Ngôn Tình Vụ Án Cọp Tinh - Lê Khả Lâm

Thảo luận trong 'Hoàn Thành' bắt đầu bởi Lê Khả Lâm, 18 Tháng mười hai 2023.

  1. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Tên truyện: Vụ Án Cọp Tinh

    Tác giả: Lê Khả Lâm

    Thể loại: Trinh Thám, Ngôn Tình, Linh Dị

    [​IMG]

    Giới thiệu truyện:

    Đường trạm Dinh Bình Hòa phải qua mười một trạm dịch với đoạn đường bộ do được 71.506 dặm. Trong đó, có những đoạn đường đầy những cọp, beo, voi, tê giác.

    Nhất là đoạn từ trạm Hòa Mỹ đến trạm Hòa Cát, cọp beo ở đây cứ gọi là nhiều vô kể. Như 10 năm trước ở núi Hòn Diễn, có con cọp ba chân đã thành tinh.

    Nó luôn rình bắt người đi buôn trên đoạn đường này. May sao năm ấy quan trấn Thành Diên Khánh hiểu được nỗi cơ cực của người dân mà đã mật cầu chúa Ngọc phu nhân, xin bà phù trợ để ông có thể giết được cọp tinh.

    Và khâm sai Chưởng tiền quân Bình Tây đại tướng quân Nguyễn Văn Bình đã thực giết được cọp dữ. Ân đức vô lượng! Ấy vậy mà vị quan liêm đó lại chẳng nhận công lao cho mình.

    Miếu Bà Chúa Ngọc được lập nên trong sự biết ơn vô hạn của chúng dân. Ân đức của Quận công Nguyễn Văn Bình thật khiến người đời phải nể phục.
     
    Last edited by a moderator: 27 Tháng mười hai 2023
  2. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 1: Chuyện vãn ở quán nước

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nắng tháng 4 đổ lửa, nhưng lại chẳng e dè mà rọi thẳng xuống mái đầu đã ướt đẫm mồ hôi của Diệp Thảo. Cô gái trẻ nhắm không cố được nữa nên đã vội tấp vào một gốc cây ven đường mà nghỉ mệt.

    Nón lá được tháo xuống. Diệp Thảo cũng lấy ngay nó để làm quạt.

    Từng đợt gió được tạo ra từ những cái phe phẩy của cái nón lá giúp cô gái trẻ phần nào bớt đi cái ngột ngạt nóng bức.

    Nắng chi mà nắng dữ vậy không biết. Nắng từ độ Tết đến giờ rồi còn gì. Đồng ruộng khô cháy. Mùa màng cũng vì thế mà đói kém hẳn. Nhớ cảnh chum gạo trong góc bếp chỉ còn non nửa đấu mà Diệp Thảo buông ra một tiếng thở dài.

    Lần tìm trong túi vải ống nứa đựng nước, cô gái trẻ ngây người, rồi sau đó là chuyển sang trạng thái bất lực khi ống nứa đã trống không từ khi nào. Đúng vậy. Chuyện quan trọng như thế mà nàng cũng quên được kia đó.

    Nước trong ống nứa khi nãy bước xuống xe ngựa nàng đã cho hai mẹ con nhà kia uống. Nhìn họ ngửa cổ tu cạn những giọt nước cuối cùng trong ống mà Diệp Thảo suýt chút nữa bật khóc.

    Nhưng may sao nàng đã không khóc. Đứng lặng nhìn theo bóng lưng gầy nhom của người mẹ trẻ và đứa bé, nàng biết họ cũng rất khát nên mới uống sạch nước như vậy. Rồi thì nàng nhủ thầm là nhà của Nguyễn đại nhân cũng gần thôi. Chịu khó nhịn khát một chút rồi đến đó uống bù cũng được.

    Nhưng chẳng ngờ đoạn đường đi này dài hơn nàng tưởng tượng rất nhiều. Ngửa cổ trông lên ông mặt trời hãy còn đang say sưa phát sáng, Diệp Thảo dứt khoát đứng lên, đội nón rồi bước ra khỏi tán cây.

    Phải cố gắng lên! Đúng rồi! Phải cố gắng.. Bởi chum gạo trong góc bếp nhà nàng chỉ còn non nửa đấu. Bởi giờ chuyện đói no của thầy mẹ ở nhà đang phụ thuộc hết vào nàng.

    Diệp Thảo nàng nhớ như in đôi mắt buồn bã của thầy khi đứa học trò duy nhất xin nghỉ học. Ông buồn bởi mai rầy tiền đong gạo sẽ chẳng còn nữa. Nhưng biết sao được, khi dân quanh vùng còn đang chạy ăn thì tâm trí đâu mà họ nghĩ đến cái chữ.

    May mắn cho Diệp Thảo là nàng có cha là một thầy đồ trong vùng, nên chữ nghĩa trong đầu nàng tự tin là nhiều hơn mấy sĩ tử lông bông ngoài kia. Có điều nàng là phận nữ nhi, ngoài nuôi tằm, dệt vải rồi thì cấy mướn, chứ có còn công việc gì khác để cho nàng làm đâu.

    Bứt rứt vì chẳng thể phụ giúp được cho thầy mẹ. Diệp Thảo đã suýt bật khóc khi nhận được thơ của bác Ba, là anh trai của thầy nàng. Bác Ba nói muốn mượn Diệp Thảo đến xứ Quán Trà phụ ông ghi chép sổ sách thóc lúa mà Nguyễn đại nhân thâu mua được.

    Lá thơ ấy không khác chi là cái phao cứu sinh cứu rỗi cuộc đời của Diệp Thảo. Nàng vội biên thơ hồi đáp rằng bản thân ưng thuận với công việc mà bác ruột sắp xếp.

    Và khi thơ được gửi đi, thì nàng cũng nhanh chóng sắp xếp quần áo để lên đường. Xuất phát từ sáng tinh mơ ở trạm dịch Hòa Thuận, Diệp Thảo cứ ngỡ bản thân sẽ sớm thôi đến được trạm dịch Hòa Cát.

    Nhưng có ai ngờ đâu sự chẳng như nàng tính toán. Xe ngựa bị hỏng giữa đường. Cũng may chỗ xe bị hư là trong khu chợ, có người qua lại nên phần nào chuyện cũng được giải quyết chóng vánh, và còn không sợ thú dữ tấn công.

    Ấy vậy mà Diệp Thảo nàng vẫn đến nơi trễ hơn giờ hẹn tận hai canh giờ. Hai canh giờ.. Ngộ nhỡ vì chờ lâu quá mà không thấy Diệp Thảo nàng xuất hiện, nên Bác Ba của nàng sẽ đưa công việc đó cho ai khác thì sao?

    Luồng suy nghĩ kia chợt thoáng qua trong đầu. Làm Diệp Thảo không kịp được mà run rẩy. Nàng cố rảo chân bước cho thật mau. Nhưng đôi giày cỏ của Diệp Thảo nàng vừa đưa lên trước được đôi ba bận đã phải dừng lại.

    Đâu đó phía trước đang vọng lại những thanh âm của sự cãi vã. Không cho mình cái quyền được chậm trễ, nhưng khi nhận ra những thanh âm kia đã phát ra từ cái quán nước dưới gốc sung già ven đường, thì Diệp Thảo đã không ngăn nổi sự tò mò.

    Nàng đứng lại bên vệ đường trông vào quán nước. Chỉ là cái chòi lá được dựng tạm từ mấy tấm phênh lá dừa. Quán nước xiêu vẹo tưởng chừng đã ngả hẳn vào một bên gốc sung.

    Ấy thế mà quán lại đông khách đến mức kì cục. Bước lại gần hơn, Diệp Thảo nghe cô gái áo tím đang ra rả mắng chửi. Có lẽ đối tượng mà cô ta muốn nhắm tới là cô gái áo hồng, đang đứng trước mặt.

    - Là tôi đã nhìn thấy cái bàn này trước nên đương nhiên là cái bàn này, phải là của tôi. Cô đã đến sau thì hãy chọn một cái bàn trong góc mà ngồi. Người đâu đã xấu người rồi lại còn điêu ngoa.

    - Điêu ngoa? Xấu người?

    Cô gái áo hồng cũng chẳng phải loại vừa.

    - Cô nói người thì cũng phải nhìn lại mình trước đi đã. Có ai đời là nữ nhân mà nhìn thấy nam nhân một cái là cuống quýt lên, như mèo nhìn thấy mỡ không? Thật không xứng với cái danh là Trần đại tiểu thơ đâu. Phải là Dâm Dâm tiểu thơ mới đúng.

    Cô nàng bực tức đến mức bàn tay đã nắm thành quyền, khiến những người có mặt trong quán và cả Diệp Thảo nữa nghĩ sẽ xảy ra một vụ ẩu đả. Nhưng không, cô gái áo tím sau khi được bé đứng cạnh kéo áo thì đã khôi phục được sự bình tĩnh.

    Cô nàng xốc lại váy áo thì hướng cô gái áo hồng cười nhạt. Sự bình tĩnh của cô nàng khiến Diệp Thảo kinh ngạc một, thì những gì cô gái ấy nói ra lại khiến Diệp Thảo kinh ngạc mười.

    Cô gái áo tím nói:

    - Đúng! Ta thừa nhận bản thân rất si mê cậu Ba của Nguyễn gia. Nhưng đã sao. Si mê thì nói si mê. Ai chứ đâu có như ai kia. Dùng mọi thủ đoạn để cậu Hai để ý đến mình, nhưng ngoài mặt thì lại cứ tỏ ra thanh cao.

    Những tiếng ồ à vang lên khiến cô gái áo hồng lập tức đỏ mặt. Cô nàng ngượng ngùng giằng mạnh cái ghế trong tay xuống nền đất cứng rồi vội vàng quay lưng rời đi.

    Vậy là phần thắng đã thuộc về cô gái áo tím sao?

    Hướng ánh mắt ngưỡng mộ thật sự về người mới giật giải, Diệp Thảo xốc túi vải của mình lên để toan đi tiếp.

    Nhưng chân vừa mới cất bước thì tai lại nghe tiếng chửi mắng của cô gái áo tím. Lần này là chuyện gì nữa đây. Ngoảnh đầu nhìn lại thì một màu xanh thiên thanh mát mắt đã lập tức đập vào mắt của Diệp Thảo.

    Một cô gái xinh đẹp nữa lại xuất hiện, và người này không những có gương mặt hút hồn mà khí chất của cô nàng cũng khiến Diệp Thảo phải thêm một phen trầm trồ.

    Tao nhã, nhưng lại có chút ngạo khí. Và tiếng chửi mắng của cô gái áo tím là xuất phát từ cái ngạo khí đó. Cô gái mặt áo xanh thiên thanh từ lúc nào đã ngồi vào cái bàn mà ai đó vừa tranh giành được.

    - Cô đi ra ngay cho tôi! Đây là bàn của tôi mà.

    - Là bàn của cô sao?

    Cô gái mặc áo xanh cười nhạt.

    - Là bàn của cô thì sao cô không ngồi? À, tôi biết rồi! Có phải cô xuất thân là nô tì chi đó nên không có thói quen được ngồi? Vậy thì nhường cái ghế này cho tôi đi. Cảm ơn!

    Đoạn cô gái áo xanh quay đầu nói với bà chủ quán nước:

    - Bà chủ cho tôi ấm trà sen với ít bánh ngọt nhé! Với còn bà chủ có biết khi nào thì người của cậu Ba Nguyễn gia đi qua đây không? Tôi nghe nói hôm nay họ đi thăm kho hàng ở Lũng Tre.

    Bà chủ quán nước đang suy nghĩ để trả lời câu hỏi của khách thì đã phải dừng lại bởi tiếng cười hả hê của cô gái áo tím. Cô gái trẻ sau khi cười xong thì còn khoa trương đưa ống tay áo lên quệt nước mắt.

    Diệp Thảo biết biểu tình này nghĩa là gì? Là mắc cười quá đến bận chảy cả nước mắt. Và quả thật là vậy. Cô gái áo tím hướng ánh mắt khinh miệt về phía người mới giành chỗ ngồi của mình mà rằng.

    - Tưởng thanh cao thế nào? Thì ra là cũng muốn được cậu Ba Nguyễn gia để ý tới.

    - Thì sao chứ? Nguyễn đại nhân, xưa làm khâm sai của Dinh Bình Hòa này không phải là rất liêm chính, yêu thương con dân sao? Gia đình phúc đức như thế không phải chỉ có cô, tôi hay bất kỳ cô gái nào cũng muốn được bước chân vào đó mà làm dâu. Nhưng có điều là cô gái trẻ à, cô hiểu lầm rồi. Người tôi muốn gặp là Lê Bá Thông, người giúp việc bên cạnh cậu Ba kia.

    - Cái gì?

    Cô gái áo tím không giấu được sự kinh ngạc.

    - Sao lại gặp Lê Bá Thông? Này, đừng nói cô muốn chồng đến mức đầu óc lú lẫn rồi nha. Chứ Bá Thông, cái gã giúp việc đó tuy nhìn cũng điển trai thật, nhưng xuất thân hèn kém. Đã vậy, tôi còn nghe nói gã đó có thời gian tham gia khoa cử nhưng kết cục vẫn không đỗ được kì thi nào. Nói ra thì cũng thật khó nghe nhưng tên Bá Thông ấy thật sự là một kẻ bất tài vô dụng.

    Nhấp ngụm trà mà bà chủ quán nước vừa mang ra, cô gái áo xanh ném ánh mắt khó chịu về phía người trước mặt. Diệp Thảo đoán có lẽ là do cô gái áo tím đang ngồi vào cái bàn mà không xin phép chủ nhân.

    Nhưng biểu tình đó chỉ thoáng qua thôi. Bởi liền sau đó cô gái áo xanh đã như nhận ra được điều gì đấy. Cô hướng người trước mặt mà dò hỏi.

    - Xin thứ nếu ta nói gì không phải, nhưng vị tiểu thơ có phải là Trần đại tiểu thơ Trần Ngọc Diễm Kiều con gái cưng của quan Đốc Trần đại nhân không?

    Một thoáng kinh ngạc hiển hiện trên gương mặt của Diễm Kiều. Nhưng sự kinh ngạc đã nhanh chóng chuyển thành ngại ngùng, cô gái trẻ hướng người đối diện mà phân trần.

    - Cô biết tôi. Nhưng tôi lại chẳng biết cô là ai? Thật xin lỗi! Nhưng tôi nghĩ mãi mà chẳng nhớ ra được cô là con của vị quan nào ở vùng này.

    - Trần tiểu thơ à, cô có cố nhớ cũng không thể nào nhớ được đâu. Vì trước nay chúng ta chưa có gặp qua nhau. Thêm nữa là tôi không phải con của quan tước chi hết, mà cha tôi là thương buôn. Chắc Trần tiểu thơ có nghe qua cái tên Huỳnh Tấn Cương chứ? Tôi là con gái của ông ấy.

    Dừng lại một chút để mỉm cười, cô gái áo xanh tiếp.

    - Tôi tên Huỳnh Thanh Vân. Quả tình hôm nay tìm gặp Lê Bá Thông không phải là để tư tình chi cả, mà là để hỏi chuyện ghi chép lần mua bán trước của cha tôi với cậu Ba. Mà nếu không gặp được Lê Bá Thông thì gặp lão quản gia Ba Duyệt cũng được. Bởi nghe người làm nói thì hôm mua bán ông Ba cũng có phụ ghi chép với gã Bá Thông đó. Chuyện cấp bách lí ra tôi phải đích thân đến Lũng Tre một chuyến. Nhưng vì cha tôi đột nhiên khó ở khiến tôi giờ mới được rảnh tay. Và trời thì cô thấy đấy! Sắp tối rồi!

    - Ồ. Ra vậy! Thế mà tôi cứ tưởng. Nhưng cũng phải bày tỏ sự ngưỡng mộ với Huỳnh tiểu thơ nha. Phận nữ nhi yếu đuối mà cô lại có thể tham gia vào chuyện buôn bán này nọ.

    Câu nói của tiểu thơ Diễm Kiều hình như đã chạm tới nỗi lòng thầm kín của Thanh Vân. Cô cười nhạt.

    - Ngưỡng mộ mà chi hả Trần tiểu thơ. Bụng mà đói thì đầu gối phải bò mà thôi tiểu thơ ạ. Mà nghe Ngô quản gia nói thì tầm mai hay mốt chi đó, thì cháu gái của ông ấy cũng tới đây làm công. Khi đó chắc tôi sẽ đỡ tủi hơn.

    Nghe lời nói của Huỳnh tiểu thơ có nhắc tới mình thì Diệp Thảo hơi cứng người. Ra là sự xuất hiện tới đây của nàng ở Nguyễn gia đã được bác Ba báo trước cho mọi người. Vậy mà nàng cứ lo lắng hão.

    Mạnh dạn bước vào quán nước, Diệp Thảo ngồi xuống cái bàn trống còn lại. Vừa hay nó lại gần với cái bàn của Huỳnh tiểu thơ và Trần tiểu thơ. Nhưng họ mải chuyện nên chẳng hề nhìn nàng.

    Hay cũng có lẽ do nàng ăn mặc quá bần hàn nên họ không có nhìn nàng vào trong mắt. Có điều đó là họ, còn với bà chủ quán nước thì lại khác. Vừa nhác thấyDiệp Thảo bước vào, người đàn bà ấy đã đon đả bước ra chào khách.

    - Cô nương! Ngồi đi! Ngồi đi! Dùng gì nào? Ở đây có trà sen trà lài, với ít bánh ngọt ăn lót dạ.

    - Thím cho tôi xin một ấm trà sen thôi ạ.

    Cất giọng vừa đủ nghe, Diệp Thảo còn cẩn thận bỏ lên tay người đàn bà một đồng tiền. Đó là đồng tiền duy nhất còn lại của Diệp Thảo. Và nàng ban đầu chẳng hề tính đến chuyện bước vào quán nước này.

    Nhưng khi nàng nghe được chuyện bác của mình có lẽ đang cùng cậu Hai Nguyễn gia đi Lũng Tre, thì mọi kế hoạch đã thay đổi. Nàng sẽ ở đây chờ người như cách mà cô gái Thanh Vân đang làm.

    Có điều là nên chờ ở đâu, bởi cứ đứng xớ rớ trước quán người ta thì không nói cũng biết chắc là bản thân Diệp Thảo sẽ bị ăn chửi. Và thêm nữa là đoạn thời gian nàng được gặp bác Ba Duyệt đã là 10 năm trở về trước.

    Khi ấy Diệp Thảo mới lên 7, nên kí ức về người đàn ông ấy giờ chẳng còn rõ mấy. Hay nói huỵch toẹt rằng giờ nếu có gặp Diệp Thảo chắc cũng chẳng nhận ra ông Ba Duyệt, nên cách hay nhất là ngồi chờ người khác chỉ điểm.

    Đưa xong đồng tiền cho bà chủ quán nước, Diệp Thảo lo lắng trông ra con đường đất trước mặt. Lạ nước lạ cái, Diệp Thảo chẳng hề biết Lũng Tre ở hướng nào. Và người bác ruột, người sẽ cho nàng một công việc sẽ từ hướng nào đi tới.

    Người đàn bà là chủ quán nước sau khi nhận tiền thì không hiểu sao vẫn cứ đứng trơ ra mà nhìn Diệp Thảo chằm chằm. Ánh nhìn không có ý hằn hộc mà đâu đó Diệp Thảo lại nhìn thấy sự bi thương.

    - Bà chủ à, có chuyện gì sao? Tôi.. nãy giờ có nói gì mạo phạm bà ư? Nếu vậy thì bà cho tôi xin lỗi. Chỉ là khác vùng khác miền chứ tôi không có ý mạo phạm bà đâu.

    Lời nói có phần nhỏ nhẹ lại mang đầy ý nhún nhường của Diệp Thảo đã làm người đàn bà kia phải rối rít xua tay. Bà nói:

    - Cô nương à, tôi nào có ý đó. Chỉ là nhìn cô, tôi lại nhớ về đoạn thời gian tuổi trẻ của mình. Mà tôi hỏi thứ không phải, có phải cô mới từ ở Hòa Thuận ra đây? Đừng ngạc nhiên, giọng của cô.. tôi vốn cũng là người ở tổng đó nghe một phát là nhận ra ngay. Hay là thế này đi, ấm trà này tôi không có lấy tiền của cô.

    Nhìn đồng tiền mà bà chủ quán nhất quyết dúi lại vào tay mình thì Diệp Thảo giật thót. Phận nữ nhi tuy không được ra ngoài nhiều, nhưng Diệp Thảo cũng hiểu được cái đạo lý là ở đời không nên ăn không của ai thứ gì.

    Vì thế mà cô gái trẻ cũng không chịu nhận tiền trả lại kia. Nàng nhét lại nó vào tay của bà chủ. Nàng nói:

    - Bà chủ đừng làm thế. Mà nếu bà chủ không nhận tiền thì tôi xin phép ra khỏi quán để tránh làm phiền bà.

    Thu lại đồng tiền rồi dứt khoát đứng dậy, làm bộ sẽ rời đi, Diệp Thảo đã thành công làm cho bà chủ phải nhường nàng một bước. Người đàn bà ấy mở tay nàng để lấy đồng tiền, rồi cũng bằng một hành động mạnh mẽ như thế. Bà ấn Diệp Thảo xuống cái ghế tre.

    - Ngồi đi! Ngồi đi! Tiền tôi nhận được chưa? Nhưng cô nương cũng phải nhận của tôi ít bánh ngọt đó. Tôi thật không có ý gì đâu. Chỉ là một chút lòng thương nhớ cố hương mà thôi.

    Gật đầu thật khẽ để đáp lại tấm chân tình của người đàn bà, lúc này Diệp Thảo mới chậm chậm quan sát bà chủ quán nước.

    Đậm người, nước da bánh mật nhìn bà chủ quán nước toát ra một vẻ gì đó khá hiền lành nhân hậu.

    Cuộc nói chuyện của Diệp Thảo và người đàn bà đó không quá lớn tiếng. Nhưng có lẽ trước đó đã có vụ cãi vã của mấy cô gái, và thêm nữa là việc Diệp Thảo là người lạ, nên đã vô tình thu hút sự chú ý của mọi người có mặt trong quán.

    Một lão nông vận trên người bộ áo nâu bạc màu hướng Diệp Thảo khen ngợi.

    - Cô gái trẻ mà lễ phép, cũng như hiểu chuyện quá nhỉ?

    Rồi đoạn ông dừng lại mà nhìn bà chủ quán.

    - Còn bà Lam nữa, giờ tôi mới biết là bà quê tận Hòa Thuận đấy. Bởi lâu nay tôi cứ nghĩ bà là người ở đây, gần cái xứ Quán Trà này thôi chớ. Đúng không đội trưởng Thành?

    Đội trưởng Thành có lẽ là tên gọi của gã đàn ông ngồi cùng bàn với lão nông. Một gã đàn ông có thân hình rắn rỏi cùng với thanh gươm dài dắt ở thắt lưng. Là một chức sắc gì đó ư?

    Câu hỏi vừa chạy ngang qua đầu đã làm Diệp Thảo không tự chủ được, mà bất giác hướng ánh nhìn chăm chú vào gã đàn ông kia để đợi câu trả lời.

    Có điều Diệp Thảo không phải là người duy nhất có hành động như vậy. Bởi ai nấy trong quán nước đều đang nhìn Đội trưởng Thành kể cả hai vị Huỳnh tiểu thơ và Trần tiểu thơ. Có lẽ câu chuyện vãn về quê kiểng của bà Lam đã kích thích sự tò mò của Trần tiểu thơ hơn cả.

    Cô gái trẻ sau một hồi chờ đợi mà không thấy Đội trưởng Thành trả lời thì nôn nóng:

    - Ơ kìa Thành huynh, câu hỏi dễ thế mà huynh không thể trả lời được sao? Thật là mất mặt cho chức sắc của cái Dinh Bình Hòa này.

    - Trần tiểu thơ à, không phải là bổn chức không biết về quê quán xưa cũ của bà Lam.

    Đội trưởng Thành vội vàng lên tiếng thanh minh cho chính mình. Rồi đoạn gã đàn ông đó hướng ánh mắt thương cảm về phía bà Lam. Đội trưởng Thành nói:

    - Chuyện đau lòng đó thật sự nên quên đi thì hơn. Tôi nói có phải không bà Lam?

    Mọi ánh mắt lại đổ dồn về phía bà chủ quán nước. Hẳn ai cũng như Diệp Thảo đang tự hỏi ở trong đầu rằng nhắc đến quê cũ thì có chi mà đau lòng. Hay ở chốn đã từng chôn nhau cắt rốn của bà Lam đã xảy ra sự gì?

    Bà Lam như cũng nhìn ra sự hiếu kì của mọi người trong quán. Người đàn bà ấy ngồi im lặng, vân vê tà áo một chốc rồi cũng cất lời.

    - Thật là rất đau lòng! Nhưng Đội trưởng đây hiểu sai ý tôi rồi. Mười mấy năm nay tôi không nhắc tới nó, không phải là muốn quên. Mà bởi nghĩ chuyện cũ nhắc lại làm chi. Với nạn nhân của con cọp tinh đó đâu chỉ có mình cha mẹ tôi.

    Cố nói bằng giọng điệu thản nhiên nhất, nhưng đâu đó trong lời nói vẫn nghe được thanh âm của sự run rẩy, bi thương. Thì ra năm đó bà Lam đúng là người ở xứ Hòa Thuận như Diệp Thảo.

    Nhưng cha mẹ bà Lam không làm nông, hay đi bạn như hầu hết người dân ở đó, mà ông bà làm nghề muối mắm rồi gồng gánh đi khắp nơi để bán.

    Năm ấy, sau khi mẻ mắm muối tận 6 tháng đã chín thì cha mẹ bà Lam đã bàn với nhau đem mắm ra Hòa Du để bỏ mối. Biết là đường xa trắc trở nên cha mẹ bà Lam bắt xe ngựa khởi hành sớm lắm.

    Nhưng trời không thương. Xe ngựa chở họ bị hỏng ở dọc đường nên khi đến trạm Hòa Tân trời đã chuyển chiều. Trạm Hòa Tân là nơi mà bất kể chiếc xe ngựa nào đi qua đó cũng đều cố đi cho thật nhanh.

    Bởi nơi ấy cây cối um tùm đã đành, lại còn là chỗ mà con cọp ba chân, con cọp đã thành tinh đó lui tới kiếm mồi. Thời đó nghe đâu đã có tới chục người chết dưới móng vuốt của con cọp tinh đó.

    Tiếng dữ đồn xa và đồn nhiều khiến ai nấy đi qua trạm Hòa Tân đều rất kinh sợ. Và nếu có nhỡ đường thì họ luôn chọn cách quay đầu mà không dám tiếp tục đi tới trạm Hòa Du.

    (Hết chương 1)
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng mười hai 2023
  3. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 2: Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Và gã phu xe đang chở cha mẹ của bà Lam cũng đã làm điều tương tự như vậy. Sau khi bỏ nốt hai vị khách xuống trạm Hòa Tân thì gã quay đầu cho xe vào cái làng nhỏ gần trạm để nghỉ ngơi. Gã cũng khuyên cha mẹ bà Lam là nên làm như mình.

    Nhưng chả hiểu khi đó cha mẹ bà Lam nghĩ cái gì trong đầu mà kiên quyết không chịu dừng chân. Họ sợ bạn hàng ở Hòa Du sẽ vì sự chậm trễ mà không nhận hàng nữa. Nên thay vì dừng chân nghỉ ngơi như lời khuyên của gã phu xe, họ lân la ở trạm dừng để giao kèo với một gã phu xe khác vì hám tiền mà đồng ý chở họ đi tiếp đến trạm Hòa Du.

    Và chuyện gì tới cũng đã tới. Chiếc xe ngựa đó đã bị con cọp tinh đón đường. Hiện trường còn lại khi mọi người nhìn thấy là ba cái thây nhoe nhoét máu.

    Người thì bị cọp cắn mất tay, người thì bị nó tát đến không còn hình người. Mà thảm thương nhất là mẹ của bà Lam khi quần áo trên người bị cọp cắn rách hết, làm lồ lộ ra những phần da thịt của đàn bà.

    Cái chết của cha mẹ tới quá bất ngờ khiến bà Lam khi đó mới đôi mươi đau đớn một, thì những lời đồn đoán rằng cọp tinh đã làm chuyện vợ chồng với mẹ làm bà đau đớn mười.

    Rồi bà điên điên loạn loạn lúc nào không hay. Bà Lam bỏ nhà đi lưu linh lưu địa. Bà bạ đâu ngủ đó, người ta cho gì ăn đó cho đến khi gặp được ông Lam.

    - Tỉnh hồn tỉnh trí rồi thì tôi mới được chồng kể cho nghe chuyện Nguyễn đại nhân giết con cọp dữ đó. Dù người chết thì cũng đã chết rồi, nhưng tôi biết ơn đại nhân lắm. Chỉ tiếc là bản thân lúc đó khùng khùng điên điên nên không được mục kích hình dạng của kẻ thù đã giết hại cha mẹ mình.

    - Không phải mình bà chủ không được nhìn xác cọp đâu. Mà tôi đây rồi tất cả mọi người cũng có ai được nhìn xác cọp đau.

    Đội trưởng Thành chép miệng tiếc rẻ. Bên kia lão nông nghe vậy cũng góp lời. Lão nói:

    - Chuyện đó thì lão biết nè. Bận đấy lão làm phu khuân vác ở trạm dừng Hòa Du nên được chứng kiến sự thể từ đầu đến cuối. Nhưng phải bắt đầu kể từ đâu nhỉ? Từ cái bận Nguyễn đại nhân khi đó là quan Khâm sai đi thị sát tình hình cọp dữ ở trạm Hòa Du đi. Đúng là đất hiền thì sẽ có thánh nhân cứu giúp. Như lão đây đến giờ vẫn nghĩ Nguyễn đại nhân là được thần phật gửi xuống để cứu giúp chúng dân ở trạm dừng Hòa Tân Hòa Du năm đó, mà có khi là cứu giúp cả cái dinh Bình Hòa này cũng nên.

    Giọng lão nông đầy hoài niệm. Thì ra năm đó sau khi thị sát tình hình xong, Nguyễn đại nhân đã tuyên bố rằng bản thân đã mật cầu Bà Chúa Ngọc nên chuyện bắt được cọp dữ chỉ là vấn đề thời gian.

    Ban đầu ai nấy đều chẳng tin lời của Nguyễn đại nhân. Nghĩ ông cũng giống như những gã quan tham thích khoe mẽ khác. Nhưng rốt cuộc thì Nguyễn đại nhân đã giết được cọp dữ. Chỉ là trong lúc vật lộn thứ yêu ma quỷ quái đó đã dùng chút sức tàn để nhảy xuống vực, hòng tìm đường sống.

    Nhưng có lẽ là trời thương. Con cọp tinh đáng ghét đó đã vùi thây ở vực thẳm. Nhờ đó mà cuộc sống của chúng dân Hòa Tân, Hòa Du mới được bình yên như hôm nay.

    - Mà nếu tôi nhớ không nhầm thì sau khi cọp dữ bị rơi xuống núi lính tuần các cậu đã được lệnh xuống đó để kiểm tra xác của thứ yêu ma quỷ quái đó mà.

    Đúng không? Sao lại bảo là không được nhìn thấy xác của nó? Nói thật đi! Có phải là cái thứ đó đã thành tinh mang bộ mặt con người nên các cậu không dám kể cho dân đen chúng tôi nghe phải không?

    - Gì mà thành tinh mang bộ mặt con người chứ lão Tám?

    Đội trưởng Thành bật cười thành tiếng.

    - Không có chuyện đó đâu. Mà thật là có hay hoặc không thì tôi không dám khẳng định, bởi tụi tui đâu có đi xuống vực.

    Im lặng lắng nghe cuộc hội thoại của mấy người đội trưởng Thành, bà Lam và lão Tám nãy giờ, rốt cuộc Trần tiểu thơ Trần Ngọc Diễm Kiều cũng không nhịn được mà lên tiếng. Cô hướng Đội trưởng Thành mà chất vấn:

    - Trên đời này sao lại có sự lạ như thế chứ? Sao các huynh lại không xuống vực để xem xác hổ? Nhỡ như nó sống lại thì biết làm thế nào? Là một chức sắc nhận bổng lộc của vua và triều đình mà các huynh lại làm việc tắc trách như thế sao?

    Lời chất vấn nặng nhẹ của Diễm Kiều làm gương mặt chữ điền của Đội trưởng Thành thoáng chốc ửng đỏ. Gã đàn ông hơn ba mươi đó hướng cô gái trẻ mà chắp tay xá nhỏ. Gã nói:

    - Thưa, lời của đại tiểu thơ nói thật đúng. Nhận ân đức của thiên tử, bổng lộc của triều đình mà không làm tròn chức trách của mình, bổn chức thật xấu hổ vô cùng. Nhưng lúc đó lực bất tòng tâm Trần tiểu thơ ạ. Bởi bọn lính tuần tôi vào đêm Nguyễn đại nhân giăng lưới bắt cọp thì ai nấy đều bị đi tiêu đến mặt choáng mày váng. Hôm sau được cho thuốc uống thì đỡ được đôi phần, nhưng lại không có người dẫn đầu.

    Đội trưởng Thành dừng lại đôi chút để tự trách bản thân. Sau gã lại tiếp:

    - Cũng may là con cọp tinh ấy đã chết thật. Nếu không thì thật sự tôi sẽ hối hận lắm.

    Cả quán nước chợt rơi vào im lặng. Ngoài kia mặt trời cũng dần thu lại những luồng nắng chói chang của mình, để từ từ trở về núi bắt đầu cho một giấc ngủ dài.

    Không gian im ắng chỉ nghe đâu đó những tiếng thở dài nhè nhẹ được phá vỡ bởi Trần Ngọc Diễm Kiều. Cô gái trẻ hướng Đội trưởng Thành cất giọng nhỏ nhẹ.

    - Vậy là ta đã trách nhầm đội trưởng rồi. Nhưng có Thành huynh nhắc ta mới sực nhớ ra một chuyện. Năm ấy Phan đội trưởng tên Phan Vũ Anh tại sao lại từ chức vậy. Ta còn nhớ rất rõ sáng đó đi ngang sang nhà họ ta vẫn thấy cậu con trai của họ vẫn đang chạy giỡn với một gia nô rất vui vẻ. Vậy mà khi chiều thì lại nghe là đã chuyển đi. Nghe thật gấp rút!

    Lão Tám cố đợi cho Trần tiểu thơ nói xong thì mới dám cất lời. Ông nói:

    - Phan đội trưởng Phan Vũ Anh khi đó thì tôi cũng biết này. Đó là một người võ nghệ cao siêu. Nghe đâu tài bắn cung và đấu kiếm của người đó cứ phải nói là xuất sắc không hề có đối thủ. Ngẫm khi đó mà Phàn đội trưởng không từ chức thì trong trận chiến với con cọp tinh đó, Nguyễn đại nhân đã không bị thương thế nặng như vậy. Nhưng mà Trần tiểu thờ à, tiểu thơ có nhầm lẫn gì không? Bởi như lão thấy thì con của Phan đội trưởng là một nữ nhi mà. Gương mặt thanh tú, vóc người thì rất mảnh mai. Nhìn thế nào thì cũng không giống một nam nhân.

    Tiếng cười khe khẽ phát ra từ khuôn miệng xinh xắn của Trần Ngọc Diễm Kiều. Nhưng ngay tức thì cô gái nhận ra mình đã quá vô ý, nên đã vội vàng che miệng. Diễm Kiều nói:

    - Xin lỗi ta vô duyên quá! Nhưng quả tình khi mới gặp Phan Minh Nhân, ta cũng đã nhầm lẫn như lão Tám đây vậy. Gương mặt thanh tú, vóc người thì cực kỳ mảnh mai. Nhưng lúc đó cậu bé ấy cũng chỉ tầm 7 – 8 tuổi, nhỏ hơn ta và cậu Ba Nguyễn gia tầm 3- 4 tuổi. Chưa là nam nhân, nên chưa trổ mã. Có khi bây giờ gặp lại câu ta đã là một tráng sĩ mang vóc dáng lực điền rồi ấy chứ. Mà kìa, đó là ai vậy?

    (Hết chương 2)
     
  4. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 3: Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau cái giật gấu áo của đứa hầu gái mà sau này Diệp Thảo biết tên là Lụa, thì Trần Ngọc Diễm Kiều đã vội vàng ngẩng đầu và thốt ra câu nói kia: Mà kìa, đó là ai vậy?

    Ai vậy ở đây chính là bà Ba Miên của Nguyễn gia. Người đàn bà có vóc người thanh mảnh và khuôn mặt xinh đẹp, kiêu sa chầm chậm bước đến trước khoảnh đất của quán nước.

    Vừa nhác thấy bà Ba, bà Lam đã vội vàng bước ra chào hỏi:

    - Dạ, chào bà Ba! Thật quý hóa quá! Mời bà ngồi! Bà dùng trà sen hay trà lài ạ? Quán nhỏ nên chỉ phục vụ được hai loại trà đó. Nhưng tôi lại có bán thêm ít bánh ngọt. Là bánh in nhân đậu xanh hương dứa mà chồng tôi rất tâm đắc.

    Xua tay để đối phương không tiếp tục liếng thoắng, bà Ba cất giọng chê trách:

    - Bà Lam à, tới lúc nào bà mới thôi bỏ cái tật nói nhiều đi. Đã bảo bao lần rồi! Ta đến đây là chỉ muốn mượn bà một chỗ ngồi. Chứ đồ ăn thức uống thì của bà nấu sao bằng của Nguyễn gia tôi được.

    Nói đoạn bà Ba Miên đó phẩy tay ra hiệu cho đứa hầu gái. Đứa hầu gái xinh xẻo, vóc dáng gầy rộc thấy chủ nhân ra hiệu thì vội vàng bước tới gần. Nó thoăn thoắt đặt cái giỏ mây lên bàn, rồi từ trong đó lấy ra những đĩa bánh ngọt đủ màu sắc và cả một ấm trà hương lài thơm ngát.

    Xong đâu đó, con bé thu giỏ mây rồi nhanh nhẹn lùi về phía sau trong sự hài lòng của bà Ba Nguyễn gia. Hất mạnh lên để hướng ánh mắt có phần khinh miệt về phía bà Lam, bà Ba Miên nói:

    - Thấy sao? Có phải hơn hẳn mấy cái bánh quê mùa của nhà bà Lam không bà Lam?

    Từ nãy giờ vẫn tròn mắt nhìn từng đĩa bánh xinh xắn được bày ra bàn, bà Lam đã hơi giật mình khi nghe bà Ba Nguyễn gia gọi tên mình. Mất mấy giây để hồi phục thần trí, người đàn bà tội nghiệp đó vội vàng cúi đầu như đang nhận lỗi.

    - Dạ thưa bà Ba, tôi đây thật đầu óc ngu dại. Có mấy chuyện mà không nhớ nổi, là mượn chỗ ngồi, không dùng gì cả. Vâng, vâng ạ! Bà Ba cứ thong thả thưởng đồ. Tôi.. tôi xin phép ạ.

    Ngập ngừng, lắp bắp bà Lam đang run rẩy.. run rẩy trước cái sự giàu có, xa hoa của bà Ba Nguyễn gia. Đúng thôi! Đường đường là vợ của Khâm sai đại nhân, dù là đã từng thôi nhưng những gì mà bà Ba hiện đang được hưởng thụ cũng đủ khiến cho thứ cù bơ cù bất như bà Lam phải nể phục và kính sợ.

    Bên này bà Ba của Nguyễn gia hình như cũng nhận ra sự quá đáng của mình. Bà liếc nhìn người mình vừa buông lời khinh miệt rồi nhìn cả mấy con người đang đứng ở trong quá. Họ vì sự xuất hiện của bà, vì những lời nói không mấy lọt tai của bà mà trở nên khép nép, cúi mình.

    - Con Nhân đâu?

    Bà Ba Nguyễn gia quát to như vậy. Nhưng đứa hầu gái của bà mặc nhiên không lên tiếng, mà chỉ vội vàng đi tới trước cái bàn mà bà Ba đang ngồi rồi cúi thấp đầu.

    Bên kia bà Ba Miên hình như đã quen với cái kiểu không trả lời đó của đứa hầu gái, nên bà không một lời la mắng. Người đàn bà đó lấy túi tiền đang dắt ở thắt lưng rồi móc trong đấy ra một đồng tiền.

    - Đưa cho bà chủ đi! Nếu bà ấy không nhận thì bây sẽ bị ăn đòn đó. Rồi mấy người nữa, ngồi đi chứ? Tôi cũng chỉ là khách như mấy người thôi.

    Một lối hành xử khiến đối phương vừa kinh sợ, vừa nể phục. Khẽ nom theo những bước chân thoăn thoắt nhẹ nhàng của người hầu gái tên Nhân, Diệp Thảo thấy được nét mặt có phần khó xử của bà Lam. Phải chi người đưa tiền là bà Ba Miên thì chắc chắn bà Lam sẽ lập tức từ chối.

    Nhưng người trực tiếp đưa tiền cho bà lại đứa người hầu gái với lời đe là sẽ bị ăn đòn, nếu tiền bị trả lại. Nhìn bà Lam cất tiền vào túi áo, đứa hầu gái tên Nhân quay ra để trở về vị trí khi nãy.

    Lúc này Diệp Thảo mới có thời gian để ngắm nghía cô gái trẻ, màDiệp Thảo mặc định bản thân sau này sẽ chạm mặt hằng ngày. Thậm chí là sẽ có lúc phải nhờ vả.

    Nhưng thời gian ngắm nghía của Diệp Thảo chưa tròn một khắc thì bả vai đã bị ai đó kéo giật lại một cách thô bạo. Là Huỳnh tiểu thơ, cô ta đã rời chỗ ngồi của mình và đang cùng Trần tiểu thơ tiến lại chào hỏi bà Ba.

    - Cháu là Trần Ngọc Diễm Kiều, con gái của quan Đốc Trần Ngọc Mạnh. Bấy lâu cháu có nghe cha kể về bà Ba Nguyễn gia, là người đức hạnh với nhan sắc thuở son rỗi rất đỗi xinh đẹp dịu dàng. Nay được gặp thật đúng như lời kể.

    Một thoáng ngỡ ngàng hiện lên trên đáy mắt của bà Ba. Nhưng với tài ứng biến của mình, người đàn bà ấy đã lập tức khôi phục được vẻ đoan trang vốn có. Bà hướng ánh mắt xã giao về phía cô gái trẻ nở một nụ cười tươi rói.

    - Tưởng ai? Hóa ra là Trần tiểu thơ. Tuổi trẻ nhưng ăn nói thì thật khiến người ta vui lòng. Nhưng còn ai đây? Là tỷ tỷ của tiểu thơ ư?

    Bà Ba vừa nói vừa đưa mắt nhìn Huỳnh tiểu thơ. Cô gái trẻ từ lúc nãy đến giờ vẫn đứng cạnh Diễm Kiều, nhưng tuyệt nhiên là không nói gì cả. Thấy bà Ba nhìn mình và cùng với đó là cái phất tay của Trần tiểu thơ thì Thanh Vân mới sực tỉnh.

    Cô gái trẻ ngượng ngùng hướng bà Ba thi lễ rồi khẽ nói.

    - Dạ thưa bà Ba, tôi không phải là tỷ tỷ hay muội muội chi của Trần tiểu thơ đây, bởi tôi họ Huỳnh, tên là Huỳnh Thanh Vân. Tôi đoán là bà Ba chắc chưa có nghe qua đâu, nhưng nếu tôi nói mình là con gái của Huỳnh Tấn Cương thì chắc bà sẽ biết.

    Đáp lại câu giới thiệu của Thanh Vân bằng cái tặc lưỡi và sau đó là cả lắc đầu. Bà Ba tỏ ý không hài lòng.

    - Huỳnh tiểu thơ! Sao cô lại có thể gọi tên húy của cha mình ra như thế? Chỉ cần là Huỳnh bá phụ thôi, là ta đây đã biết rồi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Huỳnh tiểu thơ đây đúng là cá tính mạnh mẽ như lời thiên hạ vẫn đồn đãi với nhau.

    Lại lần nữa cúi thấp đầu để thi lễ, Huỳnh Thanh Vân không giấu được sự ngượng ngùng. Cô gái trẻ ấy nói:

    - Đa tại bà Ba đã dạy bảo! Thanh Vân tôi sẽ khắc ghi những lời bà Ba nói vào lòng để bản thân không bao giờ phạm phải nữa. Mà ai kia, có phải là cậu Ba không ạ?

    Câu nói của Huỳnh Thanh Vân làm bà Ba vội ngoái đầu lại nhìn. Khi xác định được nhóm người đang đi tới kia chính là con trai và những người làm công của mình, thì bà vội quờ tay ra đằng sau.

    Lập tức đứa hầu gái tên Nhân từ đằng sau tiến lại để đỡ bà Ba dậy. Nhìn đôi bàn tay to bè và cả gân guốc của đứa hầu gái kia mà da đầu của Diệp Thảo đột nhiên co giật.

    Một đứa hầu gái thân cận bà chủ Nguyễn gia mà thô kệch xấu xí như vậy thì hẳn Nguyễn gia đó không phải là nơi dễ sống.

    (Hết chương 3)
     
  5. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 4: Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ở Nguyễn gia trang.

    Nguyễn đại nhân Nguyễn Văn Bình đứng chắp tay sau lưng rồi trông ra bậu trời đỏ ối trước mặt, mà bất giác buông tiếng thở dài. Thiên hạ nói đúng ai nấy bon chen cho lắm rồi cũng phải bước vào giai đoạn xế chiều.

    Cái giai đoạn mà tay chân rệu rã đến độ chỉ muốn lấy cái danh cái lợi khi xưa mà đánh đổi. Nhưng nào có được. Nhìn ra cây cỏ đang dần bị màn đêm nuốt chửng, Nguyễn đại nhân nói vọng vào trong nhà.

    - Bà vú đâu, rồi con Lành nữa ra coi thắp đèn lên đi chớ. Để nhà cửa tối đui tối mù vầy mà được hả?

    Tiếng gọi của Nguyễn đại nhân vừa dứt thì từ phía nhà dưới lập tức có tiếng bước chân. Người đang chạy lên trước là anh Đen, một người làm của Nguyễn gia trang. Vừa chạy ra tới nơi, anh Đen đã vội cúi rạp người.

    - Dạ thưa đại nhân cho gọi ạ!

    - Thắp đèn! Thắp đèn lên! Mà sao nhà lại chỉ có mình bây thế hả? Bà vú đâu? Con Lành đâu? Ta nuôi ăn nuôi ở mấy đứa tụi bây để giờ có mỗi chuyện thắp đèn thôi mà phải để ta gào thét là sao?

    Cúi đầu sâu đến độ sắp cắm hẳn xuống đất, thái độ kinh sợ của anh Đen khiến cơn tam bành của Nguyễn đại nhan dần dần lắng xuống. Nhưng với bản chất của một kẻ đã từng đứng đầu cả Dinh Bình Hòa. Nguyễn đại nhân đâu dễ dàng bỏ qua cho việc trễ nãi của bọn người làm. Nguyễn đại nhân cất giọng trách mắng:

    - Đúng là một lũ dân đen nhàn quá sanh hư! Coi kêu con Lành hay bà vú ra phụ bây thắp đèn lên. Ăn cơm của Nguyễn gia, ngủ trong nhà của Nguyễn gia này mà một chút ý thức chăm chút cho Nguyễn gia cũng không có.

    Bị la mắng vô cớ, anh Đen vốn định ngậm hẳn miệng lại rồi đi thắp đèn như lời sai bảo. Nhưng vì thấy giọng điệu của chủ nhân lại dịu lại, và còn vì lúc này thực sự không thể kêu bà vú hay con Lành được nên anh Đen mới đánh bạo lên tiếng giải thích.

    - Dạ, bẩm đại nhân!

    Đang chuẩn bị dời chân đi vào nhà trong, Nguyễn đại nhân Nguyễn Văn Bình chợt dừng lại. Ông hướng đôi mắt kinh ngạc mà nhìn đứa tớ trai vốn được tiếng luôn ngậm miệng như hến. Luôn ngậm miệng như hến.. ấy vậy mà hôm nay nó lại đang tính cãi lời ông.

    - Bây!

    - Dạ, bẩm đại nhân!

    Anh Đen quỳ hẳn xuống nền nhà

    - Xin đại nhân hãy nghe con nói cho tỏ tường cái đã, tới lúc đó đại nhân có muốn đánh muốn giết gì thì đại nhân tùy nghi xử lý.

    Bàn tay đang đưa lên giữa không trung của đại nhân họ Nguyễn không tình nguyện mà buông xuống. Ông hướng ánh mắt bực tức về phía thằng người làm mà gằng từng chữ:

    - Nói! Nhưng nếu không phải việc đáng chuyện thì bây chết với ta.

    - Dạ! Dạ! Con đội ơn đại nhân!

    Anh Đen nói trong sự run rẩy!

    Dạ chuyện là..

    Nguyễn đại nhân có hai người vợ. Bà Hai là Đỗ Mỹ Cần, còn bà Ba là Lê Cát Miên. Tuy hai người cùng là khuê nữ, có cha là quan chức ăn bổng lộc triều đình. Nhưng bà Hai Cần có gia thế nhỉnh hơn, nên việc gì trong nhà thì đều phải nghe bà Hai Cần sai xử.

    Lí ra như thế thì bà Ba Miên phải sinh phẫn uất, tức giận, nhưng trời thương làm sao khi người đàn bà lại chẳng hề có ý đố kị với người vợ đầu của chồng. Mà ngược lại, bà luôn tỏ ra yêu thương, nhường nhịn bà Hai Cần mỗi bận bà Hai kiếm chuyện sanh sự.

    Có lẽ nhờ tính tình nhu hòa đó mà con trai của bà Ba, cậu Ba Phong rất hiểu chuyện. Rồi thì cậu cũng chịu học hành nữa. Khác hẳn cậu Hai Lịch suốt ngày ăn chơi lêu lỏng.

    Anh Đen thưa xong mọi chuyện thì cúi đầu.

    - Dạ thưa đại nhân, mọi chuyện là như vậy ạ! Chứ thật là con Lành hay bà vú không có ý làm biếng trốn việc đâu ạ.

    Không trả lời gì, nhưng Nguyễn đại nhân lại khẽ phẩy tay một cái với anh Đen. Khỏi nói gã người làm kia thấy cái phẩy tay đó thì đã mừng rỡ thế nào. Anh Đen nhẹ nhàng đứng dậy, nhưng vẫn cúi rạp người mà lùi dần về phía sau. Và dù ông chủ của anh không có hằn hộc nhắc nhở chuyện thắp đèn nữa, thì anh vẫn phải nhanh chóng làm cái việc đó.

    Cái việc lẽ ra là của con Lành hay bà vú phải làm. Thở phào một tiếng. Anh Đen len lén đưa mắt nhìn ông chủ của mình. Sự cô độc lẫn tức giận hiển hiện trên khuôn mặt góc cạnh của ông ta khiến chàng trai người làm sợ có mà thương cũng có.

    Ai mà ngờ vị đại nhân cao cao tại thượng xưa kia giờ lại phải đau đầu vì một thằng con trai chứ. Đúng là nghĩ kiểu gì cũng không cam tâm. Mà không cam tâm thật chứ. Bởi nghĩ xem cũng đường đường là con trai của một cựu quan Khâm sai chứ. Vậy mà cờ bạc, gái gú đến độ vợ bỏ đi.

    Đúng vậy! Cậu Hai Lịch bị vợ bỏ. Mà không chỉ bỏ chồng không đâu. Cô tiểu thơ, con gái quan Thượng thư đó còn bỏ luôn cả đứa con trai chỉ mới hơn hai tháng tuổi. Nhục nhã, lẫn tức giận nhưng vì mợ Hai là con gái của quan Thượng Thư nên Nguyễn đại nhân đành phải giả câm giả điếc mà bỏ qua.

    Chỉ là đứa trẻ hơn hai tháng tuổi kia thì đâu có dễ chăm. Phải bà vú rồi con Lành, hai người bưng qua bợ lại suốt đêm ngày mà đứa trẻ vẫn cứ khóc nhệ nhệ. Tiếng khóc ban đầu khiến bà Hai thấy thương cháu vô bờ bến, nhưng lâu dần làm bà ấy phải nổi đóa.

    Và tối qua khi Nguyễn đại nhân đang vui vẻ cùng bà Ba thì sự tức giận đó đã lên tới đỉnh điểm. Bà Hai trong lúc mất bình tĩnh đã hất đổ chén canh nóng lên người đứa trẻ. Báo hại giờ đứa trẻ đã không khóc nữa mà lịm đi.

    Đem hòn đá đánh lửa và mấy cây đèn cầy bỏ vào giỏ, anh Đen chuẩn bị đi làm việc thắp đèn. Không vất vả nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian vì Nguyễn gia trang quá rộng, nên số đèn cần thắp sẽ rất nhiều. Cúi đầu dợm chân định bước nhanh qua chỗ Nguyễn đại nhân đang đứng thì anh Đen nghe tiếng nói.

    - Vậy cậu Hai bây, mà thôi, thằng đó thì còn ở đâu khác ngoài sòng bạc. Bà Hai đang ở nhà sau chăm cậu Lũy phải không?

    Phải, đương nhiên phải. Anh Đen định "dạ" một tiếng thật to cho ông chủ của mình nghe rõ nhưng đúng là kẻ dân đen không chỉ suy nghĩ chậm lụt, ngu dốt mà cả lời nói hành động cũng chậm chạp đến bực mình.

    Tiếng "dạ" vừa chưa ra khỏi cổ họng của anh Đen thì Nguyễn đại nhân đã đi được tám kiếp, làm chàng người làm định nói thêm với chủ nhân của mình cậu Hai Lịch hôm nay không đi sòng bạc đã không nói được.

    Nhưng nói hay không thì nào có quan trọng. Bởi chuyện của chủ nhân thì phận người ở không để ý sẽ tốt hơn tất thảy. Tiếng "dạ" chậm trễ của anh Đen đúng là đã chọc giận Nguyễn đại nhân. Và phải chi hôm nay là ngày bình thường như bao ngày khác, thì chắc chắn gã người làm đó sẽ bị ông cho ăn đòn mập mình, nhưng hôm nay..

    Người đàn bà rõ ràng được dạy dỗ đàng hoàng đó.. gương mặt của Nguyễn đại nhân chợt đỏ bừng khi tưởng đến gương mặt thô kệch đầy mỡ của vợ mình.

    Ông tức giận người vợ đó.. tức giận cho chuỗi ngày mới đỗ đạt phải luồn đầu này cúi đầu kia hòng leo lên những vị trí cao hơn. Và cuộc hôn nhân với người đàn bà xấu đến độ ma chê quỷ hờn đó đã giúp ông thỏa lòng.

    Chỉ là..

    Đôi chân đang vội vã đưa lên trước chợt khựng lại. Nguyễn gia trang rộng rãi thì phải thôi. Nhưng kiểu gì cũng phải tuân thủ quy tắc trước cha mẹ, sau con cái và gian bếp núc, kho bãi là của người làm.

    Mà trước thì buồng của Nguyễn đại nhân phải ở vị trí đầu tiên, rồi sau đó mới là buồng của bà Hai và bà Ba.

    Và theo những gì ông được biết thì cả dãy ba căn buồng mà ông đang đi ngang qua đây không có người. Nhưng không có người thì tiếng rọt rẹt mà ông vừa nghe là thế nào? Không di chuyển để nghe cho rõ hơn, Nguyễn đại nhân rốt cuộc cũng biết tiếng động kia phát ra từ căn buồng nào.

    Là căn buồng của chính ông. Cảm giác tức giận lập tức chạy ngang qua đầu, Nguyễn đại nhân siết chặt nắm tay mà đẩy mạnh cánh cửa buồng.

    Thật lớn gan, lớn mật! Bây có biết gia trang đây là của ai không mà dám vào ăn trộm hả? Là của Nguyễn đại nhân, người từng là quan Khâm sai của Dinh Bình Hòa này. Tuy ta đã về vườn, nhưng tiếng nói của ta hãy còn. Và đợt này thì ta nhất quyết cho bây đi tù mọt gông. Đúng, đó là những lời mà Nguyễn đại nhân định nói với tên trộm dám cả gan đột nhập vào buồng của ông.

    Ông đã sắp xếp câu chữ sẵn sàng.. đã chuẩn bị gầm lên như một con hổ dữ khi đối mặt với con mồi yếu thế hơn. Ấy thế mà khi tên trộm đó quay đầu lại nhìn Nguyễn đại nhân thì ông lại như một người câm.

    Đúng thế, trong một mảng không gian tranh tối tranh sáng của những vệt nắng cuối cùng của một ngày, Nguyễn đại nhân đã lờ mờ nhìn thấy gương mặt của tên trộm to gan lớn mật kia. Vâng, đó không ai khác mà lại là con trai lớn của ông, cậu Hai của Nguyễn gia, Nguyễn Hoành Lịch.

    Bên kia cậu Hai Lịch sau khi thấy cha đã phát hiện chuyện trộm cắp của mình thì thoáng kinh sợ. Nhưng đó chỉ là một thoáng sợ hãi nhất thời thôi, bởi ngay sau đấy gã đàn ông đốn mạt đó đã lập tức khôi phục vẻ mặt khốn nạn. Rồi thì hắn tỉnh bơ như không mà cầm túi tiền đi thẳng ra cửa.

    - Bây! Bây sao có thể làm ra cái chuyện này hả? Sao.. sao lại vào phòng ta mà trộm tiền?

    - Trộm sao? Thưa cha, sao cha lại dùng cái từ trộm với tôi. Là tôi lấy đấy chứ. Lấy cái thứ mà sau này sẽ thuộc về tôi.

    Hai Lịch thản nhiên.

    - Hay cha định để hết tài sản này cho thằng Ba như thiên hạ vẫn đồn đãi. Mà xảy ra chuyện này cũng là do cha đi. Rõ là hôm trước tôi mở miệng xin cha ít tiền đó, nhưng cha có cho tôi đâu.

    Tức đến mức đôi chân không còn đứng vững, Nguyễn đại nhân phải dựa người vào cửa để mà vung tay chỉ vào mặt thằng con trời đánh.

    - Bây nói vậy mà được à. Tiền.. tiền, lúc nào cũng tiền. Bây có biết bây đã nướng bao nhiêu tiền vào sới bạc không? Cả nửa gia tài này rồi đó. Bây có thấy vợ bây không chịu nổi mà bỏ đi rồi không? Như thế mà bây vẫn chưa tỉnh ra hả? Giờ con của bây đang khát sữa khóc ngặt khóc nghẽo kia. Bây làm cha cái kiểu gì vậy hả?

    - Làm cha?

    Hai Lịch nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống nền nhà rồi nghênh ngang nhìn thẳng vào mặt Nguyễn đại nhân mà nói.

    - Tôi đã khi nào muốn làm cha chứ? Tôi đã nói với cha thế nào. Tôi không thích ả. Tôi không thích cái tính õng ẹo mà vờ như thanh cao của ả. Ấy vậy mà cha lại cứ bắt tôi phải cưới. Ừ thì cưới cho cha hài lòng. Nhưng tôi nói cho cha biết là đứa trẻ đó không phải là con tôi đâu.

    - Bây! Sao bây dám buông lời nhục mạ con gái quan Thượng thơ như vậy hả? Bây không sợ ông ấy kêu quân tới mà gô cổ bây đi sao hả?

    Một tràng cười hố hố lập tức vang lên. Nhưng nó cũng chỉ kéo dài có mấy chốc rồi dừng bặt. Hai Lịch lúc này không còn trưng ra vẻ mặt khốn nạn nữa, bởi giờ ánh mắt hắn đã ngập tràn sự phẫn hận.

    - Con gái quan Thượng Thơ? Đúng, ả là con gái quan Thượng thơ nên tới đây.. tới đây mà bắt tôi đi. Tôi thà chết chứ không lấy điếm về làm vợ đâu.

    Từng câu từng chữ mà Hai Lịch thốt ra như đang vả thẳng vào mặt Nguyễn đại nhân, làm ông bất giác vươn tay đánh trả. Nhưng cánh tay mới đưa lên được nửa chừng đã phải buông xuống, bởi cái trừng mắt đáp trả của Hai Lịch.

    - Thằng con trời đánh! Ta trông cho bây chết đi!

    Nguyễn đại nhân gào lên khi bóng lưng của Hai Lịch đã bị màn đêm nuốt chửng. Đúng vậy, gã thanh niên đó đúng là con của ông đó. Nhưng xưa giờ vì cái uy nhà ngoại nó mà ông chưa lần nào dám xuống tay dạy dỗ nó.

    Để nó bây giờ khi đã vào buồng ông trộm tiền, bị phát hiện thì ngang nhiên trừng mắt và rời đi mà không một chút sợ hãi. Liêu xiêu bước từng bước chân vào buồng, Nguyễn đại nhân quơ tay lên khắp mặt bàn để tìm đá lửa.

    Vốn thường thì nó được bọn con Lành hay con Nhân đặt ở góc trái của bàn viết, nhưng giờ, sau khi cái bàn bị Hai Lịch lục tung mọi thứ lên thì nó cũng chẳng còn ở chỗ cũ nữa. Tìm thấy đá lửa ở giữa bàn, Nguyễn đại nhân rốt cuộc cũng thắp được cái đèn ngay bàn viết.

    Nhưng khi cái ánh sáng vàng vọt kia được thắp lên, và soi rọi khắp căn buồng thì cũng là lúc người đàn ông từng là một vị quan của triều đình phải nghiến răng kèn kẹt vì tức giận.

    Hòm xiểng, chăn màn.. Hễ thứ gì mà đứa con khốn nạn của Nguyễn đại nhân nghĩ có thể giấu tiền thì đều bị nó lục tung một cách không thương tiếc.

    Cố hít vào một hơi thật sâu để bản thân bình tĩnh trở lại, Nguyễn đại nhân định sẽ bước qua chỗ những cái rương gỗ đựng đồ để kiểm tra. Nhưng bàn chân mới đưa lên thì đã phải bỏ ngay xuống.

    Một tiếng thét thất thanh bên ngoài cửa buồng. Và tiếng thét đó là của bà Hai Cần. Có lẽ vì nghe thây tiếng cãi nhau của chồng mình và con trai nên bà đã bỏ cháu nội cho hai người bà vú với con Lành trông để chạy lên trước. Và những gì đập vào trong mắt đã làm bà cả kinh mà thét lên.

    - Ông.. ông đánh nó sao? Ông dám đánh con tôi sao hả?

    Bà Hai Cần tức giận chỉ trích chồng.

    - Ông là cha, không yêu thương con trai thì thôi. Mắc gì ông cứ hạch sách nó. Bắt nó phải thế này thế khác. Tôi nói cho ông nhớ con tôi, thằng Hai Lịch đó là cháu gọi Ngọc Quý phi là dì đó. Mà Ngọc Quý phi thì đã hạ sinh được cho Hoàng thượng hai Hoàng tử đó, nên ông.. ông đừng có mà hiếp đáp mẹ con tôi.

    Không vội vã trấn áp con tam bành của vợ, Nguyễn đại nhân ném lên người đàn bà một ánh nhìn chán ghét rồi điềm tĩnh kéo ghế ngồi xuống. Phía đối diện, bà Hai Cần dường như cũng nhìn ra được điểm khác lạ của chồng, nên bà đã chộp dạ.

    Cái chộp dạ và trực giác của đàn bà khiến bà Hai Cần phải vội đưa mắt liếc đi liếc lại khắp căn buồng. Khung cảnh tan hoang, lộn xộn của những món đồ làm người đàn bà lập tức có dự cảm không lành. Bà Hai Cần hướng mắt về phía chồng mà thận trọng nhả từng chữ.

    - Ông.. ông tìm thứ gì hả? Tìm thứ gì mà lại lục tung đồ đạc lên thế?

    - Không phải tôi lục mà là thằng quý tử của bà đã lục lọi phòng của tôi để tìm bạc đó. Và cũng nói thêm với bà là tôi không có đánh nó, mà người suýt chút nữa bị đánh là tôi đây nè.

    - Ông..

    Gương mặt của bà Hai Cần lập tức xám ngắt. Nhìn biểu hiện bất lực của chồng, và cả tính cách làm càn nói gở của con trai mình thì bà tin những lời ông chồng mình nói ra là sự thật.

    Một cảm giác nhục nhã của người mẹ không dạy dỗ được con khiến bà cúi đầu thấp một, thì cảm giác lo sợ bản thân sẽ bị chồng đuổi ra khỏi nhà đã khiến bà Hai Cần phải cúi đầu thấp mười.

    Ừ thì bà có em gái là Quý phi được Hoàng thượng sủng ái là thật. Rồi thì cha bà trước kia từng giữ chức Thượng Thơ cũng thật nối. Nhưng thế thì đã sao? Thế đâu có nghĩa là khi bà bị chồng đuổi ra khỏi nhà thì họ sẽ giang tay ra chào đón bà trở về.

    Hít sâu vào một hơi để lấy lại bình tĩnh, người đàn bà có ngoại hình không mấy xinh đẹp đó lập tức bày ra vẻ mặt hòa nhã, mà dịu dàng tiến đến bên cạnh chỗ Nguyễn đại nhân. Bà Hai Cần đưa hai tay bóp nhẹ lên bờ vai to khỏe của chồng mình ra vẻ chăm sóc.

    - Thật cái thằng Lịch ấy, nó chẳng ra sao mà. Suốt ngày bài bạc thì chớ, giờ còn lấy trộm tiền của ông nữa. Cái thằng đó phen này nó về thì kiểu gì tôi cũng phải đánh cho nó một trận nên thân. Nên ông đừng tức giận nữa nha. Hại sức khỏe lắm.

    Thấy đối phương mới vuốt ve chút đã xuôi xuôi, bà Hai Cần lập tức đưa ra một quyết định táo bạo. Đó là thừa thắng xông lên. Đưa bàn tay đang đặt ở đầu vai trượt một đường xuống cổ, bà Hai Cần cất giọng õng ẹo với Nguyễn đại nhân.

    - Hay thế này đi! Chỗ lộn xộn này để tôi dọn cho. Bừa bộn thì bừa bộn thật nhưng cũng chỉ tới khuya là xong thôi. Rồi còn thời gian thì vợ chồng mình ngồi lại nói chuyện với nhau. Thiệt cũng lâu quá rồi mình không có tâm sự với nhau đó ông à!

    - Ra ngoài!

    Tiếng quát của Nguyễn đại nhân làm anh Đen lúc này đang xớ rớ ở hành lang bên ngoài căn buồng phải giật thót mà té nhào xuống khỏi cái ghế con.

    Đúng là không có cái xui nào giống cái xui nào. Thắp xong tất cả đèn trong gia trang, anh Đen quay lại trước buồng của Nguyễn đại nhân hòng thắp nốt cái đèn lồng trước cửa buồng.

    Chẳng ngờ mới đi tới nơi thì lại nghe thấy tiếng cãi nhau của hai cha con nhà chủ. Phận tôi tớ hèn mọn nên lẽ dĩ nhiên là chàng người làm đó tránh đi chỗ khác.

    Và trời cũng chẳng phụ lòng anh Đen khi quá trình xung đột đó đã nhanh chóng kết thúc với phần thua thuộc về Nguyễn đại nhân.

    Nguyễn đại nhân vốn cao cao tại thượng lại thất thế trước con trai của mình làm lòng anh Đen lo lắng khủng khiếp. Anh lo bản thân sẽ là nơi trút giận cho chủ nhân. Có điều đèn không thắp thì có được không?

    Và lúc đó không phải là sẽ chắc chắn bị ăn đòn sao? Nên sau mấy bận tính tới tính lui anh chàng rốt cuộc cũng quyết định chui ra khỏi chỗ nấp để đi thắp đèn. Có điều khi cái đầu vừa lò ra đã lập tức phải thụt lại.

    Bởi cậu Hai Lịch vừa đi khuất thôi thì bà Hai Cần đã lập tức xuất hiện. Cũng là cãi kình nên anh Đen nào có dám chui ra khỏi chỗ nấp. Nhưng ngặt nỗi trời cứ ngày một tối, nên anh Đen chẳng còn cách nào khác là nhanh chóng chui ra. Rồi cũng nhanh chóng chóng vớ cái ghế con để trèo lên thắp đèn.

    Nhưng đèn chưa thắp xong anh đã bị tiếng thét của Nguyễn đại nhân dọa cho té chổng vó. Quần áo lấm lem, cả cái mông cũng đau như bị ăn đòn anh Đen suýt thì bật khóc. Cơ mà giờ khóc thì Nguyễn đại nhân bên trong phòng sẽ nghe thấy. Rồi thì cái tội nghe lén nghe trộm chủ nhân nói chuyện sẽ chẳng có kết cục nào khác là đuổi việc.

    Mà nếu bản thân anh Đen bị đuổi khỏi Nguyễn gia trang thì không chỉ mình anh, mà cả mấy đứa em và cha mẹ ở nhà sẽ chết đói. Cố đè cơn đau xuống để với tay lấy hòn đá lửa nằm cách đó một sải tay, anh Đen lại lần nữa giật thót.

    (Hết chương 4)
     
  6. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 5: Chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bà Ba Miên bật cười khanh khách. Bà cười đến nỗi khi dừng lại bà phải vén ống tay áo mà lau đi những giọt nước mắt đã trào ra khỏi khóe mi. Biểu tình của bà Ba làm lão ba Duyệt phải đỏ mặt mà gắt Diệp Thảo.

    - Cái con bé này, là thân nữ nhi có được việc làm là tốt rồi còn đòi những mười đồng một tháng. Bây đang ở trên cung trăng đó hả?

    - Kìa lão Duyệt, đừng có mắng con bé như thế.

    Bà Ba Miên ngăn lão quản gia nói tiếp, rồi quay sang hỏi Diệp Thảo.

    - Chẳng hay trước kia cô nương đã từng giúp việc ở đâu chưa? Nấu được những món ăn nào? Nếu nấu ăn mà ngon thì mười đồng kia ta có thể xem.

    - Nấu ăn sao?

    Diệp Thảo ngơ ngác hỏi lại, rồi cũng bằng vẻ mặt đó cô gái trẻ quay sang nhìn lão Duyệt.

    - Bác Ba, nấu ăn là thế nào ạ?

    Là thế nào? Bởi trong lá thơ mà Diệp Thảo nhận được thì lão Duyệt đã nói với nàng là tới Nguyễn gia trang để phụ giúp chuyện sổ sách kia mà. Sau câu hỏi của Diệp Thảo, thì không chỉ đương sự mà cả những người có mặt ở đó đều dồn tất cả sự chú ý lên người lão Duyệt.

    Bỗng chốc trở thành tâm điểm của buổi trò chuyện, lão Ba Duyệt lập tức trở nên ngượng ngập. Ông xoa hết đầu rồi lại xoa hai tay lại với nhau. Bên kia sau khi đợi quá lâu mà không thấy lão Ba Duyệt có câu trả lời thì cậu Ba Phong không nhịn được mà buột miệng nói:

    - Hay lão lại nói là cô Thảo ra đây để làm mợ Ba của Nguyễn gia? Nói cho lão biết nhé, tôi đúng là có ơn với lão thiệt nhưng không phải vì thế mà ta lấy thân mình để báo đáp đâu nha.

    Câu nói mang thập phần là ý bông đùa của cậu Ba Phong làm mọi người bật cười ồ. Nhưng tiếng cười của họ vẫn gượng gạo vô cùng. Rõ ràng là họ vẫn cần câu trả lời của lão Ba Duyệt. Hiểu được cái thế bí mà bản thân mình đang rơi vào, rốt cuộc lão Duyệt cũng chịu mở lời.

    - Thiệt là lời đầu tôi phải xin lỗi bà Ba và cậu Ba trước, vì chuyện này mà đã khiến hai người suy nghĩ. Tiếp theo là ta xin lỗi bây, Thảo à. Nguyễn gia không có cần người phụ giúp ghi chép sổ sách này nọ mà chỉ cần người làm bếp. Nhưng bây biết cha bây mà Thảo. Ông ấy cưng bây như trứng mỏng, bỏ bao công ra dạy chữ dạy nghĩa, nên nếu giờ ta bảo đến Nguyễn gia trang để nấu bếp thì chắc chắn ông ấy sẽ không chịu.

    Mà hoàn cảnh của gia đình Diệp Thảo lúc này thì đúng là rất vất vả. Và điều bắt buộc là nàng phải có một công việc để đỡ đần thầy mẹ.

    Một sự im lặng nặng nề bao trùm lấy tất cả những con người đang lầm lũi đưa chân trên con đường vắng.

    Họ đi.. đi trong sự thinh lặng bởi ai trong họ cũng đang theo đuổi suy nghĩ của riêng mình. Chợt sự im lặng bị phá vỡ, bà Ba Miên hướng ánh mắt tò mò về phía Diệp Thảo.

    - Ghi chép sổ sách? Nói vậy không lẽ bây biết chữ na con Thảo?

    - Dạ, đúng ạ. Diệp Thảo tôi có biết ít chữ thưa bà Ba.

    - Cái gì mà biết ít chữ?

    Lão Ba Duyệt hùng hổ cướp lời của cháu gái.

    - Em trai của tôi rất khác người. Rõ ràng là sinh ra một đứa thị mẹt chứ. Vậy mà đệ ấy lại nuôi dạy con bé như thể nuôi dạy một đấng nam nhi. Nào là Luận Ngữ, Trung Dung, rồi thì Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch. Cái gì đệ ấy cũng dạy nó. Rồi cái gì nữa hả Thảo? Tính toán bằng bàn tính.

    Hỏi và tự trả lời, lão Ba Duyệt kết lại câu nói của mình bằng tiếng thở dài não nề.

    - Thiệt là đôi khi tôi cũng thấy thương con bé vì là phận nữ nhi mà bị cha nó ép học quá nhiều. Có khi là học nhiều hơn cả một đấng nam nhi nữa đó.

    - Vậy bây có biết nấu nướng hay thêu thùa chi không? Trời đất, đã sinh ra là phận nữ nhi rồi mà còn bắt người ta đèn sách. Như vậy thật khổ cho bây quá đi.

    Đứng lặng nãy giờ để lắng nghe câu chuyện, bất giác cậu Ba Phong mỉm cười. Một nụ cười tỏa nắng và mang theo thập phần giễu cợt. Gã đàn ông mang đầy khí chất cao quý đó hướng Diệp Thảo mà nheo mắt trêu chọc. Chàng ta nói:

    * * * Lão Duyệt hình như nói hơi quá rồi. Gì mà Luận Ngữ, Trung Dung. Ta nghĩ hẳn cha của cô Thảo đây chỉ muốn làm màu cho con gái mình thôi. Bởi những cuốn sách đó không phải ai đọc cũng hiểu. Rồi thì bàn tính gì chứ? Với đầu óc của một nữ nhi, những thứ đó làm sao mà cô Thảo đây có thể lĩnh hội được. Có khi muốn tính gì đó cô nàng ấy còn phải dùng que tính ấy chứ?

    Một tràng cười khả ố vang lên. Nhưng có vẻ cậu Ba Phong không có ý định "vui" một mình, bởi sau đó gã đàn ông có khuôn mặt điển trai kia đã quay sang người đứng bên cạnh mình mà hỏi:

    - Bá Thông huynh, huynh có nghĩ giống ta không? Có nghĩ giống ta không? Bá Thông huynh..

    Bàn tay đang vuốt mặt tấm chăn bỗng dừng lại. Diệp Thảo bị dòng kí ức của chính bản thân xô cho ngã ngồi xuống nên nhà cứng ngắt. Đúng rồi, nàng đã được bà Ba Miên nhận vào làm trong Nguyễn gia trang. Và giờ nàng đang ở trong kho chứa củi như những hạ nhân khác.

    Chỉ là suýt chút nữa Diệp Thảo nàng đã phải hai tay trắng mà trở về xứ Hòa Thuận rồi. Bởi khi đó gã Lê Bá Thông kia đã trả lời cậu Ba Phong thế này.

    - Cậu Ba nói chí phải. Học chữ là chuyện xưa nay được xem là khó, chỉ những kẻ có đầu óc hơn người thì mới có chuyện đọc và hiểu được Tứ Thư, Ngũ Kinh. Bởi thưa thật với bà Ba và cậu đây thì Bá Thông tôi cũng chỉ mang tiếng là học, chứ thật là không hiểu hết được hai bộ sách ấy. Nên nếu cô Thảo đây thật có đầu óc thông tuệ đến độ nhớ và đọc hiểu hai bộ sách đó thì Bá Thông tôi nghĩ thứ gì cô nương ấy cũng có thể làm được.

    Và đề bài mà gã Bá Thông ấy ra cho Diệp Thảo là: "Trong Tứ Thư gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử thì Diệp Thảo nàng thích tác phẩm nào nhất. Vì sao?"

    Có thể nói lúc đó không khí xung quanh Diệp Thảo dường như đã bị đông cứng. Nàng cảm thấy khó thở là một, và hai là cơ thể lạnh toát vô lực. Tứ Thư Ngũ Kinh.. có đời thuở nào tuyển người làm bếp mà cần chữ nghĩa kia chứ?

    (Hết chương 5)
     
  7. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 6: Chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhưng lúc này nếu Diệp Thảo nàng vì nản chí mà lùi về phía sau một bước thì.. Dòng suy ngẫm của cô gái trẻ bị ngắt ngang bởi một tiếng gõ cửa.

    Là lão Duyệt!

    Khi cánh cửa ọp ẹp của kho chứa củi vừa được mở ra, thì ông lão đã hơn năm mươi đó chìa tới trước mặt Diệp Thảo một củ khoai lang nướng nóng hổi.

    - Ăn đi! Ta để ý khi nãy bữa cơm con không ăn được mấy. Có phải vì giận ta lừa con chuyện tới đây làm bếp không?

    Rồi chẳng cho Diệp Thảo thời gian trả lời, lão Duyệt đã buồn buồn mà nói tiếp.

    - Ta thừa nhận là bản thân hơi ích kỷ. Vì muốn đệ mình bớt nhọc nhằn nên đã đưa con vào thế khó. Thật là hôm nay ta định bụng sẽ chờ con ở trạm dừng để nói cho con hay mọi chuyện. Nhưng rồi..

    - Bác Ba đừng tự trách mình nữa. Không phải mọi chuyện cũng đã được giải quyết rồi sao. Với quả tình như Bác nói đó, nhà con đang rất khó khăn. Có được việc là tốt lắm rồi. Nên con cảm ơn bác còn không hết nữa là..

    Diệp Thảo cười buồn. Bên kia lão Duyệt hình như cũng đã bớt áy náy. Ông khẽ mỉm cười mà vỗ vỗ vào đôi bàn tay trắng nõn của Diệp Thảo. Lão Duyệt nói:

    - Nhưng phải công nhận là đệ của ta đã dạy dỗ con rất tốt. Vẻ mặt lúc đó của Lê công tử thật sự làm ta rất hả hê. Một chút kinh ngạc xen lẫn sự khuất phục. Con không biết đâu. Gã trai họ Lê đó học rộng tài cao vô cùng. Chẳng qua là vì được cô ruột là bà Ba Miên nhờ vả, nên hắn mới tới đây phụ giúp chuyện sổ sách của mấy kho lúa mà thôi đó.

    - Đến mức đó luôn sao?

    Diệp Thảo vờ hỏi lại lão Duyệt. Và đương nhiên là nàng nhận được cái gật đầu. Ừ thì gật đầu, bởi như chính Diệp Thảo đây cũng suýt bị vẻ lạnh lùng xa cách của gã đàn ông học rộng tài cao ấy làm cho lầm lẫn mà. Nàng đã lầm hắn là cậu Ba Phong của Nguyễn gia.

    Hay đúng hơn là hắn ra dáng một thiếu gia con quan hơn cậu Ba Phong có phần huênh hoang, khoác lác. Mà phải thôi, người càng học cao hiểu rộng thì lại càng khó dò khó đoán. Có lẽ vì thế mà bọn tiểu thơ như Diễm Kiều và Thanh Vân mới ghét bỏ.

    Khẽ mỉm cười nhìn xuống đôi bàn tay hãy còn run lên từng chập nhè nhẹ, Diệp Thảo len lén thở ra 1 hơi nhỏ.

    Nàng sợ gã đàn ông có tên Lê Bá Thông đó. Nỗi sợ bắt nguồn từ cái lúc hắn đạo mạo ra đề bài để khảo chuyện học hành của nàng, cho đến khi hắn chau mày chăm chú lắng nghe nàng trả lời.

    Lúc đó hình như hắn còn muốn hỏi thêm Diệp Thảo điều gì đó. Sẽ là một đề bài khác? Diệp Thảo nàng không biết, bởi lúc ấy buổi trò chuyện đã bị ngắt ngang, vì sự xuất hiện của gã người làm tên Đen.

    Và chuyện hắn nói đã khiến bà Ba phải xanh xám mặt mày. Đó là cơm nước của cả nhà chưa có người chuẩn bị. Dù không muốn dùng cái câu: Mượn gió bẻ măng để miêu tả bản thân mình khi đó nhưng nhờcơn gió không mấy tốt lành của Nguyễn gia ấy mà Diệp Thảo nàng mới được bà Ba nhận vào làm.

    Bên kia hình như lão Duyệt cũng đang nghĩ về chuyện đó. Ông xoa xoa đôi bàn tay của mình lại với nhau mà nói:

    - Mà bác Ba không biết là con nấu ăn ngon như vậy đó Thảo. Một thoáng đã có cơm ngon canh ngọt. Xem ra khi ở nhà con không chỉ được em trai của ta cho học chữ học nghĩa, mà đến chuyện nữ công gia chánh con cũng được dạy chu đáo.

    - Bác Ba quá khen rồi! Phận nữ nhi dù có được học chữ đi nữa thì cũng phải làm tốt chuyện bếp núc, may vá mà bác. Nhưng bác Ba nè, cả gian nhà kho rộng thế này mà chỉ có mỗi con ngủ thôi sao? Những người làm khác, họ không ngủ ở đây ư?

    Diệp Thảo vừa nói vừa đưa ánh mắt e dè mà nhìn quanh gian nhà kho. Nói nhà kho nhưng nó rộng hơn căn nhà ở Hòa Thuận của thầy mẹ nàng. Đã vậy nhà còn được lợp ngói âm dương, cột kèo này nọ cũng là thứ làm bằng gỗ lim chắc chắn.

    Thấy cháu gái cứ hết đưa mắt nhìn đông rồi lại đưa mắt ngó tây, lão Ba Duyệt nghĩ bụng Diệp Thảo sợ. Mà cũng đúng thôi, là một nữ nhi vừa rời khỏi mái nhà thân yêu mà bản thân gắn bó hơn mười bảy năm trời, lại bị ném ngay xuống cái nhà kho chứa củi rộng rãi và chỉ có một mình. Ai không sợ, ai không phải e dè ngó đông dòm tây.

    Nhưng biết sao bây giờ. Nếu..

    - Số ngày thường thì sẽ có con Nhân nữa. Nhưng hôm nay không hiểu sao đại nhân lại đòi ngủ một mình mà không sang ngủ với Bà Ba như mọi ngày. Nên con Nhân nó phải ở lại phòng bà Ba canh cho bà ngủ. Mà con Thảo nè, con đã biết hết tên người làm ở Nguyễn gia trang này chưa?

    - Dạ rồi bác Ba à. Là bà vú, con Lành và anh Đen. Nhưng..

    Diệp Thảo ngập ngừng.

    - Nhưng kể cũng kì hơ bác. Nguyễn gia trang rộng thế này mà chỉ có bấy người làm. Lại chỉ toàn là nữ. Ngộ nhỡ có chuyện gì nặng nhọc cần người thì biết tìm đâu ra.

    Câu nói của Diệp Thảo vừa dứt thì cô nàng đã phải nhận ngay cái trừng mắt của lão Duyệt. Rất rõ ràng là người đàn ông có tuổi đó hoàn toàn không tán thành sự "nhiều chuyện" của đứa cháu gái. Nhưng có lẽ là do nể em trai và cũng thương sự khờ dại của đứa cháu gái mới bước vào đời nên lão Duyệt chỉ khẽ hắng giọng.

    - Đó là chuyện của chủ nhân. Không đến lượt con hay ta quản đâu. Và nên nhớ những chuyện này đừng bao giờ nhắc đến nữa, nếu con không muốn ngay ngày hôm sau sẽ bị đuổi về quê như những người làm trước đó.

    Dứt lời lão Duyệt đứng phắt dậy rồi dứt khoát quay đầu đi trong sự ngỡ ngàng của Diệp Thảo. Nhưng bàn chân chưa đưa lên phía trước được bước nào, thì lão Duyệt đã quay đầu lại nhìn Diệp Thảo bằng ánh mắt thâm tình mà dặn dò:

    - Coi cài then cửa cẩn thận. Với nếu có nghe tiếng khóc ở nhà sau thì coi ra đó phụ bà vú với con Lành một tay. Sống đừng có ích kỷ, hẹp hòi quá. Rồi tới bận mình lao đao sẽ chẳng có ai giúp mình đâu.

    Tiếng "dạ" của Diệp Thảo vang lên cùng lúc với tiếng cửa kho đóng lại nên Diệp Thảo không biết là lão Duyệt có nghe được không. Có thể là có, nhưng cũng có thể là không.. Diệp Thảo không biết nữa. Quả thật ở thời điểm này, lúc này Diệp Thảo không biết bản thân mình đang nghĩ gì hay muốn gì nữa.

    Mọi thứ hỗn loạn và khác hẳn so với những gì mà Diệp Thảo nàng vẽ lên trong đầu vào ngày trước khi khởi hành tới xứ Quán Trà này. Khác.. khác lắm. Khác ở chỗ ghi chép sổ sách với nấu bếp.. khác ở chỗ Nguyễn gia trang gia nhân sẽ nườm nượp và ai nấy cũng tốt bụng với thái độ xa cách và có phần khó chịu..

    Đúng vậy. Không chỉ tỷ Nhân, mà cả con Lành lẫn bà vú. Ai nấy cũng đều hướng ánh mắt không mấy thân thiện về phía nàng. Họ ghét nàng hay vì họ đang mệt mỏi với công việc nên không muốn nói chuyện với Diệp Thảo nàng.

    Mệt mỏi.. có thể lắm.

    Bởi theo lời kể của bà Ba Miên thì cả con Lành và bà vú đã mấy tối rồi phải thức trông cậu Lũy. Và công việc ấy còn thêm phần nặng nhọc khi bà Hai Cần lỡ tay làm bỏng thằng cháu nội.

    Sợ chồng nổi đóa sẽ bắt vạ mình, bà Hai Cần tính ém nhẹm chuyện đó. Vết bỏng nào có nhỏ, nhưng sau khi được bà Ba Miên khuyên can Nguyễn đại nhân rốt cuộc cũng chịu bỏ qua cho bà vợ nóng tính tình ương ngạnh, mà mời thầy lang đến coi bệnh cho cậu Lũy.

    Diệp Thảo khi bê cơm vào cho con Lành và bà vú đã thoáng nhìn qua vết thương của cậu Lũy. Một vệt bỏng dài ôm trọn cẳng chân trái. Với người lớn thì nhiêu đó đã đủ khiến họ đau đớn chết đi sống lại, huống chi người bị nạn lại là một đứa trẻ mới hơn hai tháng tuổi.

    Nên cậu Lũy quấy khóc cũng là chuyện rất bình thường. Có thể vì thế nên lão Duyệt, bác Ba của Diệp Thảo mới khuyên nàng nếu nghe thấy tiếng khóc thì phải chạy ra nhà sau giúp một tay. Nhưng có lẽ nhờ thuốc của thầy lang hợp với cậu Lũy nên cả tối Diệp Thảo không nghe thấy tiếng khóc.

    Gấp gọn chăn màn bỏ vào một góc của nhà kho, Diệp Thảo chầm chậm mở cửa. Trời hãy còn tối, chỉ mới độ canh ba thôi. Và nếu giờ này mà ở nhà thì chắc Diệp Thảo sẽ quấn chăn mà ngủ tiếp, chứ như lúc này phải lọ mọ ra bếp để nhóm lửa..

    Ở nhà..

    Một cảm giác tủi thân ùa đến làm nước mắt từ đau cứ chực trào khỏi khóe mi. Không được khóc! Mình phải mạnh mẽ.. phải mạnh mẽ lên. Tự nhủ lòng, rồi cũng để bản thân không khóc, Diệp Thảo vội ngẩng đầu nhìn lên những vì sao đang đứng yên đợi trời sáng.

    Chúng thật đẹp, nhưng cũng thật đáng thương. Bởi nhìn đi, được mang trên mình ánh sáng nhưng chúng chỉ được đứng yên một chỗ và chờ đợi. Chúng thật giống Diệp Thảo nàng khi xưa.

    Chờ đợi.. chờ đợi có người đến hỏi cưới để rồi khoản tiền thách cưới mà nhà trai mang tới sẽ giúp cho thầy mẹ nàng qua cơn bĩ cực vì đói kém. Diệp Thảo nàng đã từng chờ đợi và trông mong rằng đối phương, gã đàn ông là chồng trong tương lai của nàng không phải là một người quá tệ.

    Nhưng rồi ai cũng tệ cả. Hay đúng hơn là với thầy của Diệp Thảo, thì kẻ nào cũng là phàm phu tục tử không xứng với ái nữ của ông. Vì trong mắt người đàn ông yêu con còn hơn cả mạng đó thì Diệp Thảo như một cành hoa đẹp cần một bậc quân tử nắm giữ và nâng niu.

    Đúng vậy. Một cành hoa đẹp!

    Nếu giả thầy biết chuyện cành hoa mà thầy nâng niu, yêu chiều hết mực đang phải làm công chuyện nấu bếp thì sao nhỉ?

    Bật ra trên môi một nụ cười méo mó, Diệp Thảo toan quay người đi về phía bếp. Nhưng bàn chân mới đưa lên đã toan đặt xuống. Gian nhà chính có phòng đang sáng đèn ư? Nhưng ai lại dậy sớm thế?

    Câu hỏi được đặt ra khiến Diệp Thảo phải vội vàng kiểm lại những điều mà ngày hôm qua nàng nghe anh Đen nói. Đó là gì nhỉ? Là gian nhà chính gồm phòng thờ và buồng của đại nhân, rồi thì buồng của bà Hai và Ba.

    Hai gian nhà tả hữu là chỗ nghỉ ngơi của cậu Hai Lịch và cậu Ba Phong. Còn gian nhà sua gần bếp và chỗ ngủ dành cho khách, cũng là chỗ ở hiện tại của Lê Bá Thông và cậu Lũy.

    Bởi vốn cậu Lũy ở gian nhà tả cùng với mẹ cậu. Nhưng từ khi mợ Hai bỏ đi, cậu Hai Lịch đã xua đứa con của mình xuống gian nhà sau hòng để không bị tiếng khóc của nó quấy rầy. Có điều không quấy rầy cậu Hai Lịch thì tiếng khóc đó lại quấy rầy Lê Bá Thông. Có lẽ là vì thế nên buồng của gã mới sáng đèn chăng?

    Có chút hả hê khi người mình ghét bị hành, nên Diệp Thảo cứ đứng đó, ở trước nhà kho chứa củi mà nhìn chằm chằm vào căn buồng của Lê Bá Thông. Diệp Thảo nhìn nhập tâm đến nỗi không nhận ra sự xuất hiện của con Lành và tỷ Nhân. Một cái đập vai thật khẽ của con Lành cũng làm cho Diệp Thảo giật bắn người.

    - Lành! Sao Lành lại vỗ vai tôi?

    Diệp Thảo sau khi hồi hồn thì lập tức chất vất con Lành.

    Bên kia đứa con gái có vóc người to béo cũng không vừa mà nguýt dài Diệp Thảo.

    - Sao lại vỗ vai tôi? Không vỗ vai tỷ thì chẳng lẽ tôi vỗ vai tỷ Nhân chắc. Mới sáng sớm thức dậy mắc chi không xuống bếp nhóm lửa mà đứng đây nhó trân trân vào buồng ngủ của cậu Bá Thông. À, tôi biết rồi. Là tỷ đang tơ tưởng đến cậu Thông phải không? Muốn quyến rũ cậu ấy phải không? Bỏ ngay cái ý định đó đi. Gã đó là khúc gỗ chứ chẳng phải con người đâu.

    - Tôi..

    Định nói là tôi không có ý đó, nhưng lời chưa có nói ra thì Diệp Thảo đã phải nuốt ngay xuống bởi cái lắc đầu của tỷ Nhân. Rồi sau cái lắc đầu là hàng loạt động tác tay khiến Diệp Thảo được ngay một phen hoa mắt chóng mặt.

    Cũng may là con Lành sau khi hạ hỏa đã quét ánh mắt về phía tỷ Nhân và Diệp Thảo, nên đã kịp thời phiên dịch.

    - Tỷ ấy nói là đừng có cãi, tôi và tỷ thì nên đi nhóm bếp đi, nếu không muốn bị bà Ba la.

    - Tỷ Nhân nói thế ư?

    Diệp Thảo mắt tròn mắt dẹt nhìn con Lành.

    - Nhưng sao tỷ Nhân không nói.

    - Không nói là vì không thể nói được. Một lý lẽ đơn giản như vậy thôi mà tỷ cũng không hiểu sao? Tỷ Nhân mới đầu sinh ra thì bình thường như tỷ muội chúng ta, nhưng sau này vì bạo bệnh mà tỷ muội chúng ta, nhưng sau này vì bạo bệnh mà tỷ ấy bị câm. Mấy lời này là bà vú kể với tôi đó, dặn tôi đừng có nhắc chuyện không nói được trước mặt tỷ Nhân kẻo tỷ ấy buồn.

    Lời nói thoát ra khỏi cuống họng thì con Lành dường như nhớ ra điều gì đó nên vội dừng lại mà bịt chặt miệng. Đúng rồi! Phải bịt chặt miệng, đang nói tới tỷ Nhân cũng đang ở đó.. đang ở trong gian bếp cùng với họ mà.

    Bấn loạn thật sự vì bản thân đã làm một việc sai quá sai, con Lành đã hướng ánh mắt đầy hối lỗi về phái tỷ Nhân hòng nói lời xin lỗi. Nhưng người con gái kia đã vì giận quá mà chạy vội ra ngoài.

    Một không khí nặng nề chặn ngang đường thở của hai cô gái còn lại trong bếp. Và trong cái ánh sáng lập lòe đỏ rực của bếp lửa, Diệp Thảo đã nhìn thấy những giọt nước mắt của con Lành.

    - Lành à, sao vậy? Có phải là vì sợ tỷ Nhân giận Lành không? Nếu vậy thì để tôi chạy ra đó xin lỗi tỷ ấy cho Lành nha. Mà công nhận là tôi cũng dở nữa. Rõ ràng từ lúc gặp tỷ ấy tới giờ có thấy tỷ ấy nói đâu. Vậy mà tôi lại không nhận ra. Báo hại Lành phải giải thích nên mới ra nông nỗi này.

    - Là lỗi của tỷ nhưng cũng do tôi mau miệng quá. Có điều tính tỷ Nhân kì lắm. Tỷ ấy mỗi khi giận lên thì không nghe ai nói gì đâu. Điều này cũng là tôi nghe được từ và vú đó. Bà vú là dì ruột của tỷ Nhân, tôi cũng không biết tên gọi của bà ấy là gì chỉ thuận miệng gọi là bà vú thôi. Họ cùng nhau lưu lạc từ xứ Lũng Lâm Cát vào đây đó. May sao đợt ấy mợ Hai nhà này sanh con nên bà Hai mới chịu thâu nhận họ.

    - Ra là vậy. Mà chắc Lành thân với tỷ Nhân lắm hơ. Khi nãy tôi thấy Lành khóc.

    - Khóc gì chứ? Là do khói bếp thôi.

    Con Lành trừng mắt với Diệp Thảo.

    - Mau nấu ăn đi. Rồi còn bưng lên cho đại nhân và bà Hai.

    - Chỉ đại nhân và bà Hai thôi sao? Còn bà Ba thì sao? Rồi hai cậu nữa?

    - Ừ thì..

    Con Lành ngập ngừng trong giây lát, rồi quyết định kể với Diệp Thảo. Trong cái gia đình nào lắm tiền nhiều của thì cũng sẽ tồn tại cái chuyện bà lớn bà nhỏ. Đúng thôi, có tiền mà, giàu mà thì cưới vợ hai vợ ba có gì là lạ. Và Nguyễn đại nhân cũng vậy.

    Sau khi ngồi vững ở cái ghế quan Khâm sai ông đã lấy thêm vợ là bà Ba Miên.

    Bà Ba Miên không có xuất thân cao quý như bà Hai, nhưng cũng vẫn là con gái của quan Huyện, cũng vẫn được tính là một tiểu thơ khuê các. Đã vậy bà Ba Miên lại còn rất xinh đẹp.

    Đó có lẽ là điểm mà Nguyễn đại nhân mê mẩn ở bà, nên từ khi lấy được bà Ba Miên hầu như là đêm nào ông cũng ở phòng của bà. Vì thế mà rất hiếm khi chạm mặt hay trò chuyện với bà Hai.

    - Những chuyện này là tôi nghe được từ bà bếp trước. Sau bà ấy được con đưa về nhà phụng dưỡng nên đâm ra mới thiếu người làm đó chứ.

    - Nhưng tôi không hiểu. Chuyện vừa rồi thì có ảnh hưởng gì tới chuyện dùng điểm tâm sáng chứ.

    - Sao lại không? Rất liên quan nữa là khác. Nghe nè, xưa vì là quan Khâm sai, Nguyễn đại nhân bận trăm công ngàn việc nên đại nhân luôn ăn điểm tâm sáng rất sớm. Thường là giờ Dần thôi, đại nhân đã quần áo tươm tất mà ra phòng ăn dùng điểm tâm. Và điều đáng nói là thói quen ấy được duy trì cho đến tận bây giờ. Cũng vì đại nhân dùng điểm tâm sáng quá sớm nên cả hai cậu lẫn bà Ba đều chưa dậy. Chỉ có bà Hai vì cả ngày không được gặp chồng nên mới cố dậy sớm để cùng dùng điểm tâm sáng với đại nhân mà thôi.

    - Đúng là xưa nay vẫn như vậy. Nhưng hôm nay có thay đổi một chút xíu.

    Người vừa nói kia là lão Duyệt, gã đàn ông trung niên này không biết đã đứng ở cửa gian bếp từ bao giờ.

    - Hôm nay bà Ba sẽ dùng điểm tâm cùng với đại nhân nên con Thảo coi mà chuẩn bị sao cho tốt đi nha.

    Lời báo của lão Duyệt lập tức làm con Lành đang canh lửa phải nhảy dựng. Nói hấp tấp hỏi lão Duyệt.

    - Lão Duyệt, lão nói thật đó hả? Xưa nay bà Ba làm gì có chuyện dậy sớm như thế chứ? Tại sao vậy nhỉ?

    - Còn tại sao nữa? Bộ không biết tối qua đại nhân ngủ ở đâu sao? Không có hơi của đại nhân nên bà Ba không ngủ được, rồi dậy sớm thôi. Chuyện dễ hiểu mà.

    Nói rồi anh Đen hướng con Lành mà nhe ra mấy cái răng mọc xiêu mọc vẹo. Có điều nụ cười của anh Đen chỉ kéo dài được có một chút, bởi liền sau nụ cười đó là cái cốc đầu siêu đau đớn của lão Duyệt dành cho gã người làm lắm chuyện. Lão Duyệt lừ mắt chỉnh anh Đen.

    - Chuyện nhà chủ, ai cho bây lôi ra cười cợt như thế hử? Có phải muốn nghỉ làm không? Chỉ cần ta nói với đại nhân một tiếng thôi là bây sẽ được toại nguyện.

    - Kìa, lão Duyệt! Tôi..

    Phất tay cho anh Đen dừng lại, lão Duyệt nghiêm mặt quay sang hỏi con Lành. Lão gằng từng chữ.

    - Rồi còn con Nhân đâu? Phận người ăn kẻ ở mà hành xử không khác gì chủ nhà. Bỏ đi không nói một tiếng đã đành, giờ còn chưa thấy quay lại. Báo hại bà Ba phải loay hoay gọi đông gọi tây để nhắc nhở chuyện điểm tâm sáng.

    Lão Duyệt vừa dứt lời thì sau lưng lão vang lên tiếng ú ớ. Là tỷ Nhân. Có điều mặt mũi tỷ ấy nhễ nhãi mồ hôi đã đành, quần áo trên người cũng không có tề chỉnh khiến người ngoài như Diệp Thảo nhìn vào thì không khỏi thắc mắc.

    Tỷ Nhân hình như cũng hiểu chuyện đó, nên tỷ ấy chẳng cần lão Duyệt mở miệng hỏi thì đã bày ra bộ dạng ngại ngùng. Rồi thì ôm bụng và chỉ ra phía cuối của khu vườn, nơi có gốcxoài cổ thụ đang đổ.

    Ờ thì chưa tiếp xúc với tỷ Nhân nhiều, nhưng với chuỗi động tác tay kia, và gương mặt có chút ửng hồng của tỷ ấy đã nói cho Diệp Thảo biết tỷ ấy đã đi đâu. Đương nhiên rồi!

    Góc cuối của khu vườn theo hướng chỉ của tỷ Nhân chính là nhà xí. Cơn nộ khí của lão Duyệt đã bị gương mặt ngượng ngùng của tỷ Nhân làm tiêu biến.

    Nhưng lão vẫn nghiêm mặt mà chỉ tay lên nhà trên nói:

    - Bà Ba đang tìm bây đó!

    Một câu nói có lực sát thương cực cao khiến tỷ Nhân chết đứng trong mấy giây. Nhưng khi nhớ ra càng đứng đó thì khả năng bị đuổi việc càng cao, thì cô gái trẻ đã sợ hãi mà co chân lên chạy vù đi.

    Nhìn theo bóng lưng nhỏ bé đang cố gắng chạy nhanh hết sức có thể thì lão Duyệt chỉ còn biết lắc đầu thương cảm.

    Rồi người đàn ông có gương mặt khắc khổ đó cũng toan dợm bước mà theo chân tỷ Nhân lên nhà trên. Nhưng chân vừa mới đưa lên đã phải vội đặt ngay xuống. Lão Duyệt nhìn vào trong bếp mà chỉ mặt con Lành.

    - Còn bây, sao còn ngồi đó mà không mau qua xem cậu Lũy đã dậy chưa? Bà vú già rồi! Một mình bà ấy không lo được cho cậu đâu.

    - Già gì chứ? Bà ấy nói với tôi là bà ấy chỉ mới hơn tứ tuần một chút thôi.

    Con Lành cãi. Bên kia lão Duyệt cau mày, mắng:

    - Ừ thì mới hơn tứ tuần thôi. Nhưng bây ăn lương mà đòi trốn việc sao? Dẫu biết giữ trẻ là việc nhọc nhất từ trước tới nay, nhưng phải cố thôi. Ta là ta mắc cùng thằng Đen quét tước để đại nhân đón quan Huyện nếu không thì sẽ tới đó phụ bây một chút.

    - Gì chứ? Đại nhân đã cáo lão về quê rất lâu rồi mà. Sao quan Huyện lại đến đây làm gì chớ.

    - Chuyện nhà chủ có liên quan tới ngươi sao? Coi mà ngậm cái miệng lại. Không là bị ăn đòn rồi thì mất việc như chơi đó.

    Tiếng nói của lão Duyệt cứ xa dần. Gian bếp khi nãy còn đông đúc rộn rã thì giờ chỉ còn mỗi Diệp Thảo. Mà nàng thì cứ đứng mãi ở cửa bếp trông theo bóng lưng khỏe mạnh của lão Duyệt cho đến khi khuất hẳn mới chịu quay vào bên trong. Lão Duyệt, bác Ba của nàng nghe đâu xưa kia cũng là một lính tuần dưới trướng của Nguyễn đại nhân thì phải.

    (Hết chương 6)
     
  8. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 7: Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ráng ghì chặt cho cái mâm trên tay không bị chênh chao, Diệp Thảo rốt cuộc cũng được thở một cái sảng khoái khi đĩa thức ăn cuối cùng được tỷ Nhân bưng ra. Nhưng trong phòng ăn lúc này chỉ có mình Diệp Thảo thấy nhẹ nhõm bởi nhìn ai cũng ngó đăm đăm.

    Có lẽ vì tối qua đại nhân đã không qua đêm ở buồng của bà Ba? Còn với bà Hai thì chắc là sự xuất hiện của bà Ba trong bữa điểm tâm? Nhưng đúng là chuyện của hai bà, còn với Diệp Thảo thì nàng đã hoàn thành tốt công việc của mình. Nên lúc này nàng có thể đường hoàng xuống bếp mà nghỉ ngơi đôi chút.

    Có điều vừa quay đầu đi thì Diệp Thảo đã nghe bà Ba phân phó.

    - Con Nhân, bây qua buồng đại nhân gõ cửa gọi đại nhân dậy đi. Đã cuối giờ Dần rồi mà sao đại nhân vẫn chưa dậy? Hay đã xảy ra chuyện gì rồi?

    - Chuyện gì rồi là chuyện gì?

    Bà Hai ném ánh mắt sắc lạnh về phía bà Ba.

    - Có phải em Ba đang muốn đại nhân xảy chuyện nên mới nói ra mấy lời khó nghe vậy không?

    - Dạ, đâu có chị Hai. Em nào dám nghĩ như thế.

    Bà Ba vội vã xua tay phân bua.

    - Chỉ là tối qua đại nhân ngủ một mình. Chỉ sợ sáng ra đại nhân mỏi người hay chi đó.

    - Ta lại nghĩ đại nhân vì quá chăm sang buồng của em Ba nên mới mỏi người đó. Nói ra thì ai đó bảo ta nanh nọc. Nhưng em Ba cũng phải biết giữ cho đại nhân một chút. Dù như thế thì sẽ hơi khó vì em Ba hãy còn trẻ, nhưng em Ba biết mà cả cái nhà này đều trông vào sự lèo lái của đại nhân thôi.

    Vậy sao? Hay bà đang ghen tị với người ta? Thật nếu mà Diệp Thảo là bà Ba chắc chắn nàng sẽ không ngần ngại mà mắng ngay vào mặt của bà Hai những lời lẽ như thế. Nhưng không, người đàn bà chỉ mới hơn băm một chút kia sau khi nghe những câu chữ vô lí đó thì lại ngoan ngoãn cúi đầu. Bà Ba đáp lại bà Hai bằng một giọng ngọt ngào.

    - Dạ, chị Hai dạy phải. Em đúng là trẻ người non dạ nên không thấu hiểu được những đạo lí kia. Giờ được chị dạy thì từ rầy em sẽ chú ý hơn để đảm bảo sức khỏe cho đại nhân.

    Là nhịn một bước để êm nhà êm cửa, hay là người đàn bà kia nghĩ những lời nói đó là thật lòng. Nếu vậy thì phải xem lại trí tuệ của bà Ba Miên. Là một người đàn bà nhu thuận, biết điều như thiên hạ truyền tai nhau hay là một người đàn bà ngốc.

    Gian phòng ăn lại lần nữa chìm vào trong im lặng. Hai người đàn bà và là hai người vợ của Nguyễn đại nhân lại lần nữa không nói gì với nhau. Nhưng nếu tinh ý thì người ta vẫn thấy vẻ đắc thắng của bà Hai. Có lẽ bà ấy nghĩ bản thân mình đã giáo huấn được bà Ba một trận chăng.

    Hẳn là vậy rồi. Cầm lấy cái mâm bước ra ngoài cửa phòng ăn chờ đợi, Diệp Thảo ngẩng đầu nhìn vầng sáng đỏ rực đang dần hiện rõ ở khoảnh trời phía đông.

    Một ngày nữa lại bắt đầu rồi! Nếu hôm qua vào giờ này Diệp Thảo đang còn mơ tưởng về một Nguyễn gia biết trọng dụng người, thì bây giờ nàng đang đứng đây, ở trước cửa phòng ăn để chực chủ nhân sai bảo. Không, đúng hơn là nàng đang chờ để chào Nguyễn đại nhân một tiếng.

    Ờ thì chịu thôi. Ai bảo nàng là người làm kia chứ. Đôi chân vì đứng quá lâu mà tê rần. Và bên khoảnh trời phía đông vầng thái dương đã lộ quá nửa, nhưng Nguyễn đại nhân tại sao chưa xuất hiện.

    Hay đúng như lời đoán của bà Ba, Nguyễn đại nhân đã xảy chuyện. Bởi tối qua đại nhân cũng không chịu ra khỏi phòng, và bữa tối thì được bà Ba và tỷ Nhân bưng lên mà đưa vào bên trong ở cửa. Rồi thì tối qua đại nhân cũng không sang buồng bà Ba ngủ như chuyện thường ngày vẫn làm.

    Nhưng tiếng két lớn cửa hành động kéo ghế đồng loạt vang lên làm ngắt ngang dòng suy ngẫm của Diệp Thảo. Và cũng làm cô gái trẻ phải tò mò mà ngó đầu vào trong xem chừng. Cả hai bà Hai và Ba đã đồng loạt đứng dậy. Bà Ba chụp lấy tay của bà hai mà van nài:

    - Chị Hai mau đi xem đại nhân đi chị! Đã quá giờ Mão rồi! Đại nhân chưa bao giờ dạy trễ như thế này.

    - Tôi biết.

    Có lẽ vì đã biết.. đã nhận thấy điểm kì lạ nên bà Hai cũng đã đẩy ghế đứng dậy như người em cùng chồng của mình. Có điều trên mặt bà không có thế hiện sự lo lắng, bởi bà đang sợ hãi. Bên này thấy bà Hai cứ đứng nguyên một chỗ thì bà Ba không còn kiên nhẫn được nữa. Bà mặc kệ người đàn bà mình gọi bằng chị mà sấn sả đi về phía cửa phòng.

    - Em cần đến buồng của đại nhân một chuyến.

    - Đến buồng của cha con để làm gì?

    Cậu Ba Phong từ ngoài đi vào đã ra rả tiếp lời bà Ba.

    - Mà lạ thật giờ này mà cha con, Nguyễn đại nhân cao cao tại thượng vẫn chưa rời giường sao? Không phải tối qua cha đã làm gì quá sức chứ.

    Trước những câu chữ mang ý cợt nhả của con trai, bà Ba Miên không khỏi cau mày tức giận. Bà chỉ thẳng mặt con trai, mà mắng:

    - Ba Phong, bây nói gì vậy hả? Cha bây khi tối không khỏe để ra dùng bữa rồi. Đêm còn ngủ một mình đó mà giờ bây lại buông lời trêu đùa như vậy sao?

    - Mẹ! Là mẹ lo lắng thái quá thôi. Chứ cha con dạo này vẫn khỏe mạnh mà. Đúng không Bá Thông?

    - Chuyện này..

    Gã đàn ông có vóc người cao lớn từ nãy giờ vẫn tựa lưng vào khuôn cửa mà im lặng, chợt lên tiếng. Có điều hình như gã Lê Bá Thông ấy vẫn chưa chuẩn bị câu chữ nên sau khi thốt ra được hai chữ "chuyện này", hắn lại im bặt.

    Bên kia bà Ba thấy Lê Bá Thông đang nói rồi chợt ngừng lại thì lại càng lo lắng. Người đàn bà ấy quên béng đi những lễ nghi phép tắc mà kéo tay Lê Bá Thông van nài:

    - Bá Thông con, con nói gì đi chứ? Đại nhân..

    - Con.. Chuyện này con cũng không chắc nữa cô mẫu à. Nhưng con hỏi thế này? Mong cô mẫu có gì bỏ qua cho con.

    Bá Thông vòng vo lựa lời, rồi sau khi nhận được cái gật đầu của bà Ba, anh chàng mới tiếp.

    - Thật tối qua cô phụ chỉ ở trong buồng một mình thôi sao? Rồi từ tối giờ cô mẫu có gọi buồng của cô phụ không?

    (Hết chương 7)
     
  9. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 8: Chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lê Bá Thông vừa dứt, Diệp Thảo đã nhìn thấy sự ngượng ngùng trên mặt bà Ba Miên. Nhưng trước những ánh mắt trông chờ của mọi người đang có mặt ở đó. Người đàn bà xinh đẹp kia rốt cuộc cũng chọn đối đầu.

    Bà Ba Miên chậm rãi ngồi xuống lại cái ghế của mình, và trước khi mở miệng, bà đã thở hắt ra một tiếng não nề.

    - Ta biết con muốn nói gì Bá Thông à. Nhưng thực là tối qua ta không có sang phòng của đại nhân. Có điều gọi cửa thì có đó. Lúc đó khoảng đầu giờ Dần, ta trở mình tỉnh giấc thì có nhờ con Nhân chạy sang gõ cửa buồng của đại nhân, gọi đại nhân dậy. Có đúng như vậy không con Nhân?

    Đứng ở góc phòng ăn, tỷ Nhân bị bà Ba gọi tên thì giật thót. Rồi lập tức đứa con gái đó vội vàng gật đầu liên tục. Bên này Lê Bá Thông đã không chờ nữa mà nhanh chóng đặt câu hỏi với tỷ Nhân.

    - Khi đó đại nhân đã dậy chưa?

    Được tỷ Nhân đáp lại bằng một cái gật đầu dứt khoát, nên Lê Bá Thông đã tiếp.

    - Dậy rồi! Ý cô là thế phải không? Nhưng tại sao là cô biết đại nhân đã dậy. Là do đại nhân nói chuyện với cô ư? Đại nhân nói gì?

    Cô gái trẻ nghe Lê Bá Thông hỏi thì gật đầu liên hồi. Rồi thì vì bản thân không nói được mà vội vã đưa mắt nhìn quanh để tìm kiếm thứ gì đó có thể tượng hình cho lời nói của mình. Có điều là hình như không có nên tỷ Nhân đưa tay bóp mạnh cần cổ của mình, và song song với đó là khạc ra được một tiếng:

    - Ớ!

    - Ớ sao? Tại sao lại là ớ chứ?

    Đôi bàn tay lập tức giơ lên và xua đi xua lại kịch liệt biểu thị cho việc Lê Bá Thông đã hiểu sai ý của mình. Nhưng hiểu sai ý thì sao? Một người câm như tỷ Nhân thì làm sao có thể nói ra ý của mình bây giờ. Đứng cạnh tỷ Nhân nãy giờ, con Lành từ đầu đến cuối vẫn giữ im lặng vì nó biết thân, biết phận của mình.

    Nhưng giờ khi thấy ai nấy cũng đều tập trung ánh mắt về phía tỷ Nhâ, chờ đợi câu trả lời của tỷ ấy thì con Lành rốt cuộc cũng không nhịn được nữa. Nó rụt rè lên tiếng.

    - Là "ờ" đấy ạ! Đúng không anh Đen, tui nhớ là tối rồi anh cũng canh ngoài cửa buồng chắc anh biết chớ?

    - Biết! Đương nhiên là biết chứ. Đại nhân đã "ờ" một tiếng rất lớn.

    Sau lời giải thích và xác nhận của con Lành với anh Đen thì mọi ánh mắt lại được dịp đổ dồn về phía Lê Bá Thông. Có điều gã trai ấy với những ánh nhìn chờ đợi đó lại không hề có phản ứng sợ hãi hay lo lắng, mà ngược lại trên mặt Lê Bá Thông lúc này tràn ngập tự tin. Lê Bá Thông nói:

    - Đầu giờ Dần đại nhân vẫn trả lời tiếng gõ cửa của người làm, thì có nghĩa cả đêm rồi đại nhân vẫn khỏe mạnh.

    - Nhưng tại sao đến giờ này rồi mà đại nhân chưa thức dậy? Lẽ nào là ngủ quên sao?

    Trả lời bà Ba Miên bằng một cái gật đầu, Lê Bá Thông điềm tĩnh nói thêm.

    - Có thể là vậy thôi. Nhưng dù sao trời cũng đã sáng hẳn rồi, nên con nghĩ cô mẫu hay đi gọi đại nhân dậy. Bởi ngủ quên như thế này thì cơ thể sẽ rất mệt mỏi. Có lẽ vì ngủ một mình không quen nên cô phụ mới ngủ quên như thế.

    Gật gù tỏ ý đồng tình với suy đoán của đứa cháu trai, bà Ba Miên không còn dáng vẻ bồn chồn, lo lắng khi nãy nữa. Nhưng bà vẫn nghe theo Lê Bá Thông đứng dậy và chuẩn bị đi đến buồng ngủ của Nguyễn đại nhân. Nhưng trước khi rời bước, bà Ba Miên đã tỏ ra là một người biết điều khi hướng bà Hai Cần hỏi:

    - Chị Hai! Ý chị thế nào? Chứ em thì em thấy suy đoán của thằng Thông đúng đó chị. Nên giờ mình cùng đi gọi đại nhân nha chị!

    - Tôi..

    Bà Hai Cần chưa nói hết câu đã phải dừng lại. Tiếng bước chân lẹt quẹt đi vào khiến người đàn bà đang chìm trong sợ hãi chợt bừng tỉnh. Bà hướng đứa con trai mình dứt ruột đẻ ra, cậu Hai Lịch mà chửi tới tấp.

    - Thằng trời đánh! Rốt cuộc thì bây cũng đã về rồi! Nói mau có phải chiều qua bây đã làm gì đại nhân để ông ấy sáng nay mệt mỏi đến độ ngủ quên hả? Nói!

    Vừa chửi bới, bà Hai Cần vừa lao tới đánh vào mặt vào đầu của Hai Lịch. Bị mẹ đánh bất ngờ, Hai Lịch vung tay đỡ. Lực tay quá mạnh từ đứa con trai sức dài vai rộng làm bà Hai Cần ngã ngửa ra sau. May mà đứng cạnh bà có Lê Bá Thông ra tay tương trợ mới không xảy ra cái cảnh ngả dập đầu.

    Thoát được sự tấn công của mẹ mình, Hai Lịch không chút thương xót hay lo lắng cho thương thế của bà Hai Cần. Đã vậy, hắn ném ánh mắt bực bội lên người đã sinh ra hắn, mà chửi lớn:

    - Bà điên hả? Mắc mớ gì mà bà đánh tôi. Tôi là con bà đó. Còn gã đàn ông kia có khi nào gã coi bà là vợ không mà bà lo lắng cho gã vậy hả? Nói có trời đất chứng giám chữ gã chết thì bà càng nhẹ nợ. Mắc gì mà phải rần rần như thế hả?

    - Vậy.. vậy là bây đã đánh cha bây thật sao?

    Bà Hai Cần run giọng hỏi lại con trai. Ra đây là lí do mà người đàn bà này chìm trong sự lo lắng từ nãy đến giờ. Vẫn nép người vào khuôn cửa của phòng ăn, Diệp Thảo nghe tiếng bà Hai Cần trách mắng con.

    - Trời ơi! Trời ơi! Bây nói cái gì vậy hả? Cái gì mà nhẹ nợ? Bây nghĩ cái gì vậy hả? Bây nghĩ đại nhân chết thì chúng ta còn được sống trong cái nhà này sao? Con ơi là con! Bây giết mẹ bây luôn đi!

    - Vậy đó là điều duy nhất bà lo lắng hả bà Hai? Bà lo nếu ta chết thì bà sẽ bị đuổi ra khỏi Nguyễn gia trang này thôi sao?

    Câu hỏi đó là của Nguyễn đại nhân. Gã đàn ông từng là quan Khâm sai nắm trong tay tính mạng của cả vạn người dân đã đứng ở cửa phòng ăn rất lâu. Ông điềm tĩnh đưa tay lên ra dấu cho Diệp Thảo im lặng để bản thân đứng nghe những lời than vãn của bà Hai.

    Từng bận tức giận hiện lên trên đáy mắt của Nguyễn đại nhân và đến khi sự chịu đựng của ông ta đạt tới cực hạn thì người đàn ông đó đã phun ra những lời nói như kia.

    Khí tức phủ trùm lên những con người đang có mặt ở phòng ăn khiến họ không lạnh mà run. Rõ ràng Nguyễn đại nhân vẫn khỏe mạnh như lời đoán của Lê Bá Thông. Nhưng sâu tận trong đáy mắt của gã đàn ông từng là một chức tước của triều đình đó, Diệp Thảo lại nhìn thấy một sự lo lắng.

    Lo lắng? Sao lại có thể lo lắng? Mà nếu lo lắng thì cũng phải là ai khác chứ không phải là Nguyễn đại nhân được. Vì Nguyễn đại nhân là vị quan thanh liên từng đả cọp tinh, mang lại sự êm ấm cho con dân của xứ Quán Trà nói riêng và Dinh Bình Hòa nói chung mà.

    Cọp tinh!

    Theo lời kể thì năm đó con cọp kia rình bắt bò của dân, bị trai tráng trong làng vây bắt đánh gãy một chân của con cọp. Cọp sau khi chạy thoát được thì chỉ còn ba chân và thù hận con người vô cùng. Nên kể từng đó nó chỉ rình để bắt người ăn thịt.

    Và cũng có lẽ vì ăn thịt người mà con cọp đó đã thành tinh. Nó khôn ranh đến độ thoát được hết tất cả những cái bẫy mà trai tráng ở làng giăng ra. Và còn ngang nhiên vào làng để bắt người.

    Số lượng người bị cọp dữ giết hại lên tới trăm người, thì quan phải cử những thợ săn lão luyện đến giăng bẫy thì con cọp đó chuyển sang rình mò những thương lái nhỡ đường ở trạm Hòa Tân đi Hòa Du.

    Ấy mới có chuyện Nguyễn đại nhân đã mật cầu Bà Chúa Ngọc. Xin bà ban cho ông cách để diệt cọp và đổi lại là ông sẽ lập miếu thờ bà bà ở ngay chỗ Hòa Du đó.

    Và miếu thờ Bà Chúa Ngọc đã thực sự được xây lên ở Hòa Du.

    Từng vạt nắng xuyên qua tán lá để rọi thẳng xuống cái giếng nhỏ, chỗ Diệp Thảo đang loay hoay lặt, rửa những mớ rau để nấu bữa trưa. Cá kho tộ, rau muống luộc.. những món ăn tưởng chỉ xuất hiện ở mâm cơm của nhà nghèo thì lúc này nó lại sắp được Diệp Thảo trình làng ở Nguyễn gia.

    Là do Nguyễn đại nhân muốn ăn. Ông ấy nói những món ấy khiến ông nhớ lại cái thuở hàn vi.. cái thuở ông vẫn còn được sống trong vòng tay của cha của mẹ. Được yêu thương, chiều chuộng. Đó là những lời mà bà Ba Miên nói với Diệp Thảo khi cùng nàng nhặt rau.

    Bà Ba còn nói thêm là bản thân rất vụng nên không thể nấu ngon những món này. Và còn gì đó nữa.. Nhưng bà chưa kịp nói hết với Diệp Thảo thì đã bị Nguyễn đại nhân gọi lên nhà trên để cùng ông tiếp chuyện quan Huyện.

    Đem rổ rau vừa rửa xong vẩy tới vẩy lui vài bận cho rót nước, Diệp Thảo hơi giật mình khi thấy con Lành từ nhà trên đi xuống. Nàng cất tiếng hỏi:

    - Sao vậy?

    - Sao cái gì? Thì nhiệm vụ của tôi là bê trà và bánh lên thôi. Xong việc thì phải đi xuống chứ. Làm gì có phần mà ở lại nhìn quan lớn.

    Ra đó là lí do cho khuôn mặt sưng lên mấy phần của con Lành. Và trong lúc này đáng ra thì Diệp Thảo nên giữ im lặng để bảo vệ hòa khí, nhưng sự tò mò lại làm cho nàng phải buột miệng hỏi:

    - Nhưng chắc Lành vẫn nghe được lí do mà quan Huyện đến đây phải không? Là nhờ vả hay đến thăm hỏi đại nhân của chúng ta.

    - Không nhờ vả hay thăm hỏi. Mà là..

    Gian nhà trên của Nguyễn gia khá rộng với sập gụ, bàn trà được trạm trổ tinh xảo. Ngồi ở vị trí chủ nhà, Nguyễn đại nhân vươn tay ra phía quan Huyện Trịnh, nói:

    - Mời Trịnh đại nhân! Nay Nguyễn tôi đã cáo lão về quê nên chỉ có trà sen thanh đạm đãi khách. Mong Trịnh đại nhân không chê hèn mà bắt lỗi Nguyễn tôi!

    - Kìa Nguyễn đại nhân! Sao đại nhân lại nói tiểu quan thế? Gì mà chê hèn chứ? Đại nhân không chê tiểu quan là kẻ thấp kém thì đã may lắm rồi. Thật trong đáy lòng tiểu quan rất cảm phục đại nhân, nên vừa nhậm chức xong là tiểu quan đã vội thu xếp công việc mà đến đây ra mắt đại nhân.

    - Vậy ư? Vậy mà Nguyễn tôi lại nghĩ Trịnh đại nhân không chỉ tới là để ra mắt.

    Một nụ cười ngượng ngùng lập tức hiên lên trên gương mặt của Trịnh quan Huyện. Và sau đó vẻ cợt nhả ban đầu được thay bằng một sự nghiêm túc đến lạ, gã đàn ông mới hơn đôi mươi một chút đó hướng Nguyễn đại nhân mà cất giọng.

    - Đúng là không thể qua mắt được Nguyễn đại nhân. Thật tiểu quan sai rồi! Mong Nguyễn đại nhân thứ lỗi.

    Đội trưởng Thành từ nãy đến giờ vẫn im lặng đứng cạnh Trịnh quan huyện đột nhiên lên tiếng.

    - Bẩm Trịnh đại nhân, bẩm Nguyễn đại nhân xin hai vị cho Thành tôi nói đôi lời. Thưa Nguyễn đại nhân, Trịnh đại nhân đây vốn trẻ tuổi, nhưng lại là người đỗ đầu kì thi Đình, được đích thân đương kim hoàng thượng phê chuẩn cho chức vụ Vũ Khố Thị Lang*. Có điều Trịnh đại nhân lại nhất quyết xin hoàng thượng về làm quan Huyện ở xứ Quán Trà này.

    Một sự kinh ngạc hiện rõ trên gương mặt của Nguyễn đại nhân. Và cũng chẳng kiềm sự tò mò, người đàn ông mới qua ngũ tuần đó đã hướng Trịnh quan huyện, hỏi:

    - Những gì Thành đội trưởng nói là sự thật sao? Nhưng vì lí do gì chứ? Vũ Khố Thị Lang.. Chánh Tam phẩm, một chức vị không phải là tầm thường. Tại sao lại bỏ qua cơ hội tốt để tiến thân như vậy chứ?

    - Vậy Nguyễn đại nhân thì sao? Cũng được hoàng thượng phong hàm chánh tam phẩm kia mà, tại sao ngài lại chọn về Dinh Bình Hòa làm một chức quan Khâm sai. Tuy hàm cũng là tam phẩm, nhưng để tiến thân thì hoàn toàn không có cơ hội.

    - Trịnh Thừa!

    Tiếng gắt của Nguyễn đại nhân khiến không khí trong gian phòng tiếp khách lập tức trở nên nặng nề. Ngồi bên cạnh Nguyễn đại nhân, bà Ba Miên bị tiếng gắt của chồng mà sợ đến tái cả mặt.

    Người đàn bà ấy vừa nghe xong tiếng gắt đó đã vội len lén đưa mắt nhìn gã thanh niên vận quần áo quan sai ngồi trước mặt.

    Một đôi mày cau chặt, và vẻ mặt đầy sự kinh ngạc của Trịnh đại nhân làm bà Ba Miên không kiềm được sự sợ hãi. Người đàn bà hiểu chuyện đó lập tức vươn tay mà kéo nhẹ gấu áo của Nguyễn đại nhân.

    - Kìa ông..

    Bên kia, đội trưởng Thành cũng bị tiếng gắt của Nguyễn đại nhân dọa cho sợ. Và như một phản xạ, gã đàn ông đó cũng lên tiếng ngăn Nguyễn đại nhân.

    - Nguyễn đại nhân! Xin đại nhân đừng nóng giận! Đừng nóng giận..

    Vì nếu Nguyễn đại nhân nóng thêm một chút nữa, nói thêm một chút nữa điều không nên nói thì chắc chắn ông sẽ phạm tội khinh quân. Và khi đó không những là ông, mà cả Nguyễn gia trang sẽ chẳng một ai được toàn mạng.

    Cố đè cho cơn giận đang trào lên cổ họng lùi xuống, Nguyễn đại nhân muốn thốt ra điều gì đó để xoa dịu kẻ ngồi trước mặt.

    (*) Một chức vụ dưới triều phong kiến.

    (Hết chương 8)
     
    Last edited by a moderator: 1 Tháng một 2024
  10. Lê Khả Lâm

    Bài viết:
    50
    Chương 9: Chương 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhưng lúc này lí trí mạnh mẽ của Nguyễn đại nhân lại chẳng thắng nổi cơn giận trong tâm can, thế nên thay vì cất lời người đàn ông đó lại lựa chọn im lặng. Không khí nặng nề đến nghẹt thở chỉ được phá vỡ khi Trịnh đại nhân Trịnh Thừa vượt qua được cơn giận của chính mình và lên tiếng.

    - Là tiểu quan không đúng.

    Mong Nguyễn đại nhân thứ lỗi! Lời vừa nói ra đã khiến những người có mặt ở đó phải kinh ngạc. Nhất là tỷ Nhân, cô gái trẻ đó nghĩ chắc trong bụng rằng sẽ có thêm những lời qua tiếng lại nữa.

    Và chốt là phần thắng sẽ thuộc về quan huyện, rồi thì Nguyễn gia trang sẽ ngập ngụa sự bắt bớ và máu tanh. Ấy thế mà vị quan Huyện đó lại chịu nhịn một bước, làm cho bàn chân to bè của tỷ Nhân chuẩn bị đưa lên để chạy về phía bà Ba Miên phải rút lại.

    Và không chỉ tỷ Nhân, mà cả Nguyễn đại nhân lẫn những người còn lại cũng bị kinh ngạc không kém. Có điều chưa ai kịp lên tiếng thì Trịnh đại nhân Trịnh Thừa đã nói tiếp.

    - Hôm nay tiểu quan đến đây ra mắt Nguyễn đại nhân là thứ yếu. Bởi nguyên nhân chính là..

    Vị quan sai nghiêm mặt phất tay cho đội trưởng Thành. Bên kia vừa nhận lệnh đã vội lôi tờ giấy trong ống tay áo ra đọc.

    - Danh sách những người tham gia bắt cọp tinh: Người đứng đầu là Khâm sai Chưởng tiền quân Bình Tây đại tướng quân Nguyễn Văn Bình. Người thứ hai..

    Giọng của đội trưởng Thành đều đều. Nhưng những điều gã đọc lên khiến ai nấy của Nguyễn gia được một phen mắt tròn mắt dẹt. Hóa ra Trịnh đại nhân là người của Dinh Bình Hòa.

    Và thật đớn đau khi đại nhân cũng có người thân tử nạn dưới vuốt của con cọp tinh. Ám ảnh, mất mát đã khiến gã đàn ông đau đáu ước vọng đã trả thù.

    Nhưng ước vọng chưa kịp thực hiện thì từ phương xa gã nghe được chuyện Nguyễn đại nhân cùng với thuộc hạ đã giết được cọp. Hả giận, nhưng cũng là cảm phục những người đã giúp gã báo thù cho mẹ. Cái ân lớn lao khiến gã muốn được làm một dân chi phụ mẫu để báo đáp ân đức của những người dân ở đây đã họp sức giết cọp.

    Và việc đầu tiên là lập bia đá ghi công.

    - Và người cuối cùng là lính tuần Phan Vũ Anh.

    - Lính tuần Phan Vũ Anh?

    Nguyễn đại nhân lập tức nhắc lại cái tên mà đội trưởng Thành vừa đọc ra.

    - Thành đội trưởng, cậu vừa đọc tên Phan Vũ Anh?

    Một sự lúng túng ngay tức thì hiện lên trên gương mặt của đội trưởng Thành. Gã hết đưa mắt nhìn Nguyễn đại nhân rồi lại đưa mắt liếc sang vị quan Huyện đang đương nhiệm. Nhưng Trịnh đại nhân Trịnh Thừa vẫn giữ im lặng khiến đội trưởng Thành không tự chủ mà thấy chân mình đang run lên từng chập.

    - Võ Quốc Thành! Cậu trả lời tôi đi chớ? Cái tên Phan Vũ Anh kia là sao?

    Lôi cả họ cả tên của đội trưởng Thành ra chất vấn, Nguyễn đại nhân vẫn thấy người kia im lặng. Điều này làm máu nóng trên đầu Nguyễn đại nhân lập tức sôi lên. Ông đứng phắt dậy, rồi chỉ tay vào mặt đội trưởng Thành.

    - Tại sao cậu lại cho cái tên Phan Vũ Anh đó vào danh sách những người tham gia giết cọp tinh. Hắn có tham gia hay không, cậu là người biết rõ nhất mà.

    - Đội trưởng Thành nói với tôi rồi! Phan Vũ Anh đó không có tham gia.

    Trịnh đại nhân rốt cuộc cũng lên tiếng.

    - Nhưng vuốt mặt cũng phải nể mũi chớ. Tiểu quan nói vậy Nguyễn đại nhân có thấy phải không?

    Một sự im lặng đến từ phía Nguyễn đại nhân. Người đàn ông từng là quan Khâm sai đó im lặng, nhưng tận sâu trong đáy mắt của ông ta lại hiện lên một tầng nước mang tên lo lắng. Bên kia Trịnh Thừa không phút nào rời mắt khỏi Nguyễn đại nhân, nên đương nhiên biểu tình kia vị quan đó có nhìn thấy.

    Trịnh Thừa chậm rãi đứng dậy, rồi buông một tiếng cười gằng:

    - Nguyễn đại nhân! Phan Vũ Anh không phải là đệ đệ của bà Hai Nguyễn gia sao? Không làm nên trò trống gì, nhưng cũng ở dưới trướng của Nguyễn đại nhân đây tận năm năm còn gì.

    - Tiễn khách!

    Tiếng nói rít qua kẽ răng, nhưng lại âm vọng đến độ những người ở nhà sau như Diệp Thảo hay cậu Hai Lịch đều nghe thấy. Lau tay vào mảnh vải cột trước rụng, Diệp Thảo vốn định sẽ mang hết thảy rau củ đã cắt tỉa vào bếp. Nhưng chưa kịp động tay thì nghe thấy tiếng gắt kia.

    Và "tiễn khách" thì chắc chắn là câu nói của Nguyễn đại nhân rồi. Nhưng với ngữ khí đó thì nghe không khác gì là chủ nhà muốn đuổi khách. "Đuổi khách", và khách ở đây lại là quan Huyện đương nhiệm. Dòng suy nghĩ chạy được tới đây thì lập tức nghẽn lại. Diệp Thảo thấy tim mình giật thon thót với những hình ảnh bắt bớ mà nàng mới tưởng ra được.

    Và nếu vậy thì Diệp Thảo nàng đích thị là người xui nhất trần đời rồi. Bởi nghĩ đi, nàng chỉ mới chân ướt chân ráo đến Nguyễn gia làm việc. Tiền lương còn chưa nhận được đồng nào.

    Nhưng nếu Nguyễn gia phạm tội khi quân thì Diệp Thảo nàng cũng sẽ bị gô cổ như con Lành, tỷ Nhân hay cao hơn một chút là cậu Hai, cậu Ba và cả Lê Bá Thông kia nữa.

    Vừa nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo đã xuất hiện rồi. Bà Hai, cậu Hai, cậu Ba và Lê Bá Thông hình như cũng nghe tiếng gắt kia của Nguyễn đại nhân, nên đã lần lượt bước ra khỏi phòng để phóng mắt nhìn về phía gian nhà trên.

    - Nếu ta nghe không nhầm thì đó là giọng của Nguyễn đại nhân?

    Cậu Hai Lịch phá tan bầu không khí im lặng bằng một câu hỏi. Nhưng điều đáng sợ hơn cả là gã lại hướng nhìn Diệp Thảo và đi từng bước về phía nàng như thể đang chờ đợi câu trả lời.

    - Ngươi có suy nghĩ giống ta không, rằng đó là giọng của Nguyễn đại nhân. Mà khoan đã, lúc sáng ngươi nói ngươi tên gì nhỉ? Ái My hay Ngọc Huyền vậy?

    Ái May hay Ngọc Huyền?

    Hai cái tên này là tên của những cô nương từng qua lại với hắn chứ gì? Bởi lúc sáng Diệp Thảo nàng có nói chuyện với hắn đâu. Vội lùi lại một bước để nới rộng khoảng cách với Hai Lịch, Diệp Thảo thành công né được bàn tay đang đưa tới của cậu con trai lớn của Nguyễn đại nhân.

    Nhưng hành động đó lại vô tình làm nụ cười trên môi của cậu Hai Lịch thêm đậm. Cậu Hai của Nguyễn gia thôi không bước tới trước nữa mà đứng im tại chỗ nhìn trân trân vào mặt, vào cơ thể của Diệp Thảo.

    Một ánh nhìn đáng sợ đến độ cô gái trẻ nghĩ bản thân trong phút chốc nữa thôi sẽ biến thành miếng mồi ngon dưới nanh vuốt của loài thú dữ mang tên Hai Lịch.

    - Sao vậy? Hay ngươi bị câm? Như thế lại càng thú vị. Nhưng trước mắt hãy cho ta xem hàng trước đã.

    Đôi bàn tay với mười ngón dài ngoằng của Hai Lịch vươn về phía của Diệp Thảo theo từng lời nói mà hắn nói ra. Động tác nhanh nhẹn và như hắn cũng đoán được Diệp Thảo sẽ tránh mình lần nữa, nên thay vì tấn công vào mặt, gã đàn ông đốn mạt đó đã chọn bầu ngực của Diệp Thảo làm chỗ đỗ.

    Quá bất ngờ trước hành động khiếm nhã của gã đàn ông vốn là cậu hai của Nguyễn gia, Diệp Thảo cứng người đứng lặng..

    (Hết chương 9)
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...