Việt Nam Giai Thoại - Nguyễn Khắc Thuần

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Mạc Hồng Viên, 26 Tháng mười một 2018.

  1. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 39:

    TRẦN MINH TÔNG DẠY HOÀNG TỬ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trần Minh Tông húy là Mạnh, được vua cha là Trần Anh Tông truyền ngôi năm 1314, ở ngôi vua 15 năm, nhường ngôi cho con là Thái tử Vượng (tức vua Trần Hiến Tông sau này) năm 1329 để làm Thái thượng hoàng 28 năm, mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), thọ 58 tuổi.

    Bình sinh, Thượng hoàng Trần Minh Tông thường hay lấy gương tốt, xấu của bề tôi các đời vua trước và lấy ngay nếp sống thanh đạm của chính mình để dạy các vị Hoàng tử. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 9, tờ 27 và 28) chép rằng:

    "Sau khi đã nhường ngôi, Thượng hoàng lui về ở hành cung phủ Thiên Trường, mỗi khi các Hoàng tử vào chầu, Thượng hoàng thường bình luận đến nhân vật bản triều. Uy Túc Vương Văn Bích nói:

    - Phàm bình luận nhân vật để dạy Hoàng tử, chỉ nên nói đến việc của người hay, còn việc người dở, hãy gạt bỏ đi, không nên nói để cho người nghe bắt chước.

    Thượng hoàng nói:

    - Việc làm của kẻ hay, người dở đều nên bàn đến cả, không thể gác bỏ thiên lệch được. Nếu con ta quả là người hiền thì nghe việc hay tất nghe mà bắt chước, nghe việc dở tất ghét mà tránh đi. Thế thì, kẻ hay, người dở đều có thể làm gương cả. Nếu con ta quả không hiền thì cứ gì phải thấy việc dở rồi sau mới bắt chước. Cứ xem như Thái Khang (vua thất đức của nhà Hạ, sau bị Hậu Nghệ đuổi đi - ND) là kẻ hôn quân, thì có phải vì ông vua đời trước chơi bời luông tuồng mà Thái Khang bắt chước đâu? Dưỡng Đế nhà Tùy, miệng nói việc của Nghiêu, Thuấn mà làm thì bạo ngược hơn Kiệt, Trụ, thế có phải thấy người hay mà bắt chước được đâu?

    Uy Túc Vương nghe nói, cúi đầu tạ tội.

    Một hôm, Thượng hoàng mời Huệ Túc Vương là Đại Niên vào tẩm điện (nơi ăn ngủ của vua - ND), bảo ngồi chơi. Thượng hoàng ăn cơm chay. Huệ Túc Vương vốn tính hay bài bác đạo Phật và đạo Lão, nhân đó nói rằng:

    - Thần không biết ăn chay có lợi ích gì?

    Thượng hoàng dụ bảo:

    - Ông cha ngày trước ăn chay nên ta cũng bắt chước, còn như bảo rằng ăn chay có ích lợi hay không thì ta không biết.

    Huệ Túc Vương lặng lẽ lui ra.

    Lời bàn:

    Dạy con, trước phải hiểu con. Minh Tông hiểu con mình cũng là hàng hiền nhân quân tử nên mới bạo dạn đem hết việc hay dở của người xưa ra bàn. Đã bàn thì phải tin ở người nghe. Uy Túc Vương Văn Bích là bậc vương giả mà thiếu hẳn niềm tin ở các bậc vương giả, cúi đầu tạ tội là phải lắm.

    Huệ Túc Vương bài bác việc ăn chay, nào biết bữa cơm chay của Thượng hoàng chẳng phải tình cờ mà Huệ Túc Vương thấy được. Hẳn là khi biết mình lỡ lời mà lặng lẽ lui ra. Huệ Túc Vương phải hiểu được thâm ý của Thượng hoàng. (Thời ấy Phật giáo được coi là quốc giáo, ăn chay là việc thường. Bài bác xã hội ăn chay cũng là xúc phạm quốc giáo, hậu quả của việc làm dại dột ấy thật khó mà lường trước được). Phép dạy người của Thượng hoàng Minh Tông quả đáng ghi vào sử sách.
     
  2. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 40:

    VUA TRẦN DẠY HIỆU KHẢ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dưới triều Trần Minh Tông (1314 - 1329) có viên quan tên là Hiệu Khả, tài cán chẳng bao nhiêu nhưng lại liến thoắng và hay nịnh hót, đã thế còn ăn ở bất hiếu với cha mẹ. Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 45 b) có chép hai chuyện vua Trần dạy Hiệu Khả.

    Chuyện thứ nhất kể rằng, một lần, vua Trần Minh Tông muốn thử lòng dạ Hiệu Khả, liền lấy ra hai cái tráp đựng quần áo, sai Hiệu Khả xếp loại tốt, xấu. Hiệu Khả chưa làm, Vua đã nói:

    - Một cái thì do chính tay Thái thượng hoàng tự làm, một cái do Nội nhân Lê Kế làm. Ta thấy cả hai đều tinh xảo, ngươi nói cái nào khéo hơn.

    Hiệu Khả xem đi xem lại một lúc lâu rồi nói giọng úp mở theo kiểu nước đôi rằng:

    - Chúa thượng có cái khéo của chúa thượng, bề tôi cũng có cái khéo của bề tôi.

    Vua Trần Minh Tông nghe xong liền phì cười.

    Chuyện thứ hai kể rằng, có lần, Hiệu Khả ca ngợi vua Trần Minh Tông giỏi hơn vua cha là Trần Anh Tông (1293 - 1314). Vua biết Hiệu Khả là kẻ bất hiếu, muốn cho Hiệu Khả một bài học, bèn nghiêm sắc mặt, ngăn không cho Hiệu Khả nói tiếp, rồi phán rằng:

    - Ai mà khen người khác giỏi hơn cha họ thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ mình.

    Lời bàn:

    Nếu phỗng đá mà biết nghe thì nghe xong chuyện thứ nhất, phỗng cùng phải phì cười, nhưng là cười khẩy chớ không phải là cười suông như vua Trần ; nghe xong chuyện thứ hai, phỗng cũng phải chảy nước mắt. Nhưng không phải vì buồn mà là vì thẹn. Sử cũ nói Hiệu Khả là kẻ lòng dạ trí trá, kể cũng chí lí lắm thay. Người xưa nói, làm con bất hiếu thì làm bạn tất sẽ bất nghĩa, làm tôi tất sẽ bất trung. Ai dám bảo lời ấy là ngoa!
     
  3. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 41:

    TRẦN KHẮC CHUNG BỊ PHẠT TỘI

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau vụ tư thông với Công Chúa Huyền Trân (10 - 1307), uy danh của quan Hành khiển Trần Khắc Chung suy giảm rõ rệt. Các quan trong triều thường kiếm cớ để đàn hặc ông, kể cả khi xem ra ông chẳng có lỗi gì đáng kể. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6) có chép lại hai chuyện Trần Khắc Chung bị đàn hặc và bị phạt. Chuyện thứ nhất (chép ở tờ 33 a) xảy ra vào tháng 6 năm 1315, dưới đời Trần Minh Tông (1314 - 1329).

    "Lúc ấy Trần Khắc Chung làm chức Hành khiển. Quan Ngự sử dâng sớ nói rằng, chức vụ của Tể tướng, trước hết phải lo điều hòa âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi Tể tướng, không biết phối hợp trời đất cho khí tiết điều hòa, để đến nỗi mưa nắng trái trời, thế là làm quan không được công trạng gì cả. Khắc Chung cãi, tôi lạm giữ chức Tể tướng, chỉ biết cố sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long Vương, Khắc Chung đâu phải là Long Vương mà đổ tội được. Sau, nước sông lên cao, Vua đích thân đi xem xét việc đắp đê. Quan Ngự sử lại tâu, bệ hạ nên chăm sửa đức chính chớ xem làm gì việc đắp đê nhỏ nhặt ấy. Nghe thế, Khắc Chung nói, khi dân bị nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp tai họa khẩn cấp đó, sửa đức chính không gì lớn hơn là việc này, cần gì phải ngồi thinh, tư lự rồi bảo là sửa đức chính".

    Chuyện thứ hai (chép ở tờ 45 a-b), xảy ra vào mùa hè năm 1327, cũng dưới thời vua Trần Minh Tông. Chuyện kể rằng:

    "Mùa hạ, tháng 5, sét đánh lăng tẩm, quần thần bàn việc ấy. Vua xuống chiếu phạt bọn Thiếu bảo Trần Khắc Chung và Hành khiển Đoàn Nhữ Hài, nặng nhẹ khác nhau. Sau hôm sét đánh, các quan họp bàn ở Nội Nhân Văn Cục. Các vương hầu cùng giải lao với Trần Khắc Chung và Đoàn Nhữ Hài. Khắc Chung nói chuyện với giọng hài hước, Nhữ Hài vội đứng dậy bỏ đi. Khắc Chung nói xong, mọi người đều cười, bị quan Ngư sử hặc tội, Vua liền xuống chiếu phạt Khắc Chung và Nhữ Hài. Nhữ Hài cãi, lúc cười đùa thì thần đã đi rồi. Vua nói, Nhữ Hài nghe biết là đùa cợt mà không ngăn, lại bỏ mà đi, thế là cốt ý hãm thầy vào tội lỗi mà tính kế né tránh cho mình. Rất cuộc vẫn phạt cả Nhữ Hài".

    Lời bàn:

    Cười khi nghỉ giải lao có lẽ chưa phải là lỗi, cái lỗi là ở chỗ người từng phạm lỗi như Trần Khắc Chung sao còn dám cười. Quan Ngự sử vạch lá tìm sâu, lẽ ấy cũng dễ hiểu Vua phạt Trần Khắc Chung, lai phạt luôn Đoàn Nhữ Hài, ấy là Nhà vua muốn nhân một chuyện cụ thể để dạy các quan không được vu hãm lẫn nhau đó thôi.
     
  4. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 42:

    TRẦN ANH TÔNG TRẢ LỜI VUA PHỐ HUỆ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), Thượng hoàng Trần Anh Tông mất, thọ 44 tuổi (1276 - 1320). Những ngày Anh Tông ngả bệnh, bà Bảo Từ Thái hậu cho gọi nhà sư Phổ Huệ (cũng có sách viết là Phổ Tuệ) đến chùa Phổ Minh mở hội Quán đỉnh (Abhiseka), cầu Phật cứu độ cho Anh Tông mau khỏi. Nhưng rồi bệnh tình Anh Tông mỗi lúc một nặng thêm. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 39b) chép rằng:

    "Anh Tông bệnh vừa chuyển nặng, Phổ Huệ xin được gặp để trình bày sự sống chết. Anh Tông sai người ra trả lời rằng:

    - Sư hãy đến đây, ta chết rồi, Quan gia (chỉ vua Trần Minh Tông) có sai bảo gì thì cứ việc làm. Còn như chuyện sau khi chết ra sao thì Nhà sư cũng chưa chết, biết sao được mà trình bày việc chết với ta".

    Lời bàn:

    Thời Trần, Phật giáo thịnh lắm. Nhiều vua Trần đi tu. Chính thân Phụ của Anh Tông là Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi một thời gian ngắn cũng đã đi tu, là người sáng lập, cũng là đệ nhất tổ của phái Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Ở giữa thời Phật thịnh đến thế mà vẫn không thèm nghe nhà sư nói sự sống chết thì kể cùng là điều lạ.
     
  5. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 43:

    TẤM LÒNG CỦA ĐẶNG TẢO VÀ LÊ CHUNG

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đặng Tảo đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ), làm quan dưới triều Trần Anh Tông (1293 - 1314), rất được Nhà vua tin dùng nên luôn được hầu cận. Lê Chung tuy chỉ là gia nhi (tức tôi tớ) nhưng nhờ lòng thành và siêng năng chăm chỉ, nên cũng được vua Trần Anh Tông rất mực thương yêu. Năm 1314, Trần Anh Tông nhường ngôi cho con để lên làm Thái thượng hoàng, Đặng Tảo và Lê Chung cùng được Anh Tông cho theo hầu. Năm 1320, Anh Tông lâm bệnh nặng, Đặng Tảo ngày đêm túc trực bên giường để sẵn sàng viết di chiếu, còn Lê Chung thì lo săn sóc mọi sự cho Thượng hoàng. Khi Trần Anh Tông mất, vua Trần Minh Tông tự mình lo việc khâm liệm. Giúp việc hệ trọng này, ngoài Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn, Vua cũng chỉ cậy nhờ thêm Đặng Tảo và Lê Chung mà thôi. Vậy mà an táng xong xuôi, Đặng Tảo và Lê Chung không màng đến ân thưởng. Cả hai cùng dọn nhà đến Yên Sinh để trông nom lăng tẩm của Thượng hoàng Anh Tông.

    Hằng năm, vua Trần Minh Tông đều về bái yết lăng tẩm, nhưng lần nào Đặng Tảo và Lê Chung cũng lánh mặt, chẳng hề kể công để xin riêng điều gì. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 40 a) chép rằng:

    "Vua thương Tảo nghèo, ban cho hai mươi mẫu ruộng, sai quan là Trần Thế Hưng mang giấy đến cho. Ruộng này, do trước đã ban cho Thứ phi của Vua là bà Thiên Xuân nên bà Thiên Xuân cứ giữ lấy giấy cũ mà cày cấy, vậy mà Tảo cũng không tranh chấp. Thế Hưng hay được, liền tâu thực với Vua. Vua lập tức thu giấy của Thiên Xuân, đem ruộng ban cho Tảo, vậy mà Tảo cũng chẳng lấy làm mừng. Lê Chung thì dời hết cả mồ mả tổ tiên, bán hết gia tài điền sản, đem gia quyến vợ con đến Yên Sinh, chôn cất và làm nhà ở đấy. Cả hai người đều ở Yên Sinh cho đến lúc mất".

    Lời bàn:

    Người xưa hay ghép lợi với danh để rồi luẩn quẩn suốt đời trọng vọng danh lợi. Ông nghè Đặng Tảo và gia nhi Lê Chung thì khác hẳn. Hai người tuy phận có khác nhau mà tâm thành thì chỉ là một. Dẫu đã có Trần Thế Hưng nhắc nhở, vua Trần Minh Tông cũng chẳng thoát tiếng vô tâm. Đặng Tảo mất ruộng không hề buồn, được ruộng không hề vui, bởi hai chục mẫu ruộng đâu có thể sánh được với tấm lòng bao la của ông.
     
  6. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 44:

    CÁI DŨNG CỦA LÊ CƯ NHÂN

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lê Cư Nhân sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông làm quan trải ba đời vua là Trần Minh Tông (1314 - 1329), Trần Hiến Tông (1329 - 1341) và Trần Dụ Tông (1341 - 1369), nổi tiếng là bậc chính trực và liêm khiết. Thời Trần Minh Tông, tuổi tuy còn trẻ nhưng ông đã làm quan đến chức Tông chính đại khanh, từng cả gan chê quan Hành khiển Trương Hán Siêu làm chính trị chẳng khác gì thôn cầu cước (nghĩa là chân đá cầu nhà quê, sai nhiều mà đúng chẳng bao nhiêu).

    Năm Trương Hán Siêu mất (1354) cũng là năm Lê Cư Nhân qua đời. Nhân việc này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tời 18 a) có chép lại một mẩu chuyện nhỏ về ông, gọn gàng mà sâu sắc như sau:

    "Cư Nhân hồi vua Minh Tông còn trị vì, giữ chức Nội mật, lại kiêm cả việc Thẩm hình. Có lần Cư Nhân tra xét án ngục ở nhà, bị quan Trung úy là Quách Lao hặc lỗi. Vua Minh Tông hỏi ông rằng sao không tránh đi. Ông trả lời rằng, thần thà chịu trách phạt chứ không dám lừa dối. Làm quan mà lừa dối thì làm sao mà thống lĩnh được liêu thuộc của mình. Xem những lời ông chê người khác và những lời ông tự nhận lỗi, cũng đủ biết ông là người ra sao. Khi mất, ông được truy tặng chức Nhập nội Hành khiển Hữu ti Lang trung Đồng tri Tả ti sự".

    Lời bàn:

    Hành khiển là chức quan thuộc hàng đầu triều, uy quyền lớn lắm. Quan Hành khiển Trương Hán Siêu là bậc văn tài xuất chúng, người mà cả đến vua Trần cũng gọi bằng thầy, thì uy quyền lại còn lớn hơn nữa. Lê Cư Nhân chỉ sợ điều đúng chớ không sợ quan to nên mới dám chỉ trích quan Hành khiển Trương Hán Siêu. Tra xét án ngục tại nhà thì làm sao mà tránh được lời đàm tiếu thị phi của thiên hạ? Lê Cư Nhân không tránh mặt Quách Lao là sự thường, nhưng ở đời, kể đã mấy ai làm được sự thường ấy.
     
  7. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 45:

    THIỀU THỐN ĐƯỢC PHỤC CHỨC

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) có vị tướng quân tên là Thiều Thốn (người làng Triệu Xá, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) được Vua sai làm thống lĩnh quân ở Lạng Sơn. Bấy giờ, Trung Quốc náo loạn bởi cuộc vùng dậy của Chu Nguyên Chương (sau là vua Minh Thái Tổ) nên tình hình biên giới vùng Lạng Sơn rất căng thẳng. Thiều Thốn là tướng tài nên được Vua sai lên đó tìm cách giữ yên biên ải. Các bộ sử cũ như Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 27 a) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 10, tờ 19) đều chép rằng, Thiều Thốn do khéo phủ dụ quân sĩ nên ai cũng thích.

    Nhưng, khi ông đang thành đạt, được quân dân Lạng Sơn quý trọng thì người em trai ông lại cậy thế mà làm nhiều điều càn quấy, buộc triều đình phải trị tội. Em trai ông bị phạt, ông cũng bị vạ lây, mất hết cả chức tước. Thương ông, quân sĩ buồn lòng, cùng nhau đặt lời mà ca rằng:

    Trời chẳng thấu oan,

    Ông Thiều mất quan.

    Dẫu biết mình bị oan, Thiều Thốn vẫn cam lòng chịu tội, không hé răng kêu nửa lời. Quân sĩ thấy vậy lại càng buồn chán hơn và lại cùng nhau đặt lời mà ca tiếp:

    Ông Thiều ra về,

    Lòng ta tái tê.

    Lời quân sĩ ta thán vang đến tận triều đình. Nhà vua xét lại miễn tội và phục chức cho ông. Quân sĩ bấy giờ mới vui mừng mà đặt lời ca rằng:

    Trời đã thấu oan,

    Ông Thiều lại làm quan.

    Thiều Thốn tuy được phục chức nhưng chẳng bao lâu sau thì mất vì bệnh.

    Lời bàn:

    Thân làm tướng mà chỉ lo ra oai thì quân sĩ sợ mà không kính, việc có thể xong mau trong nhất thời mà cơ nghiệp khó bền lâu. Đem lòng thành mà vỗ về thì quân sĩ cũng lấy lòng thành mà đáp lại, việc có thể chậm trễ chút ít trong nhất thời nhưng ân đức cơ nghiệp thì còn mãi với thiên thu. Lòng quân yên ả thì biên cương sao không yên được. Mới hay, muốn giữ nước, trước phải giữ lòng quân dân.
     
  8. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 46:

    LỜI CUỐI CÙNG CỦA VUA TRẦN MINH TÔNG

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), Thượng hoàng Trần Minh Tông mất, thọ 58 tuổi. Thường thì trước phút lâm chung, sức cùng lực kiệt, trí tuệ thật khó mà minh mẫn nữa. Thượng hoàng Trần Minh Tông xem ra lại không phải vậy. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ quyển 7, tờ 20 a-b và tờ 21 a) chép rằng:

    "Khi se mình (không được khỏe, bị bệnh), triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo. Minh Tông nghe biết chuyện, bèn gọi Hữu tướng quốc là (Trần) Phủ vào tận giường nằm để hỏi. Vua (đây chỉ Trần Dụ Tông) sợ, lập tức sai Phủ tâu rằng, Phạm Ứng Mộng xướng nghị việc tự xin lấy mình chết thay cho Thượng hoàng. (Trần) Phủ vừa tâu lên thì Thượng hoàng nói:

    - Ứng Mộng tự nhận làm địa vị của Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không được làm.

    Bấy giờ, Hiến Từ Thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông khỏe lại. Minh Tông bảo bà:

    - Thân ta không thể lấy con heo, con dê mà đổi được.

    Khi bệnh đã trầm trọng, bèn cho gọi bọn thầy thuốc là Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào coi mạch. (Trâu) Canh nói là mạch phiền muộn. Minh Tông liền ứng khẩu đọc một bài thơ cho bọn Trâu Canh nghe:

    Coi mạch nói chi những chuyện phiền,

    Trâu Canh nên hãy hốt thuốc tiên.

    Chuyện buồn nếu kể hoài không dứt,

    Chẳng hóa rước thêm nỗi muộn phiền.

    Lúc ấy, bởi Trâu Canh thường ra vào cung cấm, vẫn hay dùng những câu khác đời, những lời quỷ quyệt, cốt để huyễn hoặc Trần Dụ Tông nên Trần Minh Tông ghét lắm, bèn mượn bài thơ để châm biếm hắn. Khi thuốc dâng lên, Minh Tông nói:

    - Người đời bao nhiêu khổ não, nay thoát được nỗi khổ não này thì mai lại gặp nỗi khổ não khác mà thôi.

    Nói rồi, không chịu uống thuốc. Lúc bệnh đã quá nguy kịch, gọi quan hoạn là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn do dự thì Minh Tông nói:

    - Vật đáng tiếc hơn còn không thể giữ được, giữ gì thứ ấy.

    Các Hoàng tử cùng đứng hầu cạnh, chờ nghe lời dạy cuối cùng. (Minh Tông) liền nói với họ:

    - Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc hay thì theo, việc dở thì lánh, cần gì phải nghe ta nói.

    Minh Tông từng nói rằng:

    - Bậc đế vương dùng người không phải là có tình riêng với người đó mà chỉ vì đó là người hiền thôi. Người đó theo đúng ý ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta cũng đúng là người hiền thì những người được ta dùng cũng hiền, kể như Nghiêu, Thuấn dùng Tắc, Khiết, Quỳ, Long vậy. Nếu ta không hiền thì những kẻ ta dùng ắt cũng không hiền, khác chi Kiệt, Trụ dùng Phi Liêm, Ác Lai vậy. Đó là" đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu "cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bề tôi của hắn. Bảo hắn là ngu tối thì được chớ bảo hắn có tình riêng thì không".

    Lời bàn:

    Thượng hoàng Trần Minh Tông chợt nghĩ được những lời tốt dẹp này trước phút lâm chung chăng? Ắt không hẳn vậy. Ngọn đèn sắp tắt bao giờ cũng lóe sáng lên một lần cuối cùng, đời mẫn tuệ trước lúc tàn thường vẫn để lại cho hậu thế những lời châu ngọc. Mới hay, muốn lóe sáng cả ở phút cuối đời thì sinh thời mình phải là một ngọn đèn. Minh Tông quả đúng là ngọn đèn của dĩ vãng, dẫu đã tắt giữa cõi đời vẫn tỏa sáng trong sử sách vậy.
     
  9. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 47:

    VUA TRẦN DỤ TÔNG

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trần Dụ Tông tên thật là Trần Hạo, con thứ mười của vua Trần Minh Tông, sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tí (1336), lên ngôi ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị (1341) lúc mới được 5 tuổi, làm vua 28 năm, mất năm Kỉ Dậu (1369), thọ 33 tuổi.

    Ngày 15 tháng 8 năm Kỉ Mão (1339), Trấn Dụ Tông (lúc ấy còn là Thái tử Hạo, mới ba tuổi) đi chơi ở Hồ Tây, chẳng may bị té xuống nước, ngỡ đã bị chết đuối rồi. Bấy giờ, may có bậc danh y là Trâu Canh tận tâm cứu chữa mới thoát được. Trâu Canh có nói trước rằng: Dùng kim châm thì sống lại nhưng sẽ bị liệt dương, sau quả y như vậy.

    Trong 16 năm đầu đời Trần Dụ Tông, chính sự tạm cho là ổn, nhưng từ năm niên hiệu Đại Trị thứ nhất (1357) trở đi, Dụ Tông chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy đốn rất mau. Năm 1366, vào một đêm cuối mùa hạ, Trần Dụ Tông đi chơi đêm ở xa trở về, bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả gươm báu lẫn ấn báu. Nhà vua cho đó là điềm báo trước sự chẳng lành, khó mà sống lâu hơn nữa nên lại càng thả sức chơi bời. Ba năm sau (1369) Dụ Tông mất, năm ấy, nhà Trần bị Dương Nhật Lễ cướp ngôi, phải mất một năm mới lấy lại được.

    Thầy của Trần Dụ Tông là Quốc tử giám Tư nghiệp Chu Văn An từng nhiều lần khuyên can, dâng "thất trảm sớ" vẫn không được Dụ Tông ngó tới, bèn treo mũ áo từ quan mà về.

    Ngai vàng của nhà Trần từ ấy càng ngày càng mục ruỗng, không cách gì cứu vãn nổi.

    Lời bàn:

    Thời mà dân thường bị cướp là thời loạn, còn như thời mà cả đến Hoàng đế cũng bị cướp thì phải gọi là đại đại loạn. Nịnh thần lũng đoạn, Chu Văn An dâng "thất trảm sớ" mà Dụ Tông vàn làm ngơ để Chu Văn An ôm thất vọng ê chề xuống suối vàng. Ôi, triều đình bất ổn, bảo sơn hà yên làm sao được. Dương Nhật Lễ cướp ngôi, ấy là loạn tiếp loạn, có gì lạ đâu!
     
  10. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 48:

    NGÔ DẪN MẤT GIA TÀI

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tháng 6 năm Quý Mão (1363), đời vua Trần Dụ Tông (1341- 1369), triều Trần có một vụ án hơi khác thường. Bị can là Ngô Dẫn, lúc ấy đang làm trại chủ xã Đại Lai, bị triều đình ra lệnh tịch thu toàn bộ gia sản. Đầu đuôi vụ án này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 25 b) chép lại vắn tắt như sau:

    "Trước đây, về đời vua Trần Minh Tông, cha của Ngô Dẫn có bắt được một viên ngọc rết rất lớn, bèn đem đến Vân Đồn (để bán). Các thuyền buôn tranh nhau mua. Một người chủ thuyền do muốn được vật lạ đó, liền đốc hết của cải để mua. Dẫn nhờ vậy mà giàu có. Vua Trần Minh Tông đem Công chúa Nguyệt Sơn gả cho Dẫn. Dẫn cậy giàu có, thông dâm với người con gái khác, lại có những lời lăng nhục Công chúa. Công chúa đem những việc ấy tâu Vua. Dẫn được tha tội chết nhưng bị tịch thu gia sản".

    Lời bàn:

    Cha của Ngô Dẫn bắt được ngọc rết, cứ tưởng phút chốc trở nên giàu có là may, có biết đâu ham của mà quên dạy con, kể cũng như bỏ mất một viên ngọc con quý hơn cả ngọc rết nhiều lần nữa.

    Vua Trần Minh Tông cũng vì ham của mà gả con cho nhà giàu, cho nên, Công chúa Nguyệt Sơn thực đã bị rẻ rúng trước khi về nhả chồng rồi đó vậy.

    Một viên ngọc mà làm mờ mắt không biết bao người, kể cả thiên tử, chuyện khó tin mà có thật, quả đáng sợ lắm. Một khi của quý hơn người thì hạnh phúc đành phải ngậm ngùi mà chào vĩnh biệt thôi.

    Triều đình tịch thu gia sản của Ngô Dẫn là để trừ mầm hại cho phong hóa chăng? Xem ra, triều đình lúc ấy cũng coi của hơn người, nếu không thì đã dùng hình pháp khác.

    Viên ngọc rết, gớm thay!
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...