Viết đoạn văn cảm nhận về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ - Ngữ văn 6. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đêm nay Bác không ngủ Bài thơ sáng tác năm 1951, dựa trên sự kiện có thực trong chiến dịch Biên giới 1950, Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân. Đêm trước khi mở màn chiến dịch, Bác không ngủ được vì lo cho đất nước, thương cho chiến sĩ, dân công phải chịu nhiều vất vả, thiếu thốn. Bố cục bài Đêm nay Bác không ngủ Gồm 3 phần: - Phần 1: 9 khổ thơ đầu : lần thức dậy lần thứ nhất của anh đội viên, - Phần 2: 6 khổ thơ tiếp: lần thức dậy lần thứ ba của anh đội viên. - Phần 3: Còn lại: Suy nghĩ của anh đội viên về hình tượng Bác Hồ. Nội dung, nghệ thuật bài Đêm nay Bác không ngủ - Nội dung: Qua câu chuyện về một đêm không ngủ của Bác, bài thơ khắc họa chân dung sáng ngời của vị lãnh tụ vĩ đại với tấm lòng quan tâm, yêu thương sâu sắc nhân dân, bộ đội. Đồng thời còn thể hiện tấm lòng yêu thương, kính trọng của anh đội viên, cũng là của nhân dân Việt Nam đối với Bác. - Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ, cách gieo vần phù hợp với lối tự sự, kết hợp hài hòa giữa miêu tả, kể và biểu cảm; sử dụng linh hoạt biện pháp tu từ so sánh, kết hợp với nhiều từ láy, từ tượng hình; sử dụng nhiều chi tiết giản dị, chân thực và cảm động... Định hướng viết đoạn: 1. Mở đoạn Giới thiệu tác giả và bài thơ. Nêu ấn tượng, cảm nghĩ chung về bài thơ. 2. Thân đoạn Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ. (Em thích chi tiết nội dung hoặc yếu tố nghệ thuật nào trong bài thơ? Em có thích các yếu tố tự sự, miêu tả trong bài thơ này không?) Nêu lý do khiến em yêu thích chi tiết, hình ảnh, khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của bài thơ.. (Bài thơ gợi cho em những suy nghĩ, cảm xúc gì?) 3. Kết đoạn Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về bài thơ. Đoạn 1: Có rất nhiều những câu chuyện, những bài thơ kể về tình yêu thương bao la của Bác Hồ dành cho nhân dân, bộ đội và chiến sĩ. Trong đó có câu chuyện cảm động được nhà thơ Minh Huệ kể lại trong bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ". Đọc bài thơ, mỗi chúng ta càng thêm kính yêu vị cha già của dân tộc. Bởi qua bài thơ, ta thấy Bác không chỉ là người lớn lao trong tư tưởng, mà còn là người có trái tim vĩ đại. Bài thơ kể lại một đêm không ngủ của Hồ Chí Minh trên đường đi chiến dịch trong thời kì kháng chiến chống Pháp qua góc nhìn của một người chiến sĩ. Ba lần người chiến sĩ thức dậy là ba lần anh thấy Bác vẫn chưa ngủ, mặc dù đêm đã khuya lắm rồi. Lần thứ nhất, anh thấy Bác ngồi trầm ngâm yên lặng bên bếp lửa. Bác giữ cho ngọn lửa cháy suốt đêm để sưởi ấm cho các chiến sĩ. Thương và lo cho Bác, anh đội viên ân cần hỏi thăm, Bác nhẹ nhàng nhắc anh ngủ ngon để mai còn đi đánh giặc. Sau đó, Bác cẩn thận đi dém chăn cho từng người. Hành động nhẹ nhàng nhón chân của Bác nói lên biết bao sự chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo Bác dành cho mọi người. Lần thứ ba tỉnh giấc, anh đội viên hốt hoảng giật mình vì thấy "Bác vẫn ngồi đinh ninh/chòm râu im phăng phắc". Anh luống cuống giục Bác đi ngủ vì trời sắp sáng rồi. Bác vẫn nhẹ nhưng như lần trước: "Chú cứ việc ngủ ngon!" Và lần này, anh đã biết vì sao Bác không ngủ. Bác không ngủ vì: "Bác thương đoàn dân công/Đêm nay ngủ ngoài rừng/Rải lá cây làm chiếu/Manh áo phủ làm chăn/Trời thì mưa lâm thâm/Làm sao cho khỏi ướt/Càng thương càng nóng ruột/Mong trời sáng mau mau." Biết được lí do khiến Bác ngủ không yên lòng có lẽ ai nấy đều cảm động rưng rưng vì cảm phục tấm lòng bao la, lớn rộng của Bác. "Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người". Trái tim của Bác thật vĩ đại - trái tim dành trọn lo lắng và yêu thương cho tất cả mọi người. Đoạn 2: Vì đất nước, vì dân tộc, đã bao đêm Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ngủ không yên giấc: "Một canh, hai canh, lại ba canh/Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành". Minh Huệ cũng kể cho chúng ta về một đêm như vậy của Bác trong bài thơ: "Đêm nay Bác không ngủ". Đó là đêm trên đường đi chiến dịch trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Trời đã về khuya, sự yên lặng bao trùm lên không gian, cảnh vật. Tất cả đã chìm vào trong giấc ngủ, chỉ có Bác ngồi đó với vẻ mặt trầm ngâm. Từ láy "đinh ninh", "phăng phắc" vừa gợi tả chân dung, dáng vẻ đầy suy tư của Bác trong một đêm không ngủ, vừa nói lên phẩm chất tâm hồn cao quý của Người: Người không ngủ vì lo cho vận mệnh dân tộc, lo cho chiến dịch ngày mai, và trên hết là vì thương cho sự vất vả, thiếu thốn của mọi người: "Bác thương đoàn dân công/Đêm nay ngủ ngoài rừng/Rải lá cây làm chiếu/Manh áo phủ làm chăn/Trời thì mưa lâm thâm/Làm sao cho khỏi ướt/Càng thương càng nóng ruột/Mong trời sáng mau mau." Với tình thương bao la ấy, Bác đã có những hành động thể hiện sự chăm sóc ân cần, chu đáo đến mọi người: Bác đốt lửa sưởi ấm cho chiến sĩ, Bác dém lại chăn cho từng người. Thật cảm động biết bao hình ảnh Bác nhẹ nhàng nhón chân đến bên từng chiến sĩ và dém lại chăn cho các anh vì sợ "Cháu mình giật thột" – đó là cử chỉ tỉ mỉ, tinh tế của một trái tim đong đầy yêu thương và thấu cảm. Hành động của Bác chẳng khác nào hành động của người cha đối với những đứa con của mình. Hình ảnh ẩn dụ "Người Cha" đã nói lên tất cả tình cảm lớn lao ấy trong lòng Bác. Chính những điều đó đã khiến anh đội viên cảm động và cũng ngủ không yên giấc vì thương và lo cho Bác. Bài thơ là câu chuyện kể về một đêm không ngủ của Bác. Qua câu chuyện đầy cảm động ấy, mỗi chúng ta đều cảm nhận sâu sắc, thấm thía tình yêu thương bao la, lớn rộng của Bác đối với bộ đội và nhân dân cũng như lòng yêu kính, cảm phục của người chiến sĩ đối với vị lãnh tụ kính yêu của mình.