Với cách học này, chắc chắn bạn sẽ trở nên vượt bậc

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Mộc Trà 72, 12 Tháng năm 2021.

  1. Mộc Trà 72

    Bài viết:
    5
    VỚI CÁCH HỌC NÀY, BẠN CHẮC CHẮN SẼ TRỞ NÊN VƯỢT BẬC (Học bất cứ thứ gì)

    Đáng lẽ với bài viết như này, tôi cần khoe thành tích của mình ra cho nó "thuyết phục" và cho nó "cool ngầu", nhưng tôi không thích vậy, tôi muốn các bạn thực sự tập trung vào điều tôi chia sẻ.

    - Tôi đã từng có khoảng thời gian miệt mài đọc sách, tham gia khóa học, tích cực giao tiếp với xã hội, nhưng cứ thấy mình vẫn không khả quan lên là mấy.

    - Thấy người đời kinh doanh giỏi quá, tôi cũng từng về nhà hùng hục đọc sách kinh doanh, có khi đọc 2 cuốn/tuần, cũng hỏi kinh nghiệm nhiều anh chị đi trước, nhưng một hồi tôi cũng thấy mình chắc kinh doanh không nổi, nên thôi.

    - Đi học xong một khóa X, về làm không được, mà rõ ràng mình đi học đều đặn. Sai chỗ nào đâu?

    Nếu bạn thấy bản thân mình ở trong điều trên, thì tôi hy vọng bạn đọc tiếp, vì có những dấu hiệu như trên là bạn đang học sai cách rồi.

    Để trở nên giỏi (thậm chí giỏi vượt bậc) trong thứ bạn đang học, kể cả về kỹ năng sống, bạn nên tuân thủ công thức: Văn – Tư – Tu. Đây là một trong những công thức tuyệt vời nhất mà tôi đã trải và nghiệm ra, thực sự tuyệt vời. Đừng nóng vội, ngay sau đây, tôi sẽ chia sẻ nó cho bạn.

    Tôi sẽ nói về phương pháp này trước, sau đó sẽ cụ thể hóa bằng các ví dụ nhé!

    VĂN – TƯ – TU: CÔNG THỨC HỌC BẤT CỨ THỨ GÌ TRÊN ĐỜI!

    - Văn: Là tất cả những gì bạn được lĩnh hội từ bên ngoài, bao gồm sách vở, báo đài, mạng xã hội, Google, thầy cô, bạn bè, gia đình, nhà trường.. Ngay lúc này, bạn đang đọc điều tôi viết, đó cũng là "văn".

    - Tư: Là suy nghĩ, chiêm nghiệm, ngẫm lại, và VIẾT LẠI điều đó.

    Tại sao tôi nói phải viết lại? Suy nghĩ bạn nó chứa hàng tỉ thông tin, và hàng tỉ những tác nhân gây nhiễu loạn, trừ khi bạn là một người trí nhớ tốt, bằng không, hãy ghi lại điều bạn được tiếp nhận BẰNG NGÔN NGỮ VÀ CÁCH HIỂU CỦA BẠN. Bước này gọi là viết Recap/ Review.

    Nhắc lại, những điều bạn học được từ "văn", phải ngẫm nghĩ và ghi lại bằng ngôn từ của mình, thêm ví dụ hoặc cái bạn đang cảm nhận về điều đó càng tốt.

    Minh chứng là, khi đi học, thầy cô đều dạy 100 bạn phân tích bài "Sông Đà" giống nhau vì cùng một giáo án, nhưng đi thi lại có 100 bài khác nhau (hoặc ít nhất cũng 89 bài), đúng không? Đó là do phần "tư" của mỗi bạn là khác nhau.

    - Tu: Bước này quan trọng nhé! "Tu" là thực hành, trực tiếp ứng dụng.

    Nếu bạn không "tư" và "tu", cái "văn" kia nó chỉ được lưu tạm đâu đó trong não. Để cho dễ diễn đạt, tôi xin phép gọi tên nó là "bộ nhớ tạm", "bộ nhớ tạm" khi được củng cố liên tục sẽ trở thành "bộ nhớ cứng".

    Chỗ này hơi hàn lâm, tôi nói sơ sơ cho bạn dễ hình dung hen.

    + Đi thi xong, bước ra phòng thi, quên sạch, vì kiến thức đó nó nằm ở bộ nhớ tạm.

    + Nhắc đến bột giặt, tự dưng tôi nhớ đến OMO vì OMO nằm trong "bộ nhớ cứng" của tôi. Do đó, khi tôi đi siêu thị mua bột giặt, một trong những thương hiệu đầu tiên tôi nghĩ đến là OMO. Bạn đã hiểu lý do tại sao mặc dù chúng ta ai cũng biết OMO là bột giặt nhưng các nhà làm Marketing cứ liên tục phải quảng cáo, tác động và nhắc nhớ chúng ta chưa? Vì họ muốn họ luôn luôn được chiếm vị trí Top trong não bộ của bạn, thế thôi.

    Chu trình sẽ đi như sau (nó là 1 chu trình khép kín, bạn cứ tưởng tượng vậy đi cho dễ) :

    Văn – Tư – Tu – Văn – Tư – Tu – Văn – Tư – Tu -..

    Khi bạn tiếp nhận điều gì đó hay ho từ người khác, hoặc khi học điều gì đấy, hãy lắng nghe, sau đó về nhà viết Recap, rồi ngẫm lại coi đúng không, phù hợp với mình không. Kế đến, thực hành, rồi lại quay lại kiểm nghiệm và bổ sung lý thuyết, coi mình làm đúng chưa, coi có chỗ nào mà mình làm chưa tốt không, kiểm tra lại coi nó bị cái gì để sửa. Kiểm nghiệm xong, ghi nhận lại, chỉnh sửa, bổ sung bản recap của cá nhân mình, rồi lại thực hành. Cứ vậy. Tôi cam kết bạn sẽ giỏi hơn mỗi ngày và thậm chí cực giỏi trong món bạn theo đuổi.

    SAU ĐÂY LÀ PHẦN VÍ DỤ.

    1. Ví dụ trong trường học:

    Muốn học giỏi Lý, làm sao?

    - Bước 1: Tiếp thu những điều thầy cô dạy trên lớp, kinh nghiệm truyền đạt từ bạn bè, đọc kỹ lý thuyết từ sách giáo khoa, sách nâng cao hoặc các tài liệu "xịn xò" (Văn).

    - Bước 2: Ngẫm lại những lý thuyết trên, ghi lại vào sổ, tìm tòi những tài liệu giải thích cho nó để làm sáng nghĩa lý thuyết (Tư).

    - Bước 3: Làm bài tập thực hành (Tu).

    - Các bước tiếp theo để khép kín chu trình: Xem lại bài tập này đúng chưa, soi lại các phương pháp được học, bổ sung kinh nghiệm của mình, sau đó làm bài tập tiếp. Câu nói kinh điển của các "cao thủ học đường"... "

    Làm bài tập nhiều sẽ giỏi" - chính là đây chứ đâu!

    2. Ví dụ trong cuộc sống:

    Bạn muốn trở thành người có tài ăn nói, làm sao?

    - Bước 1: Coi video hướng dẫn các bí kíp ăn nói, đọc sách, quan sát từ những người giao tiếp tốt (Văn).

    - Bước 2: Ghi lại những điều hay ho mà mình phát hiện được hay tiếp nhận được vào sổ (Tư).

    - Bước 3: Thử thực hành những điều trên (Tu).

    - Các bước tiếp theo để khép kín chu trình: Thực hành xong về xem lại mình đã làm được những gì và chưa làm tốt những gì, chỗ nào mình nói còn dở, cách kể chuyện chỗ nào còn "thiếu muối", đáng lẽ khúc đó nên nói sao mới hay.. ghi lại, bổ sung vào recap của mình, rồi lại thực hành. Dần dần, bạn sẽ là người biết ăn biết nói. Cùng lắm, không nói được thì còn ăn được, lo gì :))

    Đây là những điều tôi đúc rút và kiểm chứng từ chính cuộc sống mình. Hy vọng chúng ta đều sẽ giỏi hơn chính mình mỗi ngày nhé!

    Đừng tro tàn bếp lạnh nếu bài viết của tôi mang lại điều gì đó cho bạn. Hãy ib, còm, làm quen, hẹn hò để chúng ta hiểu thêm về nhau nhen!
     
    Alice108, sans22Gill thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...