Cho đến mãi về sau này con thiên nga tội nghiệp vẫn không hiểu lý do vì sao mà nỗi bất hạnh lại rơi xuống đầu mình. "Sao mọi người cứ xua đuổi và đánh mình như thế nhỉ. Mình có làm gì xấu đâu!". Nó vừa đau, vừa tủi thân vừa không hiểu. Ở lại chỉ làm mẹ buồn, nó lẻn ra đi. Trước khi lên đường, nó ngoảnh lại thì thầm chào mẹ và các anh các chị, nước mắt lã chã tuôn trào. Con xin phép mẹ con đi, con xin tạm biệt mẹ, tạm biệt các anh các chị. Mẹ đã khổ, con ở lại chỉ làm mẹ khổ hơn. Nỗi bất hạnh bắt đầu từ khi nó chỉ là một cái trứng. "Lỗi" của cái trứng là đã to bất thường, khác với mọi - cái - trứng - bình - thường khác. Vậy là bà ngoại đã kết tội ngay từ lúc nó chưa ra đời: "Đó là cái trứng ác đấy, đem đập vỡ nó đi!". May mắn thay nó vẫn được chào đời. Nhưng nó lại là chú vịt con to lớn khác thường. Lại khác - thường, cho nên nó bị chê là xấu xí, bị đoan chắc là không bơi giỏi được. Nhưng nó bơi được, lại bơi giỏi hẳn hoi. Ấy thế mà vẫn bị các anh chị đánh mổ, ông ngoại thì không cho ăn: "Không cho đứa xấu xí như mày đâu". Đồ xấu xí như ma ấy, cút đi! - Các anh chị vừa hò hét vừa mổ em. Nó vừa chạy vòng quanh vừa kêu la: "Ôi đau quá! Đau quá! Đừng mổ nữa". Nó hoảng sợ, nhớn nhác trông thật đáng thương. Mẹ nó thì khổ tâm. Và thế là nó ra đi. Đó là câu chuyện Vịt con xấu xí, truyện cổ Anđecxen nổi tiếng mà ai cũng biết. Thực ra vịt con không xấu xí. Nó bị kỳ thị chỉ vì nó khác người, nó không - giống - người - ta. Cái "tội lỗi" của nó đơn giản chỉ vì dám khác mọi người. Nỗi bất hạnh trong chuỗi ngày thơ ấu của nó cũng bắt đầu từ đó. Em thử ngẫm mà xem, có bao giờ em đối xử với bạn bè mình như là Vịt con xấu xí từng bị đối xử không? Trong lớp học, có khi nào em thấy một bạn gái nào đó đẹp nổi trội liền lập tức bị thêu dệt bao điều không hay, có khi họ còn bị gán là "ma gà" không? Có bao giờ em trông thấy bạn bè em kéo tóc, giật tai một đứa bé da trắng tóc vàng trông "chẳng giống ai" không? Hoa hậu Thu Thủy có kể rằng, hồi đi học chị thường rất mặc cảm vì cái chiều cao quá khổ của mình. Các bạn gái cao nghêu thường bị gán ghép biệt danh là cao giò thế này thế nọ. Rất nhiều người phải khom lưng đi gù cho thấp bớt xuống, chỉ đến khi họ thành hoa hậu, thành thiên nga.. Gà trống cũng mổ Vịt con Xấu Xí. Ếch ộp cũng kêu là quái dị. Vịt trời xua đuổi. Mèo và gà mái đố kị. Chim muông thú rừng dè bỉu. Chuỗi bất hạnh cứ thế kéo dài mãi. Mùa thu qua đi, mùa đông lạnh giá tới. Nó ra đi giữa đêm tối. Nó đi dưới trời mưa. Nó lảo đảo vì đói, vì rét, vì gió to và vì bao nỗi âu lo, đơn độc. Nỗi đau thể chất không lớn bằng nỗi đau tinh thần khi nó nghĩ rằng ai nấy đều xa lánh, chẳng lẽ từ nay ta sống đơn côi một mình? Khi mùa xuân ấm áp trở về, nó đã lớn và phát hiện ra là nó có thể bay lên được. Nó tìm được mẹ đẻ. Quãng đời tủi nhục cô đơn đã kết thúc. Vịt con Xấu Xí thực ra chính là một con thiên nga nhỏ. Nó không phải là vịt hóa thành thiên nga mà nó vốn dĩ là một con thiên nga. Thay vì lớn lên giữa một miền bắc xa xôi nào đó thì lại bị lạc trong ổ trứng vịt. Con thiên nga sống trong thế giới vịt nên bị chê xấu xí, bị đẩy ra như một dị vật khác thường của thế giới vịt. Câu chuyện Con vịt xấu xí khuyên em điều gì? Phải chăng ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện là ở chỗ mong mỏi sự tôn trọng cá nhân, sự bao dung, sự hòa nhập trong đội nhóm, trong cộng đồng? Câu chuyện đâu phải ca ngợi sự hóa thân đầy thần thoại của vịt con biến thành thiên nga như người đời vẫn thường ẩn dụ! Mỗi người đều có giá trị của riêng mình thay vì bắt nạt, hắt hủi người khác thì nên biết sống yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh mình. Đọc truyện: Truyện con vịt xấu xí