Ý nghĩa bông hồng cài áo

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Tiểu Kiwi2611, 15 Tháng bảy 2022.

  1. Tiểu Kiwi2611 Tiểu Kiwi siêu cute

    Bài viết:
    13
    [​IMG] [Bông hồng cài áo]

    Bông hồng cài áo từ lâu đã trở thành phong tục, thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong lễ Vu Lan. Nó có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp nhắc nhở mỗi người con, trong cuộc sống dù bộn bề lo toan nhưng vẫn luôn từng giờ, từng phút không quên báo hiếu với cha mẹ đã vất vả, chắt chiu, hi sinh tất cả vì con.

    Nhưng tại sao lại là hoa hồng?

    Chọn Hoa hồng bởi nó là biểu tượng của tình yêu chân thành, son sắc, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là biểu trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn của con đối với cha mẹ, là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

    Có bao nhiêu màu sắc hoa hồng được sử dụng trong nghi lễ hoa hồng cài áo? Ý nghĩa của từng màu hoa ấy là gì?

    Có tổng cộng 4 màu sắc hoa hồng được sử dụng trong nghi lễ hoa hồng cài áo: Đỏ, hồng, trắng, vàng.

    Những ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm, đó là một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn biết cố gắng để làm vui lòng cha mẹ. Xin hãy quay về bên cha mẹ để kịp thời.

    Trong trường hợp người chỉ còn cha hoặc mẹ thì sẽ được cài bông hồng màu nhạt hơn một chút thường là màu hồng.

    Những người đã mất cả cha và mẹ sẽ cài bông hồng trắng. Màu trắng tượng trưng cho sự tưởng nhớ và sự chia lìa âm dương. Hoa hồng trắng như nhắc nhở rằng con người đã mất đi những thứ quý giá nhất trên cõi đời này, do đó cần phải sống thật tốt để người yêu thương đã lìa khuất được an tâm.

    Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Nhắc nhở chúng ta nên sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn

    Các vị tu sĩ sẽ cài bông hồng màu vàng do họ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, việc đó rất là đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn - đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này. Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phước điền y, màu của Đất. Trên đất, chúng ta có thể dẫm, đạp, cày xới, khạc nhổ hay làm bất cứ gì.. đất vẫn trơ trơ, vì đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là những vị Phật tuơng lai. Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát.

    Trong ngày lễ Vu Lan, dù cài hoa màu gì thì cũng là tâm hướng về cha mẹ, mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Khi cha mẹ còn trên cõi trần, thì chúng ta phụng dưỡng, vấn an, lo cho từng miếng cơm, chén thuốc, chia sẻ buồn vui. Khi cha mẹ lìa trần, chúng ta vẫn giữ lòng biết ân, hiếu thảo ấy bằng cách hồi hướng những công đức đã tích lũy đến cha mẹ.

    Tuy nhiên, màu sắc hoa hồng, trắng hay đỏ chỉ là sự quy ước. Chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng, chúng ta sẽ cài vào tâm khảm sâu xa của trái tim hiếu thảo những "bông hồng tâm linh". Một khi cài hoa lên áo với tâm hiếu thuận trọn vẹn hướng đến cha mẹ thì màu sắc của bông hồng tâm linh sẽ cực kỳ rực rỡ, nhiệm màu. Nó thuộc về điều tốt đẹp vốn có sẵn trong từng trái tim nhân ái của mỗi con người.
     
    Aquafina thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng bảy 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...