Truyện Ngắn Xin Người Đừng Lặng Im - MưaThángTám

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi MưaThángTám, 26 Tháng hai 2022.

  1. MưaThángTám

    Bài viết:
    290
    Xin Người Đừng Lặng Im

    [​IMG]

    Tác giả: Mưa Tháng Tám

    Thể loại: Truyện ngắn, Hiện đại, Đời thường

    Tình trạng: Hoàn

    Link thảo luận: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Mưa Tháng Tám - Việt Nam Overnight (dembuon.vn)

    Bài dự thi tham gia sự kiện: Chủ Đề 8/3: Em Và.. Những Mộng Mơ

    Văn Án:



    --------------------------------------​

    "Mấy người bảo sao?

    Mấy người bảo phụ nữ chúng tôi chỉ biết ăn bám, ngoài lo cơm nước và chăm con cái thì chẳng làm nên tích sự gì cả?"

    Em tức giận và nói trong nước mắt, giọng nói luôn nhỏ nhẹ và kính cẩn, giờ đây lại trở nên xé gan và xé ruột biết bao nhiêu. Đến mức tôi, một thằng đàn ông đứng ngoài cuộc, cũng cảm thấy nóng mặt, không dám tiếp tục nhìn em, một đứa con gái chừng tuổi đôi mươi nhưng giọng nói lại đanh thép tựa như những con dao xé nát tấm màn mang tên: "Định Kiến Về Phụ Nữ."

    Tôi là người bồi bàn trong một quán ăn nhỏ, còn em là người mới, mới xin vào làm không lâu.

    Ấn tượng của tôi về em là một cô gái trông cũng có vẻ ngoài khá đẹp, ăn mặc không quá sành điệu, nhưng được cái hay cười và dễ nói chuyện.

    Nói đúng hơn, em giống kiểu người sẽ mỉm cười trước mọi yêu cầu, sẽ cam chịu trước mọi bất công, và sẽ im lặng trước mọi áp bức.

    Và tôi nghĩ em nên là kiểu người như vậy, vì sự xuất hiện của em chính là sự khó chịu đối với tất cả chúng tôi, một đám bồi bàn nam.

    Nhất là thằng Tân, thằng có biệt danh là "kỳ thị nữ giới" dữ dội nhất quán.

    Trong giờ làm việc, có nhiều lúc tôi bất chợt nhìn qua, thì thấy em đang bị thằng Tân sai sử đủ việc. Nó bảo em bưng ba dĩa cơm ra bàn số một, em mỉm cười đồng ý; nó bảo em tiếp tục bưng hết một khay đồ ăn trông còn nặng hơn cả hai cánh tay bắp non của em, em cũng mỉm cười đồng ý; nó bảo em đi xuống bếp rửa chén, rửa không xong thì đừng ra, em cũng mỉm cười đồng ý. Trước những hành động bắt nạt ma mới của nó, em đều mỉm cười làm theo không một chút kêu than.

    Cho dù thằng Tân không thể hiện ra mặt là nó đang bắt nạt em (trên thực tế nó khá là "ga-lăng" khi chỉ ngầm ám chỉ bằng những hành động quá đáng của mình chứ chưa nói thẳng), nhưng hiểu được con người của nó, một thằng trọng nam khinh nữ, tôi cũng đủ hiểu nó đang thị uy em, ép em phải xin nghỉ làm.

    Mấy ai sẽ nghĩ đến nhau trong thời buổi kiếm tiền khó khăn? Đồng tiền có một ma lực mà không ai có thể phủ nhận: Nó là thứ bảo đảm cuộc sống đủ ấm đủ no của một con người; thiếu nó, con người sẽ bị sự bất an bủa vây, từ đó, họ phải nghĩ cách để giành lại nó. Tựa như trong trời đông giá rét, hai người ăn xin đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán chỉ để giành giật một tấm áo rách mà họ tìm được trong thùng rác gần đó.

    Cuộc sống quá mức xô bồ, càng bần cùng, thì khi con người tìm được một thứ thiết yếu, bản năng động vật trong họ sẽ trỗi dậy, và họ không còn là những con người "thông minh" nữa.

    Cuộc sống khắc khổ ép phần "con" trỗi dậy, thì phần "người" sẽ phải bị bỏ vào một xó.

    Sau khi cái bụng rỗng đã được lấp đầy, thì phần "người" sẽ lại nhảy ra và tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình.

    Nhưng đó chưa phải là tất cả, mà còn cái tư tưởng "đàn bà lo việc nhà, đàn ông lo việc lớn," một thứ gì đó ăn sâu vào não người, khó có thể thay đổi.

    Nó có từ nhiều đời về trước, và sự tồn tại của nó mang đến an toàn lẫn bất an cho nhiều người. An toàn với những người được coi là trụ cột, được nắm tất cả những quyền lực mà một con người có thể nghĩ ra; bất an với những người sống nhờ trụ cột, không những hành động mà cảm xúc cũng bị chi phối và kiềm hãm.

    Nó từng bị khiêu khích, bị thay đổi bằng một tư tưởng mới và hiện đại hơn, "Nam nữ bình đẳng", nhưng ở nhiều nơi, tựa như địa phương của tôi, nó vẫn như cũ thấm sâu vào não của rất nhiều người.

    Đương nhiên, là một đứa con trai, rồi một thằng đàn ông, tôi cũng mang tư tưởng như vậy.

    Tôi hiểu những đạo lý đó, và tôi tin em cũng vậy.

    Thế nên em mới chọn cách chịu đựng trước sự bắt nạt vô lý của thằng Tân.

    Nhưng chẳng có thằng nào hay con nào chịu đựng được mấy thứ bắt nạt đó trong một thời gian dài cả.

    Thằng Tân đã từng làm điều tương tự với những nữ bồi bàn trước. Người gan nhất thì ở được một tuần, đứa nhát hơn thì đi ngay sau ngày đầu làm việc dưới những nụ cười khinh khỉnh và thích thú của thằng Tân và những đứa bồi bàn khác.

    Nhưng nó không giở trò bắt nạt với đàn ông con trai, tôi cũng hỏi, và nó chỉ cười đểu rồi trả lời tôi:

    "Vì tao biết con gái dễ" xực "hơn. Mày thấy bọn nó có khi nào" xực "lại tao không? Chẳng có con nào dám cả. Mà tao cũng chẳng hiểu phụ nữ" đếch "ở nhà lấy chồng chăm con, ra ngoài tranh việc với đàn ông làm gì? Bọn nó chẳng làm được cái" đếch "gì cả. Rõ chán."

    Lời của thằng Tân khó nghe thật sự, nhưng tôi không nói gì vì nó có khả năng đập vỡ chén cơm của tôi, và vì chính tôi cũng có suy nghĩ tương tự như nó, theo một cách nói giảm nói tránh.

    Từ khi còn nhỏ, lúc tôi bắt đầu nhận thức đã biết cha tôi luôn bắt mẹ tôi ở nhà chăm tôi, chăm nhà cửa, và chăm ông bà nội.

    Có một lần trong nhà mở tiệc. Cuối bữa ăn tôi hơi khát nước nên đi xuống bếp, thì thấy cảnh mẹ tôi đang một mình rửa hai chậu chén đầy ắp còn cha tôi thì ở trên bàn nói chuyện này nọ với bạn mình. Tôi giật mình đứng trước cửa vì những cảm xúc ngổn ngang bất chợt xuất hiện. Tôi không hiểu nổi làm cách nào mẹ tôi có thể im lặng và rửa hết đống chén bát đó. Nó bốc mùi, nó quá nhiều, thế mà mẹ vẫn có thể nhúng tay vào và rửa, khiến tôi không hiểu, trong lòng như có một thứ gì đó đang bóp chặt.

    Được vài phút, mẹ cũng thấy tôi và hỏi tôi đang làm gì. Còn chưa để tôi nói, mẹ đã thấy cái ly và hiểu ý ngay. Thế là bà dừng công việc, rửa tay, và rót ly nước cho tôi.

    "Cảm ơn mẹ."

    Đó là những gì tôi có thể nói.

    Khi trở về và ngồi lại bàn, tôi giật mình khi nghe thấy bạn của cha tôi chê bai ra tiếng bàn đồ ăn mà mẹ tôi nấu từ sáng tinh mơ, trong khi đó, cha tôi chỉ cười hùa theo, không nói gì giúp mẹ tôi cả.

    Buổi trò chuyện tiếp tục, còn tôi thì cảm thấy sốc, sững sờ, và ngơ ngác trước cảnh mẹ tôi tự lo toan mọi việc, và giật mình trước thái độ của cha và đám đàn ông trên bàn ăn.

    Lời họ nói thật tự nhiên, câu nào câu nấy nói ra đều không cảm thấy kỳ lạ hay ngượng miệng, khiến tôi chợt cảm thấy xấu hổ vì suy nghĩ khác người của mình.

    Cảm xúc đó theo tôi được vài ngày, nhưng theo thời gian tôi cũng bắt đầu quên đi thứ cảm xúc đã trỗi dậy khi bắt gặp cảnh mẹ tôi âm thầm chịu đựng, và cảnh cha tôi hùa theo đám bạn xúc phạm sự cống hiến âm thầm lẫn ân cần của mẹ tôi.

    Tôi dần chẳng quan tâm gì đến chuyện này nữa, và coi nó như một điều dĩ nhiên và bình thường. Hơn nữa, vì là con độc đinh được nhận hết mọi yêu chiều về vật chất lẫn tinh thần, tôi dần chấp nhận chuyện mẹ mình phải cắn răng chịu đựng việc nhà mà không một lời than vãn, chấp nhận chuyện cha và bạn của ông thường xuyên nói xấu về mẹ và những người phụ nữ trên bàn ăn.

    Tôi dần trở nên chẳng còn thắc mắc chuyện phụ nữ ở nhà chăm con, chăm nhà cửa, và chăm cha mẹ thì có gì là bất công?

    Nếu ai cũng có suy nghĩ như vậy, thì suy nghĩ đó sai ở đâu?

    Và rồi, trong đầu tôi cũng dần hình thành tư tưởng: "Phụ nữ ở nhà lo việc cấm kêu than, đàn ông ra ngoài bận trăm công nghìn việc."

    Sau này khi ra ngoài xã hội, gặp được những người có tư tưởng giống mình, tôi cảm thấy dễ thở hơn.

    Như thằng Tân, một thằng có chủ nghĩa đàn ông vô cùng nặng và cực đoan. Đến mức, tôi cảm thấy mình còn thua kém và cần nên học hỏi nó vì những lời nói và hành động mang tính tẩy não của nó cho tôi một cảm giác chân lý và đúng đắn.

    Đôi khi sự sai trái chỉ cách sự đúng đắn một đường ranh giới mỏng manh: Bạn nói càng hoa mỹ, càng thuyết phục lòng người, thì lời nói dối cũng thành sự thật.

    Không bàn đến cái ô dù của thằng Tân (nó là em rể của ông chủ quán ăn và bản thân ông ta cũng là một người mang tư tưởng trọng nam khinh nữ), chỉ bằng lời nói và hành động đầy tính bạo lực nhưng thuyết phục của nó cũng đủ để không chỉ tôi mà những thằng bồi bàn khác cũng nghe theo răm rắp.

    Cũng chính vì những tư tưởng ác ý và chiêu trò cay nghiệt của nó, trong quán nước không có bất kỳ nữ bồi bàn nào.

    Còn ông chủ thì sao? Vì sao ông ta biết bản tính thằng Tân mà vẫn cứ nhận nữ bồi bàn rồi khi nữ bồi bàn khóc lóc kể lể rồi bỏ đi ông ta cũng chẳng quan tâm? Sở dĩ ông ta nhận nữ bồi bàn là vì bản tính chán cơm thèm phở của mình, thích đi tìm gái gú hoặc quấy rối mấy em gái ngây thơ chưa hiểu sự đời. Cho nên, khi bọn nó khiếu nại với ông ta hoặc bỏ đi vì chịu không nổi, ông ta cũng chẳng thèm đoái hoài.

    Đúng là ngưu tầm ngưu mã tầm mã.

    Ở quán ăn này đủ lâu cũng làm trái tim tôi trở nên nguội lạnh.

    Tôi dần không quan tâm cuộc sống này như thế nào, sai là đâu và đúng là đâu. Mọi chuyện xảy ra trước mặt làm tôi bắt đầu hoài nghi về những thứ được gọi là công bằng. Nhưng tôi quyết định trở thành người tàn hình, chỉ vì tôi không muốn dây vào những thứ quá rắc rối.

    Có công việc kiếm được tiền, không hại ai cả, vậy là đủ rồi.

    Nhưng suy nghĩ của tôi đã bị đập tan thành mây khói sau khi em xuất hiện.

    Cảnh tượng ngày ấy là một cảnh tượng mà tôi không thể quên, và nó ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

    Tôi vẫn nhớ rõ hôm ấy là một ngày trời mưa tầm tã, như thể tiếng khóc ai oán báo hiệu cho sự bắt đầu một ngày đầy sóng gió và mưa bão.

    Thằng Tân bắt đầu trở nên mất kiên nhẫn và cộc tính hơn. Nó hút thuốc nhiều đến mức phòng để đồ nhân viên cũng tràn ngập mùi khói thuốc khiến tôi không thể bịt mũi và nhịn ho khan mỗi khi lấy đồ đi về.

    Ánh mắt của nó càng thể hiện rõ ràng nỗi hận thù của nó. Mỗi khi nhìn em bưng nước cho khách, đôi mắt nó nheo lại như mắt cáo, tràn đầy tức giận và căm phẫn, như thể nếu ánh mắt có thể giết người, em hẳn đã chết trên dưới mười lần.

    Sự hận thù của nó được đám nam bồi bàn cổ động, vì bọn chúng cũng bắt đầu khó chịu trước sự "chai lì" của một đứa con gái nhỏ bé trông chân yếu tay mềm là em.

    Bản thân tôi cũng vậy. Tôi không thể ngờ em đã làm ở đây đến tận một tháng! Một tháng dưới sự thị uy ác độc của thằng Tân, một tháng dưới cái nhìn khinh khỉnh của đám nam bồi bàn, một tháng dưới sự thờ ơ của tôi và những khách quen của quán, và một tháng dưới sự quấy rối của ông chủ và những gã say xỉn muốn tìm gái gú!

    Em nhỏ bé, nhưng tâm hồn lại thật sự mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức tự tôi cũng cảm thấy xấu hổ mỗi khi nhìn em hăng hái hoàn thành công việc của mình.

    Làm sao em có thể mạnh mẽ và nhẫn nhịn đến thế?

    Làm sao em vẫn chưa gục ngã?

    Điều gì đã giúp em, một con cừu không chút uy hiếp, giữ vững tâm lý và đứng tại đây, ở giữa một bầy sói đang chực chờ cắn nát xương em?

    Ngày qua ngày, em luôn nở một nụ cười và nói: "Chào buổi sáng!" dù cho chẳng ai đáp lại. Nhưng từ không có ai đáp lại, tôi đã phá vỡ sự bạo lực ấy bằng cách lủng củng chào lại em: "Ừ, chào."

    Vì tôi thật sự khâm phục em, khâm phục sự bền bỉ và nhẫn nại của một đứa con gái nhỏ hơn mình tận năm tuổi, nhưng lại có một tâm hồn sắc bén không thua kém bất kì thằng đàn ông nào.

    Nếu nói tinh thần em làm bằng thép, tôi cũng tin răm rắp.

    Vì em mang đến cho tôi một cảm giác em thật sự không phải con người, khác xa với tất cả những người phụ nữ, đàn bà, và con gái mà tôi từng gặp.

    Nhưng một tiếng chào của tôi, đã chọc giận thằng Tân và những thằng bồi bàn khác.

    Vì thằng Tân đã chặn đầu tôi một ngày nọ, siết chặt cổ áo tôi, và lớn giọng cảnh cáo:

    "Mày liệu hồn đấy Sơn à. Tao đang nóng vì nó cứ mặt dày ở lại đây này. Mày mà còn giúp nó, đừng trách tao trở mặt với mày."

    Nói xong, nó còn phun một ngụm nước miếng vào mặt của tôi. Mùi ghê tởm xộc vào khoang mũi, nhưng tôi lại không thể nâng tay lau đi.

    Vì ánh mắt điên dại của nó khi nhìn chòng chọc vào tôi khiến tôi đứng hình, không thể làm được gì. Lưng tôi đổ mồ hôi lạnh, tay đặt hai bên cũng run lập cập, tựa như có hàng vạn con rắn đang bò trên người tôi, siết chặt, chực chờ cắn xuống và tiễn tôi đi chầu trời.

    Cái nhìn của nó làm tôi không còn liên tưởng được chúng tôi cùng là con người.

    Làm sao một con người lại có thể mang một đôi mắt hiện rõ sự ác độc như của quỷ dữ như vậy?

    Ánh mắt đó khiến tôi như đóng băng tại chỗ, và tôi, mặc dù không nói ra, cũng hèn mọn nghe theo lời nó.

    Cái cổ của tôi nó đã giữa trong tay, chén cơm manh áo nó cũng siết chặt không buông, tôi lại có thể làm gì đây?

    Thế nên, tôi im lặng và dửng dưng khi em chào tôi mỗi sáng.

    Lâu dần, sự kiên cường của em không còn là thứ khiến tôi bất ngờ và khâm phục, nó trở thành ngòi nổ khiến sự tức giận vì em sẽ cướp mất chén cơm và tính mạng của tôi bùng ra.

    Ngày hôm đó, em bắt chuyện với tôi không dưới mười lần, nhưng tôi đâu dám đáp lại? Chỉ lạnh lùng bỏ đi và khẩn cầu em sẽ biết điều rồi im lặng và buông tha cho tôi.

    Mới vào nhà bếp, thằng Tân liền đến gần tôi, vừa cười thô bỉ vừa vỗ vào bả vai tôi một cái đau điếng: "Phải vậy chứ, mày còn giúp nó thì coi chừng tao đấy."

    Tôi gật đầu lia lịa, nào dám không nghe lời nó.

    Thằng con ông cháu cha láo xược, nhưng chửi nó vẫn phải để ý vế đầu.

    Nó buông vai tôi ra rồi nhìn qua cửa, nhếch môi thành một nụ cười nham hiểm, khiến tôi có linh cảm không ổn.

    Nó lầm bầm mấy câu, mà tôi chỉ nghe được câu cuối cùng vì dưới bếp quá ồn: "Mày xong đời mày rồi con đ*."

    Tôi xanh mặt thật sự khi nghe nó chửi tục một cách tục tĩu như vậy.

    Nhưng khi nó vừa dứt lời, một tiếng "Choang" chói tai truyền đến.

    Theo bản năng tôi chạy ra và nhìn, thì phát hiện em đang ngồi trên sàn với vết nước màu đỏ hiện lên rất rõ trên áo sơ mi trắng tinh. Còn xung quanh em, vây quanh một hai thằng bồi bàn và một khách hàng nam tầm hơn năm mươi tuổi.

    Tôi biết gã, vì gã là khách quen của quán, đồng thời cũng là tên luôn tìm cách quấy rối em.

    Đôi mắt gã dơ bẩn thật sự, khi nhìn chân em dưới lớp váy ngắn còn nuốt nước bọt mấy lần.

    Kinh tởm lại khiến người chán ghét.

    "Có chuyện gì thế?"

    Thằng Tân làm như thể nó mới vừa nhìn thấy, nó đi ra và đến gần chỗ đó để dò hỏi.

    Gã khách hàng lập tức chỉ thẳng vào mặt em, mặt gã béo như lợn rừng, như thể khoác trên mình trang phục của con người cũng không thể giấu đi sự thô bỉ đã thấm sâu vào xương máu. Khi gã cất giọng, giọng nói cũng ồm ồm chói tai: "Con đ* này nó làm đổ rượu lên áo của tao!" Rồi gã chỉ vào vết nước chút xíu, to bằng một đốt tay trên ống tay áo màu xanh của mình: "Mày xem nên làm thế nào đi! Tao đã nói nhận nữ vào làm chỉ tổ phiền phức, thế mà lão Tư vẫn cứ nhận."

    Thằng Tân nghe thế cũng hạ giọng bảo gã hạ hỏa, nó cong lưỡi hùa theo, thốt lên những lời cay nghiệt: "Bác bớt giận. Cha cháu thấy nó kể lể đáng thương quá mới nhận nó vào làm. Chứ hạng đàn bà con gái yếu đuối lại vô dụng như nó thì làm được tích sự gì? Bác thông cảm bỏ qua cho."

    Tôi đã nghe quen lời nói cay độc của nó, nhưng đây là lần đầu tiên nó nói thẳng trước mặt em.

    Tôi nghĩ, có lẽ nó đã quá mất kiên nhẫn, cho nên nó muốn xé rách mặt với em, đuổi em thẳng cổ.

    Lướt qua em, tôi thấy đôi mắt đen láy của em đang ngơ ngác nhìn thằng Tân xúc phạm mình và luyên thuyên vỗ mông gã khách hàng béo ú.

    Có lẽ vì quá sốc hoặc vì quá xấu hổ, em cắn môi và cúi đầu, hình như là nén lại nước mắt.

    Tôi thương cho em thật sự, nhưng tôi đâu dám nói gì?

    Ở giữa một đám đàn ông đang lên tiếng chỉ trách và xúc phạm nhân cách của phụ nữ nói chung và em nói riêng, những người khác bao gồm cả đàn bà con gái cũng im lìm chịu đựng, tôi đâu thể lên tiếng nói gì? Tôi cũng là một thằng đàn ông!

    Một lần nữa, tôi thầm cầu xin em hãy im lặng chịu đựng rồi đi đi, đừng có cố gắng chống cự và cũng đừng lôi tôi vào nữa.

    Nhưng không biết thế nào, em lấy sức lực từ đâu mà đứng thẳng dậy trước những lời nói ác độc của mọi người.

    Em đứng vững như một cây con trước phong ba bão tố, lung lay nhưng tuyệt đối không khuất phục.

    Đây là thứ sức mạnh gì?

    Tôi nín thở và chờ đợi.

    Dưới ánh mắt ngạc nhiên của mọi người, em bắt đầu tuôn một tràng vừa to vừa dõng dạc, như từng cây dùi cui đập mạnh vào tấm thớt, khiến không ai dám ngắt lời:

    "Các người bảo sao? Phụ nữ chúng tôi chân yếu tay mềm, chẳng làm nên được trò trống gì cả? Thế nên chúng tôi phải an phận ở nhà chăm con, lau dọn nhà cửa, và lo cho cha mẹ già yếu sao? Đây là thời đại nào rồi mà mấy người còn có những suy nghĩ cổ hủ như vậy? Mấy người có biết một lời cay độc của mấy người đã giết chết biết bao nhiêu sinh mạng rồi không? Mấy người được quyền ra ngoài làm việc kiếm tiền mưu sinh, thì không cho phép chúng tôi làm điều tương tự? Mấy người lấy cái quyền đó ở đâu thế? Sao mấy người không tự đặt tay lên ngực và hỏi phụ nữ chúng tôi đã chịu biết bao nhiêu cay đắng và tủi nhục? Chưa lấy chồng thì bị cha mẹ hắt hủi vì là con gái, mọi việc trong nhà đều bắt phải làm hết. Làm được thì có cơm ăn, không làm được thì no đòn, có khi còn bị nhốt vào nhà vệ sinh hoặc nhà kho, mấy người có hiểu cảm giác đó không? Sao mấy người hiểu được chứ? Mấy người là đàn ông con trai, ăn cũng là món ngon nhất, mặc cũng là đồ đẹp nhất, làm sao hiểu được đau khổ của phụ nữ chúng tôi? Rồi khi lấy chồng thì sao? Cha mẹ từ mặt đứa con gái này vì họ nghĩ con gái gả đi như hất đổ bát nước, còn chồng lấy về thì bắt hầu chồng, hầu cha mẹ chồng mà không được nói một lời than trách. Mấy người có hiểu cảm giác tù túng đó không? Hiểu chút nào được cảm giác đó không?"

    Em nói trong nước mắt, nỗi đau như xé ruột xé gan tất cả những người có mặt tại đây: "Như bao người khác, tôi cũng có ước mơ, muốn trở thành một đầu bếp giỏi. Nhưng vì điều kiện gia đình, cộng thêm cha mẹ chỉ biết lo cho em trai, khiến tôi phải tự mình bươn chải kiếm sống. Tôi dành dụm từng đồng bạc chỉ để được đến lớp học làm bánh, thế mà mấy người cũng nhẫn tâm cướp mất miếng ăn của tôi sao?"

    "Em nói gì ghê thế?" Thằng Tân vẫn dửng dưng như thể chẳng nghe ra tí cảm xúc nào trong lời nói của em. Sự vô tâm của nó khiến lòng tôi nguội lạnh, nó như quỷ dữ lấy đau khổ của người khác làm niềm vui và phấn khởi: "Đàn bà con gái không lấy chồng sinh con, chăm nhà chăm cha mẹ mà ra ngoài làm gì? Có kiếm được bao nhiêu đâu?"

    Dưới con mắt của chúng tôi, tôi thấy em nâng tay tát thẳng vào mặt thằng Tân một cái rõ to.

    Ôi trời ơi!

    Tôi ngạc nhiên đến há hốc mồm.

    Đến một thằng đàn ông như tôi còn sợ thằng Tân, thế mà em lại lấy được dũng khí để tát thẳng vào mặt nó, em điên rồi sao?

    "Anh nói chúng tôi chỉ nên ở nhà vì chúng tôi chẳng làm được gì? Chỉ vì chúng tôi là phụ nữ sao? Ai cho anh cái quyền đó? Phụ nữ hay đàn ông cũng là con người, các người làm được tiền, chúng tôi cũng làm được! Các người lập nghiệp thành công, chúng tôi cũng làm được! Đừng có mà coi khinh phụ nữ."

    "Con đ*, mày chết mày với tao!"

    Thằng Tân hồi thần, nó điên tiết đẩy mạnh em ra sau.

    Nó dùng toàn lực, và đằng sau em lại là cửa bằng kính.

    "Choang."

    * * *

    Mỗi khi nhớ lại ký ức tồi tệ ấy, tim tôi lại đập lên dữ dội.

    Sau khi em bị ngã vào cửa kính, kính vỡ, mảnh kính đâm vào đầu em làm em chết ngay tại chỗ. Thằng Tân muốn chạy trốn, nhưng bị những khách khác giữ lại.

    Có lẽ họ đang chuộc lỗi cho sự im lặng và vô tâm của mình, để mặc một con quỷ đội lốt người ngang nhiên giết chết em.

    Xe cấp cứu đến rồi đi, xe cảnh sát đến rồi đi, mọi người vây đến xem rồi đi, chỉ có tôi là vẫn đứng đó, nhìn đống kính vỡ có vươn máu đỏ của em.

    Tôi nhớ lại ánh mắt đen láy trước khi chết của em, nó như một chân trời mới chứa những ngôi sao mà tôi chưa từng biết đến.

    Nhưng những ngôi sao đó không lấp lánh hút mắt, trái lại nó khiến tinh thần tôi căng thẳng và buồn nôn.

    Nó khiến tôi phỉ nhổ bản thân, vì tôi cũng là người tiếp tay giết chết em.

    Nếu nói thằng Tân ra tay giết em, thì tôi không những giết chết hy vọng của em, mà còn giết chết cả giá trị của một người phụ nữ, của những giấc mơ mà em đang ấp ủ bằng sự lặng im của mình.

    Tôi lặng người.

    Bỗng tôi nhớ lại một câu nói đã vô tình nghe qua ở đâu: "Phụ nữ là những đóa hoa mềm mại nhưng không yếu đuối, đáng được nâng niu và trân trọng."

    * * *

    Này bạn đọc, người đã đọc được câu chuyện của tôi, đừng làm người ngoài im lặng, vì sự im lặng của bạn đã giết chết hy vọng mang đến công lý cho thế giới.

    Thế giới bị phá hủy không phải vì những kẻ sát nhân, mà là vì sự im lặng của những kẻ đứng nhìn.


    Hoàn

    Mưa Tháng Tám

    --------------------------------------​

    Đôi lời từ tác giả: Trước hết mong độc giả hãy thông cảm vì những ngôn từ mang tính nặng nề mà tôi đã sử dụng. Tôi cảm thấy nên để như vậy thì tính chân thật sẽ cao hơn, và ngoài đánh (*) để nói giảm nói tránh, những từ khác tôi vẫn giữ nguyên. Tiếp theo là ý nghĩa của câu chuyện ngắn: Công bằng được thành lập, nhưng không có nghĩa sự bất công đã biến mất; sự bất công chỉ biến mất khi chúng ta ngừng im lặng trước những hành động sai trái mà chúng ta sợ hãi, bằng không, (trọng nam khinh nữ chính là một ví dụ) những sự bất công đó vẫn sẽ mãi tồn dư, và chôn theo đó chính là những ước mơ và hoài bão được ấp ủ lúc còn bé thơ.
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Sương sớmmùa Thu

    Bài viết:
    184
    Ôi, hay lắm chị ạ.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti, JohannaMưaThángTám thích bài này.
  4. MưaThángTám

    Bài viết:
    290
    Chị cảm ơn em nhiều nhé^^
     
  5. Ánh Phượng Thiên

    Bài viết:
    99
    Đọc xong câu chuyện cảm xúc lúc này thật sự rất khó chịu xen lẫn sự day dứt và thương xót. Thương xót cho người con gái ấy, thương xót cho người mẹ của nhân vật 'tôi'. Cái kết khiến tôi thấy nặng nề tuy nhiên nó hợp với câu chuyện này. Mặc dù vậy vẫn thấy tác giả 'ác quá ác', liệu có con đường sống nào cho người con gái ấy không? Tôi tự hỏi vậy.

    Nhân vật tôi thấy hận nhất không phải là Tân mà chính là nhân vật 'tôi', con người chứng kiến tất cả sự việc. Nhân vật 'tôi' cũng gia trưởng, bảo thủ, vô tâm và hèn nhát, coi trọng đồng tiền không kém chỉ có hơn nhân vật Tân. Tôi thấy anh ta day dứt sau cái chết của người con gái, ấy nhưng tư tưởng 'trọng nam khinh nữ' và nhân cách rẻ tiền của anh ta liệu sự day dứt ấy tồn tại được bao nhiêu thời gian? Anh ta day dứt nhưng rồi vẫn giữ bản tính 'trọng nam khinh nữ' thì tôi khinh, cực kì khinh thường. Nhân vật 'tôi' vừa đại diện cho cái xã hội đểu cảng 'trọng nam khinh nữ' vừa đại diện cho lớp người vô tâm, ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình.

    Bàn đến nhân vật Tân, sự trả giá của anh ta chắc chắn là ngồi tù, nhưng tôi tin là anh ta không hề hối hận, anh ta sẽ nghĩ mạng của một người đàn bà thì có là gì. Vâng chính là thế đấy. Nhân vật Tân hành động để thể hiện sự khinh thường với phụ nữ, còn nhân vật 'tôi' ngầm đồng ý cho những hành động ấy xảy đến. Thế nào thì thế, cả hai đều khốn nạn như nhau, cả một xã hội bất công khốn nạn.

    Một câu chuyện khá nặng nề, song khiến người đọc như tôi phải có nhiều suy nghĩ. Mong rằng tất cả phụ nữ đều được đối sự công bằng, và xã hội sẽ tuyệt chủng loại đàn ông gia trưởng kia đi.

    Cảm ơn tác giả đã mang câu chuyện hay như vậy!
     
  6. MưaThángTám

    Bài viết:
    290
    Thật sự mình rất vui khi đọc được những lời chia sẻ của bạn sau khi đọc bài viết của mình. Vui không chỉ vì độc giả tìm được cho mình những suy nghĩ riêng về câu chuyện mà mình truyền tải, mà còn vì độc giả nói lên cho mình những tâm sự riêng đối với không chỉ nhân vật trong truyện mà còn xung quanh đời sống. Mình cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc và cho mình biết cảm nhận cũng như tâm sự của bạn! Mình cũng mong rằng giống như bạn, mọi chuyện chưa được giải đáp sẽ được giải đáp, mọi ẩn khuất sẽ được làm sáng tỏ, để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn!
     
  7. Sương sớmmùa Thu

    Bài viết:
    184
    Em thấy ý này đúng, quá đúng: ", cả hai đều khốn nạn như nhau.."
     
  8. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,871
    Cốc cốc.. Chào bạn, mình là đại diện BTC even 8/3. Tối nay mình ghé đây để gửi lại những lời nhận xét chân thành của BGK đến tác phẩm của bạn.

    GK1: "Kết truyện tuy buồn, nhưng để lại nhiều suy ngẫm."

    GK2: "1. Ưu điểm:

    - Câu chuyện có kết cấu rõ ràng, rành mạch.

    - Cách xây dựng nhân vật khá ổn. Tâm lý nhân vật tái hiện khá rõ nét.

    - Câu văn mạch lạc, trôi chảy.

    - Nội dung phê phán hiện thực xã hội, tạo nhiều suy nghĩ và trăn trở cho người đọc.

    2. Hạn chế:

    - Dùng ngôi thứ nhất kể chuyện nên rất khó tránh khỏi sự vòng vo, dông dài khi hành văn.

    - Điểm nhìn nhân vật bị hạn chế rất nhiều vì nhân vật Tôi đã dẫn lối toàn bộ cho người đọc. Thế nên cái nhìn trong truyện nó hơi phiến diện và mang tính áp đặt cao.

    - Khi viết truyện, tác giả dồn quá nhiều cảm xúc vào nhân vật Tôi. Điển hình là sự bộc lộ dòng xúc cảm trước nhân vật Em, vậy là mạch xúc động đó nó bị vòng vo, nói qua nói lại khiến nội dung bị dài thêm, gây cảm giác hơi lan man và thừa chữ.

    - Câu chuyện hay, có ý nghĩa nhưng chọn bối cảnh để xây dựng nhân vật nó bị kịch tính hóa. Nói đơn giản nó giống như hiệu ứng truyền hình, tức là tác giả đẩy tình huống câu chuyện đi hơi quá xa, nó thiếu thuyết phục xíu.

    + Làm bồi bàn nếu chỗ này gây khó khăn cho nữ giới thì nhân vật Em có thể xin làm nơi khác yên ổn hơn. Ví dụ: Siêu thị, giúp việc theo giờ, phụ việc quán ăn.. tại sao cứ phải quyết làm cái nghề bồi bàn để người ta chà đạp như thế? Trong khi bồi bàn thì đa số nữ hay bị khách quấy rối. Biết trước mà cứ lao vào, nhân vật Em muốn khẳng định giá trị bản thân mình?

    + Nhân vật Tân không thích nữ giới thì dĩ nhiên nhân vật Em cũng sẽ bị ghét. Nếu xét về góc độ tâm lý nhân vật ngoài đời thực thì động cơ Tân" "oán hận" ", cơn giận bộc phát và đẩy Em vào kính thì tác giả làm hơi quá tay. Có thể đỉnh điểm câu chuyện không nên đi tới cực đoan như vậy và cái chết của Em khiến cánh mày râu trong đó hoàn toàn tệ hại. Nó phơi bày hiện trạng xã hội nhưng câu chuyện không nằm trong bối cảnh phù hợp. Ví dụ chọn bối cảnh là châu Phi hay các nước Ả Rập thì nó vô cùng hợp lý. Vì nữ giới bị đối xử bất công lắm nên việc ra ngoài làm nó thể hiện sự kiên cường hơn.

    - Tác giả nên mở đường cho câu chuyện nó có chiều sâu và cái nhìn rộng mở hơn. Người phụ nữ tuy kiên cường nhưng đừng cam chịu. Cần nhận định thiệt hơn để tạo lối thoát cho mình."

    GK3: "Cốt truyện chân thật, giọng văn bình dị, gần gũi. Nhưng chưa thực sự mượt mà, do lặp từ nối trong cùng một câu và nhiều đoạn đặt dấu câu chưa hợp lí.

    Bìa truyện thiếu sự đầu tư.

    Mắc lỗi về dấu gạch ngang."

    Rất vui vì bạn đã dành thời gian tham gia *tym*
     
  9. MưaThángTám

    Bài viết:
    290
    Em xin cảm ơn những lời nhận xét của ban giảm khảo. Chúc ban giám khảo một ngày mới tràn đầy năng lượng và vui vẻ nhé!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...