Xe hàng bông của mẹ

Thảo luận trong 'Tản Văn' bắt đầu bởi Liễu Phan, 27 Tháng chín 2023.

  1. Liễu Phan

    Bài viết:
    6
    Tác phẩm: Xe hàng bông của mẹ tôi

    Tác giả: Phạm Thơ

    Thể loại: Tản văn


    "Cánh cò cõng nắng cõng mưa

    Mẹ tôi cõng cả bốn mùa trên lưng..

    Cho con giấc ngủ say nồng

    Cho con hạt gạo dẻo thơm tháng ngày"

    Có lẽ không có gì kìm nổi vòng quay của thời gian, nhanh như thoi đưa, như nước chảy qua cầu. Mới đó mà đã mười chín năm rồi Mẹ nhỉ. Mười chín năm con rời xa vòng tay Mẹ yêu. Cuộc sống cứ thế trôi đi theo quy luật, cứ đêm rồi lại nối ngày, bao buồn vui xoay quanh cơm, áo, gạo tiền nhưng trong lòng con là mườichín năm không lúc nào nguôi nhớ về Mẹ.

    Hôm nay, khi bắt đầu đặt bút viết về Mẹ, một thước phim quay chậm như đang diễn ra trong ký ức của tôi. Người Mẹ kính yêu của tôi được sinh ra ở quê hương Đồng Khởi. Trời phú, sắc đẹp dịu dàng, mơn mởn thanh xuân. Mẹ tôi là một người nông dân thuần túy. Mẹ chỉ học chưa hết lớp hai trường làng, nhưng với chị em tôi Mẹ có mọi bằng cấp trên đời vì Mẹ đã tốt nghiệp trường nghèo khó. Ba tôi may mắn được Mẹ về làm bạn với Ba khi vừa 19 tuổi, một đám cưới nghèo diễn ra trong hạnh phúc. Nhưng Ba tôi sức khỏe không tốt, nay ốm mai đau, Mẹ về làm dâu vừa lo cho Ba vừa lo bên nhà chồng tất bật. Rồi Mẹ có thêm tôi cùng 3 đứa em gái nối tiếp nhau lần lượt ra đời. Lúc đó, khi quê nhà còn chưa có điện. Bếp lửa, đèn dầu leo lét thắp sáng những căn nhà quê. Vậy mà mái nhà vẫn rộn tiếng cười vui. Mẹ tôi cũng như bao người mẹ nông dân khác, sinh ra từ đồng, từ đất chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó trăm bề, gian khó cơ hàn đã lấy đi tuổi thanh xuân của Mẹ, quanh năm suốt tháng Mẹ chỉ biết làm việc bất kể nắng mưa sớm tối, thân cò lặn lội, lo toan gánh gồng chỉ mong sao đàn con thơ có bữa cơm no.

    Từ khi tôi biết nhớ.. Mẹ dẫu nhỏ người nhưng bền bỉ, luôn ra khỏi nhà từ mờ sớm, trở về lúc mặt trời đứng bóng, ăn trưa xong lại tất tả đi tìm mua từng mớ rau mớ cải rau củ quả từ chỗ này rồi đến chỗ kia. Và thường xuyên nhịn bữa vì công việc gấp gáp và cũng vì nhường cơm cho mấy chị em tôi. Còn nhớ, lúc thuở ấu thơ, mỗi ngày mẹ tôi thức dậy thật sớm, từ 3h sáng khi người người còn say giấc thì Mẹ đã thức dậy nhóm lửa bằng bếp củi nấu cơm bữa sáng cho chị em tôi ăn lót dạ đến trường, ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, buổi sáng đi học chị em tôi đem cơm Mẹ nấu sẵn gói trong tàu lá chuối cùng với dưa muối hoặc có khi với cục đường đen. Còn Mẹ thì nấu xong rồi nhịn đói quảy đôi quang gánh rau ra chợ từ tinh mơ lúc 4h sáng khi tôi và các em ngủ chưa dậy để cho kịp buổi chợ sớm nhóm trong ngày. Gánh hàng của mẹ lồng cồng từ rất nhiều loại rau củ xanh mướt được bó lại thật đẹp. Mẹ xếp gọn vào một gánh để đi đường xa cho tiện. Ngày ấy Mẹ đi bộ, nhà làm gì có nỗi con xe đạp. Những ngày nắng nóng, Mẹ chân không quang gánh chạy cho nhanh, đôi bàn chân thô ráp và nứt toét đến rớm máu. Đôi bàn chân trần của Mẹ có khi cọ sát trên mặt đường, giọt mồ hôi đẫm qua mấy lớp áo giữa ngày nắng hạ. Bàn chân lội từ ruộng thấp lên ruộng cao, trên đường mòn đất sỏi từ nhà đến chợ cũng mất hơn 1 tiếng, Có hôm, trời mưa tầm tã, vì nhà hết gạo, nghĩ đến bầy con thơ như bầy chim non đói há mỏ chíp chíp đang chờ Mẹ về bú mớm, Mẹ lặng lẽ gánh hàng ra đi giữa sấm chớp nhì nhằng như những nhát kiếm chém ngang dọc bầu trời tưởng như vồ lấy nuốt tươi Mẹ.. dù người người nhà nhà đang chăn ấm say giấc. Đường trơn trợt, Mẹ phải bấm chân mò mẫm dò đi từng bước. Đất bùn lún tới bắp chuối. Gánh rau trên đôi vài gầy vẫn yên vị và Mẹ vẫn bước đi trong khi nước mưa thấm vào da thịt lạnh buốt tái tê. Mẹ mải miết gánh hàng đến chợ. Dù ngày nắng cháy da hay Mẹ ướt mem vào ngày mưa tầm gió bão, dù ngày hay đêm đôi chân Mẹ vẫn thoăn thoắt không chùng bước dù cho mấy ngón chân gồ ghề, móng đã úa màu, thối đi vì mỗi ngày lội nước vì những lần Mẹ dùng chân để bám vào mặt đường, cho thật chắc, thật nhanh kẻo sẩy chân té ngã. Bàn chân Mẹ không được bảo vệ bằng dép, bằng giày nhưng ước mơ của con thơ sẽ to ra, sẽ lớn lên cùng độ bóng mướt của đôi quang gánh được lên nước vì thấm giọt mồ hôi trên vai Mẹ và chiếc áo thô ráp cọ vai Mẹ chai sần nhưng đôi quang gánh thì cứ bóng lên, dẻo hơn và cong xuống. Đôi chân thăn thoắt của Mẹ như nhịp ru tuổi thơ khó nhọc của con ở một đầu ngửi thấy mùi thơm của giọt sữa ngọc ngà và một đầu nặng mưu sinh cơm áo. Không hiểu sao Mẹ vẫn tươi vui và đôi chân Mẹ như sắt như đồng đã đi qua muôn nỗi nhọc nhằn của phận đời lam lũ! Dù cho Bụng đói nhưng Mẹ chưa khi nào bỏ ra 200 đồng để ăn sáng, xưa 200 đồng cũng nhiều rồi, Mẹ nén lòng cùng gánh hàng vẫn âm thầm ngày này qua ngày khác để nuôi bầy con khôn lớn. Đến giờ vẫn vậy, cứ chắt chiu từng đồng từng cắt để chăm lo cho gia đình chồng con..


    Nhớ lại những buổi tối mùa đông, gió lạnh hun hút tấp vào mái nhà lá nghe ràn rạt.. Học bài xong, các em đã ngủ say, tôi sà xuống giúp Mẹ bó từng bó rau nhút, cứ 3 cọng rau bó thành một bó, mà một lần bó như vậy là tận mấy thiên rau. Mẹ ngồi từ đầu buổi chiều cho đến tận 1h sáng mới gần xong, đêm nào tôi cũng ngủ gật mẹ mỉm cười bảo: "Con đi ngủ mai còn lấy sức học, để Mẹ làm cho", Tôi đã thiếp đi bao lâu, tỉnh dậy vẫn thấy mẹ cặm cụi ngồi mải miết bó rau. Nhìn bóng Mẹ bé nhỏ chập chờn trên vách nhà trong tôi trào lên niềm thương mẹ vô bờ bến. Rồi 3 giờ tôi lại giật mình khi Mẹ soạn gánh đi chợ, vẫn đôi áo rách sờn vai, mẹ không có nỗi manh áo ấm, có lẽ lâu ngày cái lạnh thấm dần vào xương vào tủy nên Mẹ tôi đến giờ dù mấy chục năm những cơn ho cứ day dẳng không thể nào hết dứt khi trời trở mùa.

    Năm tôi được 11 tuổi, không biết Ba tìm đâu được những thanh sắt đi hàn cho Mẹ con xe đạp, cái xe nó nặng đến mức tôi kiềm không nổi, ấy vậy mà Mẹ chất đầy lên một xe rau hàng bông đến mức không nhìn thấy Mẹ đâu, rồi ngày nắng Mẹ chở đầy một xe hàng ra chợ, có những hôm tôi phụ Mẹ đi bán cùng, đến mùa mưa, đường bùn đất nổi lên, Mẹ phải đẩy xe dẫn bộ, sìn đất bám chặt vào bánh xe, cứ dẫn vài vòng lăn là đất sìn bám không thể dẫn được, tôi và Mẹ cùng nhau lấy cây gỡ đất xuống hết rồi đi tiếp, đèn đường không có phải dùng đèn pin rọi mới thấy đường gỡ, có đoạn sìn lầy lên đến đầu gối Mẹ cũng cố đẩy nguyên một xe đi qua cho kịp bán cho khách bạn hàng, hôm nào mà đi trễ bạn hàng đi hết coi như bữa đó bán ế, Mẹ lại đem đổi rau để lấy bánh này kia cho con ăn hoặc khoai lang vì nhà nghèo không đủ tiền mua gạo, tối nào Mẹ cũng nấu thêm một rổ khoai lang khoai mì to đùng để ăn thêm cho no, vậy mà nhà tôi ăn khoai luôn đầy ắp tiếng cười rơm rã.

    Đêm đêm dưới ánh đèn dầu leo lét, Mẹ một mình khâu vá những áo quần sứt chỉ cho chị em tôi. Mẹ bận rộn vất vả là thế, nhưng trước khi đi ngủ Mẹ vẫn thường xoa lưng hay hát ru chị em tôi ngủ. Chúng tôi lớn lên trong lời ru à ơi của Mẹ, Mẹ cứ à ơi ru chị em tôi từ ngày chị em tôi còn đỏ hỏn cho tới ngày chị em tôi trưởng thành, bước chân trên những nẻo đường riêng, những bài hát đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, dạy tôi biết yêu thương chia sẻ, biết đoàn kết gắn bó để trở thành người tử tế thiện lương.. Lời ru của mẹ chính là kí ức trong trẻo nhất, trọn vẹn nhất để rồi lòng tôi mãi neo lại lời thơ day dứt.


    Ta đi trọn kiếp con người

    Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.


    Chỉ mấy lời ru thôi nhưng là trời, là biển, là yêu thương, là ánh sáng trong đời, Mẹ ơi!

    Quanh năm, Mẹ luôn giành lấy về mình những phần nhọc nhằn, kham khổ, nhường cho chị em tôi những gì tinh tươm nhất. Trước mặt chúng tôi Mẹ chẳng lúc nào để nỗi buồn bộc lộ ra bên ngoài, luôn giấu kín những chuyện không vui trong lòng. Một mình Mẹ âm thầm chịu đựng. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, Mẹ mới trải lòng mình ra cùng với sương gió mong manh, trải lòng mình ra với nỗi quắt quay về cái ăn cái mặc cho đàn con thơ dại. Khi có những hôm tôi cùng Mẹ trên đường đi chợ về có người chặn đường, Mẹ nói gì đó hẹn người ta vài ngày, người ta đi rồi tôi hỏi Mẹ, Mẹ cười bảo người ta mượn tiền không trả Mẹ đòi, sau này lớn lên chút tôi mới biết là người ta đòi nợ Mẹ.. càng thấy thương Mẹ nhiều hơn, khắc khổ, một đời làm lũ vì con.

    Rồi chị em tôi lớn lên mỗi năm một lớp. Nhìn đàn con lớn khôn từng ngày, học hành chăm chỉ, Mẹ rạng ngời niềm hạnh phúc nhưng cũng nhiều hơn bao lo nghĩ xa gần. Việc ăn, việc học của bầy con ngày càng cần nhiều tiền hơn. Vở sách mẹ toàn mua thiếu rồi từ từ trả nợ, có khi gần hết năm học vẫn có khi chưa trả xong, người bán sách đòi biết bao lần Mẹ chỉ biết nan nỉ người ta cho khất.. Tất cả chỉ nhìn vào xe hàng rau củ của Mẹ. Và xe hàng của Mẹ lại nặng lại đầy thêm lên, Mẹ phải đi nhiều hơn, về muộn hơn. Đôi chân Mẹ in dấu khắp các ruộng vườn để cân từng ký rau ký cải từng ký dưa leo khổ qua tất cả các loại.. Ngày hè, chang chang nắng lửa, xe hàng của Mẹ vẫn quay đều vòng xe chở về nhà từng chuyến rồi lại đi lấy hàng tiếp, Mẹ phải cố thêm để có đồng tiền trang trải. Dáng Mẹ gầy in trên đường, điểm vào bức tranh lam lũ. Có hôm gạo hết, chiều muộn rồi mà Mẹ vẫn chưa về, là chị lớn nhất trong nhà, tôi men theo bờ đê đi tìm Mẹ. Mảnh vườn rau về chiều mùa đông vắng lặng lại càng trở nên đìu hiu. Xa xa, dáng mẹ với xe hàng trĩu nặng muốn ngã khi Mẹ cố kiềm xe đẩy hàng về, gió lạnh giật từng hồi buốt giá, một vài thân cò run run nán lại kiếm ăn. Nhưng mồ hôi Mẹ vẫn ướt đẫm lưng áo. Lúc ấy, mong ước thẳm sâu trong tôi muốn sẻ san cùng Mẹ những nhọc nhằn lo toan hằng ngày. Mẹ ơi! Con thương mẹ biết bao nhiêu!


    Đối với Mẹ tôi, Tết đồng nghĩa với những lo toan bất tận, cực nhọc bội phần, Nhớ những ngày giáp Tết, Mẹ tôi đi về như con thoi. Mẹ phải đi gom mua cải về để cả nhà cùng mẹ làm dưa chua bán Tết, làm từ sáng đến tối, đi chợ bán rồi về lại làm dưa, Mẹ bỏ cả ăn bỏ cả ngủ, cho xong những buổi chợ Tết. Những khoản tiền dành dụm cả năm cho cái Tết của một gia đình có sáu người được Mẹ dốc ra tiêu dùng hết cho mấy ngày Tết. Mẹ mua cho chị em tôi mỗi đứa một bộ đồ mới mặc Tết cũng là để sau Tết mặc đi học. Tôi làm sao có thể quên được dáng Mẹ tất tả đạp chiếc xe đạp cũ kỹ, với chiếc nón lá sờn rách bị gió thổi ra phía sau trên đầu mẹ tôi, trên xe chở đầy các loại hàng Tết Mẹ mua về từ chợ nghèo mộc mạc. Có hôm Mẹ tôi phải đi chợ đến hai ba lần mới mua đồ xong nhưng Mẹ vẫn không quản ngại, cố đạp xe đi về nhiều lần để mua cho đủ. Một cái Tết tuy chưa thật đủ đầy như những nhà người khác nhưng Mẹ cố gắng chuẩn bị thật tươm tất trong khả năng tiền bạc của gia đình. Mẹ tôi bận buôn bán đến tận sáng ngày 30 Tết. Rồi về nấu mâm cơm rước Ông bà Vẹn tròn phận dâu con. Ấy thế mà Mẹ tôi không để chị em tôi cảm thấy thiếu vắng không khí Tết với chuẩn bị gói bánh Tét, chiều 30 Tết Mẹ nào là trải chiếu ra giữa sân, nào là rửa phơi lá chuối, chẻ lạt buộc, vớt gạo nếp và đậu xanh đã ngâm nước từ tối hôm trước để bánh Tét mau chín và dẻo ngon, chuẩn bị củi và nồi hấp bánh Tét, ba Mẹ và con cái tíu tít gọi nhau, phân việc cho nhau làm, thật bận rộn nhưng lại vui trong những ngày giáp Tết, chị em tôi được dịp quay quần vui đùa bên bếp lửa ngồi canh nồi bánh Tét đêm khuya. Gần đến Giao thừa, tôi thấy mẹ rất mệt mỏi vì phải làm quá nhiều việc nhưng mẹ tôi vẫn cố làm cho xong trước thềm năm mới. Nhưng rồi Mẹ vẫn không có nỗi mảnh áo mới cho ngày đầu năm.

    Một mình mẹ tảo tần lo cho chị em tôi. Hết cấp ba rồi vào đại học, Rồi chị em tôi lớn khôn phải rời xa vòng tay Mẹ, phiêu bạc xứ người tìm kế sinh nhai kiếm sống, rồi Mẹ gả chồng cho từng đứa. Mẹ quay quắt với nỗi nhớ các con và lủi thủi một mình cùng Ba. Đến bây giờ, dù chị em tôi đã có gia đình riêng. Mẹ đã có các cháu ngoại. Cuộc sống không còn khó khăn, thiếu thốn như trước nữa nhưng mẹ tôi vẫn giản dị, tiết kiệm. Có gì ngon, mẹ đều dành cho con, cho cháu.

    Vậy mà 19 năm qua, 19 năm lưu lạc nơi xứ người cũng là bấy nhiêu năm trong tôi luôn đau đáu về quê nhà. Nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi có ngôi nhà vách đất mái lá chứa chan kỉ niệm, đầy ắp yêu thương. Nơi mà mãi mãi dang rộng vòng tay che chở khi các con quay về khi vấp ngã, dù đôi tay ấy chứa bao vất vả lo toan đã làm cho đôi bàn tay chai sần gân guốc của Mẹ. Đôi tay đưa chị em tôi đi qua dại khờ tuổi nhỏ, đôi bàn tay luôn ấp ủ chở che. Đôi tay chai sần không trắng trẻo, mịn màng mà con sẽ mãi nói lời biết ơn. Vẫn dang rộng và tha thứ cho mọi lỗi lầm của những đứa con đã từ bỏ quê hương mà đi. Sau bao nhiêu năm lang thang phiêu bạc rày đây mai đó. Để tóc Mẹ đã nhiều sợi bạc. Những vết chân chim hằn trên khóe mắt. Mẹ tôi là vậy đấy! Cả đời vất vả lo toan. Cả đời chăm chút cho những đứa con. Mẹ không có thời gian, không có điều kiện để nghĩ cho riêng mình. Đôi lúc trở về trên chính mảnh đất, ngôi nhà mà mình đã sinh ra, lớn lên. Hình ảnh ngày xưa, chị em quây quần bên Mẹ, bên mâm cơm chỉ toàn rau là rau. Lâu lâu được vài con cá rô, cá sặc mùa đồng ngập nước mà Mẹ băng lội khuya sớm nhọc nhằn nhưng đầm ấm, yêu thương. Và tự dưng trong sống mũi tôi nóng ran cay nồng.

    Mẹ không còn trẻ nữa nhưng vất vả vẫn chưa buông tha mẹ. Dù Mẹ nay đã 59 mùa xuân nhưng đôi chân vẫn đạp đất, đôi chân lội bùn, đôi chân phăm phăm trên đường quê một thời con gái giờ lại gò lưng cùng mẹ trên chiếc xe đạp cà tàng. Đôi chân mẹ đạp những vòng quay và người đi chợ cùng bạn hàng vẫn đợi mẹ đến để cân từng bó rau bó cải. Ấy vậy mà ngày nào không đến chợ là chị em bạn hàng đều í ới gọi Mẹ hỏi đâu. Đôi bàn chân Mẹ không còn mạnh, còn nhanh như thuở Mẹ chưa già nhưng vòng quay của bánh xe đạp như người bạn đồng hành mang yêu thương của Mẹ từ nhà đến chợ. Những hôm rảnh rỗi, Mẹ lại gói bánh Tét, bánh ít hay bánh dừa rồi bó rau con cá để gởi lên Sài Gòn cho các con. Mẹ vẫn gầy, sự gầy gò của người phụ nữ chưa một ngày được thảnh thơi. Với Mẹ, sống cho bản thân mình là một điều quá ư xa xỉ.


    Mẹ mãi là người thầy vĩ đại theo tôi đến suốt cuộc đời. Mẹ ơi! Nếu có một điều ước trên đời, con sẽ ước Mẹ được mạnh khỏe thân tâm an lạc ở bên con mãi mãi. Mẹ là đóa hoa nở ra từ khốn khó, lam lũ đời thường, đóa hoa ấy lặng lẽ tỏa hương, nâng đỡ chị em con nên người bằng những lời ru ngọt ngào sâu lắng.

    Biết là chẳng thể viết hết được cuộc đời của Mẹ để gom vào trong từng này câu chữ. Nhưng một chút lòng thành cũng mong là ngọn gió mát lành gởi đến Mẹ dấu yêu.
    "Mẹ ơi sóng biển dạt dào/ sao con gánh hết công lao một đời.." những ca từ trong bài hát con yêu thích nhất này đã gói ghém tất cả nỗi lòng của con muốn dành cho Mẹ. Một năm một lần và ngày mai lại đến ngày của Mẹ, Con muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Mẹ. Con muốn nói rằng cảm ơn Mẹ rất nhiều. Cảm ơn Mẹ vì mẹ đã là Mẹ của con. Dù cuộc đời có biến chuyển xoay vần như thế nào, dù thời gian có đi qua bao nhiêu mùa chăng nữa, và dù con có lớn khôn ra sao thì trong cuộc đời của con Mẹ vẫn dõi theo, vẫn theo từng bước chân con, vẫn lo lắng cho con và luôn mong con được bình an và hạnh phúc. Và với riêng bản thân con ngày nào với con cũng là ngày của Mẹ.

    ".. Con dù lớn vẫn là con của Mẹ

    Đi hết đời, lòng Mẹ vẫn theo con.."
     
    Nghiên Di, LieuDuongcuongleld thích bài này.
    Last edited by a moderator: 27 Tháng chín 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...