Viết lại một câu chuyện em yêu thích bằng lời văn của em

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi LavilleDeLtte, 2 Tháng mười một 2021.

  1. LavilleDeLtte

    Bài viết:
    22
    Câu chuyện "Bà mẹ" (một số sách đặt là "Người mẹ")

    "Con dù lớn vẫn là con của mẹ

    Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con."

    Khi đọc những dòng thơ trên trong bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên, lòng tôi tràn ngập những suy nghĩ ngổn ngang. Câu thơ vẽ nên trong tôi một bức tranh đầy sâu lắng về tình mẫu tử. Rồi tôi lại chợt nghĩ đến hình ảnh người mẹ chấp nhận hy sinh tất cả, người mẹ bỏ qua sự đau đớn của bản thân để níu lấy sự sống yếu đuối của đứa con. Qua hình ảnh người mẹ trong câu chuyện "Một bà mẹ" trong tập truyện cổ Anderson, tình mẫu tử dường như không chỉ dừng lại ở mức quan tâm, yêu thương, chăm sóc con cái, mà còn là đánh đổi tất cả mọi thứ vì con. Câu chuyện để lại trong tôi những cảm xúc xao xuyến, bồi hồi và cả sự rung động..

    Câu chuyện kể về một người mẹ ngồi bên nôi, hát ru con ngủ như bao người mẹ khác. Nhưng lòng bà nặng trĩu, từng bông tuyết giá buốt ngoài trời như đè nén lòng bà, tiếng đập yếu ớt của con tim đứa bé như hòn đá kìm chặt lấy trái tim bà. Bà buồn khổ biết mấy, tiếng gió rít ngoài trời như tiếng roi quất vào sự kiên cường của bà. Bên ngoài có tiếng gõ cửa, một ông già tội nghiệp như sắp chết cóng xin được vào trú trong nhà bà. Ông ngồi cạnh nôi đứa bé, khe khẽ hát ru. Bà mẹ đem cho ông cốc sữa, hai hàng lệ lại lăn trên má bà. Bà chẳng biết Thượng Đế có nghe được tiếng lòng bà không, bà sẽ chết mất nếu như đứa con bé bỏng của mình chẳng thể qua khỏi. Rồi bà ngủ thiếp đi vì quá mệt, tiếng thoi thóp của đứa trẻ vẫn dập dìu theo tiếng đưa nôi. Khi bà tỉnh lại thì nó đã biến mất rồi, bả hoảng hốt, gần như phát điên chạy đi tìm con. Ông già đã xin trú ngụ nhà bà – Thần chết đã bắt đứa trẻ đi mất.

    Bà mẹ tội nghiệp gọi tên con trong vô vọng, một bà cụ mặc áo choàng đen ngồi ở góc sân nói với bà:

    - Tôi thấy thần chết mang con chị chạy đi rồi. Lão ta chạy nhanh hơn gió. Đã cướp ai đi, lão không bao giờ mang trả lại.

    Lý trí người mẹ như bị bóp nghẹt, bà sụp xuống khẩn cần trong tuyệt vọng:

    - Xin cụ bảo tôi lão đi đường nào. Tôi sẽ đuổi kịp.

    Bà cụ nhìn người mẹ với ánh mắt dò xét, có chút do dự, rồi bà mỉm cười:

    - Được! Nhưng muốn ta chỉ đường, chị phải hát cho ta nghe tất cả những bài hát mà chị đã ru con chị. Ta đã được nghe chị hát ru con chị nhiều, ta rất thích. Ta là thần đêm tối. Ta đã từng trông thấy nước mắt chị tràn ra khi chị ru con.

    Người mẹ bắt đầu cất tiếng hát trong sự nức nở, hình ảnh đứa con bé bỏng vẫn nằm trên nôi lại ùa về trong tâm trí bà. Sự sốt ruột hiện rõ trong tiếng hát của bà. Thần Đêm Tối bị tiếng hát của người mẹ làm chạnh lòng, bà chỉ cho người mẹ lối mà Thần chết đã đi qua.

    Người mẹ đi sâu vào rừng, đến một ngã ba, bà băn khoăn chẳng biết đi đường nào. Xung quanh bà tuyết trắng xóa, không gian trống rỗng như trong sa mạc và như tâm trí bà lúc ấy. Chỉ có một bụi gai bị tuyết phủ, không hoa cũng chẳng có lá. Bà tiến đến hỏi bụi gai với mong ước được chỉ đường. Bụi gai nói:

    - Có nhưng muốn tôi chỉ, bà phải ủ tôi vào lòng cho ấm lên. Tôi đang rét cóng, sắp thành băng đến nơi.

    Bà mẹ chẳng nghĩ ngợi gì bèn ôm bụi gai vào lòng. Những chiếc gai đâm vào như muốn xé nát da thịt bà cũng chẳng sánh nỗi với nỗi đau mất con. Máu từ ngực bà tuôn ra, đỏ chói như những hạt nắng in trên nền tuyết trắng xóa. Những đóa hoa đỏ rực xinh đẹp cũng theo đó mà trổ ra từ thân gai cằn cỗi. Bụi gai chỉ cho bà mẹ con đường mà Thần Chết đã đi, bà mặc kệ vết thương mà vội vã đi tìm con. Bà đến một hồ nước lớn, chẳng có một cây cầu hay một bóng thuyền nào cả, chỉ có cái lạnh giá của làn băng mỏng trên mặt nước đang đợi bà. Người mẹ cuối xuống với mong muốn uống cạn nước trong hồ. Dẫu cho biết việc ấy là quá sức nhưng bà đã quá đau khổ để có thể từ bỏ. Hồ nước thấy thế liền bảo bà:

    • Không làm thế được đâu. Ta thương lượng với nhau thì hơn. Tôi rất thích ngọc trai. Hai mắt bà là hai viên ngọc trai rất rất trong. Bà hãy khóc cho đến lúc rơi hai mắt xuống. Tôi sẽ đưa bà đến một cái nhà kính là nơi thần chết vun trồng các cây hoa, mỗi cây là một kiếp người.

    Người mẹ lại nghĩ đến đứa con đã bị Thần Chết bắt đi mất, hình ảnh đứa con bé bỏng thoi thóp trong nôi bóp nghẹt trái tim bà. Nước mắt bà tuôn ra như thác, mang theo nỗi đau cùng đôi mắt bà xuống mặt hồ hóa thành hai viên ngọc phát sáng lấp lánh. Hồ nước nuốt trọn đôi mắt bà, rồi nhẹ nhàng nâng bổng bà lên, đưa bà đến một ngôi nhà kính tuyệt mĩ, được phủ đầy bằng ánh sáng và hơi ấm. Bà lão giữ vườn sửng sốt khi thấy bà đến nơi trước thần chết. Bà lão nói:

    - Tôi không biết mặt con bà. Ở đây nhiều cây lắm. Mỗi cây tượng trưng sinh mệnh một con người. Chúng cũng có tim, tim chúng đập. Bà cứ lại gần các cây, nghe nhịp tim đập chắc bà sẽ nhận ra cây nào mang sinh mệnh con bà. Nhưng đổi lại, bà hãy cho tôi mái tóc đen nhánh của bà và nhận lại mái tóc bạc của tôi.

    Người mẹ đồng ý mà chẳng cần do dự, hai người trao đổi mái tóc cho nhau. Hai người bước vào vườn kính rộng lớn của thần chết. Một khu vườn được phủ xanh bằng muôn loài thảo mộc. Có những cây mộc lan hương mảnh dẻ, những bông thược dược to và mập mạp. Có những cây mọc dưới nước, cây xanh tươi, cây khô cằn, rắn quấn quanh gốc. Đây là những cây cọ, cây tiêu huyền, kia là đám mùi và xạ hương. Mỗi cây mỗi hoa mang một tên người, tượng trưng một kiếp người. Có những cây lớn trồng trong chậu nhỏ tí đang sắp làm vỡ chậu. Ngược lại có những cây bé con lại trồng trên những vuông đất rộng phủ rêu xanh mượt. Người mẹ đau khổ rạp xuống từng gốc cây, lắng nghe nhịp đập từng trái tim của chúng. Mỗi một cây mang một trái tim, một nhịp đập riêng biệt tượng trưng cho mỗi một kiếp người. Và giữa muôn vàn trái tim ấy bà nhận ra nhịp đập của trái tim con bà. Đó là một cây kỵ phù màu lam ốm yếu đang sắp gãy. Rồi bỗng gió đông nổi lên, mang theo hơi lạnh buốt giá của băng và tuyết. Thần chết ngạc nhiên sửng sốt khi thấy người mẹ, ông hỏi:

    • Sao bà lại có thể đến trước ta?

    Bằng giọng nói kiên định, bà mẹ trả lời:

    • Vì ta là mẹ.

    Thần chết vươn tay giành lấy chậu kỵ phù từ tay người mẹ nhưng mà kiên quyết ôm chặt không rời sinh mệnh quý báu của đứa con. Người mẹ nói:

    • Tôi sẽ nhổ cả những bông hoa khác nếu ông không trả con cho tôi!

    Thần chết lấy từ chiếc áo choàng đen của ông ra đôi mắt của người mẹ, trao lại cho bà và nói:

    - Chớ đụng vào! Ngươi nói rằng ngươi đau khổ mà ngươi lại muốn làm cho một người mẹ khác phải đau khổ hay sao? - Đây là đôi mắt của ngươi, ta thấy lón lánh dưới đáy hồ ta vớt lên đấy. Ngươi hãy nhận lại. Và nhìn xuống đáy giếng gần đấy. Ta sẽ cho ngươi biết tên hai đứa trẻ có hai hai bông hoa ấy. Ngươi sẽ thấy rõ cả cuộc đời và quá khứ và tương lai của chúng, thấy rõ tất cả những gì mà ngươi định huỷ hoại.

    Bà mẹ nhìn xuống giếng nước, một bông hoa ánh lên niềm vui, sự hạnh phúc, là viễn cảnh con bà sẽ được lớn lên trong ấm no đủ đầy, còn bông hoa kia thì lại trầm luân, khô héo, là viễn cảnh đứa trẻ lớn lên trong đói khổ, tủi nhục.

    Bà mẹ hốt hoảng hỏi thần chết đâu mới là tương lai của con bà. Thần chết bảo:

    - Ta không thể tiết lộ thiên cơ. Nhưng một trong hai bông hoa ấy chính là của con ngươi, là hình ảnh tương lai của nó.

    Bà mẹ nghe thế liền gào lên:

    - Hoa nào trong hai hoa ấy là của con tôi? Hãy bảo cho tôi biết. Nếu đời nó sau này sẽ đau khổ thì hãy mang nó đi, mang ngay về Thiên đường. Xin hãy tha thứ cho những lời tôi cầu nguyện. Xin hãy quên đi tất cả cả, coi như tôi đã mê sảng. Xin thượng đế đừng nghe lời con nếu con có cầu khẩn những lời sai trái với ý người.

    Rồi thần chết mang đứa bé về thiên đường.

    Đọc câu chuyện trên, ta mới thấy được tình mẫu tử thiêng liêng cao cả đến nhường nào. Người mẹ trong câu chuyện trên, là đại diện, là biểu trưng cho tất cả những người mẹ, bà chấp nhận hy sinh, đánh đổi bản thân, chịu đau đớn để bảo vệ đứa con bé bỏng trên bờ vực giữa sự sống và cái chết, giành lấy đứa bé từ đôi tay lạnh lẽo của Thần chết. Khi phải lựa chọn giữa cho đứa con sống lại hay chết đi, bà đã chọn cách để Thần chết đem con mình lên thiên đường. Vì bà biết, ở đấy, đứa trẻ sẽ có cuộc sống hạnh phúc, sung túc. Bà mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con của mình. Trong cuộc sống này cũng thế, mỗi người mẹ đều muốn dành những gì tốt nhất, hoàn hảo nhất cho con cái. Trong mắt mẹ, đứa con là báu vật, là gia tài vô giá và là nhịp đập của trái tim mẹ. Vì con, mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả, mẹ chấp nhận đau khổ nhiều để con hạnh phúc nhiều, mẹ chấp nhận vất vả nhiều để con được vui sướng nhiều. Mỗi đứa con chính là một phần sinh mạng của người mẹ, mẹ vui sướng theo nụ cười của con, mẹ đau khỗ theo nỗi buồn của con. Tình yêu của mẹ dành cho con luôn là vĩnh cửu, và ở đầu thì tình mẫu từ cũng luôn thiêng liêng và ấm áp.

    Đọc câu chuyện này, tôi mới chợt nhận ra rằng tôi đã có lỗi với mẹ đến nhường nào, những khi tôi vô tâm không quan tâm đến sự mệt mỏi của mẹ, những khi tôi ngang bướng tranh cãi với mẹ, những khi tôi vòi vĩnh mẹ vì một thứ vật chất nào đấy. Những lúc ấy tôi nào nhớ rằng, vì tôi, mẹ đã hy sinh nhiều đến bao nhiêu? Tôi biết ơn mẹ nhiều lắm, tôi biết rằng tôi phải yêu thương mẹ nhiều hơn nữa, và tự dặn lòng mình là sống như thế nào để không phụ tình yêu thương, sự hy sinh cao cả mà mẹ dành cho tôi.

    Câu chuyện "Một người mẹ" trong tập truyện cổ tích của Andersen không chỉ là một câu chuyện hay, một câu chuyện cổ tích kì ảo và hấp dẫn mà còn là một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, một lời khẳng định về sự thiêng liêng cao cả của tình mẫu tử, và là một lời cảnh tỉnh, một lời nhắc cho những đứa con đã lãng quên sự hy sinh cao cả của mẹ mình. Ước mong sao mỗi người bà, người mẹ trong gia đình sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, và nhận lại xứng đáng với những điều mà họ đã cho đi.

    Chúc các bạn học tốt ^. ^
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...