Viết đoạn văn cảm nhận về bài thơ Lượm - Tố Hữu, Ngữ văn 6 * * * Đọc bài thơ: Lượm Định hướng: 1. Mở đoạn Giới thiệu tác giả và bài thơ. Nêu ấn tượng, cảm nghĩ chung về bài thơ. 2. Thân đoạn Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ. (Em thích chi tiết nội dung hoặc yếu tố nghệ thuật nào trong bài thơ? Em có thích các yếu tố tự sự, miêu tả trong bài thơ này không?) Nêu lý do khiến em yêu thích chi tiết, hình ảnh, khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của bài thơ.. (Bài thơ gợi cho em những suy nghĩ, cảm xúc gì?) 3. Kết đoạn Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về bài thơ. Đoạn 1: Sức sống của một tác phẩm thực sự chính là ở xúc cảm lắng sâu mà tác phẩm đó đọng lại trong lòng độc giả. Lắng sâu đến độ thời gian không thể xóa nhòa, thậm chí, đọc lại đến bao lần thì cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu vậy. "Lượm" là một bài thơ như thế. Với thể thơ 4 chữ, ngôn từ mộc mạc, giản dị mà giàu cảm xúc.. bài thơ xây dựng hình ảnh thật đẹp đẽ, hào hùng về chú bé liên lạc Lượm. Ngay từ những câu thơ đầu tiên - "chú bé loắt choắt/cái xắc xinh xinh/cái chân thoăn thoắt/cái đầu nghênh nghênh/ca lô đội lệch/miệng huýt sáo vang", Lượm đã "chiếm trọn" trái tim bạn đọc bởi tính cách vui vẻ, hoạt bát, đáng yêu. Câu thơ "như con chim chích/nhảy trên đường vàng" là hình ảnh so sánh vô cùng chính xác gửi biết bao tình cảm yêu thương, trìu mến của Tố Hữu dành cho Lượm. Qua ngòi bút nhà thơ, Lượm đi làm liên lạc, xông pha chốn đạn lạc bom rơi mà nhẹ nhàng, hồn nhiên như đi học, đi chơi vậy. Đó là sự gan dạ, dũng cảm đáng khâm phục. Càng khâm phục hơn khi vì nhiệm vụ "thượng khẩn", Lượm sẵn sàng vượt qua mặt trận trong tình huống vô cùng nguy hiểm: "Đạn bay vèo vèo". Còn nhỏ, nhưng Lượm đã biết đặt trách nhiệm với cách mạng lên trên sự sống của cá nhân mình. Và sự hi sinh của Lượm dù đau xót nhưng có ý nghĩa cổ vũ, khích lệ tinh thần đấu tranh đối với các thế hệ trẻ miền Nam thời chống Mĩ. Đoạn 2: "Lượm" của Tố Hữu là một bài thơ để lại nhiều xúc cảm sâu lắng trong lòng độc giả. Đọc bài thơ, hình ảnh chú bé Lượm cứ ám ảnh mãi không thôi. Dõi theo bước chân liên lạc của Lượm, người đọc như cũng đang cùng chú băng qua những con đường vàng, trong từng bước nhảy chân sáo, miệng không ngớt huýt sáo vang. Hình ảnh chú đẹp quá, đáng yêu quá. Chú vẫn giữ nguyên vẹn nét hồn nhiên, tinh nghịch trẻ thơ ngay cả khi đối diện với bao hiểm nguy trước mắt. Nhưng thật đau xót, trong một lần liên lạc, chú bé Lượm vui vẻ, yêu đời ấy đã hi sinh. Hình ảnh của Lượm nằm trên dòng máu đỏ, tay nắm chặt bông lúa quê hương khiến người đọc không khỏi xót xa, nhức nhói. Mất mát, hi sinh là hiện thực khó tránh trong chiến tranh vệ quốc, biết bao người lính, bao đồng bào phải ngã xuống vì bom đạn kẻ thù. Vậy nhưng, đọc đến những câu thơ kể về sự hi sinh của Lượm vẫn khiến trái tim bao thế hệ độc giả nhói lên như có một móng vuốt sắc nhọn nào đó chạm vào. Đoạn 3: Có thể nói "Lượm" của Tố Hữu là một bài thơ đi cùng năm tháng. Bài thơ có sức sống lâu bền trong lòng bao thế hệ độc giả Việt Nam. Để rồi mỗi khi nhắc đến tên chú bé Lượm, trong trí óc mỗi chúng ta lập tức hiện lên hình ảnh "chú bé loắt choắt/cái xắc xinh xinh/cái chân thoăn thoắt/cái đầu nghênh nghênh/ca lô đội lệch/miệng huýt sáo vang/như con chim chích/nhảy trên đường vàng". Ấn tượng về một chú bé liên lạc vừa nhanh nhẹn, vui vẻ, yêu đời vừa gan góc, dũng cảm là vô cùng sâu đậm. Cũng như nỗi đau nhói lên trong lồng ngực khi đọc đến những dòng thơ kể về sự hi sinh của Lượm là vô cùng chân thật. Nếu như ở phần đầu, giọng điệu lời thơ vui tươi, rộn ràng bao nhiêu thì phần cuối, lại ngậm ngùi, da diết bấy nhiêu. Dẫu biết rằng, giữa chốn tên rơi đạn lạc, mất mát, hi sinh là điều con người phải chấp nhận đánh đổi vì sự nghiệp chung, nhưng sao vẫn buồn, vẫn thương đến thế? Vừa mới đây, chú bé còn nhảy chân sáo trên "đường vàng", mà chỉ sau phút "lòe chớp lửa", chú đã vĩnh viễn nằm lại nơi cánh đồng mênh mông. Vì nhiệm vụ "thượng khẩn", chú đâu có ngần ngại băng vào nơi hiểm nguy, nơi "đạn bay vèo vèo"? Sự hi sinh của Lượm tuy xót xa nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Lượm là tấm gương sáng cho tinh thần gan góc, dũng cảm, thành tượng đài rực rỡ của thế hệ thiếu nhi Việt Nam thời chống Pháp. Xem tiếp bên dưới...
Đoạn 4. Đọc bài thơ "Lượm" của Tố Hữu, hình ảnh chú bé liên lạc Lượm khiến em nhớ mãi. Bằng lối thơ tự sự, ngôn từ giản dị, Tố Hữu đã làm sống dậy một cách cụ thể, chân thực và cảm động hình ảnh chú bé Lượm vừa hồn nhiên, vui vẻ, yêu đời, vừa gan góc, dũng cảm, yêu cách mạng. Đọc bài thơ, ta không thể không mến yêu Lượm - "chú bé loắt choắt/cái xắc xinh xinh/cái chân thoăn thoắt/cái đầu nghênh nghênh/ca lô đội lệch/miệng huýt sáo vang / như con chim chích/ nhảy trên đường vàng". Lượm mang những nét hồn nhiên, tinh nghịch đúng với lứa tuổi của mình. Trong không khí dữ đội của chiến tranh, sự hồn nhiên, lí lắc ấy càng khiến người đọc thêm cảm mến bởi Lượm không nghĩ quá nhiều đến sự chết chóc, buồn đau mà luôn lạc quan, yêu đời. Điều đó không có nghĩa là Lượm không yêu đất nước. Ngược lại, công việc liên lạc đầy nguy hiểm mà chú bé đang làm đã nói lên tất cả tình yêu Lượm dành cho cách mạng, cho dân tộc. Đâu phải chỉ có những chiến sĩ đang chiến đấu ngoài chiến trường mới dũng cảm, yêu nước. Trái tim Lượm cũng thắm đỏ dòng máu gan góc, kiên cường, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp cứu quốc. Bởi vậy, dù trong tình cảnh hiểm nguy "đạn bay vèo vèo", Lượm vẫn đặt nhiệm vụ cách mạng lên trên sự sống chết của cá nhân. Chú băng qua lửa đạn một cách kiên cường bởi "thư đề thượng khẩn". Hành động của Lượm khiến người đọc cảm phục vô cùng vì Lượm còn nhỏ nhưng chí khí lại không nhỏ chút nào. Nhưng thương thay, sự khốc liệt của chiến tranh đã gieo cái chết lên thân hình nhỏ bé ấy. Hai chữ "thôi rồi" bật thành tiếng nấc nghẹn ngào, đau xót.. Sau phút "lòe chớp lửa" Lượm đã hi sinh. Cậu hóa thành lúa, thành mùi sữa, thành linh hồn gửi vào thiên nhiên, trời đất. Sự ra đi của Lượm nhẹ nhưng như một giấc ngủ, như sự trở về với đất mẹ vĩnh hằng. Và sự ra đi ấy đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, hi sinh của biết bao lớp người Việt Nam yêu nước.
Đoạn 5. "Lượm" là một câu chuyện kể bằng thơ của Tố Hữu, kể cho chúng ta nghe về chú bé lên lạc dũng cảm tên Lượm mà nhà thơ gặp trong những ngày chiến đấu ác liệt ở Huế. Ấn tượng sâu đậm trong tâm trí nhà thơ, cũng như trong tâm trí bạn đọc là hình ảnh chú bé nhanh nhẹn, hoạt bát: "Chú bé loắt choắt/cái xắc xinh xinh/cái chân thoăn thoắt/cái đầu nghênh nghênh/ca lô đội lệch/miệng huýt sáo vang / như con chim chích/ nhảy trên đường vàng". Hàng loạt các từ láy gợi hình, biểu cảm "loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh" cùng cách so sánh vô cùng chính xác "như con chim chích" đã nói lên tất cả sự hồn nhiên, tinh nghịch, đáng yêu của Lượm. Chiến đấu cho đất nước, cho độc lập dân tộc với Lượm là niềm vui, công việc liên lạc với chú là niềm tự hào, là đam mê kiêu hãnh nên dù chiến trường khốc liệt, phải đối diện với cái chết ập đến bất cứ lúc nào, Lượm vẫn không hề run sợ. Bởi vậy, Lượm lúc nào cùng vui vẻ, yêu đời như chú chim non có cả một bầu trời cao rộng vẫy vùng. Nhưng thật đau đớn, xót xa, Lượm lại hi sinh quá sớm. Trong một lần vượt qua bom đạn: "Bỗng lòe chớp đỏ - Thôi rồi, Lượm ơi!", tia chớp ấy đã cướp đi cuộc đời, cướp đi tuổi thơ của Lượm. Lượm đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ yêu thương. Sự hi sinh của Lượm là vô cùng dũng cảm. Bởi đó là sự hi sinh cho cách mạng, cho đất nước. Đọc đến những dòng thơ cuối, người đọc không khỏi cảm phục chú bé Lượm gan góc, anh hùng, sẵn sàng băng qua lửa đạn bất chấp hiểm nguy vì nhiệm vụ cách mạng. Như vậy, Lượm không chỉ đáng yêu ở sự hồn nhiên, nhí nhảnh trẻ thơ, mà còn đáng khâm phục ở tính cách bất khuất, kiên cường. Lượm đã trở thành biểu tượng bất tử cho thế hệ măng non Việt Nam thời chiến tranh vệ quốc.