Vịnh Tiến Sĩ Giấy I Rõ chú hoa man (1) khéo vẽ trò, Bỡn ông mà lại dứ thằng cu. Mày râu mặt đó chừng bao tuổi, Giấy má nhà bay đáng mấy xu? Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ, Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu. Hỏi ai muốn ước cho con cháu, Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu. II Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai. Cũng gọi ông nghè có kém ai. Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (2) Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (3) Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ? Cái giá khoa danh thế mới hời! (4) Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ, Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi! Chú thích: 1. Hoa man: Người thợ làm nghề hàng mã. 2. Giáp bảng: Bảng đề tên từ học vị tiến sĩ trở lên. 3. Văn khôi: Đầu làng văn. Ở đây chỉ người có đỗ đạt cao. 4. Hời: Giá rẻ. Rút từ Quốc văn tùng ký (AB. 383), Nam âm thảo (VHv. 2381). Tiêu đề trong Nam âm thảo chép là Ông nghè tháng tám . Nguồn: 1. Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 1971 (tái bản 1979) 2. Nguyễn Khuyến – Tác phẩm, Nguyễn Văn Huyền chủ biên, NXB Khoa học xã hội, 1984 3. Thi hào Nguyễn Khuyến: Đời và thơ, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Giáo dục, 1994 Nội dung bài thơ tiến sĩ giấy Tiến sĩ giấy là bài thơ thuộc chùm thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, từng đỗ đạt làm quan, nhưng đứng trước hiện thực điên đảo của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XIX, ông đã rơi vào tình trạng bi quan, mất hết niềm tự hào về chữ nghĩa thánh hiền. Vì vậy, ông đã viết nhiều bài thơ có giọng điệu trào phúng để thể hiện thái độ và tâm trạng của mình trước hiện thực. Tiến sĩ giấy là bài thơ mang giọng điệu ấy. Bài thơ vừa phê phán những kẻ mang danh tiến sĩ nhưng vô dụng với đất nước, vừa là lời tự trào chua chát của chính tác giả, một nho sĩ đang thấy mình bất lực trước cuộc đời. Tiến sĩ giấy vốn là một thứ đồ chơi rất quen thộc của trẻ con thời xưa. Thời xa xưa, vào dịp Tết Trung thu, từ chợ làng quê đến phố phường, thường bày bán những hình nộm tiến sĩ làm bằng giấy màu sặc sỡ, biểu trưng cho niềm mơ ước về danh vọng, giầu sang phú quý. Các bậc cha mẹ mua tiến sĩ giấy cho con để mong muốn bọn trẻ học hành đỗ đạt và ra làm quan. Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh đồ chơi này để nói về thời cuộc. Triều đình vẫn mở các khoa thi để tuyển chọn nhân tài giúp nước. Vẫn có nhiều người đỗ tiến sĩ, nhưng họ đã giúp gì được cho đất nước. Đội ngũ tiến sĩ ấy có thể chia làm hai hạng. Hạng thứ nhất, có tài chữ nghĩa thực sự, nhờ chính tài năng của mình mà đỗ đạt. Nhưng họ là là những con người có lòng tự trọng dân tộc. Họ không xoay chuyển được tình thế bằng sức lực của mình nên họ buồn chán, quay về ở ẩn lánh đời. Từ đó cảm thấy mình vô dụng như một thứ đồ chơi. Hạng thứ hai, đỗ đạt nhờ đồng tiền. Đó là những kẻ bất tài nhưng lại tìm mọi cách để làm quan, để vơ vét của cải, để hưởng vinh hoa phú quý. Đó là một đám tiến sĩ giấy không những vô dụng mà còn có hại cho dân tộc. Hình ảnh tiến sĩ giấy trong tác phẩm của Nguyễn Khuyến, có bóng dáng của cả hai hạng tiến sĩ ấy.