Review Phim Viết Về Hậu Cung Như Ý Truyện - Sophie Ánh Trường

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi SophieAnhTruong, 28 Tháng mười một 2018.

  1. SophieAnhTruong

    Bài viết:
    6
    Viết về "Hậu cung Như Ý truyện"

    Tác giả: Sophie Ánh Trường

    Tôi định viết nhiều về Hậu cung như Ý truyện nhưng cứ mỗi lần định viết là cứ đắn đo xem mình nên viết gì cho hay và thật hấp dẫn. Ấy vậy, sau nhiều ngày suy nghĩ và ấp ủ tôi quyết định viết về một cảnh nhỏ trong phim đã làm cho cả cộng đồng dậy sóng mấy ngày nay. Đó chính là cảnh Kế Hoàng Hậu Như Ý bị Càn Long đánh trên thuyền, sau đó nàng cắt tóc - chính thức chấm dứt tình yêu với Càn Long đế trong chuyến du tuần Giang Nam vào năm Càn Long thứ 30 – cảnh này thuộc tập 85 của phim .

    Hẳn ai theo dõi phim từ những tập đầu tiên cho đến khi phim chỉ còn vỏn vẹn vài tập nữa là kết thúc, tuyệt nhiên đều trải qua muôn vàn cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố không dứt. Những cảm xúc ấy không riêng gì đối với nhân vật chính mà còn chung đối với những nhân vật của các diễn viên khác thủ vai như Đổng Khiết (Phú Sát Lang Hoa), Trương Quân Ninh (Hải Lan), Kinh Siêu (Lăng Văn Triệt), Lý Thuần (Vệ Yến Uyển), Tân Chỉ Lôi (Kim Ngọc Nghiên).. Họ dù có được phong hiệu và chức tước nhưng cũng đều trải qua "bể dâu" thật sự mới có thể với tới được những nấc thang để chạm gần Đế vương.

    Trở lại với Như Ý của Châu Tấn, xem phim mà thấy được thần thái của cô rất tinh tế. Đây có lẽ là vai diễn mà đạo diễn đã "đo ni đóng giày" cho Châu Tấn, không phải cô thì sẽ không là ai khác. Người xem hẳn còn nhớ trong một tập của phim, họa sĩ người phương Tây chuyên vẽ chân dung cho Hoàng đế và Hoàng hậu đã có chia sẻ với Như Ý về chuyện hôn nhân của nước ông đại loại như: Ở nước ông, hôn nhân theo chủ trương một vợ - một chồng. Khi kết hôn nếu thấy không hòa hợp nữa có thể li hôn. Không nhất thiết là người nam bỏ người nữ mà người nữ có thể bỏ người nam (nếu thấy không ràng buộc và không còn tình yêu nữa).

    Như Ý thuộc tuýp phụ nữ sống dưới chế độ Phong kiến lấy đạo học Nho học làm chuẩn mực nhưng nàng đã có cái nhìn vượt thời đại. Nàng sẵn sàng tiếp thu ý kiến ấy và dám bày tỏ nỗi lòng với Càn Long. Nếu không phải là một sủng thê thì có lẽ con người ấy đã sớm bị đày vào lãnh cung một cách trực tiếp bởi chồng nàng vì có những tư tưởng táo bạo, vượt khuôn khổ. Nói đi cũng phải nói lại, tuy tự do, phóng khoáng trong suy nghĩ và hành động nhưng nàng vẫn bị bao bọc (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) bởi những rào cản của Tử Cấm Thành với thế giới bên ngoài. Nàng không thể nào như Thúy Kiều của Nguyễn Du ở Việt Nam mà tự do, yêu là phải "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" để được gặp ý trung nhân. Cứ như thế, Như Ý chỉ có thể mang ảo vọng ấy mà sống với Càn Long và cũng vì một niềm tin bất diệt là trái tim của người phu quân ấy lúc nào cũng sẽ luôn hướng về nàng như cách mà nàng đối xử với người.

    Nhưng, đời không như mơ và ai rồi cũng sẽ trưởng thành. Cách nghĩ của Hoằng Lịch thuở thiếu thời không giống như Càn Long tuổi trung niên. Càng về tuổi xế chiều, con người càng độc đoán, điều ấy thể hiện rất rõ với Càn Long. Ông có thể nghi ngờ bất cứ ai nhưng tuyệt nhiên không thể để cho bất cứ ai nghi ngờ mình. Điều này một lần nữa được thể hiện rõ nhất khi Càn Long một tay sắp xếp hại Thư Phi (Ý Hoan) để nàng không thể nào có con (mặc dù nàng được thị tẩm rất nhiều lần). Qua lớp ngụy trang là một người chồng thực tâm đối tốt với vợ, ai nghĩ rằng trong mỗi chén thuốc Càng Long ban cho Thư Phi uống sau mỗi lần thị tẩm lại là mỗi lần cắt đi sợi dây "mẫu tử" giữa Thư phi và một đứa bé vô hình nào đó sắp được chuyển kiếp làm người. Nếu không chính miệng Càn Long nói ra và tai Như Ý nghe được thì có lẽ không một ai biết được Càn Long là một tra nam tàn độc và lạnh lùng, độc đoán đến thế kia! Chỉ nhìn bằng mắt mà họa tâm thì ôi thôi, đôi mắt chính là thứ dễ bị lừa dối nhất. Chỉ tiếc cho một Thư Phi yêu Càn Long đến si mê, cuồng nhiệt.

    Tôi nghĩ, một người đa nghi không phải là một người luôn nghi ngờ người khác mà là một người không tin tưởng vào bản thân mình. Rốt cục thì Càn Long cũng nghi ngờ người mà mình từng nói là sẽ bảo vệ đến cùng trời cuối đất – Như Ý. Cái nghi ngờ được cộng hưởng bởi sự ghen tuông mù quáng và sự độc tài trong tư tưởng "chồng chúa vợ tôi" đã đẩy một mối tình thanh mai trúc mã đến bờ li tán.

    Như Ý cầm con dao, đôi mắt nhìn chằm chằm về phía Càn Long đầy ánh hận của một người đầy ý thức thân phận, mặc cho ông gọi tên nàng trong tuyệt vọng, bi thống. Ánh nhìn của Như Ý có lửa, tia lửa như thiêu cháy hết những đoạn tình mà hai người cùng trải qua, thiêu cháy hết những lời thề non hẹn biển và thiêu cháy đi một Càn Long tuổi trung niên "hoang dâm vô độ". Để rồi, trước mặt Càn Long chỉ còn lọn tóc của Thanh Anh và người đứng trước mặt nàng là Hoằng Lịch của những năm thanh xuân, thiếu thời. Lọn tóc rơi xuống sàn khiến tôi phải bật lên thành tiếng sáu câu thơ của Nguyễn Du để thể hiện sự luyến tiếc cho một mối tình đến nay đã như bèo bọt lại hóa hư vô:

    "Bây giờ trâm gãy gương tan

    Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

    Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

    Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

    Phận sao phận bạc như vôi!

    Đã đành như nước hoa trôi lỡ làng."​

    Thanh Anh bước đi, trong gang tấc như phủi sạch hết những uất hận trong nàng bấy lâu. Bước đi ung dung, tự tại như rũ bỏ được tất những gánh nặng về địa vị; về bổn phận của một Hoàng hậu, của một người vợ. Ngồi trên mạn thuyền, mái tóc bị cắt phăng của Thanh Anh phơ phất trước gió, dưới ánh trăng, trên mặt nước Tây hồ, ủ dột và bi thương!

    Thế đấy!
     
    chiqudoll, Hạ MẫnĐặng Châu thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...