Vì sao tổ bìm bịp có rắn? Nếu bạn vẫn chưa biết, thì bìm bịp chính là khắc tinh của rắn đấy! Nghe đến đây thì câu hỏi "Vì sao tổ bìm bịp có rắn" đột nhiên không còn đáng sợ nữa nhỉ, con rắn trong tổ bìm bịp này nếu không phải tù binh thì cũng là con mồi mà thôi. Dù sao cũng chào mừng các bạn trở lại với 1000 câu hỏi của Ngáy, với người hỏi kiêm người trả lời là mình. Đôi điều về chim bìm bịp Chim bìm bịp có tên khoa học là Centropus sinensis, loài chim này được cho là đặc biệt nhạy cảm với môi trường sống. Chim bìm bịp có thân và đuôi dài, mắt màu đỏ, bộ lông trên đầu và ngực có màu xanh đen, riêng đôi cánh có màu nâu đỏ. Bìm bịp thường sống ở đồng bằng, trung du và miền núi, các vùng có độ cao từ 600 đến 800 mét. Sở dĩ gọi là bìm bịp là xuất phát từ chính tiếng kêu của chúng. Tiếng kêu này thực ra nghe gần giống "bịp bịp bịp", nhưng thay vì gọi là chim "bịp bịp" thì theo cách nói giảm nhẹ của người Việt ta, tương tự như "trắng trắng" sẽ nói là "trăng trắng", "bật bật" sẽ nói là "bần bật", nên "bịp bịp" sẽ gọi thành "bìm bịp". Bìm bịp trống và bìm bịp mái đều có màu lông như nhau, ngoại hình nhìn chung cũng không có nhiều khác biệt, ngoại trừ việc bìm bịp trống hơi nhỏ hơn bìm bịp mái một chút. Bìm bịp lúc nhỏ toàn thân phủ lông màu nâu chấm đen. Khi bìm bịp trưởng thành, phần đầu mỏ, cổ, ngực và đuôi đều có màu xanh đen nhạt, thân mình và đôi cánh có màu nâu đỏ, mắt đỏ chân đen. Như đã nói, khi bìm bịp trưởng thành, bìm bịp trống sẽ nhỏ hơn bìm bịp mái. Từ chót mỏ đến chót đuôi dài 35 - 38cm. Mỏ cong dài 3, 5cm. Lúc xếp lại cánh dài 16 - 18cm. Đuôi dài 18 - 20cm. Nhìn bên ngoài thân dày 8 - 9cm. Bàn chân bốn ngón sắp xếp đặc trưng cho một số loài chim chuyên ăn rắn, phía trước và sau đối xứng nhau, một cặp ngắn, một cặp dài. Khắc tinh của rắn Bìm bịp thích ăn mồi sống, thức ăn của chúng bao gồm cóc, nhái, ếch, rắn nhỏ, cào cào, ấu trùng chuồn chuồn, mà món chúng yêu thích nhất là rắn. Khi một đôi bìm bịp có con non, trong quá trình chim con phát triển, nhu cầu về thức ăn rất cao, thời gian ở tổ lại khá lâu nên chim bố và chim mẹ sẽ bắt rắn về giam lỏng trong tổ để làm mồi dùng dần. Do đó, trong tổ chim bìm bịp đôi khi sẽ xuất hiện rắn, có thể là sống hoặc chết, mà sở dĩ có khác biệt này cũng là có lý do. Cũng vì thức ăn yêu thích của chúng là rắn, nên bìm bịp thường chọn làm tổ ở những bụi rậm um tùm nhiều rắn, do đó, mỗi khi tìm thấy tổ bìm bịp là có thể tìm thấy rắn gần đó. Có điều, nếu là chim lớn khoẻ mạnh thì việc rắn sợ hãi không khó hiểu, nhưng rắn bị nhốt trong tỏ có chim non, mà cũng không dám động đến một sợi lông của lũ chim non yếu ớt thì lại rất khó giải thích. Ông bà mình thường nói là vì lông và phân chim bìm bịp có mùi khiến lũ rắn khó chịu, nên những con rắn con khi bị bắt về nếu hoảng sợ trước mùi hương này thì sẽ tự động ngoan ngoãn nằm yên, nhưng một số ít loài rắn không sợ "mùi" này thì bìm bịp bố và bìm bịp mẹ sẽ giết chết trước khi đưa về tổ. Cũng có khả năng là bìm bịp bố mẹ biết được loài rắn nào sẽ không làm hại đến con mình nên mới bắt mang về. Khả năng diệu kỳ này của bìm bịp chính là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên. Cũng lại có người cho rằng các loài rắn sau khi bị bìm bịp bắt mang về tổ lại không dám ra khỏi hang chính là vì chúng sợ rằng khi ra khỏi hang sẽ trở thành mồi cho lũ bìm bịp lớn, nên tốt nhất là nằm yên cho khoẻ. Sinh sản.. Bìm bịp tuy có thân mình nhỏ bé hơn bìm bịp cái, nhưng khác với những loài chim khác, là con mái giữ tổ và chăm sóc chim non, chim trống tìm thức ăn, bìm bịp thì khác, chim trống lại phụ trách việc nuôi và chăm sóc con non, bao gồm luôn cả việc đi tìm và mớm thức ăn cho con non, cũng như bảo vệ con non khỏi kẻ thù. Trong khi chồng tất bật lo cho con thì bìm bịp mái lại tự do bay lượn bên ngoài, đôi khi còn bay cùng các con bìm bịp trống khác. Tổ bìm bịp có dạng túi dài, miệng tổ hơi nghiêng về một bên. Mùa giao phối và sinh sản của chúng kéo dài từ 4 đến 5 tháng, mỗi năm chúng có thể đẻ khoảng hai đến ba lứa, nhưng thường là hai lứa, mỗi lứa khoảng 3 - 4 trứng, vì ảnh hưởng từ môi trường và các động vật săn mồi nên số trứng nở được thường từ 2 - 3 trứng. Những cặp chim ở bưng biền (vùng đất trùng ở quanh ruộng) thường đẻ sớm hơn chim ở đất gò. Tổ chim được xây trong bụi rậm cách mặt đất chừng 1 - 2 mét bằng cỏ và lá cây, tương tự như tổ chuột đồng. "Chó" giữ nhà đuổi rắn.. Bìm bịp kêu rất to, lại hung dữ nên một số người nuôi bìm bịp để giữ nhà, nếu muốn thành công nuôi bìm bịp giữ nhà, đầu tiên là phải nuôi từ khi còn là chim con và phải thả tự do như bồ câu, thứ hai là phải có thời gian dạy dỗ luyện tập để chim biết phân biệt người quen người lạ. Hiển nhiên là bẩm sinh bìm bịp không biết giữ nhà, nhưng dựa vào hai tập tính vốn có của chim bìm bịp là tập tính bảo vệ lãnh thổ và phản xạ có điều kiện thì có thể dạy chim bìm bịp cách giữ nhà. Theo đó, tập tính bảo vệ lãnh thổ chính là khi bìm bịp sắp trưởng thành, chúng sẽ muốn được tự do, do đó, người nuôi không nên nhốt chúng trong lồng mà phải thả tự do, có thể là trong phạm vi vườn nhà. Và vùng di chuyển tự do của chúng sẽ được bọn chúng nghiễm nhiên xem là "lãnh thổ" của mình, do đó nếu có người xâm phạm vào vườn nhà bạn, cúng tức là xâm phạm "lãnh thổ" của chúng, chúng sẽ hét lên rất to, tương tự như cách loài ngỗng giữ nhà, chỉ có điều vì cơ thể nhỏ bé nên chúng sẽ không đuổi theo kẻ xâm phạm đến cùng, nhưng tiếng kêu của chúng chắc chắn sẽ không dừng cho đến khi kẻ xâm phạm rời khỏi lãnh thổ. Còn dựa theo phản xạ có điều kiện chính là mỗi khi chim bìm bịp đuổi người ra khỏi lãnh thổ của chúng đúng theo ý bạn, bạn nên cho chúng một chút phần ăn ngon, cứ làm như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần nghĩa là bạn đang thiết lập một phản xạ có điều kiện, bìm bịp sẽ tự hiểu rằng nếu chúng bảo vệ lãnh thổ của mình thì sẽ được thưởng ăn ngon. Nếu nuôi bìm bịp trong vườn, nhất là những vườn có cây bụi um tùm thì bạn yên tâm sẽ không có rắn, bởi đã nói, rắn là thức ăn ưa thích của chúng, nên việc nuôi bìm bịp sẽ khiến rắn không dám bén mảng đến vườn nhà bạn, hơn nữa lông và phân của chúng có thể tạo mùi xua đuổi được rắn. Bìm bịp trống hay mái đều có thể luyện thành chim mồi để săn bìm bịp, tuy nhiên, những người bắt chim nhiều kinh nghiệm lại khuyên nên chọn chim mái sẽ dễ bắt được mồi hơn. Nếu từ đầu chọn nuôi chim con làm chim mồi, thường phải mất 2 - 3 năm mới có được chim mồi hay, nếu chọn chim bổi (chim trưởng thành hoang dã) để làm chim mồi thì thời gian nhanh hơn, nhưng thuần hóa lại rất khó khăn. Bài viết tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tại sao chú voi to lớn lại sợ chú chuột nhỏ bé nhé! Bài trước: Tại Sao Gọi Là Hổ Phách? Bài tiếp theo: Vì Sao Voi Sợ Chuột? 1000 câu hỏi khác: [Thảo Luận - Góp Ý] 1000 Câu Hỏi Của Ngáy