Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát - Ngữ văn 6

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 13 Tháng ba 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát - Ngữ văn 6 sách Cánh diều


    Định hướng:

    A. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát là nêu lên những cảm xúc và suy nghĩ của em về bài thơ đó. Người viết cần trả lời câu hỏi: Bài thơ gợi cho em những cảm nghĩ gì? Đoạn văn có thể chỉ nêu cảm nghĩ về một chi tiết nội dung hoặc yếu tố nghệ thuật của bài thơ lục bát mà em có ấn tượng và yêu thích.

    B. Để viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát, cần chú ý:

    - Đọc kĩ để hiểu bài thơ

    - Lựa chọn một yếu tố trong bài thơ mà em thấy yêu thích, thú vị nhất.

    - Viết đoạn văn cần nêu rõ: Em thích nhất chi tiết nội dung hoặc yếu tố nghệ thuật nào trong bài thơ? Vì sao?

    Thực hành:

    Các đoạn văn tham khảo:

    - Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài ca dao Công cha như núi ngất trời

    - Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ À ơi tay mẹ.

    - Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ Về thăm mẹ.


    - Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài ca dao Anh em nào phải người xa.

    - Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài ca dao Con người có cố, có ông.

    Xem thêm: Viết Đoạn Văn Thể Hiện Cảm Xúc Về Một Bài Thơ Lục Bát - Ngữ Văn 6 Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

    [​IMG]

    Cảm nhận về bài ca dao Công cha như núi ngất trời


    Bài ca dao "Công cha như núi ngất trời" là một trong những bài ca dao tiêu biểu trong chùm ca dao về tình cảm gia đình. Với lời thơ lục bát (biến thể) du dương, ngọt ngào như một khúc hát ru, bài ca dao là lời thủ thỉ, tâm tình của bà với cháu, của mẹ với con về công lao trời biển của cha mẹ. Công lao ấy được tác giả dân gian nhắc đến trong ba câu đầu qua những hình ảnh so sánh đầy sức gợi: Công cha - như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông. Những hình ảnh thiên nhiên kì vĩ: Núi ngất trời, nước biển Đông là những sự vật, hiện tượng không thể đo đếm được. Lấy cái vô cùng để nói cái vô cùng, lấy cái vô tận để nói cái vô tận của tình yêu thương, của công sinh thành dưỡng dục mà mẹ cha dành cho ta - cách nói ấy khiến ta cảm nhận thấm thía những gì mà cha mẹ đã dành cho mình. Núi thì cao, biển thì rộng - tình yêu thương của cha mẹ cũng cao và rộng như biển trời bát ngát, mênh mông. Từ việc mang đến những nhận thức về công lao cha mẹ đối với mỗi người, bài ca dao đã lay động tâm hồn chúng ta bằng lời nhắn nhủ chân tình: Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi! Lời nhắn nhủ ấy là "con" hãy nhớ ghi công ơn của cha mẹ. Lòng biết ơn ấy phải khắc cốt ghi tâm, phải trở thành máu thịt của mỗi người, thành tình cảm ăn sâu vào tiềm thức. Đây có thể là lời của mẹ cha nhắn nhủ đến các con của mình, cũng có thể là lời ông bà răn dạy các cháu.. Dù là lời của ai, thì lời nhắn nhủ, dạy khuyên ấy muôn đời còn nguyên giá trị. Nó trở thành tiếng nói vang vọng suốt chiều dài lịch sử, thành bài học làm người đầu tiên của mỗi chúng ta.


    - Xem thêm bên dưới...
     
    ThuyTrang, Tiên Nhi, LieuDuong9 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng hai 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Cảm nhận về bài thơ: À ơi tay mẹ - Bình Nguyên


    [​IMG]

    "À ơi tay mẹ" của tác giả Bình Nguyên là một trong những bài thơ cảm động viết về mẹ. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà bài thơ được in trong tập "Thơ lục bát, Tác giả - Tác phẩm được bình chọn" của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2003. Chọn lối thơ lục bát dân tộc du dương, nhẹ nhàng, trầm bổng như nhịp võng chao nghiêng, bài thơ rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh người mẹ với đôi bàn tay đầy "phép màu" và những lời ru "à ơi" ngân nga bên cánh võng. Qua bài thơ, ta cảm nhận được đôi tay màu nhiệm của mẹ suốt một đời tần tảo, lam lũ, hi sinh đến quên mình để mang đến sự sống, tình yêu thương cho con, cho gia đình; cảm nhận được sức truyền cảm mạnh mẽ, lắng sâu của những lời mẹ ru bên cánh võng; cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng, sâu đậm. Có thể nói, bài ca dao đã đánh thức những tâm tư, những cảm xúc đẹp đẽ nhất về người mẹ trong trái tim, tâm hồn mỗi con người. Để từ đó, chúng ta thêm yêu mẹ, biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ và sống với những gì mà mẹ ước mong, trông đợi nơi con. Tất cả những xúc cảm thành kính, thiêng liêng ấy được biểu đạt bằng giọng thơ nhẹ nhàng như thủ thỉ, tâm tình, cùng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, điệp từ, điệp cấu trúc cùng ngôn từ thuần Việt dễ đọc, dễ cảm và dạt dào cảm xúc. "À ơi tay mẹ" thực sự là một bài thơ hay, đọng lại nhiều dư vị ngọt ngào, sâu lắng trong lòng người đọc.

    - Xem thêm bên dưới...
     
    ThuyTrang, Tiên Nhi, LieuDuong5 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Cảm nhận về bài thơ: Về thăm mẹ - Đinh Nam Khương



    [​IMG]

    Bài thơ "Về thăm mẹ" của Đinh Nam Khương là lời của người con trai - nhân vật trữ tình khi trở về quê thăm mẹ sau một thời gian xa cách. Biết bao yêu thương, mong nhớ và lòng trân trọng, biết ơn dành cho mẹ đã cất lên thành tiếng thơ tràn đầy cảm xúc. Mặc dù khi về tới nhà, mẹ đi vắng, nhưng người con vẫn cảm nhận bóng hình mẹ thật gần gũi đâu đây, mẹ hiện lên trong dáng vẻ những sự vật thường ngày. Mỗi sự vật đều in dấu bàn tay mẹ tảo tần, lam lũ, cẩn thận, chu toàn. Từ hình ảnh bếp lửa, đến chum tương, nón mê, áo tơi, rồi đàn gà mới nở.. Trong cảm nhận của người con, tất cả đều gần gũi và có phần cũ kĩ, xấu xí, không trọn vẹn. Nhưng chính điều đó lại nói lên rất nhiều tấm lòng và tình yêu thương bao la của mẹ. Cả đời mẹ vất vả, tích cóp, chắt chiu để nuôi con khôn lớn. Tình yêu trọn vẹn hiện hữu trong những đồ vật không trọn vẹn. Và hình ảnh trái na cuối vụ mẹ dành cho con thực sự khiến người con phải rưng rưng, nghẹn ngào. Chỉ là một trái na nhưng thể hiện rõ nét nhất sự yêu thương của mẹ: Trái na đã đến cuối vụ mà mẹ không nỡ hái, vẫn chờ con về để cho con. Đọc đến dòng thơ này, biết bao người đọc cũng thấy lòng mình dội lên những xúc cảm bồi hồi. Bởi nhận ra mẹ mình cũng từng dành cho mình tất cả yêu thương như thế. Với lời thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm, phép tu từ ẩn dụ, liệt kê.. bài thơ đã khắc họa chân thực, xúc động hình ảnh người mẹ tần tảo, giàu tình yêu thương. Đồng thời nói lên rất nhiều tình cảm của con dành cho mẹ. Tình cảm ấy gói trọn trong những tiếng kết lại bài thơ: "Nghẹn ngào", "rưng rưng". Đó là niềm xúc động, là lòng biết ơn đối với tình yêu lớn lao mẹ dành cho mình. Xúc động chẳng nói lên lời, dòng tâm tư của nhân vật trữ tình vang lên trong chiều sâu tâm tưởng. Dấu ba chấm bỏ lửng trong câu thơ:"Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn..."thể hiện sự lắng đọng, trầm ngâm.. Có rất nhiều điều muốn nói nhưng không thể nói ra. Bài thơ vì thế để lại rất nhiều dư âm trong lòng độc giả.


    - Xem thêm bên dưới...
     
    ThuyTrang, Tiên Nhi, LieuDuong5 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2021
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Cảm nhận về bài ca dao: Anh em nào phải người xa


    [​IMG]

    Ca dao, dân ca là cây đàn muôn điệu của người dân quê Việt Nam. Trong muôn điệu dặt dìu ấy có không ít những khúc ca lắng sâu, thấm thía cất lên từ tình cảm thiêng liêng của con người: Tình cảm gia đình. Bài ca dao: "Anh em nào phải người xa" nhắc đến tình anh em ruột rà máu mủ. Anh và em đều cùng cha mẹ sinh ra, cùng sống chung một mái nhà, cùng buồn vui, sướng khổ.. Điệp từ "cùng" nói lên rất nhiều sự thân mật, gắn bó, sẻ chia. Khi đã sống chung một nhà, quá trình trưởng thành của người này luôn có sự hiện diện, tham dự của người kia. Tình thân ấy cứ theo năm tháng mà lớn lên, bền chặt. Câu ca dao: "Yêu nhau như thể tay chân" sử dụng lối so sánh, ví von rất gần gũi, rất thực, giúp ta hình dung và cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm anh em gắn bó, không thể tách rời. Bởi chân và tay là những bộ phận quan trọng trên cơ thể con người, luôn phối hợp với nhau trong mọi hoạt động. Thiếu đi bộ phận này là bộ phận kia trở nên khó khăn, không trọn vẹn. So sánh vậy mới thấy hết được ý nghĩa của mối thân tình này. Bài ca dao kết lại bằng lời răn dạy sâu sắc: "Anh em hòa thuận hai thân vui vầy." Còn gì hạnh phúc hơn cảnh gia đình ấm êm, vui vẻ. Muốn có được niềm vui trọn vẹn ấy, anh em phải hòa thuận, nhịn nhường, yêu thương, tương trợ nhau. Đó là mong muốn đau đáu của mẹ cha, cũng là ý thức trách nhiệm của phận làm con. Anh em hòa thuận không chỉ giúp chính chúng ta có thêm sức mạnh, sự tương trợ mà còn là cách để báo hiếu song thân, giúp song thân luôn được "vui vầy", mãn nguyện. Cùng với mẹ cha, chính anh em một nhà mới là người bên cạnh mình, giúp đỡ mình nhiều nhất những khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhiều mối quan hệ có thể nhạt nhòa theo thời gian, có những người bạn có thể rời xa ta mãi mãi. Nhưng tình anh em thân thiết ruột thịt thì theo chúng ta suốt cuộc đời. Vì thế, mỗi chúng ta hãy trân trọng, yêu thương anh chị em của mình, để cha mẹ vui lòng, để gia đình mãi là mái ấm bình yên mà mỗi người đều được đón nhận tình yêu thương khi trở về sau những giông bão cuộc đời.

    - Xem thêm bên dưới...
     
    ThuyTrang, Tiên Nhi, LieuDuong4 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng mười hai 2021
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Cảm nhận về bài ca dao: Con người có cố, có ông


    [​IMG]

    Ca dao thường là những câu hát ngắn gọn, giản đơn mà hàm chứa nhiều bài học làm người sâu sắc. Một trong những đạo lý làm người mà ông cha gửi gắm trong ca dao để răn dạy con cháu muôn đời sau là sống thủy chung, tình nghĩa, quý trọng cội nguồn. Điều đặc biệt là bài học ấy không phải được diễn đạt bằng lí lẽ giáo điều khô khan mà bằng cách nói trữ tình của lời thơ dân gian. Ngắn gọn mà hàm súc, bài ca dao: "Con người có cố, có ông/ Như cây có cội, như sông có nguồn" như lời tâm tình chân thành, tha thiết của cha ông nhắn nhủ đến con cháu mình. Bài ca dao đi từ một chân lí đã là hiển nhiên: Ai ai sinh ra trong cuộc đời đều có cố, có ông, gốc nguồn ruột rà thân thiết. Đó là sợi dây gắn kết các thế hệ, nối quá khứ với tương lai. Dù thần thoại, cổ tích có kì ảo hóa sự sinh thành của con người, thì thực tế, chẳng ai không có nguồn cội. Có cố mới có ông, có ông mới có cha, có cha mới có chúng ta của hiện tại. Câu thứ hai nhấn mạnh thêm ý ở câu thứ nhất bằng hình ảnh so sánh đậm chất dân gian: Như cây có cội, như sông có nguồn. Đúng vậy, cây có gốc, nhờ gốc mà cây lớn lên. Sông có nguồn, nhờ nguồn mà sông chảy mãi. Sự hiện hữu và trưởng thành của chúng ta là nhờ tổ tiên, ông bà truyền nối. Cuộc sống thanh bình no ấm của chúng ta là do các thế hệ trước đắp xây. Bài ca dao là lời nhắc nhủ chúng ta phải biết nhớ về nguồn cội, biết kính trọng tổ tiên. Đó là đạo làm người căn bản. Nếu không hiểu và không sống đúng với đạo lí này, con người sẽ trở thành vong ân, bội nghĩa - chẳng được ai coi trọng, chẳng thể thành người tử tế.
     
    ThuyTrang, Tiên Nhi, LieuDuong4 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...