Xuyên Không Xuyên Qua Ngàn Năm - MNĐ

Thảo luận trong 'Truyện Drop' bắt đầu bởi TruyencuaHanh, 16 Tháng tám 2020.

  1. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    [​IMG]

    Xuyên qua ngàn năm

    Tác giả: MNĐ

    Thể loại: Xuyên không, Sủng

    Link góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của mnđ

    Văn án:

    Là một người hiện đại, chỉ vì một lần đi du lịch biển không được thời tiết ưu ái mà cô bị xuyên qua thời không khác. Xuyên thì xuyên đi, nhưng duyên cớ gì đứa con trai cô sinh ra cũng xuyên.

    Ừ! Thì cuộc sống mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra, tạm chấp nhận được. Nhưng ít nhất, cũng đừng hành hạ tinh thần cô quá!

    Tổn thương trầm trọng khi biết thêm là con trai cô xuyên khi tuổi đời già hơn cô, giỏi hơn cô, CEO một tập đoàn đa quốc gia. Đứa con này rất hay chống đối, thường chê bai và dạy lại bà mẹ trẻ là cô đây, khiến cô đau răng mỗi ngày.

    Và thế là cuộc chiến mẹ con tưng bừng khói lửa.

    P/S: Tất cả địa danh, địa điểm, sự kiện, tổ chức và nhân vật trong truyện đều là hư cấu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười 2020
  2. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 1: Ngọc Mai

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Baba ơi! Xong chưa, Baba?"

    "Rồi, rồi, xong rồi con gái."

    Khuôn mặt cô gái trên dưới hai mươi tuổi, đội nón kết trắng che đi đôi mắt to đang hấp hái sáng ngời ngời sức sống thanh xuân, cô không ngừng đưa tay đập thùm thụp phòng Baba. Trên người cô bận quần jean phối với áo thun đơn giản và giày bata*, nhưng phong cách phối màu và gu ăn mặc xắn lai áo, lai quần, đúng chuẩn teen* ngầu nhìn hồi lâu sẽ lóe hết mắt như đồng bọn trên mạng hay trêu cô.

    Cô đang sở hữu kênh YouTube triệu view* rất nổi tiếng, nói về các món ăn và cách dưỡng sinh nơi cô đang sống. Tuy không sở hữu nhan sắc được xem là đẹp xuất sắc, nhưng nhìn chung khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn, khi cười hiện hai má lúm đồng tiền với nước da trắng ngần đủ dễ thương.

    Lâu lâu cũng bắt trend* diện nhiều bộ cánh đậm cá tính, và biết phối hợp với nhiều phong cách tươi trẻ trong các clip để kéo thêm view.

    Về thân thế của cô chỉ gói gọn trong hai chữ đó là mù tịt. Cô là cô nhi, từ lúc một tuổi đã bị bỏ trước cửa chùa Vạn Phước, chùa trước đây chỉ là tịnh xá nghèo gồm một sư và vài ba chú tiểu nhỏ được sư nhặt về trên đường chu du từ miền núi đến đồng bằng xuống miền Tây, và dừng lại nơi vùng biển miền Tây nghèo này dựng tịnh xá.

    Nghe nói trước đây sư ở ngôi chùa thuộc thành phố lớn, tốt nghiệp loại giỏi một trường Phật học nổi tiếng, và học thêm văn bằng ngành y học cổ truyền nhưng không ở lại đó mà tự thấy bản thân không hợp muốn giúp đời nên chu du khắp nơi.

    Cuối cùng cái duyên đưa sư đến đây gom hết số tiền còn lại dựng tịnh xá bằng chòi lá, tượng thờ được làm bằng đất nung, giúp đỡ dân làng khám bệnh, cho toa thuốc để họ ra các tiệm thuốc đông y bốc thuốc.

    Dân làng xung quanh mến đạo, luôn đóng góp lương thực cúng dường. Trải qua bao năm tháng, tịnh xá sơ sài ban đầu ngày càng được nhiều người biết đến và cúng dường nhiều hơn.

    Cũng đã thay đổi qua hai, ba thế hệ sư trụ trì khác nhau, với cốt lỗi ban đầu của sư tổ là cứu người và giúp đời, dù trôi qua bao thế hệ vẫn được lưu truyền không thay đổi.

    Nhờ sự nổi tiếng cứu người giúp đời tiếng lành đồn xa, phật tử khắp nơi đóng góp cúng dường tam bảo xây dựng thành ngôi chùa khang trang hơn.

    Nhờ đó mà các bà mẹ đau khổ khắp mọi nơi với ngàn không trăm lẻ một lý do abcd, không ngần ngại vất bỏ các bé lại trước cổng chùa với cái tên đã nói lên sự bác ái đủ để nuôi sống và cho các đứa trẻ ăn học đến lớn.

    Hay cũng sẽ có những gia đình thiếu thốn tình thương, muốn tìm kiếm niềm an ủi và mong muốn được chia sẻ, họ sẽ tìm đến chùa để nhận nuôi các bé bị vứt bỏ ấy. Chung quy cuộc sống đều có quy luật bù trừ mà chúng ta không thể biết trước được.

    Khi tre già thì măng mọc, từ lớp này đến lớp khác. Khi khôn lớn các đứa trẻ ấy có sự nghiệp đều quay lại tu bổ, sửa chữa và tài trợ cho các em nhỏ hơn. Người thì ở lại làm sư thầy, sư cô, người thì bôn ba với đời, nhưng dù ở đâu hay làm gì đều sẽ nhớ đến mái ấm đặc biệt này.

    Lâu dần ngôi chùa giống như mái ấm tình thương, nơi cưu mang các em nhỏ cơ nhỡ không nơi nương tựa cho đến tận bây giờ.

    Cô cũng là một trong các đứa trẻ cơ nhỡ đó. Mặc dù không cha, mẹ nhưng nhờ tình thương của các sư nuôi lớn, và may mắn được ông Ba trong lần tình cờ về vùng này cứu trợ, thấy cô xinh xắn, lanh lợi, nhớ rõ tên các vị thuốc đông y ông bèn xin nhận về thành phố nuôi.

    Không biết phước đức của ông hay bà, dòng họ nội hay ngoại chưa từng gặp, tức nhiên là không tính đến ba mẹ bỏ cô. Nhờ phước đó, nên mới được gặp ông Ba quới nhơn thương tình nhận về nuôi.

    Từ nhỏ cô khá nghịch ngợm, tính cách lém lỉnh nên thường xuyên bị các sư trong chùa phạt lỗi. Mỗi lần chịu phạt xong, cảm thấy bản thân cần được an ủi, cô sẽ chạy đến tiệm thuốc đầu ngõ của chùa, đó là tiệm thuốc của bạn ông Ba, cũng là nơi ông Ba ở lại khi đến cứu trợ.

    Ngoài học trong chùa với các sư, thì tiệm thuốc nhỏ này là nơi để cô luyện tay nghề và biết thêm nhiều các vị thuốc, cũng là nơi giải tỏa những nỗi niềm không vui, cô thường lẽo đẽo theo sau ông chủ tiệm học lỏm, đôi khi tiệm thuốc đông khách cô kiêm luôn người sai vặt.

    Trong cuộc sống quay cuồng với những bận rộn lo toan. Đôi khi khiến con người cảm thấy quá sức, và rất cần những yêu và thương để hỗ trợ hoặc san sẻ bù trừ cho nhau, cùng tiếp thêm năng lượng để lại xông pha vào xã hội.

    Những yêu và thương ấy tồn tại rất nhiều trong cuộc sống, có thể chờ ta ở đâu đó, tồn tại vô hình khiến chúng ta không thấy được trước mắt, cũng không biết như thế nào để có thể đi tìm những lúc cần. Nên thường chúng ta sẽ bỏ lỡ qua rất nhiều mà không hề hay biết, âu cũng cần cái gọi là duyên phận.

    Nhiều khi không cần tìm, duyên phận cũng sẽ tự đưa đến cho ta gặp. Có khi chờ cả đời cũng không biết đến, cũng có khi may mắn gặp được nhưng chúng ta không biết giữ lại để mất. Đã là người thiếu thốn thì tình thương biết sao là đủ, lúc nào cũng tham lam sự yêu thương, tìm kiếm hạnh phúc, dù có được nhiều bao nhiêu thì cũng thấy thiếu.

    Quanh năm cô đơn, không biết một gậy sáng suốt bất ngờ nào gõ trúng, thế là ông Ba nghĩ thôi thì không vợ, không con, không có ai yêu, ai thương, thì tự tìm, mắc gì phải sống cô độc.

    Nhìn thấy cô bé, biết cô có hoàn cảnh đáng thương, cũng cô độc như ông nên ông nhận nuôi đứa trẻ này. Trong chùa đứa nhỏ chỉ có pháp danh do chùa đặt, ông Ba làm lại giấy khai sinh theo họ của ông lấy tên cho đứa nhỏ là Ngọc Mai. Hai cha con thiếu thốn tình thương từ đó nương tựa lẫn nhau mà sống.

    *Giày bata: Nhiều người nghĩ rằng "bata" là cách gọi chung cho các loại giày vải, nhưng thực ra đây là tên của một hãng giày dép nổi tiếng trên thế giới với bề dày hơn 120 năm. Nguồn baodanang.vn

    *Teen: Tuổi thanh thiếu niên hay còn gọi lóng là tuổi thần tiên, tuổi ô mai, tuổi Teen (13-19 tuổi) Trong tiếng Anh dải số này được đọc với đuôi là "-teen" nên khoảng tuổi này được gọi là một giai đoạn chuyển tiếp thể chất và tinh thần, trong sự phát triển của con người diễn ra giữa giai đoạn trẻ em và trưởng thành. Nguồn Wikipedia

    *View: Là một từ tiếng anh thông dụng. Khi dịch sang tiếng việt, view có nghĩa là "lượt xem" mà giới trẻ hiện nay hay gọi là lượt view, và cũng có thể gọi là truy cập. Nguồn hoclaixecaptoc.com

    *Bắt Trend: Xu hướng mới đi trước và hiện đại.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2020
  3. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 2: Ông Ba

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thấm thoát hai cha con cũng nương tựa cùng nhau hơn mười năm. Ông Ba năm nay vừa tròn năm mươi cái xuân vàng, là chủ tiệm thuốc lớn nhất khu phố thuốc đông y. Có phòng khám mát tay nhất nhì khu phố. Ông Ba không vợ, con, hay cháu gì, vì nghe đâu ông bị lường gạt tình cảm nhiều quá nên hận đời hận luôn các chị gái nên quyết chí ở vậy trả thù đời, trả thù các chị gái.

    Khi còn nhỏ Ngọc Mai cứ nghĩ chắc do vì Baba nhận nuôi thêm cô nên vướng bận, cứ canh cánh buồn trong lòng vì không ai chịu lấy ông là do mình. Đến khi lớn hơn cô được biết là Baba của mình là do bị ế quá, lo được lo mất.

    Cũng từng tìm hiểu vài người, vắt trên vai vài mối tình chớm nở đâu được vài tuần. Nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu, vì ông luôn gặp được người không thương ông chỉ thương tiệm thuốc của ông nên ông thù đời không tìm nữa, ở vậy chờ thời đợi gặp được đúng người thương ông.

    Thời chờ hoài nhưng không đến, ông chờ đến tóc không mọc nổi cọng nào mà thời của ông vẫn bặt tăm. Ông Ba nói là cửa lòng đã khép, tuyên bố ở vậy đến già. Ừa thì cũng già rồi mà. Thường mọi người nghe xong, cũng chỉ biết buồn cho ông ở trong lòng.

    Tuy là đường tình duyên ông Ba lận đận, nhưng lại được ông thần tài và ông tổ thương, tiệm thuốc và tiếng tăm càng ngày càng có tiếng, làm ăn rất khấm khá, nói hổng phải quở mọi người bệnh, nhưng được cái ông Ba khám và bốc thuốc mát tay lắm, không nuôi bệnh nuôi thuốc.

    Từ bé đến lớn Ngọc Mai đều gọi ông Ba là Baba. Ngọc Mai đang là sinh viên năm ba Trường Đại học Y Dược. Ngoài thời gian học, cô phụ giúp Baba trông coi cửa hàng thuốc đông y. Mấy năm gần đây, hiện tượng YouTube nổi lên khá nhiều, Ngọc Mai cũng ấp ủ muốn phát triển kênh riêng về niềm đam mê, nghiên cứu các món ăn ngon kết hợp thuốc đông y để chữa bệnh.

    Gom hết số tiền ít ỏi được Baba trả phí phụ giúp trông coi tiệm, cộng thêm tiền lì xì để dành Ngọc Mai mua các thiết bị secondhand* ở chợ Nhật Tảo thế là hành nghề. Ngọc Mai thành công xúi giục ông Ba và các bác, các chú ở trong phố đông y khi khám bệnh thì cho cô quay lại. Tuy Ngọc Mai là ma mới nhưng lại nổi lên như hiện tượng mạng.

    Nội dung vlog* mô tả sinh động về các cách bắt mạch trị bệnh, hay các dược thiện nâng cao thể trạng, phòng bệnh kết hợp ăn uống người thật việc thật, thế là nổi tiếng rần rần.

    Nếu ai đó hỏi Ngọc Mai, Baba cô là người thế nào? Thì xin thưa, theo cảm nhận của Ngọc Mai thì tính tình Baba rất khó định hình. Với tính cách hiếm có khó tìm này thì thôi khỏi bàn, bàn mãi không kết được. Vì lúc hiền, lúc dữ, lúc cộc lốc, lúc dễ thương, lúc tốt tính, lúc xấu tính thay đổi theo cơn gió ngược xuôi suốt dòng đời của cô. Nói chung không ổn định.

    Càng lớn tuổi càng trẻ con. Hờn ngày ba bữa, không hờn đủ không ăn cơm, nhưng được cái bản lĩnh thì không tồi, các món ăn Ngọc Mai úp (upload*) trên mạng ngoài thụ giáo ở trường ra thì phần nhiều là từ Baba dạy cô. Clip* nào của cô cũng có Baba thò một ngón tay vào. Không chỉnh thì sửa, không sửa thì ý kiến, không vừa ý ông là ông không cho úp, trốn làm một mình là thấy cái cảnh hờn.

    Từ lúc nổi tiếng trên mạng, có tiền quảng cáo thế là Ngọc Mai chia ba phần. Phần bỏ hòm công đức cho chùa nuôi cô từ nhỏ, phần cho Baba, phần giữ làm vốn mua đạo cụ cho cô tác nghiệp. Baba không lấy thì ngại gì, mua thuốc quẳng vào tiệm thế là xong, xử sao thì kệ cô không quan tâm.

    Vì là người năng động, nên quỹ thời gian của Ngọc Mai lúc nào cũng được sử dụng tối đa. Cứ một năm hai lần, Ngọc Mai sẽ cố gắng sắp xếp trong quỹ thời gian eo hẹp của mình, để được đi cứu trợ với Baba và các chú bác trong khu phố.

    Mọi người cũng không nhớ nỗi, bắt nguồn từ lúc nào, và do ai là người đầu tiên đứng ra khởi xướng. Cứ định kỳ mỗi năm hai lần, khu phố thuốc đông y được các ông chủ tiệm thuốc, và phòng khám lớn nhỏ, sẽ góp tiền cùng nhau đứng ra tổ chức thuê xe đi về trong ngày, nơi xa hơn thì vài ngày, thậm chí đến hơn cả tuần, để về các thôn xóm nghèo khắp đất nước, bốc thuốc chữa bệnh miễn phí.

    Tuy đây không phải là lần đầu tiên Ngọc Mai đi cứu trợ, nhưng lần nào cũng như lần đầu, hồi hộp cả đêm không ngủ cứ lâng lâng thao thức sửa soạn đồ đạc, đem ra bỏ vào, kiểm tới kiểm lui, xem đủ không?

    Dù cứu trợ khá vất vả, nhưng đối với người ưa thích du lịch và đang làm vlog như Ngọc Mai thì khoái chí khỏi nói. Vì lần nào cứu trợ xong, cô cũng sẽ có thêm một vài clip xịn sò. Thậm chí, nếu đi cứu trợ chuyến dài ngày, thì thế nào cũng sẽ có thêm một, hoặc hai ngày được đi tham quan đây đó trước khi về.

    Thường thì có kèo đi nào ông Ba cũng kéo Ngọc Mai đi cùng, từ nhỏ đến lớn đều thế, dù là sinh viên đang đi học, quỹ thời gian không có nhiều ông Ba vẫn hú về đi chung, chuyến dài quá bận học không đi được mới hủy.

    Bây giờ đang hè, đúng dịp Ngọc Mai được Baba kéo đi. Hôm nay là ngày xả hơi, sau khi đã cứu trợ xong ở các xóm nghèo vùng biển Kiên Giang. Mọi người đang tập hợp cùng nhau, để tham quan quần đảo Bà Lụa trước khi quay về lại thành phố Sài Gòn.

    Đây là thời khắc Ngọc Mai mong mỏi nhất, hỏi sao mà cô không sốt ruột chứ! Đã hẹn lúc tám giờ là tập hợp lên tàu đi ra đảo, chơi tầm đến ba hoặc bốn giờ chiều thì sẽ quay lại, ngủ thêm một đêm sáng hôm sau về Sài Gòn.

    Sau khi ăn sáng xong, ông Ba nổi chứng! Chê nón hôm nay hơi rộng đòi quay về phòng đổi nón khác, Ngọc Mai đã bôi kem chống nắng, đi nhà vệ sinh đủ các kiểu, nhờ nhà hàng nấu giùm nước châm trà để bình giữ nhiệt cho ông, một bình cà phê sữa đá cho bản thân xong tám kiếp. Mọi thứ sẵn sàng rồi mà ông Ba vẫn chưa xuất hiện.

    Ngọc Mai cảm thấy Baba mình có bệnh, bệnh đã vào giai đoạn thời kỳ cuối, bệnh đó gọi là bệnh điệu. Ông Ba từng nén đau thương mà hùng hồn tuyên bố, là bởi vì đầu không còn cọng tóc nào nên càng phải điệu. Ai cũng có quyền điệu, thế tại sao không để ông được điệu? Điệu có nhiều cách điệu, bản thân ông chỉ thích điệu với các loại nón, đầu không nón không được, giống như nấu cơm thiếu gạo, uống trà thiếu nước.

    Ngọc Mai thấy Baba mình nói có lý quá, xin chịu! Nhưng ngặt nỗi ông Ba có mỗi một cái đầu nhưng lại có hơn trăm cái nón, nón đội theo mùa, nón đội theo xì tai (style*), nón đội theo trang phục, phải hợp từng phong cách, từng đôi giày.

    Đôi khi ông Ba cảm thấy rất buồn bực! Vì sao không ai chịu "nâng cấp" trình độ thời trang của bản thân, để có thể cảm thụ mà không lạc điệu với ông nhỉ? Ông thấy thật bơ vơ quá!

    Trong phòng ngủ của ông Ba, có lắp hẳn một kệ nón cao từ trên tầng nhà thiết kế dài xuống đất. Mỗi sáng ngủ dậy, việc đầu tiên trong ngày của ông là đến giá để nón. Nghĩ đến việc hôm nay mình sẽ mặc bộ cánh gì, rồi sau đó ướm thử đủ nón, ngó đủ vốn, cố gắng chọn cái hợp nhất mới chịu đội.

    Mặc dù ông Ba đã khống chế, nhưng thời gian chọn lựa nón lại rất hên xui. Muốn nhanh hay chậm đôi khi còn tùy thuộc vào trạng thái có thấy ổn hay không khi phối với vài bộ đồ.

    Vì điều này mà hầu như Ngọc Mai lúc nào cũng nói: "Baba là điệu nhất, Baba mà đứng thứ nhì thì sẽ không có ai đứng thứ nhất." Thật là tổn thương tâm hồn yếu đuối của ông mà.

    Ngọc Mai réo từ sáng đến giờ đã là lần thứ tư, mà Baba cô cứ hô "xong rồi" nhưng vẫn chưa thấy người đâu. Ngọc Mai thấy nóng cả người, cô buồn bực xoay người bỏ đi luôn một hơi ra trước cửa khách sạn.

    *Secondhand: Một mặt hàng cũ hoặc đã qua sử dụng là một tài sản cá nhân đang được mua hoặc chuyển giao cho một người dùng cuối hoặc sau đó. Một hàng hóa đã qua sử dụng cũng có thể chỉ đơn giản có nghĩa là nó không còn trong tình trạng tương tự như nó đã được khi chuyển giao cho chủ sở hữu hiện tại. Nguồn Wikipedia

    *Vlog: Một video blog hay video log, thường được nói gọn thành vlog, là một dạng của blog trong đó phương tiện truyền tải là qua video, và là một dạng của truyền hình chiếu mạng. Các vlog thường kết hợp video nhúng (hoặc một liên kết video) với các văn bản hình ảnh và siêu dữ liệu khác hỗ trợ cùng. Một tập vlog có thể được quay một lần hoặc cắt thành nhiều phần. Vlog là thể loại phổ biến trên nền tảng chia sẻ video Youtube. Nguồn vi. Wikipedia.org

    *Upload: Đưa dữ liệu (văn bản, âm thanh, hình ảnh, v. V) từ một máy tính hay thiết bị điện tử lên một hệ thống lưu trữ từ xa (như website, máy chủ, hoặc các hệ thống tương tự khác). Nguồn tratu. Soha.vn

    *Clip: Là các đoạn phim video ngắn, thường là một phần của một đoạn hoặc một phần video dài hơn. Nguồn Wikipedia

    *Style: Có thể được hiểu là văn phong, phong cách, hơi hướng nghệ thuật.. hoặc là ngòi viết, cột so bóng.. Nhưng khi được sử dụng trong những trường hợp thông thường, Style được hiểu thuần là một phong cách sống, phong cách thời trang (trong ngành thời trang) hoặc là phong cách bố trí, sắp đặt (trong thiết kế xây dựng, kiến trúc). Nguồn yeah1.com
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng ba 2021
  4. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 3: Quay về quá khứ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ánh nắng rực rỡ đang chiếu rọi khắp mọi nơi ở miền biển Kiên Giang. Chưa tám giờ sáng, mà cái nắng đã nóng hầm hập chói lòa nhìn lóa cả mắt, nắng biển mùa hè nóng muốn bỏng da. Mọi người trong đoàn đang lần lượt di chuyển từ khách sạn ra xe, cùng tập hợp lại để chuẩn bị xuất phát ra bến tàu.

    Ông Sáu chung đoàn đi ngang qua Ngọc Mai, bất chợt quay lại cười khà khà nói lớn: "Ngọc Mai! Baba con vẫn chưa ưng ý được cái nón nào à? Nói ổng ở lại từ từ chọn, chọn không được nữa thì đợi chiều nay mọi người quay lại chọn dùm cho."

    Nói xong, ông cùng mọi người cười ha hả. Ông Sáu là đối thủ bạn hàng chuyên bán phá giá thuốc một mất một còn với ông Ba, việc hai ông luôn cà khịa qua lại với nhau xảy ra như cơm bữa. Nghe ngữ khí trêu chọc của ông Sáu, Ngọc Mai chỉ mỉm cười nhàn nhạt im lặng.

    Chứ cô mà lên tiếng là mất công ăn mệt, vì cô là nhỏ tuổi nhất trong đoàn toàn người già này, dù cô có muốn nói đỡ cho Baba cũng không tìm được lý do, vì ông Sáu nói quá đúng mà. Ngọc Mai thở dài, có một Baba cuồng nón không biết nên vui hay buồn đây. Vui vì có tặng quà sẽ không cần suy nghĩ mất công chọn lựa, còn buồn thì thật ba chấm.

    Mang tâm trạng hoài nghi cuộc đời, Ngọc Mai lấy điện thoại trong túi quần ra gọi cho Baba, vừa bấm mở máy thì thấy ông cuối cùng cũng chịu xuất hiện với hai cái nón, một cái đang đội và một cái cầm trên tay. Đang hấp ta hấp tấp chạy lại cười hề hề nói với cô:

    "A! Con gái cưng, thật ngại quá, chưa trễ giờ đâu nhỉ?"

    Ngọc Mai: "..."

    Ông Ba cảm thấy thật oan uổng hết sức, đem theo có mười cái nón, đã tuyển lựa kỹ càng rồi nhưng đến đây mới nhớ là ngồi tàu. Muốn seo phi (selfie*) với con gái thì ít nhất phải hèm hèm từ ba đến bốn cái nón thay đổi cho ngầu, nhưng lại quên mất là ngồi tàu thì sẽ có gió. Đội không cẩn thận, gió thổi bay mất bảo bối biết bắt đền ai. Lựa mãi, lựa mãi, chỉ có hai cái là đủ điều kiện, nhưng lại không hợp với bộ đồ đang mặc. Cực chẳng đã phải thay đồ khác, thay xong lại phải thay giày khác cho theo xì tai, haizz! Không ai chịu hiểu cho ông.

    Để xoa dịu con gái, ông Ba lại cười hề hề với Ngọc Mai thêm cái nữa, phải cố gắng làm lành chứ nếu không con gái rượu của ông mà mất hứng thì sẽ không có trà để uống. Ngoài nón ra ông Ba còn có thêm một đam mê nữa đó là uống trà, mà hiện tại gói trà duy nhất của ông trong chuyến đi này con gái ông đang giữ, chọc giận ai cũng được nhưng nhất định không được chọc người đang nắm giữ sở thích của mình.

    Ngọc Mai trừng mắt hung dữ với ông một cái cho bỏ tức, rồi vội vàng theo mọi người leo lên xe. Vừa ngồi ổn định, sư An trưởng đoàn liền đứng dậy kiểm tra hô lớn: "Đủ rồi, đi thôi bác tài."

    Sau bốn ngày cứu trợ, chạy đôn chạy đáo làm cu li cho đoàn, cuối cùng Ngọc Mai cũng được đền bù một ngày vui chơi ra trò. Dù có chơi quên trời đất, thì cô cũng không quên lôi máy quay phim ra tác nghiệp mấy cảnh quay vui vẻ, quay thêm mấy đoạn clip nhỏ về các món ăn ở trên đảo hôm nay. Và tất nhiên, là không thể quên cùng Baba seo phi với hai cái nón ông ưng ý nhất. Trước khi lên tàu để quay về lại khách sạn, hai cha con còn nấn ná ăn một bụng hải sản no căng.

    Tàu vừa khởi hành được tầm hai mươi phút hơn thì trời bắt đầu nổi gió, trời đang nắng gắt ấy thế mà thình lình đen sậm, gió thổi vù vù bốn phía. Mới đầu là gió mạnh, chưa được bao lâu sóng bắt đầu đập vào thân tàu, khiến thân tàu càng lênh đênh nhọc nhằn. Bầu trời bằng mắt thường cũng có thể thấy được từng đám mây đang dần dần chuyển màu đen kịt, Ngọc Mai cảm thấy hối hận vì sao lúc nãy lại ăn quá no khiến bây giờ bụng cô muốn nôn hết cả ra.

    Xung quanh đều là biển bao la, con tàu cứ ngả nghiêng theo từng đợt sóng. Nhìn thấy tất cả mọi người trên tàu bị lắc lư sắp rớt luôn xuống biển, dấu hiệu không ổn. Ông Ba cất hết nón vào balo đeo lại trên vai, rút lấy thắt lưng quần ra, cầm tay của ông và Ngọc Mai lại, rồi lấy dây nịt quấn lại thật nhiều vòng cho vừa với lỗ bấm rồi cài lại, vừa vội vàng làm ông vừa lên tiếng nhắc nhở: "Không ổn rồi, Ngọc Mai con không biết bơi, lát nữa có việc gì cũng phải theo sát Baba, nếu chẳng may rơi xuống biển con nhớ nín thở được bao lâu thì ráng nín bấy lâu nghe chưa?"

    Nói xong không đợi Ngọc Mai trả lời, ông kéo tay con gái ngó nghiêng, thấy cái balo to đùng phía sau của con thì vội nói: "Con bỏ bớt đồ trong ba lô ra cho nhẹ, nếu rớt xuống biển cũng không bảo quản được đâu lại nặng thêm."

    Ngọc Mai chưng hửng! Vội giơ tay lên nói: "Nhưng tay con bị buộc lại rồi sau bỏ ba lô ra được đây Baba."

    Ông vừa định bảo con gái quay lưng lại để ông lấy đồ ra, nhưng chưa kịp mở miệng thì "đùng" một tiếng sét giáng xuống sát ngay thân tàu. Từng đợt gió gào thét, chiếc thuyền chòng chành như muốn hất văng mọi thứ, thuyền sắp không chống đỡ nổi. Cơn mưa bất ngờ như trút, nhìn không thấy trước mắt, chiếc thuyền được sóng nâng lên cao rồi thình lình đổ ầm xuống, chiếc thuyền không chịu nổi vỡ tan tành quăng luôn tất cả mọi người xuống biển.

    Hai cha con chới với không kịp định thần, mọi việc xảy đến quá nhanh, chỉ trong tích tắc bị hất lên rồi rơi tõm luôn xuống biển một cách mạnh bạo.

    Ngọc Mai cảm thấy may mắn là Baba của mình lo trước buộc chung tay với ông, chứ không thôi hai cha con chắc chắn người đằng đông người đằng tây. Ngọc Mai không biết bơi, vừa đụng nước là cơ thể theo bản năng hoảng loạn mất bình tĩnh, không còn nhớ gì đến lời Baba căn dặn là nín thở.

    Ngọc Mai không ngừng giãy giụa, cô không nghe được gì ngoài âm thanh ù ù. Cô không còn phân biệt được phương hướng. Đầu óc không còn minh mẫn khi nước cứ tràn vào cơ thể, cảm giác đau xót xông qua mũi buốt lên não. Tim như ngừng đập, ngạt thở quá! Hình như có sức kéo ở cánh tay nhưng toàn bộ giác quan và phản xạ của cô đều phản chủ, tai ù đặc, ngực đau lợi hại. Trước khi mất đi ý thức Ngọc Mai loáng thoáng như thấy một đốm sáng lập lòe chớp chớp ngay trước mắt, cô cố hết sức muốn nhìn rõ hơn nhưng lực bất tòng tâm.

    Khi sự bất lực bủa vây và chờ đợi cái chết đang từ từ tiến đến, Ngọc Mai rất muốn chửi cuộc đời, tại sao chứ? Cha không thương, mẹ không yêu, tưởng được ông trời đền bù cho Baba đến cứu vớt đời cô, nhưng có lẽ cô quá hạnh phúc nên trái với lẽ thường khi mệnh số được sinh ra là phải bị đày đọa. Ông trời ngại cô quá hạnh phúc nên muốn dìm chết cô mà, chúc mừng ngài đã được như ý nguyện! Sống mới được hai mươi năm, còn nhiều thứ cô còn chưa được trải nghiệm, bị kết thúc bằng cái chết thật không cam tâm, thật sự là không cam tâm. Điều cô bận tâm nhất vẫn là Baba, tâm hồn mong manh dễ vỡ ấy sẽ chịu nổi sao? Và cái kênh triệu view vừa mới đổi mật khẩu mà chưa kịp báo cho Baba..

    Khi ông Ba đang cố gắng những tàn hơi cuối cùng để ngoi lên mặt biển, thì bất thình lình có một luồng nước xoáy, hút mạnh hai cha con cuốn vào cơn lốc đang được vòng sáng rực rỡ bao phủ xung quanh. Cơn lốc quá sức con người có thể chịu được, ông Ba hoàn toàn mất luôn nhận thức.

    *Selfie: Ảnh tự chụp hay là tự chụp ảnh chân dung, trong ngôn ngữ thông tục còn gọi là "ảnh tự sướng", "chụp ảnh tự sướng" hoặc đơn giản là "tự sướng" (selfie) là một t ừ vựng dùng để mô tả về một bức ảnh kỹ thuật số tự chụp, thường được thực hiện bằng máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh hoặc webcam của các thiết bị điện tử di động, có thể cầm trên tay hoặc được hỗ trợ bởi gậy hỗ trợ tự chụp ảnh, sau đó thường được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, thông qua các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat và Instagram.

    Từ này xuất phát nguyên thủy ở tiếng Anh với tên gọi là Selfie mà có nguồn gốc sâu xa từ diễn đàn mạng ở Úc vào năm 2002 xuất phát từ một bức ảnh của người đàn ông đang say xỉn. Từ selfie được tạo thành bởi từ "self" (bản thân) và hậu tố "ie". Tiếng Anh - Úc thường hay thêm hậu tố "ie" vào các từ tiếng Anh - Anh hoặc Anh - Mỹ và người ta tin rằng chính người Úc đã sản sinh ra từ Selfie.

    Tuy không phải là một từ mới nhưng phải tới năm 2013 này, người ta mới biết tới từ này một cách rộng rãi. Trong năm 2013, từ này xuất hiện liên tục trên mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội, trở thành một từ thông dụng và thời thượng. Nguồn vi. Wikipedia.org
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2020
  5. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 4: Thoát chết

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không biết trải qua bao lâu khi ông Ba dần tỉnh lại, đầu óc căng cứng kêu ong ong từ từ được thả lỏng. Phóng tầm mắt, ông nhìn thấy biển xanh ngắt, phối với bầu trời xanh thẳm điểm xuyết nhiều đám mây trắng trước mắt, có một loại xúc động không nói nên lời.

    Tuyệt đẹp! Chưa bao giờ trong đời ông cảm thụ được một phong cảnh nào đẹp xao xuyến tâm hồn như thế. Kiên Giang có vùng biển còn giữ nguyên vẻ hoang sơ đẹp như thế này sao? Ông chưa từng nghe nói đến, chắc hẳn là chưa được ai khám phá. Ông Ba háo hức nghĩ: Phải tranh thủ chụp thật nhiều tấm hình để đem về khoe với mọi người.

    Cựa quậy thân thể, ông đang nằm trên bãi cát được bao quanh là ghềnh đá nhấp nhô. Ông Ba nhíu nhíu mày, hình như ông quên mất điều gì? Đúng rồi! Là con gái, ông vậy mà lại quên mất luôn con gái rượu của mình. Giựt giựt tay trái cảm thấy nặng, ông quay đầu nhìn thấy con gái đang nằm kế bên.

    Ông Ba thở ra một hơi, cảm thấy thật may mắn, tự cho bản thân hai trăm điểm thông minh, khi chợt nảy ra sáng kiến cột chung tay với con gái. Tuy đây chỉ là con gái nuôi, nhưng ở chung với con bé cũng hơn mười năm, ông xem con bé như con gái ruột, bình thường quen có con gái bầu bạn nếu con bé có mệnh hệ gì ông biết sống sao đây.

    "Ngọc Mai, Ngọc Mai.." Ông Ba vừa gọi, vừa lấy tay lay chuyển thân thể Ngọc Mai, không phản ứng. Ông lại lấy tay vỗ vỗ mạnh hơn xuống má con gái, cũng không xi nhê gì. Ông Ba đã làm sơ cấp cứu, nước cũng nôn ra và cũng đã kiểm tra quần áo không thấy vết máu hay tét rách gì. Chỉ có cánh tay sau khi bỏ dây nịt ra, một vết lằn bầm đen trên cánh tay trắng nõn, đã vậy còn bị sưng to như đoàn bánh tét, ông đau lòng sắp hỏng mất.

    Kiểm tra lại mạch đập một lần nữa vẫn ổn, nhưng sau gọi mãi mà con bé vẫn chưa chịu tỉnh. Ông bậm môi, quyết định ra chiêu mạnh bạo hơn, ông lấy hai ngón tay kéo mạnh tóc mai con gái. Nhìn thấy mí mắt con gái giật giật, ông thở phào nhẹ nhõm.

    Cảm giác toàn thân Ngọc Mai chỉ có một chữ: Đau..

    Trong lúc mơ mơ màng màng, Ngọc Mai nghe như có tiếng Baba mình đang kêu, cảm giác thật hơn khi có ai đó vỗ má mình. Ý thức chưa kịp tụ lại thì một cơn đau rát quá sức chịu đựng, không còn hơi để hét ra tiếng, Ngọc Mai cố hết sức nhấc mí mắt lên, ánh sáng chói lòa lòa đau cả mắt. Thình lình xuất hiện một khuôn mặt đang giúp cô che bớt đi ánh sáng, Ngọc Mai híp híp mắt nhìn khuôn mặt tròn vo vượt qua chuẩn quy định của cái gọi là góc cạnh, bọng mắt đã xệ, không còn cái gọi là đôi mắt đào hoa, đuôi mắt hẹp dài bị sụp mất luôn cả mí mắt.

    Đây đích thị là khuôn mặt của Baba không sai được. Ngọc Mai chớp mắt, rồi lại chớp mắt, sau khi ho sù sụ cô cất giọng khàn khàn hỏi "Con chết rồi hay chưa vậy Baba?"

    Ông Ba nghe con gái hỏi mừng rỡ lên tiếng: "Chưa sống đủ mà chết gì, ngồi dậy nào. Con thấy trong người sao rồi?"

    "Toàn thân đều đau" vừa nói Ngọc Mai vừa nhích nhích thân người để ngồi dậy.

    "Do cả người con vùng vẫy quá sức đó mà, con tạm thời sẽ thấy khó chịu. Nghỉ ngơi tốt sẽ không sao nữa, uống miếng trà nóng cho ấm người."

    Ông đưa tay đỡ con gái dậy dựa vào vách đá, đưa bình giữ nhiệt còn tí xíu nước trà còn lại. Thường ngày nhìn thấy cô tung tăng bay nhảy, ít khi đau bệnh. Giờ thấy bộ dạng ốm yếu này ông đau lòng hết sức.

    Ngồi nghỉ ngơi cả buổi, cơ thể cũng bớt đau nhức, cựa quậy chân tay Ngọc Mai đứng dậy dạng tay dạng chân hoạt động thân thể. Trời nắng gắt nhưng Ngọc Mai cảm thấy thật dễ chịu, gió thổi nhè nhẹ quần áo hầu như khô hẳn.

    Nhìn con gái mới ỉu xìu đó giờ đã lấy lại được tinh thần, đang lượn qua lượn lại múa tay múa chân tập thể dục trước mặt, ông cực kỳ cao hứng. Ông quơ tay một vòng xung quanh nói với con gái:

    "Baba chưa từng thấy bãi biển nào đẹp như thế này, con xem!"

    Dừng lại động tác, uống thêm ngụm nước như được chết đi sống lại, Ngọc Mai nhìn theo cánh tay của ông. Phía trước mặt là biển xanh ngắt không thấy điểm cuối, phía sau là từng bãi cát dài thoai thoải, từ bãi cát đi vào đất liền là cánh rừng xanh hút tầm mắt, xa thiệt xa là núi cao chót vót trùng trùng điệp điệp bao quanh. Cảnh đẹp tuyệt vời! Ngắm đã Ngọc Mai thắc mắc:

    "Mọi người đâu Baba?"

    "Không có một ai ngoài hai cha con chúng ta."

    Vừa nói ông vừa đưa tay lấy nón trong balo ra đội lên đầu, nghĩ nghĩ cảm thấy không vừa ý ông lấy cái còn lại ra đội lên, nhét vội cái đang cầm trong tay vô balo kéo cái rẹt như chứng tỏ đã quyết tâm không thay đổi nữa.

    Ngọc Mai nhìn suýt bật cười, cái bệnh này thiệt cạn lời. Sửa soạn đâu đó xong xuôi, ông lên tiếng hối thúc:

    "Chúng ta ra khỏi đây, tìm hiểu xung quanh nào."

    "Chờ con một chút, xong ngay đây."

    Bệnh nghề nghiệp, Ngọc Mai lấy máy ảnh trong túi chống ướt ra, chụp vài tấm ảnh bộ dạng thảm hại của hai cha con, để sau này đăng Facebook cho đám anh em thương cảm.

    Ông Ba lúc đầu còn hối thúc, đến lúc Ngọc Mai lấy máy ảnh ra ông lại là người chụp nhiều nhất. Khi cất máy ảnh vào cô tiện tay lấy cái điện thoại ra nhìn nhìn, điện thoại đã 23 giờ cô cảm thấy lạ bật thốt:

    "Ban ngày nắng thế này sao điện thoại lại là 23 giờ nhỉ, lạ quá đi?"

    Ngọc Mai nhìn cột sóng điện thoại không có, tính hiệu gì cũng điều không có. Mạng quá kém! Cô nhét trở vô bịch.

    Ông Ba nhìn đồng hồ trên tay, đồng hồ đứng im. Ông lấy tay lắc lắc, rồi lại lắc lắc, đồng hồ nhích theo nhịp sống lại, nhưng nếu ông Ba nhớ không lầm đây là thời gian ông xem lần cuối trước khi bị rơi xuống biển. Ông hoang mang nhìn con gái, thấy vậy Ngọc Mai hỏi thẳng:

    "Baba phát hiện gì lạ à?"

    "Đồng hồ của Baba là thời gian khi chúng ta rơi xuống biển, điện thoại của con là thời gian múi giờ Việt Nam, có thể chúng ta bị sóng đánh trôi dạt đến nước nào khác nên bị lệch múi giờ."

    Ngọc Mai nhìn đồng hồ của Baba đang thể hiện 16 giờ 20 phút. Điện thoại của cô là 23 giờ. Theo lẽ thường thì giờ này trời phải tối khuya lơ khuya lắc, nhưng nhìn xung quanh nắng đang nhảy múa rực rỡ thế này, nếu như lời phỏng đoán của Baba là đúng thì xem như cô được đi du lịch nước ngoài nha, chỉ là không biết bây giờ ở đây đang là mấy giờ?

    Nhưng nắng như vầy, sao cô cảm thấy không rát hay nóng làn da gì cả. Muốn giải đáp thắc mắc thì cũng chỉ còn cách đi tìm. Mang tâm trạng hưng phấn, cô khoát tay Baba kéo ông đi, vừa đi vừa nói:

    "Chúng ta đi tìm hiểu thôi Baba."
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2020
  6. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 5: Hải cảng nước Tây

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hai người đi ra khỏi khu ghềnh đá, bước thẳng đi về hướng đất liền. Nhưng không đi vào cánh rừng, mà chỉ đi dọc theo bờ biển. Cơ thể Ngọc Mai vẫn chưa khỏe hẳn, đi chút lại dừng rồi lại đi. Nhưng cứ đi, đi, và đi không mục đích thế này bao nhiêu hứng thú của Ngọc Mai cũng dần phai.

    Ngọc Mai cảm thấy quá nản! Đi mỏi cả chân, muốn hết cả hơi, mà vẫn chưa thấy một mái nhà hay một sinh vật sống nào. Cô dừng lại, khom người chống hai tay lên đầu gối thở hổn hển, nhìn Baba đi phăm phăm phía trước thật ghen tị. Ngọc Mai lên tiếng thều thào:

    "Baba à, chúng ta đi đúng hướng không vậy?"

    Ông Ba với thân hình phốp pháp đang đổ mồ hôi nhễ nhại, nhưng hơi thở không loạn, vẫn khỏe re lên tiếng: "Đi dọc theo bãi biển tốt hơn đi vào rừng cây. Cứ đi về phía trước đã, Baba có niềm tin là sắp tới nơi rồi."

    Gì cơ? Ngọc Mai bị dọa rồi: Baba đi nãy giờ bằng niềm tin á trời? Xốc lại tinh thần, Ngọc Mai mím môi thở cái khì, biết nói gì đây, đành đi tiếp thôi.

    Hai cha con vừa ôm cua vòng qua dãy hàng cây Bão táp* cao hơn ba mét, mọc rậm rạp cắt ngang. Nhìn về phía trước hai người cùng há hốc mồm vì kinh ngạc.

    Xa xa trước mắt có rất nhiều thuyền lớn nhỏ, từng nhóm người đông đúc đang di chuyển, hoặc túm tụm lại làm gì đó rất náo nhiệt. Hai cha con như được bơm thêm thuốc tăng lực, ba bước thành hai đi phăm phăm về phía trước.

    Gần đến khu vực mọi người đang tụ tập, hai cha con có thể thấy rõ hơn công việc mọi người đang làm là chuyển cá từ tàu xuống. Người bưng, người chuyền, người xếp vào từng thúng lớn.

    Ngọc Mai thấy có cái gì đó không đúng lắm, tất cả mọi người ở đây điều bận cùng một kiểu quần áo, giống như bộ đồ bà ba Nam Bộ nhưng áo dài hơn chút và không có xẻ tà. Đàn ông hay đàn bà đều mặc giống nhau chỉ khác màu, tất cả đều đi chân trần.

    Điểm đặc biệt là họ ở miền biển nhưng nước da không đen cũng không ngâm, vóc dáng khác người Việt Nam da vàng. Ngọc Mai ghì tay kéo Baba đứng lại, cô nói: "Baba! Baba có thấy gì đó không thích hợp giống con không?"

    "Ừ, đàn ông hay phụ nữ đều to, cao, đàn ông thì không nói nhưng phụ nữ gánh cá còn khỏe hơn lực sĩ."

    "Không lẽ ở Kiên giang còn ngôi làng nào đó đậm chất miền Tây tách biệt xã hội, nên cách ăn mặc giống y như cái khu du lịch chúng ta đi hồi đầu năm đó Baba."

    "Không đúng, áo bà ba chỗ đó xẻ tà, nhưng mấy bộ này không có xẻ, mà áo cũng dài hơn áo bà ba cả đoạn, áo này đàn ông mặc lại không có tay, đàn bà mặc thì có tay ngắn. Mà con đừng quên, chưa chắc chúng ta còn đang ở Việt Nam."

    Ông Ba lại ngước nhìn tất cả các loại thuyền ở phía trước. Dù to hay nhỏ đều có thêm nhà gỗ ở đuôi thuyền, thân tàu thiết kế hai bên hai dãy người ngồi chèo thuyền bằng tay. Thuyền nhỏ nhất thì từ bốn đến tám mái chèo. Thuyền lớn hơn thì từ mười đến hai mươi mái chèo, đây là chạy thuyền hoàn toàn bằng sức người.

    Còn có cả những chiếc thuyền buồm được gắn một hoặc hai cột trụ. Lá buồm đang được một số người kéo xuống thông qua ròng rọc, buộc chắc lại xung quanh cột buồm. Riêng ngôi nhà gỗ trên những chiếc thuyền buồm, được thiết kế ở chính giữa nhìn rất chắc chắn. Những chiếc thuyền buồm này đều có gắn mái chèo, số lượng hai bên đếm không hết. Sử dụng triệt để cả hai loại năng lượng là sức người và sức gió.

    Ông ba đưa tay lên, chỉ về phương hướng đối diện phía xa nói: "Con nhìn mấy cái thuyền đó, đa số đều là chèo bằng sức người, thuyền to, thuyền nhỏ gì cũng đều thiết kế mái chèo dùng cho tay hoặc chân. Còn người dân miền Tây bây giờ họ chuộng dùng mái dầm, nó ngắn, nhỏ vừa tay cầm.

    Mái dầm hay mái chèo gì thì cũng chỉ dùng cho ghe nhỏ, xuồng ba lá nhỏ thôi. Thậm chí có nhiều nhà ở miền Tây đến cả ghe nhỏ, xuồng ba lá nhỏ cũng gắn luôn động cơ máy nổ loại nhỏ hết rồi.

    Những loại thuyền ở nơi này mà đưa người miền Tây chèo, con nghĩ họ sẽ chèo à? Động cơ thuyền bây giờ cũng không có đắt. Đã vậy dân đi biển gì mà có làn da còn trắng trẻo hơn cả Baba, không ai đội nón mà vẫn trắng thế chứ."

    Ngọc Mai tiện tay lấy luôn cái nón trên đầu ông Ba xuống, cũng không kịp lên tiếng, ông Ba đã quay phắt người lại trừng mắt với Ngọc Mai, chưa gì đã trở mặt sửng cồ liền: "Con làm gì vậy?"

    Cô đưa tay lên miệng suỵt một cái: "Chúng ta quá khác người, cái gì nổi bật quá thì tạm cất vô đi, Baba không thấy bọn họ đang nhìn chúng ta chầm chầm kia kìa."

    Ông Ba bực bội lấy tay xoa xoa cái đầu trọc lóc cảm thấy không quen. Đến đi ngủ mà cũng có mũ trùm đầu thì đúng là không quen thật. Nghe Ngọc Mai nói xong, ông im lặng giật nón lại, rồi nhét trở vô balo ôm khư khư trước ngực, sợ Ngoc Mai trở quẻ chút nữa lại lấy cái cớ nào khác với cái nón của ông. Gì thì gì, chứ đụng đến nón của ông là ông không chịu nổi.

    Ngọc Mai âm thầm lắc đầu, đã là tật thì không thể sửa được. Cô cúi người xuống tháo đôi giày đang mang ở chân ra, lấy giày đập đập lên chân ông: "Baba cởi giày ra, dẹp luôn đi."

    Ông Ba thật cảm thấy mệt giùm cho Ngọc Mai: Nghĩ làm chi lắm thế? Nhìn thôi đã thấy khác rồi, rộn lên làm gì. Nhưng cho dù ông có bực bội kiểu gì thì ông vẫn phải làm theo lời Ngọc Mai. Vì sao à? Vì trong balo Ngọc Mai có trà của ông nha.

    Và ông dám bảo đảm trà vẫn còn nguyên vẹn, không hư hao gì. Vì tính Ngọc Mai cẩn thận, đi đâu, làm gì cũng chu toàn trước sau, ông chưa bao giờ nghi ngờ về điều đó. Với lại ông đã từng thấy Ngọc Mai mở hộp trà mấy lần, hộp trà được bảo quản rất cẩn thận lớp trong hộp thiếc, lớp ngoài hợp sắt, thêm túi nhôm hai lớp.

    Hai cha con sửa soạn lại bộ dáng xong thì đi về phía trước. Tất cả mọi ánh mắt đều nhìn về hướng hai cha con đang đi đến gần, mọi người hầu như đều dừng tất cả công việc lại, chỉ đăm đăm nhìn như chờ hai cha con đến gần hơn.

    Một chàng thanh niên tầm tuổi Ngọc Mai đứng gần họ nhất bước đến cất tiếng hỏi: "Hai người từ nước khác, bị sóng đánh dạt vào đây à?"

    Nghe được tiếng nói Việt Nam, hai cha con cảm động suýt rơi nước mắt. Nhưng nghe câu hỏi trực tiếp của chàng trai này, khiến tâm trạng của hai cha con ông vừa tạm lắng xuống lại nổi lên sửng sốt: Đoán hay quá vậy!

    Ông Ba như tìm được tri âm, khuôn mặt xúc động như muốn ôm luôn anh chàng, ông Ba gật mạnh đầu rồi nói:

    "Cậu này, sao cậu biết hay vậy? Cậu làm ơn cho hai cha con tôi hỏi thăm, nơi đây là đâu? Và có tên gọi là gì thế?"

    "Đây là hải cảng nước Tây, tôi và ông nội tôi cũng là từ nơi khác bị sóng đánh đến đây. Nơi này, họ rất chờ mong đón tiếp những người như chúng ta."

    Hai cha con còn chưa kịp hỏi thăm gì, thì lại có thêm rất nhiều người khác đến góp giọng.

    Người nữ: "Nhìn hai cha con không có thương tích gì thật tốt."

    Người nam: "Hai cha con có thấy cơ thể không thoải mái chỗ nào không? Cứ nói ra để chúng tôi giúp đỡ."

    Người già: "Hai cha con được Thần biển chọn đem đến đây, âu cũng là cái duyên, nếu đã đến đây thì ở lại nước Tây đi."

    Người trẻ: "Đến trạm đăng ký khai báo, đổi vài vật dụng của bản thân là có thể sinh sống ở đây được rồi."

    Người không già, không trẻ: "Muốn làm ăn buôn bán gì chỉ cần đăng ký sẽ được hỗ trợ, còn không thích có thể tự ứng cử về sở trường bản thân, hoặc thi thố tài năng đều được, nếu thông qua sẽ có chức vụ và được phụ tá cho Vương."

    Mỗi người một câu, thái độ rất ôn hòa chào đón, không nghĩ đến người dân nơi này nhiệt tình đến thế. Hai cha con đứng hình á khẩu một chỗ, đầu óc hiện tại không đủ dùng để tiêu hóa hết lượng thông tin quá lớn đột ngột này. Có thần biển, có Vương ư?

    *Cây bão táp: Có tên là cây Hếp. Nó thường mọc tại những nơi thường xuyên chịu sóng gió mặn, và thường là những loại cây đầu tiên mọc trên các bãi và doi cát trên biển. Cây này ưa thích các vùng cát khô, chịu muối mặn rất tốt.

    Đây là loài cây bụi to, có thể đạt đến chiều cao bốn mét, mọc gần biển, quen chịu nước mặn, thường mọc trên đất cát hay sỏi đá. Hoa và quả cây có màu trắng, ra quanh năm. Quả cây nổi được trên mặt nước, và được dòng chảy mang đi nên cây này thường là một trong các loại cây tiên phong ở các bãi cát hoang tại vùng nhiệt đới.

    Không những có tác dụng về sinh thái, dịch quả Hếp còn được dùng chữa bệnh mờ mắt, còn rễ và lá sắc uống chữa phù thũng, lá ăn cầm tiêu chảy. Trên quần đảo Trường Sa, do cây chịu được gió mặn và sóng to nên quân lính ở đảo đã đặt cho Hếp tên gọi là "bão táp". Nguồn vi. Wikipedia.org
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2020
  7. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 6: Nảy sinh rắc rối

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mọi người đều bỏ lại công việc trong tay xuống, cùng nhau di chuyển đến chỗ hai cha con đứng, tất cả mọi ánh mắt đều nhìn hai cha con giống như họ là động vật quý hiếm.

    Bị chiếu tướng nhiều như thế ông Ba thấy không được tự nhiên, ông xoa xoa hai bàn tay vào nhau, định lên tiếng hỏi thăm tiếp thì có một người đàn ông trung niên đầu quấn khăn rằn ri, nhảy từ trên thuyền buồm to nhất nơi này rẽ đám đông đang đứng, ồn ào lên tiếng đi về phía này:

    "Cảm phiền cho tôi qua, cho tôi qua nào."

    Không chịu nổi sự càn quét của người đàn ông trung niên, đám đông đang đứng nhường đúng một chỗ nhỏ cho ông dừng chân.

    Khi đến trước mặt hai cha con, người đàn ông trung niên đầu quấn khăn rằn ri nhìn hau háu vào cái balo ông Ba đang ôm trước ngực, định cất tiếng thì có một ông cụ trông có vẻ lớn tuổi nhất trong đám đông lên tiếng trước:

    "Nước Tây không có quy củ gì khắt khe, cũng không quan tâm hỏi đến quá khứ hay xuất thân. Hai người cứ đi thẳng về bên phải chừng khắc sẽ thấy cổng chào, bước qua cổng chào sẽ thấy trạm đăng ký nhập hộ tịch.

    Sau khi khai báo nhập hộ tịch xong, hai cha con sẽ là công dân của nước Tây, và được quyền khai hoang đất để sinh sống.

    Nếu hai cha con không muốn khai hoang đất, thì có thể tìm những ai có nhu cầu bán mua lại. Hai cha con đem vật phẩm hai người đang có để đem đi đấu giá, đổi thành hạ thể là có thể trao đổi, buôn bán với người dân nơi đây."

    Chờ ông cụ vừa dứt lời, người đàn ông trung niên đầu quấn khăn rằn ri vội vàng, hấp tấp lên tiếng:

    "Tôi gọi là Hai Tánh, là tiểu thương người nước Đông, đến đây để trao đổi vật phẩm với nước Tây, hai người có gì mới lạ mang trên người đều có thể trao đổi hoặc bán lại cho tôi. Tôi cam đoan sẽ cho hai cha con giá hậu hĩnh nhất."

    Vừa nói hai tay vừa xoa xoa vào nhau, đôi mắt hấp háy, nhìn hai cha con họ thiếu điều muốn chảy cả nước miếng, bộ dáng như mèo đói tự nhiên thấy có miếng cá thật ngon để trước mặt.

    Mọi người xung quanh nghe xong liền thay đổi sắc mặt, mọi người đều trừng mắt nhìn người tên Hai Tánh thiếu đều như nói rõ: Chú mày muốn ăn đòn.

    Ông cụ vẻ mặt âm trầm quay qua nói với người tự xưng là Hai Tánh:

    "Cậu Hai Tánh đây nói vậy là có ý gì? Các nước đều có quy định chung thống nhất, người lạ được Thần biển dẫn đến nước nào thì sẽ là công dân của nước đó, trừ phi họ không đồng ý.

    Nếu họ có vật phẩm, sẽ được tổ chức đấu giá công khai. Nước chúng tôi không có ngọc thể mua vật phẩm của họ? Hay là không có thành ý giúp đỡ họ an cư? Mà phải cần đến Cậu Hai Tánh đây có ý đục nước béo cò."

    "Haiza! Đừng hiểu lầm, đừng hiểu lầm. Chúng tôi đến đây thiện chí là trao đổi vật phẩm kiếm thêm chút ít, thuận mua vừa bán, các nước tự do thông thương có thấy luật cấm đoán gì đâu."

    Hai Tánh liên tục phân bua. Mọi người nghe xong càng tức khí hơn, ồn ào lên tiếng:

    Người trẻ: "Cái gì gọi là thuận mua vừa bán, nói trắng ra là nước Đông ỷ thế hiếp người, muốn đoạt lợi ích với nước Tây."

    Người trung niên: "Cậu còn đang đứng ở nước Tây đó, ta nhổ vào."

    Người nữ: "Hôm nay đừng đổi hàng của cậu ta."

    Người nam: "Đuổi cậu ta về nước Đông đi."

    Mọi người: "Đi đi, đi đi."

    Người già: "Từ lúc hai ông cháu A Mã được Thần biển đưa đến nơi đây, cách nay cũng hơn hai mươi năm rồi mới lại có thêm hai người đến đây. Nghĩ cũng đừng nghĩ hừ!"

    Người không già, không trẻ: "Thằng cha Hai Tánh này đúng là hám lợi mà, sau này gia đình tôi sẽ không làm ăn buôn bán gì với ổng nữa."

    Ông nội A Mã từ nãy đến giờ đều im lặng đột ngột lớn tiếng: "Mọi người bình tĩnh, mọi người bình tĩnh nào." nói đoạn quay qua nói với hai cha con Ngọc Mai:

    "Hai người nếu có vật gì cần trao đổi thì nên đăng ký ở trạm, để trạm tổ chức làm cuộc bán đấu giá công khai sẽ không thiệt cho hai cha con. Nếu quyết định là công dân nước Tây thì nên ủng hộ vật chất cho nước Tây."

    Mọi người lại ồn ào: "Đúng vậy, đúng vậy!"

    Người đàn ông tự xưng là Hai Tánh cảm thấy thất sách, hối hận xanh mặt. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà gây thù chuốc oán với ngư dân hải cảng nơi này. Xem như việc làm ăn buôn bán lần này công cốc. Hai Tánh canh lúc mọi người không ai để ý đến mình, từ từ xoay người lại không nói tiếng nào quay lại thuyền, giục mọi người trên thuyền kéo buồm lên, tiếp tục hành trình trao đổi buôn bán với các nước khác.

    Ông Ba nhìn tình hình căng thẳng trước mắt cũng cảm thấy líu lưỡi, mọi việc xảy ra quá nhanh. Nguồn cơn rắc rối xuất phát từ hai cha con ông khiến hòa khí của mọi người có xu hướng nổi loạn. Nhưng ông Ba lại tuyệt nhiên không có cơ hội để mở miệng nói tiếng nào, ông cảm thấy thật cạn lời với mọi người nơi này.

    Đang định bước lên mở miệng khuyên mọi người nên hòa khí thì cảm giác tay mình bị níu lấy, tưởng con gái có gì muốn nói nghiêng tai lắng nghe, nhưng chỉ nghe Ngọc Mai cứ lảm nhảm:

    "Mới lại có thêm ư? Người như chúng ta, không lẻ.."

    Có ý gì chứ, đang lúc dầu sôi lửa bỏng mà con bé này lại nổi chứng gì đây. Ông nhéo nhẹ tay con gái một cái cho nó tỉnh hồn lại. Cứ đứng mãi đây cũng không tốt lắm, để tránh phiền phức ông quyết định nhanh chóng bỏ chạy lấy người.

    Ông bước lên thêm vài bước cúi người chào mọi người, rồi cất giọng nói lớn: "Cám ơn mọi người, cám ơn mọi người rất nhiều, hai cha con chúng tôi lỡ bước trôi dạt đến đây còn lạ nước lạ cái. Thật rất cảm ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của mọi người.

    Chúng tôi sẽ làm đúng như mọi người chỉ bảo, rất hân hạnh cho hai cha con chúng tôi hôm nay được gặp mọi người. Để không lỡ mất thời gian của mọi người thêm nữa, hai cha con chúng tôi sẽ đi đến trạm đăng ký nhập hộ tịch trước. Một lần nữa rất cám ơn mọi người, có duyên hẹn gặp lại."

    Nói vừa xong ông Ba vội vội, vàng vàng cuối đầu chào thêm cái nữa, kéo tay con gái bỏ đi như chạy, không cho mọi người có cơ hội nói thêm tiếng nào.

    Mọi người từ từ giãn ra ai về việc nấy, tiếp tục làm tiếp như chưa hề phát sinh chuyện gì. Chỉ khác là tay thì làm, nhưng miệng thì vẫn buôn dưa lê đủ chuyện từ Hai Tánh đến hai cha con ông Ba. Câu chuyện này được nhai đi nhai lại không hề cũ suốt cả một thời gian dài ở vùng hải cảng này.

    Ngọc Mai bị kéo có chút loạng choạng, ba hồn bảy vía của cô bây giờ còn đang bận thích nghi, vì chúng mới vừa quay lại do được ông Ba kéo. Cô càm ràm: "Baba à! Từ từ thôi, Baba đang kéo tay đau của con đó."

    Ông Ba nghe vậy liền buông ngay tay Ngọc Mai ra, bước chậm lại lên tiếng cằn nhằn: "Con đó, ngay lúc quan trọng mà cứ đứng ngẩn ngơ, không để ý gì tới xung quanh hết, con lảm nhảm cái gì vậy?"

    Ngọc Mai cười hì hì làm lành, cô ôm lấy cánh tay ông Ba rồi nói:

    "Con nói cho Baba nghe, thật ra con đang rối rắm vấn đề mà cậu em A Mã đó vừa nói. Vì sao nơi này rất chào đón những người như hai cha con chúng ta? Vì sao họ nhìn đồ chúng ta mặc mà không có tí ngạc nhiên nào? Đã vậy còn giành giật đồ của chúng ta dù họ chưa biết chúng ta có thứ gì. Họ không nói đổi tiền, mà đổi cái gì hạ hạ.

    Còn nữa nha, chắc chắn là chúng ta không trôi dạt tới nước khác rồi, vì người dân nơi này nói tiếng Việt, ở đây họ gọi người nắm quyền cao nhất là Vương, tín ngưỡng là Thần biển. Mọi đồ vật họ đang dùng nhìn còn rất thô sơ, thời gian họ gọi là khắc chứ không gọi là phút. Con nghĩ không chừng chúng ta quay về quá khứ hay trôi dạt đến thời không khác cũng nên."

    Ông Ba nhíu mày suy nghĩ hồi lâu rồi đi đến kết luận: "Cứ đi đến trạm đăng ký trước cái đã, rồi tìm hiểu sau cũng chưa muộn."
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng sáu 2021
  8. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 7: Mù chữ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đi ra hết đường cát biển, có bậc tam cấp dẫn lên cổng chào. Cổng được xây dựng chủ yếu bằng gỗ kết hợp với gạch, đá. Chỉ một lối đi duy nhất, có hai cột đá trụ biểu ở hai bên to cỡ hai người ôm, mỗi cột đều được chạm khắc hình rồng như đang từ dưới chân cột lượn vút bay lên trời.

    Cổng thiết kế hình chữ nhật, kết cấu hệ đấu-củng*, mái lợp ngói âm dương. Nóc mái được đắp hai hình rồng đối xứng, đang há rộng miệng trước ngọc quý. Tổng thể quy mô của cổng chào khi nhìn rất khí thế và hoành tráng.

    Nhưng điều làm Ngọc Mai đắng lòng nhất bây giờ chính là chữ được ghi trên cổng chào. Chỉ biết nhìn và nhìn thôi chứ không biết chữ gì với chữ gì. Cái quỷ gì đây, mọi người nói tiếng Việt nhưng viết chữ thể loại gì thế này? Sống hai mươi năm trên đời đều được công nhận là thành phần trí thức, trôi dạt đến nơi này lại hóa mù chữ.

    Đúng vậy! Là mù chữ, với kiến thức ngôn ngữ có hạn về Anh văn và Pháp văn, đủ đối phó với ngành dược cô đang theo học. Thì thật xin lỗi với thể loại chữ trên cổng chào kia mà tuyên bố chắc nịch là cô không biết.

    Ngọc Mai nghĩ nghĩ hồi lâu cảm thấy không đúng, cho dù là trôi dạt đến nước Tây không thuộc nước Việt Nam của thế kỷ 21, ở đây không viết ngôn ngữ nước Việt Nam thì nói tiếng Việt làm gì?

    Nhưng quái ở chỗ ông Hai Tánh là người nước Đông, cũng nói tiếng Việt Nam, văn phong nói cũng không khác người Việt hiện đại là mấy. Vậy giả thuyết xuyên về quá khứ của nước Việt Nam là không có khả năng. Vì chữ viết thời tổ tiên của Việt Nam trải qua rất nhiều thăng trầm và sóng gió.

    Từ thời vua Hùng Vương dùng chữ viết Khoa Đẩu ngày nay chúng ta gọi là chữ Việt cổ. Vào thời hai Bà Trưng bị Đông Hán đô hộ, người Việt Nam dùng chữ Nho hay còn gọi là chữ Hán. Đến năm 938 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán, người Việt giành quyền tự chủ thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, mượn dạng chữ Hán người Việt sáng tạo ra chữ Nôm* hay còn gọi là Quốc âm. Đến đầu thế kỷ 17, chữ quốc ngữ chính thức được ra đời cho đến ngày nay.

    Chữ nước Tây nơi này cũng dùng ký tự Latinh, nhưng tuyệt nhiên không giống chữ Việt Nam từ xa xưa cho đến nay. Chỉ còn khả năng còn lại, là hai cha con bị xuyên đến thời không của thế giới khác hay một thế giới song song, giống như trong các thể loại phim giả tưởng cô thường hay xem. Nhưng thế giới này có liên quan gì đến tổ tiên Việt Nam hay không?

    Qua bao thời kỳ sáng tạo và vay mượn chữ viết, biết đâu có một nhóm người Lạc Việt nào đó tìm đến nơi này sinh sống, rồi tự sáng tác ra một loại chữ viết khác. Giả thuyết này có vẻ thuyết phục, nhưng lại vướng ở chỗ tiếng nói.

    Cũng giống như chữ viết, tiếng nói của người Việt Nam cũng trải qua thăng trầm không kém. Có khác chăng là tiếng nói thì không dễ bị tiêu diệt, thiêu hủy, hư hao hay mất mát. Tiếng nói cũng trôi theo dòng chảy lịch sử, và cùng chung hoạn nạn với số phận nổi chìm của dân tộc.

    Vì cái gốc rễ tiếng nói người Việt Nam do các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học nổi tiếng khắp thế giới cho rằng người Việt Nam có chung họ hàng với hai loại ngôn ngữ nguyên thủy, là ngữ hệ Thái và ngôn ngữ Nam Á.

    Cho nên dù có trải qua hơn ngàn năm bị đô hộ, ngôn ngữ Việt Nam chẳng những không bị tiêu diệt, trái lại còn phong phú thêm. Đến thời vua Quang Trung, tiếng nói dân tộc Việt mới được xem là ngôn ngữ chính thức, nhưng lại một lần nữa lận đận vào thời Pháp thuộc. Mãi đến năm 1945 tiếng mẹ đẻ mới là ngôn ngữ chính thức của dân tộc Việt Nam.

    Tiếng nói của người Việt Nam chạy theo dòng thời gian của lịch sử không theo quy ước chung nào. Tùy phong thổ, vùng miền, địa phương mỗi nơi nói mỗi khác.

    Vì vậy, một đứa bé nào nếu có điều kiện cắp sách đến trường khi đủ tuổi đi học, đều sẽ trải qua môn chính tả được xem là môn khắc nghiệt thời trẻ trâu của mọi trẻ em Việt Nam.

    Mọi người có thể tưởng tượng, nếu như dân rặt ba miền của Việt Nam cùng nhau đứng một chỗ nói chuyện, thì thể nào một hồi cũng sẽ là "ông nói gà bà nói vịt" cho mà xem. Dù nghĩa không thay đổi nhưng nghe sẽ rất lạ tai.

    Quay lại vấn đề tiếng nói của dân nước Tây nơi này, họ dùng ngôn ngữ hoàn toàn là tiếng mẹ đẻ Việt Nam, thậm chí giọng nói rất giống người miền Nam, cách nói chuyện y như người hiện đại, mặc dù giờ giấc vẫn dùng từ khắc để tính cũng không nói lên được là họ có dây mơ rễ má gì với tổ tiên Việt Nam.

    Vậy tiếng nói của họ vì sao lại dùng ngôn ngữ Việt Nam thời hiện đại? Nếu giả thuyết cũng có người như hai cha con cô trôi dạt đến nơi này, vậy thì cũng gặp vấn đề là áo bà ba và chữ viết.

    Vì chiếc áo bà ba* của người Việt Nam xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19. Thời kỳ này người dân Việt Nam còn đang đau đầu với tiếng mẹ đẻ và chữ quốc ngữ, vua Thành Thái còn đang nỗ lực đưa chữ quốc ngữ tìm được chỗ đứng thời Pháp thuộc.

    Vậy chắc một điều là bộ đồ bà ba người Tây nơi này mặc cũng không liên quan gì đến Việt Nam, vả lại theo Baba từng nói áo bà ba nơi này cũng không giống với áo bà ba của người dân Nam Bộ.

    Càng phân tích càng thấy rối, rối quá thì thôi không nghĩ nữa, vì có nghĩ cũng không có kết quả.

    Ngọc Mai quay qua nhìn Baba từ nãy đến giờ cũng đứng bất động kế bên, khẽ khàng lên tiếng, sợ nói lớn khiến tâm hồn yếu đuối mỏng mảnh mong manh của ông sẽ vỡ vụn mất:

    "Baba à, chúng ta mù chữ rồi!"

    Ông Ba nhìn dòng chữ cũng không thấy sốc lắm, ngược lại ông cảm thấy rất lạc quan. Dự định của ông là ổn định để ít gây chú ý trước, sau đó nhờ người hỏi thăm rồi kiếm cách về nhà.

    Mạng sống này ông vừa mới giành giật với ông trời, không lý nào mới thấy chút khó khăn đã chùn bước. Ông Ba nhếch miệng nhún nhún vai, vẻ mặt bất cần đời lên tiếng:

    "Không biết chữ thì không biết chữ, sợ gì chứ. Cứ đi vào cái đã, chưa gì mất tinh thần là không tốt."

    Ngọc Mai nhướng mắt mỉm cười thích thú. Thật không bất ngờ nha! Tính cách của Baba chưa bao giờ làm cô thất vọng mà.

    Không thèm nhìn dòng chữ nữa, ông Ba ngồi bệt luôn xuống đất, kéo khóa balo lấy đôi giày và cái nón yêu dấu ra, ông Ba nhìn nón rồi liếc Ngọc Mai không biết nghĩ gì lại dẹp trở vô balo. Thấy Ngọc Mai đang nhìn mình, ông chỉ chỉ vào chân của cô:

    "Chúng ta bây giờ thuộc thành phần được hoan nghênh, nếu có khác biệt cũng bình thường, tội gì làm khổ bản thân nha."

    Đi qua cổng chào, phía trước là con đường lót đá rộng rãi trải dài thẳng tăm tắp, bốn làn xe hơi bốn chỗ đều có thể chạy qua lại dễ dàng. Nhìn bên trái và bên phải hai bên đường đều có mặt bằng kiến trúc hai tầng kéo dài cả đoạn đường thành nhiều gian nhà liên tục san sát nhau.

    Tòa nhà đầu tiên cả hai bên đường là tòa kiến trúc xây cao hơn các dãy nhà còn lại, tạo điểm nhấn giống hai cái đầu rồng to lớn, phần đầu sát biển phần thân là các dãy nhà kéo dài san sát dọc suốt hai bên đường, nhìn bằng mắt thường vẫn chưa thấy đuôi rồng kết thúc chỗ nào.

    Hai tòa nhà đầu tiên ở hai bên đường đều được xây trên thềm, xung quanh dựng hành lang nối liền nhiều gian liền kề, kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ, gạch, ngói và có cả đá làm chân cột, nền nhà lát gạch vuông.

    Mỗi tòa nhà đều có hai mặt tiền. Một mặt đối diện biển, một mặt hướng mặt tiền đường, mỗi mặt tiền có một bảng gỗ gắn trước cửa nhà, khắc chữ nhìn nội dung đều khác nhau. Hai cha con có nhìn thấy nội dung chữ cũng không hiểu gì. Các cửa đều mở rộng, trước mỗi cửa đều có để hai bức tượng đá kỳ lân uy mãnh.

    Hiện tại trên đường vô cùng vắng vẻ, không thấy một bóng người nào. Sau khi ngắm nghía đủ hai cha con không biết bên nào là trạm đăng ký, cứ theo bản năng bên nào gần nhất bước vào bên đó hỏi thăm.

    * Hệ đấu-củng: Các khối gỗ (đấu) và các tay xà ngắn (củng) được cắt gọt sao cho khi chồng lên nhau chúng sẽ đan cài vào nhau để tạo thành một khối thống nhất. Nguồn tham khảo: Wikipedia.org

    * Chữ Nôm: Ý của tên gọi chữ Nôm là đây là thứ chữ dùng để ghi chép tiếng nói của người phương Nam (tức người Việt, xưa kia người Việt tự xem mình là người phương Nam, còn người Trung Quốc là người phương Bắc). Nguồn tham khảo: Chinese.com.vn

    * Áo bà ba: Trong những thế kỷ trước, áo bà ba đã xuất hiện tại Việt Nam. Thông qua việc buôn bán, người Việt Nam có thể đã giao lưu văn hóa với người Peranakan, cách tân kiểu áo của họ để có được "áo bà ba". Nguồn vi. Wikipedia.org/

    Nguồn tham khảo chữ viết, tiếng nói Việt Nam qua các thời kỳ:

    vi. Wikipedia.org/

    Văn Lang thời Hùng Vương đã từng có chữ viết riêng?

    Đúng, chữ quốc ngữ ra đời đầu thế kỷ 17 - VnExpress

    Quốc ngữ và nỗ lực 'thoát Hán' của các vua nhà Nguyễn

    Facebook

    Tiếng Nói và Chữ Viết của người Việt Nam qua các thời đại
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2020
  9. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 8: Đăng ký hộ tịch

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vừa bước qua cổng chính dãy nhà bên trái, trước mắt là gian nhà gỗ lợp ngói hai tầng. Cửa gian nhà chính đang rộng mở, bên trong thấy có một người mặc áo lụa kiểu bà ba màu trắng ngồi trước bàn gỗ lớn, đang cắm cúi ghi chép gì đó.

    Hai bố con tiến vào, ông Ba lên tiếng hỏi thăm: "Làm ơn cho tôi hỏi.."

    Biết bao nhiêu điều muốn hỏi nhưng vừa thấy anh ta ngước mắt, lời muốn nói của ông Ba đều mắc nghẹn.

    Người ngồi sau bàn nhìn tầm ngoài ba mươi, khuôn mặt chữ điền, nước da trắng không thua gì Ngọc Mai. Từ khi hai cha con bước vào cổng chính, đã được anh ta nhìn chằm chằm.

    Mở rộng sổ nhật ký làm việc hôm nay, anh viết vội vài chữ thật to. Vừa viết xong, đôi mắt anh ta lóe lóe phát sáng, nồng nhiệt nhìn chằm chằm cả hai cha con không chớp mắt.

    Cũng không đợi hai người nói gì thêm, anh đứng bật dậy, mặt thoáng chốc đỏ phừng phừng, kích động đến giơ tay cũng thấy luống cuống. Anh chỉ chỉ mấy chiếc ghế để phía trước bàn, bắt đầu mừng rỡ tuôn tràn nói như điên:

    "Mời ngồi, mời ngồi, hai người đến đăng ký hộ tịch à, dữ hôn! Từ lúc tôi đến đây tiếp nhận vị trí này đến nay, chưa hề tiếp đón được ai, tôi sắp chán đến muốn từ chức luôn này, cuối cùng cũng có người rồi. Sao còn đứng đó, đến ngồi, ngồi xuống đây nào."

    Vừa nói anh vừa chỉ chiếc ghế dài bằng gỗ trước mặt, dọn cuốn sổ để qua một bên rồi nói tiếp:

    "Tôi tên Bá An, đang phụ trách ở đây." Giới thiệu tên xong, Bá An đứng dậy lăng xăng chạy qua chạy lại bưng trà rót nước, âm thanh ấm trà va chạm nghe lốc cốc, mời trà xong lại nói tiếp:

    "Uống cho khỏe nào, trà Tây Bắc nổi tiếng nhất nước Tây, hai người cứ tự nhiên không cần ngại, hai người chắc cũng đói bụng đi, chờ tôi chút."

    Anh lại đứng bật dậy lần nữa, đi đến tủ gỗ trong góc phòng, mở tủ lấy chừng ba, bốn hộp gỗ chồng chồng lên đem đến như hiến vật quý.

    Hai cha con nhìn thấy sự nhiệt tình của anh chàng Bá An cũng cảm thấy ngại, nhưng ngại nhất có lẽ là ông Ba. Bị bệnh nghề nghiệp ám ảnh, nên ông Ba thật nghi ngờ với vẻ mặt đỏ phừng phừng của anh chàng này, không biết có tiền sử bị bệnh tăng huyết áp không?

    Anh ta sẽ không xảy ra chuyện gì chứ? Hai cha con mới vừa đến không thể xui xẻo đến vậy đi.

    Ông Ba thật nóng lòng muốn giới thiệu chức danh, rồi ra lệnh cho anh ta ngồi xuống, đưa tay để ông bắt mạch ngay và luôn. Nhưng nhìn dáng đi khỏe như vâm đó của anh ta ông Ba từ bỏ ý định.

    Ông Ba nhăn trán ngồi nhìn anh ta lăng xăng, muốn gợi chút chuyện hỏi thăm thêm gì đó nhưng tuyệt nhiên không có cơ hội mở miệng, anh ta lại lên tiếng tiếp:

    "Đây là các món ăn vặt khá hiếm tôi để dành mãi không dám ăn đó, hai người cứ ăn thoải mái." Vừa nói vừa thoăn thoắt mở tất cả các nắp hộp vừa giới thiệu:

    "Đây là cốm, đây là kẹo thảo hoa, còn đây.." Anh đưa tay kéo hộp ngoài rìa bàn đẩy vô: "Đây là nếp đường, còn đây là bánh áp nồi. Hai người thử xem."

    Lần này thì Bá An im lặng thật, chỉ ngước cặp mắt sáng rực như có muôn vàn mong mỏi: Hai người ăn đi, các món ăn vặt này khó kiếm lắm đó. Ăn xong hãy khen tôi đi, khen tôi thật nhiều vào nhé..

    Ông Ba đưa tay lên xoa xoa cái đầu trọc lóc, ngoài miệng thì cười giả lả:

    "Ngại quá, ngại quá!" Nhưng lại thầm liếc liếc trong bụng: Mời ăn mà anh bảo anh không dám ăn, đồ để dành thì ai mà dám ăn hử hử.

    Hai cha con mỗi người lấy đôi đũa trên nắp hộp, gắp mỗi thứ một tí ăn lấy vị, cũng không dám gắp quá nhiều. Đây đều là đồ quý hiếm đó.

    Sau khi thử hết một vòng hai cha con lại len lén nhìn nhau, đại ý ánh mắt đó đều nói: Thật không dám khen tặng.

    Ngọc Mai thấy nguyên liệu đều là nếp hay gạo, đơn giản là ngào thêm đường phủ bên ngoài, hoặc trộn lẫn đường bên trong, chỉ khác mỗi hình thức. Tên nghe "kêu" nhưng nếm thử cũng bình thường, mấy món này dùng từ quý hiếm thì thật hơi quá.

    Thấy hai người chỉ ăn có một ít, Bá An lại nhiệt tình mời ăn thêm. Ông Ba đành lên tiếng:

    "Cám ơn sự hiếu khách của anh, cha con tôi ăn đủ rồi, cảm ơn anh thật nhiều. Các món này đều rất ngon, đây là lần đầu chúng tôi được nếm thử."

    Ông Ba lén bổ sung trong lòng: Đừng kêu chúng tôi ăn nữa mà, làm ơn đi. Ông Ba làm bộ làm tịch đằng hắng hai tiếng rồi nói tiếp:

    "Chúng tôi có thể đăng ký nhập hộ tịch được chưa?"

    Bá An cười cười, cất giọng vui vẻ: "Không gấp, không gấp, chúng ta có thể tâm sự xong rồi đăng ký cũng không muộn."

    Hai cha con lại len lén liếc nhau thêm lần nữa ngụ ý: Cha này có bệnh? Chắc luôn!

    Bá An đứng dậy dọn lại các hộp bánh đem cất vào chỗ cũ, quay lại vừa ngồi xuống thì thấy cuốn sổ anh vừa dẹp lúc nãy đã được để sẵn trước mặt. Anh mỉm cười, chắc hai cha con đang sốt ruột muốn nhập hộ tịch làm công dân nước Tây lắm đây.

    Bá An hiện tại cứ hồn nhiên, vô tư không hề nghĩ xấu cho hai cha con ông Ba, chỉ nghĩ là họ giúp anh lấy chỉ vì sốt ruột. Cũng không muốn chậm trễ hai cha con anh lật sổ ra, vừa nắn nót viết vừa cười tủm tỉm. Nếu như Bá An chịu khó ngước lên nhìn hai cha con thì sẽ thấy rõ mặt họ đang viết: Anh quá lề mà lề mề.

    Hai cha con nhìn chằm chằm cuốn sổ mà Bá An đang viết, gọi sổ cho sang chứ thật ra chỉ là mấy tờ giấy màu ngà ngà cắt thành hình chữ nhật. Được xếp ngay ngắn từng trang chồng lên nhau, và được may lại rìa trên cùng bằng một hàng chỉ thô cũng màu ngà ngà.

    Cây viết kiểu tự chế làm từ than gỗ dài cỡ chiếc đũa, được mài nhẵn mịn. Phía để tay cầm viết được miếng vải bao quanh, và cột lại bằng sợi dây vải mảnh. Nhìn cây viết tự chế này hai cha con lại vụng trộm nhìn nhau.

    Bá An mải mê viết như chưa từng được viết, cứ nắn nót đúng vài nét chữ rồi lại lật lên, hí hoáy đến trang thứ tám mới dừng lại hỏi:

    "Hai người muốn giữ tên cũ hay lấy tên mới, nếu tên mới tôi sẽ giới thiệu cho vài tên."

    "A! Không cần, lấy tên cũ đi, tên tôi là Nguyễn Văn Ba, con gái tôi là Nguyễn Ngọc Mai."

    Bá An nghe xong lại cúi xuống hí hoáy viết tiếp, viết đến trang thứ năm rồi mà hai cha con vẫn còn thấy anh ta lật giấy lên viết, chỉ là họ tên thôi mà dài dòng quá vậy! Ông Ba âm thầm kết luận: Chữ này viết quá tốn giấy.

    Bá An viết đến trang thứ tám lại cất tiếng hỏi thêm lần nữa: "Bao nhiêu tuổi?"

    "Tôi năm mươi, còn con gái hai mươi."

    Ông Ba nói xong nhưng lần này lại không thấy Bá An viết thêm gì nữa, đợi hồi lâu vẫn không thấy cây than gỗ nhúc nhích ông Ba đành ngước mắt lên nhìn. Không ngước nhìn còn đỡ, ngước nhìn rồi ông Ba đâm ra hoang mang với biểu cảm đang có của anh ta.

    Ông Ba không biết làm sao khi anh ta cứ nhìn mãi, nhìn mãi mà không lên tiếng hay cử động gì. Ông Ba đành quay qua Ngọc Mai tìm an ủi. Ngọc Mai nhướng nhướng mày, lấy bàn tay sờ nhẹ lên cổ của mình.

    Ông Ba hiểu ý, nắm bàn tay lại đưa lên miệng đằng hắng hai tiếng. Vì muốn chắc ăn anh ta sẽ để ý, ông Ba đằng hắng thêm một tiếng nữa.

    Từ lúc Bá An nghe ông Ba báo số tuổi xong thì nhìn ông Ba lom lom như quái vật. Nghe ông Ba đằng hắng xong, anh ta chậc chậc hai tiếng. Hai cha con lại lén lén nhìn nhau.

    Ông Ba lên tiếng hỏi thẳng: "Tuổi tôi và con gái có gì không đúng sao?"

    Anh ta chậc chậc lần nữa, đổi luôn cách xưng hô: "Tôi năm nay đã năm mươi tuổi, anh bằng tuổi tôi sao mà nhìn anh già thế?" Nói xong Bá An tỉnh bơ cúi xuống ghi tiếp.

    Ông Ba nghe xong thiếu điều muốn nổi xung thiên, giận tím cả người. Còn Ngọc Mai cố gắng nhịn cười muốn đau cả ruột.

    Không đợi ông Ba giận xong, Bá An tiếp tục nói: "Tuổi thọ trung bình của nước Tây từ 150 đến 200 tuổi. Tuy không bằng ba nước còn lại nhưng xê xích cũng không bao nhiêu, kỷ lục thọ nhất của nước Nam là 310 tuổi đấy."

    Gì cơ? Hai cha con ngơ ngác trợn mắt cùng quay qua nhìn nhau.

    Nhìn vẻ mặt của hai cha con, Bá An lại như thấy được tri kỷ, hưng phấn nói liến thoắng:

    "Từ lâu tôi nghe nói người được Thần biển đưa đến có tuổi thọ trung bình chỉ khoảng bảy mươi nhiều nhất là hơn một trăm lẻ mấy tuổi. Lúc hai ông cháu A Mã được Thần biển đưa tới tôi còn đang công tác ở nước Bắc, bỏ lỡ thời khắc quan trọng được nhìn thấy diện mạo ban đầu của hai ông cháu họ. Nhưng không sao, giờ tôi đã được mục sở thị nhìn thấy anh Ba đây cũng đủ thỏa mãn rồi."

    Nói xong Bá An cười híp cả mắt.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng ba 2021
  10. TruyencuaHanh

    Bài viết:
    47
    Chương 9: Ngọc thể

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Để cứu vớt hai đôi mắt không trợn đến lồi rớt ra ngoài. Bá An đút tay vào túi áo lấy ra một túi vải, mở túi lựa qua lựa lại lấy ra được ba viên tròn tròn từ nhỏ đến lớn cỡ viên bi chỉ cho hai cha con:

    "Vật để gia tăng tuổi thọ và trao đổi mua bán các nước nơi này là ngọc thể, chính là thứ này: Viên nhỏ nhất như màu đất là hạ thể, viên nhỉnh hơn chút màu cam này là trung thể, còn viên màu vàng này là thượng thể. Còn có đại thể, hoàng thể và thánh thể, càng về sao viên càng to màu càng sáng và càng trong.

    Viên thánh thể và hoàng thể tôi chưa thấy bao giờ. Nghe nói viên thánh thể trong suốt không màu, trong bốn nước chỉ có nước Nam có đúng một viên.

    Viên hoàng thể thì nước Tây chỉ có được hai viên, nó màu trắng. Còn viên đại thể thì cả gia đình tôi mỗi năm cũng chỉ có một hoặc hai viên không có hơn, chúng có màu ngà.

    Những viên ngọc thể này tồn tại từ các con ngọc sâu dưới đáy biển, được các ngư dân với tài nghệ bơi lội giỏi nhất mạo hiểm đi thuyền lặn xuống bắt. Chúng sống càng lâu năm thì ngọc thể càng quý, đa số tìm được nhiều nhất là ngọc hạ thể.

    Khi bắt được chúng họ sẽ lấy dao mỏng nạy phần vỏ cứng ra lấy ngọc thể, còn phần thịt ngọc sẽ chế biến các món ăn tăng cường mạnh khỏe rất tốt cho cơ thể. Nếu muốn tăng tuổi thọ thì dùng ngọc thể, cách dùng thì chỉ cần hấp mềm là ăn được rồi.

    Dùng ngọc thể theo cấp số tuổi sẽ được tăng tuổi thọ, nhưng ngọc thể này có hạn chế số tuổi, nếu là hạ thể thì chỉ dùng để trao đổi mua bán vật chất, không có tác dụng gì cho tuổi thọ.

    Trung thể thì hai mươi tuổi trở lên có thể dùng, thượng thể thì năm mươi tuổi trở lên. Hai loại ngọc thể này tuy là không cần thiết với tuổi thọ, nhưng nó quan trọng ở chỗ khi dùng viên trung thể đầu tiên, có thể thay đổi hoàn toàn thể trạng sức khỏe, khiến con người tráng kiện, loại bỏ từ từ các mầm mống của các loại bệnh trong cơ thể theo thời gian. Cải tạo lại cơ thể mới có thể tiếp nhận được tuổi thọ của các ngọc thể khác sau này.

    Điều quan trọng nhất của viên trung thể đầu tiên này, tùy theo thể trạng cơ địa của mỗi người mà sẽ quyết định giữ lại được bao nhiêu phần trăm tuổi trẻ của người dùng nó. Đó là lý do vì sao tôi đã năm mươi tuổi nhưng nhìn còn trẻ hơn anh Ba đây.

    Còn viên thượng thể thì nên dùng bắt đầu từ năm mươi tuổi trở lên. Lúc này là thời kỳ tốt nhất của cơ thể, viên thượng thể này làm chậm lại quá trình lão hóa, cũng tùy theo cơ địa mỗi người, mà viên thượng thể này có thể duy trì hình dáng và sức khỏe tốt nhất con người đang có đến ngoài trăm tuổi.

    Đa số nếu lập gia đình vào thời gian này, đây là thời điểm tốt nhất để sinh con, nơi đây khá hiếm muộn nên con cái rất quan trọng.

    Và điều đặc biệt của viên thượng thể này, là nếu có người vượt tuổi để dùng viên trung thể, thì viên này là cơ hội cuối cùng để cải tạo và làm chậm lại quá trình lão hóa, cũng như nâng cấp cơ thể giống như viên trung thể, để có thể tiếp nhận được tuổi thọ của các ngọc thể khác sau này.

    Còn đại thể thì một trăm tuổi trở lên mới có thể dùng. Lúc này thì tuổi trẻ và sức khỏe của cơ thể đã bão hòa, quá trình lão hóa sẽ bắt đầu xuất hiện.

    Dùng ngọc thể cấp cao bao nhiêu thì cơ thể sẽ đạt được tuổi thọ bấy nhiêu. Phải dùng ngọc thể đúng số tuổi quy định mới có tác dụng, nếu người trên năm mươi tuổi mà dùng ngọc thể cấp hai mươi tuổi thì không lợi lộc gì cả, để làm vật trao đổi buôn bán có ý nghĩa hơn.

    Nếu đến tuổi mà không có ngọc thể cấp cao hơn để dùng, thì cũng không ảnh hưởng gì cho cơ thể, mọi người có thể dùng ngọc thể ngang tuổi để duy trì sức khỏe, khi nào có được thì dùng để bổ sung tuổi thọ."

    Sau khi nghe xong buổi thuyết trình tràng giang đại hải về ngọc thể, hai cha con có thể tự tóm gọn lại: Tất cả các ngọc thể đều có thể làm ngân lượng. Muốn dùng ngọc thể phải dùng đúng số tuổi trở lên, muốn có tuổi thọ thì dùng, không muốn dùng hay không có để dùng cũng không sao, hết.

    Ông Ba âm thầm đưa mắt liếc qua liếc lại ở trong bụng: Có bấy nhiêu mà sao chú mày nói chi mà lắm thế không khát nước à?

    Những ngọc thể này ở sâu dưới đáy biển, nơi này dụng cụ phục vụ đời sống còn khá lạc hậu và thô sơ, vậy họ có các thiết bị lặn để hỗ trợ xuống biển không? Họ có bị bệnh giảm áp* không?

    Ngọc Mai cứ lăn tăn với vấn đề tìm hiểu xem, nơi này có tiếp cận với sự tiến bộ của thế kỷ 21. Vừa thấy Bá An dừng lời, cô vội lên tiếng hỏi ra thắc mắc của bản thân mãi mà chưa có dịp để xen lời:

    "Chú có thể nói cho hai cha con chúng tôi biết thêm, là những người bơi lội giỏi nhất đó họ làm cách gì để có thể lặn xuống đáy biển? Họ duy trì hơi thở bằng cách nào, và nín thở trong khoảng thời gian bao lâu? Tôi thật sự rất tò mò."

    Bá An nhướng mày thích thú, từ lúc vào đây đến giờ anh ta mới thấy cô gái này lên tiếng, nhưng lại hỏi đúng vấn đề quan trọng nhất. Cô gái tên Ngọc Mai này nhìn còn trẻ, nhưng cách nhìn nhận vấn đề khá là sâu sắc, thú vị thật!

    Việc này được xem là cơ mật của mỗi nước, những người thợ lặn giỏi nhất nước Tây thật ra có không nhiều, chủ yếu là cha truyền con nối. Mỗi một thợ lặn đều sẽ được Vương đãi ngộ cấp bậc ngang hàng cấp một của giới trí thức, được cử người bảo hộ kề bên thời thời khắc khắc.

    Thật ra ai cũng ngầm hiểu là Vương không muốn các nước khác đào đi người tài của mình. Đến cha cậu ta còn không biết được những người này có bí quyết nín thở gì, thì làm sao cậu ta biết đây. Câu hỏi của cô gái này cũng thật làm khó cho anh ta.

    Bá An lên tiếng nói thẳng: "Thật ra vấn đề này được xem là cơ mật. Tôi cũng không được biết quá nhiều, có thể nói sơ để cô bé bớt tò mò. Khi xuống biển những người đó sẽ ôm theo một tảng đá dài cỡ cánh tay, cả tảng đá đó và họ đều được cột bằng sợi dây rất dài để có thể hỗ trợ kéo họ lên khi đến thời khắc đã ước định.

    Và những người bơi lội giỏi nhất đó làm cách gì để duy trì đến thời khắc được ước định thì tôi không biết. Cũng có thể do dùng ngọc thể như tôi đã nói qua, tùy theo thể trạng cơ địa của mỗi người khi dùng ngọc thể sẽ được cải tạo lại và nâng cấp."

    Ngọc Mai nghe xong thì giật mình, theo như lời Bá An thì đây là cách lặn biển của người cổ đại* trên khắp thế giới. Nếu vậy họ cũng không biết bảng Haldane* là gì? Bảng này xuất hiện khoảng năm 1907, vậy nơi này niên đại trước năm 1907, Ngọc Mai bị đơ hoàn toàn.

    *Bệnh giảm áp: Bác sĩ Cunningham, chuyên gia pháp y của Hải quân Hoàng gia Anh viết trong báo cáo: "Thông thường khi ở trên mặt đất, cơ thể con người chịu tác động của áp suất không khí khoảng 1 at-mốt-phe/cm2 (viết tắt là atm/cm2, tương đương 760 mm thủy ngân) nhưng khi xuống nước, cơ thể phải chịu thêm áp suất của nước. Cứ xuống sâu 10m thì áp suất tăng thêm 1atm. Càng xuống sâu, áp suất càng lớn..". Nếu xuống sâu đến 30m, thợ lặn sẽ cảm thấy tức ngực, ù tai, mờ mắt, choáng váng, mất nhận thức nếu không có bình oxy giúp thở và nếu sâu hơn nữa, thợ lặn sẽ hôn mê rồi tử vong.

    Vẫn theo bác sĩ Cunningham, khi xuống đến độ sâu hơn 30m, một số loại khí trước đó đã hòa tan trong máu thì bây giờ chúng tách ra, bao gồm cả khí nitơ. Nếu như ở trên mặt đất, lượng nitơ hòa tan trong máu là gần 1 lít thì ở độ sâu 20m, nó là 2 lít. Lúc thợ lặn ngoi lên mặt nước một cách đột ngột, nitơ không kịp đến phổi để theo không khí, hòa tan trở lại với máu nên nó hình thành những bọt khí, càng lúc càng lớn dần, gây tắc mạch máu, chèn ép các tế bào thần kinh, thuyên tắc phổi. Hậu quả là thợ lặn tử vong hoặc liệt. Cunningham gọi đây là "bệnh giảm áp".

    *Bảng Haldane: Đầu năm 1907, Hải quân Hoàng gia Anh ban hành một quy chế, gọi là "Bảng Haldane", ấn định các nguyên tắc bắt buộc cho tất cả mọi thợ lặn nếu họ lặn ở độ sâu quá 30m. Quy chế này sau đó nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới và vẫn được áp dụng cho đến ngày nay, cứu sống hàng trăm nghìn thợ lặn mặc dù các thiết bị lặn ngày nay đã hiện đại hơn rất nhiều.

    Nguồn: Bộ đồ thợ lặn đã được chế tạo như thế nào?

    Báo Công an nhân dân điện tử


    *Lặn biển của người cổ đại: Người cổ đại họ để mình trần hoặc bôi mỡ để giữ nhiệt, mang theo tấm lưới đựng. Họ ôm theo vật nặng để chìm nhanh và vật nặng đó cũng sẽ được gắn chặt vào con thuyền bằng một sợi dây dài. Họ giảm bớt áp lực lên đôi tai bằng cách đổ dầu vào ống tai hoặc bịt tai với nút cotton tẩm mỡ. Và ngậm một miệng đầy dầu để phun dầu ra khỏi miệng. Họ cũng có thể sử dụng các tấm da động vật làm túi bơm khí như túi thở. Với sự trợ giúp của túi khí, con người có thể lặn sâu ở dưới thêm khoảng vài chục phút. Sau đó họ sẽ được kéo ngược trở lại mặt biển bằng dây thừng.

    Nguồn: Thợ lặn biển cổ đại và những cuộc săn tìm mạo hiểm vào biển sâu
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng sáu 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...