Điều đầu tiên chúng ta cần phải khẳng định rằng: Vụ nổ lớn – Big Bang không phải là sự tái hiện của một sự kiện mà đó là một học thuyết vũ trụ. Sự ra đời của học thuyết vụ nổ lớn – Big Bang. Từ xưa đến nay, loài người luôn hiếu kì về việc khám phá vũ trụ bao la, đầy bí ẩn. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Vũ trụ rộng lớn bao nhiêu? Các hành tinh khác có sự sống hay không? Hay vũ trụ được hình thành như thế nào? Tất cả những câu hỏi trên đã không dừng lại ở sự tò mò mà nó đã trở thành khát vọng chinh phục thế giới bao la của nhân loại. Vậy vũ trụ là gì? Đây là câu hỏi lớn, cho đến thời điểm hiện tại những hiểu biết của con người cũng chỉ là những giả thuyết quay quanh sự bao la vô tận đó. Nhìn lại các tiến trình lịch sử của nhân loại, con người đã bắt đầu nhận thức về vũ trụ từ rất sớm. Sự hiểu biết của con người về vũ trụ đã phát triển đáng kể theo thời gian. Ở từng thời kỳ, đều có những học thuyết được đưa ra và đại chúng công nhận, ví dụ như thời kỳ sơ khai của các tư tưởng vũ trụ, con người đã cùng tin rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, mọi hành tinh khác đều quay quanh Trái Đất. Đến thế kỷ thứ 16, nhà khoa học người Ba Lan Nicolaus Copernicus cho rằng Trái Đất và các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời thực tế đang quay xung quanh Mặt Trời, điều này tạo nên một sự thay đổi sâu sắc trong sự hiểu biết về vũ trụ, nhà hiền triết Lão Tử cũng từng nhận định về vũ trụ là một tồn tại "vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận". Kế đến là sự ra đời của các học thuyết như lực hấp dẫn của Issac Newton, thuyết tương đối của Albert Einstein hay những thành quả nghiên cứu của Edwin Hubble.. Với những tích lũy đó đã dần đưa hiểu biết của con người tiến xa hơn và cũng cho phép một học thuyết mới ra đời, cho rằng vũ trụ có điểm khởi đầu. Đó là học thuyết vụ nổ lớn – Big Bang. Theo học thuyết này thì "Big Bang là vụ nổ đầu tiên để từ đó đồng thời sinh ra không gian, năng lượng và vật chất tạo ra vũ trụ như hiện nay". Khi học thuyết này ra đời, nó đã trở thành đề tài gây tranh cãi rất nhiều trong suốt khoảng thời gian dài của thế kỷ 20. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cùng với sự phát triển của khoa học vũ trụ, những phát hiện mới từ quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã đưa ra được rất nhiều kịch bản phù hợp với học thuyết này. Và giờ đây học thuyết vụ nổ lớn – Big Bang đã trở thành nền tảng đáng tin cậy cho phần lớn các nghiên cứu về vũ trụ và quá trình hình thành của nó. Vậy vụ nổ lớn – Big Bang là gì? "Big Bang là vụ nổ đầu tiên để từ đó đồng thời sinh ra không gian, năng lượng và vật chất tạo ra vũ trụ như hiện nay". Theo các kịch bản đã được đưa ra xoay quanh học thuyết này "khởi thuỷ vũ trụ nguyên thuỷ chỉ là một đại dương cực kỳ đặc và nóng (đây vẫn là điều phải thừa nhận). Rồi vụ nổ lớn Big Bang xảy ra, từ đó bắt đầu toàn bộ các biến cố sau này." Như vậy, mọi trật tự ban đầu của vũ trụ sơ khai đã được phá bỏ, từ đó thiết lập nên sự hình thành của vũ trụ hiện tại, trong đó có hành tinh của chúng ta. Tóm tắt vụ nổ lớn – Big Bang: Vào khoảng 15 tỷ năm về trước, khi vũ trụ chỉ tồn tại dưới dạng sơ khai, tất cả mọi thứ đều tập trung một điểm với mật độ rất dày và nhiệt độ rất cao. Về sau, với áp lực vượt quá sức chứa của không gian, điểm này phát nổ, vũ trụ bắt đầu mở ra tứ phía, kéo theo đó là quá trình hình thành của năng lượng và vật chất. Trải qua hàng tỷ năm vận động và phát triển, dần hình thành nên các tinh vân, tinh hệ, sao.. cũng từ đó vũ trụ ngày nay hình thành. Big Bang không chỉ đơn thuần là một vụ nổ. Thuật ngữ Big Bang do ai đề xuất? Điều không ai ngờ rằng thuật ngữ này tồn tại đến ngày nay là do chính người phản đối học thuyết "vụ nổ lớn" đề ra. Fred Hoyle là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Big Bang năm 1949 trên một chương trình radio của BBC. Ông là người đưa ra mô hình của học thuyết "trạng thái dừng" và ông đề cập đến thuật ngữ Big Bang như một sự châm biếm khôi hài về mô hình "vụ nổ lớn" của Lemaitre, dù hoàn cảnh ra đời mang tính chất châm biếm sự khác biệt quan điểm khoa học, nhưng nó lại được sử dụng đến ngày nay. Fred Hoyle là người đề cập thuật ngữ Big Bang đầu tiên nhưng với mục tiêu bác bỏ học thuyết đó. Nói thêm: Sau chiến tranh thế giới lần thứ II , có hai mô hình học thuyết vũ trụ nổi bật còn đứng vững. Một là mô hình "Trạng thái dừng" của Fred Hoyle, với đề xuất khả năng vật chất được sinh ra khi vũ trụ giãn nở. Trong mô hình này vũ trụ gần như nhau tại mọi điểm trong thời gian. Mô hình còn lại là mô hình Vụ Nổ Lớn do Lemaître khởi xướng, và George Gamow là người ủng hộ và phát triển lý thuyết với khái niệm tổng hợp hạt nhân Vụ Nổ Lớn, một khái niệm ông nêu ra khi nghiên cứu quá trình và nguồn gốc sinh ra các nguyên tố nhẹ nhất. Lemaitre là người đề xuất học thuyết Vụ nổ lớn. Vũ trụ bao nhiêu tuổi? Dựa vào học thuyết vụ nổ lớn – Big Bang, các nhà khoa học đã tính toán ra độ tuổi của vũ trụ là khoảng 15 tỷ năm. Đây là một quá trình rất dài, trong khi loài người của chúng ta chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng hai triệu năm. Nếu so với 15 tỷ năm của vũ trụ thì đó thật sự chỉ là một khoảng thời gian quá ngắn.