Qua nhiều năm, nền điện ảnh nước nhà đã có nhiều bước tiến rõ ràng. Điển hình vào năm 2018 Việt Nam ta đã ra mắt một sản phẩm điện ảnh đónổi tiếng là ' Vợ ba '. Bộ phim kể về Mây một cô gái trẻ được gả vào một gia đình địa chủ giàu có, cô bé Mây còn ngây thơ, trong sáng bỗng chốc bị kéo vào cuộc sống của một bà vợ trong gia đình này, bên cạnh cô còn là hai người vợ cả và vợ hai của ông chủ. Những vấn đề của bộ phim dần dần được hé lộ ngay sau khi Mây có bầu và thảm kịch đời người người phụ nữ bắt đầu từ đây. Gánh nặng của phụ nữ Châu Á Có thể nói bộ phim Vợ ba đã triệt để khai thác những hủ tục của người châu Á điển hình là việc sinh con trai - gánh nặng của người phụ nữ phong kiến Việt Nam. Phim còn cho người xem thấy được sự gò bó trong suy nghĩ của Mây, là một phim có chủ đề nhạy cảm, lựa chọn lối khai thác về tình dục khá nhiều nhưng phân đoạn đáng nhớ nhất lại là sự tò mò về cơ thể của Mây cũng như xu hướng giới tính của cô bị chặn lại bởi những suy nghĩ cổ hủ lúc bấy giờ. Cái nhìn đa chiều về xã hội Phong Kiến Không chỉ nhìn bộ phim từ góc nhìn của những người phụ nữ, phim còn cho người xem thấy được góc nhìn toàn diện hơn đến từ tất cả những nhân vật trong phim qua từng câu thoại được cài cắm đầy ẩn ý. Phim cho thấy sự đánh giá về xã hội của mỗi người mỗi khác qua góc nhìn của cả ba bà vợ, góc nhìn của người già qua nhân vật cụ ông và bà Lao, góc nhìn của Sơn về một xã hội đảo điên qua cuộc đời của chính cậu. Trong phim có một câu nói mà tôi ấn tượng nhất đó là của cô bé Liên khi cô bé nói mình muốn làm con trai để cưới thật nhiều vợ. Ngay cả một cô bé cũng hiểu được sự bất công trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.. Bi thương giá trị của người phụ nữ Nếu tập trung theo dõi bộ phim, bạn sẽ dễ dàng nhận ra vị trí của người phụ nữ trong xã hội Phong Kiến thật éo le, họ chỉ là công cụ để sinh nở hoặc thỏa mãn của đàn ông, giá trị của mỗi người vợ cũng chỉ xoay quanh chuyện bếp núc, chăn nuôi, cơm bưng nước rót cho những người đàn ông trong nhà. Ngoài ra nhân vật bà cả Hà do Trần Nữ Yên Khê thủ vai cũng đóng một vai trò quan trọng. Trong gia đình, đang từ chiếu trên, ngay lập tức bà bị đẩy sâu vào bóng tối phía sau mỗi khung cửa ngay khi đánh mất vị trí của mình. Thay vì nhận được sự quan tâm, bà tự chấp nhận và lui mình vào bóng tối, cuộc đời của bà là minh chứng rõ nhất cho những người vợ của thế kỷ 19, sống lặng trong bóng tối sau cái bóng của chồng. Diễn xuất đầy ám ảnh Diễn xuất của những cô gái trong phim cũng là một điểm không thể bỏ qua, đặc biệt là nhân vật Mây được thủ vai bởi Nguyễn Phương Trà My. Bắt đầu bộ phim bằng ánh mắt ngây thơ, sau dần cuộc đời của của Mây đã khiến ánh mắt đó dần trở thành ánh mắt của đố kị và khủng hoảng. Không chỉ vậy phim còn quy tụ rất nhiều diễn viên ưu tú khác, và từng hành động của họ trong phim đều chân thực một cách đáng kinh ngạc. Họ lựa chọn một cách diễn mộc mạc, thôn quê, người cần lạnh lùng sẽ lạnh lùng, người cần tình cảm sẽ tình cảm. Bằng một cách nào đó phim đã khai thác tuyến nhân vật khá triệt để dù phần lời thoại rất ít. Đa số người xem sau khi bước ra khỏi rạp sẽ nhận định phim trong ba từ "Chẳng hiểu gì", nếu như bạn không tìm hiểu về bộ phim Vợ Ba trước khi xem thì chắc chắn những gì phim mang lại là một nội dung chậm và khó hiểu. Và người xem sẽ cần cân nhắc thật cẩn thận về vấn đề này trước khi xem. Xin hãy cảm nhận nó bằng chính trái tim và sự hiểu biết, cảm thông của chính bạn, mở lòng mình và tận hưởng những thước phim đẹp trong đó. Nếu nó không làm thỏa mãn bạn thì cũng xin đừng buông lời lăng mạ nó. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy một bộ phim Việt Nam đẹp đến thế.