Tự truyện-Viết cho cha - Họa Tâm Như Ngọc - Ai lớn lên mà không trải qua 1 tuổi thơ dài- thứ mà mãi sau này ta khao khát quay lại đều không thể được nữa. Tôi sinh ra trong một gia đình bần nông ở một tỉnh miền núi Bắc Bộ. Hồi ấy làng tôi còn nghèo, nhà tôi còn nghèo hơn. Bố mẹ tôi bươn trải đủ mọi nghề để kiếm sống. Trong kí ức xa xôi nhất của tôi là khi tôi lên ba bốn tuổi gì đó, cái tuổi mà chưa từng biết đến mấy chữ âu lo, bố mẹ tôi từng làm đậu phụ, nấu rượu gạo.. Ngày đó làng tôi có nghề làm gạch đỏ, bố tôi còn đi vác gạch thuê cho người ta. Bố tôi có dáng người nhỏ, không cao lắm, bố gầy gò và làn da nâu bóng vì nắng. Ngày bé tôi rất bện bố, ai cũng bảo tôi hợp bố, con gái diệu của bố. Ngày ấy nhà tôi có chiếc xe máy cũ, có buổi chiều nào bố đi thăm ruộng, tôi cứ hay ngồi trước rồi chui vào trong áo bố rồi như trong mái nhà kiên cố nhất. Có ngày đi học về tôi hay rẽ vào xưởng gạch ngồi xem bố làm việc. Dáng người gầy gò liêu xiêu vác cả chồng gạch hơn chục viên (gạch ướt chưa phơi khô). Tôi hay kêu đói quá, mệt quá rồi đòi bố mua cho gói mì tôm hay gói bim bim. Có lẽ hồi ấy bé quá nên tôi chưa biết thế nào là vất vả, chưa biết thương bố, cứ vô tư vậy mà lớn lên. Nhà tôi ở lưng quả đồi, ngày ấy vẫn còn là nhà tranh mái ngói, căn nhà nhỏ đơn xơ, không có vật chất gì đáng quý cả. Bên trái nhà có cái cửa ngách đi sang nhà bếp, trong bếp cũng toàn đồ nấu rượu với làm đậu. Ngay cửa bếp có bể chứa nước, hồi ấy giếng nhà không đủ nước ăn, bố mẹ tôi hay đi gánh nước mấy nhà quanh xóm ấy về chứa vào bể. Nói là quanh xóm nhưng đi cả cây số mới có 1 nhà. Hồi bé tôi ít ngủ trưa, nhưng lần nào ngủ thi nửa chiều mới dậy. Trong tiềm thức tôi vân nhớ như in hình ảnh mỗi mở mắt nhìn qua cửa ngách thấy ánh nắng chiều lóng lánh trong bể nước hắt lên vách bếp. Từ nhà tôi nhìn xuống trước cửa có con đường đất, xuống xa hơn là đất ruộng, chỗ tôi gọi là Bềnh. Sau nhà tôi là đồi keo, có cây ổi xèo tán ngay lên mái ngói. Lối đi vào nhà đầy đá lởm chởm, ngay cổng có búi tre to lắm, trưa hè tôi không ngủ hay ra đó ngồi chơi. Năm tôi lên bốn, bố mẹ tôi bỏ nghề làm đậu, đến năm lên sáu thì bỏ nghề nấu rượu vì người ta mua nợ nhiều quá không còn vốn. Con trâu lại bị say sắn chết mất nên coi như mất hết, bố tôi bán lỗ cho người ta rồi mua được cái xe máy để đi lại. Bố tôi đi xuất khẩu lao động đến Quatar làm dầu khí. Mỗi tháng bố gọi về một lần, mẹ tôi lại đi mượn điện thoại bàn về để nghe. Ngày đó hình như tôi cũng không cảm thấy nhớ bố nhiều, lâu lâu bố lại gửi thư về cho mẹ, bố gửi cả những tấm ảnh in chưa ép. Trong ảnh bố mặc đồ kín mít vì nắng vùng xa mạc, gương mặt đen cháy và mái tóc rậm rạp. Mỗi lần bố gọi về, tôi cũng chỉ nói theo mẹ hỏi: "Bố ơi bố khỏe không?" rồi lại chạy đi chơi chứ không quan tâm nhiều. Suốt thời gian bố đi làm xa ấy, mẹ tôi vẫn đi làm thuê cho người ta ở xưởng gạch, mẹ đi cấy thuê, hái chè thuê, làm đủ mọi việc để kiếm tiền. Buổi trưa tôi và anh tôi hay trốn ngủ chạy lên nhà bác xem tivi. Chiều chiều, tôi hay theo các anh đi câu cá, bắt ốc, thả diều trên bãi đồng. Hồi mẹ tôi mua được cái nồi cơm điện, đối với tôi đó là thứ đáng tiền nhất trong nhà. Có buổi chiều tôi đi chơi về muộn, anh tôi về trước giấu cái nồi đi rồi bảo: "Mày không trông nhà trộm lấy mất rồi", dọa tôi sợ phát khóc. Sự ham vui trong ngây thơ ấy làm tôi chưa một lần nghĩ đến cái vất vả cực nhọc của bố mẹ. Đêm mùa hè, anh trai tôi và mẹ hay đi cất vó tôm ở Bềnh. Có lần tôi tỉnh ngủ lúc nửa đêm mà chẳng thấy ai bên cạnh, tôi chạy ra sân và khóc rất to, mãi mẹ mới về đón, sau lần ấy tôi mới biết hóa ra đêm nào mẹ và anh cũng đi. Sáng sớm hôm sau anh tôi đạp xe đi bán rồi mới về đi học. Tôi còn nhớ mùa đông năm ấy trời lạnh và mưa nhiều. Hôm ấy đã cận tết, mẹ và anh tôi đi chợ, tôi ở nhà một mình, ngoài trời mưa tầm tã, nhà lại mất điện, mới chiều mà ngoài trời đã như tối muộn. Trong nhà có vài chỗ bị dột, nước mưa cứ thế chạy khắp nhà. Tôi lấy hết chậu xô ra hứng rồi ngồi ngoài hiên đợi mẹ về. Thấy con mèo bị bầy chó đuổi phải trèo lên cây, thế là tôi chạy ra ngoài trời giúp nó, sân trơn quá, tôi bị ngã, cả người ướt như chuột, không còn áo rét để thay, tôi cứ ngồi run rẩy ở cửa. May sao bác tôi thấy muộn mà mẹ chưa về mới xuống thì thấy rồi đưa lên nhà bác sửa lửa rồi nấu mì cho ăn.. Cứ như vậy, ba mẹ con tôi trải qua một năm mà bố không ở nhà. Bố đi hợp đồng ba năm, nhưng vì thời tiết quá khắc nghiệt lại thêm công việc vất vả mà bỏ hợp đồng, về về sau một năm. Ngày bố đi, không ai tiễn, ngày bố về cũng chẳng có ai đón bố ở sân bay cả. Bố về một mình, tự đón xe khách và xe ôm để về làng. Hôm ấy tôi chạy ra tận đầu ngõ đón bố, bố tôi về chỉ đeo chiếc balo cũ kĩ, tay xách cái cặp số để giấy tờ đã tróc sơn. Bố ôm tôi vào lòng, cho tôi ngồi lên cổ giống như trước. Bố gầy hơn nhiều và đen, mái róc rậm bù xù, bác tôi còn trêu là "thằng bụi đời". Sau mấy ngày bố về, bố tôi đi mua được cái tivi màu. Thế mà cả tối cả nhà ngồi mày mò mà mãi chưa bật được lên, đến muộn anh họ tôi về mới xuống, mãi mới tìm được cái nút nguồn ở dưới. Thế là đêm ấy cả nhà tôi thức muộn đến gần sáng để xem. Cứ mỗi lần muốn xem lại lại phải đi xoay ăngten cho nét mới xem được. Năm đó các cô út tôi đi lấy chồng, thế là cả nhà tôi dọn về ở với bà nội. Căn nhà cũ ấy cũng từ đó mà bỏ hoang cũng với rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ của tôi ở đó, trên mấy cái cột nhà vẫn dán đầy phiếu bé ngoan. Liền mấy năm sau đó bố tôi lại đi làm gạch, năm tôi lên cấp 2 thì mẹ xin đi làm công ty sáng đi tối về, tiền cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi anh em tôi ăn học. Bố tôi lại tậu một con trâu, sáng bố đi làm, trưa về ăn vội miếng cơm rồi đi cho trâu ăn, chiều về lại đi làm đến tối muộn. Ngày ấy tôi hay xin tiền bố bảo mua sách mua vở, nay năm chục mai một trăm. Vì tôi cứ nghĩ bố tôi có tiền. Nhưng tiền đó tôi vốn không phải mua sách mà chỉ để ăn quà vặt rồi đi chơi với bạn bè. Năm tôi học lớp 9, bố tôi bị ngã xe gãy xương bả vai, sức khỏe bố cũng yếu hơn, đến bây giờ cứ trái gió trở trời lại bố lại đau lắm. Bố tôi rất giỏi, bố biết nhiều nghề, bố giỏi chài cá, từ ngày tôi còn bé, có lẽ nhà nghèo không có gì ăn nên bố đã giỏi bắt cá rồi. Bố hay mòm mẫm đánh lưới, đi câu hay úp nơm mò cá. Khoản này có lẽ tôi giống bố. Khi tôi còn bé, nhiều người bảo lẽ ra tôi phải là còn trai mới đúng. Tôi rất thích câu cá và câu cũng rất giỏi. Những lúc tôi đi câu, nhiều bác lớn tuổi cũng bảo tôi "sát cá". Những hôm bố rảnh, hai bố con lại đi câu ở đầm ở suối. Tôi giống bố nhiều, có nhiều người hay bảo với 2 bố con: "Gái giống cha thì giàu ba họ". Bố tôi cũng cười: "Ừ thì cục kim cương đây chả giàu là gì". Hồi tôi còn đi học thành tích rất tốt, tôi luôn đạt nhiều danh hiệu, thi học sinh giỏi được nhiều giải, tôi chưa từng được đi học thêm, cũng chẳng bao giờ xin bố mẹ đi học thêm cả, vì nhà tôi nghèo, tiền học chính đóng cũng khó khăn rồi. Anh tôi học hết 12 thì đi làm, công việc cũng không ổn định lắm, sau vài năm thì lấy vợ, cuộc sống cũng gọi là đủ, cũng không đỡ được nhiều cho bố mẹ. Đến năm tôi lên cấp 3 thì làng bỏ nghề gạch, mẹ tôi nghỉ công ty về chăn nuôi, bố tôi lại đi lên thành phố kiếm việc bươn trải. Bố bảo bố đi làm kiếm chút tiền cho tôi học đại học. Anh tôi đã không được học thì phải cố cho tôi. Nhưng đến năm tôi thi, tôi không đăng kí thi đại học. Nhà tôi còn nợ nhiều vì chăm nuôi thua lỗ, nếu tôi đi học bố mẹ tôi lại vất vả thêm thời gian dài nữa. Lúc đó tôi nghĩ, cứ tạm đi làm một thời gian đỡ bố mẹ, năm sau lại về đi học. Tôi bảo bố mẹ, tôi không thích đi học nữa, lúc ấy trong ánh mắt bố buồn buồn, bố động viên tôi học tiếp, bảo sau này có nghề nghiệp rồi đỡ phải lam lũ như bố mẹ. Nhưng tôi vẫn quyết định đi làm, giấu đi tất cả ước mơ cả bản thân. Cho đến bây giờ nếu hỏi tôi có hối hận vì chọm còn đường đó không thì tôi sẽ trả lời là không, vì nếu quay lại thời điểm đó tôi vẫn sẽ lựa chọn như vậy. Từ khi tôi đi làm xa nhà cũng ít khi về mà gặp được bố, vì bố cũng làm xa, mỗi bố con một nơi, cả năm chắc chỉ có cái tết là đầy đủ cả gia đình. Bố tôi sức khỏe càng yếu hơn, bố bị đau lưng, đau sương khớp, tóc bố bạc đi nhiều đến nỗi tôi không còn nhổ hết được cho bố nữa. Bố lại cười bảo: "Có khi nhổ tóc đen còn nhanh hơn ấy". Mỗi lần như thế tôi muốn khóc lắm, nhưng tôi chưa bao giờ khóc trước mặt bố, để bố tôi luôn nghĩ rằng, con gái bố mạnh mẽ lắm. Bố bảo cố nốt năm nay thì bố về vì làm thấy yếu quá rồi. Có lần tết đến, tôi mua cho bố đôi dép đâu vài trăm nghìn, bố tôi đi ăn tất niên ở làng bị người ta đeo nhầm mất, về nhà mẹ cứ trách bố mãi, miệng bố thì nói như chẳng có gì nhưng tôi biết trong lòng bố tiếc lắm. Hôm sau tôi mua cho bố đôi khác, bố chỉ đeo một hai lần hết cái tết rồi cho vào túi cất đi bảo để cho mới, năm sau lại đeo. Quần áo bố cũng có ít, chẳng theo mốt hay gì cả, trước thì mẹ tôi mua gì bố mặc nấy, giờ thì tôi cũng thế. Bố hay mặc quần vải xuông, áo phông tay ngắn, đi dép có khi là tổ ong, bố tôi cứ xề xòa như thế. Tay bố gân guốc, tróc da, móng tay móng chân đều đen đen xấu xí, vài cái móng bị hỏng vì ngày xưa bị gạch rơi vào, da tay chân đều nứt nẻ hết cả. Thế nhưng đối với tôi đó vẫn là đôi bàn tay đẹp đẽ nhất. Bố tôi là người đàn ông tài giỏi nhất, mạnh mẽ nhất trong cuộc đời này. Tôi chưa bao giờ nói yêu bố hay nhớ bố cả. Năm vừa rồi là lần đầu tiên tôi nói chúc mừng sinh nhật bố. Tôi chỉ hi vọng, bố luôn thật nhiều sức khỏe, chỉ vậy là đủ. Tuổi thơ của tôi trôi qua cùng những vất vả của bố mẹ như vậy. Đi làm rồi mới biết thì ra kiếm tiền lại vất vả như vậy. Hóa ra cuộc sống này chẳng có gì dễ dàng cả, khi ta cảm thấy cuộc sống dễ dàng có nghĩa là đã có người thay ta gánh hết những khó khăn trắc trở. Bố mẹ tôi đã gánh hết cho tôi suốt bao năm như vậy. Thực ra nhiều người mong mỏi được trở về tuổi thơ để khỏi vô lo vô nghĩ. Nhưng với tôi, tuổi thơ rất vui vẻ nhưng sự vui vẻ đó được tạo nên từ dáng đi hao gầy lam lũ của mẹ, những sợi tóc bạc dần của bố. Tôi không mong muốn trở lại ngày bé nữa, mà chỉ hi vọng bố mẹ tôi mạnh khỏe, cũng mong bản thân mạnh mẽ hơn để có thể cố gắng gánh vác những nỗi lo toan thay cho bố mẹ. * * * HẾT.
Thật bất ngờ khi tớ vừa thu âm xong Bog radio về "Tự truyện: Viết cho cha" của cậu xong thì hôm nay lại bắt gặp đúng ngay bài này trong lúc tớ vô tình lướt tìm những cái tên ấn tượng để đọc trong lúc thư giản. Tớ cũng xin mạn phép được viết lên vài dòng suy nghĩ của mình. Bài viết của cậu gợi cho tớ rất nhiều ký ức tuổi thơ tưởng chừng đã lãng quên trong cuộc đời, lúc thu âm bài này tớ rất xúc động, giống như mình được ngược dòng trở về quá khứ chìm đắm trong cái cảm giác hoài niệm ấy. Từng hình ảnh thân thương, từng mảnh vỡ ký ức cứ ào ạt đổ về như thác chảy làm tim tớ thổn thức. Tớ nhớ ba mẹ lắm, nhớ thời thơ bé vô lo vô nghĩ được ba mẹ che chở yêu thương, những ngày đúng như cậu nói sẽ mãi ta không bao giờ quên được, dù khát khao cũng chẳng thể trở về được, nó chỉ còn là những ký ức tươi đẹp theo ta suốt cuộc đời này. Những ngày tớ sống mười tám năm ở miền quê yên ả là những ký ức dù có khó khăn vất vả nhưng lại thanh bình đến lạ, nhớ vầng trăng tròn tha thiết sau mái tranh nghèo, nhớ bữa cơm gia đình mẹ nấu cho cả nhà mỗi ngày, nhớ từng gốc cây ngọn cỏ đồng quê quen thuộc.. Chỉ có điều quê cậu ở phía bắc còn quê tớ ở phía nam, nhưng lại có nhiều điểm giống nhau đến thế. Tớ đọc bài của cậu cứ như đang kể lại chính cuộc đời tớ vậy, ba tớ cũng mang dép rồi bỏ quên ở chỗ đi đám bởi ba tớ có bao giờ mang dép đâu, ba luôn đi đường bằng đôi chân đất, ba tớ còn cột dây vào dép làm quai sau để khỏi quên khi mang dép đi, tớ thấy thương ba lắm, nay ba tớ ngoài 60 rồi mà tớ vẫn chưa lo được gì cho ba mẹ nhiều. Thật sự tớ cũng không muốn quay lại thời bé nữa vì tớ thấy 18 năm tuổi thơ sống ở quê tớ đã cố gắng hết sức có thể rồi, tớ không hối hận. Còn đoạn sau 18 năm từ cái ngày tớ lên thành phố học đại học đến tận bây giờ lại là những chuỗi ngày tháng khác, có thấp thỏm lo lắng, có sa ngã, có thất vọng nản lòng và quên cả giấc mơ của mình. Rồi cơ hội đến và tớ bỏ lỡ vì không nhận ra nó sớm hơn, đến tận 7 năm sau mới có thêm một cơ hội mới rồi từ đấy hành trình nhiều sóng gió đến với cuộc đời tớ, có bức phá giới hạn của bản thân, có gan lớn động trời, có liều mạng và tớ chỉ có một con đường là tiến về phía trước mà thôi, qua sông tớ đoạn kiều rồi, giờ cho dù thế nào thì tớ cũng phải đi tiếp con đường mà tớ đã chọn, có khó khăn vất vả bao nhiêu thì cũng chỉ còn cách là vượt qua thôi. Đến tận bây giờ tớ chỉ có được một chút kết quả nho nhỏ và tớ đang cố gắng để hoàn thành kế hoạch mới cho một bước phát triển vượt bậc, dù biết là có khó khăn nhưng tớ tin mình sẽ chiến thắng. Tớ cũng chưa bao giờ nói câu yêu ba mẹ, vì người càng thân cận với mình thì càng khó nói lời yêu thương, tớ chỉ thương trong dạ để trong lòng, âm thầm cố gắng để giúp đỡ ba mẹ mình nhiều hơn. Mong rằng những ngày tháng sắp tới sẽ là những ngày vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời, và tớ sẽ tự vẽ lên cuộc đời tớ bằng những câu chuyện thú vị nhất.
Chúc cậu thành công với những dự định của mình trong tương lai gần, gửi lời chúc sức khỏe tới ba mẹ cậu. Mong gia đình cậu luôn hạnh phúc. Cảm ơn cậu đã ủng hộ bài viết của mình