Ý nghĩa tên đường, địa danh ở sài gòn

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Admin, 2 Tháng sáu 2020.

  1. Admin Nothing to lose.. your love to win..

    Bài viết:
    4,112
    Cách đặt tên đường ở Sài Gòn trước 1975 rất hay, rất có dụng ý rất có ý nghĩa. Người đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý bạn sẽ thấy cả một chiều dài văn minh 4000 năm lịch sử của nước Việt trên từng bước chân.

    Tên đường ở Sài Gòn, lịch sử các con đường ở Sài Gòn, tên đường Sài Gòn thời pháp


    [​IMG]

    Gò Vấp:


    Nguyên là vùng đất cao có trồng nhiều cây vắp. Loại cây này thân gỗ rất cứng thuộc họ măng cụt, hiện vẫn trồng nhiều nơi tại TP.HCM như khuôn viên vườn Tao Đàn, khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, sau này người dân đọc chệch đi thành Gò Vấp.


    Hóc Môn:

    Chữ hóc là âm cổ của hói, chỉ dòng nước nhỏ, môn là cây môn nước, hàm nghĩa là dòng nước nhỏ có nhiều cây môn mọc quanh.


    Tên Các Con Đường Bắt Đầu Bằng Ông Hoặc Bà:


    Người Sài Gòn xưa hay đặt cho con rạch, chiếc cầu, một địa danh, một con đường, con hẻm một cái tên hoặc bà hoặc ông trước là dễ nhớ, sau là ghi lại công tích của người đó góp cho dân trong vùng.

    Ví dụ: đường Bà Lài - Q6, Bà Quẹo - Tân Bình, Bà Ký.. Ông Lãnh, Ông Tố..


    Đường Văn Thánh - Bình Thạnh:


    Thời xưa tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt cho xây miếu Văn Thánh là miếu thờ ông Thánh về văn hóa tức Khổng Tử để khuyến khích việc học hành.


    Đường Nhiêu Tứ - Phú Nhuận:


    Trước là đường hẻm, vì bên đường có nhà ông Nhiêu Tứ, nên dân chúng quen gọi đường Nhiêu Tứ.


    Đường Nguyễn Văn Đậu - Bình Thạnh:


    Ông là vị linh mục được người dân yêu mến và kính nể vì nhiều việc làm giúp đỡ dân chúng. Ông mất năm 2001. Thời Pháp thuộc đây là đường làng số 20. Ngày 8-2-1955 đặt tên đường Ngô Tùng Châu. Ngày 4-4-1985 đổi là đường Nguyễn Văn Đậu cho đến nay.


    Đường Alexandre de Rhodes - Q.1:

    Alexandre de Rhodes là tên thật của Linh mục Đắc Lộ - tên tiếng việt do ông tự chọn, một nhà truyền giáo và nhà ngôn ngữ học. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La - quyển từ điển quốc ngữ lâu đời nhất mà hiện nay còn giữ lại được, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.

    Việt Nam có thể coi là quê hương thứ hai của Alexandre de Rhodes, nhưng cuộc đời truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến sáu lần. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội cho phép. Năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam và mất 15 năm sau đó tại Ba Tư.

    Đường Alexandre de Rhodes là một trong các đường xưa nhất Sài Gòn. Thời Pháp thuộc có tên là đường Paracels - Hoàng Sa, đến ngày 16-10-1871 đổi lại là đường Colombert. Từ ngày 22-3-1955 đổi là đường Alexandre de Rhodes. Đến ngày 4-4-1985 thành phố đổi là đường Thái Văn Lung. Sau này lấy lại tên Alexandre de Rhodes thành tên chính thức.


    Đường Bùi Thị Xuân - Q.1:

    Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, là vợ Thái phó Trần Quang Diệu và là một Đô đốc của vương triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Đường này có từ thời Pháp thuộc, ngày 12-2-1914 đặt tên là đường Duranton. Sau năm 1954, đổi tên là Bùi Thị Xuân.


    Đường Bùi Viện - Q.1:

    Bùi Viện, hiệu Mạnh Dực, là một nhà cải cách, nhà ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ 19, làm quan dưới triều nhà Nguyễn, người có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra Tuần dương quân - lực lượng hải quân thường trực gồm 200 chiến thuyền và 2.000 quân thủy thiện chiến. Ông là người đã đáp tàu sang Nhật Bản để qua Mỹ tìm đồng minh chống lại thực dân Pháp và đã được tổng thống Hoa Kỳ Ulysses Grant đồng ý nhưng ông không mang theo quốc thư nên không thể có 1 cam kết chính thức. Sau này ông quay về VN có được thư ủy nhiệm của vua Tự Đức và quay trở lại Mỹ đàm phán thì lúc đó Pháp và Mỹ lại trở thành đồng minh nên ông bị từ chối. Ông về nước và chẳng bao lâu thì mất đột ngột khi chưa đầy 40 tuổi.

    Đường Bùi Viện trước đây là đường mòn làng Tân Hòa từ trước năm 1949, ngày 20-1-1950 chính quyền Bảo Đại đặt tên là đường Bảo Hộ Thọai. Đến ngày 6-10-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi là đường Bùi Viện.


    Đường Calmette - Q.1:

    Léon Charles Albert Calmette (12 tháng 7 năm 1863 – 29 tháng 10 năm 1933) là một bác sĩ, một nhà vi khuẩn học, miễn dịch học người Pháp và là một thành viên quan trọng của viện Pasteur (tiếng Pháp: Institut Pasteur). Ông nổi tiếng nhờ công trình nghiên cứu vắc xin chống bệnh lao.

    Đường này ban đầu mang số 32. Từ ngày 14-5-1877, chính quyền thuộc địa Pháp lấy tên là đường Bourdais, đến ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên là đường Calmette.


    Đường Mã Lộ - Q.1:


    Thủa xưa khi phương tiện di chuyển chính của Sài Gòn là xe ngựa, các phu xe sau khi xuống hàng và khách thì cho xe và ngựa tập trung ở đoạn đường này, lấy cỏ cho ngựa ăn, chờ tan chợ lại đón khách và hàng trở về. Do đó, người ta gọi là đường Mã Lộ - đường của ngựa. Đường này nhỏ nhưng thuộc loại rất xưa của vùng Sài Gòn, có từ khi xây cất chợ Tân Định năm 1928. Thời Pháp thuộc gọi là đường Lê Văn Duyệt. Từ ngày 16-10-1955 đổi là đường Mã Lộ cho đến nay.


    Đường Cao Bá Nhạ - Q.1:

    Cao Bá Nhạ là cháu của Cao Bá Quát và là một người giỏi văn chương. Năm 1855, sau khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do Cao Bá Quát lãnh đạo thất bại, dòng họ Cao chịu hình phạt tru di tam tộc, ông phải cải dạng đổi tên chạy trốn khắp nơi. Cuối cùng, ông ẩn cư ở vùng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông kiếm sống bằng nghề dạy học. Ở đây, ông lấy vợ sinh con, nhưng chỉ sống yên ấm được khoảng tám năm thì bị tố giác và bị bắt. Trong ngục, Cao Bá Nhạ viết một bài biểu trần tình và một khúc ngâm trình lên nhà cầm quyền để tự minh oan cho mình, nhưng vẫn bị triều đình Huế đày lên Quảng Bình và rồi chết ở đấy.

    Đường Cao Bá Nhạ này trước năm 1919 là một hẻm nhỏ có tên là đường Abattoire de Cầu Kho. Từ năm 1920 đổi tên là đường Le Man. Sau năm 1954 gọi là đường Cao Bá Nhạ cho đến ngày nay.


    Đường Cô Giang - Q.1:

    Cô Giang là tên gọi khác bà Nguyễn Thị Giang, nhà cách mạng người Việt chống thực dân Pháp và là hôn thê của Nguyễn Thái Học - lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bà là tổng thư ký của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nguyễn Thái Học đã tặng cho bà khẩu súng và bà đã nói: "Nếu Học chẳng may chết vì nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!"

    Khi chồng bị bắt, bà đã lên kế hoạch tấn công nhà tù Hoả Lò để giải cứu chồng cùng em gái bà là Cô Bắc và những người khác nhưng chưa kịp thực hiện thì Nguyễn Thái Học đã bị xử chém. Bà đã tự sát bằng chính khẩu súng của chồng tặng ngay sau đó. Nghe tin Cô Giang tự sát, quân Pháp lập tức có mặt để nhận dạng. Biết đúng là cô, họ liền ra lệnh chôn, rồi đặt điếm canh để không ai được đến thắp hương. Tuy nhiên, theo Lê Minh Quốc, thì "trên mồ của người nữ cách mạng này bao giờ cũng có những bông hoa đỏ thắm".


    Đường Cô Bắc - Q.1:

    Cô Bắc tên thật là Nguyễn Thị Bắc là em gái của Cô Giang. Bà là một trong những nhà lãnh đạo của khởi nghĩa Yên Bái. Chính bà đã cùng một số phụ nữ khác đưa bom từ làng Xuân Lũng (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) lên tàu lửa đi Yên Bái để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa tháng 2 năm 1930. Khởi nghĩa Yên Bái bất thành, bà cùng các đồng chí bị bắt và bị đưa ra trước Hội đồng đề hình xét xử ngày 28 tháng 3 năm 1930 tại Yên Bái và bị kết án 5 năm cấm cố. Trước Hội đồng đề hình, bà tuyên bố: ''Các người hãy về ngay nước Pháp mà kéo đổ tượng Jeanne d'Arc đi thôi!"

    Trước năm 1920 đường Cô Bắc chỉ là một đường đất, lúc đầu mang tên là đường số 9. Từ ngày 23-1-1943 chính quyền thuộc địa Pháp gọi là đường Monseigneur Dumortier. Sau ngày 22-3-2955 đổi tên mới gọi là đường Cô Bắc.


    Đường Cống Quỳnh - Q.1:

    Nguyễn Quỳnh là một danh sĩ thời vua Lê Hiển Tông, từng thi đỗ Hương Cống nên còn gọi là Cống Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.

    Đường Cống Quỳnh có từ thời Pháp thuộc, lúc đầu hợp với đường Hùynh Quang Tiên cũ thành một đường gọi là Blancsubé Cầu Kho. Ngày 26-4-1920 tách ra đoạn hiện nay gọi là đường D'Arras. Từ ngày 22-3-1955 đổi tên là đường Cống Quỳnh như hiện nay.


    Đường Kha Vạn Cân:

    Viết chệch từ Kha Vạng Cân. Ông là kỹ sư nổi tiếng. Nguyên Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, còn là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của miền Nam, từng tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động cách mạng từ trước năm 1945.


    Đường Ký Con - Q.1:

    Bí danh của Đoàn Trần Nghiệp, nhà cách mạng Việt Nam, một trong những lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân đảng. Người tổ chức đội cảm tử ném bom tại năm điểm ở Hà Nội và cuối cùng bị thực dân Pháp chém đầu tại nhà tù Hoả Lò. Đường này thuộc loại xưa nhất vùng Sài Gòn, thời Pháp thuộc lúc đầu mang tên đường số 34. Từ ngày 14-5-1877, đổi tên là đường Marchaise. Ngày 22-3-1955 đổi là đường Ký Con cho đến nay.


    Đường Bà Lài - Quận 6:


    Bà Lài vốn là tên của một người phụ nữ sống ở ngoại ô Chợ Lớn xưa. Bà mở một quán hàng hàng ở vùng quận 5. Khi người Pháp lập thành phố Chợ Lớn, đường chạy qua quán của bà được lấy theo tên bà. Tuy nhiên, khi bà dời xuống quận 6 buôn bán, người ta chuyển tên đường Bà Lài từ quận 5 xuống quận 6 cho phù hợp với thực tế.


    Đường Ký Thủ Ôn - Q.8:


    Lấy tên một người Hoa thường gọi: Ký Thông. Ông tham gia kháng chiến, hoạt động bí mật trong chính quyền Sài Gòn, giả vờ hợp tác với Ngô Đình Diệm và tử trận trong khi giao chiến với quân Bình Xuyên.


    Đường Nam Quốc Cang - Q.1:

    Nam Quốc Cang tên thật Nguyễn Văn Sinh, là nhà báo cách mạng chủ bút của nhiều tờ báo nổi tiếng được độc giả yêu thích và là quản lý tờ báo Dân Quý thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1950 ông bị ám sát cùng với 1 nhà báo khác tại cổng toà soạn tờ báo Dân Quý. Cái chết của hai nhà báo đã gây chấn động giới báo chí và công chúng Sài Gòn. Đám tang của ông được tổ chức vào ngày 9 tháng 5, đã thu hút hàng vạn dân chúng Sài Gòn tham dự.

    Đường Nam Quốc Cang trước đây mang tên đường Lucien Lacouture. Từ ngày 19-10-1955 đổi là đường Đặng Đức Siêu. Ngày 4-4-1985 đổi là đường Nam Quốc Cang.


    Đường Sương Nguyệt Ánh:

    Nguyệt Anh là con gái thứ 5 của cụ Nguyễn Đình Chiểu, có sắc đẹp và tài làm thơ. Đến sau ngày chồng qua đời bà thêm chữ Sương tức "người đàn bà góa chồng" đứng trước để thành biệt hiệu Sương Nguyệt Anh. Bà làm chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản ở Sài Gòn năm 1918 là tờ Nữ giới chung - tiếng chuông của giới nữ. Nhưng người dân hay nhầm thành Sương Nguyệt Ánh.


    Bến Dược:


    Vùng này khi xưa chuyên trồng cây thuốc Nam. Sau này người ta tìm được địa danh xóm Bà Dược. Dược là tên một người phụ nữ, và cái bến tại xóm này có thể ban đầu được gọi là bến Bà Dược sau gọi tắt thành Bến Dược.


    Đường Bờ Bao Tân Thắng - Quận Tân Phú:


    Trước đây có trại bò Tân Thắng rất lớn ở đó và con đường này chạy vòng quanh trại bò nên người dân thường gọi là đường bờ bao Tân Thắng.


    Đường Kênh Nước Đen - Quận Bình Tân:


    Con đường này trước đây một dòng kênh dài, nước dơ và thường bốc mùi rất khó chịu. Sau này một phần kênh đã được san lấp và trồng cây xanh và đặt tên đường là đường Kênh Nước Đen.


    Ngã Tư Bảy Hiền - Quận Tân Bình:

    Bảy Hiền tên thật là Trần Văn Hiền, một đại điền chủ giàu có. Đất đai của ông trải rộng khắp khu vực Trường Chinh, Cộng Hòa, Bàu Cát.. ngày nay. Bảy Hiền giàu có nhưng không khoa trương và hay chia sẻ giúp đỡ người nghèo. Một lần, nhân dân miền Nam lâm cảnh đói kém vì mất mùa, ông Bảy Hiền đăng báo sẽ bố thí tiền xu, lúa gạo cho bà con Sài Gòn - Gia Định trong một tuần lễ. Dân chúng nhiều địa phương khác nghe tin đều lặn lội tìm đến.

    Tiếng lành đồn ra, mọi người truyền tai nhau về một người đàn ông nhân đức hay "phát chẩn", giúp người nghèo. Hàng nghìn người tìm đến và ông Bảy đều ra tay cứu giúp. Dần dà, khu vực ngã tư - nơi có nhà của ông - được người dân đặt là ngã tư Bảy Hiền, theo tên người đàn ông nhân đức. Khi chết, ông được chôn cất tại khu vực Lăng Cha Cả cùng vợ mình. Sau này, khu vực nghĩa trang bị giải tỏa, người nhà ông Bảy Hiền có lấy hài cốt đưa về thờ tại chùa Vạn Thọ trên đường Nguyễn Văn Nguyễn - phường Tân Định, quận 1.


    Đường Mẫu Giáo Nghĩa Địa - Quận Tân Bình:


    Trên đường có rất nhiều nhà mẫu giáo giữ trẻ nằm gần khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa.


    Đường Điện Cao Thế - Quận Tân Phú:

    Từ Tân Sơn Nhì nối dài đến Trương Vĩnh Ký ở quận Tân Phú, vì người dân thấy có đường điện cao thế chạy qua nên gọi đường này là đường Điện Cao Thế.


    Ngã tư Hàng Xanh:


    Ngã tư Hàng Xanh - Hàng Xanh Chữ Xanh phải viết là Sanh mới đúng. Sanh là tên một loại cây lớn có họ hàng với cây đa, cây đề, cây si... (họ Ficus). Xưa trên con đường đi từ đường Thiên Lý (đường Cái Quan), chổ gần cầu Sơn, đi băng qua rạch Cầu Bông đến lăng Ông - Bà Chiểu, hai bên đường có trồng hàng cây Sanh, do vậy đường có tên là Hàng Sanh, nay là đường Bạch Đằng. Theo một số tư liệu mang tính cá nhân thì đến khoảng thập niên 40 vẫn còn cây này ở ven đường. Trên Bản đồ đô thành Sài Gòn năm 1962 thì đoạn đầu của đường Bạch Đằng vẫn còn ghi tên là đường Hàng Sanh. Vậy sự sai lệch từ Xanh thành Sanh cũng mới đâu đây thôi, không quá xa lắm. b) Ngã Tư Ngã tư này chỉ xuất hiện sau khi có xa lộ Biên Hòa (xa lộ Hà Nội ngày nay) cắt ngang đường Cái Quan cũ, đó khoảng thời gian đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Đây là một giao lộ đồng mức thuộc loại hiện đại nhất thời ấy, với hệ thống dải phân cách, phân luồng và đèn tín hiệu giao thông vẫn còn sử dụng tốt cho đến tận 1995. Địa danh mang tên cây tại Sài Gòn xưa Sài Gòn xưa là rừng, đến giữa thế kỷ XX vẫn còn nhiều vết tích. Còn tồn tại đến tận bây giờ trong tâm trí người Sài Gòn qua những địa danh mang tên các loài cây, như : cây Vắp, cây Củ Chi, cây Sanh, cây Quéo, cây Thị, cây Da Sà, cây Sơn (có cầu Sơn gần ngã tư Hàng Sanh), cây Gõ, cây Xoay, cây Gòn.


    Ngã Năm Chuồng Chó:


    Thời Pháp thuộc, vùng này gọi là Ngã Năm Hàng Điệp.

    Lúc đó, ở đây dọc năm bên đường chéo nhau của khu vực có trồng mấy hàng cây Điệp rất lớn và đẹp. Sau đó lực lương quân sự Pháp Việt phối hợp nhau thành lập ở vùng này một trường Quân Khuyển. Trường huấn luyện chó làm tình báo và đánh giặc. Kể từ đó, người dân trong vùng gọi nơi đây bằng địa danh "Ngã Năm Chuồng Chó"

    Hiện nay tên gọi đó vẫn lưu truyền và còn được gọi là Ngã 6 Gò Vấp..


    Vòng xoay Lăng Cha Cả:


    Trước đây là khu lăng mộ rộng hơn 2.000 m2, nơi chôn cất và thờ cúng giám mục Bá Đa Lộc, người xưa gọi là "Cha Cả". Ông quốc tịch Pháp, sinh năm 1741, tên là Pierre Pigneaux. Sau khi được sắc phong linh mục năm 1765, ông qua Việt Nam truyền giáo và phò tá Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng mười hai 2019
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...