ bị đè nén thế này - tự mình đè nén mình, thì sự phát triển nhân cách và sự phát triển năng lực của bé sẽ gặp phải một trở ngại lớn. Sự đè nén ấy chắc chắn là những hành vi liên tục chứ không hề ngẫu nhiên.

    Rất nhiều những người làm cha mẹ nói rằng: “Tôi đã đè nén con tôi quá lâu rồi, vậy phải làm thế nào?”. Các bạn đừng lo, bởi vì cả trạng thái của con người chia thành hai mặt tích cực và tiêu cực, chỉ cần mặt tích cực chiếm thế chủ đạo, sự phát triển của trẻ sẽ không gặp phải vấn đề gì to tát. Nhưng, khi mặt tiêu cực chiếm thế chủ đạo, nhân cách của trẻ sẽ dần dần bị thay đổi, trẻ sẽ không được phát triển theo trạng thái vốn có của mình, con trẻ không độc lập và càng không trưởng thành độc lập. Cũng giống như Montesseri đã nói: “Ai không thể độc lập, người đó không có tự do”. Lúc này, tự do đã trở thành một phẩm chất đáng quý.

    [Còn nữa]
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...