Event Viết văn kiếm xu khủng

Thảo luận trong 'Dự Trữ' bắt đầu bởi Aki Re, 19 Tháng chín 2019.

  1. Aki Re Đang ở chế độ Office Edit Truyện

    Bài viết:
    241
    Viết Văn Kiếm Xu Khủng

    Chào mừng các bạn đã đến với event này. Lưu ý: Đây là event viết văn chứ không phải viết truyện nhé

    Quy định:


    - Các bạn được phép tham khảo dàn bài trên mạng nhưng không được chép y hệt.

    - Câu từ, chính tả hợp quy định với ngữ pháp Tiếng Việt.

    - Đăng bài dự thi dưới phần bình luận của chủ đề này.


    - Để font chữ mặc định của diễn đàn, không cần chọn font, size chữ > Bôi đen toàn bộ, nhấn vào thẻ [​IMG]

    - Các bài dự thi phải được rút gọn, cách rút gọn như sau: Bôi đen toàn bộ bài viết (trừ tiêu đề dự thi) rồi nhấn vào biểu tượng [​IMG] (chồng sách) trên thanh công cụ.

    Bài đăng ký:

    - Tên 4r:

    Đề:

    1. Viết một đoạn văn khoảng 200 từ nói lên suy nghĩ về một điều mà bạn cho là quan trọng nhất trong cuộc sống.

    2. Vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua hai bài thơ "Tự tình - Hồ Xuân Hương" và "Thương vợ - Trần Tế Xương".

    Thời gian:

    - Từ 19/9/2019 đến hết 30/9/2019.

    - 2/10/2019 công bố kết quả.

    Giải thưởng:

    - Giải nhất: 11000xu

    - Giải nhì: 6000xu

    - Giải ba: 3000xu

    Bất kỳ bạn nào đăng bài dự thi hợp lệ đều sẽ được nhận 1000xu

    P/S: - Nếu đến lúc chốt chỉ có 1 bạn tham gia có bài thi hợp lệ sẽ rinh luôn 3 giải, có 2 bạn thì chia 3-2, có 3 bạn thì chắc chắn cả ba có giải rồi, có 4 bạn thì thi như thường.

    - Bạn phải làm 2 đề luôn mới tính nhé. Nhưng đề 1 sẽ chiếm điểm cao hơn tầm 7/10, đề 2 chiếm 3/10.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng chín 2019
  2. Duong tich

    Bài viết:
    4
    Tên4r: Duong tich

    Đề 1:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gia đình- nơi ấm áp vĩnh hằng

    Bạn hỏi tôi, trên đời này đối với tôi thứ gì quan trọng nhất? Đặt tay lên tim mình, tôi xin trả lời đó là gia đình. Gia đình là nơi ta sinh ra, chập chững đi những bước đầu tiên, là nơi ta tập nói rồi biết khóc, biết cười. Nơi ấy có cha mẹ, anh chị em, những người thân yêu nhất, ấm áp nhất, luôn thương ta thật lòng. Nhớ về gia đình là nhớ về bữa cơm tối quây quần bên nhau, dưới cơn gió mùa hạ mát rượi, kể nhau nghe những câu chuyện trên trời dưới đất. Nhớ gia đình, làm sao quên được những lần anh em chí choé nảy lửa, suýt lao vào đánh nhau chỉ vì tị nhau rửa bát. Gia đình là nơi ấm êm bao bọc ta lúc ấu thơ và cũng là chốn an bình nhất để ta trở về mỗi khi cần được an ủi, vỗ về. Mai này, ta sẽ in dấu chân mình trên khắp ngả đường xa lạ, lúc lạc lõng bơ vơ hãy nhớ mình có một mái ấm, vẫn luôn ở đấy, dang rộng cánh tay đón ta trở về. Gia đình - hai tiếng thiêng liêng ấy đã gắn vào máu thịt, trở thành một phần trái tim, một phần linh hồn ta. Tặng bạn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

    Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

    Hãy biết trân trọng những phút giây bên gia đình, người thân bởi nó quý giá lắm! Đừng để khi xa rồi mới thấy nhớ, mới hối tiếc đã không kịp chăm sóc, vun vén mái ấm khi xưa

    Đề 2:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ca dao Việt Nam đã có rất nhiều câu hát chất chứa niềm oan thán, than thân trách phận "thân em!"

    - Thân em như trái bần trôi

    - Thân em như giếng giữa đàng..

    Trong xã hội trọng nam khinh nữ, thân phận người phụ nữ xưa rẻ rúng vô cùng. Cả đời họ đeo trên lưng gánh nặng tam tòng tứ đức, không được quyết định cuộc đời của chính mình. Thông qua hai tác phẩm Tự tình của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương, ta thấy người phụ nữ xưa vẫn sáng lên những vật chất cao quý dù trong hoàn cảnh bất hạnh đau khổ nhất. Đó là sự phẫn uất quật cường của người con gái trong tự tình, đã lỡ làng nhưng không cam chịu tình duyên dang dở. Nàng mạnh mẽ muốn xiên ngang đâm toạc cái xã hội xấu xa bất công - nguyên nhân gián tiếp gây cho nàng là khổ đau. Vẻ đẹp ấy tựa như bông sen vậy, sống trong bùn lầy tăm tối nhưng vẫn muốn vươn lên thật cao để đắm mình trong nắng ấm hạnh phúc. Ở bài thương vợ ta lại bắt gặp bóng dáng người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, giàu đức hy sinh, hết lòng vì chồng con. Ông Tú đã ví bà như thân cò, cần mẫn, tất tả ngược xuôi, và bản thân ông dù rất thương vợ nhưng chẳng giúp được gì. Bởi vậy ta mới đọc được câu thơ mà ông tự chửi mình:

    Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

    Có chồng hờ hững cũng như không

    Phụ nữ Việt Nam xưa và nay đều người đẹp nết, đều đáng được trân trọng. Sống trong xã hội hiện đại, những người phụ nữ phải biết giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống, hoàn thiện bản thân mình để ngày một tốt hơn.
     
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười 2019
  3. Aki Re Đang ở chế độ Office Edit Truyện

    Bài viết:
    241
    Bạn phải làm luôn đề 2 mới tính nhé. Đề 2 không cần dài dòng đâu, chỉ cần lên web khác xem phân tích hai bài thơ ấy rồi chắt lọc ra chỗ nào đề cập đến vẻ đẹp của người phụ nữ rồi chém thêm vài câu cảm nghĩ của bạn vào là được.
     
    JulianAlissa thích bài này.
  4. Donna Queen

    Bài viết:
    184
    - Tên 4r: Bạch Y Y

    1. Viết một đoạn văn khoảng 200 từ nói lên suy nghĩ về một điều mà bạn cho là quan trọng nhất trong cuộc sống.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đối với tôi mà nói, những thứ xung quanh tôi đều rất có giá trị. Nhưng gia đình có lẽ là thứ tôi cảm thấy quan trọng nhất trong cuộc đời này. Khi tôi sinh ra, tôi có mẹ, có cha, điều đó như là một niềm vinh hạnh rất lớn đối với tôi. Cảm thấy bản thân may mắn hơn bao người khác rất nhiều. Gia đình là nơi tôi được sinh ra, lớn lên. Nơi mà khi tôi vấp ngã, mẹ vẫn luôn chìa bàn tay ấm áo đỡ tôi dậy. Nơi mà khi tôi khóc lóc, cha sẽ đến bên tôi, ban cho tôi một cái ôm ấm áp, thay lời an ủi. Vẫn nhớ mãi những bữa cơm tối quây quần bên nhau, gió hè thổi nhè nhẹ qua khung cửa sổ, hình ảnh ấm áp thân thương khiến tôi mỗi khi nghĩ đến liền cảm thấy như có ngọn nến thắp sáng trong tim. Cuộc đời tôi, mất đi tiền bạc, của cải, hay thậm chí là người mình yêu, cũng chẳng quan trọng bằng gia đình. Nơi mái ấm gia đình thân thương ấy vẫn còn có một người mẹ hiền từ cười với khuôn mặt đầy nếp nhăn tuổi già, một người cha dang rộng đôi bàn tay thô sơ ấm áp đợi tôi trở về. Điều ý nghĩa nhất đối với tôi mà nói, gia đình là một hạnh phúc nhỏ bé mà ông trời ban tặng. Hạnh phúc đơn giản chỉ có thế. Chính vì vậy chúng ta phải biết quý trọng gia đình, thương yêu cha mẹ hết mực, làm tròn trách nhiệm và bổn phận của con cái. Điều cuối cùng, con muốn nói với cha mẹ rằng: 'Con yêu cha mẹ'.

    2. Vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua hai bài thơ "Tự tình - Hồ Xuân Hương" và "Thương vợ - Trần Tế Xương".

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong những năm từ thế kỷ bảy đến cuối thế kỷ chín. Hình ảnh của người phụ nữ suy tàn mục nát dưới chế độ phong kiến, số phận người phụ nữ dường như bị vùi dập tả tơi bởi lễ giáo 'trọng nam khinh nữ' khắc nghiệt. Họ phải chịu bức ép trong xã hội nam quyền độc đoán, đa thê. Họ hầu như không có quyền quyết định cuộc đời mình, cuộc sống họ gặp rất nhiều trắc trở, đau thương, khổ sở đủ điều. Cảm thông trước sự đáng thương của phụ nữ tại xã hội cũ, nhiều nhà văn đã viết lên nỗi lòng người phụ nữ xưa bằng nhiều bài văn thơ hay, trong đó có Hồ Xuân Hương với 'Tự tình' và Tú Xương với 'Thương vợ'. Hai tác phẩm trên khẳng định vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Họ đều là những con người đa tài, đa sắc, nhưng 'hồng nhan' gắn liền với 'bạc phận'. Cuộc đời như vải lụa đào bị reo bán giữa chợ, một thứ xinh đẹp nhưng rẻ tiền, mặc người quyết định. Trong hai bài thơ. Ngụ ý nói lên tài đức của người phụ nữ Việt nam, nói lên đức tính tốt đẹp, đức hy sinh cao quý dành cho con cái, đó là cả một bầu trời cao thượng đẹp đẽ biết bao. Xét về khía cạnh hai bài thơ, là hai góc nhìn khác nhau về phụ nữ xưa. Nhưng cả hai bài thơ đều ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt nam. Nếu Hồ Xuân Hương đem đến hình ảnh người phụ nữ tài sắc thủy chung, nhưng lại chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống, thì Tú xương mang đến cho ta hình ảnh về đức hy sinh cao quý, sự can đảm chịu thương chịu khó của người phụ nữ. Phận đàn bà xưa như cánh bèo trôi, bơ phơ lạc lõng giữa dòng nước cuốn đi, mặc đời xô đẩy. Nhưng lại giàu tấm lòng cao thượng, đẹp đẽ đến không thể diễn tả bằng lời, chỉ vì thân phận nhỏ bé mà chịu nhiều áp bức. Hai tác phẩm đều phản ánh khát vọng vươn lên làm chủ của người phụ nữ, bênh vực quyền sống, khát vọng hạnh phúc, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Phẩm chất truyền thống đẹp đẽ đó đã trở thành nét đẹp đương đại với phụ nữ Việt nam ngày nay: "Giỏi việc nước – đảm việc nhà".
     
    Aki ReAlissa thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng chín 2019
  5. Hăc Hàn Lâm

    Bài viết:
    52
    Tên 4r: Hắc Hàn Lâm

    1. Viết một đoạn văn khoảng 200 từ nói lên suy nghĩ về một điều mà bạn cho là quan trọng trong cuộc sống

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Giữa cuộc sống bon chen xô bồ này, mấy ai dừng lại và ngẫm nghĩ đôi chút về điều quan trọng nhất đối với bản thân mình. Tôi cũng suýt chút nữa thì quên đi nó, nhưng bây giờ, khi vô tình tình lướt qua bài viết trên, vô tình lướt đọc hàng tiêu đề, chợt bản thân thừ ngưởi ra tự hỏi, điều gì quan trọng nhất đối với tôi đây? Là thời gian, tôi suy nghĩ đến nó ngay khi chữ "quan trọng" hiện ra trước mắt mình. Phải, là thời gian. Vì sao á? Người ta nói thời gian của vũ trụ là hữu hạn, nó cứ liên tục liên tục quay, không ngừng nghỉ, nhưng thời gian đối với con người là vô hạn, bởi sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta phải giã từ cuộc sống này. Đến lúc đó, chúng ta sẽ ước thời gian quay trở lại, nhưng làm sao mà được khi vòng quay thời gian không phải vòng tuần hoàn mà nó là một đường thẳng? Bởi vậy, tôi đây, luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng trân quý thời gian, trân quý điều quan trọng đối với mình!

    2. Vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua hai bài thơ "Tự tình - Hồ Xuân Hương" và "Thương vợ - Trần Tế Xương"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ bao đời nay, mỗi khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến những phẩm chất đôn hậu, hiền từ, cần cù, chất phác. Những phẩm chất vẻ vang ấy còn được bao đời tác giả, bao tập thơ văn miêu tả tường tận, minh họa đủ kiểu. Đặc trưng trong số những tác phẩm nổi tiếng đó, chẳng thể nào không nhắc đến tên "Tự tình" và "Thương vợ".

    Qua hai bài thơ trên, những người tác giả đã sử dụng ngôn từ phong phú, sinh động của mình để điểm tô lên hình tượng những người phụ nữ với số phận bi kịch, đầy kham khổ, chịu đựng những trói buộc trong chế độ xã hội nam quyền độc đoán, đa thê.. cùng với sự áp đặt của lễ giáo phong kiến: "Tam tòng, tứ đức". Nếu bà chúa thơ nôm dám thách thức cả trời lẫn đất, để nói lên vẻ đẹp đa tài, đa sắc, hồng nhan của người phụ nữ Việt, thì Tú Xưng lại sử dụng ngôn từ mộc mạc tảo tần, thủy chung, giàu đức hy sinh để lên tiếng ca ngợi người phụ nữ vì chồng vì con mà sẵn sàng chịu kham, chịu khổ.

    Dẫu rằng hai bài thơ đứng ở hai khía cạnh khác nhau để tả, để viết, nhưng cả hai tác phẩm này đều ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bài 2 mình làm không được tốt vì chưa có dịp đọc tường tận hai tác phẩm này! Chủ thớt thông cảm
     
    Julian, Aki ReAlissa thích bài này.
  6. thaomin2610

    Bài viết:
    71
    Tên 4r: Thaomin2610

    Đề 1: Điều bạn cho rằng quan trọng nhất trong cuộc sống.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Suốt mấy ngày vừa qua, những vụ giết người thân ruột thịt trong nhà nổi cộm lên như một trào lưu mới: Anh trai giết cả 5 mạng người của gia đình em trai vì tranh giành 20m đất, anh trai giết vợ chồng em gái ruột vì món nợ 3 tỉ đồng hay con giết mẹ rồi giấu xác trong lu vì không phân chia tài sản.. Tôi tự hỏi rằng những vụ án trên đều giống nhau ở mục đích đó là tranh chiếm của cải, vật chất vậy phải chăng chỉ có tiền bạc, vật chất xa hoa âu mới là những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống? Câu trả lời nằm ở cách nhìn nhận của mỗi người còn với tôi nếu có cho tôi trả lời lại thì câu trả lời của tôi vẫn là "không phải". Với tôi, thứ quan trọng nhất trong cuộc sống có lẽ là lòng trắc ẩn, lòng vị tha cao cả. Tôi không phải là một người giàu có về mặt tiền bạc thậm trí còn rất nghèo là đằng khác nên tôi hiểu được sự thống khổ và khao khát giàu có của các bạn nhưng có lẽ chính vì nghèo quá nên tôi mới nhận ra rằng lòng trắc ẩn mới là thứ đáng quý nhất. Lòng trắc ẩn dựa trên tình yêu thương giữa con người với con người, là cái lý cái tình trong cư xử, hành động. Khi nhắc đến lòng trắc ẩn người ta sẽ nghĩ ngay đến các cụm từ như "lòng thương cảm, sự vị tha, lòng nhân ái, sự cảm thông.." Lòng trắc ẩn thật sự rất mãnh liệt, nó gợi trong bạn một sự thương cảm, khiến bạn vượt hàng nghìn cây số để mang đến cho những em bé vùng cao một cái chăn ấm, tắm rửa và chăm sóc cho một cụ già neo đơn. Nó không chỉ dành cho con người mà lòng trắc ẩn nó dành cho tất cả sự vật và sự việc trên đời, đó có thể là hành động đứng lên để bảo vệ cho một thú cưng trung thành, hay dành thời gian để chăm sóc cho một cây hoa đang bị bỏ rơi, hay đơn giản bạn cho đi một cái ôm cho những ai đang bế tắc.. Thiết nghĩ nếu trong những vụ án trên hung thủ biết suy nghĩ một chút, dẹp cái tôi của mình ra một chút, biết bao dung, vị tha đi một chút thì sự việc có lẽ sẽ không phát triển đến mức độ tiêu cực như vậy bởi lẽ càng nghèo con người ta càng khát khao có được sự giàu có thế nhưng đôi lúc những khát khao đó sẽ biết thành tham vọng và dần biết bạn thành con người của tội lỗi.

    ĐỀ 2: Hình tượng người phụ nữ trong 2 bài thơ "thương vợ" Trần Tế Xương và "tự tình" Hồ Xuân Hương.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một con trai xem như có, mười con gái cũng như không) Mới nghe qua hẳn ai trong chúng ta cũng không khỏi phê phán tư tưởng lỗi thời, lạc hậu chứa đựng trong câu nói trên, bởi một lí do đơn giản, chúng ta đang sống trong một xã hội công bằng bình đẳng. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đây là một xã hội phong kiến bất công, khi mà quan niệm kia vẫn còn phổ biến rộng rãi. Đã sinh ra làm kiếp con người, ai mà không phải trải qua những thăng trầm, sóng gió, ai mà không nếm qua những cay đắng trong cuộc sống để rồi mới đạt được tới chân của hạnh phúc. Nhưng xưa kia, khi hạnh phúc đối với người đàn ông bao la rộng lớn bao nhiêu thì với người phụ nữ, người vợ - những người đã hết mình cống hiến cho gia đình, xã hội lại hạn hẹp và thu gọn bấy nhiêu. Những nỗi thống khổ ấy đã có rất nhiều thi sĩ thấu hiểu. Họ gửi lòng cảm thông, trân trọng, tiếc thương sâu sắc của mình qua nhiều tác phẩm và cũng đã rất khéo léo khi xây dựng lên một hình ảnh người phụ nữa Việt Nam đảm đang, không những đẹp về hình thức mà còn rất đẹp về tâm hồn, nhưng phải chịu cuộc đời long đong, lận đận, vất vả, thân phận trôi nổi, bèo bọt với bao oan khiên trước sự vùi dập của xã hội phong kiến.

    Một trong những tác phẩm ấy hẳn phải kể tới "Tự tình (II) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và" Thương vợ "của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương. Trong xã hội phong kiến thối nát và hoang tàn, những người phụ nữ bé nhỏ không được coi trọng, cuộc đời thì long đong lận đận, duyên tình trái ngang, có tài mà không được coi trọng (Hồ Xuân Hương), hay cũng như việc làm của người vợ" bà Tú "ít được cảm thông dù cho quanh năm vất vả. Họ như những con thiêu thân, những con thoi mải miết dệt hoa cho đời không ngừng nghỉ để đổi lấy gì? Chả là gì cả? Họ chỉ đổi được nhiều thọt thòi, nhìu đau khổ bế tắc cho chính mình. Họ cống hiến hết cho cuộc đời mà khồn hề đòi hỏi quyền lợi ngoài tấm lòng cảm thông, chia sẻ và chút hạnh phúc riêng của mình:

    " Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn.

    Trơ cái hồng nhan với nước non "


    Giữa đêm thanh vắng, tiếng trống canh vang lên, xa dần, xa dần, xa dần.. để lại một người phụ nữ ngồi quạnh hiu, đơn lẻ, khung cảnh ấy mới chua xót làm sao! Nửa đêm là thời gian sum họp vợ chồng, là thời điểm của hạnh phúc lứa đôi. Vậy mà lại có 1 người phụ nữ tỉnh dậy vào đúng thời khắc thiêng liêng ấy, hay vì cả đêm người phụ nữ ấy đã không ngủ được. Vì thiếu vắng 1 điều gì đó, vì tâm trạng đang mang nặng một nỗi niềm? Tiếng trống canh âm vang từ xa vọng lại như đang thúc giục thời gian qua mau, gọi đến 1 điều vô cùng đáng sợ đối với 1 người đàn bà vẫn còn thân đơn gối chiếc: Tuổi già - Tuổi già càng đến gần nghĩa là hi vọng càng tuột xa, mọi mong mỏi, khát khao càng trở nên vô vọng. Tiếng trống dồn dập cứ xoáy vào tâm can tác giả, nó âm vang, trong tâm tưởng, âm vang trong suy nghĩ, không tài nào dứt ra được. Dồn dập, hối hả, tiếng trống không chỉ bao trùm lên không gian mà còn lên cả thời gian nữa, và ta tự hỏi, đây có thật là tiếng trống hiện hữu trong đời sống thực tại hay phải chăng đó là tiếng trống cất lên từ tấm lòng thổn thức của tác giả, tiếng trống ám ảnh về 1 bi kịch đang ngày đến gần hơn với bà.

    " Trơ cái hồng nhan với nước non "

    Khi thời gian cứ lướt qua càng lúc càng dồn dập, thì cũng là lúc" cái hồng nhan "ngày một" trơ "ra với đời." Hồng nhan "là một từ dùng để chỉ nhan sắc, chỉ gương mặt xinh đẹp của người phụ nữ. Đó là điều mà bất cứ người phụ nữ nào có được. Cũng phải hết sức tự hào, hết sức coi trọng và nâng niu. Nhưng từ" cái "gắn liền với" hồng nhan "như một hòn đá kéo nặng cả câu thơ xuống, khi đập tan bao nhiêu niềm tự hào, bao nhiêu trân trọng mà biến" hồng nhan "trở thành một thứ đồ vật tầm thường không hơn không kém. Hồng nhan để làm gì khi nửa đêm phải tỉnh giấc, trong cái trống trải lạnh lẽo đến đắng cay? Tác giả ý thức được nhan sắc của mình nhưng cũng ý thức được những bất hạnh và chua xót mà mình đã, đang và sẽ phải nếm trải. Hồng nhan để làm gì khi nó đâu phải là vĩnh cửu mà sẽ nhanh chóng vỡ tan theo từng nhịp trống dồn.

    Và khi nỗi đau lên đến đỉnh điểm, người phụ nữ sẽ trở nên" trơ "ra với" nước non ", với cuộc đời. Từ" trơ "được đảo lên đầu câu nhằm nhấn mạnh sự vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ trước những đớn đau đã trở nên quá quen thuộc. Còn gì đau xót hơn khi những bất hạnh lại trở thành một điều gì đó rất thường tình, cứ đeo đẳng, bám lấy con người ta và thậm chí khiến người ta trở nên nhàm chán, mất hết cảm xúc và trở nên trơ ra như gỗ đá? Chưa hết, từ" trơ "trong câu thơ còn mang một nghĩa khác, một hàm ý cay đắng và chua xót không kém: Trơ trọi. Tác giả nhận thấy mình không có gì cả, không có tình yêu, không có hạnh phúc, chỉ đơn độc, lẻ loi một mình trong cuộc đời này.

    Câu thơ như một lời đay nghiến, mỉa mai chính mình, có hồng nhan mà phải trơ ra như thế. Thật đáng thương cho số phận của nhà thơ, đáng thương cho một kiếp người tài hoa mà bất hạnh. Và cũng thật đáng thương cho những người phụ nữ đương thời bị đè nén, áp bức với những hủ tục phong kiến đến mức xơ xác, héo mòn cả một phận hồng nhan.

    Nhưng, dù đáng thương, chua xót đến mức nào, chúng ta vẫn phải công nhận một" bản lĩnh Xuân Hương "rất đáng nể phục trong hai câu thơ, khi mà" trơ "không chỉ là một sự bẽ bàng hay vô cảm mà còn là thách thức." Trơ "kết hợp với" nước non "và" hồng nhan "đựoc xếp ngang tầm thiên nhiên vũ trụ đã cho ta thấy sự can đảm, dám đương đầu với những gì lớn lao nhất, khó khăn nhất của bà. Đó quả thật là một ý chí đáng nể phục, một bản lĩnh đáng ngưỡng mộ của Hồ Xuân Hương.

    " Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

    Vầng trăng bóng xê khuyết chưa tròn "


    Hồ Xuân Hương uống rượu mà như uống bao giọt sầu giọt tủi, như nuốt từng giọt đắng giọt cay. Chén rượu là chén sầu mà người uống chẳng thể đổ đi đươc mà chỉ có thể lặng lẽ, âm thầm nuốt vào cổ họng, để đau khổ cũng chẳng mất đi đâu mà lại trở lại trong chính tâm trí mình." Say lại tỉnh ". Uống rượu có thể say, nhưng sau cơn say người ta sẽ lại tỉnh. Những lần say và những cơn day ấy cư lối tiếp nhau thành một vòng tuần hoàn nghiệt ngã của số phận. Cố say, cố quên, vậy mà lúc tỉnh dậy thì thấy bao nhiêu dối trá, hững hờ của người đời vẫn còn đó, và nỗi đau khổ, bẽ bàng của mình cũng vẫn còn nguyên. Và ta chợt nhớ một hình ảnh bẽ bàng. Tủi nhục của nàng kiều ngày nào:

    " Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

    Giật mình mình lại thương mình xót xa "


    Trăng vốn là một biểu tượng của hạnh phúc, là hình ảnh đại diện cho cho những ước mơ và hy vọng. Thế nhưng, hạnh phúc của Hồ Xuân Hương cũng như bao người phụ nữ khác lại xót xa đến mức khuyết chưa tròn", một hạnh phúc không hề trọn vẹn, một cuộc đời còn dang dở với những éo le, trắc trở trong tình duyên. Hạnh phúc của bà chỉ như vầng trăng khuyết mà bà không thể biết ngày mai trăng sẽ lại khuết tiếp hay sẽ tròn. Ánh trăng sáng mà lạnh lẽo vô cùng khi ẩn hiện trong nó một nỗi cô đơn, trống vắng. Tuổi xuân của Xuân Hương đang dần mất đi mà tình duyên vẫn không được trọn vẹn. Và sâu thẳm trong tâm trí bà, dù yếu ớt đến đâu vẫn luôn lóe lên một ánh lửa khát khao, hy vọng, không chịu khuất phục mà muốn vùng lên thay đổi cuộc sống của mình. Hai câu thơ tiếp theo đã nói lên điều ấy:

    "Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.."


    Bà không buông xuôi, không đầu hàng mà luôn cố gắng tìm cách để thay đổi vận mệnh, cho dù những cố gắng đó mới chỉ dừng lại trong suy nghĩ. Những uất hận ây bị đè nén, gò ép trong lòng bà đến không chịu nổi chỉ chực vỡ òa ra, bà khao khát muốn đạp tung tất cả, muốn lật đổ mọi thứ, muốn tự do biết nhường nào. Nhưng dù sao, bà vẫn chỉ là một người phụ nữ phong kiến, một thân phận nữ nhi cô độc, dù phá phách, dù nổi loạn đến đâu thì tất cả vẫn chỉ kết thúc trong giới hạn ngôn từ. Bà không thể làm gì hơn được nữa.. Thế nhưng, những vần thơ cuối bài lại là một mạch cảm xúc hoàn toàn mới, nêu lên một chân lí mới dù cho vẫn còn chứa đựng biết bao đau thương:

    Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

    Mảnh tình san sẻ tí con con.. "


    Những khát khao, vùng vẫy, nổi loạn cuối cùng cũng đã bị dập tắt trong sự chán chường, bất lực. Hồ Xuân Hương đã không thể vượt khỏi thân phận mình, vị thế nhỏ nhoi cô độc của mình trong xã hội. Kết thúc bài thơ là một sự cam chịu được. Thốt lên trong một tiếng thở dài ngao ngán. Bà đã phát ngán, đã chán lắm rồi cái vòng xoáy luẩn quẩn của số phận. Càng cố bao nhiêu thì càng thất bại bấy nhiêu, hi vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn, càng chua xót. Bà chán ghét số phận hẩm hiu của mình, chán ghét vòng tình duyên ngang trái luôn đeo đẳng, chán ghét hạnh phúc ít ỏi đến nỗi gần như không tồn tại.

    " Mảnh tình ", một cụm từ mang nặng nỗi trớ trêu của số phận. Tình yêu vốn là một điều gì đó thật cao cả thiên nhiên, nhưng tình yêu của Hồ Xuân Hương lại như một mảnh vỡ nhỏ bé được sẻ ra từ hạnh phúc của người khác. Tình yêu của bà rẻ mạt như một sự bố thí, như một thứ đồ vật đã qua sử dụng người ta vứt lại cho bà. Đau xót biết mấy, khi" mảnh tình "lại là một thứ được chia năm sẻ bảy mà bà chỉ được nhận duy nhất một mảnh" tí con con ". Hạnh phúc ấy chẳng những không trọn vẹn mà còn nhỏ bé, ít ỏi đến mức tội nghiệp. Tình duyên như thế thì có để làm gì, chỉ càng thêm tủi nhục đắng cay? Ấy thế mà, dù bị lãng quên, người phụ nữ không bao giờ tuyệt vọng, đặt một dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Họ vẫn vẫn khao khát sống mạnh mẽ, ước ao hạnh phúc tròn đầy. Ý niệm ấy thật đáng trân trọng và cao đẹp làm sao!

    Trải qua tác phẩm Tự tình 2 thấm đượm nỗi chua xót, đắng cay trong cuộc đời người phụ nữ của Hồ Xuân Hương, có lẽ bài thơ:" Thương vợ "của Trần Tế Xương được coi là chân dung hoàn chỉnh nhất về hình ảnh người phụ nữ VN trong xã hội phong kiến, cam chịu số phận, vượt qua đắng cay để lo toan, gánh vác việc gia đình. Và phải nói rằng, tình thương vợ sâu nặng của Trần Tế Xương thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả, gian lao, và phẩm chất cao đẹp của người vợ:

    " Quanh năm buôn bán ở mom sông

    Nuôi đủ 5 con với một chồng "


    Ngày xưa, theo nho giáo, người phụ nữ có bổn phận thờ chồng, nuôi con. Nhưng thờ chồng với bà bao hàm cả việc nuôi chồng, mặc dù đúng ra, người đàn ông là người trụ cột trong gia đình về mọi mặt. Thương bà tú biết bao nhiêu khi bà xuất thân từ một gia đình gia giáo, khá giả, khi ở với cha mẹ, bà không phải chịu cảnh một nắng 2 sương, vất vả sớm hôm. Làm vợ ông Tú lận đận đường khoa thi cử, không nghề nghiệp nên bà đành chấp nhận cảnh sống long đong, cơ cực, nuôi chồng, nuôi con.

    " Quah năm "là suốt cả năm. Không trừ ngày nào dù mưa hay nắng, quanh năm còn là năm này tiếp năm khác đến rã rời, mệt mỏi chứ đâu phải là 1 năm. Địa điểm bà tú buôn bán là mom sông, như bối cảnh hiện lên hình ảnh bà tú tần tảo, tất bật ngược xuôi, không kể tới gian nan, nguy hiểm đang rình rập để nuôi đủ năm con với một chồng". Từ đó có thể thấy: Cuộc sống vất vả, gian truân càng ngời lên phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ mà bà Tú là một ví dụ điển hình. Bà thực là người phụ nữ đảm đang, tháo vát khi nuôi đủ cả con, cả chồng, đảm bảo đến mức:

    "Cơm hai nửa" : Cá kho, rau muống

    Quà một chiều: Khoai lang, lúc ngô "


    (Thầy đồ dạy học)

    Thế nhưng để đạt được những điều đó, bà tú đã phải cố gắng, phải lo rất nhiều, làm rất nhiều, nhẫn nhịn cũng rất nhiều:

    " Lặn lội thân cò khi quãng vắng

    Eo sèo mặt nước buổi đò đông "


    Thấm thía nỗi gian lao của vợ, Tú Xương mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà Tú đầy tội nghiệp, không biết tự lúc nào đã hóa thành thân cò để lặn lội nơi sông nước, eo sèo nơi quãng vắng thưa người, gợi lên một nỗi đau thân phận không riêng của bà Tú mà là của biết bao người phụ nữ trong xã hội đương thời.

    Trong ca dao người mẹ từng dặn con:

    " Con ơi nhớ lấy câu này,

    Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua "


    " Buổi đò đông "không chỉ có lời phàn nàn, cáu gắt, những sự chen lấn xô đẩy mà còn chứa đựng đầy bất trắc hiểm nguy. Tất cả đó đã làm nổi bật lên hình ảnh bà Tú đã vất vả, đơn chiếc lại thêm sự bươn chải trong làm ăn. Vậy mà bà chẳng dám buông lấy một lời kể lể, thở than:

    " Một duyên hai nợ âu đành phận,

    Năm nắng mười mưa dám quản công "


    Như vậy có thể nói bà Tú đã chấp nhận, đã thuận theo lòng trời, hay nói đúng hơn, buộc phải chấp nhận, thuận theo lòng người, bởi lẽ bà là người phụ nữ đảm đang, nhưng cũng rất mực thủy chung. Bà châp nhận cuộc hôn nhân duyên nợ này, cũng như chấp nhận một ông đồ nho ngông:

    " Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy "

    Và bà cũng đã chấp nhận nuôi chồng, nuôi con. Còn nhà thơ thì chỉ biết tự trách mình:

    " Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

    Có chồng hờ hững cũng như không "


    Ở cái thời mà xã hội đã có luật không thành văn bản đối với người phụ nữ" xuất giá tòng phu "(lấy chồng theo chồng), đối với mối quan hệ vợ chồng thì" phụ xương, phụ tùy "(chồng nói vợ theo), thế mà có 1 nhà nho giám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám tự nhận mình là" quân ăn lương vợ "," ăn ở bạc". Không những đã biết nhận ra thiếu sót mà còn dám tự nhận khuyết điểm. Một con người như thế chẳng đẹp lắm hay sao?

    Như vậy, nói rằng bà Tú là hình ảnh rõ ràng nhất cho người phụ nữ trong xã hội VN đương thời quả không sai, bởi lẽ thân phận người phụ nữ giai đoạn này là sự éo le, trắc trở, khổ cực nhưng không có lấy một sự cảm thông, chia sẻ từ chồng, từ con.

    Ta thấy, 2 bài thơ trên thật là những vần thơ đáng quý của Văn Học VN trung đại. Qua những vần thơ ấy, hình ảnh người phụ nữ VN xưa kia hiện lên thật rõ nét, thật đẹp đẽ, cao quí nhưng chứa đựng đầy chua xót, đắng cay. Tất cả đều nói chung về thân phận bé nhỏ, số phận chìm nổi, bèo bọt, bị lệ thuộc vào XH của người phụ nữ xưa kia. Phải nói, Hồ Xuân Hương va Trần Tế Xương đã đóng góp không nhỏ vào tiếng nói, tiếng khóc chung để đòi quyền sống, quyền tự do, hạnh phúc cho 1 nửa nhân loại, những con người gánh vác trọng trách duy sự sống loài người trên trái đất.

    Từ đó, ta có thể khẳng định rằng: Vai trò, vị thế của nguời phụ nữ XH ngày càng nâng cao và có đóng góp ngày 1 lớn cho sự phát triển chung trên mọi lĩnh vực. Song, không phải đến bây giờ, giá trị người phụ nữ mới được bộc lộ và tỏa sáng. Nếu nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ngay cả trong những thời kì đen tối của chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ, người phụ nữ cả 1 đời bị ràng buộc bởi biết bao lễ giáo và định kiến khắc nghiệt, họ vẫn là những viên ngọc sáng lấp lánh trong con mắt dân gian.
    [/BOOK]
     
    Julian, AlissaAki Re thích bài này.
  7. Hoa Mộc Du

    Bài viết:
    82
    Tên 4r: @Tiêu Chiến

    Đề 1: Điều bản thân cho là quan trọng nhất

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Thanh xuân như một cơn mưa rào

    Dù cho có bị cảm thì bạn vẫn muốn đắm chìm trong cơn mưa ấy một lần nữa"

    Tuổi thanh xuân (tuổi trẻ) chính là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta đều biết thời gian chính là thứ duy nhất không thể níu giữ được, và thời gian của tuổi trẻ nếu đã trôi qua rồi thì luôn luôn để lại bao nuối tiếc. Chính vì vậy, tôi nghĩ khi tuổi trẻ của chúng ta còn đang căng đầy sức sống thì mỗi người nên biết trân trọng từng phút, từng giây. Chúng ta hãy sống một cách có ý nghĩa, làm những việc đúng đắn nhưng không gò bó, cháy hết mình với những khát khao và đam mê bản thân ấp ủ.

    Có câu: "Thanh xuân như một tách trà.. hết bà thanh xuân"

    Ba chấm của câu là giành cho bạn, những lựa chọn của bạn sẽ quyết định đến cuộc đời và tương lại của bạn có tươi sáng, đẹp đẽ hay không? Thanh xuân là trang giấy chứa đầy cơ hội, viết đầy những kỉ niệm ý nghĩa. Khi bạn nâng niu nó thì tự khắc nó sẽ trở nên thật lộng lẫy, đẹp xinh. Đừng thấy áp lực quá lớn bởi những khó khăn vì bạn không cần phải là chiếc lá non đầu cành mà chỉ cần là chiếc rễ nhỏ bám sâu vào đất vững mạnh, bền chắc. Không cần giống một ai cả hãy là chính bạn. Tuổi trẻ hôm nay chính là tương lai sau này. Biết quý trọng thanh xuân là biết quý trọng những tháng ngày tươi đẹp.

    Đề 2: Vẻ đẹp hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua hai bài thơ "Tự Tình" của Hồ Xuân Hương và "Thương Vợ" của Trần Tế Xương

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, hiền dịu. Phụ nữ Việt Nam son sắc, tần tảo, bao dung. Hình tượng người phụ nữ Việt từ trước đến nay luôn luôn đẹp đẽ, tinh khiết như đóa bạch liên. Nhưng từ xưa, trong cái xã hội phong kiến khắc nghiệt với những lễ giáo gò bó, bất công, số phận người phụ nữ thật eo sèo, mong manh. Họ không có quyền làm chủ cuộc đời, luôn phải chịu những định kiến cùng bất công. Và thật sâu sắc khi hai nhà thơ nỗi tiếng "Hồ Xuân Hương" và "Trần Tế Xương" đã thật khéo léo khi thể hiện rõ nét thân phận người phụ nữ trong hai tác phẩm "Tự Tình" và "Thương Vợ".

    Trong "Tự Tình" bao tâm sự ẩn chứa được bộc bạch một cách chân thành, một người phụ nữ khao khát cái hạnh phúc mong manh, một tâm hồn đầy sức sống, yêu đời nhưng lại chịu điều bất hạnh.

    Còn đối với "Thương vợ" một bài thơ bình dị như tiếng nói đời thường. Bài thơ khắc họa hình ảnh người vợ chịu bao vất vả, gian truân, một người chịu thương chịu khó, hy sinh thầm lặng cho gia đình.

    Cả hai bài thơ đều vẻ lên nét đẹp thuần khiết của người phụ nữ. Họ đều là hồng nhan, nhưng phận lại bạc như vôi. Những bất công của xã hội, cùng với những định kiến phong kiến đã vùi dập và kéo họ xuống đáy bùn. Vì vậy trong tiềm thức của họ luôn bùng cháy lên khát vọng sống vui vẻ, hạnh phúc, được vươn lên đón ánh nắng của mặt trời.

    Hai tác phẩm nói về hai số phận nhưng chung một giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là giá trị về vẻ đẹp người phụ nữ cùng với sự tố cáo, lên án một cách mạnh mẽ nhưng tinh tế về cái xã hộ mục nát, nghèo nàn. Đồng thời là lời kêu gọi sự yêu thương, nâng niu, che chở đối với người phụ nữ.
     
    Aki Re, JulianAlissa thích bài này.
  8. Ngọc Linh Linh

    Bài viết:
    9
    Tên 4r: @Ngọc Linh Linh

    Đề 1: Suy nghĩ về một điều bản thân cho là quan trọng nhất

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có rất nhiều người hỏi điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Câu hỏi tưởng như khó nhưng lại vô cùng dễ trả lời. Vì nó phụ thuộc vào chính bạn. Nếu bạn hỏi một người nghèo đang thất nghiệp thì hẳn công việc là quan trọng với họ nhất. Nếu bạn hỏi một người mẹ đẻ non thì thời gian chính là thứ quan trọng lúc này đối với người mẹ ấy. Còn nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng gia đình là quan trọng nhất đối với tôi. Có thể đối với một số người là không nhưng đa số mọi người vẫn cho rằng gia đình là quan trọng nhất. Vì tất cả mọi thứ chúng ta có được đều nhờ gia đình luôn bên cạnh. Nếu không có gia đình thì có thể chúng ta đã gục ngã từ lâu, nếu không có gia đình ta sẽ hiểu được hạnh phúc thực sự là gì. Gia đình chính là nơi ta có thể dựa vào mỗi lúc buồn, là nơi ta chia sẻ niềm vui và là nơi vỗ về ta sau những chuyến đi dài mệt mỏi. Đó hẳn là món quà tuyệt vời nhất, là bến đỗ bình yên nhất trong trái tim mỗi người. Thật chẳng khoa trương khi nói rằng gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng ấm êm và hạnh phúc, rất nhiều gia đình bất hạnh khiến những người ngoài cuộc như chúng ta cũng cảm thấy xót xa và đau lòng. Nhưng dù có nói như nào đi chăng nữa thì gia đình vẫn luôn quan trọng với chúng ta. Như Euripides đã từng nói "Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận."

    Đề 2: Vẻ đẹp hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua hai bài thơ "Thương vợ" - Trần Tế Xương và "Tự tình" - Hồ Xuân Hương.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong nền thơ ca muôn màu muôn vẻ của Việt Nam ta, có lẽ hình tượng người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở của các thi nhân, thi sĩ tài hoa. Dưới những ngòi bút tinh tế và độc đáo ấy, vẻ đẹp của người phụ lại càng sâu sắc và đi vào thơ ca một cách thơ mộng. Điển hình cho vẻ đẹp ấy là "Thương vợ" của Trần Tế Xương và "Tự Tình" của Hồ Xuân Hương. Tuy ở mỗi tác phẩm, ở mỗi ngòi bút có sự thể hiện khác nhau nhưng cả hai vẫn chan chứa đầy sự đồng cảm, tình yêu thương dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa và cho thấy rõ vẻ đẹp của những thân phận phụ nữ ấy. Với "Thương vợ" ta thấy rõ những vẻ đẹp trong cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ. Một người phụ nữ vốn là "con gái nhà dòng" như thế nhưng vẫn "xông pha", lặn lội cực khổ vì chồng vì con. Rõ ràng bà là một người vợ, một người mẹ đảm đang, tần tảo. Dù "năm nắng mười mưa" ấy vậy mà bà vẫn thầm lặng hi sinh. Bà ý thức được sự cực nhọc ấy nhưng vẫn không một lời oán thán, vì vậy ta lại càng thấy sự bao dung, vị tha của bà nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung. Có thể nói "Thương vợ" được Trần Tế Xương thổi hồn bằng ngôn ngữ thơ bình dị. Ông đã khắc họa rõ nét và sống động hình ảnh người vợ tảo tần với những phẩm chất điển hình của người phụ nữ Việt Nam: Đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu Đức hi sinh và giàu lòng vị tha. Đằng sau tiếng thơ là tiếng lòng tri ân trân trọng, cảm thông đồng thời là nỗi day dứt khôn nguôi của nhà thơ đối với người vợ thảo hiền. Nếu như với Thương vợ ta cảm phục đức hi sinh, sự tần tảo vì chồng vì con của bà Tú, đồng lòng với sự thấu hiểu, sẻ chia, tri ân của Tú Xương dành cho vợ thì đọc Tự tình ta thật sự cảm động trước hoàn cảnh éo le, ngang trái, với lời than thân trách phận và khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ. Cũng là ngôn ngữ tự nhiên nhưng sắc sảo giản dị mà đa nghĩa. Nhưng vẻ đẹp của người phụ nữ ở đây không còn là sự hi sinh thầm lặng nữa mà là vẻ đẹp của sự nhận thức về thân phận và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Nhân vật trữ tình của Hồ Xuân Hương một mình ôm lấy tâm trạng cô đơn, sầu tủi, bẽ bàng. Không có được cái vất vả "quanh năm buôn bán" của bà Tú, tuy cực nhọc nhưng đổi lại là sự biết ơn, trân trọng từ người chồng, người phụ nữ ở đât tuy cũng "hồng nhan" nhưng dường như quanh năm vẫn gắn bó với sự cô độc, lẻ loi. Người phụ nữ nhỏ bé là thế mà sao phải chịu nhiều đau khổ tột cùng và phải phản kháng ngay trong lúc đau thương? Một người có cá tính mạnh mẽ như Hồ Xuân Hương mà cũng rơi vào sự bế tắc, buông xuôi thì liệu xã hội phong kiến sẽ còn tồn tại biết bao nhiêu sự bế tắc, buông xuôi xót xa và đầy đau đớn như thế nữa? Cùng khắc họa hình tượng người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, Trần Tế Xương và Hồ Xuân Hương đã lựa chọn những hình ảnh hết sức đặc sắc, tiêu biểu, điển hình. Ở bà Tú có sự chịu thương chịu khó, đức hi sinh thầm lặng đáng ngợi ca còn ở người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương là nỗi đau đớn cho tình duyên vỡ lở, khát vọng hạnh phúc không thành. Bà Tú còn có sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia của ông Tú nhưng người phụ nữ trong Tự tìng chỉ có một mình đối diện với chính mình, tự thương lấy chính mình. Cả hai bài thơ Tự tình và Thương vợ đều là hai tác phẩm rất thành công viết về người phụ nữ. Mỗi bài thơ một đôi mắt, một cây bút nhưng đều để lại cho chúng ta những ấn tượng, những rung cảm sâu sắc.
     
    Aki ReJulian thích bài này.
  9. Dương Lang

    Bài viết:
    85
    - Tên 4r: Dương Lang

    1. Viết một đoạn văn khoảng 200 từ nói lên suy nghĩ về một điều mà bạn cho là quan trọng nhất trong cuộc sống.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Điều quan trọng nhất, có lẽ là có, nhưng tôi hơi tham lam, nhiều cái nhất lắm, không kể hết được!

    Hiện tại hiện ra trong đầu là sự thoải mái, một điều tôi yêu hơn cả sự tự do.

    Thoải mái dành cho bản thân, đó là thoải mái khi kết bạn, có thể hòa đồng nhưng không đánh mất cái tôi, đứng ở góc độ của người khác để nhìn nhận vấn đề nhưng không phớt lờ cảm nhận cá nhân, thuận theo duyên đi duyên đến, không tiếc nuối, không quỵ lụy, trong lòng luôn tồn tại một bầu trời xanh trong veo, có gió mát nắng ấm, ngồi góc sân vườn hoa nở với một cuốn sách hay một tách trà lài thơm thoảng khói, có thể ngủ gật lúc nào không hay vì thoải mái.

    Thoải mái với công việc, làm việc mình thích, cố gắng sẽ được đáp đền, trân trọng công sức người khác tự hào nỗ lực bản thân, kính trên nhường dưới, giữ khoảng trời riêng tư cho người cho ta, cố gắng hết mình tạo ra thế win-win.

    Thoải mái cho gia đình, giải quyết nhu cầu vật chất cuộc sống, trong ấm ngoài êm, các thành viên khỏe mạnh vui đời

    Thoải mái trong tình yêu, cảm giác bên nhau quan trọng nhất là thoải mái, quên đi mọi rào cản: Ngoại hình, tính cách, tiền bạc..

    * * *

    2. Vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua hai bài thơ "Tự tình - Hồ Xuân Hương" và "Thương vợ - Trần Tế Xương".

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hai bài thơ "Tự tình" - Hồ Xuân Hương và "Thương vợ" - Trần Tế Xương khá quen thuộc với mọi người, rất nhiều bài văn đã tiến hành phân tích mổ xẻ cặn kẽ, nên ở đây tôi chỉ đưa một số cảm nhận chủ quan của mình về chúng.

    Hai bài đều nói đến hình tượng người phụ nữ thời còn "phong kiến" và chưa được hưởng quyền bình đẳng, đều là thơ trữ tình và trào phúng, nếu "Tự tình" là tâm sự của tầng lớp "thượng lưu", là quý phụ "khuê các" thời bấy giờ thì "Thương vợ" có phần bình dân hóa, gần gũi với cuộc sống hơn, là người vợ tần tảo sớm chiều.

    Ở "Tự tình" xuất hiện hình tượng người phụ nữ rất đẹp, "đài các" với đất trời con người đều phủ lên một nét thi ca mượt mà: "Trống canh", "hồng nhan", "nước non", "chén rượu hương đưa", "vầng trăng bóng xế".. bóng hồng đang hao mòn năm tháng vì cuộc sống lẽ mọn, không phải mặt vật chất, tinh thần mới là cái giày vò người phụ nữ, là cái hạnh phúc mà người phụ nữ hướng tới, khát khao.

    Ở "Thương vợ" một người phụ nữ cũng rất đẹp, nhưng là nét đẹp lam lũ, ngày nắng đêm mưa bôn ba kiếm sống vì chồng con, cái khổ ở đây thiên về vật chất nhiều hơn, tuy tinh thần cũng phẫn nộ bất bình người chồng, nhưng đây là sự thổ lộ tâm trạng người chồng dành cho vợ mình, sự ăn năn ray rứt của ông chồng khiến cho sự hi sinh của người vợ trở nên xứng đáng phần nào.

    Ở "Tự tình" đó chỉ là thổn thức nỗi lòng của chính người phụ nữ, còn ở "Thương vợ" sự xuất hiện bóng người đàn ông thay người phụ nữ nói lên nỗi lòng của mình, tuy đều trữ tình trào phúng, nhưng tình cảm có sự đồng cảm cả hai bao giờ cũng tốt hơn nỗi cô đơn bóng chiếc.

    Mặc dù khi phân tích thơ phải đặt mình vào tiền đề bối cảnh bài thơ thì mới chính xác, nhưng quan niệm đạo đức lâu đời ăn sâu trong người, khi đã làm lẽ, có nghĩa là người phụ nữ đã chấp nhận thân phận chia chồng với người khác, vì bất cứ lý do gì, có thể người phụ nữ đó có một lý do chính đáng, do mai mối, do phong tục hồi đó được chấp nhận đàn ông năm thê bảy thiếp.. tuy nhiên, "danh không chính, ngôn không thuận", cái khổ được tạo ra do bạn đưa ra lựa chọn sai lầm, bạn có thể than thân trách phận, nhưng bạn có trách nhiệm gánh vác và chấp nhận nó, nếu bạn không chấp nhận thì bạn hãy thay đổi nó!

    Cũng như sự phân tích ở trên, "Thương vợ" có sự đồng cảm của người trong cuộc, còn "Tự tình" thì không, ta có thể hi vọng ở đậu đó đang một bài thơ ghi tay của ông chồng "Bà chúa thơ Nôm" chưa được phát hiện, để bức tranh trữ tình của bà trở nên trọn vẹn.

    Trữ tình tuy hay và lãng mạn, nhưng một kết thúc viên mãn mới thật sự là một món "canh ngọt" ưa chuộng của cuộc đời tươi đẹp.

    Trên đây là một số ý kiến khi tôi đọc hai bài thơ này, có thể hơi trái ngược với suy nghĩ của một số người, cũng không phù hợp khi bình phẩm các tác phẩm thơ văn hay, nhưng tôi thích nhìn sự việc ở một góc độ riêng, một chút phá cách, hi vọng bạn sẽ yêu thích!
     
    Aki Re, JulianYuukirito Trịnh thích bài này.
  10. - Tên 4r: @Tử Liên Thiên Nữ

    Đề 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cuộc sống của mỗi chúng ta luôn có muôn vàn những sắc màu khác nhau, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai cũng đều như vậy. Nếu quá khứ có màu đen, hiện tại là màu hồng thì tương lai sẽ là một bóng trắng mù mịt. Trong quá khứ ấy, sẽ có những đau khổ, những nỗi niềm mà chúng ta luôn cất giấu riêng cho chính mình, một cái gì đó chỉ của riêng chúng ta, níu lấy tâm trí mỗi người và khiến người đó cứ quẩn quanh mãi trong vòng tròn của kí ức. Như vậy, mỗi chúng ta cần phải biết vượt qua quá khứ, có như vậy, chúng ta mới không bị dày vò thêm nữa. Nếu con người chúng ta cứ mãi mãi quanh quẩn trong vòng quá khứ, mọi cơ hội lẫn thành công đều sẽ không đến với bất kì một ai như vậy. Kẻ chỉ biết giấu mình sau lớp vỏ bọc của quá khứ chỉ là những kẻ nhát gan và thất bại. Họ không xứng đáng nhận được thành công hay bất kì hạnh phúc nào. Quá khứ cũng giống như một con dao hai lưỡi vậy, cưu mang con người, giúp họ có niềm vui nhưng cũng đẩy họ xuống tận cùng. Ngược lại, những người biết lấy quá khứ làm bàn đạp để vươn lên sẽ là những người đứng trên kẻ khác. Vậy, biết vượt qua quá khứ, con người sẽ không bị nó dày vò thêm nữa.

    Đề 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Thân em như tấm lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai."

    Đã từ lâu, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa đã xuất hiện nhiều qua ca dao, tục ngữ với những vẻ đẹp, hình tượng khác nhau. Nhưng ở họ đều có chung đức tính truyền thống đẹp đẽ mà dân tộc VN đã tích lũy được qua hàng ngàn năm lao động và đấu tranh. Hình ảnh đó cũng được thể hiện rất tài tình qua hai bài thơ "Tự tình 2" của Hồ Xuân Hương và "Thương vợ" của Trần Tế Xương.

    Người phụ nữ là hình tượng, đề tài được nhiều nhà thơ, nhà văn chọn làm nguồn cảm hứng sáng tác. Trong các tác phẩm người phụ nữ luôn mang đậm vẻ đẹp đậm chất người Đông Á. Một vẻ đẹp thuần túy, nhẹ nhàng, thanh nhã đồng thời cũng vô cùng sắc sảo. Đặc biệt, vẻ đẹp ấy còn được thể hiện qua hai tác phẩm trữ tình vô cùng xuất sắc của 2 thi nhân trong xã hội phong kiến Việt Nam. Ngoài vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương mang đậm sự cam chịu về số phận hẩm hiu của người phụ nữ, đồng thời cũng nói lên vẻ đẹp của họ:

    "Trơ cái hồng nhan với nước non"

    Người phụ nữ luôn được mang ra so sánh, ví von với những loài hoa đẹp. Thế nên, điều đầu tiên ta thấy ở người phụ nữ mọi thời đại nói chung và phụ nữ nói riêng là họ đẹp. "Hồng nhan" là một từ Hán Việt dùng để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương đã rất khéo léo thể hiện cho người đọc thấy một vẻ đẹp mặn mà đồng thời cũng vô cùng nhẹ nhàng, thanh tú. Không chỉ trong "Tự tình 2" ta mới thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ mà bà Tú- vợ của Tú Xương trong "Thương vợ" cũng được khắc họa nên 1 vẻ đẹp không hề thua kém. Bà được sinh ra trong gia đình gia giáo, không phải danh gia vọng tộc nhưng cũng là khuê nữ vang danh 1 vùng. Hay phải kể đến những nữ nhân tài sắc song toàn như Thúy Kiều, Thúy Vân hay Vũ Nương_Vũ Thị Thiết.. Các tác giả đã rất khéo léo sử dụng những ngôn từ tinh tế để vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh người phụ nữ "đẹp người- đẹp nết". Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ trong thơ văn đồng thời cũng là đại diện cho nhan sắc, dung mạo của người phụ nữ Việt Nam.

    Luôn song hành cùng vẻ đẹp về ngoại hình là những phẩm chất, tâm hồn cao quý của người phụ nữ Việt Nam. "Hạnh phúc" là điều mà mọi người phụ nữ luôn mong muốn được tận hưởng ít nhất một lần trong đời. Nhưng trong "Tự tình (II)" Hồ Xuân Hương lại vén lên bức màn bi kịch của cuộc đời bà cũng như của một bộ phận người phụ nữ phong kiến xưa:

    "Chén rượu đưa hương say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"

    "Chén rượu" như là một vật chứa những uất ức, tủi hờn của cuộc đời bà. "Rượu" là một chất kích thích tâm trí của con người, tâm thảm của con người đến một khoảng trống của kí ức, dẫn họ đến sự vô thức, mất kiểm soát. Hồ Xuân Hương muốn mượn rượu để quên đi hết những uất hận trong đời bà. Nhưng "say rồi lại tỉnh", muốn say, muốn quên đi cũng không được. Đời người con gái đã trôi qua một nửa "bóng xế" nhưng chỉ một lần được hưởng những hạnh phúc nhỏ nhoi thôi cũng không được "khuyết chưa tròn". Mặc dù vậy, trong họ vẫn luôn cháy rực ngọn lửa khát khao về hạnh phúc. Bà Tú trong "Thương vợ" mặc dù làm việc vất vả để: "Nuôi đủ năm con với một chồng" nhưng bà vẫn không từ bỏ. Sao bà có thể làm như vậy? Vì bà yêu chồng, thương con, thấu hiểu gia đình và hơn hết trong bà vẫn tồn tại ngọn lửa hạnh phúc thúc đẩy. Tựa như Thúy Kiều, người con gái đã bất chấp vượt qua các lễ giáo phong kiến để yêu Kim Trọng và được yêu. Người phụ nữ Việt Nam còn nổi tiếng với phẩm cách đảm đang, thủy chung, luôn yêu thương chồng con:

    "Lận đận thân cò khi quãng vắng

    Eo sèo mặt nước buổi đò đông"

    "Lận đận" là mọt từ láy vần thể hiện sự vất vả, khó nhọc, bấp bênh của cuộc đời bà Tú. Hình ảnh "con cò" để ám chỉ người phụ nữ, cuộc đời và số phận của họ. Những người phụ nữ đó luôn phải gánh trên vai những áp lực vô hình, những khó khăn, khổ cực của cuộc sống. Bằng biệm pháp nghệ thuật đảo ngữ, điệp cấu trúc, linh hoạt sử dụng các từ láy âm, Tú Xương đã khơi gợi lên hình ảnh một người mẹ hiền, vợ đảm đang qua hình ảnh bà Tú cực nhọc, vất vả, tần tảo. Khác với "Tự tình", ta lại thấy thêm được hình ảnh người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ:

    "Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám

    Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn"

    Bà quyết liệt, không run sợ, chống trọi với số phận, dòng đời đầy rẫy những cay nghiệt. Bằng cách sử dụng biện pháp nghệ thuật tinh tế, gãy gọn, các tác giả đã cho người đọc thấy được chân dung rõ nét về cuộc đời, con người, phẩm cách của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến với những hủ tục bảo thủ lúc bấy giờ.

    Nhắc đến phụ nữ phong kiến xưa ta sẽ nghĩ đến hai từ "đẹp-khổ". Họ đảm đang, xinh đẹp là thế nhưng lại phải chịu số phận bấp bênh, nghiệt ngã, những thiệt thòi, bất hạnh. Dường như cứ đẹp là phải gánh chịu cuộc sống bất công, hẩm hiu không được hạnh phúc như người xưa đã nói: "Hồng nhan thì bạc phận.". Nó như là một quy luật tự nhiên, tất yếu trong xã hội xưa. Hình ảnh người phụ nữ trong hai tác phẩm "Tự tình 2" và "Thương vợ" đã cho người đọc thấu hiểu một xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ và những bi kịch trớ trêu ngang trái. Đồng thời cũng nói lên sự xót thương, thấu hiểu và trân trọng người phụ nữ của tác giả- những con người có trái tim lớn có thể bao dung tâm hồn của người khác.

    Là một người phụ nữ ta cần phải thấu hiểu, trân trọng và thương yêu những người phụ nữ khác. Trân trọng cuộc sống hiện tại của bản thân mình. Đồng thời cũng phải biết đấu tranh để đòi lại những quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng. Biết hi sinh nhưng phải hiểu được mình hi sinh vì cái gì. Không hi sinh hay làm bất cứ việc gì một cách mù quáng. Hiểu và tôn trọng chính bản thân mình, sống có mục đích.

    Tóm lại, qua hai tác phẩm "Tự tình 2" và "Thương vợ" đã khắc gợi lên hình ảnh và cuộc sống của người phụ nữ xưa. Đồng thời cũng là một vẻ đẹp khiến người khác muốn nâng niu trong lòng mà yêu thương.
     
    Aki ReJulian thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười 2019
Từ Khóa:
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...