Vì sao triều Minh - Thanh không xây dựng thuộc địa châu Mỹ

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi TruongTamPhong, 27 Tháng mười hai 2023.

  1. TruongTamPhong

    Bài viết:
    1
    Một trong những bước ngoặt trong lịch sử thay đổi cán cân Đông - Tây là việc các quốc gia Tây Âu đã khám phá ra con đường tới châu Mỹ và tiến hành xâm chiếm, xây dựng thuộc địa ở châu lục này từ thế kỷ 15 đến 18. Tài nguyên và con người ở đây đã tạo nên một bệ phóng, giúp các quốc gia Tây Âu lên tầm thế lực toàn cầu. Vậy tại sao Trung Quốc dưới thời Minh - Thanh đã không làm được việc tương tự?

    Trước hết, chúng ta hãy cùng nhìn vào khoảng cách địa lý. Vào năm 1492, mặc dù vừa đi vừa dò dẫm nhưng Columbus đã đến được Trung Mỹ chỉ trong 5 tuần. Đến tận thế kỷ 18, khi công nghệ hàng hải tân tiến hơn với các tuyến đường được vạch sẵn, chuyến hải trình của các tàu galleon Tây Ban Nha từ Manila (Philippines) cũng mất đến 2 tháng và 3 tuần để tới thành phố cảng Monterey thuộc California và 4 tháng để tới Acapulco ở Mexico. Điều này cho thấy mỗi năm, nếu tính khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 1, người châu Âu có thể gửi rất nhiều chuyến tàu sang châu Mỹ, trong khi châu Á chỉ có thể gửi duy nhất một chuyến đến đây.

    [​IMG]

    hành trình của Christopher Colombus tới Châu Mỹ.



    [​IMG]

    Khoảng cách địa lí quá xa từ Châu Á tới Châu Mĩ.





    Kể cả với khoảng cách địa lý gần gũi và tần suất lịch trình di chuyển dày đặc của các chuyến tàu thì cũng phải đến thế kỷ 17 châu Âu mới bắt đầu cử được những đội quân vài ngàn người sang châu Mỹ. Lực lượng này chỉ đủ để xây dựng và bảo vệ những cứ địa ven bờ biển chứ chưa đủ sức áp đảo các thế lực bản địa như liên minh Iroquois hay Mohican.

    Về địa chính trị, các nước Tây Âu như Tây Ban Nha và Anh không bị cản trở bởi những thế lực khác trên tuyến đường sang châu Mỹ. Trong khi đó, nạn cướp biển Nhật Bản (Oa Khấu) thế kỷ 15 và 16 đã tàn phá dải duyên hải Trung Quốc, điều này khiến các khu dân cư phải lùi sâu vào nội địa hàng chục dặm, dẫn đến việc Trung Quốc rơi vào thế bị động và hoàn toàn cô lập về đường biển nếu không dẹp được mối lo Oa Khấu. Chỉ sau cuộc đại chiến Nhâm Thìn giữa nhà Minh, Triều Tiên cùng Nhật Bản, và sau khi Nhật Bản thống nhất ở thế kỷ 17, nạn Oa Khấu mới chính thức chấm dứt. Nhưng ngay sau đó vấn đề lại xảy đến, người Mãn Châu đe dọa biên cương phía Đông Bắc của Trung Quốc. Quốc lực khánh kiệt, ngoại xâm, cộng với những cuộc nổi dậy bên trong đã khiến nhà Minh sụp đổ vào đầu thế kỷ 17. Người Mãn Thanh sau đó tiến vào quan nội nhưng cũng phải mất hàng chục năm đấu tranh mới có thể bình định được toàn bộ Trung Quốc.

    [​IMG] thuyền Oa Khấu

    [​IMG]

    Kỵ xạ Mãn



    Đến cuối thế kỷ 17, khi đã trở thành "chúa tể" chính thức của Trung Quốc, đại dương cũng không phải là ưu tiên số 1 của triều Mãn Thanh. Lúc này họ lại hướng vào nội địa để đương cự với cuộc Đông tiến của đế chế Nga và đế quốc Mông Cổ Dzungar (đế quốc du mục hùng mạnh cuối cùng trên địa cầu với lãnh thổ ở Trung Á và Tân Cương). Trải qua hơn 100 năm giằng co, nhà Mãn Thanh mới có thể tiêu diệt được người Dzungar.

    Để hiểu hơn về vị trí địa lý cũng như chính trị của Trung Quốc, ta lấy đế quốc Nga ra làm ví dụ cụ thể tương đồng. Mặc dù là một thế lực hùng mạnh ở châu lục, sở hữu lãnh thổ và tài nguyên mênh mông, nhưng nước Nga cũng không tiến hành khai thác châu Mỹ. Để đi sang Tân Thế giới, họ cần đánh bại người Thụy Điển và làm chủ biển Baltic. Cùng với đó ở mạn Đông Nam, người Nga cũng phải liên tục giằng co với đế quốc Ottoman và các hãn quốc du mục Trung Á. Do đó, không lạ gì khi các cường quốc châu lục như Nga và Trung Quốc cuối cùng đã bị bỏ xa trong cuộc đua giành giật Tân Thế giới với các quốc gia Tây Âu như Anh, Tây Ban Nha.

    [​IMG]

    Chiến tranh Đế quốc Nga - Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) thế kỷ

    Như vậy có thể thấy, những rào cản địa lý đã trở thành yếu tố ngăn cách hai triều đại Trung Quốc cũng như các cường quốc lục địa khác trong việc vươn quyền lực tới châu Mỹ. Từ xưa đến nay, các phân tích tìm hiểu nguyên nhân vì sao những vấn đề trên lại xảy ra thường quy về các yếu tố mang tính tinh thần như niềm tin, dân tộc tính, tư duy. Nhưng nếu xét ở khía cạnh tâm lý cũng như động cơ của các cường quốc phương Tây và Trung Quốc, khi thực hiện các cuộc viễn dương ở thế kỷ 15, ta lại thấy rất tương đồng: Đó đều xuất phát từ những nỗ lực do nhà nước tài trợ để mở mang thương mại và lan tỏa ảnh hưởng (ảnh hưởng Thiên Chúa giáo ở phương Tây và Khổng giáo ở phương Đông). Cũng như những người tị nạn tôn giáo và chiến tranh thế kỷ 17 đã rời bỏ châu Âu để xây dựng thuộc địa ở vùng đất mới, đã có một làn sóng của hàng triệu người Trung Quốc đổ tới Nhật Bản, Triều Tiên và Đông Nam Á nhằm lánh xa những cuộc chiến đẫm máu do quân nổi dậy người Hán và người Mãn gây ra. Tuy vậy, thay vì tìm ra một lục địa mênh mông mà người bản địa có trình độ công nghệ quân sự rất thấp như châu Mỹ, người di cư Trung Quốc không thể thực hiện thuộc địa hóa bằng vũ lực ở các mảnh đất họ tới, bởi đó đều là các đế quốc hùng mạnh, có nhiều sắt, ngựa và thuốc súng. Ở quê hương mới, họ chỉ có thể trở thành những cộng đồng buôn bán thay vì trở thành Conquistador (Chinh tướng ).

    Tóm lại, có thể thấy được địa lý đã quyết định dòng chảy lịch sử thế nào. Tây Âu đã được địa lý ưu ái hơn, dẫn đến "tỷ suất lợi nhuận" khổng lồ mà Trung Quốc không thể nào sánh được.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười hai 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...