Viết đoạn văn cảm nhận về bài thơ Sang thu - Hữu Thỉnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 30 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Viết đoạn văn cảm nhận về bài thơ Sang thu - Hữu Thỉnh

    Định hướng:

    1. Mở đoạn

    Giới thiệu tác giả và bài thơ.

    Nêu ấn tượng, cảm nghĩ chung về bài thơ.

    2. Thân đoạn

    Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ. (Em thích chi tiết nội dung hoặc yếu tố nghệ thuật nào trong bài thơ? Em có thích các yếu tố tự sự, miêu tả trong bài thơ này không?

    Nêu lý do khiến em yêu thích chi tiết, hình ảnh, khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của bài thơ.. (Bài thơ gợi cho em những suy nghĩ, cảm xúc gì?

    3. Kết đoạn

    Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về bài thơ.


    [​IMG]

    Bài thơ Sang thu:

    Bỗng nhận ra hương ổi

    Phả vào trong gió se

    Sương chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về

    Sông được lúc dềnh dàng

    Chim bắt đầu vội vã

    Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu

    Vẫn còn bao nhiêu nắng

    Đã vơi dần cơn mưa

    Sấm cũng bớt bất ngờ

    Trên hàng cây đứng tuổi.


    Đoạn 1.

    Điều thú vị khi đọc "Sang thu" của Hữu Thỉnh là những cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước khoảnh khắc giao mùa: mùa hạ lưu luyến chưa nỡ đi còn mùa thu thì nhẹ nhàng gõ cửa. Yêu thiên nhiên, thi sĩ như lắng nghe được từng bước mùa thu đang đến gần và cảm nhận mùa thu bằng mọi giác quan. Bằng khứu giác, nhà thơ nhận ra hương ổi dịu nhẹ thoang thoảng tan trong gió thu. Bằng xúc giác, nhà thơ nhận thấy làn gió thu cũng như mang chút hơi may đặc trưng của mùa: "gió se". Bằng thị giác, nhà thơ nhìn thấy từng làn sương thu đang "chùng chình" qua ngõ, thấy dòng sông "dùng dằng" như nửa đi nửa ở, thấy đàn chim như cũng "vội vã" hơn trong hành trình di cư của mình, thấy đám mây mùa hạ hôm nào, nay đã "vắt nửa mình sang thu", thấy nắng còn "bao nhiêu" và mưa thì đã "vơi dần"... Chẳng những cảm thu bằng mọi giác quan, nhà thơ còn như "nhập thân" vào hàng cây đã đứng tuổi, để nhận ra với chúng, sấm sét của thiên nhiên đã không còn quá bất ngờ, khi chúng đã trải qua bao mùa mưa gió, bao bão táp phong ba. Chưa bàn đến những vẻ đẹp khác của bài thơ, chỉ riêng những cảm nhận rất "sâu", rất chính xác của nhà thơ trong thời khắc giao mùa cũng đủ khiến người đọc thấy cảm phục ông bởi tâm hồn nhạy cảm và vô cùng tinh tế.

    Đoạn 2.

    Một trong những điều tôi thấy thú vị và mến phục tài nghệ của nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài "Sang thu" chính là cách nhà thơ lựa chọn và sử dụng ngôn từ. Ngôn từ nghệ thuật là đặc trưng của văn học. Trong thơ, ngôn từ lại càng cần chắt chiu, gọt giũa hơn nữa. Mỗi nhà thơ có thói quen sử dụng ngôn từ riêng, nhằm biểu đạt cho hay, cho đẹp, cho rung động tâm hồn người... Hữu Thỉnh đã lựa chọn những từ ngữ thật đẹp ấy để tạo tạc nên bức tranh mùa thu trong khắc giao mùa vừa quen mà vừa lạ, vừa có nét chung của cảnh sắc mùa thu lại vừa có nét riêng. Từ "bỗng" mở đầu bài thơ cho thấy cảm xúc đến với nhà thơ một cách đột ngột, bất ngờ. Một ngày như bao ngày nào, nhà thơ chợt nhận ra trong làn gió thu nhè nhẹ là hương bưởi tan bay. Chữ "bỗng" vì thế có gì đó mang âm điệu của sự reo vui, thích thú trước "phát hiện" đầu tiên của khoảnh khắc thiên nhiên chuyển mình. Và nữa, tiếng "phả" cũng tạo ấn tượng đặc biệt, "phả" chứ không còn dìu dịu thoảng hương. Đặt tiếng "phả" lên đầu câu, ta như cảm nhận thấy một không gian nồng nàn mùi hương ổi. Thu còn báo hiệu sự có mặt của mình bằng những làn sương thu. Dưới sự thể hiện của nhà thơ, sương biết "chùng chình" vừa muốn đi vừa muốn ở. Chữ "chùng chình" không lạ, nhưng dùng để tả về sương thì thật thú vị. Sương đâu còn vô tri, vô giác, sương cũng biết bịn rịn, luyến lưu. Và để tả dòng chảy êm đềm, chậm rãi của dòng sông khi thu đến, nhà thơ đã chọn chữ "dềnh dàng" – quả là chính xác. Không chỉ chính xác mà vô cùng tạo hình. Làm sao mà điệu chảy chầm chậm của sông lại khiến nhà thơ liên tưởng đến "dềnh dàng" chứ không phải "lặng lờ" hay "yên ả"? Bởi cái chữ dềnh dàng kia, có hồn hơn, và "người" hơn. Thế mới thấy cái hay, cái lạ trong ngôn từ thơ Hữu Thỉnh. Khi miêu tả đám mây, nhà thơ hình dung đám mây ấy từ khung trời mùa hạ bây giờ "vắt nửa mình" sang thu... Và còn rất nhiều những từ ngữ độc đáo khác trong bài thơ chưa kể hết. Tất cả làm nên vẻ đẹp của mùa thu, làm nên sức sống của bài thơ "Sang thu".
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng chín 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...