ĐẶT VẤN ĐỀ "Trong cuộc đời mình, Nguyễn Huy tưởng đã sáng tác nhiều vở kịch, trong đó" Vũ Như Tô "là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng. Nó đáp ứng đầy đủ và khá hoàn hảo mọi yêu cầu, mọi tiêu chí của một thể loại văn học mà mỹ học Châu Âu xưa nay có lí do coi là thể cao quý và khó nhất" (Phạm Vĩnh Cư). 1. Xung đột bi kịch (mâu thuẫn bi kịch) Kịch bản có thể trở thành tác phẩm bi kịch không phải mỗi khi nó kết thúc một cách bi thảm, mà khi nó được kết cấu trên cơ sở xung đột hay mâu thuẫn bi kịch. "Vũ Như Tô" chứa đựng mâu thuẫn bi kịch. Mâu thuẫn bi kịch: Là mâu thuẫn mang tính nội tại. Mâu thuẫn có ý nghĩa xã hội to lớn. Mâu thuẫn không thể giải quyết. Mọi cách khắc phục mâu thuẫn đều dẫn đến sự diệt vong những giá trị quan trọng. Trong "Vũ Như Tô" có hai mâu thuẫn cơ bản. 1.1. Mâu thuẫn thứ nhất: Mâu thuẫn giữa bọn tham quan bạo chúa sống xa hoa trụy lạc với nhân dân lao động cơ cực, thống khổ. Đây không phải là mâu thuẫn bi kịch. Mâu thuẫn này chủ yếu thể hiện ở những hồi trước của vở kịch, đã thành cao trào trong hồi cuối này. Bạo chúa Lê Tương Dực chết trong tay những người nổi dậy do Trịnh Duy Sản cầm đầu. Đại thần của y là gian thần Nguyễn Vũ chết trong một trò hề nhạt nhẽo. Hoàng hậu và đám cung nữ hết thời của y bị những kẻ nổi dậy nhục mạ, bắt bớ. Dân chúng hò reo, đốt phá, nhiếc móc.. được một phen hả lòng hả dạ.. Uy quyền của bạo chúa tiêu tan theo tro bụi Cửu Trùng Đài. Đây đúng là lúc "dân nổi can qua", vua quan "thất thế". Tiếc rằng cuộc nổi dậy ấy không mang lại điều gì tốt đẹp hơn cho dân chúng bởi giang sơn sẽ rơi vào tay những kẻ cầm đầu cuộc phản loạn. 1.2. Mâu thuẫn thứ hai: Mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật cao siêu, thuần túy, muôn đời của người nghệ sỹ với lợi ích trực tiếp, thiết thực của dân chúng. Đây là mâu thuẫn bi kịch, cũng là mâu thuẫn cơ bản của vở kịch. * Nguyên nhân sâu xa của bi kịch: Do người nghệ sỹ sinh bất phùng thời (sinh ra không gặp thời). Câu chuyện Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài cho vua Lê Tương Dực, như nó được kể trong Đại Việt sử kí và Việt Sử thông giám cương mục với cái chết oan khốc của người thợ có tài bên cạnh công trình bỏ dở gây cho mọi người đọc có tầm nhìn rộng hơn các sử gia Nho giáo ấn tượng một thảm kịch nhân sinh đau xót và chua chát. Nguyễn Huy Tưởng cấu tạo tình huống bi kịch bằng cách phóng đại đến mức khổng lồ, đến mức huền thoại tầm cỡ nhân vật chính, song vẫn tái tạo khá trung thành hoàn cảnh lịch sử - xã hội mà trong đó nó sống và hành động. Người nghệ sỹ thiên tài Vũ Như Tô không có điều kiện sáng tạo, không thể thi thố tài năng. Vì thế khi biết rằng có thể mượn tay bạo chúa Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão của mình thì người nghệ sỹ ấy mù quáng sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả mồ hôi, xương máu, nước mắt của nhân dân. Chính niềm khao khát đắm chìm trong mơ mộng đã đẩy Vũ Như Tô đến vị thế đối nghịch với lợi ích trực tiếp, thiết thực của dân chúng. Cuối vở kịch, xung đột kịch đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Và nếu như trong những hồi đầu, nó chỉ là mâu thuẫn có vẻ mờ nhạt, thấp thoáng đằng sau mâu thuẫn thứ nhất thì giờ đây nó dường như đã hòa nhập làm một với mâu thuẫn thứ nhất. Thậm chí, người dân hầu như không mấy quan tâm đến việc trả thù bạo chúa Lê Tương Dực mà chỉ chăm chăm tìm giết Vũ Như Tô và cung nữ "đồng bệnh" với ông là Đan Thiềm. *Ta tiến dần đến cốt lõi xung đột kịch: Vũ Như Tô muốn thực hiện lí tưởng nghệ thuật thì rơi vào tình trạng đi ngược lại quyền lợi của dân chúng. Nếu xuất phát từ lợi ích của nhân dân thì không thể thực hiện được ước mơ nghệ thuật muôn đời. Kết thúc hồi V, Vũ Như Tô bị rơi vào bi kịch không lối thoát. Nếu quan niệm hoạt động sáng tạo là sự thực hiện mệnh lệnh của cái ĐẸP và việc bảo vệ quyền sống và những quyền chính đáng khác của con người là sự thực hiện mệnh lệnh của cái THIỆN thì trước mắt chúng ta là cuộc xung đột quyết liệt giữa cái ĐẸP và cái THIỆN. 2. Công trình kiến trúc Cửu Trùng Đài. Mọi mâu thuẫn trong vở kịch đều xoay quanh công trình kiến trúc vĩ đại này. Đó là một công trình kiến trúc mà tầm vóc không chỉ tính đếm bằng lượng gỗ cây đại khối, cho dù là những con số nghe qua cũng đủ kinh hoàng: 200 vạn cây gỗ chất đống cao như núi, 20 vạn phiến đá lớn, 40 vạn phiến đá nhỏ đều từ Chân Lạp tải ra. Đặc biệt công trình này lúc nào cũng cần tới 15 vạn thợ - con số kinh hoàng ngang tầm với một cuộc chiến tranh. Tầm vóc của nó phải hình dung bằng tầm vóc ý tưởng, khát vọng ngạo nghễ của người tạo ra nó: Một công trình độc nhất vô nhị vượt qua được tất cả các kì quan của Ấn Độ, Trung Quốc, Chiêm Thành.. mà người đời thường truyền tụng. Một kì quan bền vững, bất diệt. Đặc biệt, tác giả của nó không thèm tranh tinh xảo với người mà "tranh tinh xảo với hóa công". Đó là hiện thân của cái ĐẸP, không phải cái ĐẸP thông thường mà là cái ĐẸP siêu đẳng. Nó còn là hiện thân cho cái đẹp của sự xa hoa, lãng phí. Ý nghĩa biểu tượng thâm trầm của Cửu Trùng Đài được cắt nghĩa từ nhiều mối quan hệ. Với Vũ Như Tô, Cửu Trùng Đài hiện thân cho mộng lớn. Với Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài hiện thân cho niềm kiêu hãnh nước nhà. Với Lê Tương Dực, Cửu Trùng Đài là quyền lực và ăn chơi. Với dân chúng, Cửu Trùng Đài là món nợ mồ hôi, xương máu, nước mắt. Cuối vở kịch, Cửu Trùng Đài bị đốt, Vũ Như Tô và Đan Thiềm tột cùng đau đớn vĩnh biệt Cửu Trùng Đài và vĩnh biệt nhau (- Đan Thiềm: Đài lớn tan tành, ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt. - Vũ Như Tô: Đan Thiềm! Xin cùng bà vĩnh biệt) thì cái tên Cửu Trùng Đài còn có ý nghĩa là biểu tượng cho "giấc mộng lớn", cho sự bền vững, trường tồn. Nhưng cái đẹp và sự tồn tại của nó hóa ra chỉ ngắn ngủi, mong manh như một giấc chiêm bao. 3. Nhân vật bi kịch. 3.1. Vũ Như Tô – nhân vật bi kịch mang tội lỗi bi kịch. Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng cũng như những nhân vật chính, còn gọi là nhân vật anh hùng của bi kịch là một con người quá khổ, ta muốn nhận biết nó thì phải đo nó bằng cái thước của nó chứ không phải cái thước của ta. Vũ Như Tô hiện lên như một tính cách bi kịch: Vừa bướng bỉnh, vừa mềm yếu, vừa kiên định, vừa dễ hoang mang. Tính cách nổi bật nhất của Vũ Như Tô là tính cách của người nghệ sỹ tài ba hiện thân cho niềm khao khát và đam mê sáng tạo cái đẹp. Cái tài của Vũ Như Tô chủ yếu được thừa nhận qua lời nhận xét của các nhân vât khác: Một kiến trúc sư "sai khiến gạch đá như một viên tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ"; một họa sỹ "chỉ vẩy bút là chim, hoa đã hiện trên mảnh lụa thần tình, biến hóa như cảnh hóa công"; một nhà điêu khắc "có hoa tay tuyệt thế.. chạm trổ, nạm đục không kém đường gì..". Một thiên tài "ngàn năm chưa dễ có một" (quan Thượng thư bộ Công, Lê An). Vũ Như Tô là một nghệ sỹ có nhân cách, có hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả. Ban đầu, Vũ Như Tô ngang nhiên chửi mắng tên hôn quân Lê Tương Dực và kiên quyết không xây Cửu Trùng Đài. Ông cũng không phải là người hám lợi. Được vua ban thưởng vàng bạc, ông chia hết cho thợ. Lí tưởng nghệ thuật của Vũ Như Tô là lí tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần túy. Nó thoát li khỏi hoàn cảnh thực tại của đất nước, đời sống của nhân dân. Vì quá say sưa với ước mơ xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài "bền vững như trăng sao, để dân ta nghìn thu còn hãnh diện" mà Vũ Như Tô đã không nhận ra thực tế: Cửu Trùng Đài được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu, nước mắt của nhân dân. *Diễn biến tâm lí của Vũ Như Tô ở hồi V của vở kịch. Đến hồi cuối này, Vũ Như Tô bị đặt vào tình huống tìm câu trả lời cho câu hỏi: Xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai? Có công hay có tội? Vũ Như Tô đã không trả lời thỏa đáng được câu hỏi đó bởi chàng chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sỹ mà không đứng trên lập trường của nhân dân, nghĩa là đứng trên lập trường của cái đẹp mà không phải cái thiện. Ở hồi V, Vũ Như Tô đã thể hiện sự bướng bỉnh trang phải, trái với số phận và cuộc đời (chứ không phải là tranh phải, trái với hóa công như những hồi trước đó). Vũ Như Tô không hề nghĩ việc mình xây dựng Cửu Trùng Đài cho đất nước lại là có tội. Đến khi cuộc nổi loạn nổ ra, Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô chạy chốn nhưng ông vẫn không chịu vì tin vào việc làm "quang minh chính đại" của mình, vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được An Hòa Hầu – kẻ cầm đầu phe phản loạn. Trước cường quyền và bạo lực người nghệ sỹ ấy không chịu cúi đầu, trước cái chết đe dọa, ông vẫn say mê ôm ấp hoài bão, lí tưởng của mình. Khi Vũ Như Tô và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đốt thì Vũ Như Tô mới bừng tỉnh. Ông đau đớn kêu lên: "Ôi! Mộng lớn! Ôi! Đan Thiềm! Ôi! Cửu Trùng Đài". Trong tiếng kêu đau đớn ấy "mộng lớn", "Đan Thiềm", "Cửu Trùng Đài" được Vũ Như Tô đặt lên kế với nhau. Nỗi đau mất mát như hòa nhập làm một thành nỗi đau bi tráng tột cùng. Vũ Như Tô chỉ là người tài chưa phải bậc hiền tài. Cái đẹp mà Vũ Như Tô tạo ra có thể tuyệt mỹ mà không tuyệt thiện. Vũ Như Tô là nhân vật bi kịch vừa có tội lại vừa không có tội, vừa "có chỗ đáng giận, có điều đáng thương". Tính chất cái tội ở nhân vật này vừa đáng yêu, vừa đáng sợ vì Vũ Như Tô quý Cửu Trùng Đài hơn tính mạng của mình là điều rất đáng quý nhưng Vũ Như Tô quý Cửu Trùng Đài hơn tính mạng của hàng vạn người thì thật tội lỗi và thật đáng sợ. Lỗi lầm của Vũ Như Tô là chàng rất cao thượng trong khát vọng và ý chí sáng tạo của mình, nhưng chàng đã độc tôn chỉ một cái đẹp nghệ thuật, đặt nó lên trên mọi giá trị cơ bản khác, tuân thủ chỉ một mệnh lệnh của cái đẹp và dửng dưng với mệnh lệnh của cái thiện. Vũ Như Tô trước sau là một tính cách rắn rỏi, bất biến, bất khuất, hiên ngang, đam mê trong hoài bão vì cái đẹp, vì một tình yêu lớn: Yêu Tổ quốc và yêu sự nghiệp sáng tạo cái đẹp. Đó là nhân vật anh hùng trong bi kịch này. 3.2. Quần chúng nhân dân – nhân vật mang tội lỗi bi kịch. Quần chúng nhân dân đã chọn không suy nghĩ đắn đo chỉ một cái thiện như họ hiểu và chà đạp, hạ nhục không thương tiếc cái đẹp. Nhân vật đối kháng tập thể đã vi phạm tội lỗi bi kịch. Trong bi kịch thực thụ không có người chiến thắng. Tính chất cao cả đặc biệt của nó là ở chỗ ấy. 3.3. Nhân vật Đan Thiềm – người "đồng bệnh" với Vũ Như Tô. Nếu Vũ Như Tô là người đam mê cái đẹp, khát khao sáng tạo cái đẹp thì tính cách của Đan Thiềm là tính cách của người đam mê cái tài. Cụ thể là tài sáng tạo nên cái đẹp. "Bệnh Đan Thiềm" là bệnh mê đắm người tài hoa hay bệnh của kẻ "biệt nhỡn liên tài" (Nguyễn Tuân). Trong tác phẩm, hai lần Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô. Lần đầu Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô mượn tay Lê Tương Dực xây đài để thực hiện hoài bão "giấc mộng lớn" của Vũ. Lần hai, khi Cửu Trùng Đài bị đốt, nàng khuyên Vũ Như Tô chạy chốn để bảo toàn tính mạng. Nàng có thể hy sinh tính mạng để bảo vệ người tài. Nàng thực sự là tri âm, tri kỷ của Vũ Như Tô. Ở hồi cuối, cả Vũ Như Tô và Đan Thiềm đều bị rơi vào trạng thái khủng hoảng với một nỗi đau chung: Sự vỡ mộng thê thảm. Song, nếu Vũ Như Tô vẫn mơ màng, ảo mộng thì Đan Thiềm lại tỉnh táo kịp nhận ra tính chất thê thảm của sự việc. Tâm trí nàng giờ đây không còn hướng vào sự thành bại của Cửu Trùng Đài mà hướng vào sự sống còn của người nghệ sỹ tài trời "nghìn năm chưa dễ có một". Nàng khẩn khoản khuyên Vũ Như Tô chạy chốn, khi thấy lời khuyên vô hiệu thì hoảng hốt, đau đớn. Đến khi nhận ra ngay cả việc đổi mạng sống của mình để cứu Vũ Như Tô cũng không được nữa thì Đan Thiềm đành buông lời vĩnh biệt tất cả (Đan Thiềm: Đài lớn tan tành! Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt). Đó là lời vĩnh biệt mãi mãi Cửu Trùng Đài, vĩnh biệt một giấc mộng lớn trong máu và nước mắt. Đan Thiềm mang thân phận một cung nữ thấp hèn, bị khinh rẻ, nhưng nàng đã vượt lên trên thân phận để mến trọng cái đẹp, tài năng, luôn bảo vệ và động viên Vũ Như Tô như quý trọng nghệ thuật, bảo vệ người nghệ sỹ, bảo vệ cái đẹp. 4. Chiều sâu tư tưởng của vở kịch. Vũ Như Tô, tác phẩm bi kịch không làm ta rơi nước mắt nhưng nó bắt ta suy ngẫm về cái lẽ, cái nghĩa sâu xa của những gì ta đã đọc hoặc đã thấy. Trong cuộc sống, cái ĐẸP và cái THIỆN luôn song hành với nhau, vậy mà ở trong tác phẩm này sao cái ĐẸP và cái THIỆN lại xung đột với nhau quyết liệt đến vậy? Bi kịch của Nguyễn Huy Tưởng nhắc nhở chúng ta về mối họa lớn của sự tách rời và đối nghịch hóa giữa các giá trị. Nó chứng minh đầy sức thuyết phục rằng: Cái ĐẸP tự sát khi nó nhảy múa trên thân thể quằn quại của cái THIỆN nhưng giết cái ĐẸP vì cái THIỆN cũng là giết luôn cả cái THIỆN. Cái đẹp nhân tạo (không phải cái đẹp thiên tạo) ra đời trong xã hội bất bình đẳng và luôn luôn phục vụ những giai cấp thống trị, bị những giai cấp ấy chiếm hữu. Bi kịch Vũ Như Tô khiến cho chúng ta lo lắng cho vận mệnh của những giá trị lớn của xã hội và con người. Trong tác phẩm, Vũ Như Tô từng ao ước xây một công trình kiến trúc vĩ đại độc nhất vô nhị vượt qua được tất cả các kì quan trên thế giới mà người đời thường truyền tụng. Vậy mà cuối cùng Cửu Trùng Đài bị đốt. Số phận, bí quyết trường tồn hay tử vong của các nền văn minh và các dân tộc là một chủ đề tư tưởng sâu kín của vở kịch Nguyễn Huy Tưởng và những suy ngẫm kiên trì lắng đọng từ thuở thiếu thời cho đến tận lúc qua đời của ông về số phận của dân tộc ta so với số phận các dân tộc khác cho thấy ông là một CON NGƯỜI VIỆT NAM thực thụ. Nguyễn Huy Tưởng viết Vũ Như Tô năm 1941, khi đó trên diễn đàn văn học công khai đang diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa trường phái Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Viết tác phẩm này, Nguyễn Huy Tưởng ngầm nói lên sự thắng thế của trường phái Nghệ thuật vị nhân sinh. Từ công trình kiến trúc Cửu Trùng Đài và bi kịch của người nghệ sỹ đem đến cho chúng ta một cảm nhận rằng: Tác phẩm nghệ thuật chân chính là tác phẩm xuất phát từ đời sống và phục vụ cho đời sống. Người nghệ sỹ cần có cái nhìn đa diện đa chiều vào cuộc sống thì mới cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Bi kịch của Vũ Như Tô cũng nhắc nhở mỗi chúng ta một điều: Mọi ước mơ chính đáng của con người, nhất là những ước mơ càng cao thượng, càng giàu giá trị nhân văn bao nhiêu càng tiềm ẩn nguy cơ tội lỗi bấy nhiêu. Nguồn: THPT Thạch Thất