Việt Bắc - Tố Hữu: Phân Tích 8 Dòng Thơ Đầu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Dautaycutee, 20 Tháng năm 2024.

  1. Dautaycutee

    Bài viết:
    6
    "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu"

    (Tiếng hát con tàu-Chế Lan Viên)​

    Tây Bắc được coi là chiến khu cách mạng, là nơi đưa ra những quyết định quan trọng mang tính lịch sử, góp phần làm lên chiến thắng cho cả dân tộc, cho nền độc lập nước nhà. Đây là vùng đất nghèo khó gian khổ nhưng giàu ân tình, từ lâu đã trở thành đề tài trong thơ ca. Viết về Tây Bắc, ta có thể kể đến các tác phẩm 'Tây Tiến'của Quang Dũng, 'Người lái đò sông Đà' của Nguyễn Tuân, hay 'Vợ chồng A Phủ' của Tô Hoài.. Trong mỗi tác phẩm, vùng đất Tây Bắc lại hiện lên với những vẻ đẹp, hình ảnh khác nhau. Nếu Tô Hoài thể hiện trong tác phẩm là đời sống nghèo khổ lam lũ nhưng giàu tình cảm, sức sống mãnh liệt, hay 'Tây Tiến'là hình tượng người lính Tây Tiến bi tráng trên nền cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. Đến với 'Việt Bắc' của Tố Hữu chính là khúc hùng ca, tình ca về cách mạng, về cuộc sống và con người kháng chiến. Tám câu thơ đầu của bài thơ thể hiện nỗi nhớ về cuộc kháng chiến và cách mạng, khung cảnh chia ly giữa người đi và kẻ ở lại

    Nhà thơ Tố Hữu được coi là "cánh chim đầu đàn" tiên phong trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Ở tác phẩm Việt Bắc, Tố Hữu đã hoàn toàn khẳng định được mình là một cây bút cách mạng – trữ tình xuất sắc nhất trên văn đàn Việt Nam thế kỉ XX. Việt Bắc- tác phẩm được ra dời trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết thành công, miền Bắc được giải phóng, hòa bình được lập lại, một trang sử mới mở ra cho đất nước. Tháng 10 năm 1954, nhân sự kiện các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ phải rồi chiến khu Việt Bắc để về Thủ đô, Tố Hữu đã viết nên bài thơ này. Bài thơ không chỉ là tình cảm riêng của Tố Hữu mà còn là tình cảm, suy nghĩ của những con người kháng chiến với Việt Bắc, với cách mạng. Là khúc tâm tình của kẻ ở người đi xong ở bề sâu của nó chính là truyền thống ân nghĩa và thủy chung của cách mạng. Đoạn thơ đã tái hiện được không khí của cuộc chia tay đầy lưu luyến đó là không khí ân tình của hồi tưởng và hoài niệm, của ước mơ khát vọng và sự tin tưởng. Bài thơ không chỉ ghi lại mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mà còn là lời tâm sự đầy yêu thương, thể hiện tình cảm son sắt thủy chung của người đi và chiến khu Việt Bắc.

    Xuyên suốt tác phẩm là nỗi niềm thương nhớ về những năm tháng chiến tranh gian khổ mà đầy nghĩa tình của quân và dân.

    "Mình về mình có nhớ ta

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

    Mình về mình có nhớ không


    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn"


    Mở đầu bài thơ, tác giả đã sử dụng một câu hỏi tu từ mang âm hưởng ca dao: "Mình về mình có nhớ ta". "Mình về" ở đây tiết lộ cho độc giả thấy hoàn cảnh để đưa đến nỗi niềm của người ở lại. Đó là đang tiễn người đi về nhà. Chữ "mình" và "ta" được sắp xếp đứng cách xa nhau và chữ "nhớ" được đứng ở giữa. Điều đó thể hiện, dù mình và ta có cách xa nhau bao nhiêu thì vẫn nhớ mãi về nhau. Nỗi nhớ ấy dựa trên 15 năm gắn bó thiết tha mặn nồng, từ láy 'thiết tha' đã thể hiện rõ tình cảm keo sơn gắn bó. Đó là tình đồng chí, đồng bào trong một thời kháng chiến đầy gian lao, khốc liệt. 15 năm với biết bao đau thương mất mát, giờ đây là tình cảm thiết tha mặn nồng. 15 năm là quãng thời gian có thể ví như là ¼ đời người. Người ở và người đi đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, đã cùng vào sinh ra tử. Điệp cấu trúc ' Mình về mình có nhớ' cùng không gian sông núi, cây, nguồn đã cho thấy núi rừng, suối nguồn Việt Bắc như là sự nhắc nhở, nhắn nhủ không quên cội nguồn, bởi Việt Bắc chính là cội nguồn của cách mạng.

    Trong câu thơ xuất hiện hai từ chỉ hành động "nhìn" và "nhớ". Một hành động mô tả hoạt động thị giác, một động từ mô tả hoạt động trong tâm tưởng. Nhìn là đang nói về hiện tại, tương lai. Nhớ là nói về quá khứ. Điều này nhấn mạnh rằng dù người ở và người đi tương lai có như thế nào thì vẫn nhớ về quá khứ bên nhau. Động từ "nhớ" xuất hiện với tần suất dày, như để khẳng định như để khắc sâu hơn vào tâm hồn người và cảnh Việt Bắc về nỗi nhớ. Đồng thời qua đây ta có thể cảm nhận được tấm lòng chân thực, tình cảm chân thành của người dân miền núi dành cho chiến sĩ. Dù nghèo khổ ra sao, nguy hiểm, gian lao thế nào, họ vẫn luôn dành cho các cán bộ miền xuôi một tình cảm da diết và mãi vững bền qua năm tháng.

    Nếu như bốn câu thơ đầu lột tả tình cảm của người Việt Bắc dành cho cán bộ về xuôi thì những câu thơ sau nói lên tình cảm đáp lại của chiến sĩ, cán bộ với người chiến khu:

    "Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi"


    Nghệ thuật hoán dụ 'tiếng ai' chỉ đồng bào Việt Bắc. Người chiến sĩ định bước đi, nhưng bỗng nghe tiếng "ai tha thiết" khiến cho họ bước đi mà trong lòng bâng khuâng, bồn chồn. Nhà thơ thật khéo léo khi chỉ qua hai câu thơ nhưng vẽ lên được sự bịn rịn quyến luyến không muốn chia xa của cả người ở lẫn người đi. Chỉ có những ai gắn bó với nhau lắm, yêu nhau lắm thì mới khó lòng chia xa đến như vậy. Bởi cả hai người ở và người đi đều biết, chiến tranh sẽ vẫn còn tiếp diễn. Sự gặp lại biết đến bao giờ. Bởi thế, họ càng thấy nuối tiếc xót xa. Tác giả sử dụng 2 cụm từ láy "bâng khuâng" và "bồn chồn" càng nhấn mạnh thêm sự day dứt, lưu luyến của người đi. Người đi là các cán bộ về xuôi. Họ ra đi nhưng vẫn mang trong mình nỗi lo lắng và nhung nhớ. Họ thương người dân chiến khu. Họ lo lắng rồi đây, trong những năm tháng tiếp theo, người dân nơi đây sẽ như thế nào. Thật sự, chưa nơi đâu mà tình cảm quân dân lại thắm đượm đến như thế.

    "Áo chàm đưa buổi phân li

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"


    "Áo chàm" là người ta nghĩ ngay tới hình ảnh chiếc áo màu nâu, là màu áo của bà con nông dân lam lũ, cực khổ đã lao động cần mẫn phục vụ cho Cách mạng. Nhà thơ sử dụng hình ảnh hoán dụ "áo chàm" chính là nói về người dân Việt Bắc. Áo chàm không dành cho riêng ai, mà nói về tất cả những người dân chiến khu, qua đó nhấn mạnh kí ức, lưu giữ trong người ra đi về màu áo chàm. Họ và các cán bộ cầm tay nhau mà không biết nói gì. Không phải họ không có gì để nói với nhau là trong lòng quá nhiều thứ để nói. Họ muốn nói với nhau nhiều lắm nhưng không bắt đầu từ đâu. Thế nên, chỉ cầm tay nhau để cảm nhận hết nỗi lòng. Bởi từ bàn tay, trái tim con người sẽ dễ dàng cảm nhận được. Dù tình cảm vô cùng keo sơn gắn bó, nhưng giữa những con người ấy vẫn có lí trí. Họ hiểu rằng, không còn cách nào khác. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc chia li. Nhưng chia li trong nước mắt hạnh phúc vẫn hơn là trong đau khổ. Dù là phải xa nhau nhưng người dân Việt Bắc và các chiến sĩ vẫn có niềm vui của chiến thắng.

    Với thể thơ lục bát, lối hát đối đáp mang âm hưởng ca dao, dân ca giúp bài thơ thêm phong phú về giai điệu. Ngôn ngữ thơ mượt mà, uyển chuyển đặc biệt là cặp đại từ nhân xưng mình-ta vừa ngọt ngào lại vừa sâu lắng. Kết hợp với nhiều biện pháp tư như như hoán dụ, câu hỏi tu từ.. đã phần nào giúp bức tranh buổi phân ly thêm rõ nét và lắng đọng nhiều cảm xúc. Hình ảnh chia ly giữa kẻ người đi đầy lưu luyến qua đây đã khẳng định được tình cảm ân tình thủy chung bền sâu của đồng bào Việt Bắc với cách mạng đó là sự nhớ thương thủy chung trân trọng đối với Việt Bắc và thời kỳ kháng chiến đầy gian khổ như hào hùng của cả dân tộc.

    Như vậy có thể thấy đây là một trong những đoạn thơ hay và đặc sắc nhất trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Tám câu thơ trên đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai mờ về tình cảm giữa người Việt Bắc và cách mạng, khung cảnh buổi chia tay đầy xúc động của đồng bào dân tộc miền núi với chiến sĩ khi về xuôi. "Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" Việt Bắc chính là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ nói chung và đoạn thơ nói riêng sẽ luôn tồn tại, sống mãi trong lòng chúng ta, trong trái tim người đọc Việt Nam.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...