Xem người ta kìa Tác giả: Lạc Thanh Thể loại: Nghị luận Xem người ta kìa là bài viết của tác giả Lạc Thanh đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 8 năm 2020. Bài viết bàn về một vấn đề còn nhức nhối trong đời sống xã hội: So sánh. Ba mẹ nào cũng muốn con cái mình giỏi giang để nở mày nở mặt cùng thiên hạ. Chính vì vậy, khi thấy "con nhà người ta" tài giỏi hơn con mình thì sinh ra ao ước, mong con mình cũng được như vậy. Đó là mong mỏi của bất cứ bậc sinh thành nào. Tuy nhiên, phương pháp để giúp con giỏi không phải ba mẹ nào cũng biết, cũng như những sai lầm gây tổn thương cho con không phải ai cũng tránh được. Một trong những sai lầm ấy là so sánh. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết về văn hóa so sánh của các bậc làm cha, làm mẹ, để đưa ra một góc nhìn về vấn đề này, giúp các bậc cha mẹ có thể lựa chọn phương pháp giáo dục con tốt hơn là so sánh. Bài viết Xem người ta kìa được chọn in trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, năm 2021. Văn bản: "Xem người ta kìa!" – đó là câu mẹ tôi thường thốt lên mỗi khi không hài lòng với tôi về một điều gì đó. Cùng với câu này, mẹ còn nói: "Người ta cười chết!", "Có ai như thế không?", "Có ai làm vậy không?", "Ai đời lại thế?".. Tôi là đứa trẻ được dạy nhiều về hiếu thuận, tôi đã cố sức vâng lời để mẹ vui lòng. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi luôn phải dằn lòng nuốt một cục ấm ức. Mẹ tôi giờ đã khuất và tôi cũng đã lớn. Tôi luôn nhớ về mẹ với niềm xúc động khôn nguôi. Tôi đã hiểu ra, mỗi lần bảo tôi: "Xem người ta kìa!" là một lần mẹ mong tôi làm sao để bằng người, không thua em kém chị, không làm xấu mặt gia đình, dòng tộc, không để ai phải phàn nàn, kêu ca điều gì. Mà có lẽ không riêng gì mẹ tôi. Có người mẹ nào trên đời không ước mong điều đó? Mẹ tôi không phải không có lí khi đòi hỏi tôi phải lấy người khác làm chuẩn mực để noi theo. Trên đời, mọi người giống nhau nhiều điều lắm. Ai chẳng muốn thông minh, giỏi giang? Ai chẳng muốn được tin yêu, tôn trọng? Ai chẳng muốn thành đạt? Thành công của người này có thể là niềm ao ước của người kia. Vì lẽ đó, xưa nay, đã có không ít người tự vượt lên chính mình nhờ noi gương những cá nhân xuất chúng. Mẹ muốn tôi giống người khác, thì "người khác" đó trong hình dung của mẹ nhất định phải là người hoàn hảo, mười phân vẹn mười. Tuy vậy, thú thật, trong thâm tâm, tôi cũng không quên cảm giác bất mãn của mình mỗi lần nghe mẹ trách cứ. Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận, và chính điều đó khiến thế giới trở nên hấp dẫn lạ lùng. Chim thú trên rừng, cá tôm dưới biển cũng thế mà xã hội con người cũng thế. Kìa, lớp học của chúng tôi sinh động biết bao vì mỗi người một vẻ. Bạn tôi đấy, cao thấp, béo gầy, đen trắng khác nhau, giọng nói khác nhau đã đành, mà thói quen, sở thích cũng có giống nhau đâu. Tùng thích vẽ vời, Nhung ưa ca hát, nhảy múa. Hoài thì sôi nổi, nhí nhảnh, Thơ lúc nào cũng kín đáo, trầm tư. Trần Long nổi tiếng là một "danh hài", Minh Diệu thì hơn người ở trí nhớ siêu việt.. Người ta thường nói học trò "nghịch như quỷ", ai ngờ "quỷ" cũng là cả một thế giới, chẳng "quỷ" nào giống "quỷ" nào! Tôi đã đọc đâu đó một câu rất hay: "Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là.. không ai giống ai cả". Chính chỗ "không giống ai" nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người. Tôi muốn trở lại với dòng hồi ức được khai mở ở đầu bài. Dù có ý định tốt đẹp, những người thân yêu của ta đôi lúc cũng không hẳn đúng khi ngăn cản, không để ta được sống với con người thực của mình. Ai cũng cần hòa nhập, nhưng sự hòa nhập có nhiều lối chứ không phải một. Mỗi người phải được tôn trọng, với tất cả những cái khác biệt vốn có. Nói chung, sự độc đáo của từng cá nhân làm cho tập thể trở nên phong phú. Nếu đích nhắm tới cao nhất của ta chỉ là giống người khác, thì làm sao ta có hi vọng đóng góp cho tập thể, cho cộng đồng một cái gì đó của chính mình? Đòi hỏi chung sức chung lòng không có nghĩa là gạt bỏ những dấu ấn riêng của từng người. Ta hạnh phúc trong hòa nhập vì ta có được cảm giác bình đẳng, sau những nỗ lực vượt lên mình, muốn đưa một "chút mình" vào góp mặt với thiên hạ. Dĩ nhiên, để có được cảm giác hài lòng vì sự hòa nhập ấy, ta phải biết thường xuyên điều chỉnh mình và học cách chung sống, học cách đối thoại. Đòi hỏi người ta tôn trọng mình thì mình cũng phải biết tôn trọng người khác. Sự khác biệt không là nhu cầu của riêng ai. Càng lớn, tôi càng hiểu nỗi lòng, mong ước của mẹ hơn. Mẹ có mong muốn gì khác ngoài chuyện thấy con mình sớm trưởng thành, tiến bộ. Tôi không còn cái cảm giác ấm ức nữa bởi đã nhận thức được rằng, những lời trách cứ mẹ dành cho tôi cũng có thể là câu mà bao người mẹ trên đời đã nói với con. Tôi muốn đổi nội dung câu nói "Xem người ta kìa!" thành một lời khích lệ: Người ta đã khác, đã hay như thế, sao mình lại không khác, không hay, theo cách của mình? Biết hòa đồng, gần gũi mọi người, nhưng cũng phải biết giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt. Chẳng phải vậy sao? (Theo Lạc Thanh, Tạp chí Sông Lam, số 8 năm 2020)