Review Phim Woman In The Dunes (Người Đàn Bà Trong Cồn Cát) - Hiroshi Teshigahara

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hoang0302, 11 Tháng một 2020.

  1. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    Điều đặc biệt của bộ phim Woman in the Dunes chính là tính biểu tượng. Đen và trắng trộn lẫn vào nhau khiến cho người xem không nhìn thấy màu sắc của hạt cát hay những bãi cát mênh mông, nhưng điều đó lại tạo ra sự liên tưởng đến một bức tranh tĩnh vật đầy ám ảnh, tạo cảm giác quanh co trong cảm xúc.

    Woman in the dunes có thể nói là đã đạt được sự xuất sắc bởi độ điềm tĩnh trong cốt truyện bất thường. Một nhà côn trùng học, đồng thời là giáo viên đến một cồn cát xa xôi ở ngoại thành với hi vọng khám phá một loại bọ cánh cứng sống trong cát. Màn đêm buông xuống biến những vùng đất thành mê cung mới và anh đã phải cầu cứu đến dân làng. Họ đã để anh tá túc trong một căn nhà xiêu vẹo nằm dưới hố cát, chủ nhân là một người phụ nữ góa chồng đang sống một mình. Đến sáng hôm sau, người ta giấu cái thang đã dẫn anh xuống ngôi nhà, anh tìm cách leo lên trở lại phía trên nhưng đều thất bại, từ đó trở đi anh bị rơi vào cái phễu cát cuộc đời của người đàn bà đó. Người đàn ông đam mê sưu tầm côn trùng không ngừng cố gắng thoát khỏi cơn ác mộng này, trong khi người dân muốn giữ anh ở lại vĩnh viển vì trong làng thiếu đàn ông.

    Đây là chuyến đi để tìm kiếm loại côn trùng mới và cũng để thoát khỏi sự cô đơn của cuộc sống thành thị. Bộ phim mở đầu với một montage của dấu vân tay và dấu hộ chiếu, sau đó là hình ảnh chụp gần của một hạt cát lớn như tảng đá, và sau đó là hình ảnh viên kim cương.. Tác phẩm là một kết hợp hiếm hoi có thể kết hợp chủ nghĩa hiện thực và câu chuyện ngụ ngôn về cuộc sống trong thời điểm nó ra đời, một thời kỳ ngột ngạt với những dư âm khắc nghiệt sau chiến tranh. Từ đầu bộ phim, hình ảnh của những con côn trùng được đặt để cẩn thận trong cái hộp kín, tông màu đen trắng tập trung vào ba vật thể: Con bọ cánh cứng, những hạt cát và bàn tay của người đàn ông, đó như là dấu hiệu nhận biết cho một triển vọng thể hiện triết học hiện sinh của tác phẩm, về vấn đề tâm lý của con người một cách trừu tượng. Người dân trong làng bán cát cho các công ty xây dựng, nhưng vì cát ở địa phương này nhiễm mặn nên không đạt chất lượng, nên dân làng chấp nhận bán giá rẻ. Đồng nghĩa là các công trình nếu sử dụng cát này sẽ rất nguy hiểm. Người phụ nữ sống trong căn nhà đã kể với anh nghe như vậy. Nhưng cô ta đêm nào cũng xúc cát, vì nếu để cát lún thì ngôi nhà này sẽ sập. "Tại sao chúng ta nên lo lắng những gì sẽ xảy ra với người khác?". Cô là tù nhân của chính ngôi làng, còn ngôi làng là tù nhân của sự rẻ rúng của xã hội. Không ai muốn đoái hoài đến những người thuộc tầng lớp "tiện dân" trong bối cảnh xã hội lúc đó, kể cả người đàn ông kia. Họ sống bên rìa sự sống, họ bị áp bức và bị xem thường bởi một thế giới ở phía bên kia cồn cát.

    Người đàn ông (Eiji Okada), từ một vị giảng viên trong xã hội văn minh, anh đã bị cưỡng bức để trở thành một thành viên của ngôi làng có nhiều tập tục kỳ lạ. Nhiều người đàn ông đã rơi vào vào cái bẫy đó và không thể nào thoát ra. Đáng lạ hơn nữa, người phụ nữ (Kyoko Kishida) tình nguyện hầu hạ anh như một người chồng. Hiroshi Teshigahara đã tạo ra một kết cấu hữu hình dựa trên cát, da thịt và nước. Nước thấm vào cát, rồi chạm vào da thịt, và chảy xuống từ từ nền cát. Có thể người xem sẽ liên tưởng đến một vài chi tiết gợi cảm sau đó từ hình ảnh này, nhưng Hiroshi đã kịp dừng lại để tạo ra một trạng thái lấp lửng bị chối bỏ, khi cuộc sống tù ngục của người đàn ông buộc phải gắn bó với người phụ nữ xa lạ này, nó chỉ đơn giản là đi ngủ, ăn uống, xúc cát, hứng nước, quan hệ tình dục. Một cuộc sống cơ bản đến mức lùi xa dần với nhân loại. Đối lập với sự hiểu biết của một giảng viên đại học là sự đơn điệu của người phụ nữ này, "ả ta", "mụ ta" là từ mà dân làng gọi cô, một kiểu gọi thể hiện sự khinh thường. Tại sao người phụ nữ kiên nhẫn này không chống lại sự độc tài của dân làng? Cô ta thèm muốn một cái radio để theo dõi tin tức, như một biểu hiện của niềm khao khát tiến đến nền văn minh, nơi mà "vị khách" của mình đã thuộc về. Tại sao người phụ nữ ngày đêm xúc cát vì sợ ngôi nhà sẽ sụp đổ lại không tìm cách trốn khỏi nơi đây? Từ ban đầu, bản chất của việc tồn tại của hai nhân vật chính tạo ra trạng thái đối lập mà người xem nhận ra rất rõ. Người phụ nữ không cần sự tự do, hoặc là cô ấy không biết tự do là gì, người chồng trước và đứa con đã chết trong một cơn bão cát. Tự do với cô chẳng còn ý nghĩa gì, "Cô sống là để xúc cát, hay cô xúc cát để sống?" – Chẳng có sự lựa chọn nào cả, tất cả chỉ đơn giản đó là việc cô muốn làm cho hết ngày, hết thời gian của cuộc đời mình. Còn tự do của người đàn ông chỉ duy nhất: Thoát ra khỏi đây. Anh muốn vươn lên khỏi hố cát để nhìn thấy biển. Đến trường đoạn khi người đàn ông đã ngầm chấp nhận về sự tồn tại của mình nơi đây, ý chí của một cá nhân tự do đã bị nghiền nát, cùng với đó chính là linh hồn của mình. Tình tiết khi người phụ nữ mang thai ngoài tử cung với anh, nó càng cho thấy đậm nét của sự hoang vu, xơ xác, khô cằn ở một mảnh đất xem chừng cũng chẳng còn hi vọng gì nữa. Trong phim có một chi tiết, khi nhiều người đàn ông trong làng từ trên cao muốn xem người đàn ông và mụ đàn bà trong ngôi nhà cát làm tình trước mặt họ, một hành động thể hiện sự thú tính man rợ, nhưng cuộc sống ở đây có gì nữa để vượt khỏi lằn ranh này? Người phụ nữ nhất quyết không chịu, nhưng người đàn ông đã nói "sợ gì chứ, chúng ta đã sống có còn là con người nữa đâu" – Một chi tiết khác cũng thể hiện rõ nét hơn, vì dân làng đã bỏ khát hai người họ một thời gian, nên khi chậu nước được thả xuống, anh ra sức hớp từng ngụm nước mà quên người đàn bà bên cạnh, thậm chí còn đẩy cô ta một cách thô bạo. Vậy thì, liệu chúng ta có còn là con người nữa không khi nếp não đã quen với việc thích nghi ở một nơi như thế này?

    Những đụn cát là vô tri vô giác, nhưng không bao giờ cạn. Cát trong các bữa ăn, dính vào chén cơm, chậu nước, vào cái đồng hồ, trong những bộ quần áo và trong cơ thể của hai con người kia. Cát ẩm ước và làm hư hại những thứ mà nó chạm vào: Gỗ, da, vải và đạo đức. Một biểu tượng ngầm cửa sự sụp đổ bởi cát. Cát tạo nên nhà tù cho những nhân vật trong phim lẫn người xem, chúng ta nhìn xuống cái hố cát khô khốc cùng một ngôi nhà dựng tạm có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, người phụ nữ dành cả đời để xúc cát như một công việc không có điểm dừng, như dã tràng se cát trong truyện cổ tích, vũ trụ không bao giờ đoái hoài đến cô ta. Woman in the dunes có lẽ là một phiên bản hiện đại của Huyền thoại Sisyphus, một người đàn ông bị các vị thần trừng phạt bằng cách cả đời phái đẩy một hòn đá khổng lồ lên đỉnh núi, rồi sau đó chỉ để thấy nó lại lăn ngược trở lại xuống dưới. Người xem có thể cảm thấy bất mãn nhưng còn cô thì lại hài lòng và thích thú với những khổ đau vô ích.

    Vào khoảnh khắc người đàn ông phát minh ra máy bơm nước để tránh cái hạn hán ở đây, anh đã vui mừng như tìm được sự tự do mới. Đó cũng là một trạng thức của tự do khi chúng ta làm mới "nhà tù" của chính mình, là cảm giác thỏa mãn nảy ra từ việc khám phá chân dung phi lý của cuộc sống. Nhưng ngay lập tức, ở chi tiết đó, khi dây thang được dân làng thả xuống để đưa người phụ nữ đi chữa bệnh, người đàn ông đã nhìn thấy con đường thoát thân của mình, anh ta dự định leo lên, nhưng lại khựng lại, rồi nhìn nó.. Và kết thúc phim, người xem biết được tên của anh qua bảng thông báo một giảng viên đã mất tích nhiều năm và không tìm thấy xác: Niki Jumpei.

    Woman in the dunes thể hiện phong cách làm phim nổi bật của Hiroshi Teshigahara bởi từng tầng lớp dụ ngôn liên tục được nhấn mạnh, và đặc biệt là sự suy xét của cái gọi là "sức mạnh ý chí" của mỗi cá thể. Tác phẩm là kết quả hoàn hảo của việc kết hợp giữa chủ đề, phong cách và ý tưởng. Người ta nhìn thấy trên một cồn cát mênh mông rộng lớn, có một người lang thang đơn độc tiến lên dốc. Đó là hình ảnh không thôi ám ảnh đối với người dân Nhật Bản thời hậu chiến, khi tất cả mọi việc vẫn còn nóng ran như mùi cát trong sa mạc. Tình huống biến số phận thành một vấn đề của con người, và phải được dàn xếp giữa con người. Cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống là để xác định ý nghĩa của việc tồn tại vào bối cảnh Nhật Bản lúc bấy giờ, cả ở thành thị và nông thôn. Công việc của họ, các mối quan hệ cộng sinh đều không thể thoát khỏi bàn tay số phận thời hậu chiến, cùng lúc, bộ phim cũng đã cho thấy một cái nhìn lớn hơn của cuộc sống đương đại: Con người ta vẫn bị mắc kẹt bên trong một hố cát vô vọng không lối thoát.


    Thông Tin Phim:

    Năm Phát Hành: 1964

    Thể Loại: Tâm Lý

    Hãng Sản Xuất: Toho

    Quốc Gia: Nhật Bản

    Đạo Diễn: Hiroshi Teshigahara

    Biên Kịch: Hiroshi Teshigahara, Kobo Abe

    Diễn Viên: Eiji Okada, Kyōko Kishida

    Thời Lượng: 2h 3m

     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...