BÀI BÁO CÁO NGHIÊN CỨU VỀ VẤN NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG – MỘT VẤN ĐỀ CẤP THIẾT TOÀN CẦU. A. Phần mở đầu: 1. Giới thiệu và nêu lý do chọn đề tài: Trong thời đại ngày nay – thế kỷ của những đổi mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế - chính trị cho đến văn hóa – giáo dục, đồng thời với sự phát triển ấy, con người cũng phải đối mặt với cuộc sống ngày càng phức tạp, chất chứa không ít những vấn nạn toàn cầu gây nhức nhối. Ô nhiễm môi trường, chiến tranh, kinh tế suy thoái, phân biệt giới tính, phân biệt màu da, phân biệt tín ngưỡng.. chính là một vài trong vô số những vấn đề toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt, một trong số đó có cả vấn nạn bạo lực học đường. Tình trạng bạo lực xuất hiện dưới nhiều phạm vi và hình thức, từ bạo lực trong các tình huống xã hội cho đến bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Vấn đề bạo lực trong hoàn cảnh nào hay hình thức nào cũng là sai lầm cần phê phán, nhưng ở bài báo cáo nghiên cứu này, tôi muốn tập trung vào vấn nạn bạo lực trong phạm vi riêng là môi trường học đường. Tình trạng bạo lực diễn ra rất nhiều mỗi ngày trên thế giới, đặc biệt trong môi trường học đường. Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt với vấn đề này. Thậm chí tại nhiều quốc gia phát triển, chính phủ và nhân dân vẫn phải nhức nhối vì bạo lực học đường xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng ở mức độ báo động đỏ. Bạo lực học đường dưới nhiều hình thức ở đối tượng học sinh đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với những nạn nhân nói riêng và cả xã hội, quốc gia nói chung. Tình trạng này đã phản ánh rất thực tế những vấn đề căn cốt và bản chất liên quan đến đạo đức và lối sống của con người hiện đại. Với những hậu quả nặng nề và sự phổ biến trong môi trường trường học, tình trạng bạo lực học đường hiện đang là một trong những vấn đề nguy cấp nhất của nền giáo dục toàn cầu. Về lý do lựa chọn đề tài này, trong vai trò là một học sinh và đang gắn bó mật thiết với môi trường học đường, đề tài lựa chọn là một vấn đề phù hợp với hoàn cảnh và lứa tuổi. Xuất phát từ sự nhận thức được bạo lực học đường hiện đang là vấn đề vô cùng nhức nhối và cấp thiết của xã hội toàn cầu rất cần được quan tâm, tôi mong muốn có những nghiên cứu tường tận và tìm ra những tri thức mới về vấn đề này, đồng thời truyền tải những thông điệp liên quan đến đề tài lựa chọn. 2. Mục tiêu nghiên cứu: Bài báo cáo nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu: +Mở rộng hiểu biết: Nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn nạn bạo lực học đường trên toàn cầu, nhìn nhận vấn đề tường tận từ nguyên nhân – bản chất cho đến thực trạng trên nhiều góc độ. +Khắc sâu kỹ năng tìm kiếm và thu thập, sắp xếp thông tin. Rèn luyện năng lực hệ thống, phân tích và đánh giá về một vấn đề xã hội toàn cầu. +Nhằm xây dựng tư tưởng đúng đắn về vấn đề bạo lực học đường, đưa ra những kiến giải và biện pháp thiết thực để giải quyết, khơi dậy ý thức chung của mọi người về việc phản đối và nói không với bạo lực học đường. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Việc báo cáo nghiên cứu dựa trên sự tìm hiểu về vấn đề quá nhiều kênh phương tiện, tập trung vào đối tượng và phạm vi sau: +Đối tượng/ vấn đề nghiên cứu chủ yếu là nguyên nhân – thực trạng – giải pháp của tình trạng bạo lực học đường ở học sinh, sinh viên, giáo viên tại các cơ sở giáo dục. +Phạm vi nghiên cứu là trong môi trường học đường – môi trường giáo dục, không chỉ riêng Việt Nam mà là các quốc gia trên thế giới. Do phạm vi bài báo cáo nghiên cứu hạn chế nên tôi sẽ chỉ tập trung vào phạm vi trong nước và một số quốc gia khác có vấn nạn bạo lực học đường đặc biệt nghiêm trọng đến mức báo động. 4. Phương pháp nghiên cứu: +Phương pháp liệt kê: Liệt kê các dẫn chứng nhằm làm minh bạch cho luận điểm, một kiến thức hay khái niệm. +Phương pháp dùng số liệu: Sử dụng các số liệu được thống kê về chỉ số bạo lực học đường, số lượng vụ việc và nạn nhân của bạo lực học đường tại các quốc gia trong thời gian cụ thể. +Phương pháp phân tích – tổng hợp: Nhìn nhận vấn đề trên nhiều góc độ và phân tích nguyên nhân, phân tích các dẫn chứng liên quan đến thực trạng, bản chất nhằm làm rõ vấn đề. Cuối cùng tổng hợp lại nhằm đưa ra cái nhìn khái quát nhất. +Phương pháp so sánh: Áp dụng phương pháp so sánh giữa tình hình thực tế của nền giáo dục xưa và nay, giữa các quốc gia thời hiện đại, giữa các cấp bậc tại cơ sở giáo dục liên quan đến vấn đề bạo lực học đường. B. Phần nội dung: 1. Những lý thuyết cơ bản về vấn nạn bạo lực học đường: A. Khái niệm: "Bạo lực" và "bạo lực học đường" là gì? - "Bạo lực" là gì? : + "Bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh với mục đích gây thương vong, tổn hại một ai đó. Bạo lực có thể là đỉnh điểm của các cuộc xung đột". +Khái niệm bạo lực hiện nay được nhìn nhận ở nhiều góc độ hơn, không chỉ riêng việc bạo lực thể chất mà còn có bạo lực tinh thần. Hiểu rộng hơn nghĩa là tất cả những hành vi sử dụng sức mạnh với mục đích gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của người khác chính là bạo lực. - "Bạo lực học đường" là gì? +Khái niệm bạo lực học đường cơ bản cũng giống với bạo lực, nhưng khác rằng phạm vi chỉ ở riêng môi trường học đường, trong các trường học và cơ sở giáo dục. +Đối tượng (bao gồm cả người tham gia bạo lực và nạn nhân) của bạo lực học đường là học sinh, sinh viên, giáo viên, những người làm trong cơ sở giáo dục. B. Hình thức: "Bạo lực học đường" diễn ra dưới các hình thức nào? +Hình dung ban đầu của con người về hành vi bạo lực thường liên quan đến sự đánh đập, đấm đá, làm tổn thương trực tiếp lên thân xác của nạn nhân. Nhưng trên thực tế, hình thức của bạo lực đa dạng hơn như vậy. +Khi khái niệm của bạo lực được mở rộng ra, không chỉ là sự tổn hại thể chất mà còn thêm cả tinh thần thì những hình thức của bạo lực cũng nhiều hơn vô số. Có một số hình thức bạo lực học đường sau: - Bạo lực thể xác: Là hành vi trực tiếp làm thương tích lên sức khỏe thể chất và tinh thần của nạn nhân như đánh đập, đấm đá, bóp cổ, bạo hành, ngược đãi.. - Bạo lực ngôn từ: Là hành vi sử dụng ngôn từ không đúng chuẩn mực với mục đích gây tổn hại đến danh dự, tâm lý của nạn nhân như dọa nạt, chửi rủa, chế giễu và nói xấu một cách công khai, ngôn từ bịa đặt sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự của nạn nhân. - Bạo lực tình dục: Dùng sức mạnh hay vũ khí nhằm cưỡng bức và hiếp dâm, xâm phạm tình dục khi nạn nhân không tình nguyện. - Bạo lực tinh thần bằng việc tẩy chay, cô lập nạn nhân, cố ý gây ra trạng thái khủng hoảng tinh thần cho nạn nhân. - Hình thức của bạo lực diễn ra rất đa dạng, không chỉ ở không gian ngoài đời thực mà còn ở trên mạng xã hội (bạo lực mạng). Có thể là bạo lực trực tiếp (những hành vi tác động xấu trực tiếp vào thể xác và tinh thần nạn nhân) hay bạo lực gián tiếp (những hành vi gián tiếp đẩy nạn nhân vào trạng thái khủng hoảng). Bạo lực cá nhân hoặc bạo lực tập thể cũng là một cách phân chia hình thức bạo lực. C. Đối tượng: "Bạo lực học đường" diễn ra với những đối tượng nào? +Đối tượng của bạo lực học đường cũng như hình dung của rất nhiều người, đó là học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên có một đối tượng khác mà ít người nghĩ đến khi nói đến bạo lực học đường đó là đối tượng giáo viên. Với cơ sở lý thuyết của bạo lực học đường là hành vi bạo lực tại các đối tượng trong trường học và cơ sở giáo dục thì giáo viên cũng là một trong số đó. Tất nhiên hành vi bạo lực của giáo viên gây ra cho học sinh hay ngược lại đều được coi là bạo lực học đường. +Đối tượng tham gia bạo lực học đường rất đa dạng và không có đặc thù nào cho họ. Tuy vậy, nạn nhân của bạo lực học đường thì thường có đặc điểm riêng. Phần đông trong số họ có thể có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, hoặc có khiếm khuyết dị tật trên thân thể, hoặc ngoại hình bị coi là xấu xí số với tiêu chuẩn xã hội, cũng có những trường hợp là các nạn nhân có nhiều vấn đề trong sự kết nối xã hội như giao tiếp kém, bệnh tâm lý.. D. Nguyên nhân của bạo lực học đường: Có rất nhiều nghiên cứu, phân tích của các tổ chức xã hội hay các cá nhân về vấn đề nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Trong các nghiên cứu này, họ tập trung chủ yếu vào sự xung đột giữa người bạo lực và nạn nhân, tâm lý của kẻ bạo hành và các trở ngại nạn nhân mắc phải. Trên thực tế, nguyên nhân của bạo lực học đường có thể khái quát ngắn gọn la vấn đề của sự suy đồi đạo đức, nhưng để lý giải chi tiết thì sâu xa hơn rất nhiều. Xem xét từ góc độ khách quan, bạo lực học đường xảy ra nguyên do chủ yếu bởi vấn đề nhận thức và đạo đức. Những kẻ gây ra bạo lực thường vô cảm, ích kỷ và thiếu tình yêu thương với người khác. Đôi khi họ còn có nhận thức rất lệch lạc về vấn đề. Trong xã hội hiện đại, vấn đề suy đồi đạo đức trong văn hóa và lối sống của con người vô cùng bức thiết. Đó là hệ quả của một sự giáo dục không đúng cách. Nhân cách đạo đức của một con người ảnh hưởng rất nhiều bởi nền giáo dục mà họ tiếp nhận. Một hành động vô nhân đạo như bạo lực học đường xảy ra chắc chắn có liên quan đến giáo dục. Đầu tiên phải nói là giáo dục trong gia đình. Giáo dục gia đình rất quan trọng, là cái nôi nuôi dưỡng và dạy một con người học cách yêu thương và chia sẻ. Nhưng trong xã hội hiện đại này, biết bao cha mẹ vì mải mê với công việc, cố gắng chạy theo vật chất mà bỏ bê giáo dục con cái. Cha mẹ ích kỷ và vô tâm thì khó khăn để những đứa trẻ biết thấu hiểu và yêu thương được. Tiếp đến là sự giáo dục ở trường lớp. Vấn nạn bạo lực học đường diễn ra tràn lan trong xã hội đã phản ánh hiện thực rằng nền giáo dục có một lỗ hổng rất lớn. Trong giáo dục, quan trọng nhất để dạy nên một con người đó là giáo dục đức hạnh. Nhưng nền giáo dục hiện đại của Việt Nam và thế giới thời nay rất nhiều đã không coi trọng điều đó nữa, chỉ coi trọng vào giáo dục chuyên môn. Vi thế mà đạo đức của học sinh thực sự yếu kém. Hơn nữa xã hội hiện đại quá nhiều cám dỗ và nguy cơ dễ khiến con người sai trái, nếu không có nền tảng giáo dục từ gia đình và nhà trường thì sao có thể hành vi đúng đắn được? Loại hành vi phi đạo đức như bạo lực học đường diễn ra cũng không có gì khó hiểu. Xã hội hiện đại khi mà con người ham mê theo đuổi vật chất mà quên đi những giá trị đạo đức căn cốt, mạng xã hội tràn lan những thông tin độc hại gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức của con người, đặc biệt là học sinh, thì không những không có được sự yêu thương gắn kết sẻ chia mà còn là sự toan tính, đố kỵ, thù oán và sẵn sàng tổn hại lẫn nhau, trong chính môi trường học đường. Nguyên nhân tiếp theo đó là do người lớn, thầy cô, cha mẹ đã không quan tâm đến tình hình của học sinh khi xảy ra bạo lực học đường. Có rất nhiều trường hợp, khi bạo lực xảy ra, nạn nhân đã tìm cách cầu cứu nhưng giáo viên và cha mẹ lại hoàn toàn thờ ơ, họ thậm chí không hề coi đó là sự việc nghiêm trọng. Và vì thế nên những vụ bạo lực học đường không được giải quyết ngay mà xảy ra liên tiếp trong thời gian dài. Một nguyên nhân nữa, đó là những nạn nhân trải qua bạo lực lại im lặng và không báo án, có thể vì sợ hãi và hổ thẹn. Nhưng sự im lặng của những nạn nhân sẽ chỉ tạo điều kiện cho người bạo lực tiếp tục hành vi phi nhân đạo của mình mà không phải lo sợ gì cả, lâu dần trở nên quá thậm tệ. Đó không phải là một lỗi sai, bởi bản thân nạn nhân đã phải chịu tổn thương rất nặng nề. Nhưng điều đó thực sự đã tạo điều kiện cho hành vi bạo lực diễn ra nhiều hơn, và cần tìm cách giải quyết tích cực. E. Hậu quả nghiêm trọng của bạo lực học đường: +Bạo lực học đường gây ra hậu quả nặng nề với những nạn nhân: Ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập, tổn hại sâu sắc tới thể chất và tinh thần, thậm chí còn đẩy nạn nhân vào sự khủng hoảng và bế tắc đến mức tâm thần hoặc tự tử; khiến người bị bạo lực có thể phải sống mãi trong sự ám ảnh và khó hòa nhập với xã hội.. +Bạo lực học đường làm tổn thất nghiêm trọng tới các gia đình và ngành giáo dục, làm suy giảm niềm tin của xã hội vào giáo dục, gây tâm lý hoang mang sợ hãi cho những gia đình có con học tại nơi xảy ra vụ việc bạo lực.. + Đối với những người gây bạo lực, khi sự việc được phát hiện đồng nghĩa với việc đối mặt với những kỷ luật, sự lên án của toàn xã hội. Điều này có thể làm ảnh hưởng danh tiếng cá nhân và gia đình, ảnh hưởng kết quả học tập.. 2. Tình hình thực tế của vấn nạn bạo lực học đường trên toàn cầu: A. Tình hình về mức độ phổ biến: Cùng với sự phát triển nhiều phương diện của xã hội, con người cũng phải đối mặt với một đời sống phức tạp hơn. Những vấn đề toàn cầu liên quan mật thiết đến văn minh – văn hóa nhân loại ngày càng nghiêm trọng và gây nhức nhối. Trong đó, với nền giáo dục toàn cầu nói riêng thì bạo lực học đường chính là một vấn đề như vậy. Những năm gần đây tình trạng này diễn ra ngày một phổ biến, dưới nhiều hình thức và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Hầu như không một nền giáo dục của quốc gia nào trên thế giới có thể hoàn toàn thoát khỏi việc đối mặt với bạo lực học đường, chỉ là tần suất và mức độ không giống nhau. Trong hai thập kỷ gần đây, bạo lực học đường ngày một phổ biến trên toàn thế giới. Để làm rõ cho thực trạng này, sau đây là một vài số liệu thống kê và dẫn chứng cụ thể: +Theo số liệu của UNESCO (năm 2017), tỷ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến 246.000 triệu người trên thế giới; trong đó, Indonesia có tỷ lệ cao nhất với 84%. + Tại đất nước Australia, Bộ Giáo dục Bang Queensland tuyên bố vào tháng 7 năm 2009 rằng mức độ gia tăng của bạo lực tại các trường học là "hoàn toàn không thể chấp nhận" và thừa nhận rằng đã không thực thi đầy đủ để chống lại hành vi bạo lực. Hơn 55.000 học sinh đã bị đình chỉ tại các trường của bang trong năm 2008, gần một phần ba trong số đó bởi "hành vi không đúng đắn về thể chất". Tại Nam Australia, 175 vụ tấn công bạo lực vào các học sinh hay giáo viên đã được ghi nhận trong năm 2009. +Tại Hoa Kỳ, theo Trung tâm Thống kê Quốc gia về Giáo dục Mỹ, bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng. Năm 2007, năm gần nhất có dữ liệu tổng thể, một cuộc điều tra toàn quốc, được tiến hành hai năm một lần bởi Các Trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và có những mẫu đại diện của các học sinh trung học Hoa Kỳ, thấy rằng 5.9% học sinh mang theo một loại vũ khí (như súng, dao, vân vân) vào trường học trong 30 ngày trước thời điểm điều tra. Tỷ lệ này ở nam lớn gấp ba lần nữ. Trong 12 tháng trước cuộc điều tra, 7.8% học sinh trung học được thông báo đã bị đe dọa hay bị thương tích bởi một vũ khí trong trường học ít nhất một lần, với tỷ lệ cao trong nam lớn gấp hai lần nữ. Trong 12 tháng trước cuộc điều tra, 12.4% học sinh từng tham gia vào một vụ đánh nhau tại trường ít nhất một lần. Tỷ lệ nam cũng cao gấp hai lần nữ. Dữ liệu mới nhất của Mỹ về tội phạm bạo lực trong đó các giáo viên là mục tiêu cho thấy 7% (10% tại các trường đô thị) giáo viên năm 2003 là đối tượng bị đe dọa bởi học sinh. 5% giáo viên tại các trường đô thị bị tấn công thể chất, với những tỷ lệ thấp hơn tại các trường ngoại ô và nông thôn. Các thành viên khác trong trường cũng có nguy cơ bị tấn công bạo lực, với các lái xe buýt trường học là những người rất dễ bị nguy cơ. +Năm 2023, theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, khoảng 1, 9% trong số gần 487.000 học sinh từ lớp 4 tới lớp 12 được khảo sát nói từng bị bắt nạt ở trường. Tỷ lệ này cao hơn 0, 2% so với năm ngoái và là mức cao nhất trong 10 năm qua. +Tại Nhật Bản, theo kết quả cuộc điều tra năm 2016, số vụ bắt nạt học đường chiếm tỉ lệ khá cao, lên đến 323.808 vụ (23.9 vụ bắt nạt/1.000 em). Trong đó bắt nạt tại bậc tiểu học chiếm tỉ lệ cao nhất với 73% tổng số vụ; 400 vụ bị "dán nhãn" nghiêm trọng, gây ra những hậu quả lâu dài cho nạn nhân cả về thể chất lẫn tinh thần; 17 vụ bị đình chỉ đến trường; 12 vụ tấn công giáo viên. Trong khi đó, tỉ lệ trẻ nghỉ học dài ngày lên đến 134.398 vụ (trong số này, 57% nghỉ học trên 90 ngày). Đặc biệt nghiêm trọng là có 10 vụ tự sát do trầm cảm. +Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.. Những số liệu thống kê về tỉ lệ bạo lực học đường trong trường học tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới được đưa ra đã cho thấy mức độ phổ biến của tình trạng này trong vài thập kỷ qua trên khắp thế giới. Thậm chí số lượng các vụ bạo lực học đường còn có xu hướng tăng lên theo từng năm. Bạo lực học đường diễn ra không chỉ ở Đại học, Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, mà ngay cả cấp Tiểu học cũng dần phổ biến. Dưới rất nhiều hình thức, có nhiều học sinh, giáo viên đã và đang là nạn nhân của bạo lực học đường. Đương nhiên đó mới là thực tế thống kê được, còn rất nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra nhưng đã chìm xuống và không được quan tâm. Nhiều nạn nhân trải qua bạo lực không dám công khai điều đó nên thực tế có thể chênh lệch hơn so với thống kê rất nhiều. B. Tình hình về mức độ nghiêm trọng: Trong số các vụ việc bạo lực học đường được thống kê trên số liệu sẽ bao gồm cả những vụ việc ở mức độ nặng và rất nặng, nhẹ và rất nhẹ. Nhưng trên thực tế có không ít sự ghi nhận về các vụ việc bạo lực học đường xảy ra với mức độ nghiêm trọng và khá nghiêm trọng. Thậm chí có vài trường hợp bạo lực học đường nặng nề đến mức gây rúng động dư luận trong nước và quốc tế. Sau đây là một vài dẫn chứng của các vụ bạo lực học đường có mức độ nghiêm trọng trên toàn cầu: +Vụ hành hung ở trường trung học nữ sinh Yangsan (Hàn Quốc) xảy ra vào năm 2021, một học sinh nước ngoài bị cả nhóm học sinh cấp 2 hành hung. Thủ phạm đã ghi lại vụ tấn công và thậm chí trơ tráo phát tán trên các diễn đàn internet. +Angel Green – nữ sinh 14 tuổi tới từ bang Indiana (Mỹ) đã treo cổ tự tử trên một cái cây trước điểm dừng xe buýt của trường với mục đích để những kẻ đã hành hạ cô phải nhìn thấy cái xác vô hồn của mình. Angel thường xuyên bị bạn bè gọi là "con điếm", "đứa con gái hư hỏng". Chúng cũng liên tục chế nhạo việc cha cô bị bỏ tù vì đã đánh cô. Điều đó được chia sẻ trong bức tâm thư cuối cùng cô để lại trước khi treo cổ. +Tại thành phố Otsu thuộc tỉnh Shiga ở Nhật Bản, 2 cựu học sinh một trường cấp 2 phải bồi thường thiệt hại tổng cộng 37.5 triệu yên (7, 83 tỉ đồng) vì bắt nạt khiến một nam sinh phải tự sát vào năm 2011. Nạn nhân 13 tuổi bị hai bạn cùng lớp đã hành hung ngày càng nhiều, mối quan hệ bạn bè của cậu sụp đổ, nam sinh này cảm thấy bị cô lập và bắt đầu nghĩ về cái chết. Nạn nhân có lần bị bóp cổ và buộc phải ăn ong chết khi học tại một trường ở thành phố Otsu. Cậu bé tự kết liễu cuộc đời vào buổi sáng 11/10/2011 khi mới 13 tuổi. +Ở Việt Nam, ngày 20/8/2022, Công an phường Biên Giang (quận Hà Đông, TP Hà Nội) xác minh, làm rõ vụ nữ sinh lớp 6 bị nhóm bạn bắt quỳ gối rồi đánh liên tiếp. Theo đại diện Phòng GD&ĐTquận Hà Đông, những học sinh tham gia đánh nữ sinh trong clip đang lan truyền trên mạng là học sinh lớp 7, 8 của trường THCS Biên Giang. Qua tìm hiểu xác minh từ nhà trường cho thấy học sinh bị đánh là em N. T. A. T, học sinh lớp 6A3. Hai nữ sinh tham gia đánh em T. Là N. B. N. (lớp 7A4) và C. P. A. (lớp 8D). Trong đó, em N. Có bố mẹ đã ly hôn và em ở với ông bà ngoại. Nguyên nhân của vụ hành hung nữ sinh là do mâu thuẫn xảy ra từ lâu, khi còn học tiểu học. Trong khi nữ sinh bị hành hung, một số học sinh đã dùng điện thoại ghi lại và tung lên mạng. Một số dẫn chứng đưa ra chỉ là một phần trong số rất nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng đã xảy ra trong nước và quốc tế. Điều đó cho thấy tình trạng bạo lực học đường có mức độ nặng nề trên khắp thế giới. Có nhiều vụ việc bạo lực gây ra tổn thương sâu sắc cho thể xác và tinh thần của nạn nhân, còn có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng còn khiến nạn nhân tử vong. Từ đó có thể thấy được một thực trạng không thể chối bỏ của ngành giáo dục, đó là vấn nạn bạo lực học đường ngày càng phổ biến và nghiêm trọng. Thực trạng này phản ánh sâu sắc tình hình thực tế của ngành giáo dục mỗi quốc gia. Qua thực trạng đó, chúng ta nhận thức được bạo lực học đường là một vấn nạn thực sự cấp thiết, nó không hề đơn giản và không đáng bận tâm như chúng ta vẫn tưởng. 3. Đề xuất giải pháp cho vấn nạn bạo lực học đường: +Gia đình và nhà trường phải trở thành cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục con người từ khi còn nhỏ, chú tâm vào việc giáo dục đạo đức, nuôi dưỡng lòng yêu thương và biết sẻ chia ở các học trò.. +Quy định nghiêm khắc về việc kỷ luật các học sinh vi phạm bạo lực học đường trong nhà trường, xem xét việc hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với học sinh. +Gia đình và xã hội có ánh nhìn tích cực, khích lệ động viên những học sinh từng là nạn nhân của bạo lực học đường để họ có thể quay lại hòa nhập với cộng đồng. C. Phần kết luận: 1. Khái quát và nên lên tầm quan trọng của vấn đề: Bạo lực học đường hiện đang là một vấn đề toàn cầu gây nhức nhối mà nhân loại phải đối mặt. Sự gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ việc bạo lực học đường trên các quốc gia đã và đang phản ánh sự suy đồi của đạo đức trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ở học sinh. Môi trường học đường vốn dĩ phải là nơi các học sinh được giáo dục toàn diện và hạnh phúc với thanh xuân trọn vẹn thì giờ đây lại tràn lan những hành vi vô nhân đạo, ích kỷ và vô cảm, làm tổn thương lẫn nhau. Phải nhìn nhận thực tế rằng xã hội hiện đại phát triển cũng kèm theo đó vô số mặt trái, những hệ lụy sinh ra chủ yếu đó việc con người đánh mất những giá trị đạo đức nền tảng và căn cốt nhất. Bạo lực học đường, không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đã phản ánh sự thiếu sót của nền giáo dục khi chỉ chú trọng chuyên môn mà không để tâm việc giáo dục đức hạnh. Hậu quả mà nó gây ra rất nghiêm trọng, đặc biệt là với nạn nhân. Sự tổn thương cả về tinh thần và thể xác có thể khiến nạn nhân vô cùng đau đớn và ám ảnh, khó khăn hòa nhập lại với xã hội. Bởi vậy, bạo lực học đường là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc. Bài báo cáo nghiên cứu này là kết quả trình bày về vấn nạn bạo lực học đường từ lý thuyết cho đến thực tế, đồng thời đưa ra một số biện pháp giải quyết cho vấn đề. Việc hiểu và ngăn chặn bạo lực học đường chính là nỗ lực cần thiết để xây đắp nền giáo dục tốt đẹp và bảo vệ tương lại của những thế hệ học sinh sẽ gánh vác trách nhiệm với đất nước sau này. 2. Đề xuất hướng nghiên cứu mới: Bài báo cáo nghiên cứu về một vấn đề xã hội toàn cầu, một hướng nghiên cứu mới là tổ chức các cuộc khảo sát thực tế, phỏng vấn các đối tượng khác nhau nhằm thu thập các nguồn thông tin, đánh giá, nhận xét, ý kiến thiết thực về vấn đề. Đồng thời kết hợp với việc tra cứu thông tin từ sách báo, mạng Internet.. để có kiến thức phong phú và chính xác phục vụ cho bài nghiên cứu.