Ý Nghĩa Và Sắm Lễ Cúng Giao Thừa Giao thừa là thời khắc mà Trời Đất giao hòa, Âm Dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Đối với người Việt Nam phút giao thừa thật thiêng liêng và trang trọng. Lễ Trừ Tịch (lễ cúng giao thừa) được cử hành đúng vào lúc giao thừa (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý mở đầu ngày Mồng Một Tết). Theo phong tục của người Việt Nam từ cổ xưa, tại thời điểm giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà. A. Ý Nghĩa Và Sắm Lễ Cúng Giao Thừa Ngoài Trời Ý nghĩa : Người xưa tin rằng mỗi năm có một vị Hành Khiển trông coi việc nhân gian, hết năm thì vị thần năm cũ lại bàn giao công việc cho vị thần năm mới, nên phải cúng giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới. Có 12 vị Hành Khiển và 12 Phán Quan (Phán Quan là vị thần giúp việc cho các vị Hành Khiển). Mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại. Vương hiệu của vị Hành Khiển và Phán Quan năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào Phán Quan. Sắm lễ: Lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm: Hương, hoa, đèn nến, trầu cau, quần áo, mũ Thần Linh và mâm lễ mặn với thủ lơnn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng.. Tất cả được bày lên trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Mâm lễ cúng giao thừa phải được chuẩn bị chu đáo, trang trọng với lòng thành kính. Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án. Văn khấn có thể viết vào giấy để đọc, sau khi hết 3 tuần hương thì hóa tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng. Cách cầu khấn bạn có thể tham khảo bài viết sau: Văn Khấn Giao Thừa: Trong Nhà Và Ngoài Trời B. Ý Nghĩa và Sắm Lễ Cúng Giao Thừa Trong Nhà Ý nghĩa: Lễ cúng giao thừa được cử hành đúng thời khắc giao thừa, kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Cúng giao thừa là một nghi lễ thành kính và trang trọng, toàn thể thành viên trong gia đình đứng trước bàn thờ gia tiên cầu khấn cho một năm mới được mạnh khỏe, vạn sự may mắn, tốt lành. Sắm lễ: Lễ vật trong lễ cúng giao thừa gồm: - Hương hoa, vàng mã; - Đèn nến; - Trầu cau; - Rượu; - Bánh kẹo; - Mâm cỗ mặn ngày Tết đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết. Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ thì đốt nến (đèn), thắp nén hương thơm và thành kính cầu khấn. Cách cầu khấn bạn có thể tham khảo bài viết sau: Văn Khấn Giao Thừa: Trong Nhà Và Ngoài Trời Ngày mồng Một Tết, chúng ta sẽ làm lễ khấn dịp Tết Nguyên Đán. Lễ khấn tổ tiên. Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Văn Khấn Tổ Tiên Ngày Mồng Một Tết Nguồn: Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam - Thượng Tọa Thích Thanh Duệ