Review Sách Xứ Sở Diệu Kì Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới – Haruki Murakami

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi cá sấu ngủ đông, 28 Tháng bảy 2021.

  1. cá sấu ngủ đông một ngày nào đó nhất định chúng ta sẽ gặp lại nhau

    Bài viết:
    5
    [REVIEW] Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới – Haruki Murakami

    @cá sấu ngủ đông

    [​IMG]

    (Mình xin mượn hình của ai đó)

    "Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" là một cuốn sách được viết bởi Haruki Murakami. Sơ lược về Haruki Murakami nếu như bạn đọc chưa biết ông là ai, thì Haruki Murakami sinh năm 1949 là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Ông bắt đầu viết từ năm 29 tuổi cho tới nay, cuốn sách đầu tiên của ông là "Lắng nghe gió hát". Từ đó về sau, dường như sự nghiệp viết lách đã gắn liền với cuộc đời ông, các tác phẩm sau này của Haruki đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá.

    Điểm nổi bật trong cách hành văn của Haruki Murakami ấy là cách ông pha trộn giữa những điều hiện thực lẫn với những điều huyền ảo, là cách ông khéo léo trong việc đan xen hai nền văn hóa Đông Tây. Tất cả những điều đó diệu kì làm sao lại cùng hội ngộ trong một tác phẩm "Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới".

    Mình đã đọc cuốn sách này lần đầu khi mình đang ở ranh giới giữa tuổi 19 và tuổi 20, một độ tuổi hỗn độn và một cuốn sách đầy ắp "các tư tưởng triết học siêu hình", quả là một sự kết hợp ăn ý.

    So với một vài tác phẩm mình đã từng đọc của Haruki, mình cho rằng "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" không phải là một cuốn sách quá đỗi u ám hay tăm tối nhưng hiển nhiên không phải là một tác phẩm vui tươi. Đi qua 40 chương truyện điều mà mình cảm nhận được nhiều nhất đó là sự lạc lõng và nỗi mơ hồ của một đời người.

    Ở trong "Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" không có quá nhiều nhân vật và nhân vật thậm chí chẳng có cả tên gọi, họ được nhận diện qua các tính từ miêu tả ngoại hình hay những danh từ chỉ nghề nghiệp rất quen thuộc: Ông giáo sư, cô cháu gái – cô gái mũm mĩm, cô thủ thư, anh chàng toán sư. Những điều này như ngầm ám chỉ rằng các nhân vật này luôn luôn tồn tại trên đời, có thể là dưới bất kì tên gọi nào khác, câu chuyện của họ có thể là câu chuyện của bất kì người nào khác trên đời. Như là một sự hiển nhiên vậy, chẳng cần thiết phải đặt tên riêng làm gì.

    Thế giới được xây dựng trong tác phẩm cũng khiến người ta phải ngỡ ngàng, không chỉ vì sự đồ sộ của một không gian mà nó còn vì tính chân thực ẩn mình ở đó nữa. Ở nơi này, tưởng như trong ánh sáng thì trắng là trắng đen là đen, nhưng đó không phải tất cả, ngay dưới lòng thành phố Tokyo nhộn nhịp ngập tràn sắc màu lại chính là thế giới ngầm, nơi mà anh chàng toán sư đã có một cuộc hành trình đầy cam go để rồi nhận ra rằng cái tốt đẹp hoàn hảo là không có thực, cũng như những điều xấu xa sẽ không bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chi tiết anh toán sư được ông giáo sư cho biết rằng người đứng đầu ở Hệ thông – nơi anh làm việc, người này cũng chính là người đứng đầu Nhà máy – nơi trái ngược với Hệ thống, luôn luôn tìm cách đối nghịch với hệ thống. Đây là một chi tiết rất thú vị, nó giống như một luận điểm nào đó mình đã từng đọc trong quá khứ rằng cái xấu và cái tốt sẽ luôn song song tồn tại, người ta cần cái xấu để nhận ra cái tốt đẹp có giá trị thế nào và việc con người ta quá thiếu cẩn trọng hay sáng suốt để nhận ra rằng mình đang bị trói buộc vào một vòng tròn dưới trướng tư bản không lối thoát. Một mảng màu khó phân định màu sắc.

    Vậy nhưng đó chưa phải là tất cả, Haruki Murakami lại một lần nữa làm mình bất ngờ khi ông đồng thời xây dựng một thế giới trái ngược với thế giới đen trắng lẫn lộn, nơi mà anh toán sư coi là thực tại, nơi mà anh hiện hữu cùng với ông giáo sư, cùng với tiền bạc, toan tính hay đau buồn vui sướng của đời người. Thế giới trái ngược ấy được gọi là nơi tận cùng thế giới, thế giới này tồn tại ở vùng sâu nhất trong ý thức trong não bộ của anh toán sư. Nói cách khác thì đây chính là thế giới của riêng anh ấy, thế giới do chính anh ta sáng tạo ra. Tại nơi này, không tồn tại thời gian, những con người ở đây không già không chết nhưng họ không được phép mang theo tâm hồn của mình. Đó là luật của thành phố. Chỉ cần con người ta từ bỏ tâm hồn của họ, chấp nhận bỏ đi hết những điều tạo nên họ, từ kí ức cho tới ham mê và cảm xúc, điều ấy sẽ khiến thế giới trong thành luôn được bình yên. Điều này nghe tưởng như phi lý nhưng nếu ngẫm nghĩ lâu hơn một chút, bằng một cách nào đó ta thậm chí có thể đồng tình với nó. Nếu như ở trong một thế giới mà ta từ bỏ chính mình, ta sống bởi vì ta chưa chết, ta sống chỉ thuần túy là ta sống, không cần có mục đích nào hơn thế, ta cũng chẳng có cả sự tham lam hay cảm xúc với bất kì người nào, hẳn là thế giới ấy sẽ nhạt nhòa và tĩnh lặng lắm; nhưng nó lại hoàn hảo một cách dị thường. Chẳng phải vậy sao?

    Ở nơi tận cùng thế giới cách để một người được chấp thuận vào thành phố sống đó là họ phải cắt bỏ bóng của mình và mặc kệ nó chết đi. Ở chi tiết này thật sự có cái gì đó khiến mình bối rối và hơi buồn. Trong câu chuyện, những cái bóng không hẳn là đen thùi lùi hay uốn éo kì quái mà những cái bóng này như một vật chứa đựng tâm hồn. Mình cho rằng cách tác giả gắn cái bóng với hình ảnh một vật chứa đựng ký ức và tâm hồn mỗi người không hẳn là không có ý nghĩa. Cái bóng trong cuộc sống thường ngày vẫn hay dính liền với mỗi người chúng ta, chúng lúc nào cũng phẳng lặng và câm nín nhưng chính chúng lại thấy rõ nhất từng điều ta làm trong cuộc đời mình. Những cái bóng lặp lại toàn bộ cử động của mỗi người. Chúng chính là chúng ta. Chúng là những điều mà ta đã từng làm, là kí ức của chúng ta.

    Gần giống vậy, tâm hồn cũng là thứ chứng kiến hết thảy suy tư hay hành động của mỗi người và cũng không hề có âm thanh nào cho cả bóng hay tâm hồn, hai điều này luôn luôn tồn tại nhưng chúng ta nhiều khi không để tâm đến chúng. Nhưng nói thế nào thì tâm hồn vẫn luôn là một đặc ân được ban xuống cho loài người chúng ta, nhờ có tâm hồn ta mới cảm nhận được những thứ vô hình xung quanh như sự rung động giữa những trái tim, lòng lương thiện hay sự trắc ẩn.. ; những điều đó khó có thể chỉ nhìn ra bằng mắt thường. Vậy nên việc tách bóng và tâm hồn ra khỏi một người giống như thể một người biến thành máy móc vậy, não bộ của họ vẫn còn rất tỉnh táo nhưng không hề có cảm nhận nữa rồi. Và lại một lần nữa thật khó để nói rằng điều ấy là hoàn toàn tốt hay xấu.

    Dưới cảm nhận của mình dường như phần lớn tác phẩm được trùm lên mình một màu xám ảm đạm. Thật ủ dột xiết bao. Tuy vậy vẫn có những điểm sáng lên le lói như tình yêu của anh toán sư và cô thủ thư, như cách mà mỗi nhân vật trong câu truyện vẫn luôn cố gắng sống từng ngày dẫu cho cuộc đời nhiều khi không hề phẳng lặng. Những điều này phần nào xoa dịu đi bầu không khí ảm đạm cô đơn trong tác phẩm. Mà sự ảm đạm cô đơn ấy không phải chỉ xảy ra trên những dòng văn mà nó luôn thường trực cạnh mỗi con người trong xã hội, chỉ cần có cơ hội là bóp chặt ngay lấy họ, nên mới có người nói cuộc sống chính là thích nghi để tồn tại. Mình không chắc điều đó là đúng hay sai nhưng nếu ta còn sống thì mới có cơ hội để kiểm nghiệm những triết lý này.

    Nhưng sau tất cả mọi điều, đoạn kết của tác phẩm làm mình có phần khó chịu. Khi mà anh chàng toán sư quyết định ở lại nơi tận cùng thế giới và tạm biệt cái bóng của mình. Mình không thể nói rằng anh ta đã làm đúng hay sai mình chỉ không thích điều đó. Anh ta giống như có hai cuộc đời song song vậy, không ai có thể nói chắc rằng đâu mới là cuộc đời thực của anh ta và cho tới lúc phải chọn một trong hai cuộc đời này cũng chẳng ai có thể đảm bảo cho anh ta cuộc đời nào mới là tốt hơn.

    Và rằng mình không phải là Haruki Murakami để có thể hoàn toàn hiểu được những điều ông đã kì công xây dựng trong cuốn sách, nhưng đây là một cuốn sách hay và vẫn còn rất nhiều điều thú vị mà có lẽ mình chưa đủ tinh tế để nhận ra, hy vọng rằng các bạn có thể đọc được bài review này sau đó đọc thử tác phẩm "Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" của Haruki Murakami và cùng chia sẻ những suy nghĩ khác của các bạn với mình.


    Mình là Cá sấu ngủ đông,

    Cảm ơn các bạn.
     
  2. trangduong0932

    Bài viết:
    133
    Rất vui vì đọc được bài review của bạn, vì mình là fan của Haruki Murakami ^^
     
    cá sấu ngủ đông thích bài này.
  3. cá sấu ngủ đông một ngày nào đó nhất định chúng ta sẽ gặp lại nhau

    Bài viết:
    5
    Trời ơi, chào bạn nha *vno 23* mình thật sự rất vui vì có thể gặp được người cùng chung sở thích ở đây. Mình xin lỗi bạn vì mạng nhà mình hơi yếu nên hôm nay mình mới trả lời được.

    Không biết có phải mình nhầm lẫn không mà mình thấy gmail của mình nó thông báo về cái câu trả lời cảu bạn dài một đoạn luôn. Mình vui lắm. Đúng như vậy, mình nghĩ rằng không ai đọc sách của Haruki Murakami lại nói rằng họ hoàn toàn hiểu được những gì ông muốn biểu đạt cả, tất cả những người cùng đọc đều là những người đang tự đi tìm lẽ sống cho cuộc đời họ. "Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" thực sự là một cuốn sách có chút dài so với những cuốn mình từng đọc khi trước, thậm chí có nhiều chi tiết mình hoài nghi rằng nó không có ý nghĩa gì cả. Đọc sách của ông thật dễ làm người ta cảm thấy mơ hồ mà. Dẫu vậy, đây cũng là một cuốn sách khá thú vị. Hơn nữa, nhờ nó mình đã có thể kết nối được với bạn, một người bạn mới thực sự là rất vui. *vno 72*
     
    trangduong0932 thích bài này.
  4. trangduong0932

    Bài viết:
    133
    Rất là dui luon bạn mới ^^ Mình có bình luận một cái dài lắm mà suy nghĩ lại thấy hơi lan man =))
     
    cá sấu ngủ đông thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...