Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 30 Tháng mười 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát


    Những bài thơ lục bát đã học, đã đọc gợi cho em những cảm xúc gì? Hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu của chúng khiến em rung động như thế nào? Hãy ghi lại cảm nhận của em về một bài thơ lục bát yêu thích.

    Trả lời câu hỏi trang 101 – Văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

    Các đoạn văn tham khảo (nhấn vào link) :

    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà.

    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài ca dao Đường lên xứ Lạng bao xa?


    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài ca dao Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá.

    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Chuyện cổ nước mình.

    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài ca dao Công cha như núi ngất trời.

    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ À ơi tay mẹ

    Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ đầu bài thơ Việt Nam quê hương ta.

    Xem thêm: Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Lục Bát - Ngữ Văn 6 - sách Cánh diều

    Cảm nhận bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà


    [​IMG]

    Gió đưa cành trúc la đà

    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

    Mịt mù khói tỏa ngàn sương

    Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ .

    Bằng tiếng nói trữ tình của thơ dân gian, bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà" không chỉ là bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên nơi mảnh đất kinh thành ngàn năm văn hiến mà còn là tiếng lòng tha thiết của con người Thăng Long với quê hương xứ sở. Mỗi câu thơ như một nét vẽ được phác lên từ ngòi bút đậm chất họa của tác giả dân gian. Khung cảnh thiên nhiên thật đẹp với những làn gió nhẹ khẽ xao động tre trúc ven hồ, khẽ làm gợn mặt nước Hồ Tây. Cảnh yên bình quá, tĩnh lặng quá, gợi biết bao cảm xúc thi vị, êm đềm như đưa người đọc lạc trong cõi mơ cổ tích. Điểm vào không gian đang tĩnh lặng ấy là âm thanh của tiếng chuông chùa Trấn Võ. Tiếng chuông chùa thường gợi lên cái hồn của dân tộc Việt, có gì thiêng liêng và huyền ảo tan loãng trong tiếng chuông ngân nga kia. Cảnh thực mà như mang không khí thần tiên, thoát tục. Âm thanh thứ hai là tiếng gà gáy báo sang canh vọng đến từ mảnh đất Thọ Xương. Tiếng gà gáy cũng quen thuộc xiết bao đối với mỗi người dân Việt. Những âm thanh báo hiệu ngày mới ấy như mở ra biết bao điều mới mẻ, yên bình. Câu thơ thứ ba là hình ảnh đẹp về sương sớm mùa thu: "Mịt mù khói tỏa ngàn sương" – Từ láy "mịt mù" được đưa lên đầu câu gợi cảm giác sương mù đang giăng mắc khắp nơi. Sương trên cành, sương là là mặt đất, sương tỏa dưới mặt hồ. Sương là sương, mà cũng như là khói của thiên nhiên. Không gian bỗng trở nên huyền ảo, lung linh với sự xuất hiện của sương khói tỏa lan.. Câu thơ như vẽ lên một bức tranh thật đẹp về cảnh vật khinh thành. Cảnh nhòe mờ tựa hồ được vẽ trên lụa. Thấp thoáng sau màn sương ảo huyền là mặt nước hồ Tây mênh mông, là những khóm trúc tre lúc ẩn lúc hiện. Ngôn từ giản dị mà đậm chất hội họa, cảnh chỉ vài nét phác họa mà sức giàu sức gợi biết bao. Câu kết bài ca dao vang lên âm thanh của cuộc sống lao động thường nhật: "Nhịp chày Yên Thái". Nhịp chày của cuộc sống lao động ấy báo hiệu thời gian đã chuyển dịch về sáng. Sương khói tan dần, tầm nhìn của con người cũng mở rộng hơn, mặt nước Hồ Tây cũng mông mênh hơn trở thành tấm gương lớn phản chiếu gương mặt kinh thành. Phép ẩn dụ "mặt gương Tây Hồ" thật chính xác và gợi cảm. Hình ảnh ấy gợi lên sự trong trẻo, phẳng lặng gần như đến độ tuyệt đối của mặt nước Tây Hồ. Bài ca dao là một bức tranh tuyệt đẹp về một góc kinh thành Thăng Long trong thời điểm sáng sớm. Ẩn sau câu chữ là tình yêu tha thiết của tác giả dân gian đối quê hương, đất nước. Bài ca dao cũng khiến ta yêu hơn, tự hào hơn về mảnh đất kinh đô ngàn năm văn hiến cũng như yêu hơn cảnh sắc Tổ quốc bao la.


    Xem thêm bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Cảm nhận về bài ca dao Đường lên xứ Lạng bao xa?


    [​IMG]

    Ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Tây Bắc xa xôi hẳn lòng không khỏi đắm say trước cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng nơi đây, nơi trùng trùng thung núi, bát ngát mây ngàn, rừng xanh bất tận, nơi khơi nguồn cho dòng suối thi ca chảy mãi. Trong dòng suối dạt dào ấy, không thể không nhắc đến bài ca dao:

    Đường lên xứ Lạng bao xa?

    Cách một trái núi với ba quãng đồng.

    Ai ơi đứng lại mà trông:

    Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ.


    Với bốn câu lục bát ngắn gọn, bài ca dao vừa phác họa khung cảnh xứ Lạng đẹp mộng mơ, vừa cho ta thấy được tình yêu tha thiết của tác giả dân gian đối với mảnh đất xinh đẹp này. Bài ca dao mở ra bằng một câu hỏi tu từ: "Đường lên xứ Lạng bao xa?" Hỏi để rồi lấy đó như cái cớ mà giãi bày: "Cách một trái núi với ba quãng đồng." Nào có xa xôi đâu nhỉ, thật gần quá thôi! "Một trái núi", "ba quãng đồng" thôi mà! Ai cũng có thể đến và chiêm ngưỡng. Nhưng có đến rồi mới hay, khoảng cách tưởng gần ấy là cả dặm dài thiên lý với những cung đường quanh co, uốn lượn, với điệp trùng núi non, rừng thẳm, với dốc nối dốc, thung tiếp thung.. đến ngút ngàn tầm mắt. Câu ca dao thứ ba có hình thức giống như một lời mời gọi da diết: "Ai ơi đứng lại mà trông". Đại từ phiếm chỉ "ai" xuất hiện rất nhiều trong ca dao gợi lên bao thương mến, ngọt ngào. Lời mời gọi da diết quá, khiến ai đã từng biết đến bài ca dao này có lẽ cũng không thể không dừng bước chân mà thưởng cảnh: "Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ." Điệp từ "kìa" lặp lại hai lần ở hai đầu vế câu ca cuối vừa như tiếng reo vui ngỡ ngàng trước cảnh đẹp kì thú của thiên nhiên, vừa mở ra một không gian hùng vĩ, mênh mông. Câu ca kết lại mà gợi bao chiều kích không gian: Có cao cao của núi, có mênh mang của sông.. Cảnh đẹp, thơ mộng như bức tranh sơn thủy hữu tình. Bức tranh vừa có đường nét thô nhám, uy nghi của núi đá, vừa có nét mềm mại, trữ tình của dòng sông, tất cả được tạc trên nền của rừng xanh bất tận. Trước khung cảnh đẹp ấy, ai chẳng đắm say, chẳng yêu hơn mảnh đất địa đầu Tổ quốc xa xôi này. Bài ca dao vì thế, đâu chỉ là bức tranh thiên nhiên xứ Lạng đẹp đến nao lòng, mà còn khơi gợi biết bao tình cảm yêu thương trìu mến trong trái tim những con người biết yêu quê hương, xứ sở.


    Xem thêm bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười hai 2021
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Cảm nhận về bài ca dao Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá


    "Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

    Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát"

    [​IMG]

    Trong tâm thức của mỗi người, dù có đi qua trăm núi, ngàn sông, thì dòng sông quê hương vẫn luôn là dòng nhớ, dòng thương vô tận. Với tình yêu sâu nặng dành cho con sông xứ Huế, biết bao lời thơ câu hát đã ra đời để ngợi ca vẻ đẹp của dòng Hương giang, trong đó có có bài ca dao:

    Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,

    Đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình.

    Lờ đờ bóng ngả trăng chênh,

    Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non.

    Bài ca dao được làm theo thể lục bát biến thể, với hai câu đầu tám tiếng, hai câu sau là một cặp lục bát. Ngắn gọn mà hàm súc, bài ca dao đã nói lên tiếng lòng của người dân xứ Huế với dòng sông quê hương. Cách biểu đạt giản dị, không cầu kì hoa mĩ như cái tình chân thật của người dân nơi đây. Lời ca du dương trong hai câu đầu đưa ta đến những địa danh quen thuộc của xứ Huế: Đông Ba, Đập Đá, Vĩ Dạ, ngã ba Sình.. Phép liệt kê kết hợp phép điệp: Đò từ, đò qua, đò về vừa gợi lên hành trình của những chuyến đò xuôi ngược, vừa gợi lên cảnh đẹp của những địa danh gắn liền với dòng sông Hương. Theo thủy trình sông Hương, theo lộ trình của những chuyến đò, cảnh vật cứ tự nhiên hiện lên trước mắt làm ta say đắm. Không một sự miêu tả cầu kì, câu ca chỉ nhắc những tên đất, tên vùng mà đầy sức gợi. Bởi cảnh vật cố đô đẹp nức tiếng, nên chỉ cần nhắc tên, cảnh đã tự nó gọi về bao thơ mộng, đắm say trong lòng người. Hai câu cuối, sự miêu tả đã cụ thể hơn. Lời ca như đưa người đọc đắm mình trong không gian huyền ảo của ánh trăng nơi dòng Hương giang. Vầng trăng diễm lệ ngả bóng xuống mặt nước tạo nên những mảng phản quang lấp lánh. Dòng lấp lánh ấy êm đềm trôi đi trong không gian có phần tĩnh lặng. Và điệu hò từ xa vọng lại vì thế thêm da diết, lắng sâu. Ai đã từng đến Huế, hẳn không khỏi xao xuyến, bồi hồi khi nghe những điệu hò mái nhì, mái đẩy, nhất là khi chúng được cất lên trên mặt nước Hương giang. Không một không gian tồn tại nào của nhạc dân gian Huế lại trữ tình hơn mặt nước sông Hương. Chỉ nghe nhạc cổ điển Huế trên sông Hương người ta mới cảm nhận hết giá trị và xúc cảm mà nó mang đến. Phải chăng vì thế mà cảm xúc với quê hương thêm phần sâu lắng trong những câu từ cuối cùng của bài ca: "Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non". Câu ca đã nói lên tấm lòng của người dân xứ Huế với mảnh đất cố đô. Đó là tình yêu sâu nặng của họ dành cho quê hương xứ sở. Chữ "nặng" gói trọn tấm chân tình thiết tha ấy. Bài ca dao ngắn gọn, mộc mạc mà thật nhiều cảm xúc biết bao.


    Xem thêm bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Cảm nhận bài thơ Chuyện cổ nước mình


    [​IMG]

    Văn học dân gian chính là những "hòn ngọc quý" sáng lấp lánh đến muôn đời, bất chấp sự băng hoại của thời gian. Có những tác phẩm đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của thi ca. Tự hào về kho tàng chuyện cổ dân tộc, Lâm Thị Mỹ Dạ đã sáng tác bài thơ "Chuyện cổ nước mình". Bài thơ ca ngợi chuyện cổ mang nhiều ý nghĩa sâu xa, chứa đựng những bài học quý báu của ông cha truyền lại cho con cháu đời sau. Bằng tiếng nói của thơ, nhẹ nhàng và sâu lắng, nhà thơ đã thể hiện tình yêu đối với những câu chuyện cổ: "Tôi yêu chuyện cổ nước tôi" và lí do để tình yêu ấy bén rễ, đâm chồi là vì những câu chuyện cổ ấy vừa "nhân hậu" lại "tuyệt vời sâu xa". Đọc chuyện cổ, có lẽ ai cũng cảm nhận được những bài học nhân sinh mà ông cha mình đã gửi gắm trong đó. Đó là bài học "thương người rồi mới thương ta", bài học về lẽ sống "ở hiền gặp lành". Ta bắt gặp bài học ấy trong nhiều những câu chuyện cổ tích xa xưa.. Trong đó, những người ở hiền như cô Tấm thảo hiền trong "Tấm Cám", chàng trai nghèo tốt bụng trong "Thạch Sanh", người em út thật thà trong "Cây khế".. vì ở hiền mà đều được phù trợ và được hưởng hạnh phúc. Lẽ sống ấy đã được chuyển hóa thành lời thơ giản dị mà sâu sắc: "Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì được phật tiên độ trì". Không chỉ để lại nhiều bài học đạo lý, lẽ sống nhân nghĩa, chuyện cổ nước mình còn trở thành hành trang tinh thần, đem đến cho nhà thơ nhiều sức mạnh để tin vào sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện, để vượt qua mọi thử thách "nắng mưa" trong cuộc đời: "Mang theo chuyện cổ tôi đi/ Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa." Lời thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ không chỉ đưa người đọc vào một khu vườn cổ tích đủ các sắc màu huyền thoại, mà còn khơi dậy trong lòng ta biết bao tình cảm yêu mến, tự hào về kho tàng chuyện cổ cha ông, khơi dậy lòng thành kính thiêng liêng đối với những gì mà cha ông ta vun vén để lại cho con cháu mình. Dù giữa các thế hệ là thời gian đằng đẵng, là không gian xa xôi, nhưng không hề đứt rời, ngắt quãng. Bởi nhờ có chuyện cổ, ta vẫn nhận ra mạch kết nối bền vững ấy. Ông cha ta đã ân cần để lại cho con cháu mình, đâu chỉ những giá trị vật chất mà còn cả những giá trị tinh thần nhân văn cao quý – đó là những bài học đạo lí làm người gửi gắm trong ngàn vạn câu chuyện cổ dân gian. Thời gian có phủ mờ đi tất cả, nhưng nhờ những "chuyện cổ thiết tha" ấy, mà ta nhận ra "cha ông" của mình: Lẽ sống, tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn.. của cha ông. Bài thơ đã thể hiện lòng biết ơn, tình cảm trân trọng, tự hào mà nhà thơ nói riêng và các thế hệ người Việt nói chung dành cho các thế hệ xa xưa. Tình cảm ấy được bộc bạch qua lời thơ lục bát du dương, mộc mạc, như lời ca, điệu hát.. ngân nga mãi trong lòng.

    Xem thêm bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng mười hai 2021
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Cảm nhận về bài ca dao Công cha như núi ngất trời


    [​IMG]

    Mẹ - cha, hai tiếng thiêng liêng gọi về bao nỗi niềm yêu thương da diết. Tình cảm ấy đã khơi nguồn cho biết bao vần thơ xúc động về hai đấng sinh thành. Văn học Việt Nam có cả một dòng sông thi ca viết về về cha, về mẹ, trong đó có tiếng lòng của người xưa gửi gắm trong bài ca dao:

    Công cha như núi ngất trời

    Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

    Núi cao biển rộng mênh mông

    Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!


    "Công cha", "nghĩa mẹ" là công lao sinh thành, dưỡng dục, là tình cảm yêu thương, chở che mà cha mẹ dành cho núm ruột của mình. Điển tích xưa vẫn nhắc đến "chín chữ cao sâu" để nói về công ơn cha mẹ. Chín chữ ấy là: Sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (nuôi nấng), trưởng (nuôi lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (tuỳ tính mà dạy), phúc (che chở). Hiểu vậy mới thấy, công lao cha mẹ là vô cùng, vô tận. Bằng tiếng nói của thơ dân gian, bài ca dao đã so sánh công lao cha mẹ như những hình tượng thiên nhiên kì vĩ, không giới hạn: Như "núi ngất trời", như "nước ở ngoài bể Đông". "Núi ngất trời" là núi cao, rất cao, đỉnh núi chạm đến mây trời. Còn nước ngoài biển Đông thì mênh mông, vô tận, chẳng bao giờ cạn vơi. Hai hình tượng giàu sức gợi ấy đã khiến ta thấm thía biết bao công ơn cha mẹ. Hai câu ca dao này có nét tương đồng với hai câu ca dao khác cùng chủ đề: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra." Cả hai lời ca đều so sánh công cha với núi, nghĩa mẹ với nước bể Đông. Hình ảnh so ảnh thật chính xác, gợi cảm. Bởi cha thường gắn với những gì lớn lao, vững vàng (núi), mẹ lại gắn với những gì mềm mại, dạt dào (nước). Lời ca ngắn gọn, giản đơn mà mở ra nhiều liên tưởng sâu sắc, lay động nhiều cảm xúc thiêng liêng. Câu ca thứ ba của bài khắc sâu hơn ý nghĩa đã gợi ra ở hai câu trước: "Núi cao biển rộng mênh mông", nhấn mạnh công lao của cha mẹ là không gì đếm đo được. Để từ đó, câu ca cuối cất lên như một lời nhắn nhủ da diết, ân tình: "Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!" Lời nhắn nhủ ấy là "con" hãy nhớ ghi công ơn của cha mẹ. "Ghi lòng" thường đi cùng "tạc dạ" – nghĩa là lòng biết ơn ấy phải khắc cốt ghi tâm, phải trở thành máu thịt của mỗi người, thành tình cảm ăn sâu vào tiềm thức. Đây có thể là lời của mẹ cha nhắn nhủ đến các con của mình, cũng có thể là lời ông bà răn dạy các cháu.. Dù là lời của ai, thì lời nhắn nhủ, dạy khuyên ấy muôn đời còn nguyên giá trị. Nó trở thành tiếng nói vang vọng suốt chiều dài lịch sử, thành bài học làm người đầu tiên của mỗi chúng ta. Đạo Hiếu là gốc rễ của mọi đạo đức khác của con người. Nếu không có hiếu với mẹ cha, làm sao có thể đối xử tốt với người khác, làm sao có thể trở thành người lương thiện? Với lời lẽ giản dị mà thấm thía, bài ca dao đã góp thanh âm riêng vào bản hòa ca muôn điệu của những lời ca về tình cảm gia đình. Để qua đó, mỗi người nhận thức được rằng, gia đình là bến đỗ bình yên, ở đó mẹ cha là người yêu thương ta nhất. "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha", nên mỗi người hãy trân trọng những ngày còn được ở bên mẹ cha, hãy yêu thương họ và đừng bao giờ "để buồn" lên mắt các đấng sinh thành.


    Xem thêm bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2021
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Cảm nhận về bài thơ: À ơi tay mẹ

    [​IMG]

    Những vần thơ viết về mẹ luôn là những vần thơ có sức lay động nhất đến tâm hồn, cảm xúc của mỗi con người. Bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và sâu đậm, cảm xúc cất lên từ tiếng lòng của mẹ dành cho con, con dành cho mẹ luôn tìm được sự đồng vọng của những tâm hồn đồng điệu. Bài thơ "À ơi tay mẹ" của tác giả Bình Nguyên là một trong những thanh âm bồi hồi cất lên từ bản hòa ca muôn điệu viết về tình mẹ. Qua bài thơ, ta cảm nhận được hình ảnh người mẹ giản đơn, mộc mạc mà lớn lao, kì vĩ. Mẹ hiện lên với đôi bàn tay kiên cường, rắn rỏi "chắn mưa sa", "chặn bão qua mùa màng". Cũng chính đôi bàn tay ấy và lời ru ngọt ngào của mẹ đã đưa ta vào giấc ngủ êm đềm của tuổi thơ. Đắm mình trong những điệu hát ru du dương, trầm bổng, tâm hồn trẻ thơ như bước vào một thế giới diệu kì với cái trăng tròn, với ngọn gió mùa thu... Và điều đặc biệt, những lời ru ấy mang phép màu kì diệu làm tan đám sương mù, làm tròn đầy cái khuyết, làm sóng lặng bãi bồi, làm cho đời nín cái đau.. Thế giới ngoài kia có bão giông, nguy hiểm, thì qua phép màu bàn tay và lời ru của mẹ, tất cả trở nên bình yên đến lạ. Mẹ là thế, luôn luôn dành những gì đẹp đẽ nhất, yêu thương nhất cho con. Bởi với mẹ, con là tất cả, là cái trăng vàng, cái trăng tròn, là mặt trời bé con... Của mẹ. Hàng loạt những hình ảnh ẩn dụ sáng đẹp ấy, mẹ đều dành để gọi về con. Tình yêu bao la dành cho con chính là động lực để mẹ vượt qua tất cả nhọc nhằn, lam lũ, để hi sinh quên mình mà sống vì con, sống cho con. "À ơi.. M ẹ chẳng một câu ru mình" - Câu thơ cuối đã nói lên tất cả tấm lòng, sự hi sinh lớn lao ấy của mẹ. Bài ca dao ca khắc họa lên hình ảnh đẹp, lớn lao về mẹ giúp mỗi chúng ta cảm nhận được tình yêu thương vô bờ mẹ dành cho mình và khiến chúng ta thêm yêu mẹ, trân trong hơn những tháng năm còn có mẹ. Bài thơ lục bát ngắn gọn, những hình ảnh thơ đẹp đẽ, xinh xắn, phép tu từ ẩn dụ, điệp ngữ "À ơi" ngân nga, ngân nga như lời hát.. góp phần làm nên nét đặc sắc và dư âm khó quên của bài thơ trong lòng độc giả.

    Xem thêm bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng một 2022
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Cảm nhận khổ đầu bài thơ: Việt Nam quê hương ta

    [​IMG]

    Có một hình ảnh lấp lánh trong thi ca, dài suốt bốn ngàn năm lịch sử, đó là hình ảnh đất nước. Có thể nói, đất nước chính là "hình tượng đẹp đẽ được xây thành công vào loại bậc nhất". Nằm trong đề tài chung ấy, "Việt Nam quê hương ta" (Nguyễn Đình Thi) là một trong những bông hoa đẹp của "rừng" thơ viết về đất nước. Bốn câu thơ đầu:

    Việt Nam đất nước ta ơi,

    Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.

    Cánh cò bay lả rập rờn,

    Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.


    Là những câu thơ tuyệt bút cất lên từ trái tim của một thi sĩ yêu tha thiết đất nước, quê hương. Ngay câu thơ đầu tiên, hai tiếng "Việt Nam" được đặt lên đầu câu đầy mến yêu, tự hào. Từ "ơi" đứng cuối câu thơ biến ngôn ngữ thơ ca thành tiếng tiếng gọi ngân nga, da diết. Tiếng gọi như lời đồng vọng của biết bao người dân đất Việt nặng tình với non sông. Để rồi sau tiếng gọi ấy, hình ảnh đất nước hiện lên rất đỗi thân thương: "Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn". Trong phép đảo ngữ, từ láy "mênh mông" đứng vị trí đầu câu thơ thứ hai đã mở ra một không gian không giới hạn của những cánh đồng lúa bao la, bát ngát. Ẩn dụ "biển lúa" như cộng hưởng cùng từ láy "mênh mông" càng tạo ấn tượng về sự vô cùng, vô tận ấy. Việt Nam là đất nước của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Cây lúa gắn bó với đời sống của người dân qua bao thế hệ, vì vậy hình ảnh những cánh đồng lúa thường gợi lên rất nhiều cảm xúc, yêu thương. Cặp hình ảnh đồng lúa – cánh cò như chẳng thể thiếu vắng nhau cả trong đời thực và trong thơ ca. Nên ngay sau nét vẽ đẹp về hình ảnh biển lúa, nhà thơ đã điểm thêm vào bức họa đồng quê ấy hình ảnh những cánh cò. Không phải là "Cánh cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non", cũng không còn là "Cái cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao" tội nghiệp trong ca dao mà là "Cánh cò bay lả rập rờn" – cánh cò của sự sống thanh bình, tươi đẹp. Từ "bay lả" lấy từ lời hát dân gian "bay lả bay la" kết hợp với từ láy "rập rờn" gợi lên sự chuyển động mềm mại, uyển chuyển của những cánh cò và tạo nên chất thơ mộng cho bức tranh phong cảnh quê hương. Câu thơ thớ tư tiếp tục là một nét vẽ đẹp: "Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều". Điểm nhìn của nhà thơ có sự chuyển dịch từ cánh đồng lên bầu trời, đỉnh núi. Bức tranh thơ vì thế cũng sinh động, nhiều tầng bậc hơn. Hình ảnh trùng trùng lớp lớp mây trắng quyện bay bên đỉnh núi là một hình ảnh đẹp, hùng vĩ. Nó khiến ta nhớ đến câu thơ của Huy Cận: "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc" . Mỗi câu thơ mang vẻ đẹp riêng, tạo một nét họa riêng tô điểm cho bức tranh quê hương thêm phần mĩ lệ. Như vậy, với tình cảm thiết tha dành cho quê hương, đất nước, nhà thơ đã mang đến cho người đọc những vần thơ đẹp như tranh vẽ về hình ảnh đất nước bình dị mà đáng yêu, nên thơ mà hùng vĩ. Tất cả được biểu đạt qua lời thơ lục bát ngân nga, trầm bổng; qua những ngôn từ, cách biểu đạt giản dị mà đầy sức gợi, lời thơ giàu nhạc điệu và mang tính thẩm mĩ cao.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...