Ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài.
    [​IMG]

    Dấu ấn của một tác phẩm văn học thường được xem xét trên cả hai phương diện, nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là quá trình sáng tạo của nhà văn khi chuyển tải nội dung - tư tưởng thành những hình tượng nghệ thuật sống động, để lại những "ám ảnh" sâu sắc trong lòng người đọc. Một trong những yếu tố góp phần làm nên điều đó chính là việc xây dựng nên những chi tiết tiêu biểu có sức chứa lớn... Trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài, có thể xem chi tiết chi tiết tiếng sáo gọi bạn tình là một chi tiết đặc sắc như thế.

    Chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Chi tiết nghệ thuật sẽ góp phần tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuôn và dấu ấn sâu đậm của tác phẩm trong lòng độc giả.

    Chi tiết tiếng sáo nằm ở phần giữa tác phẩm, là một trong ba tác nhân tác động đến sự hồi sinh tâm hồn Mị (không khí mùa xuân, tiếng sáo và men rượu), trong ba tác nhân này thì tiếng sáo được miêu tả một cách công phu nhất. Tiếng sáo được miêu tả từ xa đến gần, với những cung bậc khác nhau: khi tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, khi tiếng sáo văng vẳng gọi bạn đầu làng, khi tiếng sáo lửng lơ bay ngoài đường, khi lại rập rờn trong đầu Mị , khi thì thâm nhập vào thế giới nội tâm, trở thành thôi thúc bên trong nhân vật "tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi".

    Vậy vì sao, chi tiết tiếng sáo lại được miêu tả chi tiết và trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm như vậy? Phải chăng, tiếng sáo mùa xuân không chỉ rất quen thuộc, gần gũi, là là linh hồn của đời sống tinh thần vùng Tây Bắc mà tiếng sáo còn là biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc? Ngày xưa, Mị thổi sáo giỏi, bao nhiêu người say mê tiếng sáo của cô, đi theo cô hết núi này sang núi khác. Vì thế cho nên tiếng sáo của hiện tại đã khiến Mị nhớ đến tiếng sáo của ngày xưa.

    Tiếng sáo không đơn thuần là tiếng sáo của ngoại cảnh, góp phần tạo nên không khí mùa xuân, mà qua sự thể hiện của nhà văn, tiếng sáo trở thành một sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhằm khám phá, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

    Mị vốn là cô gái xinh đẹp, hồn nhiên, yêu đời, tuổi xuân phơi phới. Vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ, Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra. Những khổ đau ở nhà thống lí đã biến Mị từ cô gái hồn nhiên yêu đời thành người đàn bà bị tước linh hồn, sống vô cảm không hạnh phúc, không tương lai, lúc nào cũng " lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa".

    Ta tưởng khát vọng sống của Mị đã tàn lụi và chết hẳn. Thế nhưng không! Ngọn lửa tình yêu cuộc sống, khát vọng về hạnh phúc tự do vẫn âm ỉ cháy trong sâu thẳm tâm hồn Mị. Khi có điều kiện thuận lợi,ngọn lửa đó đã được khơi dậy và bùng lên. Và chính tiếng sáo gọi bạn tình mùa xuân đó đã khơi dậy khát vọng sống bấy lâu nay bị vùi lấp trong cay đắng và tủi hận nơi Mị.

    Khi nghe đầu núi lấp ló có tiếng sáo rủ bạn đi chơi, "Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi". Tiếng sáo thiết tha bổi hổi hay lòng Mị đang thiết tha bổi hổi, có lẽ là cả hai. Vậy là tâm hồn Mị khi bắt gặp tiếng sáo, đã trượt ra khỏi trạng thái vô cảm thường ngày, đã bắt đầu cựa quậy, đã bắt đầu biết cảm nhận, đã xúc động, đã sống lại. Đây là trạng thái cảm xúc lần đầu tiên xuất hiện ở Mị kể từ khi về làm dâu nhà thống lí. Cảm xúc trở về, Mị ngồi "nhẩm thầm bài hát của người thổi sáo", Mị đang sống với tâm trạng yêu đương trong những bài hát – đây chẳng phải là lần đầu tiên người con dâu gạt nợ đó thầm hát hay sao? Tiếng hát chính là biểu hiện của một tâm hồn đang vui trở lại, và tâm hồn của Mị đúng là đang vui trở lại, Mị đang hòa lòng mình vào không khí mùa xuân tuổi trẻ của những cuộc chơi đánh pao, đánh quay. Vậy là sự quan sát của Mị đã đổi hướng, không còn quanh quẩn với những việc lặp đi lặp lại như cái máy, mà Mị đã hướng đến không khí rộn rã của mùa xuân tươi đẹp ngoài kia.

    Tiếng sáo mùa xuân lần nữa xuất hiện , từ ngoài "đầu núi" xã xôi, giờ đây đã vọng lại gần hơn: "tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng". Chính tiếng sáo gọi bạn tình ấy đã trở thành sợi dây vô hình kết nối quá khứ với hiện tại, Mị nhớ lại tuổi trẻ đầy say mê của mình "... ngày xưa, Mị thổi sáo giỏi... bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Như vậy , tiếng sáo dập dìu thiết tha gọi ai đầu làng đã đánh thức cả một miền hồi ức, kỷ niệm ùa về tươi rói. Chẳng phải, ý thức về thời gian đã sống dậy trong Mị đó sao? Nếu trước kia, Mị sống không hề có ý niệm về thời gian, làm dâu nhà thống lí bao năm, Mị cũng không nhớ, thì bây giờ, Mị đã nhớ về quá khưa xa xôi của mình. Giống như Chí Phèo khi thức tỉnh lương tri, cũng bồi hồi nhớ lại quá khứ lương thiện của mình vậy!

    Mị "từ từ bước vào buồng" với tâm trạng "thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước". Mị được thức tỉnh, tự ý thức là mình "trẻ lắm", "vẫn còn trẻ".Ý thức về tuổi trẻ chính là ý thức về tình yêu và hạnh phúc. Bấy lâu, ý thức ấy bị vùi lấp trong đau khổ, tuyệt vọng, nay chợt sống dậy làm bừng sáng tâm hồn Mị. Và từ ý thức đến ý muốn, một ý muốn bình thường với bao người, nhưng lại khác thường với Mị: "Mị muốn đi chơi". Đây dường như là ý muốn "nổi loạn " đầu tiên của mị, vì từ trước tới nay, Mị đâu có muốn vậy?

    Khát vọng sống như ngọn lửa bừng cháy bao nhiêu Mị lại phẫn uất bấy nhiêu! Phẫn uất và đau khổ cho thân phận và số phận trớ trêu đầy bi kịch. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. A Sử với Mị "không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!". Không thể cam chịu mãi kiếp con dâu gạt nợ. Mị muốn ăn lá ngón cho chết ngay! Uất ức, nước mắt Mị ứa ra, khi tiếng sáo gọi bạn yêu "vẫn lửng lơ bay ngoài đường". Tâm hồn Mị diễn biến phức tạp trong quá trình thức tỉnh, nổi loạn. Mị đang sống trong nghịch lí giữa thân phận con dâu gạt nợ và niềm phơi phới muốn đi chơi Tết. Liệu Mị có dám phá tung và cắt đứt sợi dây oan nghiệt đang thít chặt lấy số phận, thân phận mình để đến với những cuộc chơi cùng với tiếng sáo gọi bạn yêu?

    Mị đã hành động. Mị xắn thêm miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Quấn lại tóc. Với tay lấy cái váy hoa. Rút thêm cái áo. Khi thêm mỡ vào đĩa đèn, Mị như muốn thắp sáng không gian bấy lâu chìm trong tăm tối của mình, còn khi quấn lại tóc, rút cái váy,, với tay lấy cái áo hoa... Mị như sống dậy ý thức làm đẹp của người phụ nữ. Lúc này, Mị như chỉ sống, biết sống cho riêng mình, nên ngay cả khi A Sử nhìn Mị, Mị "cũng không nói" hay không thèm nói? Hàng loạt hành động "nổi loạn" của Mị diễn ra liên tiếp khi tiếng sáo đang "rập rờn" trong đầu Mị, thâm nhập vào thế giới tâm hồn và trở thành tiếng gọi của lòng yêu sống thiết tha. Tiếng sáo gọi bạn tình như đem đến cho Mị một sức mạnh mới, khơi gợi lòng khao khát yêu đương và hạnh phúc.

    Tiếc thay, sự phản kháng của Mị phải trả giá nặng nề. Chỉ sau một câu hỏi: "Mày muốn đi chơi à?", thằng A Sử độc ác đã trói Mị vào cột nhà bằng một thúng sợi đay. Hai tay Mị bị trói bằng dây thắt lưng, tóc Mị bị quấn lên cột, Mị "không cúi, không nghiêng được đầu nữa". Thể hiện diễn biến tâm trạng và hành động Mị trong cảnh Mị bị trói trong đêm tình mùa xuân, ngòi bút nghệ thuật của Tô Hoài tưởng như đã "nhập hồn" vào nhân vật. Trong bóng tối, Mị "đứng im lặng". Hơi rượu còn "nồng nàn" như nâng đỡ tâm hồn Mị. Quên đau khổ, đau đớn thực tại, Mị "vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi". Mị vùng bước đi, lòng "bồi hồi" theo tiếng sáo: "Em không yêu quả pao rơi rồi - Em yêu người nào, em bắt pao nào..." – tiếng sáo vẫn bám riết tâm hồn Mị. Suốt đêm, Mị chỉ còn nghe tiếng sáo. Tiếng sáo trở thành điểm tựa nâng đỡ tâm hồn Mị: "Mị nín khóc, Mị lại thiết tha bồi hồi". Dây trói của cường quyền có thể trói thể xác Mị, nhưng không thể trói được tâm hồn đang phơi phới hồi sinh trong Mị.

    Như vậy, tiếng sáo mùa xuân gọi bạn tình có thể nói là chi tiết đắc sắc góp phần thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Mị và khắc họa rõ nét chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Với chi tiết này, nhà văn như đã mang đến cho Mị một ngọn lửa ấm làm tan chảy tâm hồn băng giá bấy lâu trong Mị, hồi sinh sống động những cảm xúc, những nhận thức rất con người ở Mị. Từ đó, nhà văn như muốn khẳng định rằng: dù có bị vùi dập đến nhầu nát, tê dại trong đau khổ và tuyệt vọng, thì thẳm sâu trong tâm hồn những con người khốn khổ kia là khát vọng sống, khát vọng tình yêu và khát vọng tự do cháy bỏng vẫn âm ỉ cháy, bền bỉ sống... không gì dập tắt được. Đây chính là chiều sâu giá trị nhân văn của "Vợ chồng A Phủ" mà tác giả gửi gắm ít nhiều qua chi tiết tiếng sáo.

    Ngoài ý nghĩa về phương diện nội dung, tiếng sáo gọi bạn tình còn góp phần tạo nên phong vị miền núi Tây Bắc, tạo nên chất thơ, chất lãng mạn cho trang văn Tô Hoài. Từ đó, người đọc thêm cảm phục hơn sự am tường, tinh thông về phong tục, lối sống của đồng bào rẻo cao của nhà văn cũng như thêm yêu quý hơn ngòi bút tài hoa, bay bổng, vừa hiện thực vừa đậm chất lãng mạn của ông.


     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng ba 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...