Truyện Ngắn Vọng - Feng

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Xiao Feng, 10 Tháng hai 2023.

  1. Xiao Feng

    Bài viết:
    37
    Truyện ngắn: VỌNG

    Tác giả: Feng


    1. Tĩnh

    - Ê mày, nhận xong bằng tốt nghiệp rồi, cũng liên hoan chia tay phòng hết rồi sao vẫn còn ngồi đực mặt ra đấy. Không tính thu dọn đồ đạc các thứ rồi còn về nhà nghỉ ngơi mà nhận quyết định công tác à?

    Đáp lại câu hỏi trên của Long chỉ là một cái thở dài kèm theo một cái nhìn xa xăm ra ngoài khung cửa từ phòng 406 dãy nhà HV1. Sau đó là một câu: "Ừ!" cùng những hành động vô cùng chậm chạp như muốn níu giữ lại những giây phút càng lâu càng tốt ở căn phòng nơi đã từng gắn bó. Bốn năm không phải là quá dài nhưng cũng chẳng phải là quá ngắn khi ta so với một đời người, nhưng đối với Vũ bốn năm đó chính là cả thanh xuân, là cả những kỷ niệm từ ngày đầu tiên bước vào học viện An ninh nhân dân, là tất cả bạn bè.

    - Thôi, tao về trước nhé. Tao hứa với bọn mày là mỗi năm sẽ ra đây họp mặt rồi, mày cũng phải nhớ đấy nhé. Nói xong Long chầm chậm bước ra cửa, đưa mắt ngắm nhìn lại một lượt căn phòng ngày nào cả lũ vẫn cùng nhau học tập, ăn, ngủ, nghỉ và ngắm cả quang cảnh phía trước rồi chậm chậm bước đi.

    Cả căn phòng lúc này như trống rỗng hoàn toàn, chỉ còn lại mình Vũ đang thu dọn nốt số chăn chiếu, quân phục vào chiếc ba lô con cóc của mình. Trong tâm trí Vũ bây giờ là hình ảnh của tám thằng ngày đầu tiên gặp mặt tại căn phòng này, là những kỉ niệm những lần bị phạt do nghịch ngợm, là những lần cãi nhau rồi xông vào nhau đấm nhau tím mắt rồi làm hòa và còn phải cùng nhau tìm lý do để giấu quản lý học viên. Những kỉ niệm ấy như từng thước phim chiếu chậm ngay trước mắt Vũ, từng kí ức một rõ nét như ngày ban đầu. Vũ nhìn lại chiếc giường gắn bó bốn năm với mình chợt nhìn thấy ba chữ: "Tôi làm được" được viết bằng bút bi ngay ngắn trên chiếc bàn đầu giường tầng của mình, dòng chữ đó khiến cậu nhớ lại những tháng ngày thức đêm ôn thi đến ba giờ sáng. Vũ lôi từ trong ba lô ra một tờ giấy nhỏ ghi ngay ngắn mấy câu rồi để vào trong chiếc tủ đầu giường: "Dù các em là ai, anh cũng chúc các em trong bốn năm tới sẽ có những kỉ niệm thật đẹp ở căn phòng này, chúc các em hoàn thiện được ước mơ trở thành một người chiến sỹ Công an nhân dân."

    Xong việc, Vũ lặng lẽ cúi người trước cửa như muốn chào căn phòng, một người bạn thân nay phải rời xa mãi mãi, rồi lặng lẽ khóa cửa phòng, đóng lại những kỉ niệm bốn năm đại học, trả khóa lại phòng quản lý học viên sau đó chầm chậm lên xe về quê. Chuyến xe ấy như dài bất tận dù rằng nó chỉ vẻn vẹn có hai tiếng. Vẫn là việc phải đứng như những lần về quê cuối tuần thế nhưng hôm nay có thứ gì đó làm cho Vũ cảm thấy không nỡ khi về nhà.

    Một tuần là quãng thời gian nghỉ ngơi của những sinh viên mới tốt nghiệp xong được nghỉ ngơi trước khi phải đến phòng tổ chức nhận quyết định công tác. Trong suốt quãng thời gian ấy Vũ vẫn làm mọi việc giúp gia đình như trong tâm hồn Vũ vẫn ngóng chờ ngày bản thân được nhận quyết định phân công chính thức nhưng việc không quen giờ giấc ở nhà và việc thiếu giọng nói của những thằng bạn làm Vũ không sao ngon giấc suốt cả tuần liền. Cuối cùng ngày nhận quyết định ấy cũng đến, Vũ khoác lên mình bộ quân phục với quân hàm Thiếu úy bước tự tin vào cánh cổng Công an tỉnh. Vũ tin với thành tích học tập nổi trội của mình việc được phân công về một phòng nghiệp vụ trong khối An ninh là điều không khó. Thế nhưng khi nghe quyết định của mình được đọc lên khiến Vũ có phần thất vọng:

    - Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ được phân công về Công an huyện Lạc Nguyên, tỉnh Bắc Thái.

    Cầm quyết định trên tay nhưng vẫn khiến Vũ như chẳng thể tin vào tai mình. Một loạt những suy nghĩ miên man trong đầu Vũ. Do mình không đủ giỏi, hay do các phòng đã đủ cán bộ, hay do huyện Lạc Nguyên đang thiếu những cán bộ trẻ. Dòng suy nghĩ đó cứ theo mãi cho đến khi Vũ cầm quyết định về Đội Tổng hợp công an huyện để tiếp tục nhận phân công công tác một cách cụ thể. Không giống lần trước, lần này Vũ quyết tâm nói lên suy nghĩ và nguyện vọng của mình khi gặp đồng chí Đội trưởng đội Tổng hợp:

    - Báo cáo đồng chí, tôi thiếu úy Nguyễn Ngọc Vũ mới được Lãnh đạo Công an tỉnh phân công công tác về Công an huyện Lạc Nguyên. Tôi tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành chống phản động, chống gián điệp của Học viện An ninh nhân dân, tôi mong muốn được về đội An ninh nhân dân để công tác.

    Đáp lại đó là một giọng ôn tồn và điềm tĩnh của người đội trưởng đội Tổng hợp:

    - Tôi biết nguyện vọng của các đồng chí là về đúng đội và chuyên ngành mình được đào tạo, nhưng việc này tôi không thể một mình quyết định được mà còn phải thông qua ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị. Về mong muốn của đồng chí, tôi sẽ báo cáo lại với lãnh đạo đơn vị thế nhưng việc đồng chí có về được Đội An ninh hay không thì tôi không dám chắc. Giờ đồng chí có thể về nghỉ ngơi, ba hôm nữa là thứ hai đồng chí lên trên này nhận sự phân công chính thức.

    Câu nói của người Đội trưởng đội Tổng hợp làm cho Vũ có dự cảm chẳng lành về lần nhận công tác này. Không lẽ thành tích như vậy vẫn bị phân công sang đội khác ư?

    Lại ba đêm chẳng ngủ ngon, có lẽ Vũ vẫn chưa quen với việc trước khi đi ngủ bị Long, thằng nằm giường tầng dưới đạp vào giường của mình trước khi đi ngủ, và thiếu mất cái giọng oai oái của thằng Giáp đọc những câu truyện ma đêm khuya trước khi cả lũ say giấc nồng. Sau ba đêm liền chẳng ngủ ngon, Vũ vác bộ mặt không thể thê thảm hơn lên tham dự cuộc họp đầu tuần của Công an huyện Lạc Nguyên. Có những vấn đề Vũ nghe có thể hiểu được, có những vấn đề Vũ chẳng thể hiểu ngay, nhưng điều Vũ quan tâm nhất đó chính là việc mình sẽ được phân công về đội nào trong Công an huyện. Cuối cùng việc công bố cũng đến. Vũ cùng hai người bạn khác bên trường Học viện Cảnh sát cũng được gọi tên đứng lên để mọi người biết tên biết mặt. Cái cảm giác hãnh diện có chút ngại ngùng khiến Vũ cảm thấy đôi tai mình như bị ai đó đốt mà nóng ran lên. Thế nhưng khi được thông báo sẽ về Công an xã Tân Hòa nhận công tác, tai Vũ như ù đi, Vũ như chẳng nghe thấy gì nữa. Sự thất vọng lần thứ hai liên tiếp làm cho Vũ chẳng muốn nhìn ai, chỉ muốn về nhà ngủ một giấc để khi tỉnh dậy biết rằng đây chỉ là mơ. Thế nhưng sự thật vẫn cứ là sự thật, cái vỗ vai của một đồng chí lạ huơ lạ hoắc làm Vũ bừng tỉnh, Vũ ngẩn người nhìn đồng chí đeo quân hàm thiếu tá kia và lờ mờ đoán ra đó chính là đồng chí trưởng Công an xã của mình và sau này chính là người Lãnh đạo trực tiếp của mình. Cũng chẳng để Vũ cất tiếng, đồng chí Thiếu tá ấy nói với một chất giọng hào sảng đanh thép với Vũ:

    - Nhận công tác ở xã là thiệt thòi với cháu rồi, cháu nghe anh Văn bên Tổng hợp nói rồi đấy. Đưa các cháu mới ra trường về xã công tác cũng không đúng đâu, nhưng quân số bây giờ các đội cơ bản ổn định, chỉ thiếu người ở các xã, hy vọng cháu về là người trẻ, cố gắng dốc sức vì xã, vì huyện, vì bản thân mình. Công an xã cũng là một con đường phấn đấu.

    - Dạ, tiếng dạ nhẹ nhàng của Vũ thoát ra như có chút gì đó hờn giận, như có chút gì đó buồn buồn khiến người đối diện có phần bối rối.

    Đồng chí trưởng Công an xã ngỏ ý đưa Vũ về để ra mắt công an xã luôn nhưng Vũ xin phép tự lái xe về vì dù sao huyện Lạc Nguyên này cũng là huyện nơi Vũ sinh ra. Cố tình lái xe thật chậm để kéo dài thời gian nhưng cũng chỉ có bốn mươi lăm phút là tới nơi. Đập vào mắt Vũ là một dãy nhà cấp bốn lụp xụp, có lẽ căn nhà này cũng lụp xụp ngang với căn nhà mà hồi đi thực tế ở Lào Cai mà Vũ nhìn thấy. Trong căn nhà cấp bốn ấy có hai người đang mặc sắc phục của lực lượng Cảnh sát hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính.

    Thoáng nhìn thấy Vũ một người trong hai người đang hướng dẫn cho công dân trên cười toe toét quay sang nói với người bên cạnh:

    - Công an xã lại thêm đồng chí mới kìa anh, thiếu úy An ninh về nữa, thế này xã cũng gần đủ các chuyên ngành rồi anh nhỉ?

    Nhưng Vũ thấy người còn lại dường như chẳng để ý gì đến Vũ mà chỉ chăm chú hướng dẫn người dân viết các mẫu tờ khai mà Vũ chưa thấy bao giờ. Đợi khi người dân đã viết xong rồi ra về, hai người mới đứng dậy mời Vũ sang phòng bên cạnh nói chuyện. Câu chuyện cũng như những lần Vũ đi thực tế thôi, đó chính là hỏi tên, tuổi, quê quán, chuyên ngành. Vũ cũng được nghe hai anh đó giới thiệu về bản thân. Người chăm chú hướng dẫn công dân không để ý đến Vũ khi Vũ đến tên là Đại hiện đang đeo quân hàm Đại úy- là phó trưởng công an xã, người còn lại là Hoàng hiện đang đeo quân hàm Trung úy-là cán bộ phụ trách mảng quản lý hành chính của Công an xã, trước kia học Trung cấp An ninh. Qua câu chuyện Vũ cũng biết được hiện nay chẳng có ai trong số Công an xã là tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội cả, cũng không ai giỏi về khoản máy tính nhất là mảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngay cả anh Hoàng người được giao mảng đó cũng thừa nhận anh chỉ biết sơ sơ thủ tục đó thôi nhưng nếu Vũ muốn biết thì anh chắc chắn sẽ chỉ. Cuối cùng anh Hoàng than một câu khiến Vũ lại giật mình:

    - Về Công an xã chắc chắn chú sẽ tiếp dân với anh rồi, chuyên ngành gì cũng thế thôi, Công an xã phải làm được hết. Thôi lên báo cáo sếp trưởng đi xem sếp phân công thế nào nhé.

    Vẫn còn chưa kịp chấn tĩnh sau câu nói của anh Hoàng thì đồng chí thiếu tá vỗ vai Vũ khi trước xuất hiện trước cửa. Lúc này Vũ mới nhìn rõ bảng tên của người thiếu tá ấy: Vũ Hoàng Giang. Chú Giang bất ngờ lên tiếng:

    - Đến rồi à cháu? Đang định giới thiệu cháu với các anh em mà mấy anh em đã gặp nhau rồi, thế làm quen gì chưa? Thôi cứ để chú giới thiệu thêm cho chắc. Đây, anh đại úy này tên Hoàng Ngọc Đại đang làm phó trưởng công an xã, còn bên này là anh Phạm Đình Hoàng cán bộ đang phụ trách mảng Quản lý hành chính và dữ liệu dân cư quốc gia. Còn đây, chú Giang chỉ vào Vũ và nói tiếp: Thiếu úy Nguyễn Ngọc Vũ mới tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân chuyên ngành chống phản động, chống gián điệp, ưu tú lắm, thấy bên văn phòng nhắn lại là giỏi máy tính lắm, Hoàng sướng rồi nhé. Thế tối nay xã đón đồng chí mới cái nhỉ? Hoàng đi đặt cơm đi, tối xã liên hoan. Giờ với chiều giải quyết hết thủ tục hành chính đi tối ăn cho ngon, giao Hoàng hướng dẫn em nó làm hành chính nhé.

    - Vâng. Tiếng vâng rõ ràng của Hoàng như lại cứa thêm một nhát dao nữa vào sâu thẳm trái tim của Vũ.

    Tối hôm ấy, Vũ chẳng để ý gì nữa, ai mời cũng uống, Vũ uống đến say mèm, uống để vơi đi những thất vọng mà bản thân gặp phải. Hôm ấy Vũ ngủ luôn tại phòng trong công an xã, trong cái mê man của men rượu cùng nỗi buồn bực trong lòng những ký ức ngày xưa lúc ở trường bỗng chốc lại ùa về rõ rệt:

    - Ê mày, sau này ra trường mày muốn làm ngành gì?

    - Tao á, đương nhiên phải làm trinh sát an ninh "lật phản bắt gián" rồi mày.

    - Còn tao á, tao làm gì cũng được, tao yêu nghề này, với tao sống cho lý tưởng của ngành là tao hạnh phúc rồi. Tao không gò bó như mày đâu, sống cần thích nghi, đôi khi cuộc sống không như ý thì mình phải sống làm sao cho thật có ý nghĩa, đừng chăm chăm cái mình thích vì thực tế có những lúc xô đẩy mình phải làm những điều mình không thích. Tao chỉ nghĩ đơn giản là vẫn trong ngành công an, vẫn sống với lý tưởng mà ngành giáo dục là được rồi.

    Những câu nói văng vẳng bên tai đó cứ mãi cho đến khi Vũ chìm sâu vào giấc mộng với những giọt nước mắt lăn dài trên má. Sáng hôm sau, khi Vũ tỉnh dậy đã là sáu giờ ba mươi, định bụng sẽ dậy quét nhà quét sân nhưng khi Vũ mở cửa ra đã thấy sân nhà sạch sẽ. Lúc này anh Hoàng cầm chổi đến bên Vũ nói:

    - Thấy chú ngủ say anh không nỡ gọi hôm qua chú mày làm gì mà uống ghê thế, anh vác mãi mới vào được phòng đấy. Thôi tắm rửa đi rồi xuống bếp ăn sáng. Anh với anh Đại hôm qua trực nên nãy nấu ăn rồi, còn phần chú ở bếp đấy. Đi thẳng ra sau dãy nhà bên trái kia kìa, sau quẹo phải vào nhà tắm mà tắm đi bếp bên cạnh. Đồ của chú anh nấu sẵn đậy dưới lồng bàn ấy.

    - Vâng. Vũ đưa tay dụi mắt mà trong lòng vẫn còn canh cánh những nỗi buồn.

    Tắm rửa xong, Vũ vào bếp đã thấy bát mì để dưới lồng bàn ngay ngắn, lấy thìa thử một chút nước dùng thấy ngọt thanh, bên trên mặt bát mì là những cọng hành thái dọc mỏng đến kinh ngạc thể hiện sự khéo léo vô cùng của người thái, trong bát là những miếng thịt lợn mỏng vừa đủ, chín tới, không bở; sợi mì vẫn dai mà không nát. "Ồ, tô mì như là ở quán vậy, khéo thật." Vũ thầm nghĩ.

    Ăn xong lên thay quân phục chỉnh tề, Vũ quay qua nói với anh Hoàng:

    - Anh chỉ em cách làm các thủ tục hành chính đi, em học chống phản động chống gián điệp mấy cái này em không rành đâu ạ.

    - À, anh trước cũng chuyên ngành đấy mà em, nhưng phân về thì phải làm thôi. Đây em cứ cày nát quyển luật cư trú này đi. Cơ bản nó sẽ hướng dẫn mình làm các thủ tục hành chính. Còn các mẫu treo trên bảng kia, bên dưới nó có hướng dẫn đó em đọc cái là biết ngay thôi. Yên tâm!

    Sau đó Vũ vùi đầu vào quyển luật, thực ra có những vấn đề trước đây Vũ từng nghe qua nhưng vì chuyên ngành của Vũ là chuyên ngành khác nên Vũ không để ý đến vấn đề này. Với Vũ quyển luật mỏng teo ấy chẳng là gì cả, luật hình sự, luật tố tụng hình sự Vũ còn cày cuốc được hết. Vũ nghĩ: "Chắc chỉ hai ngày là có thế làm căn bản được rồi". Lúc vẫn còn đang chăm chú với những con chữ trong cuốn luật thì có một giọng nói làm cho Vũ bất giác ngẩng đầu lên:

    - Chào hai cán bộ nhá, em đến làm thủ tục nhập sinh cho cháu, hai cán bộ giúp em được không?

    Hai từ "cán bộ" làm cho Vũ cảm thấy có chút vui vui. Hóa ra trẻ vậy cũng được làm cán bộ rồi cơ đấy. Vũ nghĩ.

    Câu nói vừa dứt Vũ thấy Hoàng đứng dậy và nhẹ nhàng giải thích:

    - Cán bộ gì đâu bà, mà bà khéo bằng tuổi bà cháu ấy, bà cưng làm em chúng cháu tổn thọ chết mất, thế bà muốn thực hiện thủ tục nhập sinh cho ai ạ?

    - Em là em muốn nhập sinh cho cháu nội vào sổ hộ khẩu gia đình các cán bộ ạ.

    - Ấy, cháu nói rồi bà bằng tuổi bà cháu bà nói thế cháu tổn thọ chết mất ạ. Bà ngồi xuống đây có gì cháu hướng dẫn ạ.

    - Thì từ bé đến giờ em vẫn quen mồm thế, gì chứ nhìn thấy cán bộ là em sợ lắm.

    - Chúng cháu có làm gì đâu mà bà sợ ạ. À mà bà có cầm giấy tờ của cháu muốn nhập sinh và thông tin của bố mẹ cháu đi không ạ?

    - Có, đây này, trong này cả này.

    Nói rồi bà lão lật đật lôi ra một túi bóng bên trong nào cơ man là giấy khai sinh bản gốc, bản sao, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Hoàng nhẹ nhàng chọn ra một bản công chứng giấy đăng ký khai sinh của cháu, sau đó lướt qua một lượt tên bố mẹ cháu, cầm chứng minh thư của bố mẹ cháu rồi tiếp tục nói với bà lão:

    - Đây, chúng cháu chỉ cần mấy loại giấy tờ này thôi. Mấy cái còn lại bà cứ cất đi. Cái bản màu xanh xanh kia là bản giấy khai sinh gốc bà về dặn con cháu cất kỹ vào. Cái đó chỉ có một bản thôi. Mà bà còn viết chữ được không ạ? Con cháu đâu sao lại để mình bà đi làm thế này?

    - Ôi dào, chúng nó đi kiếm tiền hết rồi, nông thôn giờ làm gì có người trẻ ở nhà đâu anh. Còn em, em giờ già rồi viết không nổi đâu anh ạ. Có gì anh viết giúp em.

    - Vâng, thế bà là chủ hộ luôn ạ? Để con bảo em đẹp trai kia viết giúp bà nhé. Hoàng quay sang Vũ nháy mắt.

    Vũ hơi giật mình nhưng vẫn đứng dậy đi ra bàn nơi Hoàng đang đứng cạnh bà cụ. Vũ khẽ kéo tay Hoàng rỉ tai:

    - Em chưa làm cái này bao giờ cả anh ạ, em có biết làm đâu.

    - Yên tâm, chú cứ viết đi. Anh hướng dẫn, bà ấy lớn tuổi rồi mình cũng vì dân phục vụ thôi. Đây có phiếu DC01, với bản khai thay đổi thông tin cư trú thôi. Chú cứ nhìn vào đấy có hướng dẫn bên dưới, có gì thắc mắc bảo anh, anh chỉ cho.

    Vũ run run cầm cây bút bắt đầu viết tên tuổi của cháu bé lên phiếu thay đổi thông tin cư trú, viết đến phần thông tin những người cùng thay đổi Vũ cắn bút mãi không biết viết gì. Thấy cái mặt ngẩn tò te của Vũ, Hoàng ngó vô nói:

    - Không, ghi chữ "Không" vào phần đó vì cháu bé này nhập khẩu có một mình thôi làm gì có ai thay đổi nữa đâu em. Sau em đọc lại cho bác ấy nghe một lượt nhá rồi bảo bác ấy ký vào phần họ tên người khai báo và thông tin chủ hộ nhé. À quên, sau em viết luôn hộ bác phiếu DC01 nhé.

    - Phiếu DC01 là phiếu gì đó anh?

    - À, phiếu thu thập thông tin công dân ấy em. Góc phải nó có chữ DC01, bọn anh quen gọi thế rồi. Viết xong cũng đọc lại cho bác nghe để các nhận thông tin rồi chuyển anh để anh nhập máy nhé.

    - Vâng anh.

    Loay hoay một lúc cuối cùng Vũ cũng chuyển hồ sơ sang cho Hoàng. Nhìn Hoàng mở máy Dữ liệu dân cư bằng cách mổ cò Vũ không khỏi ngán ngẩm. Trong đầu Vũ nghĩ: "Trẻ thế này mà vẫn đánh máy mổ cò sao, haiz.. sao lại đưa tôi đến nơi này chứ?"

    Mất hơn mười phút để nhập máy và chuyển phiếu hẹn lại cho bà lão, Vũ nghĩ: "Với mình chắc chỉ mất khoảng tầm ba phút". Bây giờ, Đôi Mắt của Nam Cao lại bất ngờ hiện lên trong đầu Vũ, có lẽ Vũ đang có suy nghĩ hệt như nhân vật Hoàng trong truyện.

    - Vũ! Vũ! Cháu máy tính thấy bảo tốt lắm hả, qua giúp chú cái này với. - Tiếng của chú Giang Trưởng công an vang lên.

    Vũ Lật đật chạy qua phòng bên vì tưởng có chuyện gì to tát lắm. Khi đến nơi, Vũ té ngửa vì việc mà mình bị gọi thất thanh sang bên đó chỉ là giúp in một bảng excel sao cho vừa khổ giấy A4. Xong việc, một dòng suy nghĩ tiêu cực cứ vẩn vơ mãi trong đầu Vũ. Nhìn thấy Hoàng, Vũ bất ngờ hỏi:

    - Ở xã mình các anh trước học chuyên ngành gì, trường nào anh nhỉ?

    - Anh học chống phản động, chống gián điệp giống chú nhưng bên trung cấp, chú Giang thì học chuyên ngành xây dựng Đảng Học viện An ninh, anh Đại thì trước học chuyên ngành Cảnh sát cơ động của trường Trung cấp cảnh sát vũ trang, sau học thêm ngành luật của Đại học Trà Vinh. Mà sao tự nhiên chú hỏi cái này làm gì nhỉ?

    - Em tò mò thôi.

    Cả ngày Vũ vẫn không ngừng nghĩ ngợi đến những thiếu sót của những người trong công an xã mà Vũ đang phải tiếp xúc. Điều đó như một ám thị tâm lý khiến cho Vũ ngày càng xa cách với những người xung quanh. Vũ vẫn học những cái chưa biết thông qua sách vở, vẫn học thông qua việc mà những người khác làm bởi vì Vũ biết bản thân muốn thoát ra khỏi đây chỉ có làm thật tốt để cấp trên đánh giá tốt mình rồi từ đó cân nhắc cho mình chuyển đi. Ngày ngày vẫn miệt mài học hỏi, đêm đến vẫn lặng lẽ viết lên suy nghĩ của mình trong những dòng nhật ký.

    Một ngày cũng như bao ngày Vũ cùng Hoàng đang ở phòng tiếp dân bỗng có một người hớt ha hớt hải chạy đến báo nhà bị mất trộm, lúc này Hoàng vẫn đang nhập máy thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú. Do đó, Vũ là người trực tiếp tiếp nhận tin báo và ghi lời khai, sau khi chuyển lại cho công dân đến báo tin một phiếu tiếp nhận tin báo về tội phạm để công dân định ra về thì anh Đại từ đâu xuất hiện. Nhìn qua biên bản ghi lời khai của Vũ anh Đại nhẹ nhàng bảo Vũ ngồi gọn sang bên để anh lấy lại biên bản ghi. Thông qua việc ngồi nghe cách anh Đại lấy lời khai Vũ nhận ra biên bản lấy lời khai của mình chỉ y như một đứa trẻ con đứng trước một người lớn đầy kiến thức. Kết thúc quá trình làm việc, khi ra về anh Đại có hỏi thêm người đến báo án là xung quanh nhà mình có ai có tiền án tiền sự về tội trộm cắp tài sản không và nhớ dặn mọi người giữ nguyên hiện trường để đội điều tra hình sự và kỹ thuật hình sự đến khám nghiệm hiện trường. Sau một cuộc điện thoại báo án, anh Đại lấy xe máy và ra hiệu cho Vũ lên xe xuống hiện trường kiểm tra trước. Đến nơi mọi người trong nhà vẫn đang tập trung đông đủ ở đó, nhìn sơ bộ hiện trường đó chính là chiếc tủ quần áo bị bới tung lộn xộn ở trong phòng ngủ, cánh cửa có nhiều dấu hiệu của việc cậy phá. Anh Đại đi một vòng quanh nhà rồi quay lại hỏi nhỏ chủ nhà xem con cái có ai phá phách hay nợ nần gì không vì trước đó chủ nhà có nói khi về đến nhà cửa chính vẫn khóa nhưng khi vào trong thì thấy tủ bị cạy phá và mất hết tiền. Sau khi đứng nghe chủ nhà chao đổi với anh Đại trong đầu của Vũ cũng lờ mờ có nghi vấn cho những người xung quanh nhà nạn nhân. Nhưng đó là ai thì Vũ không thể biết được do Vũ cũng chỉ là người mới về.

    Đợi một lát thì Đội hình sự công an huyện và Đội kỹ thuật hình sự cũng đến, sau cái bắt tay ban đầu mọi người bắt tay vào công việc của mình, lấy dấu vân tay, rà soát camera xung quanh nhà, làm việc lại với các thành viên trong gia đình. Sau một hồi quét dấu vân tay. Một đồng chí ra lắc đầu nói nhỏ với mấy anh em đang đứng chao đổi về công việc:

    - Không thể lấy được anh ạ, có lẽ tủ này rất hay mở ra, đóng vào thế nên dấu vân tay nhiều vô kể mà các dấu vân lại đè lên nhau gần như chẳng thể nhận diện nổi. Em chỉ lấy được mấy cái thôi.

    Câu trả lời đó cùng với việc hai đồng chí đi rà soát camera về báo lại xung quanh hiện trường không có một chiếc camera nào cả làm cho tất cả mọi người chán trường tột độ. Sau khi cơ bản làm việc xong, các đồng chí công an huyện có dặn dò lại chủ nhà: "Nếu phát hiện gì thì báo tin lại và nhớ bảo quản kỹ tài sản tránh bị mất cắp" rồi ra về. Lúc này, Vũ vẫn thấy anh Đại đang đăm chiêu nhìn đi đâu đó, có vẻ anh nhớ ra được một vấn đề gì rồi bất chợt chạy lên trên đỉnh đồi phía sau nhà người bị hại nhìn ngó. Sau khoảng năm phút, Vũ nhận thấy vẻ mặt anh Đại có chút gì đó như sáng lên, bàn tay phải nắm chặt đấm mạnh vào tay trái. Sau buổi hôm, Vũ thấy anh Đại và sếp Giang khép cửa phòng nói chuyện với nhau rất lâu và cũng kể từ hôm ấy cứ tan giờ làm anh Đại lại lôi Vũ đến quán bia đầu làng của thôn vừa xảy ra mất trộm để ngồi uống bia, đến hôm thứ sáu liên tục như vậy, Vũ xin phép anh Đại không đi nữa vì hôm nào đi cũng có người quen của anh Đại sang mời làm Vũ say bí tỷ. Thế nhưng chính sau buổi không đi ấy thì sáng hôm sau Vũ biết tin Công an xã đã làm rõ đối tượng trộm cắp tài sản.

    Vác cái vẻ mặt tức tối đi làm, khi chạm mặt Vũ cũng chẳng thèm chào hỏi làm anh Đại vô cùng ngạc nhiên. Không chỉ anh Đại, anh Hoàng cũng có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy Vũ như vậy nên gạ hỏi:

    - Chú hôm nay sao thế? Mặt cáu gắt như con gái đến ngày ấy?

    - Cáu chứ sao lại không cáu, các anh chẳng xem em là thành viên trong công an xã sao ấy. Tối qua bắt được đối tượng mà không ai bảo em một câu, sáng nay điện thoại reo inh ỏi mọi người báo tin em mới biết.

    - Haiz, thế chú đi với anh Đại bao hôm mà không nhận ra được gì à?

    - Nhận ra gì được anh, hôm nào cũng đưa em đi uống bia say bí tỷ thì nhận ra cái gì?

    - Anh Đại đưa chú đi trinh sát đấy. Tối qua khi đưa thằng Hưởng Cố về đây anh Đại mới quay sang nói với anh là bao nhiêu hôm đi cùng thằng Vũ để kiếm thông tin mà hôm thu lưới Vũ nó lại không đi cùng.

    - Anh nói rõ hơn đi.

    - Thì đó, thằng Hưởng Cố nhà nó cách xa nhà nạn nhân cả quả đồi ấy nhưng đi qua trên đồi thì nó lại gần không ấy em. Anh Đại có thông tin là dạo này thằng đó thỉnh thoảng lại kéo một lũ về nhà rượu bét nhè sau lôi nhau đi uống bia rồi hát thế nên mới kéo chú đi uống bia có hôm trong lúc uống bia nó có vô tình nói là em mới trúng con đề nên khao các anh nên anh Đại càng bám riết lấy nó. Nó mới ra trại xong nhà lại ngheo rớt có muốn trúng lô trúng đề to cũng phải đánh to, tiền đâu ra. Hôm kia nó còn mới bị thành phố xử phạt sử dụng trái phép chất ma túy nên anh Đại nói chắc thằng này đến tám mươi phần trăm là trộm tiền rồi. Thôn này lắm thằng tiền án tiền sự nhưng anh Đại rà soát cả rồi, không thằng nào bất minh gì cả. Chiều qua anh Đại tính đưa chú đi cùng lôi nó lên đây để làm việc thì chú lại xin về nên anh với anh Đại đi.

    - Thế không chứng cứ lôi nó lên đấu tranh sao được anh?

    - Chú đúng gà mờ, anh Đại trước làm trong đội hình sự rồi thế nên anh xuống lôi nó lên để làm hồ sơ liên quan đến đối tượng nghiện. Tìm được nó cái anh Đại cho nó lên xe luôn nói lý do ban đầu là làm việc với người mới ra trại có vi phạm ma túy. Nó cũng cứng nhưng không dám cãi vì anh Đại có quyết định xử lý hành vi của nó trên tay do thành phố chuyển về. Lên cái cho test nước tiểu luôn thì thằng này đúng mới dùng ma túy. Que thử bốn chân nhạy lắm nó không cãi được, anh Đại bảo lập hồ sơ đưa nó đi cai nghiện bắt buộc nó tái xanh luôn, cứ xin mãi, em vừa ra trại xong anh cho em đi cai nghiện để mẹ em hết nhìn mặt người khác à anh? Nhưng anh Đại nhất quyết lập hồ sơ, nói chung lúc lập hồ sơ anh Đại có bảo là:

    - Nhà bên vừa bị trộm xong, cũng mất kha khá nhưng mà bắt được đi trại chắc cũng không lâu bằng thằng nghiện đi cai như mày đâu.

    Anh thấy lúc ấy thằng Hưởng Cố tái mặt rồi nhưng anh Đại vẫn rất bình tĩnh lấy lời khai liên quan đến vấn đề sử dụng may túy của nó. Lúc nó nói nó dùng cả hê rô in cả đá thì anh Đại giáng cho nó cái tát đến bốp một cái quát to:

    - Mày lấy tiền đâu chơi nhiều đồ thế

    - Em trúng đề.

    - Tao nói thẳng với mày nhá. Loại như mày lấy tiền đâu mà đánh đề? Công ăn việc làm không có, mày ra trại ba tháng tao chưa thấy mày làm gì ngoài lêu lổng với mấy thằng vô công rồi nghề ở thành phố. Mà cứ cho là mày trúng đề đi mày trúng được bao nhiêu tiền? Trong khi đó đám chúng mày mua đồ ăn uống ở nhà mày hơn tuần nay, sau đi uống bia say nhấc mồm lên rồi còn đi hát tay vịn. Mày tưởng tao không biết mày làm cái gì à? Cái vết lách qua bụi cỏ voi từ hướng nhà mày sang nhà ông Trung mày tưởng tao không thấy à. Vân trên cánh tủ không phải bọn tao không lấy được đâu nhé. Lát tao lấy vân tay mày mai đối chiếu. Mày cãi thì cũng không cãi được đâu, nhưng giờ tao lập hồ sơ cho mày đi cai nghiện mà tao nói trước là thời gian cai nghiện chắc chắn lâu hơn đi tù vì tội ăn cắp.

    Sau đó anh Đại rút điện thoại gọi anh Nam trạm trưởng trạm y tế sang lập biên bản về việc sử dụng chất ma túy thì thành Hưởng Cố xanh mặt luôn quỳ xin anh Đại:

    - Em xin anh, em nhận. Em là thằng trộm tiền nhà ông Trung, tiền đấy bây giờ ở đâu em xin khai hết.

    Vũ ngẩn người hỏi lại. Ơ, em tưởng đi cai nghiện bắt buộc khó mà anh nhỉ, còn liên quan đến tòa án nữa?

    - Thế mới là bài của người có kinh nghiệm, chú vẫn xanh lắm Vũ ạ.

    Lúc này Vũ bình tâm nghĩ lại mọi suy đoán của mình đối với những người mà trong tâm trí của mình trước đây vẫn cho là yếu kém. Có lẽ người kém nhất ở đây là Vũ, vừa non về suy nghĩ vừa non về nghiệp vụ, lại có cái nhìn phiến diện về người khác.

    2. Biến

    Thời gian sẽ làm con người ta có những thay đổi, với Vũ đó chính là cái nhìn khác hơn đối với những người còn lại trong Công an xã, Vũ không còn cáu gắt khi các anh nhờ chỉnh sửa văn bản hộ, không còn thấy khó chịu khi phải nhìn thấy Hoàng đánh máy theo kiểu mổ cò nữa. Vũ giờ đây cũng "dám" đi cùng các anh hơn vì biết đâu đấy đó lại là những lần đi trinh sát, hay đi kiếm thông tin phục vụ việc quản lý địa bàn, đấu tranh với tội phạm. Những bữa cơm giữa các anh em giờ đây cũng trở nên thân mật hơn, nó không chỉ xoay quanh vấn đề công việc mà đôi khi nó còn xoay quanh cả cuộc sống thường ngày. Cả những chuyện hài hước mà các anh em gặp phải khi đi làm.

    Ngày hôm ấy, khi chú Giang, anh Đại và Vũ đang đợi cơm Hoàng ở dưới bếp thì Hoàng bất ngờ đầy cửa xông vào với vẻ mặt vô cùng hốt hoảng. Chưa kịp chào ai Hoàng vớ vội lấy chai nước trong tủ lạnh tu một hơi hết sạch rồi thở phì phì như mới chạy một nghìn năm trăm mét về. Thấy thế chú Giang liền hỏi:

    - Làm gì mà cứ như là mới chạy marathon về thế cháu?

    - Thì chạy marathon thật ấy chú. Cháu nay xuống dưới thôn cơ mà lại nổi hứng đi bộ vì nghĩ đi cho nó khỏe chú ạ. Vào nhà anh Linh trưởng thôn ấy, lúc vào thỉ chẳng làm sao, hai anh em tỉ tê tâm sự mãi mấy chuyện của thôn. Không để ý thời gian trôi nhanh quá thoáng cái đã thấy gần mười hai giờ nên cháu vội xin phép về.

    Lúc anh Linh tiễn cháu lại cao hứng bảo: "Thôi anh, đường từ đây về xã có tý, em chạy ù cái là về, thôi anh vào nhà đi." Và đúng là cháu chạy ù cái là về thật chú ạ, vừa bước ra khỏi cổng nhà anh Linh thì con chó nhà hàng xóm anh ấy từ đâu ra gậm gừ nhìn cháu chằm chằm như muốn nuốt sống ấy. Cháu thì cháu biết là càng chạy nó càng đuổi nhưng cái mặt nó dữ quá, lại thêm quả mồm miệng có nước dãi chảy ra dòng dòng làm cháu cũng thấy kinh. Vừa đi vừa nhìn cái mặt gậm gừ của nó để cảnh giác thế mà thế quái nào khi cháu vừa quay người lại nó đã bổ ra cắn một cái rách ống quần cháu, may không vào người. Thấy thế cháu co giò bỏ chạy ngay, phát huy đúng tinh thần của dân chạy một nghìn năm trăm mét. Đấy chú xem chắc cháu chạy có tý là đã về đến đây rồi.

    Nghe đến đây ba chú cháu bụm miệng không dám cười to rồi chú Giang nhẹ nhàng hỏi:

    - Thế con chó nó thế nào mà để trinh sát lật phản bắt gián của tôi phải co giò bỏ chạy thế?

    - Ui, nó to lắm chú ạ, cái mồm nó to thế này này, cái mũi nó dài thế này này, hai hàm răng nó to thế này này, nó cắn vào quần em kêu gàu gàu thế này này. Hoàng vừa nói vừa dùng tay và nét mạt để miêu tả lại hình ảnh con chó làm Hoàng khiếp đảm.

    Đến đây thì anh Đại và chú Giang lại càng cười to hơn, và cả bữa cơm hôm ấy hai người cứ cười khúc khích làm cho Vũ chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Đến ngày hôm sau khi thấy Hoàng, anh Đại và cả chú Giang cũng vẫn bụm miệng cười làm cho Vũ càng thấy kỳ quặc hơn nữa. Đợi lúc Hoàng ra ngoài, Vũ kéo ghế ngồi lại gần hỏi nhỏ anh Đại:

    - Sao em thấy từ bữa cơm hôm qua xong anh với chú Giang cứ nhìn thấy anh Hoàng là cười là sao nhỉ? Em nghĩ mãi không ra?

    - Chú vẫn không nhận ra cái gì à?

    - Không, em không? Em chẳng thấy gì buồn cười trừ việc anh hoàng bị chó cắn cả? Mà em chỉ buồn cười lúc ấy thôi?

    - Thế chú có đọc Lev Tolstoy không?

    - Em không, sách của Lev Tolstoy khó đọc lắm.

    - Thế chú làm sao mà hiểu được. Haha. Anh Đại tiếp tục cười.

    - Thôi, anh giải thích cho em đi.

    - Rồi, thế khi con chó nó cắn vào quần nó thế nào?

    - Thì nó gàu gàu như anh Hoàng nói đó anh.

    - Thế con chó khi nó chuẩn bị cắn người thì răng nó nhe ra như thế nào?

    - Đó, chắc là nhe răng ra trắng ởn như lúc anh Hoàng miêu tả ấy.

    - Thế lúc con chó nó dọa người nó như thế nào?

    - Thì nó xù lông với nhăn mũi lên

    - Thế Hoàng nó miêu tả thế nào?

    - Thì anh hoàng nhăn mũi với vuốt tóc dựng lên đó anh.

    - Thế sau từng ấy câu hỏi chú nhận ra gì chưa?

    Vũ à lên một tiếng rồi bụm miệng cười. Đúng lúc này Hoàng bước vào, tiếng cười ngày một to hơn. Có lẽ Vũ cũng không nghĩ chú Giang và anh Đại là người thâm sâu đến vậy. Chỉ với một câu hỏi đã làm cho anh hoàng tự biến mình thành một chú cún để miêu tả cho đúng với thực tế. Cũng từ đây biệt danh "Hoàng cún" gắn liền với Hoàng.

    Sau lần ấy Hoàng cũng ức lắm vì biết mình bị lừa và bị gắn với biệt danh ấy nhưng không làm gì được. Mãi cũng quen, Hoàng chấp nhận biệt danh ấy một cách vui vẻ, chỉ là biệt danh ấy hay bị mọi người lôi ra trêu khi người yêu Hoàng đến thăm. Mà nhắc đến chuyện người yêu đến thăm thì lại đến lượt Vũ bị trêu vì Vũ chưa có người yêu. Bốn năm sinh viên chỉ lo ăn, học với tập luyện hơn nữa với cái môi trường toàn trai không gái ấy kiếm người yêu khó hơn lên trời thì Vũ chấp nhận. Thế mà việc không có người yêu suốt ngày bị các anh lôi ra trêu chọc. Anh Đại và anh Hoàng trêu đến nỗi khi có việc phối hợp với Đoàn thanh niên đi gặt lúa giúp người một gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng neo đơn chú Giang cử ngay Vũ đi và còn chốt thêm một câu:

    - Vũ đi người không về nhớ thêm cô người yêu nhá. Đi cùng đoàn thanh niên mà không kiếm được thì kém lắm. Các cụ bảo rồi: "Có công mài sắt có ngày nên kim". Cố gắng lên cháu. Hoàng đưa em đi nhớ giúp em nó tán gái chứ đừng để gái tán nhé. Thế mất mặt lắm ấy.

    - Rõ, thưa sếp. Hoàng cười toe toét biết có cơ hội chơi lại thằng em non nớt.

    Ngày phối hợp cùng Đoàn thanh niên ấy Vũ kiếm đâu được cái nón phải nói là hơi nát, thêm cái khẩu trang gần kín mặt, rồi áo dài, quần dài làm Hoàng mãi chẳng nhận ra. Còn Hoàng vẫn câu nói mọi khi: "Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập" với quả mũ cối cái quần xắn tận đầu gối và chiếc áo cộc tay phăm phăm đi xuống ruộng lúa. Nhìn cách gặt lúa, cách lượm lúa của hai anh em thì ai ai cũng biết cả hai đều là con nhà nông chính gốc. Chỉ có điều khác với Vũ là chỉ cắm đầu cắm cổ vào gặt thì Hoàng luôn mồm bắt chuyện với những người xung quanh, qua những câu chuyện ấy thì cả ruộng lúa lại chốc chốc vang lên những tiếng cười vui vẻ. Hoàng còn vui tính đọc cả mấy câu thơ:

    "Hỡi cô tát nước bên đàng

    Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây"

    Vũ nghe hai câu ấy có gì đó sai sai nhưng chưa kịp nhớ ra sai điều gì thì câu nói tiếp thwo của Hoàng làm cho Vũ giật thót suýt thì cứa liềm vào tay.

    - Thực ra thì ở đây chả có cô nào tát nước cả, cũng chả có nhãn nào đâu. Thế nhưng bên đây có một thằng cu em đang ế đấy các chị em ạ. Tớ thì có người yêu rồi, chứ thằng cu em đây này nó chưa có người yêu đâu. Theo nó chắc chắn là có hơn bốn bát bánh đúc cu Tràng đãi Thị nhé!

    Sau đó là cả một tràng cười ra rả vang lên xua tan đi cái nắng cuối tháng năm giữa cánh đồng vàng ruộm của màu lúa chín. Chắc chẳng ai biết khi đó không chỉ có cái nắng vàng của nắng, của màu lúa chín, màu xanh của bầu trời tháng năm mà còn cả màu ửng trên đôi má của một chàng trai được giấu kín dưới lớp khẩu trang. Ai nói một người chiến sỹ không biết ngại? Có chăng sự ngại ngùng sẽ được giấu dưới một lớp ngụy trang hoàn hảo. Nhưng giữa cái ngại ngùng ấy khi ngẩng đầu lên để lượm lúa Vũ vẫn thấy một cô gái với bộ áo đoàn điềm tĩnh gặt lúa chẳng để ý gì đến câu chuyện của anh Hoàng. Có lẽ sự điềm tĩnh ấy cùng động tác lau mồ hôi kèm theo một nụ cười duyên đã khiến phần nào đó trong Vũ rung động. Cuối buổi hôm ấy Hoàng giới thiệu cho Vũ mấy bạn cùng tuổi trong các trường hôm ấy tham gia gặt lúa nhưng đáp lại chỉ là vẻ mặt lạnh tanh của Vũ. Có lẽ một phần nào đó trong trái tim Vũ đã theo động tác lau mồ hôi của ai kia trôi đi mất.

    Sau ngày hôm ấy, Vũ cố tìm mọi thông tin của cô gái ấy, hóa ra cô bạn ấy tên là Ngọc Hà bằng tuổi Vũ, nhà cũng ngay cạnh Ủy ban và hiện là phó Bí thư đoàn xã. Lấy cớ đi thu thập thông tin của các đồng chí chủ chốt của Đoàn thanh niên nên cuối cùng Vũ cùng tìm được cách để tiếp cận và nói chuyện với Ngọc Hà. Qua buổi nói chuyện ấy Vũ biết được cạnh nhà Ngọc Hà hiện nay có một nhóm đối tượng đang có biểu hiện hoạt động một đạo gì đó mà theo như Ngọc Hà nói lại là họ tường xuyên có những buổi tập giống như Yoga nhưng thường xuyên đề cập đến một người có tên Lý Hồng Chí. Một cái tên rất lạ Ngọc Hà không biết là ai cả, thế nhưng khi nghe đến cái tên ấy Vũ lập tức nhớ ra đạo mà số người kia đang theo chính là Pháp Luân Công mà các thầy đã giảng hồi còn ngồi trên ghế Học viện.

    Sau một hồi giải thích cho Ngọc Hà sự nguy hiểm của Pháp Luân Công và căn dặn cô nhất quyết không được theo đạo đó và nhờ cô khuyên nhủ mọi người đừng theo đạo đó nữa Vũ trở về xã với một sự hồ hởi lạ thường. Vũ nghĩ: "Có lẽ đây chính là dịp chứng minh bả thân mình với chú Giang, anh Đại và anh Hoàng. Dù sau dân Học viện chính gốc cũng phải làm được điều gì đó chứ."

    Kể từ ngày hôm ấy chú Giang thấy Vũ khá thường xuyên đi xuống địa bàn. Ai ai cũng nghĩ Vũ làm như vậy là vì có cảm tình với cô bé Ngọc Hà nhưng cái mọi người thấy đó chỉ là một phần nào đó đang nổi của tảng băng chìm. Việc Vũ đi gặp Ngọc Hà là thật, một phần cũng vì cảm mến người bạn nhỏ xinh xắn đã mang đi mất một phân trái tim mình nhưng phần lớn cũng vì công việc. Một tuần ròng rã sát cánh cùng Ngọc Hà và qua lấy thông tin tại thôn Vũ cũng nắm rõ được lịch hoạt đồng của hội nhóm hoạt động Pháp Luân Công là vào chiều thứ hai và tối thứ năm hàng tuần. Vũ hồ hởi báo cáo thông tin mình nắm được tại buổi giao ban sáng thứ hai và xin phép chú Giang để mình giải quyết. Nhưng tất cả mọi người đều có chút nghi ngờ với đề xuất ấy. Chú Giang trầm ngâm nói:

    - Việc giải quyết vấn đề Pháp Luân Công khá là phức tạp, cháu đảm nhận được không? Chú nghĩ việc này nên để đội An ninh chủ trì và ta chỉ nên phối hợp thôi cháu ạ.

    - Nhưng.. cháu nghĩ mình có đủ năng lực làm việc này. Nếu chú không tin tưởng cháu thì chú cứ để anh Hoàng đi cùng cháu. Dù sao chúng cháu cũng được đào tạo bài bản về việc giải quyết vấn tôn giáo.

    Khi Vũ nói ra câu ấy, chú Giang liền hiểu rằng câu nói của mình đã động đến lòng tự trọng của một chàng trai trẻ mới ra trường đang tự hào với kiến thức của mình. Buổi giao ban bỗng nhiên trùng xuống, chẳng ai còn nói một lời nào. Cuối cùng, để phá tan bầu không khí trầm lặng ấy chú Giang cũng cất lời:

    - Thôi được, chiều nay Hoàng cùng với Vũ và bác Trưởng thôn xuống dưới địa điểm có hoạt động Pháp Luân Công ấy cụ thể xem thế nào. Nhớ một điều, tôn giáo là vấn đề nhạy cảm cần phải nhẹ nhàng. Chủ yếu là giáo dục và tuyên truyền là chính, không được để xảy ra việc đối đầu với người dân. Người dân chủ yếu vẫn là bị lợi dụng thôi, đi làm xong nhớ về báo cáo lại với chú.

    - Rõ.

    Chiều hôm ấy, Vũ chuẩn bị tinh thần thật tốt và cố gắng ghi nhớ kỹ những điều định nói với những người dân bị mê hoặc bởi Pháp Luân Công và chuẩn bị lên xe để đợi Hoàng cùng đi. Thế nhưng đợi hơi hai mươi phút vẫn chưa thấy Hoàng đâu. Vũ rút điện thoại ra gọi thấy Hoàng bước ra từ cửa phòng chú Giang. Trước khi bước ra khỏi cửa phòng chú Giang vẫn dặn dò Hoàng:

    - Phải nhớ điều tiết lời nói của Vũ đấy cháu, mới ra trường ai ai cũng nhiệt huyết nhưng đừng để cái nhiệt huyết đó làm hỏng việc lớn. Đừng đối đầu với dân, cháu nhớ kìm cái đầu nóng của Vũ lại, cháu là người đi trước có kinh nghiệm rồi nhớ khuyên bảo em nó. Có gì thông tin lại cho chú ngay để chú có phương án.

    - Vâng.

    Hoàng bước ra khỏi phòng với sự trầm tư hiện rõ trên khuôn mặt, cả buổi sáng hôm ấy khuôn mặt Vũ như một người mới yêu luôn luôn tươi tỉnh lạ thường. Đến đầu giờ chiều Vũ đã tót lên xe máy ngồi đợi Hoàng để tới điểm hẹn với chú Trưởng thôn sau đó đi đến điểm hoạt động Pháp Luân Công. Ba người đến giải quyết công việc với những dòng suy nghĩ cực kỳ khác nhau. Với Vũ đó là mong muốn được lập công, thể hiện mình; với bác Trưởng thôn đó là mong sao giải quyết được vấn đề rắc rối ở thôn mình để tránh dư luận xấu còn với Hoàng đó chính là làm sao để dung hòa giữa giải quyết được vấn đề và làm sao để Vũ hiểu được rằng nôn nóng là sai lầm lớn nhất của lực lượng An ninh. Thế nhưng dòng suy nghĩ của Hoàng nhanh chóng bị những lời nói của Vũ làm cho giật mình.

    Mới vào đến nơi Vũ đã to tiếng mời tất cả những người đang ở một tư thế kỳ quặc đứng dậy và ngồi ra một góc. Sau đó tự tin giới thiệu tên tuổi của mình và những người đi cùng. Với Vũ có lẽ việc đầu tiên đó là phải cho họ thấy cái uy của lực lượng, thế nhưng cái uy ấy nhanh chóng bị dội một gáo nước lạnh vì có một số người trong số đó lên tiếng:

    - Chúng tôi làm gì sai à mà các anh bắt chúng tôi đứng ra một góc? Lý do các anh đến đây là gì?

    - Chúng tôi là Công an, đương nhiên phải có việc mới đến đây. Các bác trong này đang tuyên truyền tà đạo trái phép nên chúng tôi mới đến để kiểm tra hành chính. Các bác cho chúng tôi biết tên tuổi và địa chỉ.

    - Chúng tôi tuyên truyền tà đạo, thế nào là tà đạo? Mà bây giờ là ban ngày các anh kiểm tra hành chính gì?

    Một loạt câu hỏi làm cho Vũ ấp úng không biết trả lời ra sao. Sau đó đám đông bất ngờ ào ào lên hưởng ứng. Bác trưởng thôn lúc này mới lên tiếng:

    - Thôi, các bà trật tự để cho các anh ấy làm việc, khó gì việc khai tên tuổi đâu cơ chứ. Cứ trả lời các anh ấy đi. Dù sao các anh ấy cũng được đào tạo bài bản, có kiến thức. Làm việc chắc chắn có lý do.

    - Tôi chẳng tin lý do gì sất. Nói chúng tôi tập tà đạo là sai rồi, đây là chúng tôi đang giảng giải cho nhau về đạo Phật. Đám đông lại bắt đầu ào ào lên.

    Vũ lúc này chỉ biết giải thích những điều mà trước đây được thầy giảng khi còn đang học môn an ninh tôn giáo nhưng đám đông một mực không nghe và không ngừng tranh cãi với Vũ. Được khoảng chừng mười phút thì một tiếng người sang sảng cất lên át đi hết tiếng mọi người:

    - Đề nghị mọi người trật tự. Tất cả mọi người đều im lặng quy sang. Hóa ra tiếng nói đó cất lên từ phía Hoàng.

    Nãy giờ Hoàng đứng yên quan sát và nhận ra một điều. Trong số sáu, bảy người kia có một người có lẽ là cầm đầu luôn đứng ra kích động tâm lý của người khác nhằm làm cho mọi việc rối ren lên, và qua những tấm ảnh treo trên tường Hoàng biết đó chính là chủ nhà. Khi mà mọi người bắt đầu im lặng Hoàng bắt đầu lên tiếng:

    - Khi nãy bác nào có nói là các bác chỉ đang tuyên truyền đạo Phật đúng không ạ?

    - Đúng, chúng tôi chỉ đang tuyên truyền đạo Phật. Người chủ nhà lên tiếng.

    - Vậy bác có biết ai, điều kiện như thế nào thì được tuyên truyền đạo Phật không?

    - Tôi.. tôi, tôi không biết. Người chủ nhà ấp úng.

    - Thế để cháu nói cho các bác biết nhé. Muốn tuyên truyền đạo Phật thì phải là người được qua đào tạo về lĩnh vực Phật giáo, sau đó phải được Ban trị sự Phật giáo tỉnh đồng ý, cho phép bằng văn bản mới được phép tuyên truyền nhé.

    Đám đông dần dần trở nên im lặng, thấy vậy Hoàng chỉ tay vào cuốn sách mà không ai biết Hoàng đã nhạt lên từ dưới chiếu từ bao giờ và tiếp tục nói:

    - Mà cuốn sách này các bác đang đọc đây này, đâu có phải là sách về Phật giáo

    - Nó là một nhánh của Phật giáo, các anh chẳng biết gì cả. Người chủ nhà lên tiếng.

    - Sách về Phật giáo tại sao trên đất nước là cái nôi của Phật giáo là Trung Quốc lại cấm. Họ cấm vì sự nguy hiểm của nó và vì sự xuyên tạc của nó với đạo Phật. Các bác nhìn chữ trên bìa sách đây này 转法轮 thì các bác biết thừa xuất xứ của nó rồi đúng không? Chữ Trung Quốc rõ mồn một. Thế thì tại sao nó lại bị cấm ở chính đất nước của nó? Hoàng nói xong lặng thinh chờ lời phản bác nhưng không ai lên tiếng.

    Lúc này Hoàng tiếp tục:

    - Đơn giản thôi các bác ạ, nó xuyên tạc đạo Phật.

    - Nhưng tôi đọc chỉ thấy nó dạy con người ta về chân, thiện, nhẫn. Đó chẳng phải điều tốt sao? Chẳng phải là giáo lý nhà Phật luôn dạy người ta phải như vậy sao?

    - Nhưng bác đọc hết chưa ạ?

    - Tôi chưa. Người chủ nhà lên tiếng.

    - Vậy để cháu chỉ ra cho bác một số điểm xuyên tạc nhé. Đây này, để cháu đọc cho bác nghe đoạn này. Các bác mở thử trang 209 phần nam nữ song tu ấy, đây này: "Trong giới tu luyện có một loại phương pháp tu luyện gọi là nam nữ song tu. Mọi người đã có thể nhìn thấy trong phương pháp tu luyện mật tông Tây tạng, ở các hình tượng phật điêu khắc hoặc hình họa thấy một thân thể nam ôm một thân thể nữ đang tu luyện. Có những lúc hình thức biểu hiện của thân thể nam là Phật đang ôm một người nữ không mặc gì cả.." Đó các bác thử nói xem đây là gì ạ.

    Đám đông lúc này bỗng có những tiếng xì xào nho nhỏ: "Đúng rồi, đúng là xuyên tạc còn gì nữa". Thấy vậy Hoàng tiếp tục:

    - Nếu các bác theo đạo Phật chắc các bác biết tám giới luật của đạo Phật chứ ạ? Trong đó có giới luật về dâm dục. Còn sách này viết gì ạ? Như thế chẳng phải là báng bổ đạo Phật ư?

    Đám đông bắt đầu có những tiếng ấm ầm nói về sự sai trái của cuống sách. Lúc này Vũ đang vô cùng bối rối và hoang mang. Hóa ra mớ kiến thức mình học được chỉ là một phần rất nhỏ trong biển lớn kiến thức, hóa ra mình chỉ như một con bù nhìn đứng chịu trận còn người giải quyết lại là anh Hoàng, hóa ra.. mình kém thật. Khi Vũ đang mải miết với những dòng suy nghĩ tiêu cức ấy thì Hoàng đã lập xong biên bản làm việc với những người có mặt và cho họ ra về và yêu cầu họ không tái phạm.

    Lúc Hoàng ra đến cửa vẫn thấy Vũ ngồi im lìm trên chiến ghế trầm tư với vẻ mặt thất thần. Bác trưởng thôn khi này phải vỗ mạnh vào vai Vũ mới nhận ra mọi chuyện đã xong rồi lên xe đi về. Trên đường về Hoàng nói nhỏ cho Vũ:

    - Thực ra đôi khi đi làm chỉ cần bắt thóp được điểm yếu có thể làm được việc ngay. Chắc chú ngạc nhiên về cái anh nói đúng không?

    - Vâng. Vũ nói giọng buồn thiu

    - Cái anh biết về Pháp luân công ít lắm. Chẳng qua hồi trước khi thực tập ấy các anh trong Đội An ninh chỉ anh mấy cái kia anh mới biết đấy. Thôi đừng có lo, đa phần họ đã hiểu được cái sai kia rồi. Còn mình cái gì chưa biết thì tìm hiểu thêm.

    Hôm ấy, Vũ lái xe về trong tâm trạng buồn thiu thể hiện rõ qua nét mặt.


    (còn nữa- thực lòng muốn viết thêm mà chẳng thể nào viết tiếp. Biết đâu dừng ở đây lại tốt- Feng)
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng hai 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...